Có ai dân Ông Tạ không từng đi qua ba cây cầu bắc qua con rạch chạy qua khu Ông Tạ ấy hàng trăm, hàng ngàn lần: cầu Sạn, cầu Ông Tạ và cầu Khuông Việt131. Có đứa trẻ con, ít nhất ở bốn, năm giáo xứ cận kề hai bên con rạch này (Nam Thái, An Lạc, Tân Chí Linh, Vinh Sơn, Thái Hòa) trước 1975 chưa từng tắm mưa, lội rạch Nhiêu Lộc?
130 Bài này xin viết là rạch, không gọi kinh/kênh. Xưa giờ ai cũng biết sông rạch là dòng chảy tự nhiên, kinh/kênh mương là dòng chảy nhân tạo. Nhiêu Lộc rõ ràng là một dòng chảy tự nhiên. Tất cả bản đồ từ thời Pháp đến trước 1975 đều ghi là rạch Nhiêu Lộc.
131 Từ khu Vinh Sơn, nay là Phường 3, Quận Tân Bình sang khu Khuông Việt - ngõ Cổng Bom, nay là Phường 5, Quận Tân Bình.
Bà giáo Dũng thuở còn thiếu nữ lội rạch Nhiêu Lộc ở khu 6, Vinh Sơn, đầu nguồn hiện nay năm 1958. - Ảnh gia đình cung cấp.
Vùng đất “ngập lụt” ký ức
Thuở ấy… Mây trời đen kịt, chuyển mưa là đám trẻ con Ông Tạ đứa nào cũng đã rạo rực lắm rồi. Ngồi học bài không được, bố mẹ sai bảo gì thì cứ như “nước đổ đầu vịt”. Miệng chúng “dạ” rõ to nhưng lòng chúng đã tán loạn, mắt chúng đã dáo dác đợi mưa…
Mưa. Trẻ con khắp nơi khu Ông Tạ túa ra đường, mò đi đẩu đi đâu thế nào thì đích đến vẫn chỉ là rạch Nhiêu Lộc. Không hiểu chúng ở đâu ra mà đông quá thể. Đứa chị bế đứa em, thằng lớn cõng thằng bé. Có đứa bị cõng, bị bế hãi nước, gào khóc lạc đi trong tiếng mưa. Kệ, “càng khóc to phổi càng khỏe” (!), đứa cõng, đứa bế bảo vậy và vẫn cứ chạy nhảy, lội mưa, té nước nhau.
Mưa gió là hết phân ranh xóm này xóm nọ. Đám trẻ con Tân Chí Linh, Vinh Sơn chúng tôi lội qua rạch sang bên kia, chúi đầu bắt cá bảy màu ở cánh đồng rau muống ông Nghi bên ngõ Con Mắt - An Lạc, cách nhà cũ của nhà thơ Đỗ Trung Quân vài chục mét.
Chúng té nước vào nhau, văng đầy nhà hai bên. Chủ nhà chửi mắng không xong, chỉ tốn hơi với chúng. Có thằng bé xóm Vinh Sơn tên Đặng Quốc Thông, tuổi tác vai anh cả, anh hai của tôi; nhà gần cầu Khuông Việt, mò qua khu chùa Khuông Việt bên ngõ Cổng Bom lội mưa, phá làng phá xóm. Một ông không rõ là cảnh sát, lính tráng gì đó dí bắt được “thủ phạm nhí”, bê bổng, vén quần nó lên, dí nòng súng lục lạnh ngắt vào cái đùi trắng phếu của nó dọa bắn. Thằng bé Thông một phen mặt mũi tái xanh.
Có đấng bậc thầy bu thấy con xa xa, gào lên, át cả tiếng mưa: “Con với cái thế này có được không?! Chúng mày khôn hồn về ngay. Có về không thì bảo… ảo… ảo…”. Nghe mà rụng rời, nhưng đứa nào cũng vờ như không nghe, nô đùa trong mưa tiếp, mặc cho “bản án” đã được “tuyên” ngay lúc ấy: “Giời ạ, về là chúng mày chỉ có mà nhừ đòn”.
