- Dũng Phan -
SEA Games 30, đội tuyển U22 Việt Nam đến Philippines với giấc mơ chinh phục tấm Huy chương Vàng mà không có “lá chắn thép” Trần Đình Trọng ở hàng phòng ngự, cũng không có được một Quang Hải sung sức nhất, lành lặn nhất. Nhưng vượt qua những khó khăn, tập thể ấy đã giành Vàng về cho Tổ quốc. Và đấy có lẽ là điều đặc biệt nhất của thế hệ này: luôn vượt qua nghịch cảnh để hiện thực hóa những giấc mơ.
Hành trình của đội tuyển U22 Việt Nam ở SEA Games 30 là một hành trình không hề suôn sẻ. Trước giải đấu, cả làng bóng nhận tin sốc khi Đình Trọng chấn thương dây chằng phải nghỉ 6 tháng. Điều đó đồng nghĩa, Việt Nam chính thức mất đi thủ lĩnh nơi phòng ngự ở SEA Games 30. Giữa giải đấu, linh hồn của U22 Việt Nam - đội trưởng Nguyễn Quang Hải - sau 3.881 phút thi đấu dưới trướng HLV Park Hang-seo đã gặp chấn thương khiến anh phải bỏ dở SEA Games ngay từ vòng bảng. Sự quá tải của Quang Hải được thể hiện rõ trong số trận mà anh thi đấu trong năm 2019. Tổng cộng, anh đã thi đấu 60 trận trong tất cả các màu áo, từ mặt trận cấp đội tuyển Việt Nam, U22 Việt Nam đến câu lạc bộ Hà Nội, từ V-League, Asian Cup, đến Vòng loại World Cup, và sau đó là SEA Games. Càng trôi dần về những tháng cuối năm, phong độ của Quang Hải lại càng mờ nhạt. Thường thì bất kỳ một đội bóng nào, nếu thiếu vắng một “trái tim” như Quang Hải - không ít thì nhiều cũng sẽ khổ sở và lo ngại về hành trình đi đến chức vô địch. Vậy nhưng, U22 Việt Nam vẫn dũng cảm vượt qua, dù không có được sự góp mặt của Quả bóng Vàng 2018, lẫn ngôi sao số 1 ở hàng phòng ngự.
Tuy nhiên, vấn đề nhân lực không phải là chướng ngại vật duy nhất mà lứa cầu thủ trẻ của Park Hang-seo phải đối mặt. Những ngọn núi cứ thế chất chồng lên trong các trận đấu có tính quan trọng, nhằm thử thách bản lĩnh trận mạc của những chàng trai tuổi mới đôi mươi. Trận đấu với Indonesia, chúng ta bị dẫn bàn từ sớm bởi sai lầm của thủ môn Bùi Tiến Dũng. Nhưng các tuyển thủ không hề mất tinh thần, trái lại vẫn ào lên tấn công, cho đến khi có được bàn thắng gỡ hòa của Thành Chung. Để rồi, mọi xúc cảm vỡ òa trong những phút cuối cùng của trận đấu, khi Hoàng Đức ấn định tỉ số 2-1 bằng một cú sút xa đẳng cấp. Đến trận gặp Singapore, đối thủ chơi với hàng phòng ngự kín kẽ, phòng ngự khoa học. Trong tình thế bế tắc, các cầu thủ của chúng ta vẫn biết cách giải quyết trận đấu bằng một tình huống cố định. Hai trận đấu đó khiến chúng ta nhận ra điều gì đó vừa quen vừa lạ. Đó là cảm giác kỳ vọng vào một chiến thắng tưng bừng, nhưng rồi trận đấu càng trôi về cuối thì sự bế tắc càng lộ rõ. Khi đối thủ có vẻ mạnh hơn rất nhiều những thông số khô khan hay những màn trình diễn trước đó của họ, những người hâm mộ lâu năm bắt đầu có dự cảm chẳng lành. Bóng ma lại hiện về ư? Còn người Việt ta cứ buồn mãi ư? Không! Một bàn thắng - một phép màu lại xuất hiện, tuyệt mỹ, quyết đoán, và không có tiền lệ. Thứ ám ảnh xui xẻo kia bị xé toang như chính nóc lưới của đối thủ. Những sự việc lặp đi lặp lại như lời khẳng định đanh thép: ngày hôm nay đã khác hôm qua.
