T
ôi đã biết đến E. E. Cummings theo cách mà phần lớn những người đàn ông nhạy cảm, thông minh ở tầm tuổi tôi biết đến E. E. Cummings, thông qua một trong những cảnh phim lãng mạn nhất của một trong những câu chuyện tình lãng mạn nhất mọi thời đại, Nàng Hannah và các chị em1. Trong câu chuyện tình đó, người đàn ông đã có vợ, thông minh, tinh tế bậc nhất New York tên là Elliot (do Michael Caine thủ vai) đã đem lòng yêu thương người chị em đằng nhà vợ của anh ta (do Barbara Hershey thủ vai). Anh ta phải hết sức cẩn thận. Anh ta không thể cứ thế mà tán tỉnh cô nàng được. Anh phải đợi chờ ở gần nhà cô ấy và giả vờ như tình cờ gặp cô. Cực kỳ thông minh và lãng mạn. Tình yêu dẫn dắt hành động mà. Cô ấy tỏ ra ngạc nhiên khi tình cờ gặp anh và dẫn anh đến hiệu sách Pageant – nào, bạn có hiểu được dụng ý ở đây không thế? – nơi anh mua một tập thơ của E. E. Cummings để tặng cho cô nàng và anh nhắn cô mở bài thơ ở trang 112 ra đọc.
1 Tên gốc: Hannah and Her Sisters
Cô ngồi một mình trên giường, đọc bài thơ; trong lúc đó, anh đứng một mình ở trong phòng tắm và nghĩ về cô khi chúng ta đang nghe tiếng cô ấy đọc. Câu thơ yêu thích của tôi trong bài này là:
Không một ai, kể cả cơn mưa, lại có được đôi bàn tay nhỏ xinh đến thế.
Trừ em, em Beck. Những ngày vừa qua, tôi đã tìm hiểu được khá nhiều. Em đặt đôi bàn tay nhỏ xinh của em vào nơi nhạy cảm chỉ em biết đến những khi em hứng tình, điều khiến tôi nhớ đến một trò đùa khác ở trong phim Hannah, khi cô Mia Farrow trách móc Woody Allen rằng ông đang tự hủy hoại bản thân mình với việc thủ dâm quá độ. Em sẽ ổn thôi, tôi hi vọng thế.
Vấn đề của cái xã hội này là nếu một người bình thường mà biết về chúng ta – biết rằng em, cô đơn, lên cơn cực khoái ba lần một đêm; và tôi, đang ở phía bên kia đường, ngắm em lên đỉnh, và cũng cô đơn như thế thì phần lớn mọi người sẽ cho rằng tôi là thằng thần kinh. Hừm, dễ thấy là đa số con người trên đời đều là đồ ngu xuẩn. Người ta thích những thứ huyền bí rẻ tiền và hầu hết mọi người chưa bao giờ được nghe về Paula Fox hay Hannah, vì thế, chân thành mà nói, Beck ạ, mặc xác mọi người đi, em nhỉ?
Ngoài ra, tôi thích cái cách em tự chăm sóc bản thân mình thay vì lấp đầy căn nhà và thỏa mãn nhu cầu của em bằng một mớ những thằng đàn ông kém chất lượng. Em là câu trả lời cho tất cả những bài báo vớ vẩn trên tạp chí lá cải về “văn hóa tình một đêm” thời hiện đại. Em có những chuẩn mực riêng của bản thân và em là Guinevere, một câu chuyện tình yêu tuyệt đẹp đang chờ đợi nửa kia của riêng mình, và tôi cá là em có viết hoa chữ Nửa Kia khi em mơ về anh ta. Về tôi. Tất cả mọi người đều muốn có tất cả mọi thứ ngay lập tức nhưng em thì có được khả năng kiên nhẫn chờ đợi cùng với
Đôi bàn tay nhỏ xinh đến thế.
