- Nguyễn Đức Anh -
60 năm, hay 3 thập kỷ kể từ khi Việt Nam tái hội nhập với đấu trường SEA Games vào năm 1991, tấm Huy chương Vàng vẫn là một giấc mơ cháy bỏng. Ngay cả khi 2 năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam tận hưởng những tháng ngày vinh quang nhất và bắt đầu mơ về World Cup, chúng ta vẫn không thoát khỏi nỗi ám ảnh Huy chương Vàng ở “ao làng” SEA Games. Tại sao vậy?
Ấn tượng đầu tiên…
Roger Federer, kỷ lục gia trong những kỷ lục gia của làng banh nỉ, có lẽ cho đến hết sự nghiệp của mình vẫn ôm nuối tiếc vì chưa một lần vô địch Olympic. Mà Olympic, về tầm vóc thì chẳng thấm vào đâu so với những Grand Slams như Úc, Pháp, Mỹ mở rộng, Wimbledon hay giải đấu danh giá cuối năm ATP Finals… Nhưng danh hiệu chưa có trong tủ vẫn luôn là thứ danh hiệu đáng thèm thuồng nhất.
Brazil là nền bóng đá số 1 hành tinh, là đội tuyển đầu tiên 5 lần vô địch thế giới và no nê các danh vị khác. Nhưng giống như Federer, người dân xứ sở samba vẫn khóc ròng khi cứ đến Olympic với độ tuổi U23 thì vinh quang lại quay lưng với họ. Mãi đến năm 2016, khi Olympic được tổ chức trên sân nhà - thành phố Rio, Neymar và đồng đội mới nhọc nhằn lên ngôi sau trận chiến luân lưu với người Đức. Từ đó trở đi, họ mới ngưng nói về cơn khát Thế vận hội.
SEA Games với người hâm mộ Việt Nam cũng tương tự như vậy. SEA Games luôn là một giải đấu hỗn độn về khâu tổ chức, gây tranh cãi về mặt chuyên môn và lắm chê bai, nhiều dè bỉu. Bóng đá cũng chỉ là một bộ huy chương nằm trong cái quần thể “ao làng” ấy. Vậy mà cả dân tộc vẫn phải dốc sức lên một chiến dịch ráo riết săn Vàng.
HLV Park Hang-seo là một con người tài năng, đó là điều không cần bàn cãi. Công lao của ông đã được khắc ghi trên rất nhiều phương diện, từ vị trí trang trọng trong cuốn biên niên sử của bóng đá nước nhà đến trái tim người hâm mộ, sau đó được “quy đổi” bằng một bản hợp đồng kỷ lục khi tái ký. Tuy nhiên, hợp đồng ấy vẫn “thòng” một điều khoản là lên ngôi số 1 ở SEA Games 30.
Người hâm mộ Việt Nam có thể bay bổng mơ về World Cup - một vị thế đàng hoàng hơn, to đẹp hơn ở tầm châu lục, như một thứ sơn hào hải vị - nhưng rốt cuộc, vẫn phải đau đáu về SEA Games ao làng - dẫu chỉ là cơm ăn nước uống sát sườn. Bình thường thế đấy và cũng nhỏ nhoi thế đấy, nhưng vì cái duyên chưa đến nên nỗi khắc khoải cũng chưa bao giờ nguôi.
Nỗi khắc khoải ấy được “định nghĩa” là SEA Games, bởi đây chính là đấu trường đầu tiên mà bóng đá Việt Nam để lại dấu ấn sau khi tái hòa nhập cùng khu vực. Năm 1995, Trần Minh Chiến với bàn thắng vàng loại Myanmar đã đưa đội tuyển Việt Nam vào chung kết gặp Thái Lan. Chúng ta dù thua trận chung kết đó, nhưng cả đất nước tưng bừng một niềm hân hoan thắng lợi. Bóng đá đã hồi sinh.
Nhưng sự hồi sinh nào cũng đòi hỏi phải có thành quả. Càng về sau, tham vọng của một dân tộc si mê bóng đá càng lớn hơn, rõ rệt hơn, và nó cần đền đáp bằng một chiến tích gì đó cao hơn tấm Huy chương Bạc.
SEA Games chính là đích ngắm, bởi dấu ấn đầu tiên. Và rồi nó trở thành một trong những tiêu chí hàng đầu để đo đếm thành bại của bất cứ HLV nào đến Việt Nam. Tất cả các ông thầy nội, ngoại khi bắt tay vào cầm lái đều có những “cương lĩnh” của mình, nhưng VFF thì luôn xoáy vào một câu hỏi: có dám vô địch SEA Games?
Nỗi ám ảnh qua nhiều thế hệ
Chỉ riêng HLV Alfred Riedl đã 3 lần về nhì ở SEA Games (1999, 2003 và 2005), tất cả đều thua Thái Lan ở chung kết. Tính cả SEA Games 1995 (Karl Heinz Weigang dẫn dắt) thì đấy đã là lần thứ 4 Việt Nam bị người Thái “cướp” Vàng. Người ta bảo rằng khởi nguyên của căn bệnh “sợ Thái” chính là từ đó mà ra, và sau này còn đeo bám mãi các thế hệ cầu thủ Việt.
