- Vũ Bảo Thắng (ghi) -
“SEA Games tại Chiang Mai năm đó, không ai nghĩ đội tuyển Việt Nam lại có thể vào đến trận chung kết. Nhưng chúng tôi đã làm được nhờ tinh thần quyết tâm và một sự thay đổi bước ngoặt ít người biết...”
Từ những khởi đầu gian nan…
Việt Nam đã trải qua rất nhiều năm được xem là “vùng trắng” của bóng đá khu vực. SEA Games là một cái gì đó rất xa vời, là sân chơi chúng ta chưa thể với tới.
Bạn biết đấy, khoảng đầu thập niên 1990, bóng đá Việt Nam là con số không tròn trĩnh. Đội tuyển đá giải nào thua giải đó, trầy trật lắm thì hòa, còn thắng thì chỉ “năm thì mười họa”. Tư tưởng “cọ xát học hỏi” là kim chỉ nam của chúng ta mỗi khi tham dự một giải đấu khu vực.
Nguyên nhân khiến nền bóng đá Việt Nam không có tiếng nói thì rất nhiều. Thời thế, tôi không thể phân tích hết được, nhưng quả thật lúc đó, đội tuyển Việt Nam bị ảnh hưởng lớn bởi điều kiện kinh tế. Đất nước vẫn còn quá khó khăn, dù bắt đầu đổi mới nhưng mọi thứ vẫn vận hành theo kiểu bao cấp nên chế độ của tuyển thủ quốc gia cũng chẳng khá khẩm là bao so với khi khoác áo câu lạc bộ. Vậy nên những ai được triệu tập cũng chẳng mặn mà lắm. Khổ nhất là mỗi khi thi đấu quốc tế toàn phải mang tiền nhà đi, không chỉ vất vả mà còn tốn kém. Và đi rồi, ra sân đá lại chỉ chuốc lấy thất bại, thành ra mọi người ai cũng nản.
Còn nhớ hồi SEA Games 1991 và 1993, hành trang của các tuyển thủ là những vali ních đầy mì gói, đồ khô và gia vị quê nhà. Nhiều người thắc mắc sao cứ phải mì gói, ra nước ngoài thiếu gì đồ ăn. Đúng là ở nước bạn đồ ăn rất sẵn, nhưng khổ nỗi sống trong nước khó khăn quá, nào đã nếm đồ Tây bao giờ, nên có được ăn cũng không sao thích ứng được. Mà, ăn mì hoài thì sức đâu đá.
Vậy nên mới có chuyện 11 tuyển thủ “đào ngũ” trước thềm SEA Games 1991. Từ ngoài nhìn vào, nhiều người trách móc họ thiếu tinh thần dân tộc. Nhưng cá nhân tôi, một người sống trong hoàn cảnh đó, hoàn toàn cảm thông với họ.
Năm đó, tôi là cầu thủ trẻ được gọi bổ sung sau. Ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Nhổn, trong các căn phòng dột nát là những dãy giường tầng xô lệch. Đương nhiên làm gì có điều hòa, nước nóng cũng không nốt.
Hồi ấy ở nhà tắm công cộng chỉ có một bể nước, được ngăn đôi thành hai bên nam - nữ bởi bức tường cũ màu vàng phủ rêu, rất bất tiện. Mùa hè còn đỡ, chứ mùa đông thì lạnh cóng người. Sau mỗi buổi tập, dù người ngợm lấm lem bùn đất cũng không thể tắm lâu. Gọi là tắm cho oai, chứ thực chất chỉ dội qua loa vài ba gáo nước rồi ba chân bốn cẳng chạy về, mặc kệ còn nguyên xà phòng.
Khổ sở là thế, cánh tuyển thủ chúng tôi cũng chẳng có gì để giải trí. Mấy anh em Hà Nội còn có thể về nhà, chứ những người ở xa chỉ chết dí trong phòng giữa khung cảnh đồng không mông quạnh.
