Tại cuộc mít-tinh tổ chức tại quảng trường chính Calixto Garcia, tỉnh Holguin, vào ngày tháng 6 năm 2002.
Kính thưa đồng bào đến từ Holguin, Granma, Las Tunas và từ khắp mọi miền của Cuba:
Vào ngày 20 tháng 5, cái ngày diễn ra buổi trình diễn đáng xấu hổ ở Miami, thật mỉa mai khi lắng nghe Ông George W. Bush mạnh miệng lên tiếng đòi độc lập và tự do, không phải cho Puerto Rico mà lại cho Cuba; và bàn nhiều về nền dân chủ không phải cho Florida mà lại cho Cuba. Ông George W. Bush đặc biệt khăng khăng bảo vệ quyền tư hữu, cứ như nó chưa từng tồn tại ở Cuba vậy.
Tôi chợt nhận ra rằng nhiều năm đã trôi qua kể từ những ngày mà một người đàn ông ngồi trên xe lăn của mình nói bằng một giọng điệu nhẹ nhàng và thuyết phục. Ông phát biểu với tư cách Tổng thống Hoa Kỳ và ông khiến mọi người phải nể phục. Ðó chính là Franklin Delano Roosevelt. Ông không lên giọng như một kẻ ngạo mạn hay hiểm ác, và Hoa Kỳ cũng vẫn chưa là một siêu cường bá quyền như ngày nay.
Vào thời điểm đó, Ethiopia đã bị chiếm đóng. Cuộc nội chiến đẫm máu ở Tây Ban Nha cũng vừa nổ ra. Trung Quốc đang bị xâm lược và chủ nghĩa Phát xít Ðức trở thành một mối đe dọa cho toàn thế giới. Rosevelt, người mà theo tôi là một chính khách thực thụ, đã cố gắng lèo lái đất nước khỏi rơi vào một chủ nghĩa biệt lập nguy hiểm.
Khi ấy tôi đang học lớp sáu hay lớp bảy, vào khoảng 12 hay 13 tuổi. Tôi được sinh ra ở vùng quê hẻo lánh chẳng có điện. Ðôi khi cách duy nhất để đến đấy là cưỡi ngựa qua những con đường lầy lội. Nhớ lại lúc ấy, gần như suốt năm tôi đều ở trong một ngôi trường nội trú ẩm thấp và biệt lập ở Santiago với những kỳ nghỉ thưa thớt và chỉ được nghỉ hè dài hơn khi tôi đến Biran học - bởi lẽ, vào cái thời phân biệt giới tính thì con trai phải cách ly khỏi con gái và đi học trong các ngôi trường cách xa nhau hàng mấy năm ánh sáng.
Cho dù cảnh nghèo đói có lan tràn khắp nơi nhưng những người được hưởng đặc quyền như chúng tôi khi xưa lúc nào cũng có giày để mang, có áo để mặc và ăn uống no đủ. Không biết một trang trại gia súc ở bang Texas của ông George W. Bush rộng lớn đến dường nào nhưng tôi còn nhớ cha tôi có một nông trại rộng chưa đến 10.000 ha. Dĩ nhiên, điều này có nghĩa là hầu như chẳng nông trại nào rộng lớn bằng những khu vực, với diện tích vào khoảng 110.000 đến 115.000 ha, bao quanh đất nhà thuộc quyền sở hữu của Công ty Ðường West Indies và Công ty Liên hiệp Trái cây.
Tôi còn nhớ chuyện cái tin Tổng thống Mỹ sắp nói chuyện được ví như tin Chúa sắp phán truyền điều gì đấy. Và điều đó được xem như lẽ tự nhiên vì mọi thứ có nguồn gốc ở nước Mỹ đều tốt, đẹp và hữu dụng, từ một chiếc lưỡi dao cạo râu đến một chiếc đầu tàu chạy điện; từ một tấm bưu thiếp in hình tượng nữ thần Tự do đến một trong các bộ phim Tây phương khiến cả trẻ con lẫn người lớn đều say mê.