Cái tên của em là một nơi chốn tuyệt vời để khởi đầu mọi thứ. May cho cả hai chúng ta, trên đời này không có nhiều lắm những người tên là Guinevere Beck – chỉ có mỗi em. Việc đầu tiên mà tôi làm là đi tìm địa chỉ nhà em và tôi nhận ra rất rõ ràng Internet là thứ được người ta thiết kế ra bằng tình yêu, em ạ. Nó đã mang đến cho tôi rất nhiều thông tin về em, Beck ạ, ví dụ như tài khoản Twitter của em:
Guinevere Beck
@theUnRealBeck1
1 Cuộc đời không thật của Beck
Chẳng có suy nghĩ nào của tôi không được nói ra hết. Tôi biến chúng thành những câu chuyện. Tôi đọc lên những câu chuyện. Tôi trò chuyện với những người xa lạ. Nantucket là quê hương nhưng New York mới là nhà.
Dòng giới thiệu tiểu sử trên hàng tá những trang báo mạng đăng tải những ghi chép của em (hay những bài tiểu luận, nếu em muốn gọi chúng như thế), những dòng nhật ký mập mờ (hay những mẩu truyện ngắn như em muốn gọi), và cả những bài thơ mà em thỉnh thoảng sáng tác đã vô tình bộc lộ con người thật của em. Em là một nhà văn sinh ra, lớn lên ở Nantucket và em hay nói đùa về hôn nhân cận huyết trên đảo (mặc dù em không phải kết quả của một cuộc hôn nhân cận huyết), chuyện giăng buồm ra khơi (mặc dù em sợ lên thuyền lắm) và chứng nghiện rượu (em mất bố vì chứng nghiện rượu của ông và em viết về chủ đề đó rất nhiều lần). Gia đình của em vừa nghiêm khắc lại vừa quá chiều chuộng lũ con. Em không biết làm sao để có thể sống được ở thành phố này, nơi mà chẳng ai quen biết ai, mặc dù em đã có bốn năm làm sinh viên đại học tại Brown. Em bị đưa vào danh sách chờ và em cứ nhắc đi nhắc lại rằng đây là kết quả của một sự nhầm lẫn nào đó. Em thích ăn cháo ngô nấu kiểu Ý và bánh đào Larabars. Em không chụp lại đồ ăn hay các buổi hòa nhạc nhưng em có sử dụng Instagram (nhưng chỉ đăng những thứ cũ kỹ như những tấm ảnh của người bố đã qua đời hoặc những tấm ảnh chụp bãi biển từ đời nào mà em cũng chẳng nhớ được nữa). Em có một người anh trai tên Clyde. Bố mẹ em đúng là những kẻ ngớ ngẩn trong chuyện đặt tên. Em có một cô em gái tên Anya (ngớ ngẩn thật đấy nhưng không phải theo kiểu mà tôi đã nghĩ). Hồ sơ bất động sản cho thấy căn nhà mà gia đình em đang sử dụng là chính chủ ngay từ đầu. Em sinh ra trong một gia đình nông dân nhưng em lại ưa nói rằng em không chốn dung thân tại Nantucket, trong khi rõ ràng gia đình nhà em có nhà có cửa ở đó. Toàn là những lời tuyên bố chối bỏ trách nhiệm, em giống như tờ giấy thuốc lá có hại cho sức khỏe dán trên vỏ bao thuốc lá vậy.
Anya sinh ra ở đảo và cô ấy sẽ không bao giờ rời khỏi nơi đó. Cô ấy như một đứa trẻ chẳng thích bất cứ thứ gì trên đời này, ngoài những buổi đi dạo trên bãi biển, khung cảnh trong xanh của mùa hè và sự vui buồn tăng, giảm thất thường theo mùa du lịch tại đây. Với em, Anya cũng rối tinh rối mù như bố em vậy. Em viết về cô ấy trong những truyện ngắn của em, lúc thì em biến cô ấy thành cậu bé con hoặc một người phụ nữ trung niên mù, lúc thì lại là một chú sóc lạc, nhưng vẫn rõ ràng là em đang viết về cô em gái của em. Em ghen tị mà cũng thương xót cô bé vô cùng. Làm sao cô bé có thể không có lấy một chút tham vọng nào với cuộc đời này như thế?
