NUÔI DƯỠNG NHỮNG ĐỨA TRẺ SÁNG TẠO
Đứa trẻ nào cũng được sinh ra với năng khiếu sáng tạo thiên phú. Năng khiếu này có phát triển hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc các bậc cha mẹ dành bao nhiêu thời gian để nuôi dưỡng và kích thích trải nghiệm học tập của trẻ.
Các phương pháp tôi đưa ra là những phương pháp mà các bậc cha mẹ đã thử áp dụng và thành công với con cái của họ. Các phương pháp này chưa được kiểm tra hoặc đánh giá một cách thấu đáo bởi các nhà tư vấn tâm lý cho trẻ em. Tuy nhiên, chúng rất hữu ích và sẽ là điểm khởi đầu tốt để bạn tự mình khám phá các phương pháp mới.
Mỗi đứa trẻ là một cá thể khác biệt, chúng sở hữu năng lực và phẩm chất riêng. Vì vậy, hãy đọc những nội dung trong chương này với một tâm trí cởi mở và đánh giá theo quan điểm riêng của bạn với tư cách là một phụ huynh để quyết định xem các phương pháp này liệu có liên quan và có thể áp dụng cho con bạn hay không. Bạn có thể muốn ghi lại những hoạt động mang lại hiệu quả tốt nhất với con mình. Nhìn chung, các hoạt động được đề xuất dưới đây thích hợp với trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo hơn.
PHÁT TRIỂN NĂNG KHIẾU NGHỆ THUẬT
Trẻ em rất thích khám phá màu sắc, hình dạng và hoạ tiết hoa văn. Dành hẳn một bức tường trong nhà để các bạn nhỏ của chúng ta thực hành năng khiếu nghệ thuật là một cách khuyến khích phát triển rất hay. Nếu bạn sơn tường bằng sơn bóng, việc chùi rửa màu vẽ khá dễ dàng. Bạn có thể đưa cho những đứa trẻ các loại bút sáp màu, bút chì màu hoặc bút bảng trắng và giải thích rõ với chúng rằng đây là bức tường duy nhất mà chúng được phép viết và vẽ.
Bạn đừng (Jig-word*8) quá nghiêm khắc hay chê bai những nỗ lực của con mình. Hãy ghi nhớ rằng nhận thức cũng như khả năng phối hợp tay và mắt của chúng chưa phát triển đầy đủ. Thế giới quan và kỹ năng của trẻ cũng rất khác biệt so với thế giới quan và kỹ năng của bạn.
Chẳng hạn, một con mèo có thể nhìn hao hao bất cứ thứ gì ngoại trừ trông giống như một con mèo. Hãy chấp nhận cách con bạn giải thích bản vẽ của chúng. Bạn cũng có thể đưa ra gợi ý cho bọn trẻ một cách tích cực, có tính xây dựng và đầy khuyến khích trong bất kỳ tình huống nào. Chỉ cho người thân và bạn bè ghé chơi nhà xem các tác phẩm nghệ thuật của chúng cũng là một cách để thể hiện sự hài lòng và niềm hãnh diện của bạn.
Tôi nhớ lại trường hợp một cậu bé đã vẽ mọi thứ màu xám đen tẻ nhạt khi giáo viên giao bài tập vẽ quang cảnh một khu vườn. Thầy giáo đã mong đợi một bức tranh những bông hoa đầy màu sắc tươi sáng và đẹp đẽ, vậy nên thầy rất thất vọng với tác phẩm của cậu bé. Thầy giáo này ngay lập tức khiển trách cậu vì không thể vẽ lại khu vườn thành một bức tranh sống động đầy màu sắc.
Sau đó, cậu bé giải thích rằng bức vẽ mô tả khu vườn vào lúc chiều muộn sau khi Mặt Trời khuất bóng, vậy nên mọi thứ đều nhuốm màu tối đen và xám xịt. Theo góc nhìn này, cậu bé đã hoàn toàn đúng. Hơn nữa, làm những điều khác biệt có thể là dấu hiệu tiềm năng của trí sáng tạo.
Một trường hợp khác, có một bà mẹ cấm cản cô con gái nhỏ mang bất kỳ chiếc bút chì màu hoặc bút sáp màu nào từ lớp mẫu giáo về nhà. Một ngày nọ, cô tình cờ phát hiện ra mặt sau cánh cửa phòng của con gái phủ kín các hình do cô bé tự vẽ. Chỉ khi đó, bà mẹ trẻ mới nhận ra rằng cô đã giới hạn con gái mình bằng việc tước đi niềm vui thích được sáng tạo của cô bé.
PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG SÁNG TẠO
Để phát triển khả năng sáng tạo của trẻ em không nhất thiết phải sử dụng các vật liệu đắt tiền. Trong thực tế, các vật liệu càng đơn giản và tiết kiệm chi phí thì càng tốt đối với việc phát triển trí tưởng tượng. Ví dụ, trẻ em thường vui thích khi chơi với các bao bì đồ chơi nhiều hơn là với chính món đồ chơi ấy. Thùng đựng hàng và bọt polystyrene8 mang đến niềm vui sướng bất tận cho bọn trẻ. Những vật phẩm như vậy có thể biến thành tàu thủy, rô bốt, tàu không gian, xe hơi và là bất cứ thứ gì mà trẻ em có thể tưởng tượng ra được.
8 Loại nhựa chắc, nhẹ có tính cách điện, nhiệt tốt, dùng làm các đồ chứa đựng.
1. Origami
Origami hay nghệ thuật gấp giấy Nhật Bản là một hoạt động kích thích sự sáng tạo của trẻ mà không hề tốn kém. Một mảnh giấy có thể biến thành con thiên nga, chiếc máy bay, thuyền buồm, chú khủng long hoặc những cánh bướm. Gấp giấy để tạo ra các loài động vật và đồ vật khác có thể kích thích trí tưởng tượng của trẻ trong nhiều giờ đồng hồ. Khi lũ trẻ đã học được những phương pháp gấp giấy cơ bản, đây sẽ là thời điểm chúng sáng tạo ra những tác phẩm origami của riêng mình.
2. Bộ xếp hình bằng gỗ và câu đố
Các bộ xếp hình bằng gỗ và câu đố cũng là những cách hiệu quả để phát triển khả năng sáng tạo của trẻ. Hãy bắt đầu với một bộ xếp hình gồm một vài miếng. Khi kỹ năng của trẻ đã cải thiện hơn, hãy thêm vào các mảnh ghép hoặc mua bộ xếp hình mới gồm nhiều mảnh ghép hơn. Nếu bạn mua một vài bộ ráp hình khác nhau và trộn chúng lại, hiệu quả kích thích còn tốt hơn nữa. Bạn có thể hướng dẫn bọn trẻ cách chơi, nhưng đừng hạn chế chúng theo cách bạn thao tác, đặc biệt là nếu chúng lỡ nhầm lẫn các chỉ dẫn. Theo kinh nghiệm của riêng mình, con gái tôi đã xây dựng các tòa nhà chung cư, sân vận động thể thao và các cao ốc mặc dù bộ xếp hình này chỉ được tạo ra để xây dựng những ngôi nhà một tầng đơn giản.
3. Bộ đồ chơi xây dựng
Các bộ đồ chơi xây dựng như Lego rất hiệu quả trong việc phát huy tính sáng tạo ở trẻ em. Khi mới tập chơi, bọn trẻ có thể làm theo các thiết kế tiêu chuẩn mà nhà cung cấp đã giới thiệu. Khi chúng đã học được cách thao tác với nhiều mảnh ghép khác nhau, tốt nhất là để chúng khám phá các thiết kế của riêng mình. Hãy khuyến khích trẻ kết hợp thêm các mảnh ghép khác vào công trình của chúng. Nhiều bậc cha mẹ bị cám dỗ bởi việc trưng bày “kiệt tác” của con cái họ, đồng nghĩa với việc không cho bọn trẻ tiếp cận với các bộ đồ xếp hình xây dựng một cách hiệu quả theo ý chúng. Bạn có thể trưng bày các công trình của chúng trong một thời gian ngắn để thúc đẩy lòng tự tin của trẻ. Tuy nhiên, bạn sẽ sớm muốn trả lại những “kiệt tác” đó để đứa trẻ có thể tách rời các mảnh ghép và tiếp tục xây dựng các thiết kế mới.
