Tự khoe tính toán ta đây nhất,
Trời xanh vốn sẵn định chủ trương,
Nịnh nọt tham sân đọa địa ngục,
Công bằng chính trực tức thiên đường.
Đại sư Hám Sơn từng dạy:
Tự khoe tính toán ta đây nhất,
Trời xanh vốn sẵn định chủ trương,
Nịnh nọt tham sân đọa địa ngục,
Công bằng chính trực tức thiên đường.
Mưu kế sách lược không hẳn là xấu, mưu kế sách lược có thể cống hiến cho đất nước, cho xã hội và có thể cải thiện một phần phúc lợi xã hội cho người dân, mưu kế sách lược như thế thì rất tốt. Ví dụ, ở xã hội hiện tại nền kinh tế đang dần suy thoái, giả như có người đề xuất sách lược hay để phục hồi nền kinh tế đất nước thì người đó sẽ được mọi người ngưỡng mộ và kính trọng. Hay, lúc vị thế của đất nước trên trường quốc tế đang xếp hạng thấp mà có người đề xuất đường lối chính sách giúp cho đất nước có thể nâng cao vị thế, như vậy quả thực rất tốt. Ngược lại nếu những mưu kế, sách lược lại là nguồn cơn gây ra các việc hại người, thảm khốc, xâm lược, phạm tội, v.v. như thế cho dù là kế sách hay đến nhường nào cũng không thể áp dụng. Chúng ta phải biết rằng: “Trời xanh luôn có mắt”.
Ngạn ngữ có câu: “Ngàn tính vạn tính, không bằng trời tính”, vậy trời là cái gì? Trời chính là luật nhân quả. Mọi việc trên đời này đều không thể nào tách rời khỏi định luật nhân quả, cán cân nhân quả rất công bằng, đặc biệt rất phù hợp với công lý, chính nghĩa. Từ xưa đến nay, có bao nhiêu chuyên gia tham mưu sách lược dựa vào các mưu kế mà có được thành công? Trong chính trị thủ đoạn lật lọng thiên biến vạn hóa; trong quân sự chiến thuật tấn công luôn ẩn chứa những thuyết âm mưu phức tạp; trên thương trường những biến động bất ngờ và kỹ xảo chiếm đoạt tiền bạc cũng rất khó lường. Bạn chưa bao giờ thấy một người sử dụng mưu kế gian xảo mà có thể thắng lợi mãi mãi, có đúng vậy không?
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, anh hùng hào kiệt khắp nơi tranh đấu với nhau, người đến người đi đọ sức tranh tài, người giỏi sử dụng các kế sách như: kế mỹ nhân, kế khổ nhục, kế khích tướng, kế vườn không nhà trống, kế liên hoàn, kế phô trương thanh thế, kế điệu hổ ly sơn, kế ve sầu thoát xác, kế dương đông kích tây, v.v. tuy nhiên, dù có rất nhiều mưu kế như thế nhưng có lẽ họ cũng chỉ có thể thu được thắng lợi nhất thời. Bạn chưa bao giờ thấy qua việc một người sử dụng mưu kế mà có thể thu được thắng lợi lâu dài, có phải như thế không?
Việc thắng lợi không nên chỉ dựa vào mưu kế để có được, thắng lợi nên dựa vào trí tuệ chân chính, tài nghệ chân chính, nhân duyên chân chính, lương tri chân chính.
Lúc con cá mực di chuyển trong biển, nó thường phóng ra chất lỏng màu đen để tự vệ cho chính mình, chúng cho rằng làm như thế là thông minh. Nhưng chúng không biết rằng những ngư dân đã dựa vào vết mực đen đó để đoán biết được chúng đang ở đâu để quăng lưới đánh bắt. Ngay cả khi sa vào lưới rồi mà cá mực vẫn không biết chuyện gì đang xảy ra. Cho nên có thể nói: Sự khéo léo mà không phù hợp sẽ luôn là nguyên nhân mang đến tai họa cho bản thân.
Trong việc đối nhân xử thế hàng ngày không nhất thiết phải mang kỹ xảo mưu lược ra áp dụng, ta nên dựa vào những điều chân chính, sự lương thiện để mà sống.
Làm người chúng ta nên sống thành thực, không lừa dối, giả sử vào một thời điểm nào đó bị người khác ức hiếp khinh rẻ, cũng sẽ không thể chịu thiệt thòi và bị mắc lừa mãi được. Ngược lại, nếu người có ý đồ bất chính, khéo dùng mưu kế, kỹ xảo để đối nhân xử thế thì đến cuối cùng vẫn phải chịu tai họa ập tới. Cho nên, phàm việc gì cũng không sợ bị thiệt thòi, chúng ta cứ làm người thành thực, không những tránh được tai họa mà đôi khi còn có nhiều vận may bất ngờ đến với mình, bởi vì nhân quả, thiện ác tự có sự công bằng vậy!