Hơn nữa, “đấy chính là cội nguồn tự do và độc lập của chúng ta”. Ðó là những gì được lặp đi lặp lại cho hàng chục ngàn tá điền và nông dân – những người không có tới một tấc đất để cắm dùi nên phải đi chặt và làm sạch mía thuê theo thời vụ trên những ruộng mía bao la. Họ thiếu ăn, đi chân không, mặc đồ rách rưới và luôn nơm nớp sợ hãi bọn “cạp rằn” (rural guard) – một lực lượng đặc biệt được các chức trách ở nông thôn lập ra luôn xuất hiện với súng trường Springfield và mã tấu vừa dài vừa bén. Bọn chúng cũng đội nón rộng vành và cưỡi những con ngựa Texas to lớn dài đến 2,1m. Mỗi khi những người nông dân gầy gò đói rách này đe dọa bãi công hay lật đổ, chúng đều kéo đến đàn áp không thương tiếc.
Trên những cánh đồng mênh mông nơi dân nghèo cư ngụ trong các túp lều, mái tranh rách nát, những ngôi làng tồi tàn và làm việc trong các nhà máy đường, khó có thể tìm thấy thậm chí chỉ một lớp học xập xệ cho 200 hoặc 300 trẻ em trong vùng; chẳng có sách, rất ít tài liệu học tập và đôi lúc ngay cả giáo viên cũng không. Chỉ những thôn xung quanh các nhà máy đường mới có một hoặc hai bác sĩ chủ yếu để chăm sóc gia đình các đốc công (manager) hoặc thầy cai (senior operatives) người địa phương của các công ty đương nước ngoài.
Mặt khác, một nhân vật khá lạ lùng xuất hiện hầu như ở khắp mọi nơi. Hắn học tối đa là lớp 3 hoặc lớp 4, nhưng so với một đám đông những người mù chữ thì hắn thuộc dạng thông thái. Hắn thường nhận làm cha đỡ đầu cho con cái một ai đấy và thỉnh thoảng ghé thăm vài gia đình ở miền quê. Hắn phụ trách những việc liên quan đến bầu cử. Hắn gom thẻ căn cước của người dân cùng vùng với lời hứa bỏ phiếu của họ; hắn là tay sai cho các chính trị gia.
Người dân quê không định bán lá phiếu của mình, mà là giúp đỡ “bạn bè”. Trừ một số ngoại tệ hiếm hoi, thường thì các ứng viên nhiều tiền nhất có thể thuê được nhiều tay sai chính trị sẽ chiến thắng trong các cuộc đua giành ghế trong văn phòng lập pháp quốc gia hoặc các vị trí tranh cử khác thuộc hạt hay tỉnh. Nếu bất kỳ một cuộc bầu cử nào nhằm thay đổi Tổng thống, - chứ không bao giờ có chuyện thay đổi hệ thống chính trị xã hội – và nếu xảy ra mâu thuẫn về mặt quyền lợi, chính các “cạp rằn” sẽ quyết định ai là nhà lãnh đạo mới.
Nhân dân ta hầu như bị mù chữ hoặc bán-mù-chữ và họ phải sống dựa vào các công việc nhọc nhằn dưới tay bọn chủ hoặc quan chức nhà nước chuyên quyền và độc đoán. Người dân không còn chọn lựa nào khác, do họ thiếu kiến thức thiết thực tối thiểu để quyết định những vấn đề ngày càng phức tạp của thế giới này.
Về lịch sử quê hương, thật may mắn là cuối cùng thế hệ sau vẫn còn được biết đến qua huyền thoại về những cuộc chiến đấu anh hùng dưới chế độ thực dân được truyền tụng từ ông bà và cha mẹ. Còn như các chính đảng, nơi mà những tập đoàn đầu sỏ chính trị chuyện phục vụ cho đế quốc chiếm vị thế áp đảo thì làm sao nhân dân ta hiểu được điều đó? Ai có thể dạy dỗ họ? Người dân sẽ đọc biết những điều này ở đâu? Bằng loại mẫu tự nào? Những thông tin như thế được lưu truyền bằng cách nào?