4. Sự gọn gàng, ngăn nắp
Nhiều bậc phụ huynh chú trọng quá mức đến sự gọn gàng, ngăn nắp mà không biết rằng việc đó sẽ làm mất hứng và cản trở tính sáng tạo của bọn trẻ khi chơi với đồ chơi. Đừng nên quá khắt khe đối với trật tự của đống đồ chơi đó. Hãy dạy lũ trẻ xếp gọn lại đồ chơi vào đúng vị trí sau khi chơi, nhưng hãy làm sao để chúng cảm thấy việc đó giống như là một trò chơi hoặc một thử thách, chứ không phải là một sự áp đặt ý chí. Yêu cầu quá cao đối với sự gọn gàng và trật tự có thể khiến trẻ giảm nhiệt tình và ham thích đối với đồ chơi hoặc việc đọc sách. Thay vào đó, chúng sẽ xem ti vi nhiều hơn vì việc đó không đòi hỏi phải lấy đồ ra, đặt vào, loại bỏ hay xắp xếp đúng trật tự.
5. Hoạt động trong xe hơi
Nếu bạn lái xe lòng vòng cùng các con, việc bật cho chúng nghe các bài đồng dao, thơ ca, hát ru của lứa tuổi mầm non và các băng ghi âm có nội dung giáo dục rất nên được xem xét. Hãy hát cùng với lũ trẻ trong khi bạn đang lái xe. Bằng cách này, bạn không chỉ có thời gian dạy dỗ các con mà còn có thể thư giãn, bất chấp mọi vụ tắc nghẽn giao thông trên đường.
Hãy chơi các trò chơi trong xe hơi như xác định các vật thể mà bạn vượt qua, ví dụ: các xe có màu khác nhau, biển số, cây cối, tòa nhà, động vật và con người... Hãy biến mỗi chuyến đi thành một cuộc phiêu lưu mới.
Tôi đã sáng tạo rất nhiều câu đố khi đang trong xe cùng lũ trẻ đi đâu đó. Ví dụ như một số câu dưới đây. Bạn có thể đoán ra câu trả lời cho những câu đố mà tôi đã dùng để chơi trò đố vui với các con không?
A. Vật đang lướt qua – Tôi là ai?
1. Cái gì giống chiếc cổ ngỗng mà chỉ có một mắt?
2. Khi một trong những con mắt của tôi chuyển sang màu đỏ, bạn phải dừng xe lại.
3. Khi tôi chớp mắt, bạn biết tôi sẽ đi theo hướng nào.
4. Tôi là một bánh xe khổng lồ và khi bạn đến gần tôi, bạn phải dừng lại.
5. Đôi khi tôi chỉ có một mình. Đôi khi tôi có cặp có đôi. Đôi khi chúng tôi chia tay và chỉ còn một trong hai. Xe chạy tôi cũng chạy.
B. Đồ vật trong xe – Tôi là ai?
1. Khi tôi đi lên, bạn có thể thấy tôi. Khi tôi xuống, bạn không thể nhìn thấy tôi.
2. Đôi khi bố bạn làm tôi bật khóc khi kính chắn gió của bạn bị vấy bẩn.
3. Khi ngoài trời lạnh, tôi sẽ giữ cho bạn ấm áp bên trong.
4. Tôi là một đôi tai. Tôi có thể nhìn thấy nhưng không thể nghe thấy.
5. Tôi giống như một cây đũa phép, có thể biến chiếc xe của bạn trở nên sống động.
C. Các bộ phận của cơ thể bạn – Tôi là ai?
1. Có hai hàng lính luôn sánh đôi cùng tôi.
2. Một cặp hang động có cỏ thân cao chặn ở lối vào.
3. Một con quái vật nghiền nát những kẻ xâm nhập thành từng mảnh.
4. Bạn có thể cắt tôi nhưng tôi không cảm thấy đau.
5. Bạn cảm thấy hạnh phúc khi tôi đập mạnh bên trong bạn.
Hãy vận dụng trí tưởng tượng của bạn. Tại sao bạn không tạo ra những câu đố tương tự của riêng mình? Thậm chí, hãy làm tốt hơn bằng cách yêu cầu các con bạn, nếu chúng đủ lớn, nghĩ ra những câu đố tương tự để bạn đi tìm câu trả lời. Bạn sẽ ngạc nhiên trước sự sáng tạo và tài tháo vát của chúng.
Các câu trả lời được nêu dưới đây, nhưng tôi không nghĩ bạn sẽ cần đến chúng.
Đáp án
A: 1. Đèn đường; 2. Đèn giao thông màu đỏ; 3. Đèn tín hiệu xi-nhan của xe phía trước; 4. Bùng binh (vòng xoay); 5. Vạch phân cách màu trắng trên đường.
