Bà con Ông Tạ ở các giáo xứ Chí Hòa, Nghĩa Hòa, Nam Hòa, Sao Mai… cuối thập niên 1950 đầu thập niên 1960 hầu như ai cũng từng vào rừng cao su Phú Thọ dạo mát, lượm vỏ và cành cao su khô về nấu bếp...
Đám trẻ con tinh tướng hơn. Chúng kéo nhau hàng đàn, hàng lũ vào rừng tắm ao, câu cá, bắn chim… Thuở ấy, chim chóc còn nhiều. Có đứa còn băng qua rừng cao su bên kia ngã tư Bảy Hiền (khu xóm dệt, giáo xứ Phú Trung hiện nay - trước 1960 chưa có dân) để mò tới cả khu Bàu Cát gần Bà Quẹo.
Khu vực ngã tư Bảy Hiền năm 1966-1967 từ khu vực Hoàng Hoa Thám hiện nay về phía ngã tư Bảy Hiền. Dãy nhà chạy ngang giữa ảnh là đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ). Đến thời điểm này, bên phải ảnh vẫn còn một khoảnh rừng cao su phía sau Bệnh viện Thống Nhất hiện nay. Mảng cây xanh bên trái là khu “rừng” điệp của Trung tâm Thực nghiệm Chăn nuôi (nay là khu Chăn Nuôi). Mảnh đất phía trước “rừng” điệp sau này là trường THPT Nguyễn Thượng Hiền. - Ảnh: Allen Hinnman.
Phía sau nhà thờ Chí Hòa gọi là Rừng 1. Thằng nhóc Trịnh Quang Tiến, con ông chủ tịch Hội nghiên cứu Văn hóa dân tộc của Sài Gòn trước 1975, thường đá banh ở đó và lượm thuốc đạn rất nhiều ở đây. Đây là loại thuốc mồi trong súng cà nông (pháo); không rõ của đơn vị pháo nào mà xài xong xả vương vãi khắp nơi. Đám con nít khu Ông Tạ ra đây, nhặt về chơi cả chục năm vẫn còn.
Có người bảo khu vực này nguyên xưa là vùng chiến lũy từ thời kháng Pháp, sau bị quân đội Pháp chiếm được và đặt trại lính ở đây nên số thuốc súng còn rơi rớt trong khu vực này nhiều lắm. Nhưng anh T. T., con trai trung tá Việt Nam Cộng Hòa N.V.N. ở ngõ Con Mắt lại bảo: “Có lẽ lúc đó binh chủng Nhảy dù bắt đầu được trang bị súng đại bác nhỏ 105mm, nên tiểu đoàn dù đóng ở trại Phạm Công Quân kéo ra rừng cao su bắn tập không có đầu đạn, những bao ‘thuốc bồi súng đại bác’ đó đôi khi không cháy hết vì bị xì ở nút đậy vỏ đạn ‘blank’ nên bị phun ra khỏi nòng tung tóe, có khi nguyên bao”.
Trẻ con Ông Tạ không cần biết nguồn gốc của nó, chỉ thấy có là nhặt cho bằng hết. Thuốc đạn đem về bọc trong giấy bạc thuốc lá đốt, bay xè xè, cả đám vừa xô nhau chạy vừa ré lên cười. Có trúng đứa nào cũng chỉ nong nóng một chút. Có lúc chúng kéo nhau ra Rừng 1 đứng bên đường đất sỏi đỏ xem lính đi trên những chiếc xe GMC tập trận chống phục kích.
Đám trẻ con Ông Tạ còn lượm những hột cao su về chơi. Hột cao su cứng lắm, có mấy đốm đen trên nền vỏ nâu bóng, nhìn rất giống… đầu lâu. Đem về dọa trẻ con có đứa khóc thét. Có đứa mài xuống nền xi măng cho nóng xong dí vào nhau, nóng có khi phỏng tay. Giờ ra chơi ở Trường Trung Tiểu học Mai Khôi tôi học (nay là Trường Tiểu học Bành Văn Trân), có đứa bị dí, sửng cồ, xô vào vật nhau. Dì (soeur) Thúy tổng giám thị phải ra tay “trấn áp”, trừng trị mỗi đứa mấy roi.
