KỸ THUẬT SÁNG TẠO THỨ BA: PHÁ VỠ QUY TẮC
“Chết tiệt, không có quy tắc nào ở đây hết – chúng ta cứ luôn cố gắng lập ra một quy tắc nào đó thôi.”
Thomas Edison
“Sáng tạo bao gồm khám phá, thử nghiệm, phát minh, phát triển, chấp nhận rủi ro, phá vỡ các quy tắc, dám phạm sai lầm và tìm niềm vui thú trong đó.”
Mary Lou Cook
Hãy thách thức các quy tắc và cố gắng phá vỡ chúng. Chỉ vì mọi thứ luôn được thực hiện theo một cách nhất định không có nghĩa rằng không có phương pháp nào tốt hơn. Trong thực tế, nhiều doanh nhân chân chính và thành công đã trở nên thành đạt và giàu có nhờ suy nghĩ khác biệt. Những người có tư duy sáng tạo nảy sinh ý tưởng ban đầu khi thách thức và đi ngược lại các quy luật hiển nhiên. Trong thực tế, chướng ngại khó vượt qua nhất đối với việc sáng tạo là suy nghĩ bạn không có tính sáng tạo (Jig-word*7).
Người sáng lập công ty máy tính Apple, Steve Jobs và Steve Wozniak đã cách mạng hóa ngành công nghiệp máy tính khi họ đảo ngược hầu hết mọi thứ mà IBM đã làm và gần như phá hủy công ty máy tính khổng lồ này. Nhờ nỗ lực cải tiến của họ, giá thành máy tính đã hạ xuống mức phải chăng đối với công chúng.
Bác sĩ Edward Jenner đã sáng chế ra vắc-xin bệnh đậu mùa nhờ nghiên cứu những cô gái chăn nuôi bò sữa không bị nhiễm bệnh đậu mùa hơn là chỉ khám cho những người mắc bệnh. Ông tự hỏi mình – lý do các cô gái chăn nuôi bò sữa hầu như không mắc bệnh thủy đậu là gì? Thay vì khám, chuẩn đoán và cố gắng xác định lý do tại sao mọi người mắc bệnh, ông đã tiếp cận vấn đề theo một cách khác: Tại sao một vài người không mắc bệnh?
Henry Ford phát minh ra dây chuyền lắp ráp khi ông thách thức sự mặc định rằng công nhân phải di chuyển để hoàn thành công việc của họ. Họ phải di chuyển từ đống vật liệu này sang đống vật liệu khác, từ máy sản xuất này sang máy sản xuất khác. Để thay đổi quy trình này, Ford đã áp dụng hệ thống băng tải vận chuyển phần công việc đến vị trí thao tác của con người. Kể từ đó, kỷ nguyên sản xuất hàng loạt theo dây chuyền đã khởi đầu và thay đổi cả thế giới.
Nhiều bậc cha mẹ phàn nàn về việc con cái họ mải mê chơi game mà không chịu tham gia hoạt động thể chất. Nintendo đã phá vỡ các quy luật chơi game trên máy tính bằng cách tung ra máy chơi game Wii. Wii khởi đầu cuộc cách mạng điều khiển chuyển động nhờ cho phép người chơi thực sự tập thể dục trong khi chơi trò này. Hơn nữa, thay vì dùng để tấn công nhân vật phản diện như những trò chơi khác, bộ điều khiển chuyển động Wii sẽ tập trung đo lường thể lực và kỹ năng thể thao.
Alexander Đại đế – người chinh phục gần một nửa thế giới, được biết đến như một người phá vỡ các quy luật. Khi chàng trai trẻ Alexander ở tuổi 23 đến thành phố Gordium, anh được nghe kể về nút thắt Gordian Knot của vị vua của triều đại Phrygia có tên Gordius, người đã cột nó đầu tiên. Trên một phiến đá cẩm thạch có khắc dòng chữ: “Bất cứ ai gỡ được nút thắt này có thể chinh phục cả thế giới.” Trong hơn 100 năm, biết bao người đã thử nhưng không ai có thể tháo gỡ nút thắt phức tạp bằng tay khi các đầu dây bị cuộn vào bên trong, che giấu kỹ càng và không thể tìm thấy được.