Mưa gió thế kia, không lội phí hoài. Nói cho ngay tình, có về lúc ấy cũng “nhừ đòn”. Đàng nào chả “nhừ”. “Liều công mất một buổi quỳ mà thôi” (Kiều). Roi mây, chổi lông gà đứa nào cũng ăn sạm cả mông rồi, dù lần nào thầy bu vừa rút cây roi mây mua ở chợ Ông Tạ giắt ở đầu giường là chúng đã van lấy van để, chỉ một “bài” quen: “Ối giời ơi… Con lạy thầy/con lạy bu… Chết con mất thầy ơi/bu ơi. Con biết tội rồi… Con chừa rồi”. Lúc ấy, ai nghe cũng não cả ruột gan. Nhưng lần sau chúng có chừa thật không thì đố ai mà biết…
Xóm Đại Lợi của tôi cách rạch hơn trăm mét, thế đất cao nên không bao giờ bị ngập. Buồn thật, thế là cứ mưa, đám trẻ con xóm tôi lại lẻn bố mẹ, lò mò xuống rạch, lội từ cầu Khuông Việt, qua cầu Ông Tạ, ra tận cầu Sạn cho thỏa chí tang bồng hồ hải, roi vọt gì đó tính sau. Có hôm mưa lớn, nước ngập lên cả mặt cầu. Đứa trên cầu, lấy chân té nước xuống đứa dưới rạch; đứa dưới rạch lấy tay hắt nước lên… Cả một trời tung tóe tuổi thơ…
Sau này, từ 1969, 1970, khi có hồ tắm trong Đệ Nhất khách sạn132 gần khu Lăng Cha Cả, trời nắng có khi nhiều đứa cũng lội rạch Nhiêu Lộc để sang hồ tắm Đệ Nhất cho gần, khỏi đi vòng. Hồ tắm này mới xây dựng, trong khuôn viên khách sạn Đệ Nhất sang trọng nên sạch sẽ hơn hồ tắm Cộng Hòa, Nguyễn Văn Thoại mà thanh thiếu niên Ông Tạ nhẵn mặt. Riêng hồ tắm Cộng Hòa thì đã cho Mỹ thuê từ 1965 (đến 1973, Mỹ rút quân, mới mở lại).
132 Nay trên đường Hoàng Việt, Phường 4, Quận Tân Bình.
Có tuổi niên thiếu khu Ông Tạ nào không nhớ đến thắt ruột thắt gan những ngày tắm mưa, lội rạch Nhiêu Lộc khu Ông Tạ?
Tìm về nơi khởi nguồn
Con rạch mang tên Nhiêu Lộc tính từ nơi nó khởi nguồn đến cầu Thị Nghè hiện nay. Từ cầu Thị Nghè, con rạch chảy ra sông Sài Gòn mang tên rạch Thị Nghè. Giờ người ta gom chung lại thành kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dài 8.700m.
Theo Gia Định thành thông chí, quyển địa chí ra đầu thế kỷ 19 của Trịnh Hoài Đức (1765-1825), công thần triều Nguyễn, nhà thơ, nhà văn và là sử gia nổi tiếng của Việt Nam thế kỷ 18-19 thì Thị Nghè là tên gọi “con gái lớn của Khâm sai chính thống Vân Trường hầu tên là Nguyễn Thị Khánh, lấy chồng là thư kí mỗ, bấy giờ xưng là Bà Nghè, mà không gọi tên, vì bà là người mở đầu chiếm mở đất đó, bắt đầu bắc cái cầu ngang cho thông lối đi lại, người ta gọi là cầu Bà Nghè, cũng gọi con sông là sông Bà Nghè”133.
133 Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Viện Sử học dịch và chú giải, Nxb. Giáo dục, 1998, trang 33.
Đại Nam nhất thống chí, bộ sách lớn nhất và quan trọng nhất về địa chí Việt Nam trong thời phong kiến, khắc in lần đầu năm 1910 cũng viết tương tự: “Tương truyền Thị Nghi (Nghè) là con gái thống suất Nguyễn Cửu Vân, khai khẩn ruộng vườn, bắc cầu này tiện đi lại, nên tên thế”134. Thống suất Nguyễn Cửu Vân là danh tướng và là nhà doanh điền đời chúa Nguyễn Phúc Chu (ở ngôi từ 1691 đến 1725).
134 Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2006, trang 250.