Nỗ lực dũng cảm và phi thường của các trí thức thuộc cánh tả, những người tạo nên được tiến bộ đáng kể trong các hoàn cảnh như thế, đã va phải những bức tường cao ngất của một hệ thống đế quốc kiểu mới và hàng trăm năm kinh nghiệm dày dạn của giai cấp cai trị trong việc duy trì tình trạng người dân bị áp bức, bóc lột, hoang mang và chia sẽ.
Trước năm 1959, quyền sở hữu duy nhất mà đa số người dân Cuba biết đến là các công ty lớn của nước ngoài cùng đồng minh của chúng trong chính thể đầu sỏ được quyền sở hữu số lượng khổng lồ đất canh tác cũng như tài nguyên thiên nhiên trên đất nước ta, cùng các nhà máy lớn nhất, những dịch vụ công cộng thiết yếu, ngân hàng, bến cảng, kho bãi, bệnh viện và các trường tư với chất lượng đào tạo tuyệt vời chỉ dành riêng cho thiểu số thuộc tầng lớp ưu tiên.
Dường như định mệnh đã an bài khi tôi được vinh hạnh sinh ra ngay tại chính vùng đất này, một nơi tuy cách quảng trường chúng ta đang đứng 54 km tính theo đường chim bay nhưng trong tâm tưởng tôi nơi ấy chỉ cách trong gang tấc.
Trên những cánh đồng mía bạt ngàn ấy, tôi chỉ có thể nhìn thấy hàng chục ngàn nông dân không một tấc đất cắm dùi hoặc người lĩnh canh phải trả tiền thuê đất với giá cắt cổ mà chẳng hề có giấy tờ ký kết để đảm bảo quyền lợi, đồng thời còn luôn bị bọn kỵ sĩ cưỡi ngựa Texas hăm he và đánh đuổi.
Ở thành thị, rất ít người có chỗ ở, mà những nơi đó họ phải trả tiền thuê rất đắt. Tôi không hề thấy bệnh viện hay trường học cho người bình dân cùng con cái của họ; tôi không thấy các đoàn bác sĩ và giáo viên. Tôi chỉ trông thấy sự khốn khó, bất công và nỗi tuyệt vọng khắp mọi nơi. Nhân dân Cuba đã bị tịch thu và tước đoạt mọi tài sản.
Do vậy, đấu tranh là lẽ tất yếu. Xiềng xích phải bị phá bỏ. Một cuộc cách mạng sâu sắc là điều không thể thiếu. Chúng ta đã sẵn sàng để thắng lợi hoặc chết. Và chúng ta đã quyết định chiến đấu.
Số người có tài sản do cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tạo ra ở Cuba nhiều hơn hẳn so với chủ nghĩa tư bản đã tạo ra nhiều thế kỷ qua. Ngày nay, hàng trăm ngàn gia đình nông dân sở hữu đất đai và thậm chí cũng không phải trả thuế đất.
Những người khác không có đất thì được canh tác miễn phí nhờ vào quyền hoa lợi, và họ có thể khai thác quyền này một cách riêng lẻ hoặc trong hợp tác xã; họ là chủ sở hữu của máy móc, nhà xưởng, gia súc và nhiều hàng hóa khác. Nhưng, quan trọng nhất là cuộc Cách mạng đã mang lại cho nhân dân quyền làm chủ đất nước. Những gì cuộc Cách mạng đã xóa bỏ là đặc quyền đối với các phương tiện sản xuất cơ bản, các cơ sở tài chính và những dịch vụ thiết yếu trước đây nằm trong tay của những kẻ vơ vét và bóc lột nhân dân – đồng thời làm giàu trên mồ hôi nước mắt của nhân công – hoặc chỉ phục vụ cho tầng lớp giàu có và tầng lớp ưu tiên, gạt bỏ dân nghèo và người da đen ra ngoài.