Sau khi cố gắng vô ích để gỡ các nút thắt bằng tay, Alexander giơ cao thanh gươm lên và chém nó làm đôi, nhờ đó nút thắt tự rời ra và đó chính là cách tháo gỡ nút thắt bằng cách phá vỡ quy tắc và biến lời tiên tri thành sự thật.
Câu chuyện về nút thắt thành Gordium chỉ ra một điểm rất quan trọng. Bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tháo nút thắt bằng một dụng cụ sắc bén như vua Alexander đã làm, nhưng không ai làm như vậy. Đó là bởi họ tự hạn chế mình bằng cách áp đặt quy tắc phải sử dụng ngón tay để gỡ nút thắt đó. Dòng chữ khắc trên phiến đá không đòi hỏi điều kiện là phải gỡ nút thắt bằng ngón tay.
Hãy suy nghĩ về điều này một chút. Các quy tắc mà chúng ta thường tự áp đặt như: Người ta thường thực hiện nó theo cách này hoặc điều này chưa từng được thử áp dụng trước đây, đã ngăn cản chúng ta tìm ra giải pháp đúng đắn cho vấn đề. Bạn có như vậy không?
CHỦ ĐỊNH PHÁ VỠ QUY LUẬT
Một người trẻ tuổi gốc Macedonia đã phá vỡ các quy tắc một cách có chủ ý. Việc phá vỡ các quy tắc có thể thực hiện có chủ ý hoặc ngẫu nhiên. Chúng ta có thể kết hợp kiến thức và việc không biết đến các quy tắc để tạo ra những ý tưởng thiết thực, sáng tạo. Kiến thức có thể giải quyết vấn đề. Nhưng đôi khi việc không biết các quy tắc lại là điều kiện cần để dẫn dắt chúng ta đi đúng hướng.
Đầu tiên, hãy xem xét kỹ thuật chủ định phá vỡ các quy tắc. Để làm điều này, bạn cần am hiểu các quy tắc. Trước tiên, bạn cần liệt kê được càng nhiều đặc điểm, tính năng hoặc thuộc tính của sản phẩm, dịch vụ hoặc hệ thống càng tốt. Sau đó, bạn sẽ khám phá từng đặc điểm, tính năng hoặc thuộc tính và suy nghĩ các cách tiếp cận khác nhau đối với từng hạng mục cụ thể. Đây là phương pháp tiếp cận theo hệ thống.
Ví dụ, trong sở thú, người ta nhốt động vật trong lồng hoặc một số hình thức nhốt kín khác để đề phòng chúng trốn thoát. Chúng tôi không muốn những con hổ lang thang xông vào quán cà phê của sở thú. Thêm nữa, hầu hết các sở thú chỉ được phép mở cửa vào ban ngày. Đáng tiếc, vì đây là thời gian động vật sống về đêm đang nghỉ ngơi hoặc ngủ ở nơi trú ẩn của chúng hoặc sau bụi rậm. Sở thú Singapore đã làm điều ngược lại. Sở thú này có một Vườn thú động vật hoang dã về đêm, nơi các con vật đi lang thang kiếm ăn tự do trong bóng tối và du khách phải ở yên trong xe cơ giới để đảm bảo an toàn cho chính họ. Không tệ chút nào nhỉ? Nhưng xin hãy ghi nhớ đừng để xe hết xăng...