B: 1. Cửa kính; 2. Vòi phun tia nước; 3. Máy sưởi; 4. Gương chiếu hậu bên cửa; 5. Nút đề khởi động.
C: 1. Ngón chân cái của bạn; 2. Lỗ mũi; 3. Hàm răng; 4. Tóc và móng tay; 5. Trái tim.
6. Hoạt động trong bữa ăn
Bữa ăn có thể biến thành một cơ hội trải nghiệm giáo dục. Hãy giải thích cho các con cách sử dụng dao dĩa, các đồ sành sứ khác nhau và giá trị dinh dưỡng của các mặt hàng thực phẩm. Hãy đặt câu hỏi cho lũ trẻ và khuyến khích chúng đặt câu hỏi ngược lại.
7. Thẻ tên
Hãy gắn thẻ tên cho các đồ vật trong ngôi nhà của bạn. Bạn sẽ ngạc nhiên về tốc độ học đọc của con bạn. Trong trường hợp của tôi, tôi đã treo một bản đồ thế giới trong phòng của cô con gái ba tuổi và con bé có thể nhận diện được nhiều quốc gia từ rất sớm. Đất nước yêu thích của con bé là Úc, nơi con bé tự hào chỉ cho tôi bất cứ khi nào bắt gặp hình ảnh quốc gia này trên các tạp chí, sách hoặc bảng hiệu.
8. Khu vườn
Khu vườn là một thiên đường để bọn trẻ khám phá bằng tất cả các giác quan của chúng. Ở đây trẻ có thể nhìn, cảm nhận, ngửi, nghe và thậm chí có thể nếm thử hương vị hoa trái nếu trải nghiệm đó an toàn với sức khỏe của chúng. Các loài hoa chính là niềm đam mê bất tận của trẻ em. Tiếng hót của chim muông, tiếng rả rích của côn trùng và tiếng gió nhè nhẹ vờn trên da mặt góp phần hoàn thiện mọi cảm nhận của một trải nghiệm trọn vẹn. Hãy thường xuyên đưa trẻ đến những khu vườn và các công viên công cộng.
9. Siêu thị
Những chuyến đi siêu thị có thể khiến bọn trẻ rất phấn khích. Hãy để chúng giữ những món hàng nhỏ trong tay. Các mảng màu sắc và hình khối của các gói hàng mà chúng thấy ở đó là một trải nghiệm trực quan rực rỡ. Trang trí lễ hội cũng là một công việc cung cấp nhiều kích thích thị giác hơn cho trẻ em. Ý tưởng đề xuất là hãy để chúng tham gia tương tác với thế giới của những điều kỳ diệu vô tận xung quanh.
10. Bơi lội
Nước cuốn hút trẻ em một cách rất tự nhiên. Tin tốt là bơi lội giúp cải thiện trí thông minh và thúc đẩy năng lượng sáng tạo ở trẻ. Tôi biết điều này là nhờ con gái lớn của mình. Con bé nói với tôi sau khi biết kết quả của bài kiểm tra đầu tiên rằng tất cả các bạn cùng bơi với bé đều đã làm bài thi rất tốt. Chúng đều đạt điểm A hoặc sát nút điểm A mặc dù có rất ít thời gian để học vì lịch huấn luyện chuyên sâu. Chính con gái tôi cũng suýt soát đạt điểm A. Con bé đứng đầu lớp học trung học và nằm trong Danh sách sinh viên ưu tú tại một trường đại học nơi nó đang theo học.
Lúc đầu, tôi đã hơi hoài nghi. Tuy nhiên, tôi đã tham dự buổi tọa đàm của Tiến sĩ Win Wenger, một tác giả đồng thời là một chuyên gia sáng tạo, hiện đang sống ở Kuala Lumpur, Malaysia. Khi ấy tôi đã khẳng định được nhận định khôn ngoan của con gái mình về tầm quan trọng của hoạt động bơi lội trong việc thúc đẩy trí tuệ và sức sáng tạo là đúng. Bản thân Tiến sĩ Wenger đã thăng hạng vượt trội, từ một vị trí mờ nhạt lên dẫn đầu bảng thành tích sau khi dành vài giờ mỗi ngày để bơi lội dưới nước suốt mùa hè năm 1959. Ông tiếp tục học để lấy bằng tiến sĩ. Sau này, ông nghiên cứu sâu về sự sáng tạo và viết một vài cuốn sách cùng chủ đề.