Clyde là người con lớn nhất và anh ấy phải gánh trách nhiệm điều hành hãng taxi riêng của gia đình ở trên đảo. Anh ấy đã kết hôn, sinh được hai đứa con và là hình mẫu ông bố quốc dân điển hình. Điều này được thể hiện rõ ràng trong tấm hình chụp anh được in trên tờ báo địa phương: hình ảnh người lính cứu hỏa tình nguyện, trên người mặc đồ da, đúng chuẩn một dân Mỹ điển hình. Bố của em có tên trong hồ sơ những kẻ nghiện rượu ở mọi thị trấn nhỏ, một kẻ chuyên lái xe khi say và say xỉn nơi công cộng, còn anh trai của em thì lại hoàn toàn trái ngược: tỉnh táo, cực kỳ tỉnh táo. Nếu em là con đầu lòng thì có lẽ trách nhiệm điều hành việc làm ăn của gia đình sẽ gần như là bắt buộc. Thế nhưng em lại là đứa con giữa, em học tốt ở trường và cả cuộc đời em được dán nhãn “niềm hy vọng của gia đình”, người nhất định sẽ tháo chạy khỏi nơi đó.
Mạng Internet là một phát minh vĩ đại của nhân loại và xem này, em đã viết gì trên mạng sau khoảng một tiếng đồng hồ tính từ khi chúng ta gặp nhau hôm đó:
Tôi ngửi thấy mùi cheeseburger.
#CornerBistroLàmTôiThấyBéoLắmNhé.
Và để tôi nói cho em nghe nhé, vào cái khoảnh khắc đó, tôi đã băn khoăn đấy em ạ. Có lẽ với em thì tôi chẳng có chút gì đặc biệt cả. Em thậm chí không nhắc gì đến tôi, đến cuộc nói chuyện giữa hai ta. Thế mà có dòng Tôi trò chuyện với những người xa lạ ở trên tiểu sử Twitter của em đấy. Tôi trò chuyện với những người xa lạ. Cái gì thế này hả Beck? Trẻ con không nên nói chuyện với người lạ, nhưng em là người lớn rồi mà. Hay là cuộc nói chuyện giữa hai ta chẳng có ý nghĩa gì với em cả? Hay là tôi cũng chỉ là một người xa lạ nào đó với em thôi? Hay có phải tiểu sử Twitter của em là một cách tinh tế để em thông báo rằng em chỉ là một con điếm thích gây sự chú ý với mọi người, không có chút chuẩn mực nào và em sẵn sàng dành thời gian nói chuyện với bất cứ thằng dở hơi nào vẫy tay chào em? Có lẽ nào tôi chẳng là gì với em cả? Em thậm chí còn không đả động gì đến thằng cha em gặp ở hiệu sách ư? Đệch, tôi nghĩ, thế phải chăng tôi đã sai rồi. Có lẽ giữa hai ta chẳng có gì với nhau cả. Nhưng sau đó, tôi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về em và có vẻ như em không hề viết về những thứ thật sự có giá trị. Em không chia sẻ thông tin về tôi cho những người theo dõi em. Nếu cuộc sống trên mạng xã hội của em là một màn trình diễn thì việc em không giới thiệu tôi ra cho mọi người xem chính là vì em đang thèm muốn tôi. Có lẽ em còn thèm muốn tôi nhiều hơn tôi cảm nhận được, khi ngay lúc này đây, có thể thấy bàn tay của em lại đang lần xuống phía dưới quần tìm kiếm khu vực nhạy cảm của em thêm lần nữa.
