ĐỊNH NGHĨA SỰ SÁNG TẠO
“Đừng đi theo những con đường mòn. Hãy tìm một hướng đi mới và để dấu giày của bạn làm nên con đường.”
Tục ngữ Nhật Bản
“Các sáo ngữ phổ biến mà ai cũng nói là ‘thực tế đi’. Khẩu hiệu của chúng ta sẽ là ‘mơ mộng đi’. Giải pháp giải quyết vấn đề thực sự nảy sinh từ trí tưởng tượng chứ không từ các hộc đựng hồ sơ cũ kỹ trong đầu chúng ta.”
Fred M. Amram
Có tới hàng trăm định nghĩa về sự sáng tạo. Một số đơn giản, một số nhẹ nhàng, một số quá đề cao, một số nặng tính kỹ thuật và tất nhiên một số rất phức tạp. Để phục vụ hiệu quả nhất cho mục đích của cuốn sách này, tôi đã chọn định nghĩa sau đây:
Sáng tạo là quá trình tạo ra các kết nối chưa từng tồn tại.
Giữ tâm trí cởi mở, tập trung và sẵn sàng đưa ra bất kỳ khái niệm nào xuất hiện trong đầu chúng ta quan trọng hơn một phán xét vội vàng, theo sau là sự từ chối tự động đã quá phổ biến.
Các ý tưởng có được từ một điều gì đó lớn hơn, sâu sắc hơn và chứa đựng nhiều điều hơn so với lối tư duy thông thường của chúng ta. Đôi khi thông tin thu nhận được qua trực giác có vẻ khôi hài. Nếu đúng như vậy thì chúng ta thu thập các thông tin đó vì lẽ gì? Đôi khi sự khác biệt có thể lớn đến mức chúng ta không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu liên kết nào. Nhưng trong một khoảnh khắc tĩnh lặng nào đó, bất chợt tia sáng nhận thức sâu sắc lóe lên có thể soi rõ từng đường nét của mối liên kết. Vì vậy, hãy kiên nhẫn chờ đến lúc ý tưởng sáng tạo xuất hiện.
Nếu một ý tưởng bất chợt nảy ra, hãy ghi lại ngay lập tức, hãy viết xuống đâu đó. Đừng quá tin vào trí nhớ, trừ khi ý tưởng đó quá đơn giản và trực quan đến mức trí nhớ ngắn hạn của bạn không thể nào quên được. Hãy viết ra định nghĩa hoặc mô tả ngắn gọn ý tưởng xuất hiện. Quan trọng hơn, bạn đang gửi một thông điệp đến tiềm thức của mình rằng bạn có khả năng và sẵn sàng ghi lại những thông điệp đó. Làm như vậy sẽ khuyến khích phần vô thức trong tâm trí bạn tiếp tục sáng tạo những ý tưởng hay.
Điều gì sẽ xảy ra khi bạn nói chuyện với một người và họ phớt lờ bạn? Bạn thử lại lần nữa, có lẽ vậy, nhưng nhiệt tình đã tiêu tán ít nhiều. Họ vẫn không lắng nghe bạn ư? Cuối cùng bạn bỏ cuộc. Tương tự, bạn ban đầu rất nhiệt huyết, sáng tạo để những ý tưởng mới được tạo ra. Đừng phớt lờ – hãy khuyến khích chúng. Chúng muốn giúp bạn, cứ để chúng thực hiện điều đó. Hãy cùng xem xét một vài ý tưởng xuất sắc mà những ai thực sự sẵn sàng, đủ khả năng và mong muốn song hành cùng những ý tưởng đó đã có được.
NHỮNG LIÊN KẾT SÁNG TẠO THAY ĐỔI THẾ GIỚI
Năm 2006, Jack Dorsey tích hợp dịch vụ tin nhắn SMS vào điện thoại di động và ý tưởng về một cá nhân sử dụng SMS để liên lạc với một nhóm nhỏ đã tạo ra Twitter (dòng đăng tải chứa 140 ký tự) như một trang mạng xã hội và dịch vụ viết blog.
Andrew Mason kết hợp trang web từ thiện xã hội The Point và các phiếu giảm giá được mua theo nhóm để tạo ra Groupon – công ty phát triển nhanh nhất trong lịch sử thương mại điện tử thế giới.