Ông nói về hoạt động này trong một cuốn sách của mình có tên The Einstein Factor – A Proven New Method for Increasing Your Intelligence (Tạm dịch: Nhân tố Einstein – Một phương pháp mới đã được kiểm chứng trong việc thúc đẩy trí tuệ.)
Tiến sĩ Robert Doman, Giám đốc Y tế của Viện Nghiên cứu Khai thác Tiềm năng Con người Philadelphia (PAHP) đã đưa ra lời giải thích. Ông cho rằng bơi lội dưới nước làm tăng hàm lượng carbon dioxide trong máu. Hoạt động bơi lội phát tín hiệu cảnh báo cơ thể của chúng ta rằng nguồn cung oxy có nguy cơ bị cắt đứt. Đáp lại, các động mạch giãn ra để vận chuyển nhiều máu hơn đến não bộ, cho phép dung lượng máu lớn hơn chảy qua và bơm đầy bộ não bằng một lưu lượng máu đặc biệt dồi dào oxy.
Tôi không có ý định đánh đồng trí sáng tạo với khả năng tiếp thu kiến thức. Tôi trích dẫn các trường hợp trên chỉ nhằm minh họa tác động của việc giãn nở tâm trí thông qua hoạt động bơi lội dưới nước. Đặt trong bối cảnh đó, điểm số ở trường học chỉ là một ví dụ để minh họa sự giãn nở của tâm trí. Nói chung, điểm số ở trường học có thể không phản ánh sự sáng tạo. Các điểm số đó đôi khi cho thấy điều ngược lại. Một điểm “A” đôi khi chỉ có thể chứng minh rằng học sinh hay sinh viên đó đã tuân thủ rất tốt các quy tắc của giáo viên và trường học.
Bơi lội là một môn thể thao tuyệt vời để phát triển vận động phối hợp toàn cơ thể. Tất cả các con tôi đều bơi rất tốt. Không giống như các môn thể thao khác, nguy cơ chấn thương khi tập luyện bơi lội chỉ ở mức tối thiểu vì cơ thể được nước nâng đỡ rất nhiều. Tôi rất khuyến khích tất cả trẻ em đi bơi để mang lại sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.
11. Giao tiếp
Đối với các bậc cha mẹ, việc giao tiếp với con cái có thể mang lại một nguồn vui lớn và xây dựng một mối gắn kết kỳ diệu với chúng. Nếu hoạt động giao tiếp không được thực hiện, nó có thể là nguồn gốc của thống khổ và chịu đựng với tất cả mọi người và đẩy một gia đình đến bờ vực chia ly hoặc đổ vỡ. Hãy dành thời gian cho con cái, chơi đùa và làm những điều thú vị cùng nhau. Đôi khi chỉ cần cùng nhau đi dạo chơi ở đâu đó, cả bạn và bọn trẻ đều có thể cảm nhận sâu sắc niềm hạnh phúc và mức độ gắn bó của mối quan hệ gia đình.
Theo các nghiên cứu mới nhất, việc phụ huynh nên làm là tán dương các nỗ lực và quá trình tiến bộ của con em mình chứ không phải các kết quả chúng đạt được. Những lời khen như vậy sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất nếu chúng cụ thể và đúng lúc. Khi trưởng thành, cách khen ngợi đó sẽ dẫn lối cho bọn trẻ theo đuổi một cuộc sống có mục đích, có ý nghĩa hơn thay vì một cuộc sống chạy theo thành tích. Một phát hiện khác là chúng ta không nên trao thưởng khích lệ cho chúng trong cuộc chơi. Các biện pháp khuyến khích chỉ có hiệu quả trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, trò chơi sẽ nhanh chóng mất đi sự thú vị và biến thành công việc phải làm. Nói tóm lại, bạn phá hủy sự hứng thú và niềm hạnh phúc của chúng bằng chính trò chơi.
Tôi vẫn nhớ mình thích chơi đùa với cả bốn đứa con khi chúng còn nhỏ. Trên thực tế, tôi bị những người hàng xóm và họ hàng đến thăm nhận xét về sự trẻ con của mình khi chơi các trò chơi của trẻ em như trốn tìm và đuổi bắt trong vườn. Tôi chưa bao giờ chú ý đến những lời nhận xét ấy khi cả bốn đứa con và bản thân mình đang cùng nhau trải nghiệm những khoảnh khắc tuyệt vời nhất.
