K
im Linh, là một cô bé, đã qua sinh nhật lần thứ mười một, học lớp Sáu tại trường tiểu học phố Tân Hoa thuộc thành phố này. Em cao 1,55 mét, nặng 50 ký, đủ tiêu chuẩn là tuyển thủ hạng nặng. Vì béo, nên mặt, mũi, miệng đều tròn vo, vừa nhìn ai cũng thích, mà đã thích thì không thể nhịn được, phải bẹo má một cái. Từ nhỏ đến lớn, Kim Linh đã bị người ta bẹo má phải đến hơn nghìn cái, như cô bé nói thì, bị bẹo má đến chai cả da rồi.
Đặc điểm lớn nhất của Kim Linh chính là với ai cũng có thể “thân thiết như quen biết đã lâu”, bất kể là nam nữ, già trẻ, lớn nhỏ, sang hèn, em đều có thể trò chuyện, bàn luận về những chủ đề chung, thường chọc đối phương phải bật cười. Từ trường em về nhà, phải đi qua bốn tiệm tạp hóa nhỏ, ba quầy đồ ăn vặt, một hiệu cắt tóc, một hiệu sửa xe đạp, còn có một cửa hàng quà lưu niệm mới khai trương. Chủ và nhân viên của những cửa hiệu này, đều là những “người thân thiết” của Kim Linh.
Tan học, em đeo cặp sách thong thả đi tới tiệm tạp hóa, thò đầu vào ngắm nghía, xem thử có món ngon, hay đồ chơi mới hay không. Gói bim bim có đính kèm con khủng long cao su ngoài bao bì này, dây tết hình chữ thập này, đồ chơi hình nhân vật phim hoạt hình “hot” nhất gần đây này. Cho dù chủ quán có vô tình đặt những thứ này ở trong góc khuất, Kim Linh vẫn có thể tìm ra ngay, móc tiền mua lấy một món, hoặc nói chủ quán lấy ra cho em sờ một chút rồi lại đặt xuống.
Cuối cùng em đến tiệm đồ ăn vặt tìm bạn cũ của mình-một con mèo nhỏ màu vàng có vằn giống như hổ, toàn thân lấm lem. Em cứ tự nhiên đi vào trong nhà, hướng thẳng vào phòng ngủ của chủ tiệm, bế con mèo nhỏ đang nằm trên giường của người ta ra ngoài, ôm nó rồi thơm nựng thắm thiết, vỗ nhẹ lên đầu rồi thả nó đi. Ai không quen Kim Linh, không chừng sẽ tưởng em là con của chủ tiệm.
Sau đó, em “nghênh ngang” lướt qua cửa hiệu cắt tóc-em chẳng chút hứng thú với hiệu cắt tóc này-rồi đi tiếp đến tiệm sửa xe đạp, ngồi xổm xuống nhìn ông cụ sửa xe như thế nào, thỉnh thoảng nói vài câu vu vơ. Đột nhiên, em ngẩng đầu, trên ban công cách đó không xa, mẹ đã cau mày trừng mắt làm bộ cảnh cáo em. Kim Linh vội vàng đứng dậy, nói tạm biệt với ông cụ, rồi rảo bước về nhà.
Cứ như thế, quãng đường từ trường về nhà chưa đầy hai trăm mét, nhưng Kim Linh phải mất nửa tiếng đồng hồ mới đi hết.
Có một lần, Kim Linh gặp một đôi nam nữ trẻ đang đẩy chiếc xe đạp bên đường, không hiểu sao lại bắt chuyện với họ. Hai người này rất vui, liền mời cô bé ngồi lên ghế sau rồi đẩy tới tận chân cầu thang dưới nhà.
Khi lên tới nhà, Kim Linh kể với mẹ chuyện này, mẹ sợ đến mức mặt trắng bệch, luôn miệng quát: “Nguy hiểm quá! Nếu hai người họ là ‘mẹ mìn’ thì con sẽ ra sao chứ?”.
Kim Linh bĩu môi nói: “Con đâu có ngốc đến như vậy. Người ta bắt cóc con, chả nhẽ con không biết kêu cứu sao?”.
Mẹ phản bác: “Nếu con vừa nói vừa cười, không hề hay biết người ta đưa con đi thì sao? Nếu họ dùng thuốc mê với con thì sao?”.
Kim Linh lầu bầu nói: “Con béo thế này, ai mà cần con? Không sợ con ăn hết đồ ăn trong nhà sao?”.