Johann Gutenberg kết hợp máy ép rượu và máy dập đồng xu để phát minh ra máy in dấu.
Pablo Picasso – nghệ sĩ lừng danh, đã kết hợp ghi-đông xe đạp và một con bò để tạo ra tác phẩm điêu khắc nổi tiếng – bò tót có bộ sừng là ghi-đông xe đạp.
Jacques Heim – nhà thiết kế người Pháp, đã kết hợp các ý tưởng thiết kế trang phục đi biển với hòn đảo Bikini nhỏ bé trên Thái Bình Dương để đặt tên cho trang phục đi biển nhỏ nhất thế giới do ông thiết kế là “bikini”.
Sylvan N. Goldman, một nhân viên điều hành siêu thị, đã liên hệ việc khách hàng vất vả ôm đống đồ đã sắm với hai chiếc ghế gấp nhỏ để phát minh ra chiếc xe đẩy hàng tiện lợi chuyên dụng.
Christopher Sholes đã kết hợp các phím đàn piano và ý tưởng về chiếc máy gõ chữ viết để phát minh ra máy đánh chữ.
Ole Evinrude đã kết hợp động cơ dùng xăng của xe hơi và một chiếc thuyền để phát minh ra Evinrude – động cơ gắn phía ngoài thuyền được thương mại hóa đầu tiên.
Philo Farnsworth khi đang cày thửa ruộng của cha mình đã nhận thấy cánh đồng bị cày xới tạo ra một tập hợp các đường thẳng song song. Ông đã liên hệ các đường song song này với việc truyền hình ảnh theo từng dòng – hình trước nối tiếp hình sau, từ đó phát minh ra vô tuyến truyền hình. Philo chỉ mới 14 tuổi khi ông có nguồn cảm hứng này.
Erno Rubik mong muốn làm cho các mảnh vuông chuyển động ở phía trong khối lập phương. Anh nảy ra ý tưởng này vào một ngày khi đang đi dạo bên bờ sông Danube. Rubik đã liên hệ hình ảnh các viên đá mịn màng, bóng bẩy và tròn trịa trên bờ sông với các phần tử lõi của khối lập phương để phát minh ra khối xếp hình Rubik nổi tiếng.
Mary Phelps Jacob đã liên tưởng hai chiếc khăn lụa với nhu cầu thoải mái của một bộ đồ lót dành cho phụ nữ để thiết kế ra chiếc áo ngực hiện đại đầu tiên.
TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU SÁNG TẠO
Mỗi người trong chúng ta đều có tính sáng tạo. Chúng ta chỉ khác nhau về mức độ và phạm vi sáng tạo. Không ai có thể sáng tạo trong mọi lĩnh vực, thậm chí là Einstein. Người mà tôi tin là đa tài, sáng tạo trong nhiều lĩnh vực nhất là Leonardo da Vinci, một danh nhân xuất sắc trong cả lĩnh vực khoa học và nghệ thuật.
Leonardo được đông đảo công chúng ghi nhận là nhân vật có tài năng trên nhiều lĩnh vực nhất mọi thời đại. Bức tranh nàng Mona Lisa của ông, đặt tại Bảo tàng Louvre ở Paris, được coi là tuyệt tác hội họa nổi tiếng nhất thế giới. Là nhà khoa học tự nghiên cứu, Leonardo cũng được tôn sùng vì tài hoa công nghệ của mình. Ông đi trước thời đại khi đưa ra khái niệm máy bay trực thăng, cấu trúc giải phẫu con người, năng lượng mặt trời và xây dựng kỹ thuật dân dụng.
TÁM LOẠI HÌNH TRÍ TUỆ
Howard Gardner, Giáo sư nổi tiếng của Đại học Harvard, cho rằng tất cả chúng ta đều sở hữu sự kết hợp nhiều loại trí thông minh khác nhau ở mức độ khác nhau, trong có có một hoặc hai loại chiếm ưu thế. Ông rút ra kết luận này sau nghiên cứu những người thuộc nhiều tầng lớp trong các hoàn cảnh và nghề nghiệp phổ biến để phát triển lý thuyết Đa trí tuệ – Multiple Intelligences. Ông đã định nghĩa bảy loại hình trí thông minh đầu tiên trong cuốn sách Frames of Mind (Tạm dịch: Các cấu trúc của tư duy) vào năm 1983 và thêm một loại hình trí thông minh nữa trong cuốn Intelligence Reframed (Tạm dịch: Tái cấu trúc các loại hình trí thông minh) năm 1999.
