- Vũ Bảo Thắng -
Một thập kỷ, 6 kỳ SEA Games liên tiếp từ 2007 đến 2017, U23 Việt Nam để lại toàn nỗi đau trong sự khát khao cháy bỏng của người hâm mộ. Chúng ta chỉ giành được 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng nhưng có đến 2 lần hạng tư và 2 lần không qua nổi vòng bảng. Điều gì đã xảy ra?
Từ Riedl, Calisto đến Goetz
Năm 2007, Alfred Riedl trở lại ghế nóng lần thứ ba. VFF lựa chọn nhà cầm quân người Áo bởi sự an toàn. Dù mục tiêu chạm đỉnh chưa bao giờ thực hiện được và bị khoác biệt danh “Vua về nhì”, song ít ra ông luôn “có huy chương” trong các nhiệm kỳ trước.
Cuộc hôn phối lần thứ ba giữa VFF và chiến lược gia người Áo ngay tại thời điểm đặt bút ký vốn không được sự ủng hộ của dư luận cũng như nhiều nhà chuyên môn trong nước. Nguyên nhân là HLV Alfred Riedl đã bộc lộ những hạn chế trong năng lực và gần như không phát triển được các tài năng trẻ khoác áo đội tuyển Việt Nam các cấp, trong đó có đội tuyển U23.
Chưa hết, ông vẫn giữ thói quen làm việc rập khuôn, nhất quyết không để mắt tới những cầu thủ đang thi đấu ở hạng Nhất hoặc có thể hình hạn chế. HLV sinh năm 1952 thường ưu tiên dùng các cầu thủ mà ông biết rõ và không ưa thử nghiệm. Vì vậy trong các đội tuyển luôn có những vị trí bất khả xâm phạm và hiếm hoi xuất hiện nhân tố mới.
Đó cũng là lý do vì sao, tài năng trẻ chơi cực ấn tượng thời điểm đó là Phạm Thành Lương không có chỗ trong đội hình U23 Việt Nam dự SEA Games 2007, bất chấp cầu thủ của Hà Nội ACB được rất nhiều người tiến cử và liên tiếp có những màn trình diễn chói sáng.
Bởi vì, Thành Lương phạm cả hai điều cấm kỵ của Riedl. Thứ nhất: nhỏ con; thứ hai: đang đá hạng Nhất. Khi ấy ông không thể ngờ, chỉ 1 năm sau, Thành Lương trở thành nhân vật không thể thay thế trong sơ đồ chiến thuật của HLV Henrique Calisto, góp công lớn vào chiến tích vô địch AFF Cup 2008 của đội tuyển Việt Nam.
Sự hạn chế của nhà cầm quân người Áo đã báo hiệu U23 Việt Nam không có nhiều hy vọng ở SEA Games 2007, nơi Thái Lan là nước chủ nhà. Và quả thế thật.
Tại Nakhon Ratchasima năm đó, U23 Việt Nam thắng 2 (trước Malaysia và Lào), thua 1 (trước Singapore) tại vòng bảng với phong độ thiếu thuyết phục. Bước vào bán kết, U23 Việt Nam hoàn toàn mất khí thế trước Myanmar, sau đó để đối thủ đưa đến loạt đá luân lưu may rủi. Trên chấm 11m, những con người mà HLV Alfred Riedl lựa chọn đã không hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả, U23 Việt Nam thua 1-3.
Ngay sau trận đấu, nhà cầm quân người Áo “bị ép” viết đơn từ chức. Trận tranh Huy chương Đồng, U23 Việt Nam thi đấu dưới sự chỉ đạo của HLV phó Mai Đức Chung. Việc thay tướng giữa dòng không tạo ra sự khác biệt khi tinh thần toàn đội đã ở mức rất thấp. Chúng ta nhận thất bại thảm hại 0-5 trước Singapore, khép lại một kỳ SEA Games đáng quên.