Dẫu thế nào, mẹ vẫn phải dạy cho Kim Linh biết về việc không được tiếp xúc với người lạ, ví dụ, không được ăn đồ ăn của người lạ, trong đó rất có thể là đã bỏ thuốc ngủ; nhìn thấy đối phương lấy thứ gì giống như cái lọ nhỏ thì phải lập tức tránh xa-đó là lọ thuốc mê dạng phun sương; tuyệt đối không được theo người lạ vào trong xe taxi-mấy vụ bắt cóc đều xảy ra trong xe taxi cả.
Kim Linh bịt tai lại: “Được rồi, được rồi, con không phải con nít mới học lớp Hai đâu!”.
Về thành tích học tập của Kim Linh là như thế này:
Ngữ văn còn tàm tạm, đặc biệt là giải được một số đề văn tương đối khó, cần bổ sung kiến thức đọc hiểu bên ngoài là cô bé có thể tạo bất ngờ.
Tập làm văn thì hơi khó nói, gặp phải đề nào đúng sở thích, lúc cảm hứng tuôn trào, cô bé có thể viết ra “hàng hàng châu ngọc lời lời gấm thêu”, khiến giáo viên cũng phải tấm tắc khen ngợi.
Đáng tiếc là những lúc như vậy lại không thường xuyên xảy ra. Giáo viên đa phần chỉ ra những đề bài khá khuôn mẫu, như “cô giáo của em”, “bạn cùng bàn của em”, “kể lại một lần đi chơi công viên”, “cảm nghĩ khi đi tham quan chỗ này chỗ nọ”...
Những đề bài này đều phải viết về những việc xảy ra trước mắt, không thể viết bừa, ngộ nhỡ viết quá hay, cô giáo lại dùng làm bài mẫu đọc lên trước lớp, chẳng phải sẽ bị lộ sao? Kim Linh không dám làm những chuyện như thế, vì thế phần lớn các bài tập làm văn chỉ được khoảng 80 điểm.
Tai hại nhất là Kim Linh khá cẩu thả, nhiều chữ viết rất sai, chữ “Ký” viết thành “Tức”, chữ “Tái” viết thành “Tại”, chữ “Khán” và chữ “Trước” thường xuyên quên viết nét ngang cuối cùng. Thực ra không phải cô bé không biết viết, chỉ là lúc viết không cẩn thận nên tiện tay dùng một chữ khác, kết quả là bị ăn gạch chéo to tướng. Một bài tập làm văn, cho dù viết không sai, nhưng bị trừ điểm của khoảng hai chục chữ viết sai, điểm số không nói cũng có thể hình dung ra.
Đại để mà nói, thành tích môn Ngữ văn trong khoảng 85 điểm, cao lắm cũng không quá 90 điểm, thấp lắm cũng không dưới 80 điểm.
Môn Toán thì không được tốt như thế. Kim Linh không thích tiết học làm toán, đặc biệt là các đề hỗn hợp bốn phép tính, trong đó gồm số lẻ và phân số, vừa nhìn là đã đau đầu, tính sơ sơ mười câu thì cũng sai đến sáu câu. Mẹ luôn lo lắng vì môn Toán của cô bé, quá nửa thời gian buổi tối là ngồi phụ đạo cô bé làm bài tập Toán, nhưng cũng không thấy cô bé tiến bộ.
Cô giáo đương nhiên cũng sốt ruột cho Kim Linh. Cô giáo nói: “Trong kỳ thi chuyển cấp, môn Toán là môn quyết định. Toán học rất quan trọng”.
Mẹ cũng nói: “Khi thi đầu vào, thi lên cấp hai, đại học sau này, có khi nào là không có môn Toán đâu? Môn Toán con học không giỏi thì gay lắm”.
Kim Linh chỉ học không giỏi mỗi môn Toán.
Mẹ Kim Linh bấm ngón tay tính đi tính lại, vẫn không hiểu con mình học không tốt môn Toán là do đâu: Chồng học ngành khoa học kỹ thuật, môn Toán đương nhiên không phải bàn; bản thân mẹ tuy học khoa văn, nhưng hồi học trung học, môn Toán luôn đứng đầu, kỳ thi đại học cũng nhờ môn Toán nổi trội hơn người khác, nên tổng điểm mới cao; bên nhà ngoại, em trai em gái của mẹ đều tốt nghiệp các ngành khoa học kỹ thuật; bên nhà nội, bốn người thì có đến ba người làm kế toán... tóm lại là không tìm ra nổi đâu là nguyên do.