Bảy loại hình trí thông minh nhanh chóng được các tổ chức giáo dục và ngành giáo dục công nhận như một mô hình học tập để hiểu và giảng dạy các khía cạnh khác nhau của trí tuệ con người, phong cách học tập, phẩm chất cả nhân và hành vi.
Năm 1999, Gardner đã bổ sung loại hình trí thông minh thứ 8 – Trí thông minh của nhà tự nhiên học vào bảy loại hình đầu tiên.
Mặc dù ông không đề cập riêng đến trí thông minh sáng tạo, nó vẫn được ngụ ý bên trong tất cả tám loại hình trí thông minh này.
Do đó, câu hỏi không phải là: Bạn có sáng tạo không? Mà là Làm thế nào để trở nên sáng tạo? Loại hình trí tuệ nào chiếm ưu thế trong bạn? Bằng cách nhận thức và tập trung vào loại hình trí thông minh chiếm ưu thế, bạn có thể tăng tốc độ học tập của chính mình và đạt được các mục tiêu đã đặt ra nhanh chóng hơn nhiều. Tương tự, bằng cách nắm bắt loại hình trí thông minh chiếm ưu thế của người khác, bạn có thể thiết lập mối quan hệ với họ dễ dàng hơn và hướng dẫn họ đạt được một cuộc sống trọn vẹn và hạnh phúc hơn.
Tiến sĩ Gardner cho rằng trường học và văn hóa của chúng ta tập trung hầu hết sự chú ý vào trí thông minh ngôn ngữ và logic toán học, mà không quan tâm đến các loại hình trí thông minh khác. Cá nhân tôi cho rằng trong thế kỷ XXI, Internet và máy tính với đa dạng cách tiếp cận thông tin đa phương tiện mang lại nhiều tiện ích hơn cho phong cách học tập đa dạng của thế hệ mới.
BẪY TRÍ TUỆ
Các bài kiểm tra IQ đạt trên 120 điểm cho thấy độ tương quan thấp giữa sự sáng tạo và trí thông minh. Theo kết luận của nghiên cứu do Đại học Yonsei ở Seoul, Hàn Quốc thực hiện, sự sáng tạo không liên quan đến trí thông minh hay thành tích học tập. Nói chung, trí thông minh là thước đo của tư duy hội tụ (rút ra kết luận dựa trên một loạt các dữ kiện), trong khi bản chất của sáng tạo là tư duy phân kỳ/khác biệt (nhìn nhận nhiều khả năng/giải pháp cho cùng một vấn đề).
Tất nhiên, một mức độ thông minh nhất định (khoảng 120 điểm IQ) đóng vai trò rất quan trọng để tạo ra bệ phóng cho ý tưởng sáng tạo nảy sinh. Tuy nhiên, những người rất thông minh có nguy cơ rơi vào “bẫy trí tuệ” của chính họ khá cao. Nghiên cứu của Chris Argyris tại Đại học Harvard đã xác nhận hiện tượng này. Ông đã quan sát và thấy rằng các chuyên gia thông minh, thành công có xu hướng đưa ra các quyết định đúng đắn. Hệ quả là, họ ít trải nghiệm sự sai lầm và ít có xu hướng tiếp nhận ý kiến của người khác. Vì vậy, khi phạm phải sai lầm, họ không nhận ra điều đó và trở nên rất bảo thủ. Và một phần vì họ thông minh, họ có khả năng lập luận tốt và hợp lý để bảo vệ quan điểm của mình. Argyris gọi hành vi đó là thói quen phòng thủ, một hành vi theo thói quen đã tạo thành bẫy trí tuệ ở một dạng thức nào đó.
Người thông minh sẽ rất sáng tạo nếu họ nhận thức được bẫy trí tuệ này và giữ cho mình một tâm trí cởi mở. Các thiên tài bẩm sinh thường sở hữu trí tuệ là sự kết hợp hài hòa của trí thông minh và sự sáng tạo.