Điều tiếp theo mà Internet mang đến cho tôi là địa chỉ hiện tại của em. Số Năm mươi mốt phố Bank. Em lại đùa tôi nữa à? Đây không phải là một khu phố trung lưu, nơi những người làm văn phòng đi đi về về chăm chỉ như những chú ong thợ. Đây là khu láng giềng với bên đó, nơi này vô cùng nhàm chán, buồn ngủ và an toàn đến phát kinh lên được bởi đây là khu vực bất động sản đắt tiền ở phía Tây. Tôi không thể cứ thế mà đến khu phố nhà em được. Tôi phải đến đó trong bộ dạng quần là áo lượt chỉn chu chứ. Tôi tìm đến cửa hàng quần áo cũ. Tôi mua một bộ vest (kiểu mà doanh nhân lịch lãm, hoặc là lái xe, hay người giữ cửa khách sạn hay mặc), một cái quần thợ mộc với chiếc thắt lưng dùng để buộc khi leo trèo (để giả dạng làm thợ sửa chữa ngồi nghỉ ngơi) và một bộ đồ kiểu thanh niên đi tập thể thao (mấy thằng dở hơi luôn cần chăm sóc cơ thể cường tráng của chúng). Tôi mặc vest trong lần đầu tới đây và tôi rất thích nơi này, Beck ạ. Đây là nơi tinh túy của New York lâu đời và tôi trông chờ được thấy Edith Wharton và Truman Capote tay trong tay băng qua đường, tay cầm theo một phần cà phê đựng trong ly giấy Hy Lạp, giống như thời hoàng kim của họ, như thể họ được bảo dưỡng bằng phoóc-môn. Rất lâu về trước, các nàng công chúa đã sống ở đây và Sid Vicious đã kết thúc đời mình ở dãy nhà này, khi các nàng công chúa còn thơ bé, khi Manhattan còn hoang sơ. Tôi đứng ở trên phố và cửa sổ phòng em đang mở, cánh cửa không có rèm và tôi nhìn thấy em đang đổ yến mạch vào cái bát hiệu Tupperware. Em không phải một nàng công chúa. Tài khoản Twitter của em đã cho tôi biết rằng em may mắn trúng thưởng căn nhà này.
Ừm, nghe thì không giống như @Anna Kendrick47 đâu nhưng tôi rất yêu những con người tuyệt vời của @BrownBiasedNYC và tôi không thể đợi đến lúc chuyển tới phố Bank được nữa.
Tôi ngồi xuống một bậc cửa và tra cứu Google. Giải độc đắc Brownstone là một cuộc thi viết luận dành cho những sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Brown, những sinh viên cần một căn nhà để định cư tại New York sau khi tốt nghiệp. Căn hộ này thuộc sở hữu của gia đình Brown (dù cho ý nghĩa chính xác của cụm từ này có là gì chăng nữa) trong nhiều năm. Em là một thí sinh toàn năng trong mảng sáng tác truyện hư cấu, vì thế chẳng ngạc nhiên mấy khi chiến thắng một cuộc thi viết dưới vỏ bọc một giải xổ số. Còn Anna Kendrick là nữ diễn viên trong phim Pitch Perfect, bộ phim về một nhóm sinh viên đã hát a cappella trong một cuộc thi. Em tự thấy bản thân mình tương đồng với cô gái kia, điều mà tôi thấy chẳng đúng gì cả. Tôi đã xem cái phim Pitch đấy rồi. Cô ta chẳng bao giờ sánh được với em.
Mọi người đi ngang qua sảnh căn hộ của em, mặc dù sảnh này chỉ hơi cao một chút so với mặt đường nhưng chẳng ai buồn dừng lại nhìn em, dù cho em đang đứng sờ sờ ra đấy. Cả hai cửa sổ nhà em đều đang mở rộng và em khá may mắn khi khoảng phố này chẳng phải đoạn hay tắc đường. Điều này có thể lý giải được sự riêng tư trong ý thức mà em có. Tối hôm sau, tôi quay lại (vẫn bộ vest đấy thôi, cái này chịu, không thay đổi được) trong khi em đi đi lại lại, trần truồng ngay trước cửa sổ đang mở rộng. Trần truồng! Tôi đi đi lại lại trên phố, lên xuống những bậc cửa nhưng em chẳng hề để ý đến tôi và cũng chẳng ai để ý đến em hay tôi cả, có phải mọi người ở đây đều mù dở cả rồi không?