Hai năm sau, người kế nhiệm Henrique Calisto làm tốt hơn hẳn trong việc điều hành đội bóng. Chiến lược gia người Bồ đã tạo ra nhiều điểm nhấn, từ lối chơi đến sự hiệu quả. Chiến tích vô địch AFF Cup 2008 mang đến sự phấn khích lớn và người hâm mộ tin rằng cơn khát Huy chương Vàng SEA Games sẽ chấm dứt.
Sự kiện đại kình địch Thái Lan bị loại ngay từ vòng bảng trong khi Việt Nam đi một mạch đến chung kết càng củng cố niềm tin đó. Vậy mà chúng ta lại thua. Thua một cách tức tưởi trước Malaysia, đội từng bị đội quân của Calisto đánh bại 3-1 ở vòng bảng.
Bàn thua duy nhất là một sai lầm của trung vệ Mai Xuân Hợp. Nhưng nó cũng xuất phát từ một sai lầm khác, của thủ môn Tấn Trường. Thủ thành người Đồng Tháp đã “báo sai” tình hình chấn thương vai của mình trong pha tranh chấp trước đó với tiền đạo đối phương và tiếp tục nén đau đứng trong khung gỗ, trong khi ở bên ngoài Trần Khoa Điển đã sẵn sàng để thay thế. Chính sự cố gắng không đúng lúc của Tấn Trường đã tạo tiền đề cho pha phản lưới của Mai Xuân Hợp.
Giá như khi ấy là một Khoa Điển khỏe mạnh và tập trung, mọi thứ có thể sẽ khác. Giá như Tấn Trường chịu bước ra. Giá như Calisto cương quyết. Nhưng bóng đá không có “giá như”. Và khoảnh khắc HLV Henrique Calisto “bóp cổ” cậu học trò sau khi trận chung kết khép lại là điều mà người hâm mộ không bao giờ quên, thậm chí trở thành biểu tượng đầy ám ảnh cho cả một thập kỷ chỉ sai lầm và sai lầm của bóng đá Việt.
Sau này, khi mọi nỗi đau lắng xuống, một vài “người trong cuộc” còn nói rằng U23 Việt Nam hồi đó không có sự chuẩn bị tốt nhất về tinh thần cũng như thể lực cho trận chung kết. Các cuộc viếng thăm liên tục để nhắc nhở về “trách nhiệm quốc gia” của giới chức lãnh đạo khiến họ trở nên mệt mỏi và bị khớp tâm lý.
Thật ra thì điều này cũng có thể hiểu được, khi chúng ta quá khao khát tấm Huy chương Vàng SEA Games. Và trong nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ, Falko Goetz được bổ nhiệm. Nhà cầm quân người Đức được ông Nguyễn Trọng Hỷ, Chủ tịch VFF khi ấy giới thiệu là người có “đẳng cấp và trình độ cao nhất” trong số các HLV ngoại từng làm việc tại Việt Nam.
Thế nhưng, thực tế lại khác xa. Trong triều đại ngắn ngủi của mình, HLV Falko Goetz liên tục đưa ra những quyết định khó hiểu cả về nhân sự lẫn cách xây dựng lối chơi cho U23 Việt Nam. Hệ quả là SEA Games tại Jarkarta 2011, chúng ta chật vật mới vượt qua vòng bảng và cuối cùng, chỉ cán đích ở vị trí thứ tư.
Từ nghi ngờ, nhiều người đi đến khẳng định, chuyên môn của Falko Goetz có vấn đề. Giữa cơn bão chỉ trích, chiến lược gia người Đức vẫn nhận được sự ủng hộ từ Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ. Điều kỳ lạ là, một thời gian ngắn sau tuyên bố “trong bất cứ hoàn cảnh nào, Goetz vẫn được tin tưởng và không bị sa thải” của ông Nguyễn Trọng Hỷ, Falko Goetz nhận được cú điện thoại chấm dứt sớm hợp đồng khi đang hưởng không khí Giáng sinh cùng gia đình. Và nó đến từ chính... “người bạn thân” của ông, tức vị Chủ tịch VFF. Một cú bẻ kèo vô tiền khoáng hậu, chưa từng xảy ra với các đời HLV ngoại trước đó.