Tuy nhiên, tính sáng tạo không phải là phẩm chất độc quyền của những thiên tài. Tất cả chúng ta đều có khả năng thực hiện các công việc đòi hỏi sự sáng tạo nếu được đặt vào đúng môi trường phù hợp và được truyền đủ cảm hứng. Xét cho cùng, sáng tạo cũng chỉ là một hoạt động bắt nguồn từ quá trình tư duy của các cá nhân bình thường.
Einstein bị chậm phát triển trí tuệ?
Einstein
Khi được phỏng vấn về nguồn gốc sáng tạo của mình, Albert Einstein có một câu trả lời để đời như sau: “Đó là bởi chứng chậm phát triển trí tuệ của tôi.” Có lẽ nào một trong những thiên tài lỗi lạc nhất của mọi thời đại lại bị chậm phát triển trí tuệ?
May mắn thay, Einstein đã giải thích những điều ông ngụ ý. Einstein có tư duy kiểu trẻ con trong bộ não thông minh vượt trội của một nhà khoa học. Giống như một đứa trẻ, ông liên tục đặt ra những câu hỏi khám phá mà người lớn cho là “ngớ ngẩn” như: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình di chuyển với vận tốc ánh sáng?” Chính câu hỏi này, một cách tình cờ, trở thành manh mối giúp ông khám phá ra Thuyết tương đối nổi tiếng của mình.
Thực chất, Einstein không bao giờ lớn lên. Ông vẫn tư duy bằng trí tưởng tượng và tính tò mò trẻ con. Đó là lý do tại sao ông tự coi mình “bị chậm phát triển trí tuệ”.
Tuy nhiên, không giống như một đứa trẻ, Einstein có khả năng tìm kiếm đáp án cho các câu hỏi của chính mình bằng kiến thức và bộ não sáng tạo của một nhà khoa học.
Một phẩm chất khác của Einstein là ông có khả năng suy tường bằng hình ảnh chứ không phải bằng ngôn từ. Mỗi ngôn ngữ đều có những giới hạn cố hữu, hạn chế tư duy riêng. Ví dụ, định nghĩa của từ “nguyên tử” là một phần không thể tách rời của vật chất đã giới hạn tư duy về cấu trúc của các nguyên tử trong nhiều năm. Ngôn từ vốn có những hạn chế riêng. Suy nghĩ một cách hình tượng và thoát khỏi giới hạn của ngôn ngữ khiến cho khả năng sáng tạo của chúng ta trở nên dồi dào.
Hàm chứa trong kết luận này là một bí mật về trí sáng tạo – đó là gìn giữ tính tò mò ngây thơ của trẻ nhỏ, tưởng tượng và hình dung bằng hình ảnh nhiều hơn bằng ngôn từ.
CÂU CHUYỆN SÁNG TẠO
1. Người phụ nữ đã kiếm được hàng triệu đô-la bằng cách kết hợp màu vẽ với việc đánh máy chữ
Bette Nesmith
Vào những năm 1950, khi máy đánh chữ điện tử lần đầu tiên được tung ra thị trường, một ông chủ tốt bụng đã mua cho cô thư ký của mình một chiếc. Chiếc máy đánh chữ điện tử mới đã mê hoặc cô thư ký Bette Nesmith. Trước đó, việc đánh máy chữ cơ học thủ công rất vất vả, chiếc máy này đã cứu cô thoát khỏi các cơn đau ở đầu ngón tay khi gõ chữ.
Niềm vui của Bette không kéo dài bao lâu. Lạ lẫm với các phím chữ mềm, cô đã đánh máy sai nhiều đến nỗi giỏ đựng rác đầy ắp những văn bản và thư từ bỏ đi. Cô mất cả ngày mà không đánh máy xong một lá thư.
Bette đã suy nghĩ rất nhiều để tìm cách khắc phục vấn đề nhưng không sao tìm ra được giải pháp. Sau cùng, cô bỏ cuộc và chuyển hướng suy nghĩ của mình sang dự đoán phản ứng của ông chủ. Ông ấy đã đầu tư rất nhiều tiền để mua chiếc máy đánh chữ mới và sẽ rất thất vọng nếu cô không thể làm việc hiệu quả hơn. Cô thậm chí có thể mất việc.