Ngày qua ngày và tôi càng lúc càng trở nên lo lắng. Em đi lại như diễu hành thế kia thật không an toàn, chỉ cần có một thằng lập dị phát hiện ra em ở bên trong là gã có thể sẽ xông vào và mang em đi mất. Mấy hôm sau, tôi mặc đồ thợ mộc và tôi tưởng tượng đến đủ thứ, như là đặt thanh gỗ lên trên cửa sổ nhà em để ngăn tầm nhìn từ ngoài vào cái mà em gọi là “nhà”. Khu phố này, ừ thì cứ cho là nó an toàn đi, nhưng nó im lặng chết chóc, ghê ghê kiểu gì ấy. Có lẽ tôi siết cổ một lão già ngay giữa đường phố cũng chẳng có ai đến ngăn tôi lại cả.
Tôi quay lại với bộ vest của mình (thế này tốt hơn nhiều so với bộ đồ thợ mộc), đội thêm một cái mũ lưỡi trai Yankees mà tôi tìm thấy ở một cửa hàng đồ cũ khác (ừ tôi khốn nạn thế đấy!) để phối đồ chung với nhau, đề phòng em phát hiện ra, mà chắc em sẽ không phát hiện ra đâu. Một người đàn ông sống ở cùng tòa nhà với em đã leo lên cái cầu thang nhỏ (chỉ có ba bậc thôi) dẫn tới cửa thoát hiểm (cửa này không khóa!) và cái cửa đó cực gần với căn hộ của em. Nếu anh ta muốn (mà ai lại không muốn chứ?), anh ta có thể dựa vào lan can, gõ ngón tay lên cửa kính nhà em và gọi tên em được rồi.
Tôi đến vào buổi sáng, tôi đến vào buổi tối, và bất cứ lúc nào tôi ở đấy thì cửa sổ của em đều mở. Có vẻ như em chẳng bao giờ xem tin tức buổi tối hoặc phim kinh dị, còn tôi ngồi trên những bậc thang đá nâu ở phía bên kia con đường nhỏ, sạch sẽ, đối diện với tòa nhà nơi em ở, giả vờ đọc cuốn George Tội Nghiệp của Paula Fox hoặc giả vờ nhắn tin cho đồng nghiệp (haha) hay giả vờ gọi điện cho một người bạn muộn giờ hẹn và nói toáng lên là mình sẽ đợi thêm hai mươi phút nữa. (Những câu đó là nói cho hàng xóm láng giềng xung quanh nghe, những người đang thập thò đâu đó để nhòm ngó một người đàn ông lạ mặt; tôi xem rất nhiều phim đều thấy thế). Với chính-sách-cửa-luôn- mở của cô gái này, tôi như được cấp phép để bước vào thế giới của em. Tôi ngửi thấy mùi bữa khai vị của em nếu gió thổi đúng chiều và tôi nghe thấy album nhạc Vampire Weekend của em. Nếu tôi giả vờ ngáp một cái và nhìn lên, tôi có thể thấy em thơ thẩn, ngáp dài và đi đi lại lại trong nhà. Có phải lúc nào em cũng như thế này không? Tôi băn khoăn liệu em có như thế này ở Providence không, đi đi lại lại như trình diễn với hàng xóm láng giềng rằng em trần truồng hoặc nửa trần truồng, nghiện ăn thức ăn được hâm nóng trong lò vi sóng và sờ soạng vào khoảng không gian phía trước hai lá phổi của em. Hy vọng là không phải thế, hy vọng là sẽ có một cách giải thích hợp lý nào đó và em sẽ giải thích cho tôi khi có thời gian. Và em với chiếc máy tính làm việc của em nữa, dường như em cần phải nhắc nhở những độc giả tưởng tượng của em rằng em là nhà văn khi chúng tôi (tôi) biết rằng em thực sự là ai: một người thích trình diễn và phô bày thân thể.