PHÁ VỠ QUY TẮC
Giờ chúng ta chuyển sang cách thức thứ hai – vô tình phá vỡ các quy tắc.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng kiến thức hiện hữu có thể là chướng ngại lớn nhất của tư duy sáng tạo. Điều này đặc biệt đúng đối với các chuyên gia có nền tảng lý thuyết vững chắc. Kết quả là, họ có một cách nhìn nhận được cấu trúc chặt chẽ về một vấn đề kỹ thuật. Nếu rơi vào trường hợp như vậy, hãy nhờ một người không thuộc lĩnh vực chuyên môn của bạn kích thích các cách tiếp cận mới bằng cách vô tình phá vỡ các quy tắc. Mọi người không biết rằng, những điều chưa từng được thực hiện trước đây thường tạo ra đột phá (vui lòng tham khảo Tầng khai trí sáng tạo thứ nhất).
Một khách sạn lên kế hoạch cải tạo và nâng cấp cơ sở vật chất. Hạng mục cải tạo là bổ sung thêm một thang máy mới cho tòa nhà cao tầng. Một nhóm các chuyên gia bao gồm các kỹ sư, kiến trúc sư và chuyên gia thang máy đã khảo sát tầng trệt để tìm vị trí khoan lỗ lắp đặt thang máy xuyên qua trần. Họ không thể tìm thấy vị trí nào để khoan lỗ lắp đặt thang máy. Trần nhà chứa đầy ống dẫn khí, ống dẫn điện, đường ống cấp và thoát nước thải. Việc tìm kiếm dường như vô vọng.
Một người dọn vệ sinh đang lau sàn nhà gần đó gần chỗ các chuyên gia đang thảo luận nơi họ sẽ khoan lỗ đặt thang máy đã phá vỡ quy tắc thông thường. Các chuyên gia càng đề xuất nhiều giải pháp khác nhau để khảo sát vị trí trần nhà phía trên, người này càng tức giận. Cuối cùng, không thể kiềm chế thêm được nữa, ông nói: “Việc khoan lỗ đối với các anh thật đơn giản. Nhưng tôi mới là người phải dọn sạch mớ hỗn độn còn lại sau đó! Tại sao các anh không xây dựng thang máy bên ngoài tòa nhà và đồng thời giúp cho người dùng chiêm ngưỡng một khung cảnh thật đẹp khi sử dụng thang máy!”
Các kiến trúc sư, kỹ sư và chuyên gia thang máy không hề cảm thấy thích thú với lời nói của người đàn ông này. Nhưng một vị quản lý đã chú ý đến ý tưởng này. Cuối cùng, họ nhận ra rằng đó là một giải pháp tuyệt vời và khả thi cho vấn đề.
Ngày nay, chúng ta thường nhìn thấy thang máy trong suốt kỳ diệu phía bên ngoài các tòa nhà. Một khung cảnh tuyệt vời! Và đó là nhờ nhận định của một người không hề có chuyên môn về lĩnh vực xây dựng thang máy.
Những người “không biết gì” có khả năng trở thành những người phá vỡ quy tắc tốt nhất. Hãy mạnh dạn mời những người không có kiến thức chuyên ngành tham dự các cuộc họp của bạn. Bạn sẽ không sử dụng thời gian của mình một cách lãng phí đâu.
Cũng như vậy, trẻ em là nguồn năng lượng tuyệt vời để kích thích tư duy sáng tạo “bên ngoài chiếc hộp”. Tiến sĩ Edwin Land đã phát minh ra máy ảnh Polaroid lấy hình ngay sau khi cô con gái nhỏ ngây thơ nhận xét rằng hình nên được rửa ngay sau khi chụp. Hãy mạnh dạn để trẻ em tham gia các buổi giải quyết vấn đề hoặc phiên họp sáng tạo ý tưởng của bạn. Chúng là nguồn kích thích sáng tạo tốt nhất mà bạn có thể tìm thấy. Chúng chưa được học về những điều bất khả thi.