Hai nhà bác học, nhà văn hóa và ngôn ngữ học sống trong thời rạch Thị Nghè mang tên chính thức là Thị Nghè (giữa thế kỷ 19) nói gọn: “Con rạch cũng mang tên Thị Nghè hay Bà Nghè”135; “Tên cầu qua làng Phú Mỹ, ở gần thành cũ Gia Định; lấy tước một bà làm nên cầu ấy mà đặt”136.
135 Trương Vĩnh Ký, 1837-1898, Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận, Nxb Trẻ, 1997, trang 29.
136 Huỳnh Tịnh Của, 1830-1908, Đại Nam quấc âm tự vị - Tome 2, Imprimerie Rey, Saigon, 1896, trang 389.
Sau này, nhà văn Sơn Nam cũng nói vậy trong Bến Nghé xưa.
Khúc rạch Bà Nghè này rộng lắm, đầu rạch đổ ra sông Sài Gòn xưa rộng cả trăm mét, như một con sông nên tên chữ của nó là Bình Trị giang (sông Bình Trị), Nghi giang (sông Nghi). Rộng đến mức con tàu Avalanche137 - tàu do thám đầu tiên của Pháp tiến vào rạch để thám sát trước khi đánh thành Gia Định năm 1859 và sau này các tàu chiến Pháp tấn công thành Gia Định ra vô thoải mái.
137 Vì vậy, thời Pháp rạch này đổi tên là rạch Avalanche - arroyo de l’Avalanche.
Đó là đoạn rạch từ cầu Thị Nghè đổ ra sông Sài Gòn chỉ khoảng 800m. Còn từ đó trở về đầu nguồn gần 8.000m thì nó mang tên một ông là ông nhiêu tên Lộc. “Nhiêu” là một chức quan nhỏ thời Nhà Nguyễn. Sử sách không thấy ghi ông này là ai, còn dân gian truyền lại, xưa có ông nhiêu học tên Đặng Lộc bỏ tiền của, công sức ra sửa sang lại con rạch này để thuyền bè, dân chúng đi lại dễ dàng. Bà con nhớ ơn, gọi rạch này là Nhiêu Lộc.
Theo ông Nguyễn Minh Dũng, cựu giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM, “Thời Nguyễn có một ông quan tên Đặng Lộc với chức quan nhiêu học hay được gọi tắt là nhiêu. Theo truyền miệng từ gia đình, ông quan ấy là ông tổ của tôi”.
Trước đó cả trăm năm, hàng chục bản đồ vẽ kỹ, in rõ thời Pháp mà tôi có, khoảng thập niên 1880 và tới tận 1954, khi Pháp rút quân khỏi Sài Gòn, tất cả đều ghi rõ bằng tiếng Việt: rạch Nhiêu Lộc, rach Nhieu Loc. Tức tên Nhiêu Lộc chắc chắn có từ trước đó.
Rạch Nhiêu Lộc hiện chảy qua bốn quận: Quận 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình (Thị Nghè chạy qua Quận 1). Ở Tân Bình, nó qua Phường 3, Phường 5; trước 1975 là bốn ấp: Hàng Dầu, Khuông Việt, Tân Chí Linh và Vinh Sơn; đều thuộc khu trung tâm Ông Tạ.
Cầu Khuông Việt trước khi bị dỡ bỏ thay bằng cầu số 1 ngay đầu nguồn hiện nay gần đó. - Ảnh tư liệu.
Đoạn này thuở xưa không rõ rộng bao nhiêu. Mẹ tôi bảo rộng lắm, ghe thuyền chở bánh trái, củi nỏ… từ đâu tới không rõ, qua lại, trở đầu thoải mái. Các ghe củi cắm sào bên cầu Ông Tạ, đưa củi lên chất đầy hai bên cầu. Đó là hình ảnh đầu thập niên 1960. Trước đó, hồi 1957, 1958, ngay khúc đầu nguồn ở khu 6, Vinh Sơn hiện nay, cũng sâu đến ba, bốn mét. Đủ loại cá, nhiều nhất là cá rô bí. Hai bên rạch, cỏ cây xanh mơn mởn. Mấy tháng mùa khô, rạch cạn, nước mấp mé mắt cá chân; đi còn dễ hơn lội mưa ngập hiện nay.