Anh Thế Sơn, em ca sĩ Giang Tử lúc ấy nhà ngay đầu hẻm Gà (nay là hẻm 264 Phạm Văn Hai) gần chợ Ông Tạ thì khi học Trường Tiểu học Nghĩa Hòa đã lò mò ra mấy khoảnh rừng cao su mới trồng sáu, bảy tuổi, cạo lấy mủ được rồi để gỡ mủ cao su còn dính ở thân và bát đựng mủ. Cả đám con nít cứ cuộn tròn, dần dần to bằng quả cam thì mang ra chia phe đá banh cao su. Sân banh là bìa Rừng 1 hoặc sân đền thánh Vincentê (giờ là nhà thờ Vinh Sơn 3). Có nhóm dàn trận đánh nhau bằng cách bẻ cành non cỡ ngón tay cái, quất nhau một hồi, cành nào cũng chỉ còn một khúc. Cành cao su non rất giòn, quất trúng người là gẫy nên cuộc chiến chỉ là mấy vết ran rát nhè nhẹ, về tắm bình thường…
Thỉnh thoảng Rừng 1 còn là nơi cắm trại của thanh thiếu nhi các giáo xứ, hội đoàn trong vùng. Cắm trại ngay gần nhà quả còn gì bằng. Có kẹt gì, thiếu gì chỉ cần chạy vài bước là về tới nhà.
Khu rừng ấy không rõ có từ khi nào, chỉ biết nó có sau khu rừng cao su đầu tiên ở Việt Nam, không phải ở Dầu Giây (Đồng Nai), Lộc Ninh, Tây Ninh… mà ở khu vực nay là công viên Gia Định (giáp ranh Phú Nhuận - Gò Vấp). Tại đây, ông Belland - cảnh sát trưởng Sài Gòn, từ năm 1897 đến năm 1901 - đã trồng thí nghiệm 10.000 gốc cao su giống Brastil mua ở đảo Tích Lan (Sri Lanka) mang về. Sau đó, một số nơi khu vực Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định cũng mọc lên các đồn điền cao su. Bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1923 cho thấy rừng cao su đã mọc đầy khu vực Phú Thọ, ăn qua đường Bắc Hải, bao trùm cả khu cư xá Bắc Hải, hai phần ba công viên Lê Thị Riêng hiện nay, tới sát Hòa Hưng.
Khu vực rừng cao su cuối cùng của Sài Gòn - Gia Định trên bản đồ năm 1959. Ngã tư bên trên là ngã tư Bảy Hiền. Đường chạy dọc giữa rừng cao su hiện nay là đường Lý Thường Kiệt. Con kinh thẳng giữa ảnh đã bị lấp, hiện nay là đường Bắc Hải. - Ảnh tư liệu.
Ban đầu thấy dáng cây thẳng thớm, người Pháp còn trồng dọc một số con đường nay là Võ Thị Sáu, Trương Định, Tú Xương… Sau đó, hầu hết bị đốn bỏ vì cành nhánh giòn, lá rụng nhiều, tuổi thọ không cao, cây lớn gốc u sần không đẹp, không phù hợp với cây trồng trên đường phố đô thị.
Không hiểu sao, có thể do thập niên 1920-1930, phi trường Tân Sơn Nhứt xuất hiện, khu rừng cao su Phú Nhuận biến mất. Những nơi khác cũng không còn. Chỉ còn lại khu rừng cao su vùng Phú Thọ, ở hai bên đường Nguyễn Văn Thoại129. Từ ngã tư Bảy Hiền đến khu vực trường Đại học Bách Khoa TP. HCM ở Phú Thọ hiện nay trước khi bà con Bắc 54 tới, liên tiếp các cánh rừng cao su.
129 Nay là Lý Thường Kiệt.
Nhưng trên bản đồ Sài Gòn 1947, rừng cao su khu vực Phú Thọ đã “rút” ra khỏi khu hiện nay là cư xá Bắc Hải, chỉ còn từ khu vực hồi 1954 là Nghĩa Hòa, Nam Hòa (hiện nay là Phường 6, Phường 7, Quận Tân Bình) lên Phú Thọ.
Chính bà con, cộng đoàn giáo xứ Nghĩa Hòa khi tạm cư ở “Phú Thọ lều” đã men theo những cánh rừng này để “phát hiện” ra Nghĩa Hòa, hình thành nên Ông Tạ hôm nay.
Diện tích ban đầu của các khu rừng này bao nhiêu tôi không rõ. Chỉ biết đến cuối thập niên 1950, bản đồ của Nha Địa dư Quốc gia, Sài Gòn, xuất bản lần đầu năm 1958 cho thấy các khu rừng cao su vẫn còn khoảng trên dưới 100 hecta.
