- Vũ Bảo Thắng -
Sau thất bại ở SEA Games 2001 Brunei - giải đấu đầu tiên sân chơi khu vực được giới hạn dành cho cầu thủ U23, Việt Nam cho ra đời thế hệ cầu thủ mới đầy tài năng như Văn Quyến, Quốc Vượng, Hữu Thắng, Huy Hoàng, Thanh Phương, Công Vinh, Thanh Bình. Sáng nhất trong số đó là thần đồng Phạm Văn Quyến của lò đào tạo Sông Lam Nghệ An. Chưa bao giờ, người hâm mộ Việt Nam hy vọng vào tấm Huy chương Vàng SEA Games như năm 2003...
Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa cũng... không ăn thua!
Trong tất cả các kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á khởi nguồn từ cú hích Chiang Mai 1995, SEA Games 2003 trên sân nhà được cho là thời điểm tuyệt vời nhất để bóng đá lên ngôi.
Còn sao nữa, đội tuyển U23 Việt Nam khi ấy nở rộ tài năng trẻ đến mức HLV Alfred Riedl còn “không biết chọn ai”. Quá nhiều ngôi sao sáng giá, thậm chí một vài người được xếp vào hàng bậc nhất khu vực. Điều này một phần vì lò đào tạo Sông Lam Nghệ An đang vào thời kỳ cực thịnh. Dường như bất cứ cầu thủ nào của họ cũng đủ sức khoác áo tuyển thủ quốc gia.
Trong số này, tiền đạo Phạm Văn Quyến được kỳ vọng lớn nhất. Có thể nói sau Nguyễn Hồng Sơn của Thể Công, Quyến là tài năng lớn nhất mà bóng đá Việt Nam sản sinh ra. Cảm giác rằng Quyến có thể làm bất cứ điều gì với trái bóng, và có thể quyết định trận đấu bằng những khoảnh khắc diệu kỳ.
Vòng chung kết U16 châu Á, Quyến ghi dấu với những pha lập công đẹp như mơ trước các đối thủ tầm cỡ, bao gồm cú đúp vào lưới Trung Quốc mang về thắng lợi 3-2. Vòng loại Asian Cup 2004, anh là tác giả bàn thắng làm nên chiến thắng lịch sử trước Hàn Quốc.
Trên khắp đất nước hình chữ S, người ta phát cuồng vì Quyến. Và Quyến, ngoài tài năng thiên bẩm, còn có sự lì lợm để không bao giờ ngán ngại bất cứ đối thủ nào, kể cả Thái Lan. Trong mọi hoàn cảnh, Quyến luôn biết cách tạo ra sự khác biệt bằng các phẩm chất thiên tài.
Bên cạnh tiền đạo được mệnh danh là “Cậu bé Vàng”, U23 Việt Nam còn sở hữu nhiều tài năng khác như thủ môn Nguyễn Thế Anh, Lê Quốc Vượng, Nguyễn Huy Hoàng, Lê Công Vinh, Phan Như Thuật (Sông Lam Nghệ An), Nguyễn Hữu Thắng (Quân khu 7), Nguyễn Tuấn Phong (Ngân hàng Đông Á), Nguyễn Minh Phương, Phan Văn Tài Em (Đồng Tâm Long An), Lê Văn Trương (Huế), Đặng Thanh Phương (Thể Công), Phan Thanh Bình (Đồng Tháp)... Cộng thêm việc được thi đấu trên sân nhà Mỹ Đình, tất cả đều tin ngày “lấy Vàng” đã đến.
Quả thật, hành trình tại SEA Games 22 của thầy trò HLV Alfred Riedl diễn ra cực kỳ suôn sẻ, cho đến trận bán kết với Malaysia. Đó là trận cầu nghẹt thở khi U23 Việt Nam để đối thủ quật khởi, ghi liền 3 bàn trong vòng 14 phút, từ phút 73 đến 87. May thay, Phan Thanh Bình đã giải cứu tất cả với cú đánh đầu xuất thần phút thứ 90, đưa U23 Việt Nam vào chung kết.
Sau này mỗi khi nhớ lại, cả Phạm Văn Quyến và Lê Quốc Vượng đều thừa nhận, họ đã lo sợ về một thảm họa. Malaysia đột nhiên trở nên hung dữ lạ thường và cứ lên bóng là có bàn, khiến các tuyển thủ rơi vào nỗi sợ hãi chưa từng có.
Nhưng một khi đã vượt qua cửa tử, tất cả đều tin tưởng sẽ giành được tấm Huy chương Vàng. Đúng như người ta nói, những gì không thể giết chết bạn, chỉ khiến bạn mạnh mẽ hơn.
Và người hâm mộ cả nước cũng tin như vậy.
Trận chung kết gặp Thái Lan, sân Mỹ Đình ngập tràn sắc đỏ. Không khí lễ hội và tinh thần hăng hái cao độ của các cổ động viên đã vô tình khiến sự vắng mặt của hậu vệ trái Lê Văn Trương trở nên mờ nhạt. Người ta không nghĩ, mắt xích hàng thủ mà Văn Trương trấn giữ lại quan trọng đến mức không thể thay thế.