Nhưng khi tôi lớn lên, từ giữa thập niên 1960, bắt đầu đã xuất hiện những nhà tôn áp sát rạch. Sau Mậu Thân 1968, tôi đi học qua đây hay ghé coi người ta dựng nhà ngay trên rạch. Một loạt cầu tõm dựng trên rạch. Sau thập niên 1970, rạch càng lúc càng nhỏ dần, tôi thấy ở khúc cầu Ông Tạ lên đầu nguồn hiện nay, có chỗ chỉ còn chừng vài mét. Ở cầu Khuông Việt, cây trứng cá mọc um tùm hai bên, đứng trên cầu ngó về đầu nguồn tôi thấy như con hẻm cụt.
Chiến sự lan tràn, dân các nơi mất nhà đổ về, dựng nhà sàn trên rạch, lấn hết cả dòng chảy. Lúc này, nước rạch đã chuyển màu đen kịt. Trời nắng, đi ngang, bùn đen bốc mùi hôi thối nồng nặc. Cơ bản chỉ còn trùn chỉ sống được. Chỉ khi nào mưa lớn, nước mới tạm trong chút ít. Và đám trẻ con Ông Tạ vẫn lại cứ lội rạch tắm mưa.
Xin nói rõ là “đầu nguồn hiện nay” vì trước 1954 và cả trước khi Pháp vào, con rạch này đầu nguồn ở đâu lại là chuyện khác. Chỉ biết là ít nhất từ đầu thập niên 1970, con rạch đó đã teo tóp lại như một con mương, chảy yếu ớt qua khu Chăn Nuôi (nay ở Phường 4, Quận Tân Bình), lên phía sau Trường Nguyễn Thượng Hiền. Năm 1973-1975, tôi học ở đây, thỉnh thoảng ra con mương này chơi thấy nó chỉ rộng chừng hai, ba mét. Nước chảy liu riu. Trên rạch, lính Đại Hàn trước đó đóng quân ở đây nên có rào kẽm gai để bảo vệ an ninh. Rào kẽm gai này hồi tôi học Trường Nguyễn Thượng Hiền, 1977-1980, vẫn còn cùng điểm cuối con rạch. Và tới lúc ấy, đầu nguồn con rạch này vẫn nằm ở đó. Rạch bị lấp dần dà từ khoảng trước sau 1990.
Thử tìm hiểu ba chuyện quanh đất đầu nguồn rạch Nhiêu Lộc
Khu Ông Tạ xưa hầu như nhà nào cũng có giếng. Giếng nào cũng ăm ắp nước. Nhà tôi ở xóm Đại Lợi, thuộc vùng đất cao khu Ông Tạ, không bao giờ ngập, cũng có một cái trước nhà. Nước lên gần sát mặt giếng. Nhà nào ở khu giáo xứ/ấp Tân Chí Linh, Vinh Sơn, An Lạc (nay là Phường 3 và Phường 5, Quận Tân Bình)… sát bên rạch Nhiêu Lộc trước và sau 1975 một chút đều biết hàng chục giếng nước nơi đây tự phun trào lên mặt đất suốt ngày đêm. Càng gần rạch, nước trào càng mạnh.
Đến đầu thập niên 1970, tôi học lớp Ba Trường Chúa Cứu Thế trong ngõ Tân Chí Linh138. Xung quanh trường, tôi thấy có mấy giếng như vậy. Mùa mưa, nước từ các giếng trào lên ồ ạt, ngập cả xung quanh; trong vắt và rất ngọt. Đám học trò chúng tôi đi học, về học hay ghé qua rửa mặt, rửa chân và uống thẳng nước giếng ấy, tỉnh cả người. Lạ là lúc ấy chả đứa nào đau bụng, ngộ độc… gì sất.
138 Nay là hẻm 107 Phạm Văn Hai, Quận Tân Bình.
1. Đất Ông Tạ xưa hầu hết là vùng thấp trũng, ruộng nước, đầm lầy
Và đây là câu trả lời cho thắc mắc của không ít người: nước đầu nguồn rạch Nhiêu Lộc từ đâu ra?