Từ đền thánh Micae, giáo xứ Nghĩa Hòa đến đường Âu Cơ (Tân Phú bây giờ) có mấy khu rừng cao su, gọi là Rừng 1, Rừng 2, Rừng 3 và Rừng 4. Rừng 1 ban đầu từ một phần khu vực giáo xứ Nghĩa Hòa hiện nay, cụ thể từ đường Nghĩa Phát, Trần Triệu Luật lên phía sau nhà thờ Chí Hòa, ăn lên Nguyễn Văn Thoại.
Góc đường Thánh Mẫu (nay là Bành Văn Trân) - Vân Côi lúc ấy vẫn còn vài gia đình hành nghề chạy xe ngựa. Gần đó có chuồng nuôi ngựa đua của bác sĩ Nguyễn Ngọc Bảy (cha cố MC Việt Dzũng nổi tiếng ở hải ngoại) với con Tina nhiều người biết tên. Bà con gọi là xóm Chuồng Ngựa.
Gần ngã ba Ông Tạ hiện nay còn một con hẻm nhỏ (thông từ đường Cách Mạng Tháng Tám ra Bành Văn Trân) tên Bác Sĩ Bảy, do nhà ông ngay đầu hẻm. Bác sĩ Bảy gốc Nghệ An, Công giáo, cựu dân biểu hạ nghị viện khu vực xã Tân Sơn Hòa (Ông Tạ); thiếu tá, y sĩ trưởng Bộ Tổng tham mưu và Sư đoàn 5 Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Rừng 2, 3 đối diện bên kia đường Nguyễn Văn Thoại, qua Lạc Long Quân hiện nay, sang bên kia ngã tư Bảy Hiền (nay là giáo xứ Phú Trung và một phần khu xóm dệt Quảng Nam, phần còn lại là ruộng rẫy) một khoảnh. Còn về hướng bắc nam, hai khu Rừng 2, 3 chạy dọc hai bên đường Nguyễn Văn Thoại, xuống tới sát cư xá Lữ Gia, gần tới trường đua Phú Thọ xây dựng năm 1932. Khu vực trước khi xây dựng trường đua ngựa này có phải là rừng cao su không thì tôi không rõ.
Từ năm 1965, khi Mỹ đổ quân vô miền Nam, các cánh rừng cao su bị đốn bỏ, giải tỏa dần để phân lô bán hoặc thành các chung cư, căn cứ lính Mỹ. Theo anh Phạm Hùng Nghị (cháu rể hụt của bà lý Sóc ngõ Con Mắt), rừng cao su này thuộc sở hữu của Tòa Tổng giám mục Sài Gòn. Khi quân đội Mỹ sử dụng, họ lờ không đền bù thiệt hại. Sau có một người làm ở Đại sứ quán Mỹ giúp Tòa Tổng đòi được một số tiền lớn.
Trước đó, các khu rừng cao su thuộc trong khu đất 600 hecta ông Huyện Sỹ dâng cúng nhà thờ Chí Hòa hồi cuối thế kỷ 19.
Sau khi giải tỏa, một số sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa cũng mua đất nơi đây xây nhà. Một trong những căn nhà đầu tiên là nhà đại tá Bùi Dzinh. Ông Dzinh dân Công giáo, gốc làng Xuân Hòa, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình (cùng huyện với Tổng thống Ngô Đình Diệm và Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Ông là người hai lần, 1960 và 1963, mang sư đoàn của mình từ miền Tây lên phản đảo chánh cứu Tổng thống Ngô Đình Diệm. Sau đó còn tham gia đảo chánh Quốc trưởng, tướng Nguyễn Khánh đầu năm 1965. Thất bại, đại tá Bùi Dzinh bị tuyên án tử hình, sau tha bổng, nhưng coi như kết thúc cuộc đời binh bị.
Đường Sở Mỹ khoảng năm 1968, 1969. Bên trái ảnh là nhà thờ Chí Hòa, khu nhà bên phải ảnh hiện nay vẫn còn. Ảnh: Nguyễn Thọ Quảng, người thuê nhà góc ngã tư Nguyễn Văn Thoại - Sở Mỹ.
Căn nhà của ông đầu đường Sở Mỹ (dân tự đặt, nay là Lê Minh Xuân) bị tịch thu. Gia đình ông trước đó đã mua căn nhà khác ở đối diện hồ tắm Cộng Hòa (một người thân trong gia đình hiện vẫn ở).