Điều kiện thiếu thốn đủ bề khiến việc tham dự SEA Games, lẽ ra là một vinh dự, được xem như nhiệm vụ chính trị mà mọi người phải miễn cưỡng hoàn thành. Khát khao chiến thắng là cái gì đó thật viển vông.
... đến năm bản lề 1994…
Thành công bất ngờ tại SEA Games 18 tại Chiang Mai, Thái Lan năm 1995 thực sự là một kỳ tích. Và nó bắt nguồn từ Dunhill Cup cuối năm 1994.
Khi ấy, điều kiện ăn ở cũng như cơ sở vật chất đã bắt đầu khá hơn. Qua nhà tài trợ Strata, chúng ta mời được HLV Tavares người Brazil về dẫn dắt đội tuyển. Thời điểm đó, được tập với HLV nước ngoài giống như một giấc mơ thành hiện thực vậy. Chúng tôi ai cũng háo hức chờ ngày lên tuyển.
Trong quá trình chuẩn bị, HLV Tavares gây sốc với các bài tập rất nặng và cường độ cao - điều chúng tôi chưa bao giờ được trải nghiệm, và sau này khiến tất cả cầu thủ cũng như HLV nội phải thay đổi tư duy.
Trước mỗi buổi tập, HLV Tavares thường phát cho cầu thủ mấy viên thuốc màu trắng, ông bảo: “Các cậu uống đi, thể lực lên ghê lắm, tập bao nhiêu cũng không biết mệt.” Lũ chúng tôi nào biết thuốc gì, nhưng thầy đưa thì uống. Kỳ lạ thay, đúng là không mệt thật, người cứ khỏe như vâm.
Sau này mới biết, té ra HLV Tavares “chơi chiêu”. Thần dược gì đâu, chỉ là viên vitamin tổng hợp thông thường, chả có gì hơn. Ông muốn chúng tôi cởi bỏ tâm lý “sợ tập nặng” ra khỏi đầu để hoàn thành khối lượng vượt quá giới hạn bản thân. Nhờ tập luyện tốt, chúng tôi thấy khỏe lên rất nhiều.
Dunhill Cup năm ấy, tuyển Việt Nam chia thành hai đội, Việt Nam 1 và Việt Nam 2. Các đối thủ toàn thuộc hàng sừng sỏ do Strata mời đến, bao gồm Housing Bank của Hàn Quốc và Bát Nhất đến từ Trung Quốc. Tôi nhớ trong đội hình Bát Nhất lúc đó có Hao Hai Dong - tiền đạo nức tiếng thời bấy giờ, thường xuyên đá chính ở tuyển Trung Quốc.
Dưới sự dẫn dắt của HLV Tavares, cả hai đội Việt Nam đều lọt vào bán kết. Điều này tạo ra hiệu ứng vô cùng tích cực đối với cả thế hệ chúng tôi. Hóa ra chúng tôi hoàn toàn đủ khả năng chơi ở cường độ cao. Hóa ra chúng tôi cũng có thể đá sòng phẳng với các đối thủ cao to hơn hẳn. Rồi chúng tôi dần nhận ra hạn chế chính là ở tư tưởng, bấy lâu nay luôn tự ti, sợ hãi và không dám đặt ra mục tiêu cao. Nếu phải tìm ai đó để vinh danh, tôi nghĩ không ai khác ngoài HLV Tavares, người đặt nền móng cho những thành công sau này của đội tuyển Việt Nam.
… bước ngoặt khó tin tại SEA Games 1995
Thật tiếc là kết thúc Dunhill Cup, chiến lược gia người Brazil không tiếp tục gắn bó với đội tuyển. Nhờ sự giới thiệu của Strata, HLV Karl Heinz Weigang được bổ nhiệm. Ông là người từng giúp đội tuyển Việt Nam Cộng hòa giành chức vô địch cúp Merdeka năm 1966.