CÂU CHUYỆN SÁNG TẠO
8.1. Apple gần như đã hủy diệt IBM
IBM là một trong những công ty máy tính lớn nhất và đáng gờm nhất trên thế giới. Công ty này vẫn giữ vị trí đó từ những năm 1970. Thời điểm đó, IBM đã độc quyền ngành kinh doanh máy tính. Khi nhắc đến “máy tính”, từ tiếp theo nảy ra trong đầu họ là “IBM”.
Thời điểm đó, bộ quy tắc chi phối hoạt động kinh doanh của công ty được coi là yếu tố làm nên thành công của IBM.
Mọi thứ đều được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ giai đoạn nguyên liệu thô đến sản phẩm cuối cùng sẵn sàng để bán. IBM đã tự sản xuất bộ vi xử lý của riêng mình – là trái tim của các máy tính. Họ cũng tự thiết kế phần mềm của riêng họ. Công ty không sẵn sàng ủy thác lòng tin cho một đơn vị khác để thực hiện hoạt động thiết yếu này. Sau đó, họ tuyển mộ nhiều nhân viên bán hàng được đào tạo bài bản và có kiến thức kỹ thuật cao. IBM là một vùng lãnh địa bất khả xâm phạm, không hoan nghênh bất kỳ sự can thiệp hoặc lời khuyên từ bên ngoài nào.
Trên tất cả, IBM đề ra một chính sách nghiêm ngặt về việc niêm phong vỏ máy tính. Chỉ nhân viên có thẩm quyền mới được phép mở chúng. IBM không hề muốn các công ty đối thủ ăn cắp ý tưởng của họ. Nếu một người không có thẩm quyền mở máy tính IBM, thì quyền lợi bảo hành của họ sẽ bị vô hiệu hóa. Điều này, theo quan điểm của công ty, sẽ giúp đảm bảo và duy trì vị thế thống lĩnh thị trường của họ. Nhận định này thật sai lầm.
Như đã đề cập trước đó trong cuốn sách này, hai thiên tài trẻ tuổi Steven Jobs và Stephen Wozniak đã phá vỡ vị thế này của IBM. Hai sinh viên này đã bỏ học đại học giữa chừng. Sẽ chẳng có ai tuyển mộ và trọng dụng họ. Vì vậy, cặp đôi đã tự xây dựng công ty máy tính riêng của mình. Họ không có nhiều tiền. Cái họ thực sự có là hoài bão.
Họ đã sản xuất một chiếc máy tính như thế nào? Tiêu chuẩn của chiếc máy tính phải là nhỏ gọn. Họ không có nguồn tài nguyên giống các công ty lớn. Họ khởi nghiệp với một công ty nhỏ và đặt tên cho nó là Apple.
Apple không có tài nguyên để sản xuất bộ vi xử lý của riêng mình, vì vậy những chàng trai trẻ này phải mua chúng từ các nhà sản xuất khác. Họ không có tiền để thuê các chuyên gia phần mềm. Họ đã khắc phục điều này bằng cách ký hợp đồng thầu phụ ủy thác cho một công ty mới khởi nghiệp khác là Microsoft. Và bởi chỉ hoạt động ở quy mô nhỏ như vậy, Apple hầu như không có nhân viên chuyên trách bán hàng. Không giống như IBM, họ nắm giữ tất cả các mối liên hệ và vô số hợp đồng, hai chàng trai bán trực tiếp sản phẩm của mình cho công chúng. Họ tự chế tạo máy tính và bán cho các cửa hàng bán lẻ.
Đây là một canh bạc lớn. Nhân viên bán hàng trong các cửa hàng bán lẻ, vào thời điểm đó, hầu như không hiểu biết về máy tính. Những cái hộp nhỏ đi kèm bàn phím và màn hình ống tia âm cực – chúng là gì? Nhưng dần dần tiếng lành đồn xa. Cũng giống như các bạn trẻ tạo ra các đoạn ra-đi-ô nghiệp dư, có rất nhiều người ngoài kia hứng thú với cái mới. Điều thực sự thu hút những người này là họ có thể mở những chiếc hộp đó, quan sát phía bên trong và thực hiện vài phép tính. Họ có thể thực hiện nhanh chóng và chỉnh sửa trong đó.