Sau khi chiếm đóng và tạm ổn định vùng đất Sài Gòn - Gia Định, chính quyền thực dân tổ chức khảo sát kỹ hơn về tình trạng đất đai. Năm 1900, một bộ bản đồ “Environs de Saïgon 1900” (Vùng phụ cận/ngoại ô Sài Gòn năm 1900) cỡ lớn về sông ngòi, kinh rạch, đường sá, khu dân cư… Sài Gòn - Gia Định gồm năm tấm ghép khổ lớn đã được Sở Địa lý Đông Dương (Géographique de l’Indo-Chine) thực hiện.
Tấm thứ ba của bộ bản đồ này ghi nhận khá cận cảnh ngoại ô của hai thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn; đầy đủ kinh rạch, sông ngòi, ruộng rẫy… Theo đó, đến 1900, toàn bộ khu vực bên phải đường Cách Mạng Tháng Tám, từ Lý Chính Thắng hiện nay xuống, qua ngã tư Bảy Hiền, đến phân nửa đoạn đường đến Bà Quẹo hầu hết là ruộng ngập nước (bên trái nay là cư xá Bắc Hải, đường Bành Văn Trân, xóm dệt Quảng Nam - Tân Bình, Hòa Hưng… thế đất cao hơn).
Riêng khu vực Ông Tạ, từ ngã ba Ông Tạ, theo đường Phạm Văn Hai đến Hoàng Văn Thụ hiện nay hầu như là ruộng ngập nước quanh năm, trừ một khoảnh/khu vực khá cao sau này, trước 1985 là xóm Đại Lợi, khu nghĩa địa trước rạp hát Đại Lợi của tôi (hiện nay là chợ Phạm Văn Hai, trung tâm hội nghị tiệc cưới đối diện chợ).
Rạch Nhiêu Lộc rộng, sâu; xung quanh là đầm lầy… Có lẽ đây là một trong những lý do quan trọng khiến đội quân viễn chinh Pháp - Tây Ban Nha khi tấn công đại đồn Chí Hòa 1861 đã không chọn hướng (bắc đại đồn) này mà chọn mặt bên kia: hướng nam, khu Phú Thọ hiện nay và đánh vòng lên Bà Quẹo, tấn công hậu cứ đại đồn. Hướng Phú Thọ, Tân Sơn Nhì, Bà Quẹo… này thế đất cao ráo, khô. Đặc biệt khi cuộc tấn công diễn ra vào hai ngày 24, 25-2-1861 cũng là thời gian bước vào cao điểm tháng mùa khô của miền Nam cũng như Sài Gòn - Gia Định.
Trên bản đồ địa hình “20eme arrondissement et ses environs” năm 1882,rạch Nhiêu Lộc chỉ ăn qua ngã tư Bảy Hiền hiện nay một chút, trên nữa là hào nước đại đồn. - Ảnh tư liệu.
2. Ngoài rạch Nhiêu Lộc, ba cạnh còn lại của đại đồn Chí Hòa 1861 đều có hào nước nhân tạo
Rạch Nhiêu Lộc chảy giữa vùng ruộng nước, đầm lầy ấy. Tuy vậy, trong bản đồ “Environs de Saïgon 1900”, nó chỉ mấp mé qua đường Hoàng Văn Thụ hiện nay một chút và bẻ sang trái cũng một chút.
Không chỉ tấm này, các tấm bản đồ thời Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 tôi có đều như vậy. Trước đó, năm 1882, 21 năm sau khi đại đồn Chí Hòa139 thất thủ (1861), một tấm bản đồ địa hình (plan topographique) “20eme arrondissement et ses environs” vùng Sài Gòn - Gia Định tỉ lệ 1:20.000 rất lớn đã được thực hiện.
139 Rộng 1 km, dài 3 km với khu vực cổng đại đồn nằm ngay ngã ba Ông Tạ.
Có ý kiến cho rằng đại đồn đã bị san bằng sau khi Pháp chiếm năm 1861. Nhưng hàng chục bản đồ Pháp vẽ và in sau đó 30, 40 năm cho thấy nó vẫn còn đó. Thậm chí nó trở thành một đồn trại của Pháp với một tháp canh cao nằm đúng vị trí của Trường Tân Bình hiện nay, ngay ngã ba Ông Tạ.