Dưới thời HLV Weigang, chúng tôi không còn phải tập nặng như với HLV Tavares. Tuy nhiên, phương pháp của ông cũng mang lại hiệu quả rất tích cực. Ông cũng rất tinh ý khi nhận ra nhược điểm lớn nhất của Việt Nam: thiếu kinh nghiệm thi đấu, từ đó nảy sinh tâm lý e ngại mỗi khi đối đầu với đội bóng nước ngoài.
Và thế là HLV Weigang đưa chúng tôi đi tập huấn ở Đức, Áo, cùng các nước châu Âu khác. Trong chuyến tập huấn 1 tháng ở Đức, quê hương ông, tuyển Việt Nam có cơ hội thi đấu hơn 20 trận với nhiều đối thủ, từ các đội hàng đầu như Stuttgart, Bremen, Bochum cho đến những đội hạng 2, hạng 3 và cả nghiệp dư. Nhờ đó mà chất lượng đội tuyển cải thiện đáng kể, đặc biệt là thể lực và tâm lý nhập cuộc.
Bước vào SEA Games 1995, chẳng ai coi đội tuyển Việt Nam ra gì. Chúng ta bị xếp vào chiếu dưới, và dự kiến sẽ sớm phải xách vali về nước khi rơi vào bảng tử thần gồm chủ nhà Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Campuchia.
Vậy mà, ngay trận ra quân, Việt Nam đã đánh bại Malaysia với tỷ số 2-0 nhờ các bàn thắng của Huỳnh Quốc Cường và Võ Hoàng Bửu. Tinh thần lên cao, Việt Nam thắng tiếp Campuchia 4-0. Sau đó, Việt Nam thua chủ nhà Thái Lan 1-3, nhưng trong trận quyết định vé đi tiếp với Indonesia, Hữu Đang đã ghi bàn thắng duy nhất quý hơn vàng.
Cứ sau mỗi trận, chúng tôi lại hưng phấn hơn. Kèm theo đó là sự tự tin và bản lĩnh ngày càng dày dạn. Không còn một Việt Nam yếu đuối, thay vào đó là một tập thể đầy khí thế chiến thắng. Với khí thế ấy, ở bán kết, chúng tôi đánh bại Myanmar với tỷ số 2-1. Bàn quyết định là cú vô-lê của Trần Minh Chiến, một bàn thắng không thể nào quên với tất cả người hâm mộ Việt Nam.
Chiến thắng khiến cả nước Việt nức lòng. Từ Thái Lan chúng tôi cũng biết rằng, theo cách hoàn toàn tự phát, người dân trên khắp mảnh đất hình chữ S ào ra đường ăn mừng và tạo ra tiếng động bằng tất cả những gì kiếm được, từ xoong chảo đến mâm chậu. Một bầu không khí phấn khích chưa bao giờ xảy ra trước đó. Lần đầu tiên Việt Nam xuất hiện hai từ “đi bão”. Lần đầu tiên chúng ta được đắm mình trong tình yêu bóng đá và cảm nhận niềm tự hào dân tộc.
Tiếc rằng lực của đội tuyển Việt Nam chỉ dừng lại ở đó. Trận chung kết, chúng tôi đã không thể tạo ra điều thần kỳ trước Thái Lan. Nhưng tôi tin rằng tấm Huy chương Bạc ở SEA Games 1995 thực sự là một tiếng nổ lớn, đánh thức tiềm năng của bóng đá Việt Nam và mở ra thời kỳ rực rỡ sau đó. Nó cũng đưa Việt Nam lên một vị thế mới, từ những kẻ chiếu dưới vụt trở thành ứng viên sáng giá cho ngôi vô địch ở các giải đấu tiếp theo.
Một kỳ SEA Games lịch sử, giúp người Việt khám phá ra sự tuyệt vời của bóng đá, biết rằng đội tuyển có thể khiến họ hãnh diện. Và giấc mơ về tấm Huy chương Vàng cũng được bắt đầu.