Những người thích trải nghiệm điều mới bắt đầu nói chuyện với nhau và xuất bản tạp chí về máy tính. Có những bài viết về bảng mạch, vi mạch, thậm chí là những mẹo nhỏ gợi ý về World Wide Web dành cho tất cả mọi người. Đây là những điều IBM không bao giờ mong muốn xảy ra. Bạn thấy đấy, máy tính Apple được thiết kế để những người dùng có thể tự do thêm hoặc sửa đổi các bảng mạch của nó. Đối với những người đam mê kỹ thuật máy tính, đó thực sự là Chén Thánh.
Với phương thức tiếp cận đổi mới của mình, Apple phá vỡ gần như tất cả các quy tắc thành công của IBM. Steve Jobs và Stephen Wozniak đã cách mạng hóa và chuyển đổi ngành công nghiệp máy tính. Họ còn phá vỡ một quy tắc khác. Họ giảm giá thành máy tính cá nhân đến mức phải chăng với công chúng. Không giống như IBM, công ty vốn chỉ phục vụ cho đối tượng người dùng doanh nghiệp, Apple đã chế tạo ra máy tính dành cho tất cả mọi người.
Theo thời gian, ngay cả sự phát triển thịnh vượng của Apple cũng bắt đầu suy giảm. Họ quá quan tâm đến khía cạnh kinh doanh của sản phẩm mà không chú trọng vào đổi mới và sáng tạo. Steve Jobs đã quay lại nắm giữ vị trí CEO để hồi sinh sự thịnh vượng của công ty. Sự trở lại của ông báo hiệu sự tái xuất của tính sáng tạo và phá vỡ các quy tắc. Apple đã phá vỡ quy tắc nào? Máy tính màu xám tiêu chuẩn đột nhiên được sản xuất với vô số màu sắc.
Ngoài ra, công ty còn sản xuất thêm cả máy tính để bàn màn trong, máy tính xách tay iBook hấp dẫn.
Steve đã phá vỡ các quy tắc mua toàn bộ các bài hát thuộc cùng một album mặc dù tất cả những gì bạn muốn là chỉ là một bài hát trong album đó. Ông đã làm điều này bằng cách giới thiệu iTunes. Ứng dụng này cho phép bạn mua một bài hát mỗi lần bằng cách tải xuống từ Internet. Ông cũng tạo ra những chiếc iPod có thể chứa hàng ngàn bài hát trong một chiếc vỏ di động, nhỏ hơn cả hộp đựng thuốc lá! Chính điều này đã dẫn đến sự phát triển của podcast7, nơi bất kỳ ai cũng có thể phát sóng các bài hát hoặc thông tin khác thông qua Internet mà không cần sở hữu cả một phòng thu.
7 Podcast là một series các tập tin âm thanh hoặc video số mà người dùng có thể tải về và nghe.
Apple đã tung ra iPhone, dòng điện thoại truất ngôi vị số 1 của điện thoại di động Nokia. Không lâu sau, các sản phẩm khác như máy tính bảng, iPad – một máy tính màn hình cảm ứng mang tính cách mạng với gần một triệu ứng dụng đã ra đời. Quả thực Apple chính là công ty sáng tạo nhất thế giới!
Giờ bạn đã hiểu những gì tôi muốn nói về việc không bị ràng buộc bởi các quy tắc rồi chứ? Hãy cùng xem xét một ví dụ khác...
8.2. Michael Dell đã phá vỡ các quy tắc về đổi mới máy tính
Khi còn là sinh viên năm nhất của Đại học Texas, Michael Dell từng mơ có ngày đánh bại gã khổng lồ máy tính IBM trong ngành kinh doanh máy tính. Thật là một giấc mơ táo bạo đối với một thanh niên 19 tuổi. Không một ai tin ông ta sẽ làm được điều đó.
