MỤC ĐÍCH CỦA SỰ SÁNG TẠO
“Mọi thành tựu và của cải của nhân loại đều khởi nguồn từ một ý tưởng.”
Napoleon Hill
“Có thể khẳng định rằng sáng tạo là nguồn lực quan trọng nhất trong mỗi người. Không có sự sáng tạo sẽ không có sự tiến bộ, và chúng ta sẽ lặp đi lặp lại những mô hình cũ kỹ.”
Edward de Bono
Thế giới và nhân loại phát triển đến nay nhờ quyền năng sáng tạo của con người. Không có sự sáng tạo sẽ không có bất kỳ sự tiến bộ nào. Không có sự sáng tạo, nền văn minh hôm nay sẽ bị xóa sổ bởi bệnh tật và thảm họa, do thiên nhiên hay chính con người gây ra. Không có sự sáng tạo, có lẽ chúng ta sẽ không thể có cuộc sống chất lượng, tận hưởng những tiện nghi hiện đại trong căn nhà êm ái và thoải mái như hiện tại. Không có sự sáng tạo, chúng ta sẽ không đủ khả năng vượt qua những thách thức hiện thời và trong tương lai.
Internet, đặc biệt là các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, YouTube, Twitter, Instagram và Pinterest cho phép chúng ta chia sẻ tính sáng tạo của mình với thế giới. Đồng thời, các phương tiện truyền thông xã hội này cũng là công cụ vô giá cho phép chúng ta tiếp cận kho tàng sáng tạo đến từ những bộ óc thiên tài nhất trên thế giới.
Tự thân mỗi người đều có sự sáng tạo. Chúng ta chỉ khác nhau ở phạm vi phát triển tiềm năng sáng tạo đó mà thôi.
BA LÝ DO CHÍNH TẠI SAO CHÚNG TA CẦN TRỞ NÊN SÁNG TẠO
1. Niềm vui và hạnh phúc
Khi khai phá được quyền năng sáng tạo, chúng ta có được nhiều niềm vui và hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Càng sáng tạo bao nhiêu, thì chúng ta càng vui vẻ và hạnh phúc bấy nhiêu. Chúng ta sẽ tiếp tục trưởng thành, cảm thấy được sống, tràn đầy nhiệt thành và vì thế, cuộc sống trở nên ý nghĩa và trọn vẹn hơn. Nỗ lực sáng tạo cũng là liều thuốc hóa giải sự lo lắng. Nguyên nhân của sự lo lắng đó là gì? Đó là sai lầm trong cách vận dụng trí tưởng tượng của chúng ta.
Những người sáng tạo say mê công việc của họ. Mục tiêu của họ không phải là hy vọng có được danh tiếng hay tích lũy thêm nhiều tài sản, mà là có cơ hội làm những điều họ yêu thích nhất. Khi làm những công việc này, họ cảm nhận được sự xuất hiện của một nguồn lực chói lọi, mang tới cảm giác hạnh phúc từ bên trong.
Những ngày thơ ấu chính là khoảng thời gian tính sáng tạo của chúng ta ở đỉnh cao nhất (xem Tầng khai trí sáng tạo thứ 2). Giai đoạn này cũng là lúc chúng ta cảm thấy hạnh phúc nhất. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trung bình trẻ nhỏ cười khoảng 400 lần/ngày, trong khi con số này ở người lớn là 15 lần/ngày.
Hãy lấy tính sáng tạo làm nền tảng để phát huy quan điểm tích cực và gia tăng cảm giác hạnh phúc. Điều đó giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và bảo vệ cơ thể của chúng ta khỏe mạnh. Người nào khỏe mạnh hơn là người đó hạnh phúc hơn.
Theo báo cáo của Reuters2, những người sáng tạo có đời sống tình dục tích cực hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này không hề ngẫu nhiên. Sự sáng tạo của họ dường như có vai trò tương tự một nam châm tình dục. Họạ sĩ lừng danh Pablo Picasso là một ví dụ điển hình.
2 Reuters là một tổ chức tin tức quốc tế thuộc sở hữu của Thomson Reuters.
Sự hồ hởi với cuộc sống, năng lượng, và ham muốn tình dục đều là đặc tính của những người ấp ủ trong mình sự sáng tạo.