Nói về thứ bệnh “di căn” này, cựu HLV Nguyễn Thành Vinh chia sẻ rằng không chỉ cầu thủ mà bản thân các HLV mỗi khi phải đối mặt với Thái Lan đều có cảm giác bất an. Bất an từ chuyên môn cho đến tinh thần. Vì ai cũng có suy nghĩ rằng họ hơn chúng ta mọi mặt, từ chuyền ban, qua người, đến tạt cánh đánh đầu, sút xa, nên tất cả chưa vào trận đã căng cứng, vào trận rồi thì cố gắng lấy cái lăn xả, dũng mãnh để hạn chế cách chơi của họ mà không còn cơ hội để chơi cách của mình… Ông Vinh bảo ngày trước, chúng ta đá với Thái còn khổ hơn bây giờ đá với Hàn, Nhật.
Có một HLV hiếm hoi vượt qua được người Thái để vô địch AFF Cup, đó là Henrique Calisto. Nhưng dù cho ngự trên đỉnh vinh quang năm 2008 thì đội tuyển Việt Nam cũng lại ngã đau ở SEA Games 2009. Đấy là kỳ SEA Games trên đất Lào, được ví như sân nhà của Việt Nam.
Đối thủ chung kết chỉ là U23 Malaysia, đội từng thua chúng ta 1-3 ở vòng bảng. Các phương án ăn mừng ở cả hai quốc gia thậm chí đã được rậm rịch chuẩn bị, chỉ chờ đến giờ G… Nhưng rồi, trong một phút lóng ngóng, Mai Xuân Hợp đốt lưới nhà còn thủ môn Tấn Trường thì như bị “ma làm”, bao nhiêu mộng ước lại trôi theo dòng Mekong đi xa mãi.
SEA Games là chén đắng như thế đó. 5 đận về nhì và nhiều đận khác còn bị loại sớm hơn trong tức tưởi và tủi hổ. Đấy là câu chuyện của những ông thầy tội nghiệp - Toshiya Miura hay Nguyễn Hữu Thắng.
Điểm chung của họ là cùng chèo lái lứa “gà nòi” của Hoàng Anh Gia Lai do bầu Đức “nuôi” từ bé để dệt mộng trời Âu. SEA Games so với đó chỉ là mục tiêu “ngầm”. Vì thuở Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường tung hoành ở cái tuổi U19 với những trận cầu dậy sóng, người ta chắc mẩm vàng mười SEA Games là đây chứ còn đâu nữa.
Nhưng cuộc chơi không đơn giản là “đếm cua trong lỗ”. Miura thất bại ở bán kết SEA Games 28 vì hàng công bỏ lỡ quá nhiều cơ hội trước Myanmar; còn Hữu Thắng, thảm hơn, dừng bước ngay sau vòng bảng SEA Games 29 vì một trận bóng mà thủ thành Minh Long “biếu” Thái Lan 2 trong 3 bàn thua.
Ông Thắng từ chức ngay sau giải đấu tàn tro ấy, và không biết có phải là duyên phận hay chăng, các đội tuyển của chúng ta trải qua một bước đệm nho nhỏ dưới tay chuyên gia đóng thế Mai Đức Chung trước khi được chuyển giao cho thầy Park. Những gì diễn ra sau đó thì đã được lịch sử ghi lại bằng những trang vàng.
Tuy nhiên, một cuốn sổ vàng hoàn hảo tất yếu phải có một trang vàng mang tên SEA Games.
Chúng ta đã phần nào giải được cơn khát ở Đông Nam Á với hai lần đăng quang AFF Cup, trong đó lần mới nhất diễn ra đầy khí chất. Chúng ta cũng đang có nhiều thuận lợi trên hành trình đi tìm dòng nước mát lành ngoài châu lục. Nhưng bất cứ khi nào có SEA Games, câu chuyện lấy Vàng lại trỗi dậy, và cũng là lúc những ký ức buồn bã hiện về. Đôi khi chúng ta giống như con bạc khát nước. Càng thua càng “máu gỡ”.
Lâu nay, người ta vẫn hay nói về chuyện các môn thể thao khác bị đối xử quá bất công so với bóng đá nam. Nhưng thường thì câu chuyện ấy chỉ xuất hiện như là thói quen “trút giận” khi bóng đá nam sớm chia tay mỗi kỳ Đại hội.
Giờ thì SEA Games đầu tiên của ông Park đã chạy theo một đường ray khác hẳn vết hằn đớn đau của những người tiền nhiệm. Ông là người luôn làm rất tốt những lần đầu tiên, và lại có trong tay một đội ngũ đủ dày, đủ chất, đủ tin cậy, trong đó các trụ cột đã chinh chiến ở đủ mọi đấu trường khắc nghiệt. U22 Việt Nam nếm trải đủ các cung bậc cảm xúc thăng trầm, có sai lầm, có tỏa sáng, có lúc khó khăn tột bậc, có lúc lại thuận lợi, ung dung…
Và họ đã viết tên mình lên một trang vàng mới, trang vàng đóng dấu SEA Games.