Giữa bộn bề các suy nghĩ buồn bã, một ý tưởng đột nhiên lóe lên trong đầu cô. Cô nhớ ra rằng mình đã học cách vẽ phủ lên những lỗi sai bằng một loại màu đặc biệt có tên là Gesso trong một khóa đào tạo nghệ thuật hội họa. Eureka! (Tìm ra rồi.) Chính là nó!
Bette vội vã về nhà tìm hộp thiếc đựng màu vẽ trắng và dùng cọ nhỏ để phủ lên những lỗi đánh máy của mình. Sau này, dung dịch xóa chữ thương hiệu Liquid Paper đã ra đời. Năm 1972, cô bán công ty cho Tập đoàn Gillette với giá 50 triệu đô-la.
2. Chơi gôn dễ như chơi quần vợt?
Nhà thiết kế gậy đánh gôn của hãng Callaway đang tìm kiếm nguồn cảm hứng để tạo ra một cây gậy đánh gôn nhằm thu hút những tay gôn mới đến với môn thể thao này. Anh ấy tới các bãi tập của một câu lạc bộ gôn để quan sát những người mới bắt đầu học đánh gôn. Họ đánh khá tốt bằng các cây gậy ngắn bằng sắt, nhưng khi cố gắng sử dụng các cậy gậy dài bằng gỗ, họ đánh trượt bóng rất nhiều. Anh có thể nhìn thấy sự thất vọng trên khuôn mặt họ mỗi khi đánh trượt.
Ngày hôm sau, một người bạn đã mời anh ấy chơi quần vợt. Người này nhận xét rằng quần vợt là một môn thể thao được ưa chuộng hơn nhiều so với gôn. Khi được hỏi tại sao, anh ta trả lời rằng đánh trúng một quả bóng quần vợt nhỏ bằng bề mặt vợt lớn sẽ dễ hơn nhiều so với đánh trúng một quả bóng gôn nhỏ bằng đầu tiếp xúc nhỏ xíu của cây gậy.
Sau trận đấu quần vợt, nhà thiết kế suy ngẫm về những lời nhận định của bạn mình. Anh ấy cảm thấy rằng mọi người sẽ chơi gôn nhiều hơn nếu đánh trúng bóng gôn cũng dễ như đánh trúng bóng quần vợt. Nguồn cảm hứng bất chợt đến trên đường anh lái xe về nhà. Anh đã liên tưởng và đặt câu hỏi: Vì sao lại không thiết kế một đầu gậy gôn quá cỡ để tạo ra bề mặt tiếp xúc lớn và tăng khả năng đánh trúng bóng gôn?
Sau đó, nhà thiết kế đã chế tạo một mẫu gậy đánh gôn và mời những người tập chơi gôn mới trải nghiệm ở bãi tập. Đúng như kỳ vọng, cây gậy đánh gôn mới làm họ tăng thêm hứng thú tập luyện và sự thất vọng của họ thực sự biến mất.
Về sau, Callaway trở thành nhà sản xuất gậy chơi gôn có đầu tiếp bóng quá cỡ đầu tiên. Cây gậy đánh gôn tên “Big Bertha” ra mắt năm 1990 đã thu được thành công ngay lập tức. Kết quả là không chỉ những người chơi mới bị lôi kéo vào thị trường này, mà Callaway cũng thu hút đươc đáng kể những người chơi cũ.
3. Dây đàn ghi-ta lấy cảm hứng từ chiếc xe đạp
Dave Myers là kỹ sư làm việc tại WL Gore – công ty được Fastcompany bình chọn là công ty sáng tạo nhất Hoa Kỳ năm 2004. Công việc của Myers bao gồm hỗ trợ phát minh các loại thiết bị cấy ghép tim bằng nhựa mới. Một ngày nọ, khi đang sửa chữa chiếc xe đạp leo núi của mình, Myers đã bọc các dây cáp bánh răng bằng một lớp nhựa mỏng để giúp bánh răng chuyển động trơn tru hơn. Nỗ lực mày mò của anh đã tạo ra sản phẩm dây cáp xe đạp dòng Ride-On của Gore.
Myers tiếp tục mày mò thêm các ứng dụng khác của cáp bọc nhựa. Anh thử nghiệm dây đàn ghi-ta trong một dự án của mình và đã nảy sinh một ý tưởng. Nếu dây đàn ghi-ta tráng nhựa có thể được sử dụng cho một dự án không liên quan đến đàn ghi-ta, thì tại sao không sử dụng nó trên chính cây đàn ghi-ta?