Rất ít người có thể vận dụng trí sáng tạo để nhân cách hóa niềm hạnh phúc tốt hơn Walt Disney. Ngày nay, những nhân vật hoạt hình giả tưởng như chuột Mickey, vịt Donald và chó Goofy, cùng với các công viên chủ đề vui nhộn như Disneyland và Disney World đang mang lại niềm vui và hạnh phúc cho hàng triệu người. Ông đã để lại một di sản đáng giá biết bao.
Alice Walker từng nói: “Giúp đỡ một người là giúp họ sáng tạo mọi thứ để sống lại cảm giác ly kỳ với những tác phẩm đang thai nghén của họ.”
Walt Disney
Walt Disney nói rằng: “Giống như cảm giác của một người trưởng thành nhìn lại khoảng thời gian khi còn thơ ấu qua khung cửa sổ ký ức, nhưng khi biết rằng chúng ta đã trở thành hình mẫu mà mình từng mơ ước khi còn nhỏ thì cảm giác đó còn thú vị, hào hứng hơn nhiều. Đây gọi là sự mãn nguyện.”
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ, Franklin D. Roosevelt chia sẻ như sau: “Hạnh phúc không đơn thuần có được dựa trên sở hữu tiền bạc, hạnh phúc bắt nguồn từ niềm vui khi hoàn thành công việc, từ cảm giác say mê của những nỗ lực sáng tạo.”
Vậy, lý do quan trọng thứ hai mà chúng ta cần phải sáng tạo là gì?
2. Sinh tồn và phát triển
Loài người sống sót qua vô vàn mối đe dọa sự tồn tại nhờ vận dụng trí sáng tạo. Nếu không có nó, chúng ta có lẽ đã tuyệt chủng như loài chim Dodo3. Người ta có thể gọi phẩm chất này bằng nhiều cái tên khác nhau như khả năng thích nghi, sự đổi mới, phát minh và nhiều danh từ tương tự. Bạn cứ đặt cho nó bất cứ tên gọi nào mà bạn có thể nghĩ ra, tuy nhiên, tất cả những tên gọi đó đều để chỉ trí sáng tạo.
3 Raphus cucullatus hay dodo là một loài chim không biết bay, sống tại đảo
Thực tế này được chứng minh trong nghiên cứu do Giáo sư E Paul Torrance thực hiện. Từ những ngày đầu của cuộc Chiến tranh Triều Tiên, Không quân Hoa Kỳ giao nhiệm vụ cho Torrance phát triển một chương trình huấn luyện nhằm chuẩn bị cho các phi công Hoa Kỳ và phi hành đoàn của họ sống sót trong các điều kiện chiến tranh. Điều kiện đó bao gồm các tình huống như bị bắn hạ trên biển, rơi xuống rừng rậm hoặc thậm chí trong lòng kẻ địch.
Sau khi tiến hành nghiên cứu sâu rộng, Torrance nhận thấy rằng, có một kỹ năng sinh tồn mà không chương trình nào thời đó từng đào tạo đó là: Sự sáng tạo.
Mauritius ở phía đông Madagascar, Ấn Độ Dương.
Trong loạt phim truyền hình McGyver, người hùng McGyver luôn xoay xở tìm đường thoát thân trong những tình huống nguy hiểm và gần như bất khả thi bằng cách vận dụng trí tưởng tượng sáng tạo của mình. Anh ta sống sót nhờ sử dụng những vật dụng trong tay theo một cách khác biệt và biến chúng thành công cụ trốn thoát.
Trong một nghiên cứu mang tính bước ngoặt với hơn bảy trăm nữ tu, David Snowdon, Giáo sư khoa Thần kinh của Trường Cao đẳng Y thuộc Đại học Kentucky, Hoa Kỳ, đã phát hiện ra rằng có một mối tương quan lên đến 80% giữa sự sáng tạo và sự vắng mặt của bệnh Alzheimer ở những nữ tu này khi họ về già. Tám mươi phần trăm! Cuộc hành quân đổ bộ của các chứng bệnh Alzheimer dường như bị tâm trí tích cực gây trở ngại.
Con người là sinh vật duy nhất có khả năng thay đổi môi trường sống nhờ ứng dụng công nghệ. Nếu không có sự sáng tạo, không một công nghệ nào có thể được phát minh và cải tiến. Chúng ta tiến bộ được như ngày hôm nay là nhờ vào việc vận dụng trí sáng tạo của mình.