Không có gì khác, vẫn là Kim Linh không chịu tập trung, học hành à ơi. Một đứa trẻ như thế đúng là “bùn loãng không thể trát tường”.
Tiếng Anh cũng chỉ có thể nói là tàm tạm, thường khoảng 90 điểm.
Ví dụ, quy định bốn mươi phút là phải làm xong một trang đề tiếng Anh, Kim Linh chưa đầy mười phút đã làm xong, nộp bài. Cô giáo cầm đọc lướt qua, không phải đầu câu không viết hoa, thì cũng là ký hiệu phiên âm viết sai, nếu không thì cũng là chữ cái viết xiêu xiêu vẹo vẹo làm người ta không thể đọc ra nổi. Cô giáo dạy tiếng Anh rất thích Kim Linh, vì cô bé phát âm rất chuẩn, khả năng nghe cũng rất tốt, nghe cô bé đọc bài khóa hoặc cùng cô bé luyện nói theo chủ đề đều rất vui. Nhưng Kim Linh mang bài thi cẩu thả như vậy lên nộp, cô giáo còn có cách gì? Không thể nào nói ngay ở đó: “Em làm sai nhiều đấy, mau mang về sửa lại đi!”. Đó chẳng phải là thiên vị sao? Trẻ con bây giờ nhạy cảm với những chuyện này lắm!
Có một lần, thi trắc nghiệm giữa kỳ môn tiếng Anh, Kim Linh hiếm hoi mới được 99 điểm, mẹ vui đến mức trào nước mắt. Không lâu sau mẹ đi họp phụ huynh mới biết, lần kiểm tra trắc nghiệm đó có hơn hai mươi học sinh đạt điểm tối đa.
Kim Linh chính là đứa trẻ như thế này, trông lên không bằng ai nhưng trông xuống cũng hơn khá nhiều người, sống rất vui vẻ thoải mái, không khiến ai giận càng không khiến ai ghét.
Mẹ của Kim Linh không cam tâm để con gái mình như vậy, tìm hết các nguyên nhân, hối hận là mình đã để con đi học quá sớm. Một đứa trẻ bình thường, sáu tuổi mới bắt đầu đi học, mẹ của Kim Linh một lòng mong mỏi con gái thành tài, chưa đầy sáu tuổi đã đăng ký cho con đi học. Kim Linh vốn sinh vào tháng 9, cán bộ hộ tịch ở đồn công an viết lệch nửa trên của số “9”, nên mẹ Kim Linh nhân cơ hội đó, nhấc bút sửa thành số “7”. Lúc đăng ký học, không phân biệt được thật giả, nên Kim Linh đã qua được cửa. Sau này, mẹ Kim Linh được biết, đồng nghiệp cũng có người thay đổi ngày tháng năm sinh của con trong sổ hộ khẩu, hoặc là nhờ quan hệ để cho con đi học sớm. Tại sao con nhà người ta đều trưởng thành được như thế? Có thể thấy được, độ tuổi lớn nhỏ không phải là nguyên nhân chủ yếu tạo nên thành tích tốt xấu.
Bà ngoại nói với mẹ là: “Có trách thì chỉ có thể trách con, từ nhỏ đã không rèn nó vào quy củ.”
Câu phân tích này về cơ bản đã đánh trúng tâm lý. Mẹ Kim Linh xuất thân từ khoa Văn, thời thanh niên tư tưởng khá Tây, sùng bái phương pháp giáo dục phương Tây, từ lúc con gái biết bò đã bắt đầu khuyến khích để con tự do, tự do tưởng tượng, tự do hành động, muốn đi thì đi muốn nằm thì nằm, không dạy học chữ không dạy làm tính, mà lại nhồi cho con một lượng lớn truyện thần thoại, cổ tích, dẫn dắt con gái vào thời đại khủng long, thời đại vũ trụ, kết quả là sức tưởng tượng của Kim Linh siêu phong phú, hoạt động thì nhanh như bay, tùy tiện, không quy tắc, không câu nệ tiểu tiết.
Lấy mấy ví dụ khi Kim Linh mới học tiểu học nhé.