Dell đã thành lập PCs Limited vào năm 1984, sử dụng phòng ký túc xá của trường đại học để lắp ráp máy tính từ các linh kiện lưu kho. Một năm sau, ông bỏ học đại học để tập trung vào công việc kinh doanh.
Công ty đổi tên thành Tập đoàn máy tính Dell vào năm 1988 và bắt đầu mở rộng hoạt động kinh doanh trên phạm vi toàn cầu.
Dell đã thay đổi ý nghĩa của từ “đổi mới”. Trước ông, sự đổi mới đề cập đến nghiên cứu của các kỹ sư làm việc trong các phòng thí nghiệm và phát triển đắt tiền, phát minh ra các sản phẩm và công nghệ có lợi nhuận cao. Sự đổi mới của ông là phân phối và bán máy tính trực tiếp cho khách hàng, bỏ qua các đại lý. Quy tắc thứ hai mà ông phá vỡ là Dell đã đi tiên phong trong việc áp dụng phương pháp tiếp cận “cấu hình máy theo đơn đặt hàng” vào sản xuất, cung cấp các PC riêng lẻ được thiết kế theo thông số kỹ thuật mà khách hàng lựa chọn.
Tuy nhiên, thành tựu lớn nhất của Dell là đi tiên phong và hoàn thiện nghệ thuật thương mại điện tử. Năm 1994, công ty của ông đã trở thành nhà sản xuất máy tính đầu tiên có trang web riêng. Dell đã biến nó thành một công cụ để phục vụ nhu cầu tùy chọn của công chúng – đây là phần tiện ích mở rộng tuyệt vời đối với phương pháp bán hàng trực tiếp của họ. Đến năm 1999, Dell là nhà bán hàng lớn nhất trên Internet, vượt qua Amazon, eBay và Yahoo.
Phá vỡ các quy tắc khiến Dell trở thành công ty PC lớn nhất thế giới, thậm chí vượt qua cả Compaq. Câu chuyện không chỉ dừng ở đó. Compaq đã buộc phải hợp nhất với Hewlett Packard chỉ để đảm bảo sự tồn tại của nó.
8.3. Nhà hàng thay đổi giá trong bữa ăn
Một nhà hàng nằm tại một sàn giao dịch chứng khoán lớn muốn thể hiện một bản sắc riêng biệt. Chủ sở hữu là Harriet. Harriet đạt được điều này bằng cách phá vỡ các quy tắc mà phần lớn các nhà hàng tuân theo. Cô ấy quyết định liệt kê các tính năng của một nhà hàng cao cấp, các quy tắc thông thường và các cách tương ứng để phá vỡ các quy tắc này.
Ngay từ đầu Harriet đã cam kết phá vỡ các quy tắc. Đây là cách riêng của cô để tạo ra một bản sắc riêng biệt. Cô không muốn giống như những người khác mà muốn thu hút các thương vụ mới.
Sau khi suy nghĩ về vấn đề này cả ngày mà không có gì tiển triển, cô chủ Harriet quyết định đi xem một bộ phim để thư giãn đầu óc. Bộ phim kể về một cô gái là một đặc vụ bí mật. Cô thường xuyên thay đổi ngoại hình để thu thập các thông tin mong muốn. Ở phân cảnh này, cô có thể mặc chiếc áo phông giá rẻ với quần jean sờn rách và cảnh tiếp theo, cô sẽ mặc một chiếc váy dạ hội dài, lộng lẫy và đắt tiền. Nhân vật nữ chính là một tắc kè hoa chính hiệu, thay đổi liên tục để thích ứng với hoàn cảnh xung quanh.