E. Paul Torrance
“Giải quyết vấn đề một cách sáng tạo là con đường sinh tồn duy nhất mỗi khi con người phải đối mặt với tình huống sống còn, khi chưa từng biết đến hay thực hành qua một biện pháp nào tương tự.
Trong trường hợp phải đối mặt với một tình huống chưa có sẵn giải pháp, chúng ta phải sử dụng tư duy sáng tạo.”
E. Paul Torrance
Hãy cùng chuyển sang lý do quan trọng thứ ba. Tôi chắc chắn rằng lý do này sẽ thu hút sự quan tâm của bạn.
3. Tạo lập của cải
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ vẫn được công nhận là nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới nhờ ý tưởng xây dựng tiềm lực kinh tế dựa trên thu nhập từ kinh doanh ngoại hối. Đúng vậy. Một con số đáng kinh ngạc – 42% hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ là những ý tưởng dưới dạng sản phẩm âm nhạc, phần mềm máy tính, sách và vô số nguồn vốn trí tuệ khác. Chỉ cần liên tưởng tới Hollywood và ảnh hưởng cũng như nguồn thu nhập khổng lồ mà nó tạo ra những năm qua là đủ hiểu.
Của cải giá trị nhất hiện nay không còn nằm ở các mỏ vàng hay các mỏ kim cương Kimberly ở Nam Phi nữa. Thay vào đó, chúng nằm trong các mỏ vàng của tâm trí.
Ngày nay, mọi người đều có thể tìm kiếm tri thức chỉ với một thao tác nhấp chuột hoặc chạm vào màn hình máy tính cảm ứng. Giờ đây, tạo lập của cải có nghĩa là gia tăng thêm giá trị cho kho kiến thức này thông qua sự sáng tạo. Tài sản lớn nhất của một tổ chức không còn là quyền sở hữu vật chất (bao gồm các tòa nhà và máy móc…) Ngày nay, tài sản đó được tạo thành từ giá trị sáng tạo tập thể của các thành viên trong tổ chức.
Internet san bằng sân chơi trong mọi lĩnh vực. Mọi người đều bình đẳng trong môi trường Internet. Bằng cách tận dụng phạm vi tiếp cận toàn cầu và sức ảnh hưởng của nó, những người bỏ học đại học như nhà sáng lập Facebook – Mark Zuckerberg có thể thách thức các tập đoàn đa quốc gia và giành phần thắng. Bí quyết thành công chính là sự sáng tạo.
Steve Jobs, một người bỏ học đại học khác, đã trở thành CEO (Giám đốc điều hành) có tư duy đổi mới táo bạo nhất thế giới. Ông đã xây dựng Apple trở thành một công ty sáng tạo nhất, có lợi nhuận cao nhất và quy mô lớn nhất trên thế giới. Các ứng dụng trên hệ điều hành iOS mở đường vươn tới sự giàu có cho bất kỳ ai bằng cách “trượt” trên nền tảng công nghệ Internet mà ông tạo ra.
Theo Bloomberg, Alibaba Group Holding Ltd., – công ty thương mại điện tử được thành lập bởi Jack Ma ở Trung Quốc, đã trở thành công ty được chào bán công khai lần đầu (IPO) với mức giá cao nhất thế giới – 25 tỷ đô-la. Công ty này vẫn là nền tảng thương mại toàn cầu dẫn đầu thế giới.
Tổng giá trị tài sản hiện hữu của hai công ty đang dẫn đầu thế giới này gần như không đáng kể so với giá trị sáng tạo mà hệ thống của họ tạo ra. Sáng tạo là giá trị ghi dấu ấn thời nay. Và sáng tạo sẽ còn được coi trọng trong một thời gian dài, rất dài phía trước, nếu không muốn nói là mãi mãi về sau, trong quá trình phát triển các thành tựu của nhân loại.
