Ít ai biết rằng, ngay tại vị trí chợ Bến Thành cũ trên đường Charner từng là nơi “cư ngụ” của một vị “khách” đặc biệt, dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi. Đó là… tượng đài của Léon Gambetta - chính trị gia thuộc phái diều hâu khét tiếng của Pháp cuối thế kỷ 19.
Léon Gambetta (1838-1882) là thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Pháp trong hai năm 1881-1882, đây cũng là khoảng thời gian Pháp đã xâm chiếm xong toàn bộ Nam kỳ lục tỉnh và chuẩn bị cho việc thôn tính hoàn toàn miền Bắc. Gambetta thuộc phái các nhà chính trị Pháp lúc ấy ủng hộ việc xâm chiếm mở rộng thuộc địa Pháp. Có lẽ vì vậy mà ngay sau khi Gambetta mất, một khu tượng đài đã được dựng lên ngay giữa trung tâm Sài Gòn - thủ phủ Nam kỳ, vốn là nơi quân Pháp tấn công và chiếm đóng đầu tiên.
Thông tin về bức tượng này không nhiều, trong sách Sài Gòn năm xưa, cụ Vương Hồng Sển cho biết rằng: “Còn lão Gambetta có cả đến hai pho tượng. Cái thứ nhất, do đô thành đặt cho thợ Falguière làm bên Pháp đem qua đây, bởi không lựa ngày ăn lạc thành, nên khiến trước dựng giữa đường Norodom-Pellerin26, sau dời về Chợ Cũ, chỗ Tổng Ngân khố hiện nay, rốt đem về vườn Tao Đàn”27.
26 Nay là ngã tư Lê Duẩn và Pasteur.
27 Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, 2004, trang 69.
Bưu ảnh ghi rõ khu vực đặt tượng này là quảng trường (place). Phải chăng đây là tên gọi đầu tiên của công viên trước mặt Hội trường Thống Nhất hiện nay? - Nguồn: delcampe.net
Vị trí đặt tượng đầu tiên: ngã tư Norodom - Pellerin
Chính diện khu tượng đài Gambetta tại ngã tư Norodom - Pellerin đầu thế kỷ 20. - Ảnh tư liệu.
Quảng trường gồm ba khối tượng: Gambetta ở vị trí cao nhất; vai phải hướng về dinh Norodom28; bàn tay phải đặt trên nòng đại bác theo đúng chính sách ngoại giao pháo hạm của Pháp lúc ấy; tay trái chỉ về hướng Thảo Cầm Viên ngày nay; mặt tượng đài Gambetta nhìn về phía đường Hàn Thuyên; lưng quay về đường Alexandre de Rhodes ngày nay. Hai khối tượng còn lại tạc hai người lính Pháp trong các cuộc xâm chiếm thuộc địa.
28 Dinh Toàn quyền Đông Dương, sau đổi tên là Dinh Độc Lập. Nay là Hội trường Thống Nhất.
Vị trí thứ hai: trên nền chợ Bến Thành cũ
Bưu thiếp ghi là Quảng trường Chợ Cũ - Tượng đài Gambetta. Phía sau là dãy nhà trên đường Hồ Tùng Mậu, bên phải là dãy nhà trên đường Ngô Đức Kế ngày nay. Khu vực này ngày nay là tòa nhà Bitexco. - Ảnh tư liệu.
Sau khi chợ Bến Thành mới khởi công năm 1912, chợ Bến Thành cũ trên đại lộ Charner bị giải tỏa. Toàn bộ khu đất chợ cũ được cải tạo thành quảng trường, đặt tên là Quảng trường Gambetta. Tất nhiên nhóm tượng đài Gambetta từ ngã tư Norodom - Pellerin phải dời về đây để tạo không gian thông thoáng cho xe cộ đi lại, nhất là thời gian này xe hơi đã xuất hiện đông đúc hơn trên đường phố Sài Gòn.
Nhóm tượng đài được đặt ở giữa quảng trường Gambetta: mặt chính nhìn ra đại lộ Charner; lưng hướng về đường Georges Guynemer (nay là Hồ Tùng Mậu); tay trái chỉ về phía đường Vannier (nay là Ngô Đức Kế); vai phải hướng về đường Phủ Kiệt (nay là Hải Triều).
Vị trí cuối cùng: Vườn Bờ-rô (hay vườn Ông Thượng)
Làm “cư dân” tại đại lộ Charner không được bao lâu, cả khối tượng đài này lại phải “lục tục” dời sang nơi ở mới để nhường chỗ cho tòa nhà kho bạc (tresor). Vị trí cuối cùng này là vườn Bờ-rô, tức công viên văn hóa Tao Đàn hiện nay.
Theo bản đồ Sài Gòn 1947, tượng được đặt tại điểm giao của đường Trương Định (đoạn qua công viên Tao Đàn ngày nay) và một đường nội bộ cắt ngang (đoạn nối dài của đường Bùi Thị Xuân ngày nay về hướng công viên).
Cám cảnh số phận “long đong” của tượng đài này, người Sài Gòn xưa có câu ca dao:
Trên Thượng thơ bán giấy29
Dưới Thủ Ngữ treo cờ
Kìa Ba30 còn đứng chơ vơ
Nào khi núp bụi, núp bờ
Mủ di đánh dạo bây giờ bỏ em.
29 Tờ ly hôn.
30 Tượng đài Gambetta.
Vị trí cuối cùng của tượng đài Gambetta: cuối vườn Ông Thượng/vườn Bờ-Rô. - Ảnh tư liệu.
Trong quyển Sài Gòn năm xưa, cụ Vương Hồng Sển có đoạn miêu tả kết cục bi hài của bức tượng “đáng thương” này: “Kịp năm Nhựt đến, chánh phủ Pháp muốn thâu dụng số đồng dùng vào chiến tranh, sai thợ nấu lão Gambetta, thì hỡi ôi! Thân lão là ersatz, đồ đồng giả, không dùng được…”31.
31 Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, 2004, trang 69.