Bản thân Myers không phải là một người chơi đàn ghi- ta, vì vậy anh đã tìm kiếm sự trợ giúp từ một người sửa đàn – người thấu hiểu sự thất vọng của các tay chơi ghi-ta với nhạc cụ của mình. Kỹ sư đó giải thích rằng bất cứ khi nào bạn chơi đàn ghi-ta, bạn sẽ để lại trên dây đàn một chút mồ hôi, dầu cơ thể, chút xíu da chết và bụi bẩn hay đất cát dính trên bàn tay. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng âm thanh của cây đàn.
Lớp nhựa tráng chính là giải pháp bảo vệ dây đàn của bạn tránh khỏi tất cả các yếu tố gây hại này. Tuy nhiên, giải pháp này không giải quyết được vấn đề đảm bảo chất lượng âm thanh. Phải mất ba năm nghiên cứu cùng với sự hỗ trợ của 5.000 nhạc sĩ tham gia thử nghiệm, đội ngũ nghiên cứu mới có thể hoàn thành sản phẩm dây đàn tráng nhựa mới.
Sản phẩm cuối cùng được bán trên thị trường với tên gọi ELIXIR. Các dây đàn được bọc bằng một ống nhựa polyme siêu mỏng, vô cùng hiện đại. Thiết kế này đảm bảo nguyên vẹn chất lượng âm thanh cho cây đàn. Đó là một thành công đáng kinh ngạc.
Bạn không cần phải là một chuyên gia trong lĩnh vực sáng tạo của mình. Tất cả những gì bạn cần là một ý tưởng tốt hoặc khả năng liên tưởng tốt, khai thác hiệu quả chúng và sau đó tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia trong lĩnh vực đó.
BÀI LUYỆN TRÍ NĂNG 2: THỰC HÀNH LIÊN TƯỞNG KẾT NỐI
Dưới đây là một vài liên tưởng đã được thực hiện và mang lại thành công thương mại. Tại sao bạn không thử tự mình thực hành chúng? Bạn có thể không thu được các liên tưởng tương tự, nhưng không sao cả. Nếu bạn (Jig-word*1) có thể tự tạo ra các kết nối ban đầu của riêng mình, chỉ một trong số đó thôi cũng có thể giúp bạn trở nên giàu có.
1. Những sản phẩm nào đã được tạo ra nhờ các liên tưởng sau đây?
a. Tăm và bông gòn
b. Xe hơi và nhà ở
c. Ghế và bánh xe
d. Nước hoa dạng xịt và động cơ xe
2. Các cặp từ sau đây được kết hợp trong quảng cáo nước hoa để tạo ra tác động mong muốn. Bạn có thể làm tương tự như vậy không?
a. Mùi hương và gợi nhớ cảm giác
b. Mùi hương và tính khiêu gợi
c. Mùi hương và gợi nhớ tình cảm
3. Nghiên cứu toàn bộ các số nguyên từ 1 đến 100. Bạn hãy tìm kiếm sự kết nối đơn giản giữa chúng. Bây giờ, bằng cách sử dụng kết nối này, hãy tính tổng toàn bộ các số từ 1 đến 100 trong vòng 10 giây.
4. Tên của một số địa điểm ăn uống nổi tiếng trên thế giới được tạo ra bằng cách liên tưởng. Bạn có thể tìm ra tên của những địa điểm ăn uống này dựa trên các cặp ý tưởng dưới đây không?
a. Quán cà phê và nhạc Rock
b. Nhà hàng và ngôi sao Hollywood
c. Pizza và giao hàng tận nhà nhanh chóng
5. Những sản phẩm nổi tiếng thế giới đã được tạo ra hoặc tiếp thị bằng cách kết nối các cặp ý tưởng dưới đây:
a. Đồng hồ và thời trang
b. Giày và các loại hình thể thao cụ thể
c. Bia và nước ngọt
d. Nước uống và sự sang trọng
Vui lòng tham khảo phần sau của cuốn sách để biết đáp án.
Hãy ghi chép sự khai trí sáng tạo tại đây
................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
Phần để trống trong trang này dành cho bạn ghi chép lại bất kỳ ý tưởng hay cảm hứng nào nảy sinh trong quá trình đọc chương này.