Chúng ta đang chi ngày càng nhiều tiền hơn cho khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng, đồng thời ngày càng giảm chi tiền cho những thứ mang tính vật chất khi mua hàng. Hãy xem xét một chiếc USB đã được tải sẵn các chương trình phần mềm. Chi phí vật liệu sản xuất một chiếc USB có thể thấp hơn 1 đô-la, nhưng chiếc USB chứa các chương trình phần mềm có thể có giá tới hơn 50.000 đô-la hoặc hơn thế. Chi phí vật liệu vốn không đáng kể. Chúng ta đang trả tiền cho khả năng sáng tạo ẩn trong phần mềm chứ không phải vật liệu vật chất bên ngoài. Đó là lý do tại sao Bill Gates trở nên giàu có và giữ danh hiệu tỷ phú giàu nhất thế giới. Ông thu được hàng triệu đô-la bằng cách bán cho chúng ta khả năng sáng tạo của các nhân viên trong công ty.
“Microsoft là một công ty quản trị khả năng sáng tạo.”
Bill Gates
Bill Gates vẫn giữ vững danh hiệu là người giàu nhất thế giới trong 13 năm liên tiếp trên bảng xếp hạng Những người giàu nhất thế giới của tạp chí kinh doanh Forbes. Từ năm 2008 đến 2015, ông là một trong ba người đàn ông giàu nhất hành tinh. Ông chỉ bị soán ngôi vị số 1 bởi thương nhân Mê-hi-cô, Carlos Slim trong những năm 2011, 2012 và 2013. Bill Gates đã lấy lại vị trí số 1 vào năm 2014 và 2015. Ông làm được điều đó bằng cách bán khả năng sáng tạo dưới dạng phần mềm cho toàn thế giới.
Tương tự như vậy, nhiều cá nhân xuất hiện trong bảng xếp hạng 40 Under 40 của tạp chí Fortune4 đã tạo lập ra khối tài sản khổng lồ chỉ trong một thời gian ngắn bằng cách tận dụng khả năng sáng tạo của họ trên Internet. Ngày nay, hơn bao giờ hết, việc tạo lập của cải phụ thuộc vào khả năng vận dụng sự sáng tạo và trí tưởng tượng của chúng ta.
4 Bảng xếp hạng 40 Under 40 của Tạp chí Fortune bao gồm các cá nhân là nhà lãnh đạo trẻ có ảnh hưởng nhất trong năm.
Bill Gates
“Trong quá khứ, chúng ta sử dụng công cụ lao động để tối ưu hóa cơ bắp. Ngày nay, chúng ta sử dụng các công cụ để tối ưu hóa tư duy.”
Bill Gates
Tuy nhiên, tạo lập của cải không chỉ dựa vào duy nhất các phần mềm và World Wide Web. Trong thế kỷ XX, hầu hết các đế chế kinh doanh được xây dựng dựa trên một khái niệm sáng tạo duy nhất – chỉ một ý tưởng.
General Motors trở thành tập đoàn lớn nhất thế giới bằng cách giới thiệu khái niệm mua xe hơi thanh toán trả góp. CNN trở thành mạng truyền hình toàn cầu phổ biến nhất bằng cách đưa ra khái niệm mới về tin tức cập nhật liên tục 24 giờ. Federal Express (FedEx) đã tạo dựng cơ đồ của mình bằng cách đưa ra khái niệm sáng tạo về giao hàng chỉ sau một đêm. Coca Cola trở thành thức uống phổ biến nhất và bán chạy nhất thế giới bằng cách bán các sản phẩm đóng chai.
Ba lý đó đã đủ để thuyết phục bạn về tầm quan trọng của khả năng sáng tạo trong cuộc sống của chúng ta chưa? Hãy cùng phân tích vấn đề này sâu hơn một chút.
Thế kỷ XXI mang tới cơ hội lớn chưa từng có để con người khai thác tối đa tính sáng tạo trên Internet. Facebook đã thu hút hơn 1,4 tỷ người dùng hoạt động mỗi tháng tại thời điểm tôi viết những dòng này, điều đó biến Mark Zuckerberg – Nhà sáng lập, đồng thời là Giám đốc điều hành của trang mạng xã hội này trở thành một người đàn ông giàu có đến mức khó tin. Anh được bình chọn là: “Người đàn ông có ảnh hưởng nhất năm 2010” của tạp chí TIME, Hoa Kỳ. Anh là người trẻ nhất được vinh danh sau Charles Lindbergh – người đầu tiên được trao danh hiệu này năm 1927.