Lúc nào tôi cũng phải cảnh giác cao độ. Có hôm tôi vuốt lại tóc của mình còn có hôm thì làm cho nó xù lên. Tôi phải làm mọi cách để thoát khỏi sự chú ý của tất cả những người mà chẳng chú ý đến ai bao giờ. Suy cho cùng, nếu một người bình thường mà được nghe kể về chuyện có một cô gái khỏa thân đi lại loanh quanh trước một ô cửa sổ đang mở và một thằng điên si tình ở phía bên kia đường cứ liên tục trộm nhìn cô thì phần lớn mọi người sẽ bảo tôi dại. Nhưng em mới dại chứ. Em chỉ không bị gọi là dại bởi vì cơ thể em là thứ mà tất cả mọi người đều muốn khám phá, còn toàn bộ sự tồn tại của tôi chẳng là gì so với họ. Tôi sống ở một chung cư 6 tầng, không có thang máy tại Bed-Stuy.
Tôi không cho phép ai biết rằng tôi tốt nghiệp Trường Trung Cấp Vay Mượn, chuyên ngành Cặn Bã Xã Hội. Những nguồn thu của tôi đều không minh bạch và tôi chẳng có gì, ngoài một cái TV có ăng-ten. Loài người chẳng ai muốn chạm vào “cậu nhỏ” của tôi, ngay cả khi nó là một cái gậy dài 10 mét đi chăng nữa. Còn cơ thê của em thì lại khác, nó đáng giá ngàn vàng.
Tôi nhấp một ngụm cà phê khi đang ngồi trên bậc cầu thang, tay cuộn chặt tờ Tạp chí Phố Wall rồi hít một hơi và nhìn về phía em. Tôi không bao giờ mặc bộ đồ thể thao đường phố bởi vì em đã làm cho tôi muốn ăn mặc thật đẹp, Beck ạ. Hai tuần đã qua và đột nhiên có một bà già đốn mạt hạ lưu xuất hiện ở trước cửa nhà em. Tôi đứng dậy, mẹ kiếp, dù sao thì cũng nên tỏ ra mình là một quý ông lịch lãm.
“Xin chào bà.” Tôi nói và đưa tay ra giúp đỡ.
Bà đồng ý. “Đã đến lúc người trẻ cần phải học cách cư xử tử tế,” bà lên giọng càu nhàu.
“Cháu hoàn toàn đồng ý với bà.” Tôi nói và người lái chiếc limo của bà mở cửa xe ra. Ông gật đầu với tôi, như những người anh em. Tôi có thể làm việc này mãi được ấy và tôi ngồi trở lại vị trí của mình ở bậc cửa.
Có phải đó là lý do mà người ta thích xem truyền hình thực tế không? Thế giới của em thật là một kỳ quan đối với tôi, được nhìn thấy nơi em đi lang thang (trong chiếc quần cotton mà em mua online cả mớ từ Victoria’s Secret mà hôm nọ tôi đã nhìn thấy em xé hộp đựng ra) và thấy nơi em không ngủ (em ngồi xuống chiếc ghế bành dài và đọc những thứ tào lao trên mạng).
Em khiến tôi phải suy nghĩ, có lẽ em đang tìm kiếm cậu nhân viên quầy sách đẹp trai hấp dẫn mà em gặp hôm nọ chăng, có thể lắm chứ. Đây là nơi mà em viết, em ngồi thẳng người với mái tóc được búi gọn và gõ chữ với tốc độ của một chú thỏ cho tới khi em không thể chịu được nữa, em với lấy chiếc gối màu vàng xanh, chính là cái gối mà em đã gối đầu lên khi em ngủ trưa, và nhằn nhằn cái gối như một con thú nhỏ. Thư giãn đi. Đó là nơi mà em có thể ngủ mãi được đấy.
Thêm nữa là căn hộ của em bé tí. Em thật đúng khi em viết trên Twitter:
Tôi sống trong cái hộp giày. Như thế cũng chẳng sao vì tôi không chọn loại Benjamins on Manolos1.@BrownBiasedNYC #Rebel.
Cái cốc #BrownUniversity to hơn cả căn hộ của tôi.