Đến giờ chúng đi ngủ, tôi kể cho chúng những câu chuyện hư cấu của riêng tôi (xem các câu chuyện dưới đây). Tôi biến chúng thành những nam siêu nhân và nữ anh hùng – những người cứu thế giới khỏi vô số rắc rối và thảm họa. Sau đó, chúng đặt ra rất nhiều câu hỏi tại sao. Vì không biết tất cả câu trả lời nên tôi tiếp tục sáng tạo những câu chuyện cổ tích của riêng mình để thỏa mãn sự tò mò của chúng. Đôi khi, tôi cố tình tạo ra những tình huống nan giải và những vấn đề bất khả thi để chúng tìm giải pháp. Giải pháp mà chúng tưởng tượng ra đôi lúc khiến tôi vô cùng kinh ngạc.
NHỮNG CÂU CHUYỆN
Trước khi đi ngủ, cô con gái út liên tục nài xin tôi kể những câu chuyện về lý do tại sao hươu cao cổ có cổ dài, tại sao cua bò ngang, tại sao rùa lại có một mai cứng… khi con bé ở độ tuổi từ 5-7 tuổi. Chúng tôi có thể nằm cùng nhau trên giường của bé. Con gối đầu lên cánh tay tôi và tôi đã tạo ra những câu chuyện ngay lúc đó. Con bé thấy câu chuyện hấp dẫn đến nỗi đôi khi hỏi tôi liệu chúng có phải là chuyện thực hay không. Kết thúc câu chuyện, tôi sẽ vỗ về con bé ngủ trước khi rời khỏi phòng.
Bạn cũng có thể làm như vậy. Và sẽ tốt hơn, nếu bạn yêu cầu trẻ tự sáng tạo câu chuyện của chúng. Nếu không thể làm điều đó thì bạn hãy đọc truyện cổ tích và truyện giả tưởng để kích thích trí tưởng tượng của trẻ. Tốt nhất là đừng sử dụng các cuốn sách có nhiều hình minh họa với màu sắc phong phú bởi những bức tranh đó có thể hạn chế chuyến du hành của trí tưởng tượng tới xứ sở mộng mơ, huyền diệu.
Hãy để tôi chia sẻ hai trong số những câu chuyện mà tôi đã sáng tạo và kể cho con gái mình:
1. Sự tích chiếc mai rùa
Cách đây rất lâu, những con rùa cũng giống như những con sóc. Chúng là loài động vật có bộ da trơn, không có lông, nghịch ngợm và láu táu.
Một ngày nọ, xảy ra một vụ phun trào núi lửa và một chú rùa không có mai chạy thoát thân khỏi dòng dung nham đang nóng chảy và phun trào. Nó gần như sắp bị bỏng bởi dòng dung nham này thì bất chợt một con đại bàng xuất hiện. Nó đã theo dõi để bắt con rùa làm mồi cho con non mới nở của nó. Con đại bàng sà xuống, xòe bộ vuốt sắc nhọn, quắp chặt con rùa rồi bay lên, vừa kịp lúc để con rùa thoát khỏi cái chết cận kề.
Rùa vui mừng vì được đại bàng giải cứu. Tuy nhiên, khi đại bàng bay ngày càng cao, con rùa nhận ra rằng nó đang được mang về tổ đại bàng ở ngọn cây trên vách núi. Khi đại bàng gần đáp xuống tổ của mình, con rùa nhìn thấy những con chim non đang há mỏ, háo hức chờ đợi được mẹ mớm mồi. Trong cơn tuyệt vọng, con rùa quay chiếc cổ dài của nó và cắn vào chân đại bàng. Bị cắn quá đau, con đại bàng buộc phải nhả móng vuốt đang kẹp chặt chú rùa và nó rơi thẳng vào một quả trứng chưa nở.
Lực tác động của cú va chạm làm nứt vỏ trứng, sau đó, chú rùa lăn ra khỏi tổ, trên lưng vẫn còn bám đầy vỏ trứng. Khi lăn xuống, dòng dung nham nóng chảy bên dưới đã hàn kín vỏ trứng vỡ thành một cái mai cứng vĩnh viễn gắn trên lưng con rùa. Một dòng phun trào khác đã đẩy bật con rùa ra khỏi dòng dung nham. Từ đó, con rùa mang theo một cái mai cứng có những đường trứng nứt trên lưng.
2. Sự tích vị cay nóng của trái ớt
Ngày xửa ngày xưa, ớt là loại trái cây ngọt ngào mà các loài động vật sống trong rừng đều ưa thích. Muông thú thích ăn ớt vì chúng vừa ngon vừa nhiều dinh dưỡng.