Tấm bản đồ xuất bản năm 1882 này cho thấy chạy dài theo cạnh bắc đại đồn ba cây số là rạch Nhiêu Lộc vẫn còn đó với một bất ngờ: cùng với một cạnh là rạch Nhiêu Lộc, ba cạnh còn lại, kể cả khu cổng đại đồn phức tạp nhiều đường ngang ngõ tắt đều có hào nước (đến đầu thế kỷ 20, một số bản đồ thời Pháp vẫn vẽ đại đồn và hào nước, tức đến lúc đó, cả hai vẫn chưa bị san lấp hoàn toàn).
Hào nước bao quanh vốn là cách phòng thủ không thể thiếu ở hầu hết các thành lũy xưa trên thế giới, kể cả thành Gia Định thất thủ năm 1859.
Trong Lịch sử cuộc viễn chinh Nam kỳ140 cũng có một đoạn ghi chép về hào nước khu vực quanh tường đại đồn. Theo Léopold Pallu, tường đại đồn cao 3,5m, dày 2m. Ông viết: “Có một mô đất duy nhất trong cánh đồng, cách tuyến địch độ 150m. (...) Tại vị trí mô đất quân lính bắt đầu nhận ra các hầm chông đầu tiên cách đó 50m, tức là cách bờ thành 100m. Các chướng ngại phòng thủ thứ yếu như hầm chông được phân bố hết sức tinh xảo. Sáu hàng hầm chông có các rào cản ngăn cách, tức là có bảy hàng cọc nhọn tất cả; tiếp theo là hai hào sâu sát tường thành có đóng chông tre vạt nhọn, nước và bùn ngập khoảng ba chân”.
140 Tác giả là trung úy hải quân Pháp Léopold Pallu, sĩ quan tổng hành dinh đề đốc chỉ huy Leonard Charner; bản thân ông cũng tham gia trận này vào buổi thứ hai của nó, 25-2-1861, đánh chiếm đại đồn Chí Hòa.
Mỗi “chân” (foot) bằng 0,3048m; “ba chân” tức khoảng gần một mét; trong tháng hai là tháng mùa khô, nước không nhiều. Tấm bản đồ vẽ tay, khổ lớn “Mansucript map of Saigon and Cholon 1902” ghi nhận rất chi tiết các đường nước xung quanh đại đồn Chí Hòa (vẫn còn tồn tại hơn 40 năm sau khi đại đồn thất thủ 1861). Và ngay trong tấm bản đồ 1882, rạch Nhiêu Lộc vẫn chỉ quanh quẩn khu ngã tư Bảy Hiền, áp sát đường Hoàng Văn Thụ hiện nay.
Cạnh hào nước dưới của đại đồn chạy qua khu Bàu Cát hiện nay, chắc chắn không thuộc rạch Nhiêu Lộc. Cạnh trên của hào nước ăn từ đoạn rạch đầu nguồn này lên tới gần Bà Quẹo, chạy thẳng tắp. Khó nói con rạch Nhiêu Lộc vốn cong quẹo lại có thể tự dưng chạy một mạch như vậy tới gần Bà Quẹo, nếu không có bàn tay tác động của con người.
“Mansucript map of Saigon and Cholon”, một bản đồ vẽ tay năm 1902 cũng ghi nhận rạch Nhiêu Lộc lúc ấy chỉ chớm qua ngã tư Bảy Hiền hiện nay. Tấm bản đồ này “lộ” ra một chứng cứ: tường bao của đại đồn Chí Hòa đoạn ngã tư Bảy Hiền hiện nay “chừa” ra đoạn rạch Nhiêu Lộc, thay bằng hào nước. Và đây có thể là một chứng minh rạch Nhiêu Lộc không chạy sâu lên Bà Quẹo như một số ý kiến xưa nay.
Trước đó gần nửa thế kỷ, năm 1815, võ tướng Nhà Nguyễn và là người Việt đầu tiên vẽ bản đồ Sài Gòn - Gia Định xưa theo phương pháp phương Tây là Trần Văn Học. Trong tấm bản đồ của mình, ông đã vẽ rạch Nhiêu Lộc dài qua đường Hoàng Văn Thụ hiện nay, chạy lên phía Bà Quẹo. Ông Học là dân Sài Gòn - Gia Định gốc. Có lẽ đó là một trong những cơ sở nhà văn, nhà nghiên cứu Sài Gòn - Gia Định xưa nổi tiếng Sơn Nam viết trong Bến Nghé xưa: “Kênh Nhiêu Lộc bắt nguồn từ khu vực Bàu Cát, Quận Tân Bình”.