Cặp sách của Kim Linh luôn bị mẹ gọi là “túi rác”, vì bên trong toàn chứa đồ linh tinh. Trước lúc tan học, giáo viên giao bài tập, bảo học sinh lấy giấy bút ra ghi, Kim Linh mới vội vàng lấy hộp bút trong cặp ra thì thấy hộp bút rỗng không, chắc bút đã chui vào góc nào đó trong cặp sách rồi. Cô bé lại đưa tay mò tìm trong cặp sách, mò ra một chiếc bút đã cụt đến mức không thể viết nổi; mò được cây nữa, thì lại bị gãy ngòi. Lúc này cô giáo đã viết đề bài lên bảng, Kim Linh mới cuống cả lên, dốc ngược cặp sách đổ ra nền đất, xoạch một tiếng, bút chì, cục tẩy, đồ chuốt, tập vở đủ màu sắc chất thành đống. Các bạn học đều ngoái đầu nhìn, cả lớp liền lao nhao. Cô giáo phạt Kim Linh đứng suốt một tiết học. Cuối cùng Kim Linh cũng không thể chép bài tập về nhà, sáng hôm sau em bị bắt chép phạt.
Giáo viên Ngữ văn năm đầu tiên của Kim Linh là giáo viên cấp thành phố, cứ dăm ba ngày là có một tiết “dự giờ”. Có một lần đang trong giờ học, Kim Linh cảm thấy giày chật, không thoải mái, liền lén cởi giày. Một lúc sau, cô giáo hỏi một câu về từ trái nghĩa, Kim Linh tích cực giơ tay. Cô giáo nghĩ Kim Linh có câu trả lời chắc chắn, liền gọi em lên bảng. Lúc đứng dậy Kim Linh mới phát hiện là mình đi chân không, vội vàng cúi đầu xuống gầm bàn tìm giày. Tìm mãi chẳng thấy, hóa ra cô bé đã đá giày đến chỗ ngồi của bạn bàn trên rồi. Khi đó trong phòng học còn có hai mươi, ba mươi giáo viên dự giảng của trường khác nữa! Cô giáo Ngữ văn tức đến mức mặt đỏ tía tai, mũi sắp vẹo sang bên.
Sau đó cô giáo có mách với mẹ Kim Linh: “Chân trần thì cứ để chân trần đi, em ấy không tìm thấy giày, sao có thể bày ra trò hề như thế?”.
Mẹ Kim Linh thầm nghĩ trong lòng, một đứa trẻ sáu tuổi sao có khả năng ứng biến được như vậy?
Cặp sách của Kim Linh quá lộn xộn, nên em thường làm mất đồ. Gôm tẩy cứ một hai ngày lại mất. Mẹ Kim Linh mua nhiều đến phát bực, dứt khoát ôm về nhà một hộp, nhưng không lâu sau Kim Linh lại đòi mua tẩy.
Mẹ nói: “Tẩy đâu?”
Kim Linh đáp với vẻ rất vô tội: “Con dùng hết rồi.” Mẹ chạy đi xem, trong hộp quả nhiên trống rỗng.
Lần này mẹ thật sự tức giận, túm Kim Linh ấn lên giường đánh cho một trận, tuyên bố: “Ngày mai về nhà kiểm tra tẩy trước tiên, làm mất thì không cho con ăn cơm”.
Ngày hôm sau, khi Kim Linh tan học về, mẹ chặn trước cửa hỏi: “Tẩy đâu?”. Kim Linh vội vàng nói: “Hôm nay không mất.” Rồi lập tức tìm trong cặp sách.
Nhưng chẳng tìm thấy đâu cả. Ngăn lớn, ngăn nhỏ, hộp bút, ngăn zip của cặp sách, đều chẳng thấy bóng dáng của cục tẩy. Mẹ sầm mặt, giơ tay lên làm bộ đánh, đúng là chẳng ra sao cả!
Trong nhà dù có vạn lượng vàng, cũng chẳng thể nào giữ lâu được với cái kiểu nhớ trước quên sau này!
Trong lúc ngàn cân treo sợi tóc, Kim Linh bỗng nhiên hét lên: “Cục tẩy ở đây!”.
Xòe bàn tay ra, một cục tẩy ướt nhoẹt nóng đến bốc hơi. Hóa ra trước lúc tan học, cô bé cố ghi nhớ cục tẩy trong đầu, dứt khoát cầm chặt trong tay đi về nhà, trên đường ngó đông ngó tây, liền quên mất!
Nhìn xem, đây chính là nhân vật chính Kim Linh của chúng ta. Bạn nói xem cô bé đáng chê hay đáng giận?