Nỗi tiếc nuối về những gì từng thuộc về mình mà có lẽ lãnh đạo của nhà nước đế quốc cảm thấy có thể bị lấn át khi họ nhìn thấy, ngoài các nông dân, hàng triệu gia đình ở thành thị hiện nay đã có chỗ ở và thậm chí không phải trả thuế.
Do yêu cầu lịch sử là phải khắc phục hậu quả của tình trạng kém phát triển, Cuba san sẻ với các công ty nước ngoài trong những lãnh vực sản xuất mà đất nước này không thể tự mình làm được nếu chỉ dựa vào nguồn vốn và trình độ công nghệ sẵn có. Tuy nhiên, không một tổ chức tài chính quốc tế hay nhà tư bản ngoại quốc nào có thể quyết định vận mệnh chúng ta. Không một xu lẻ nào rơi vào túi Castro hoặc những người theo ông. Không một nhà lãnh đạo cách mạng cao cấp nào có tới một đồng trong ngân hàng, hoặc một tài khoản cá nhân bằng tiền Cuba hoặc bất cứ đâu. Chẳng ai trong số họ có thể bị mua chuộc. Hàng trăm công ty nước ngoài đang làm ăn ở Cuba hiểu rất rõ điều này. Không một nhà lãnh đạo nào trong chúng tôi là triệu phú như ngài tổng thống Hoa Kỳ, người có lương tháng gần như gấp đôi lương của toàn bộ các thành viên trong Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng trong một năm. Không ai năm trong danh sách dài ngoằng những người bạn tân cấp tiến của ông George W. Bush ở châu Mỹ la tinh – các nhà vô địch Omlypic về tài biển thủ và trộm cắp bởi vì những người này nếu không ăn cắp từ công quỹ và tiền thuế nhà nước thì cũng ăn cắp giá trị thặng dư lao động của người nghèo đói trong khi cướp đi hàng trăm ngàn sinh mạng của trẻ em châu Mỹ la tinh mỗi năm, mà lẽ ra các em đã có thể được cứu sống. Ðó là hệ thống mà ông George W. Bush hằng mong muốn áp đặt lên Cuba như một kiểu mẫu. Ông ta đã xúc phạm nhân dân ta một cách vô lý, do đó ông ta cũng không nên than phiền về các câu trả lời cứng rắn từ phía chúng ta.
Sự chấm dứt tệ nạn bóc lột con người với công bằng và bình đẳng đích thực đang và sẽ là mục tiêu của một cuộc Cách mạng với bản chất không bao giờ thay đổi.
Tác động của cuộc Cách Mạng có thể nhận thấy ở trên khắp đất nước, đặc biệt ở miền đông thân thương và anh dũng vốn từng là nơi nghèo nàn và lạc hậu nhất. Trong số năm tỉnh miền đông, ba tỉnh Holguin, Granma và Las Tunas, nơi đã gửi 400.000 người dân nhiệt tình và hăng hái đến buổi mittinh này, chỉ trong vài năm đã đạt được những thành tựu về mặt xã hội và nhân văn có một không hai trên thế giới.
Một số dữ liệu về những gì có trước và sau thắng lợi của cuộc Cách Mạng:
Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh: trước, trên 100 trong số 1000 ca sinh thành công; ngày nay: 5,9 thấp hơn cả Hoa Kỳ.
Dự đoán tuổi thọ lúc sinh: trước, 57 tuổi; ngày nay, 76.
Số bác sĩ: trước, 344; ngày nay, 10.334.
Cơ sở y tế: trước, 46; ngày nay, 4.006.
Số giường trong bệnh viện: trước, 1.470; ngày nay, trên 12.000.
Giáo viên dạy ở trường: trước, 1.682; ngày nay, 77.479.
Trường đại học: trước, 0; ngày nay, 12.
Tỷ lệ mù chữ : trước, 40,3%; ngày nay, 0,2%.
Tỷ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở: trước, 10% trong số 34% trẻ đang tuổi đi học được đến trường công; ngày nay, 100% số trẻ được đi học ở trường trung học cơ sở và 99,9% tốt nghiệp.