Tuy nhiên, nếu lấy khu vực Bàu Cát hiện nay nằm bên trái đường Trường Chinh (tính từ ngã tư Bảy Hiền lên Bà Quẹo) thì có thể nhà văn Sơn Nam nhầm với hào nước mặt tây do quân dân Nhà Nguyễn đào để phòng thủ đại đồn vẫn còn ở đó mấy chục năm sau? Vì thực tế rạch Nhiêu Lộc trong bản đồ Trần Văn Học 1815 nằm bên phải đường Trường Chinh hiện nay, bắt đầu bằng một cái bàu/ao rộng vài chục, dài cả trăm mét.
Con rạch Nhiêu Lộc đoạn này khi ấy nếu có, có lẽ cũng cạn, ngắn và đứt đoạn nên quân dân Nhà Nguyễn khi xây dựng đại đồn đã khơi dòng, nối dài nó đi thẳng tắp (chứ không quanh quẹo như rạch tự nhiên) dọc theo tường đại đồn, tới gần Bà Quẹo. Các bản đồ Pháp nhất loạt vẽ chi tiết hình ảnh “thẳng tắp” này. Ở các bản đồ vẽ cuối thế kỷ 19 đều ghi nhận rạch Nhiêu Lộc chỉ “nhích” qua đường Hoàng Văn Thụ hiện nay một chút, đâu khoảng trên dưới 100m và bẻ hướng sang trái về phía đường Trường Chinh hiện nay - sát khu vực trước 1983 là nghĩa trang Quân đội Pháp (nay là Trung tâm Triển lãm và hội chợ Tân Bình).
Chính đường bẻ hướng này tạo điều kiện cho sau này người ta nối dài một đoạn rạch sang khu ruộng (nay là khu Tân Việt, Tân Thành - Phường 12, 13, Quận Tân Bình) và khu rừng cao su141 bên kia đường Trường Chinh để “dẫn thủy nhập điền” hay thoát nước gì đó khu vực này.
141 Từ giữa thập niên 1960, rừng cao su nơi đây bị đốn bỏ; hình thành khu xóm dệt Quảng Nam hiện nay.
Cái bàu/ao rộng vài chục, dài cả trăm mét chảy ra rạch Nhiêu Lộc trước 1975 là trại Sư đoàn Nhảy dù Hoàng Hoa Thám (hiện là đường và chợ Hoàng Hoa Thám). Ai dân Tân Việt, Tân Thành hẳn còn nhớ nhiều khu vực trong trại này mỗi lần mưa là ngập lõng bõng nước vì không thoát ra rạch Nhiêu Lộc được. Và giữa thập niên 1950, hàng ngàn lính Pháp tử trận khắp nơi trong cuộc chiến Đông Dương được cải táng, chôn cất ở cạnh bên con rạch này, lập nên nghĩa trang Quân đội Pháp (năm 1983 giải tỏa). Xung quanh nghĩa trang có các hào thoát nước theo hướng rạch Nhiêu Lộc.
Nói thêm, ở bản đồ “Environs de Saïgon 1900” (Vùng phụ cận/ngoại ô Sài Gòn năm 1900) vẽ ghi rõ hệ thống rào gai và hào nước quanh đại đồn đã thành “ligne de défense” (tuyến phòng thủ) của người Pháp. Nhưng một số đoạn đã bị san bằng, dỡ bỏ. Có lẽ khi ấy, đội quân xâm lược đã tạm làm chủ an ninh Sài Gòn - Gia Định, trong đó có khu vực này.
3. Nhiêu Lộc từng là rạch thoát nước cho một nửa phi trường Tân Sơn Nhứt
Bản đồ của Sở Đồ bản Quân đội Hoa Kỳ ở Viễn Đông - USAMSFE 1962 vẽ rất chi tiết hệ thống kinh thoát nước sân bay vào rạch Nhiêu Lộc. - Ảnh tư liệu.