Rừng cao su bị đốn dần chứ không cùng lúc. Đến 1966, 1967 vẫn còn một khoảnh rừng sát trại lính Nhảy dù. Có người nói để làm hậu cứ cho trại lính nếu bị tấn công. Khi đốn, trẻ con Ông Tạ mò tới coi chỗ mình chơi ra sao. Ở Rừng 1, khu vực đường Đông Sơn hiện nay lộ ra mấy cái bồn lớn, không rõ là gì - chứa xăng dầu chăng? Mỗi bồn đường kính đến chục mét, chôn dưới đất, nhô lên trên chừng một mét.
Đốn xong, nhiều sở Mỹ, cư xá Mỹ… mọc lên. Một số bà con Nghĩa Hòa rủ nhau đi làm cho họ. Lương cao hơn làm công chức Việt Nam Cộng Hòa.
Những năm 1971, 1972, tôi và bạn bè học Trường Mai Khôi đi theo đường Vân Côi ra đó, thỉnh thoảng vẫn còn lượm được thuốc đạn về cuốn trong giấy bạc đốt bay vòng vòng chơi. Lúc ấy, khu vực này đã yên. Trước đó vài năm, tôi nghe bạn bè Mai Khôi của tôi kể trẻ con khu Nghĩa Hòa từng có nhiều trận đánh nhau thật sự ác liệt với đám con nít lượm rác Mỹ từ bên đường Lạc Long Quân hiện nay sang. Hai bên hẹn hò, bố trí, dàn trận… hẳn hoi. Mấy anh lính Sài Gòn ở xứ Nghĩa Hòa thay vì can ngăn còn nhào vô cầm đầu, hỗ trợ trẻ con xóm mình, chế súng bắn bi cho chúng (!).
Phác họa khu ngã tư Bảy Hiền cuối thập niên 1950 đến cuối thập niên 1960
Khu rừng Phú Thọ chỉ chịu dừng lại ở một trại lính Pháp trước 1954 ở ngã tư Bảy Hiền. Trại lính này sau là trại Tiểu đoàn 3 Nhảy dù Phạm Công Quân. Đến 1969, trại lính này cũng rút, lấy đất xây Bệnh viện Vì Dân (nay là Bệnh viện Thống Nhất). Trước khi là trại lính Pháp, khu vực này lại là đất khẩn hoang trước khi có phi trường Tân Sơn Nhứt của một gia đình ở Hạnh Thông Tây (Gò Vấp). Một người cháu của dòng tộc này, ông Giang Ngọc Phương, hiện là phó giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước. Thời sau 1945, ông của Phương theo Việt Minh, bị bắt; miếng đất khẩn hoang này bị chính quyền Pháp tịch biên.
Dân Ông Tạ cũng đành chịu dừng việc “mở rộng lãnh thổ” mình ở trại lính này. Sang bên kia ngã tư Bảy Hiền, hồi mới di cư vào cũng là rừng cao su, tức đất đồn điền, không thể lấn chiếm. Thế là họ đi vòng qua với việc gián tiếp lập ra giáo xứ Tân Việt, đối diện trại Sư đoàn Nhảy dù Hoàng Hoa Thám (nay là chợ và đường Hoàng Hoa Thám).
Cụ thể linh mục chánh xứ Cổ Việt (Thái Bình) Đaminh Vũ Đức Triêm sau một thời gian khoảng hơn bốn tháng ở khu vực nay là giáo xứ Nam Thái - ngay ngã ba Ông Tạ - cùng một số con chiên mình từ Bắc vào đã chủ động rời khu này, đến khu đất ba hecta do Tòa Tổng giám mục Sài Gòn cấp và lập nên giáo xứ Tân Việt. Khu vực Nam Thái để lại cho bà con gốc giáo xứ Cổ Gia quê hương của cha.
Giữa thập niên 1960, khi rừng cao su bị phá bỏ, một số bà con Duy Xuyên, Điện Bàn (Quảng Nam) cùng ông nghè Diễn tiến vào, lập nên làng dệt Bảy Hiền, với số dân lúc đó khoảng vài ngàn; tập trung ở đường Võ Thành Trang, Năm Châu, Nguyễn Bá Tòng… (Phường 11 và một chút Phường 12, Quận Tân Bình hiện nay). Chợ Bà Hoa của bà con Quảng Nam, bán nhiều món xứ Quảng, miền Trung có khá trễ, khoảng đầu thập niên 1970, sau chợ Ông Tạ hơn 15 năm.