Họ nhà ớt lại vô cùng lo lắng. Chúng đã tổ chức một cuộc thảo luận. Với tốc độ ăn ớt của muông thú, cơ hội duy trì sự sống thực sự rất hiếm hoi. Vấn nạn này khiến họ nhà ớt vô cùng hoảng loạn. Chúng quyết định kêu gọi sự giúp đỡ.
Một con thỏ đi ngang qua và một cây ớt cầu xin sự giúp đỡ. Con thỏ dừng lại và hỏi: “Tôi có thể làm gì giúp bạn?”
Cây ớt giải thích tình hình chung cho chú thỏ. Thỏ suy nghĩ một lúc và nói: “Tôi không nghĩ ra cách nào để giúp bạn. Có lẽ loài khỉ tinh ranh có thể có cách giúp đỡ bạn chăng.”
Vừa hay, một con khỉ chuyền cây đu đưa qua lại chỗ đó. Cây ớt khẩn khoản xin chú khỉ giúp đỡ. Chú khỉ gãi đầu gãi tai, cố gắng vận dụng tất cả sự tinh ranh của nó để tìm ra giải pháp cho tình thế khó khăn của họ nhà ớt, nhưng không nghĩ ra cách nào.
“Tại sao không hỏi cú mèo thông thái nhỉ,” chú khỉ đề nghị và nhanh chóng biến mất trong những tán cây rừng để che giấu sự bối rối của mình.
Khi bầu trời tối dần, tiếng cú kêu vang lên rõ ràng hơn. Những cây ớt rất phấn khích. Chúng đồng thanh hét lên để thu hút sự chú ý của con cú mèo khôn ngoan. Cú mèo phản ứng bằng cách bay xuống chỗ những cây ớt để tìm nguyên nhân gây ra hỗn loạn.
“Cú mèo thông thái,” những cây ớt cầu xin, “làm ơn nghĩ cách cứu chúng tôi khỏi bị muôn loài ăn đển mức tuyệt chủng.” Con cú khôn ngoan lắng nghe một cách cảm thông về cảnh ngộ khốn khổ của những cây ớt. Trong khi cú mèo đang tìm kiếm giải pháp, bầu trời chuyển biến xấu và mưa rơi nặng hạt từ trên cao. Thời tiết đó đã làm con cú nảy ra một ý tưởng.
“Tôi có một giải pháp cho các bạn,” con cú nói một cách hân hoan với những cây ớt đang lo lắng, “bạn bè của chúng tôi – sấm và sét có thể sẽ có khả năng giúp các bạn.”
Khi sấm và sét kiểm soát bầu trời đêm, những lời khẩn cầu tuyệt vọng của họ nhà ớt chỉ có thể được nghe thấy một cách yếu ớt giữa những tiếng sấm vang rền đinh tai nhức óc.
“Chuyện gì đang xảy ra ở đây?”, tiếng sấm rền ầm ầm một cách kích động. Sau khi nghe câu chuyện của những cây ớt sợ hãi, sấm cười lớn và kêu gọi sự giúp đỡ từ người bạn tia sét của nó.
“Chỉ cần thư giãn và hấp thụ năng lượng chung của chúng tôi,” sấm và sét hướng dẫn những cây ớt. Người bạn sét đó đã phóng tia sét mạnh mẽ, chớp sáng cả bầu trời. Sét chớp nhoáng như một tín hiệu báo rằng sấm sẽ phát ra tiếng gầm tiếp theo.
Làm theo sự chỉ dẫn, các cây ớt tự thư giãn để hấp thụ hai nguồn năng lượng to lớn này. Đó là lý do tại sao ngày nay, khi ăn ớt, bạn có thể cảm nhận được sự thiêu đốt bùng nổ của sấm và sét trên đầu lưỡi.
Hãy nhớ rằng, trẻ em là món quà kỳ diệu nhất mà đấng sáng thế ban tặng cho bạn. Tình yêu, niềm vui sáng tạo và niềm vui học tập đều là những món quà tuyệt vời nhất mà bạn có thể dành tặng cho những đứa trẻ của mình.