Một số người cứ ngỡ rạch Nhiêu Lộc tự nhiên xưa chạy tới Tân Sơn Nhứt bởi nếu khi lội ngược dòng rạch, đúng là nó chạy tuốt tới sát cạnh dài chu vi sân bay, phía nam.
Thật ra dòng chính của rạch hiện nay đã bị lấp, thành đường Lê Bình và thay rạch bằng cống hộp. Đoạn “rạch” dẫn sang khu Hoàng Việt (Phường 4, Quận Tân Bình) nay cũng bị lấp, chuyển thành cống hộp dưới đường Út Tịch trước khi đến phi trường thật ra là một con kinh đào sau năm 1954. Có lẽ để thoát nước cạnh nam phi trường cho ra rạch Nhiêu Lộc (cạnh bắc phi trường cũng có một hệ thống kinh, nhưng thoát theo hướng khác).
Các bản đồ Sài Gòn trước 1954 không hề có đoạn kinh này. Nó chính thức xuất hiện trong tấm bản đồ chi tiết in năm 1958 của Nha Địa dư Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, dựa theo không ảnh 1953 và điều chỉnh năm 1956, “bổ túc trắc họa Đô thành năm 1957”. Tỉ lệ 1:15.000 - một tỉ lệ lớn cho toàn khu vực Sài Gòn - Gia Định.
Sau đó, tấm bản đồ năm 1962 của Sở Đồ bản Quân đội Hoa Kỳ ở Viễn Đông - USAMSFE vẽ chi tiết hơn theo không ảnh lúc ấy cho thấy đoạn này, bản đồ ghi rõ là canal (kinh). Đường đi của đoạn kinh này nay là đường Út Tịch, từ đoạn đầu nguồn rạch Nhiêu Lộc hiện nay ở Phường 3, 5, Quận Tân Bình đi lên hướng chệch bắc, qua Võ Tánh, sát cơ xưởng sản xuất xe Puch của một doanh nhân lớn khu Ông Tạ: Đặng Đình Đáng. Đoạn chạy qua đường Võ Tánh qua một cống ngầm lớn (culvert) đổ vào “đầu nguồn” rạch Nhiêu Lộc hiện nay, chỗ giao thủy rạch Nhiêu Lộc - Lê Bình - Út Tịch.
Nước từ sân bay (lúc ấy chưa có dân) đổ về chỉ là nước mưa tự nhiên. Và đó là lý do trước 1975 và tận thập niên 1980, dù lúc ấy rạch Nhiêu Lộc đã ô nhiễm lắm rồi, nhưng khi mưa, nước rạch vẫn khá trong. Con nít Ông Tạ vẫn vô tư tắm mưa, lội rạch và tranh thủ bắt cá trôi về từ khu vực phi trường.
Qua khỏi đường Võ Tánh chừng 500m là vô phạm vi phi trường, đoạn kinh/mương này tách ra làm đôi: nhánh phải sang khu nghĩa trang Bắc Việt trên đường Phổ Quang hiện nay, nhánh trái tiếp tục đi sâu, bẻ góc 90 độ mấy lần trước khi thành một đoạn kinh mặt nam phi trường.
Năm 1976, một bản đồ của Liên Xô đã in lại từ bản đồ quân sự của Mỹ trước 1975 cho thấy đoạn rạch Nhiêu Lộc nay là đường Lê Bình đã thu hẹp lại rất nhỏ sau khi khu Chăn Nuôi hình thành từ 1971. Nhưng nó vẫn ăn qua đường Hoàng Văn Thụ hiện nay để thoát nước cho khu nghĩa trang Quân đội Pháp. Còn đoạn kinh đào thoát nước khu vực sân bay vẫn còn nguyên vẹn, kể cả con đường Út Tịch hiện nay.
Bây giờ thì cả nhánh rạch đầu nguồn Nhiêu Lộc ở Bảy Hiền lẫn nhánh kinh vô phi trường đều không còn; hoặc thành cống hộp gì đó. Và thế là đầu nguồn rạch Nhiêu Lộc bị “di dời”, lọt thỏm giữa khu trung tâm Ông Tạ, gần cầu số 1 như chúng ta biết hiện nay.