@BrownBiasedNYC #bất_động_sản #NYC
1 Benjamins on Manolos là một thương hiệu giày.
Ở đấy không có bếp, chỉ có một khu vực mà các thiết bị được lắp ghép lại với nhau như trong căn hộ mẫu tại Bed Bath & Beyond. Nhưng có những sự thật được ẩn giấu bên trong những dòng tweet của em. Em ghét sống ở đó. Em lớn lên trong một căn nhà rộng với khoảng sân sau và cả sân trước. Em thích không gian ở đó. Đấy là lý do vì sao em luôn để cửa sổ mở. Em không biết sống một mình như thế nào cả. Và nếu em khóa thế giới ở bên ngoài thì em sẽ hoàn toàn cô đơn như thế.
Hàng xóm của em thì như này, ví dụ lũ trẻ chẳng hạn, những chiếc xe limo đón chúng đi ra khỏi những căn nhà rộng bao la gần đó, rồi đến cuối ngày lại đưa chúng về, trong khi em thì ở trong một không gian bé như phòng cho người giúp việc hay phòng cho một chú chó Golden bị bong mắt cá chân. Nhưng tôi không trách em vì đã lựa chọn chỗ ở đó. Em và tôi cùng yêu thích những khu phố phía Tây; và nếu tôi có thể chuyển đến nơi này thì tôi cũng sẽ làm vậy, kể cả khi nó có thể khiến chúng ta dần trở nên điên loạn vì chứng sợ hãi không gian hẹp. Em đã đưa ra lựa chọn đúng, Beck ạ. Mẹ em nói thế này là sai rồi:
Mẹ bảo chẳng “quý cô” nào lại ở trong một cái hộp giày cả. @ BrownBiasedNYC #lý_lẽ_của_mẹ #chẳng_phải_quý_cô
Em đăng Twitter còn đều đặn hơn cả việc viết nữa và đây có thể là lý do vì sao em lấy được bằng Thạc sĩ Nghệ thuật từ trường tư thục The New School chứ không phải từ trường Columbia. Columbia từ chối em.
Từ chối là một thứ nên được gửi bằng thư có phong bì đàng hoàng, bởi vì ít nhất khi đọc xong bạn có thể xé tan nó ra hoặc đốt đi. #không_thích_Columbia_lắm_đâu #cuộc_sống_vẫn_đẹp_tươi
Và em đúng. Cuộc sống vẫn đẹp tươi mà. Mặc dù trường tư thục The New School chẳng phải uy tín lắm, thầy cô và bạn bè ở đó rất thích em. Họ có rất nhiều hội thảo được tổ chức trên mạng. Rất nhiều trường đại học hiện nay có thể tiếp cận trực tuyến, một đòn mạnh mẽ giáng thẳng vào hệ thống tinh hoa ngày càng bất hợp lý mà họ gọi là “đại học”. Em sắp đến hạn phải nộp bài luận rồi, và giá mà em bớt chút thời gian để viết tweet với chăm sóc bản thân đi… Nhưng mà nói thật nhé, Beck ạ, nếu tôi mà có làn da đẹp như em thế kia thì tôi cũng chẳng bao giờ mặc quần áo.
Em thích đặt tên cho mọi thứ và tôi đang băn khoăn liệu em sẽ đặt cho tôi cái tên như thế nào. Em còn đang bận rộn tổ chức một cuộc thi đặt tên cho những thứ có trong căn hộ của mình trên Twitter.
Thế nếu đặt là #nhỏ_hơn_cả_cái_hộp_giày thì sao nhỉ
Hoặc là #máy_tính_bảng_để_xem_Pitch_Perfect
Hoặc là #Lẽ_ra_là_cái_thảm_yoga_chứ_không_phải_một_căn_hộ
Hoặc là
#Đây_là_nơi_mà_em_có_thể_nhìn_qua_cửa_sổ_và_thấy_anh_ chàng_ở_hiệu_sách_đang_nhìn_em_và_em_mỉm_cười_và_em_vẫy_ tay_lại_và...