CHUYÊN GIA CŨNG MẮC SAI LẦM
“Máy hát... không có giá trị thương mại.”
Thomas Edison
(Nhận xét về phát minh của chính ông, 1880)
“Con người sẽ không thể bay trong 50 năm nữa.”
Wilbur Wright
(Nói với anh trai Orville vào năm 1901, hai năm trước chuyến bay đầu tiên của họ)
“Con người không có bất cứ khả năng nào để khai thác sức mạnh của nguyên tử.”
Robert Millikan
Nhà khoa học được trao giải Nobel Vật lý, 1920
(Bạn có nhận ra thông điệp gửi gắm ở đây không? Ngay cả những người trực tiếp tham gia vào một dự án cũng không thể luôn dự tính chính xác kết quả cuối cùng của nó. Đây là lý do tại sao việc luôn giữ cho tâm trí cởi mở lại có thể tạo ra nhiều lợi ích.)
“Gã quái nào lại muốn nghe các diễn viên nói chuyện với nhau cơ chứ?”
Harry Warner
Hãng phim truyện Warner Brothers Picture, 1927
“Tôi chỉ dự tính sẽ bán được 5 chiếc máy tính cho thị trường thế giới.”
Thomas J. Watson
Chủ tịch hãng IBM, 1943
“Trong tương lai, máy tính có thể nặng không quá... 1,5 tấn.”
Popular Mechanics
“Du hành không gian thực sự là một câu chuyện vô cùng hoang đường.”
Tiến sĩ Richard van der Riet Woolley
Nhà thiên văn học Hoàng gia Anh, 1956
(Hai năm sau, Liên Xô đã phóng vệ tinh đầu tiên và Tiến sĩ Woolley được Ủy ban Anh mời đến để tư vấn cho chính phủ về nghiên cứu vũ trụ.)
“Các ban nhạc chơi ghi-ta sắp hết thời rồi.”
Decca Records
(Ông từ chối The Beatles năm 1962 và The Beatles tiếp tục trở thành nhóm nhạc pop quốc tế nổi tiếng nhất trong thập niên 1960.)
“Chẳng có lý do gì để bất cứ một cá nhân nào sở hữu một chiếc máy tính ngay trong nhà của họ.”
Ken Olsen
Chủ tịch Tập đoàn thiết bị kỹ thuật số Digital Equipment Corp, 1977
“Dung lượng 640KB là đủ cho bất kỳ đối tượng người dùng nào.”
Bill Gates
Chủ tịch Microsoft, 1981
(1 GB = 1 triệu KB, 1 TB = 1.000 GB. Ngày nay, máy tính xách tay 250 GB có mặt ở khắp nơi và ổ cứng ngoài với dung lượng 2 TB khả dụng trên thị trường.)
“Trời ơi! Virút máy tính Y2K sẽ gây tổn hại nền kinh tế như thế nào?”
(Câu chuyện trang bìa trên Business Week về Lỗi vi rút Y2K, khởi đầu cơn cuồng loạn Y2K vào năm 1998).
BẠN KHÔNG CẦN PHẢI LÀ MỘT CHUYÊN GIA MỚI CÓ THỂ TẠO RA ĐỘT PHÁ
“Thế giới vốn chỉ bé như một bức tranh sơn dầu trong trí tưởng tượng của chúng ta.”
Henry David Thoreau
Hệ thống trao đổi thông tin chống nhiễu bước sóng cho các loại tàu ngầm đầu tiên được phát minh bởi Hedwig Kiesler Markey, một nữ diễn viên Hollywood5.
5 Cô được biết đến với nghệ danh Hedy Lamarr. Bạn có thể nhớ ra cô ấy từ bộ phim Samson và Delilah đóng chung với Victor Mature ở thập niên 1950.
Máy tính tiền được phát minh bởi Jake Ritty, một chủ nhà hàng có quán bar.
Động cơ điện được phát minh bởi Thomas Davenport, một thợ rèn.
Máy ảnh Kodak được phát minh bởi George Eastman, một nhân viên ngân hàng.
Cây bút bi đầu tiên được phát minh bởi Laszlo Biro, một nhà báo.
Hãy cùng xem liệu chúng ta có thể tăng cường trí sáng tạo của mình thông qua một vài bài tập khó nhằn hay không nhé.