Cộng đồng giáo xứ Nghĩa Hòa - Ông Tạ tiếp tục mở rộng “lãnh thổ” ra tới đường Nguyễn Văn Thoại: năm 1970, thành lập một ngôi trường nay là Nguyễn Gia Thiều. Thậm chí, một nhóm giáo sư, trong đó có cư dân Ông Tạ còn chung tay mở trường Nhân Chủ (nay là Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thái Bình).
Ngã tư Bảy Hiền năm 1966. Bên trái ảnh vẫn còn một khoảnh rừng cao su phía sau Bệnh viện Thống Nhất hiện nay. - Ảnh tư liệu.
Bên kia Quốc lộ 1, đối diện rừng cao su khu vực ngã tư Bảy Hiền là khu nghĩa địa Quân đội Pháp có khoảng đầu thập niên 1950. Đầu thập niên 1960, một số người Bắc 54 lấn chiếm khu vực tường rào quanh khu nghĩa địa này, nhìn ra đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ), Quốc lộ 1 (nay là Trường Chinh), dựng căn nhà gỗ, rồi lên nhà xây, đa số một trệt một lầu…
Bên kia trại lính Nhảy dù (nay là Bệnh viện Thống Nhất) trước 1969, tức khu vực là trường Nguyễn Thượng Hiền hiện nay, là Trung tâm Thực nghiệm Chăn nuôi, rộng đâu khoảng 20 - 30 hecta gì đó. Từ ngã tư Bảy Hiền, nếu theo đường Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám), trung tâm này tới sát hồ tắm Cộng Hòa; còn theo đường Võ Tánh, nó tới khoảng đường Nguyễn Đình Khơi hiện nay.
Trung tâm này hầu như không hoạt động. Hồi 1969, khi mới bảy tuổi, chữa bệnh nám phổi suốt nửa năm ở nhà thương Đại Hàn (sau trường Nguyễn Thượng Hiền - lúc ấy chưa xây - nay vẫn còn, là Bệnh viện Tân Bình), tôi đi qua nhìn vô như đất hoang. Trong đó toàn những cây điệp cổ thụ, có cây gốc hai vòng tay. Khoảng 1970-1971, trong phong trào tự phát “Người cày có ruộng - Thương phế binh có nhà” lẫn biến cố người Việt ở Campuchia bị kỳ thị đã ồ ạt hồi hương, khu này phân cho bà con Việt kiều và thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Một số dân cũng tranh thủ “cắm dùi”, lập ra khu Chăn Nuôi (bên hông Trường Nguyễn Thượng Hiền, phía Phạm Hồng Thái) và giáo xứ Thương Binh (nay là giáo xứ Tân Dân, Phường 4, Quận Tân Bình).
Có thể thấy rõ, ít nhất đến giữa thập niên 1960, khi khu ngã ba Ông Tạ, hàng trăm nhà đã lên ba, bốn, năm tầng, dân cư chen chúc, buôn bán sầm uất thì khu ngã tư Bảy Hiền vẫn còn là vùng đất khá vắng vẻ; toàn lính tráng, thưa thớt dân. Chợ Bà Hoa chưa có. Xa xa có chợ Tân Việt cũng toàn Bắc 54, nhỏ hơn chợ Ông Tạ nhiều. Dân Tân Việt có nhiều bà con ở khu Ông Tạ; gần tết thế nào cũng cố đi chợ tết Ông Tạ.
Sau 1965, một số nhà mặt ngoài nghĩa địa Quân đội Pháp trên đường Võ Tánh làm nghề sửa quần áo lính và đi chợ… Ông Tạ. Có lẽ vì vậy nên bà con khu nhà thờ Chí Hòa, cư xá Tự Do gần ngã tư Bảy Hiền hơn ngã ba Ông Tạ trước 1975 nhưng đều tự coi mình là dân Ông Tạ chứ không nghĩ mình là dân Bảy Hiền.
Tôi học lớp Bốn, Năm Trường Mai Khôi hai năm 1971-1973, chơi thân với Hoàng Hải Triều, con trai nhà văn Hoàng Hải Thủy nổi tiếng trước 1975. Nhà văn “Công tử Hà Đông” ở khu cư xá Tự Do, làm bài thơ “Áo vàng hoa” đã ghi rõ cuối bài thơ: “Hoàng Hải Thủy - Tháng 7, 1977 - Nhà 259/29 A Phạm Hồng Thái, cư xá Tự Do, Ngã ba Ông Tạ, Sài Gòn”.