CÂU CHUYỆN SÁNG TẠO
Cậu bé không bị bắt nạt
Ở trường học, một cậu bé to con hơn nhiều đã liên tục bắt nạt John bé nhỏ. Butch – kẻ bắt nạt cảnh cáo John không được nói cho ai biết chuyện này. John sợ hãi và không biết phải làm gì. Cậu bé muốn nói với giáo viên và cha mẹ của mình nhưng lại quyết định giữ kín bí mật. Những người bạn của cậu cũng bị Butch bắt nạt. Họ nói với John rằng việc tiết lộ sự thật sẽ chỉ khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.
John đi ngủ sớm sau bữa tối nhưng cậu lật mình trăn trở mãi không ngủ được. Cậu đang cố gắng nghĩ cách giải quyết vấn đề. Những suy nghĩ khiến cậu bé mệt mỏi mà không mang lại kết quả nào. Cuối cùng, John ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ, cậu bé tiếp tục mơ thấy Butch chặn đầu mình ở trường học, vẫn với tâm trạng tức giận như thường ngày. Thay vì đứng đó chịu trận hoặc bỏ chạy như thường lệ, lần này John đứng vững tại chỗ. Ngay khi Butch chuẩn bị tấn công, thì cậu bé ấy đột nhiên biến mất trong một làn khói!
Giấc mơ ảnh hưởng sâu sắc đến John khi cậu thức dậy vào sáng hôm sau. Cậu bé không ngừng nghĩ về nó trên đường đến trường. Càng nghĩ, cậu càng tin tưởng rằng giải pháp chấm dứt sự bắt nạt của Butch chính là đứng lên chống lại.
Trong giờ giải lao, Butch tiến lại gần John khi cậu đang nuốt miếng thức ăn cuối cùng. Lần này, John đã sẵn sàng. Khi Butch chỉ còn cách vài bước chân, John tự tin vạch một đường trên mặt đất, phân chia ranh giới Butch và mình. Khi Butch còn đang sửng sốt, John đã thách thức cậu ta vượt qua đường ranh giới này!
Butch không phải là kiểu người sẽ chạy trốn khi có thách thức. Cậu ta nhìn thẳng vào mắt John và băng qua ranh giới với vẻ mặt kiêu ngạo. Ngay khi kẻ bắt nạt băng qua vạch ranh giới, John nở nụ cười rạng rỡ nhất và tuyên bố: “Giờ thì chúng ta ở cùng một phe rồi.” Bằng cách đó, John không chỉ biến kẻ bắt nạt thành bạn của mình mà còn được cậu bé bảo vệ trong suốt những năm đầu đi học.
BÀI LUYỆN TRÍ NĂNG 9
Vui đùa với các con của bạn
Tôi đã lựa chọn những bài luyện tập từ các hoạt động vui chơi với trẻ em. Tại sao bạn không thử chúng với các con của mình? Chúc bạn vui vẻ và tận hưởng những khoảng thời gian thú vị bên gia đình.
1. Làm thế nào để bạn đẩy được ti vi qua một lỗ nhỏ?
2. Cái gì càng giặt thì càng bẩn?
3. Có cách nào để bạn có thể gói lửa trong một mảnh giấy không?
4. Con vật nào ngồi khi đang đứng, ngồi khi đang ngủ, ngồi khi đang ngồi?
5. Làm thế nào để đốt cháy một que diêm dưới nước?
6. Làm thế nào để ném một quả bóng đi xa hết mức có thể, sau đó nó dừng lại và tự quay về với bạn?
7. Con gì có 4 chân khi còn nhỏ, 2 chân khi lớn lên và 3 chân khi về già?
8. Bạn gọi con nai không có mắt là gì?
9. Bạn có mười quả cam trên bàn. Bạn lấy hai quả. Bạn có bao nhiêu quả cam?
10. Cây cầu dài 6km có thể chịu trọng tải tối đa ba tấn. Một chiếc xe nặng chính xác ba tấn bắt đầu di chuyển từ một đầu của cây cầu. Khi nó đi được nửa đường, một con chim đậu trên nóc xe tải. Liệu cây cầu có sụp không?
Hãy ghi chép tóm lược quá trình khai trí sáng tạo của bạn tại đây
..............................................................................................
.....................................................................................................
.....................................................................................................
.....................................................................................................
.....................................................................................................
.....................................................................................................
.....................................................................................................
.....................................................................................................
.....................................................................................................
.....................................................................................................
.....................................................................................................
.....................................................................................................
....................................................................................................
....................................................................................................
Phần trống dành cho bạn ghi chép bất kỳ ý tưởng hay cảm hứng nào nảy sinh trong quá trình đọc chương này.