BÀI LUYỆN TRÍ NĂNG 1.1: ĐOÁN NGHỀ NGHIỆP
Hãy đoán nghề nghiệp của những người tạo ra các đột phá bằng cách khớp mô tả cột bên trái với câu trả lời ở cột bên phải.
Vui lòng tham khảo phần sau của cuốn sách để biết đáp án.
SỰ BÁC BỎ CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CHỈ RA RẰNG Ý TƯỞNG CỦA BẠN CÓ MỘT TIỀM NĂNG TO LỚN
“Những tâm hồn vĩ đại luôn luôn phải đương đầu với sự phủ định dữ dội của những bộ óc tầm thường.”
Albert Einstein
“Giá trị của một ý tưởng tỷ lệ thuận với sự phản đối mà nó tạo ra.”
Robert Townsend
Năm 1984, H. Ross Perot – nhà sáng lập EDS, đã bán công ty của ông cho General Motors với giá 2,5 tỷ đô-la. Trước đó, IBM từ chối đề xuất của ông về việc thành lập một công ty chuyên cung cấp dịch vụ thiết kế, cài đặt và vận hành các hệ thống xử lý dữ liệu điện tử trên cơ sở hợp đồng cố định.
Nhà sáng lập Federal Express, Fred Smith, là người đề xuất dịch vụ giao hàng qua đêm uy tín, và chỉ được giáo sư Đại học Yale chấm điểm “C”. Vị giáo sư này đã bác bỏ ý tưởng đó vì cho rằng nó không khả thi.
Loạt sách Chicken Soup for the Soul (Hạt giống tâm hồn) bán chạy nhất toàn thế giới với hàng triệu bản in của tác giả Mark Victor Hansen và Jack Canfield đã bị 33 nhà xuất bản từ chối trước khi họ tìm được một nhà xuất bản đồng ý phát hành bộ sách này.
Công thức chiên gà của nhà sáng lập thương hiệu gà rán Kentucky, Col. Harland Sanders đã bị hơn 1.000 nhà hàng từ chối trước khi thành công.
King C. Gillette, người sáng lập hãng sản xuất dao cạo râu an toàn Gillette đã nỗ lực trong vô vọng suốt sáu năm trời chỉ để gọi vốn sản xuất lưỡi dao cạo. Mãi đến năm 1901, ông mới thuyết phục được một số người bạn góp 5.000 đô-la để thành lập công ty.
Người sáng lập tập đoàn Apple, Steve Jobs và Steve Wozniak đã bị cả Atari và Hewlett-Packard từ chối khi họ cố gắng khiến cả hai công ty quan tâm đến dự án máy tính cá nhân của họ.
Walt Disney, người sáng lập Disneyland và người sáng tạo ra các bộ phim hoạt hình Disney, đã bị một biên tập viên báo chí sa thải vì thiếu ý tưởng.
Albert Einstein không biết nói tới khi lên bốn và không biết đọc đến khi lên bảy. Giáo viên của ông mô tả ông “chậm phát triển trí tuệ, thiểu năng xã hội, lênh đênh vô cùng trong những ước mơ xuẩn ngốc”. Ông bị đuổi học và bị từ chối nhận vào trường Bách khoa Zurich.
Beethoven, nhạc sĩ vĩ đại, bị giáo viên của mình “dán nhãn” vô vọng. Ông chơi đàn vi-ô-lông một cách vụng về và ưa thích chơi các nhạc phẩm của chính ông thay vì cải thiện kỹ thuật.
Thomas Edison, một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất mọi thời đại, người được cấp 1.093 bằng sáng chế, đã liên tục bị giáo viên quở mắng là quá ngu ngốc đến nỗi không thể tiếp thu được bất cứ kiến thức nào trong học tập.
Loạt truyện hư cấu Harry Potter của tác giả JK Rowling đã bị 12 nhà xuất bản từ chối bao gồm các nhà xuất bản lớn như Penguin, Transworld và Harper Collins. Bà vẫn tiếp tục sáng tác và sau này trở thành tác giả giàu có nhất mọi thời đại.
BÍ QUYẾT LỚN NHẤT ĐỂ TRỞ NÊN SÁNG TẠO
“Bí quyết để trở nên sáng tạo là biết cách ẩn đi nguồn khởi phát sáng tạo của mình.”