Máy truyền hình dành cho giáo dục nghe nhìn: trước, 0; ngày nay, 13,394.
Máy vi tính dành cho việc dạy tin học từ lứa tuổi mẫu giáo đến lớp 6: 5.563 cho 237.510 trẻ.
Trên 27.000 thanh niên trong độ tuổi 17 đến 29, không đi làm, đang được hưởng trợ cấp trong khi theo học bậc trung và cao cấp tại các ngôi trường lập ra phục vụ chương trình giáo dục toàn diện cho thanh niên.
Ba tỉnh này có 62 viện bảo tàng, 68 trung tâm văn hóa, 21 phòng triển lãm mỹ thuật và 72 thư viện.
Mọi đứa bé sinh ra ở Cuba, cho dù thu nhập của cha mẹ là bao nhiêu và thuộc màu da nào, đều được nhận các dịch vụ y tế chất lượng cao bảo đảm từ lúc sinh ra cho đến cuối đời. Chính sách tương tự đã áp dụng cho giáo dục, kể từ lúc đi nhà trẻ cho đến khi tốt nghiệp bậc tiến sĩ, và hoàn toàn miễn phí.
Không một nước nào khác ở châu Mỹ Latinh theo kịp Cuba về các mặt này. Ở Cuba, không một đứa trẻ nào phải xin ăn trên hè phố hoặc phải làm lụng để kiếm sống, thay vì đi học. Cũng không có ma túy đầu độc và hủy hoại giới trẻ trên đấy nước này.
Ðây không phải là một chính thể chuyên chế, theo ông George W. Bush đã tuyên bố. Ðó là công bằng, là bình đẳng thật sự giữa người với người, đó chính là sự hiểu biết và văn hóa chung mà nếu không có nó thì chẳng thể nào và chẳng bao giờ có được độc lập, tự do và dân chủ thực thụ ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Ông George W. Bush hẳn phải xấu hổ khi gọi những xã hội nơi mà nạn tham nhũng, bất bình đẳng và bất công tràn lan, cũng như những xã hội đang bị kiểu tân cấp tiến hủy hoại là kiểu mẫu của độc lập, tạ do và dân chủ!
Ðối với ông W., dân chủ chỉ tồn tại những nơi mà tiền bạc có thể giải quyết thứ và những nơi mà ai có thể trả 25.000 đô la cho một bữa ăn tối – một sự xúc phạm đến hàng tỉ người đang sống trong nghèo đói và kém phát triển – lại là những người được gọi ra giải quyết các vấn đề của xã hội và của thế giới, đồng thời quyết định luôn định mệnh của nước lớn như Hoa Kỳ và phần còn lại của hành tinh này.
Ðừng ngốc nghếch nữa, thưa ông George W. Bush xin hãy cho thấy sự tôn trọng đối với trí tuệ của những người có khả năng suy nghĩ. Hãy đọc một vài trong số 100 ngàn lá thư mà thiếu nhi nước chúng tôi gửi cho ông. Xin đừng xúc phạm đến José Martí. Ðừng viện dẫn tên tuổi thiêng liêng của Người ra một cách vô vọng. Hãy thôi trích dẫn riêng lẻ các cụm từ của Người vào trong các bài diễn văn của ông. Hãy biểu lộ sự tôn trọng đối với người khác và chính bản thân ông.
Lệnh cấm vận phi đạo đức với những lý do phi lý mà ông ta đã hứa siết chặt sẽ chỉ gia tăng danh dự và vinh quang của dân tộc ta lên gấp bội, mà bất cứ một âm mưu xấu xa nào nhằm chống lại cũng đều bị đập tan, tôi dám chắc điều đó. Cuba không phải là một trong những quốc gia mà ông từng dễ dàng đe dọa.
Hỡi nhân dân Cuba: Khi đối mặt với các mối nguy hiểm và đe dọa dân tộc. Chúng ta không hề sợ. Chúng ta sẽ bảo vệ Cuộc Cách Mạng và đất nước Cuba đến cùng. Tổ Quốc hay là Chết!