Một tài xế taxi đang bấm còi inh ỏi bởi vì một thằng khốn vẻ ngoài bảnh bao, trông như thể mới bò ra từ bản nháp không bao giờ được xuất bản của Bret Easton Ellis, đang băng qua đường mà không thèm nhìn. Mồm hắn nói xin lỗi nhưng hắn ta không hề thành tâm và bàn tay hắn đang đưa lên, vuốt vuốt mái tóc vàng.
Thằng khốn có quá nhiều tóc.
Hắn đường hoàng đi lên cầu thang như đúng rồi, cứ như bậc thang đã được xây sẵn ở đó chỉ để cho mỗi hắn đi và cửa mở ra để cho mỗi hắn đi vào. Chính em đã mở cửa ra và bây giờ em đang đứng đó, để dẫn hắn đi vào bên trong, hôn hắn trong khi cánh cửa từ từ đóng lại và bây giờ đôi bàn tay của em
Đôi bàn tay nhỏ xinh đến thế ở trong mái tóc của hắn. Tôi không thể nhìn thấy ai trong hai người nữa cho tới khi hai người bước vào trong phòng khách, hắn ta ngồi xuống ghế sofa còn em cởi chiếc áo ôm phía trên rồi trèo lên trên hắn, uốn éo như một gái nhảy. Như thế không được đâu, Beck ạ. Em bật tiếng kêu rên còn tôi thì băng ngang qua đường, dựa vào cửa căn hộ bởi vì tôi muốn nghe cho thật rõ âm thanh bên trong.
Hắn ta đang lột em ra. Hắn tét mông em. Ngày xửa ngày xưa, có lẽ Truman Capote đã đi ngang qua đây và nhìn vào, có chút ngỡ ngàng; và rồi quay mặt nhìn đi nơi khác. Không ai báo cáo việc này với cảnh sát bởi vì không ai muốn thừa nhận là mình đã nhìn thấy. Đây là phố Bank, trời ạ. Và bây giờ, trong khi em đang làm tình với thằng kia, tôi quay trở lại góc phố của tôi, nơi tôi thấy rằng hắn đang không làm tình với em. Em đang nắm lấy mái tóc của hắn – thằng khốn có quá nhiều tóc – cứ như hắn đang cứu rỗi cuộc đời em, cứu rỗi những câu chuyện của em. Em xứng đáng với những gì tốt hơn thế. Cái cách mà hắn ôm chặt em bằng hai bàn tay to đùng vô dụng, cái cách mà hắn vỗ vào mông em khi hắn đã thỏa mãn thật chẳng tốt đẹp gì. Em trèo xuống và dựa vào người hắn ta nhưng hắn đẩy em ra xa, và em cho phép hắn hút thuốc lá trong căn hộ của em, thả tàn thuốc vào cái cốc Brown còn to hơn cả căn hộ; còn em xem Pitch Perfect trong khi hắn hút thuốc, nhắn tin, và đẩy em ra khi em dựa vào người hắn. Trông em buồn lắm và
Không ai trên đời này có đôi bàn tay nhỏ xinh như vậy
Trừ em và tôi. Tại sao tôi lại chắc chắn đến thế? Vì ba tháng trước, trước khi em gặp tôi, em đã viết dòng tweet này:
Tất cả chúng ta có thể thành thực mà thừa nhận rằng chúng ta biết về #eecummings đều là qua tác phẩm #NàngHannahvàcácchịem? Thôi nào. #khôngnhắctớiBSnữanhé #đến đâylàhếtchuyệnrồi
Em đã thấy em kết nối với tôi ngay từ trước khi em thực sự quen biết tôi chưa? Khi hắn đi, hắn không cầm theo cuốn Những Nhân Vật Tuyệt Vọng của Paula Fox. Hắn là một thằng tóc vàng ngu si khinh thường phụ nữ với cái cổ áo dựng lên và mái tóc được chải chuốt cẩn thận. Hắn ta chỉ lợi dụng em thôi và hắn không phải là người bạn của em, còn tôi bây giờ phải đi về đây. Để em còn tắm chứ.