Albert Einstein
Sau khi phỏng vấn hàng ngàn cá nhân sáng tạo thuộc mọi nền văn hóa, thuộc mọi độ tuổi, giới tính, ngành nghề… để thực hiện một nghiên cứu toàn diện và sâu rộng về sự sáng tạo, các nhà nghiên cứu đã đi đến một kết luận hé lộ bí quyết lớn nhất để trở nên sáng tạo. Khi được tiết lộ, bí quyết sẽ khiến bạn thay đổi hoàn toàn suy nghĩ. Từ thời điểm đó, bạn có thể trở thành một người có tính sáng tạo như bạn mong muốn.
Trong cuốn sách Creativity: Flow and the Psychology of Discovery and Invention (Tạm dịch: Sự sáng tạo: Dòng chảy và tâm lý học của sự khám phá và phát minh), tác giả Mihalyi Csikszentmhalyi phỏng vấn những người sáng tạo với các ngành nghề khác nhau: nghệ sĩ, nhà toán học và nhà khoa học, nhà phát minh, nhà giáo dục, nhà tư tưởng, bác sĩ trị liệu. Ông kết luận rằng những người sáng tạo không đơn giản chỉ kết nối và thể hiện các khả năng bẩm sinh, mà còn kết hợp những khả năng đó với luyện tập có kỷ luật. Họ thực sự đầu tư thời gian tìm kiếm và phát triển kinh nghiệm thông qua các hoạt động nuôi dưỡng chủ động và tích cực.
Để trở nên sáng tạo, chúng ta cần tạo điều kiện cho các ý tưởng hình thành rõ nét thông qua việc không ngừng thực hành kỹ năng đặc biệt một cách có kỷ luật. Chúng ta cần kết hợp sự hóm hỉnh với trí tuệ xúc cảm, nuôi dưỡng tinh thần tự do sáng tạo và kỷ luật sáng tạo.
Teresa Amabile, một nhà nghiên cứu về sáng tạo nổi tiếng tại Trường Kinh doanh Harvard, nhận thấy rằng có một mối tương quan mạnh mẽ giữa hiệu suất sáng tạo và “động lực nội tại”. Khi thực hiện một nhiệm vụ với niềm đam mê và hứng thú cá nhân, chúng ta thể hiện tính sáng tạo tốt hơn nhiều so với việc hoàn thành nhiệm vụ vì phần thưởng bên ngoài như tiền bạc, danh tiếng hoặc sự thăng tiến…
BÀI LUYỆN TRÍ NĂNG 1.2: BÍ MẬT LỚN NHẤT
Để khám phá bí mật này, bạn sẽ cần đọc từng trang sách vì các Jig-words* (gợi ý dưới dạng cụm từ ngắn) sẽ được đưa ra theo tiến trình đọc. Các Jig-words* đều được in đậm nghiêng. Có tám (8) từ khóa tất cả. Một khi có đủ bộ 8 từ Jig-words*, tất cả những gì bạn cần làm là kết nối chúng lại với nhau như một trò chơi ghép hình. Hãy điền vào dòng để trống bên dưới khi bạn khám phá từng từ khóa Jig-words*.
Cũng như những điều tốt đẹp khác trong cuộc sống, bạn cần bỏ công sức để hoàn thành những bài tập này nhưng phần thưởng thu được sẽ rất tuyệt vời. Vì vậy, hãy bắt đầu cuộc hành trình đầy phiêu lưu, kích thích niềm vui của tâm trí để khám phá bí quyết lớn nhất của sự sáng tạo!
Jig-word * 1 ...........................................................................
Jig-word * 2 ...........................................................................
Jig-word * 3 ...........................................................................
Jig-word * 4 ...........................................................................
Jig-word * 5 ...........................................................................
Jig-word * 6 ...........................................................................
Jig-word * 7 ...........................................................................
Jig-word * 8 ...........................................................................
Bí quyết lớn nhất để sáng tạo là:
................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
Hãy ghi chép tóm lược quá trình khai trí sáng tạo của bạn tại đây
................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
Phần trống dành cho bạn ghi chép bất kỳ ý tưởng hay cảm hứng nào nảy sinh trong quá trình đọc chương này.