Vẫn mắc kẹt với bài toán huấn luyện viên
Chán việc thuê thầy nước ngoài, VFF quyết định chọn thầy nội. Người được tin tưởng dẫn dắt lứa cầu thủ gồm Mạc Hồng Quân, Hà Minh Tuấn, Lê Văn Thắng, Trần Mạnh Dũng, Nguyễn Văn Quyết là HLV Hoàng Văn Phúc.
Đó lại là một sai lầm khác, bởi dư luận và các nhà chuyên môn đều cho rằng ông Phúc thuộc mẫu người mềm tính và thiếu sự quyết liệt, sắc sảo cần có. Thực tế cho thấy những hoài nghi đã đúng. Dưới sự chỉ đạo của HLV Hoàng Văn Phúc, U23 Việt Nam rời SEA Games 2013 ngay sau vòng bảng, nơi họ chỉ thắng được 2 trận trước đối thủ yếu Brunei và Lào, nhưng thua Malaysia và Singapore.
Mất niềm tin với thầy nội, VFF lại chuyển giao giấc mơ Vàng SEA Games vào tay HLV người Nhật Toshiya Miura sau đó 2 năm. Thật không may, tuy là người Nhật nhưng Miura lại không mang phong cách Nhật. Thay vì áp dụng lối đá trên nền tảng kỹ thuật phù hợp với sức vóc người Việt, hay người Á Đông nói chung, ông này có xu hướng phát triển những đường chuyền dài dựa trên các cầu thủ có thể lực tốt.
Với lối đá này, không khó để giải thích cho sự đi xuống của đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam. Thậm chí chúng ta tệ đến mức không thể giành chiến thắng trước những đội bóng dưới cơ, những trận mà trước đây khi đối đầu, vấn đề quan tâm duy nhất của người hâm mộ là thắng với tỷ số bao nhiêu. Mặc dù kết thúc SEA Games 2015 với tấm Huy chương Đồng, khá hơn hai triều đại trước đó, song không ai coi đó là một thành công. Rồi Miura cũng phải ra đi, với dấu ấn để lại là các buổi tập cực đẹp trên sa bàn, khi ông và các cộng sự bày biện chiến địa marker vô cùng bắt mắt.
Khi SEA Games trở thành lò xay HLV, cờ được đẩy đến tay Nguyễn Hữu Thắng. So với Hoàng Văn Phúc và Miura, HLV Nguyễn Hữu Thắng làm được khá nhiều việc để cải thiện bộ mặt của đội tuyển quốc gia cũng như đội tuyển U23 Việt Nam.
Thế nhưng thành công vẫn không đến. Và yếu tố ngăn trở vẫn là sai lầm. Không phải một, mà tới hai sai lầm không thể tha thứ của Phí Minh Long trong trận cuối vòng bảng gặp Thái Lan tại SEA Games 2017.
Rồi HLV Hữu Thắng cũng ra đi. Một vòng xoay lại bắt đầu.
Người hâm mộ Việt Nam thì chán nản và tuyệt vọng. Có cảm giác rằng chúng ta sẽ không bao giờ có thể giành Huy chương Vàng mơ ước, thứ mà Thái Lan đoạt được một cách thường xuyên và rất dễ dàng.
Thành tích của U22 Việt Nam trong một thập kỷ, từ 2007-2017:
• SEA Games 2007 - Nakhon Ratchasima (Thái Lan): Hạng tư
• SEA Games 2009 - Vientiane (Lào): Huy chương Bạc
• SEA Games 2011 - Jakarta (Indonesia): Hạng tư
• SEA Games 2013 - Naypitap (Myanmar): Không qua vòng bảng
• SEA Games 2015 - Singapore: Huy chương Đồng
• SEA Games 2017 - Kuala Lumpur (Malaysia): Không qua vòng bảng