Khi đang xem phim, bất chợt một ý tưởng nảy ra trong đầu Harriet. Cô thực hiện một kết nối giữa thay đổi quần áo, sàn giao dịch chứng khoán và giá cả.
Harriet tiếp tục lên ý tưởng cho một nhà hàng rất nổi tiếng và thành công với bản sắc riêng. Nhà hàng có những nét độc đáo sau:
• Giá cả không cố định mà thay đổi tùy theo mức độ ưa chuộng của món ăn – cũng giống như thị trường chứng khoán. Giá của các món ăn có thể được “khớp lệnh” – thay đổi bất cứ lúc nào trước, trong hoặc sau bữa ăn.
• Giá thay đổi của các món ăn được hiển thị trên một bảng lớn.
• Thực đơn được làm mới hàng ngày để tạo sự phấn khích và trò chơi đầu cơ giá.
• Bầu không khí sôi động bởi khách quen không biết liệu họ đã lựa chọn đúng hay chưa dựa trên đơn giá biến động liên tục của các món ăn mà mình đã gọi.
8.4. Phá vỡ bố cục và xắp xếp không gian văn phòng cố định
Công ty quảng cáo Howell Henry Chaldecott Lury & Partners đã phá vỡ gần như tất cả các quy tắc trong việc sắp xếp lại văn phòng của mình. Mục đích của việc sắp xếp lại hay đúng hơn là tổ chức lại là để thúc đẩy sự sáng tạo. Các mô hình văn phòng truyền thống được thử thách và rồi bị xóa bỏ. Đây là những gì họ đã làm:
• Nhân viên công ty không được phân bổ bàn riêng từng người. Thay vào đó, họ phải hoàn thành công việc với chiếc “bàn nóng”. Cụ thể, sử dụng bất kỳ chiếc bàn nào có sẵn khi có nhu cầu. Không có vị trí cố định. Không còn tồn tại khái niệm “vị trí này/ khu vực này của tôi”.
• Các cuộc họp được tiến hành và mọi người sẽ đứng thảo luận, vì thế cuộc họp sẽ kết thúc nhanh chóng, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp.
• Nội thất văn phòng truyền thống được thay thế bằng các tấm nệm sáng màu. Việc làm này giúp kích thích sự sáng tạo.
• Máy tính xách tay và điện thoại di động thay thế máy tính để bàn và điện thoại cố định.
• Thay vì trang trí văn phòng bằng các chậu cây cảnh, họ lựa chọn trái cây tươi để các nhân viên có thể sử dụng hàng ngày.
Công ty Oticon của Đan Mạch là công ty hàng đầu thế giới về sản xuất máy trợ thính. Họ hoàn toàn không “tổ chức” văn phòng của mình. Chủ tịch công ty, ông Lars Kolind, gọi văn phòng là theo trật tự tổ chức kiểu “mì spaghetti”. Nó là một văn phòng không có trung tâm.
Đầu tiên, họ bán đấu giá tất cả đồ đạc của công ty cho nhân viên. Tiếp theo, các bức tường được gỡ xuống, vị trí thư ký không còn và mô tả công việc bị xóa. Đồ dùng cá nhân của nhân viên được cất trong xe đẩy di động để di chuyển dễ dàng.
Công ty đã trở thành một “thực thể 100% theo dự án”, trong đó nhân viên xác định các nhiệm vụ cần thực hiện và thành lập các nhóm của riêng mình.
Kết quả của việc hủy bỏ cấu trúc văn phòng này là công ty đạt được lợi nhuận kỷ lục và lấy lại thị phần đã mất. Đúng vậy, đôi khi phá vỡ các quy tắc theo những cách sáng tạo sẽ thu được thành quả bất ngờ.
BÀI LUYỆN TRÍ NĂNG 8: THÁCH THỨC CÁC QUY TẮC
Nhiều vấn đề dường như không thể giải quyết đã được xử lý thành công bằng cách thách thức các quy tắc. Các vấn đề dưới đây thuộc nhóm này. Tại sao bạn không thử kỹ thuật sáng tạo “phá vỡ các quy tắc” để giải quyết các vấn đề sau?