Trước trận, ban huấn luyện U23 Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với hậu vệ Lê Đức Tuấn của Hà Nội ACB, vừa để động viên, vừa kiểm định mức độ tự tin. Vốn là con nhà nòi (bố là danh thủ Đường Sắt Việt Nam, Lê Khắc Chính), Tuấn tỏ ra rất quyết tâm và hứa làm tròn nhiệm vụ. Xong, HLV Alfred Riedl điền tên anh vào đội hình xuất phát.
Trong bầu không khí hừng hực khí thế, U23 Việt Nam đã khởi đầu sung mãn. Thế nhưng đúng thời điểm chúng ta tự tin nhất và tưởng như sắp có bàn thắng, sai lầm lại xảy ra, và đúng ở vị trí mà Lê Đức Tuấn trấn giữ. Pha đỡ bóng hụt cực kỳ nghiệp dư của anh khiến đường chuyền không có gì nguy hiểm lại hóa hay, giúp tiền vệ Phichitphong băng xuống hạ gục thủ thành Thế Anh.
Sốc. Choáng váng. Và nỗi sợ hãi bao trùm. U23 Việt Nam không thể chơi như cách họ vẫn chơi. Trừ một người, đó là Văn Quyến. Phút 86, “Cậu bé Vàng” đóng vai cứu tinh với cú vô-lê đập đất trong vòng cấm địa. Cả nước vỡ òa. U23 Việt Nam như từ cõi chết trở về. Giấc mơ Huy chương Vàng sống lại, vẹn nguyên, thậm chí còn lung linh hơn.
Tiếc rằng thực tế lại quá tàn nhẫn. Chúng ta chỉ hạnh phúc thêm được 32 phút trước khi Nataporn Phanrit tung cú nã đại bác ở phút 118. Lần này thì không gì có thể cứu vãn. Sự kỳ vọng lớn lao hóa thành nỗi thất vọng tột cùng.
Nỗi đau Bacolod 2005
Nhưng nỗi buồn nào rồi cũng qua. 2 năm sau, SEA Games 23 tổ chức trên đất Philippines. Với những tài năng xuất chúng nay đã kinh nghiệm hơn, cộng thêm những nhân tố mới, người hâm mộ tin rằng ngày giành Vàng đã tới.
Ai ngờ, Vàng vẫn không đến. Và thứ họ nhận lại vẫn là nỗi đau.
Dù bóng đá Việt Nam thời đó có không ít tiêu cực, nhưng không ai có thể tưởng tượng nổi các tuyển thủ với lá cờ Tổ quốc trên ngực lại có thể bán linh hồn cho quỷ dữ.
Một ngày trước trận cuối vòng bảng gặp Myanmar, Quốc Vượng đã có cuộc “họp kín” với Văn Trương, Văn Quyến, Bật Hiếu, Hải Lâm, Quốc Anh và Phước Vĩnh về một kế hoạch. Đó là “chỉ thắng 1-0”, vừa đủ để U23 Việt Nam đi tiếp, vừa mang về cho mỗi người 20-30 triệu từ dân cá độ.
Vụ việc chỉ được phanh phui sau khi các cầu thủ trở về. Nhưng từ trước đó, tin đồn đã râm ran đến mức một quan chức Liên đoàn đã bỏ về từ bán kết mà không đợi đến trận chung kết với Thái Lan và tuyên bố: “Thua chắc rồi, xem làm gì nữa.”
Và U23 Việt Nam thua thật. Thua đau. Thái Lan vẫn là một nỗi ám ảnh. Còn chúng ta, tự bắn vào chân mình.
7 cầu thủ tham gia màn kịch ở Bacolod đã phải trả giá bằng chính sự nghiệp của họ. Bóng đá Việt Nam mất đi những tài năng đầy triển vọng. Nhưng tệ nhất là niềm tin đổ vỡ. Những người hâm mộ đã sống trong thời khắc hào hùng của SEA Games 1995 và rơi nước mắt vì thất bại cay đắng ở SEA Games 2003 nay không còn niềm tin vào bóng đá Việt.
HLV Alfred Riedl - người bị khoác lên biệt danh “Vua về nhì” - nói trong đau xót: “Các cầu thủ bán độ đã phạm một tội ác, khi nhẫn tâm phản bội lại những giá trị tốt đẹp của bóng đá. Tệ hại hơn, là phản bội lại hàng triệu cổ động viên trung thành nhất. Vì lòng tham, họ đã chà đạp lên tất cả. Tôi không ngạc nhiên khi cầu thủ yêu tiền nhưng thực sự sửng sốt khi họ dám giở trò ngay tại SEA Games.”
Rồi tiền cũng chẳng để làm gì. Trong trại tạm giam, thần đồng Văn Quyến than thở qua làn nước mắt: “Tiền bây giờ không có giá trị gì cả. Em không cần giàu sang. Em sẵn sàng đánh đổi tất cả để quay lại cuộc sống xưa kia.”
Tiếc là cuộc sống, và bóng đá, không tồn tại hai chữ “giá như”. “Cậu bé Vàng” cùng 6 tội đồ khác phải trả giá cho những sai lầm. Còn người hâm mộ Việt Nam, đường đến tấm Huy chương Vàng SEA Games mịt mù hơn bao giờ hết.