1. Cô con gái thông minh của bác nông dân
Một bác nông dân nghèo mắc một món nợ lớn với vị lãnh chúa giàu có. Vị lãnh chúa đã tạm hoãn khoản nợ vì ông ta mê đắm sắc đẹp của cô con gái bác nông dân. Một ngày nọ, khi bác nông dân ra ngoài đi dạo cùng con gái, vị lãnh chúa cảm thấy rằng đó là thời cơ thích hợp để hỏi nợ.
Tinh thần vui vẻ và phấn chấn, lãnh chúa tiếp cận hai cha con với một túi vải nhỏ trên tay. Ông cúi xuống nhặt hai viên sỏi mà cô con gái tinh ý nhận thấy cả hai đều màu đen và đưa ra lời đề nghị với người nông dân: “Hôm nay, tôi đang có tâm trạng vui vẻ. Tôi có hai viên sỏi ở đây, một màu đen và một màu trắng. Nếu cô con gái xinh đẹp của ông chọn ra được viên màu trắng, thì tôi sẽ xóa tất cả các khoản nợ của ông. Nếu cô ấy chọn ra viên sỏi màu đen, các khoản nợ của ông cũng sẽ được xóa bỏ với điều kiện cô ấy đồng ý kết hôn với tôi.” Cô con gái đã xử trí ra sao để giải quyết khoản nợ của người nông dân mà không phải kết hôn với vị lãnh chúa?
2. Nhà xuất bản khác thường
Hầu như tất cả các cuốn sách trong các hiệu sách hấp dẫn độc giả bằng cách đánh vào mong muốn nâng cao khả năng trí tuệ của họ. Một nhà xuất bản đã quyết định loại bỏ xu hướng này và xây dựng một doanh nghiệp xuất bản trị giá nhiều triệu đô. Họ đã làm được điều đó như thế nào?
3. Sản phẩm chăm sóc cơ thể thách thức công nghệ hiện đại
Gần như tất cả các nhà sản xuất sản phẩm chăm sóc cơ thể đều tuyên bố rằng họ đang ứng dụng những đột phá khoa học mới nhất trong công thức sản phẩm của mình. Một nữ doanh nhân đã bất chấp các quy tắc này và thiết lập thành công một mạng lưới các cửa hàng sản phẩm chăm sóc cơ thể ở nhiều quốc gia. Cô ấy đã làm việc đó như thế nào?
4. Đôi giày khó chịu, nặng nề và đắt tiền
Trong khi các thợ đóng giày trên khắp thế giới cố gắng tạo ra những đôi giày ngày càng thoải mái, một nhà sản xuất giày của Nhật Bản đã làm điều ngược lại.
Asics Corp đã sản xuất những đôi giày không thoải mái, nặng nề và đắt tiền. Shape Walker được thiết kế để tăng gánh nặng cho người mang chúng. Tuy nhiên, những đôi giày này rất được ưa chuộng. Lý do gì khiến mọi người mua những đôi giày vậy?
5. Danh mục sản phẩm độc đáo
Danh mục sản phẩm thể hiện cho bạn thấy những gì? Hầu như không có ngoại lệ, các công ty đều trưng bày sản phẩm của họ dưới ánh sáng tốt nhất có thể, đến mức hoàn hảo. Bạn sẽ phá vỡ quy tắc này như thế nào để tạo ra một danh mục sản phẩm độc đáo có tiềm năng thu hút nhiều khách hàng hơn?
Hãy ghi chép tóm lược quá trình khai trí sáng tạo của bạn tại đây
................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
.......................................................................................................
Phần trống dành cho bạn ghi chép bất kỳ ý tưởng hay cảm hứng nào nảy sinh trong quá trình đọc chương này.