Một trong những đỉnh núi cao nhất mà U22 Việt Nam phải chinh phục ở đấu trường Đông Nam Á, đương nhiên, bao năm qua vẫn luôn là Thái Lan. Trận đấu ở lượt cuối cùng của vòng bảng đã nêu bật lên bản lĩnh của lứa cầu thủ dưới bàn tay Park Hang-seo. Sai lầm của thủ môn Văn Toản khiến chúng ta bị dẫn trước ngay ở phút thứ 4. Sau đó, cả hàng phòng ngự sụp đổ, và tỉ số là 2-0 chỉ sau 11 phút. Một kịch bản có gì đó quen quen. Sai lầm của thủ môn, những bàn thắng chóng vánh của đối thủ. Phải, rất giống với SEA Games 29 vào năm 2017, khi ta bước đến trong niềm tin và ra về trong ê chề, với sai lầm của Phí Minh Long và quả penalty hỏng của Công Phượng. Tuy nhiên, đây không còn là một U22 Việt Nam cũ kỹ, non nớt mà ta từng biết. Đây là lứa cầu thủ của HLV Park Hang-seo, không run sợ, không sụp đổ, ngược lại còn bản lĩnh ngược dòng gỡ hòa 2-2, đá văng Thái Lan và chễm chệ ngôi đầu bảng. Văn Toản, kẻ tội đồ hôm ấy cũng không hề gục ngã, mà hóa thân thành người hùng trong trận tiếp theo ở vòng bán kết, với pha cản phá xuất sắc quả phạt đền của Campuchia.
Phải công nhận, ở SEA Games 30 này, Việt Nam đã đem đến Philippines một dàn cầu thủ cực mạnh. Dù là U22, nhưng trong đó có rất nhiều tuyển thủ quốc gia chinh chiến trăm trận như Văn Hậu, Hùng Dũng… Chúng ta mạnh hơn hẳn đối thủ. Tuy vậy cũng phải khẳng định, nếu là Việt Nam của mấy năm trước, trong những tình thế tương tự, chúng ta sẽ khó lòng gỡ hòa, chứ đừng nói là chiến thắng. Nhưng đây là U22 Việt Nam của Park Hang-seo, và đó là sự khác biệt. Đây là lứa cầu thủ vàng, tràn đầy bản lĩnh để phá dớp. Nếu không phải là lứa này, thì với kiểu kỳ vọng lớn như trước nay của Việt Nam, SEA Games sẽ lại kết thúc bằng nước mắt của những cổ động viên áo đỏ. Ta đã gặp những cảnh đó rất nhiều, rất quen thuộc. 21 năm trước, Tiger Cup 1998, chúng ta thắng Thái Lan 3-0 giòn giã, và được chơi trận chung kết trên sân nhà. Cả đất nước đợi ngày mở hội, những lá cờ đỏ sao vàng đã sẵn sàng để tung bay… nhưng đáp lại, là kết cục buồn đến thê lương trong một ngày mưa tháng 8. Cái lưng của Sasi Kumar đã trở thành khái niệm được gắn liền với bi kịch của bóng đá Việt Nam trước ngưỡng cửa thiên đường. SEA Games năm 2009 tại Lào, chúng ta cũng vào chung kết. Hành trình năm đó khá giống năm 2019 này: Thái Lan bị loại từ vòng bảng, và gặp lại đối thủ mà ta từng thắng ở vòng bảng. Trước đó, Việt Nam cũng dễ dàng thắng bán kết để... anh em “đi bão”. Nhưng năm 2009 một lần nữa kết thúc với nỗi buồn thê lương từ các cầu thủ đến những cổ động viên. Để rồi vài năm sau là sự ra đi của HLV Calisto. Phải chăng đó là vận mệnh của bóng đá Việt Nam? Lận đận, lỡ làng và rồi cúi đầu bước tiếp, lòng tự nhủ: “Ngày mai trời lại sáng.”
Trước trận chung kết SEA Games 30, sự giống nhau đến 90% với những gì đã xảy ra ở năm 2009 đã khiến không ít cổ động viên chột dạ. Nhưng khác với 10 năm trước, chúng ta có 5% còn lại trong tay. 5% ấy chính là tài năng cầm quân, hiểu mình, hiểu người của HLV Park Hang-seo, và bản lĩnh của lứa cầu thủ vàng mười hôm nay. Đấy là 5% quyết định cho tấm Huy chương Vàng SEA Games 30, danh hiệu đã giúp thỏa mãn cơn khát suốt 60 năm ròng rã. Một giấc mơ Vàng trở thành sự thật nhờ bản lĩnh vượt khó của các cầu thủ.
Nếu không phải là lứa này, chỉ e sẽ không có được điều ấy với từng đó khó khăn?
Nếu không phải là lứa này, thì làm sao chúng ta có thể hiểu được sức mạnh của chính mình? Cội nguồn sức mạnh của dân tộc phản chiếu qua hình ảnh đội bóng.
Nếu không phải là lứa này, thì với kiểu kỳ vọng ám ảnh, với những ngọn núi cao đã đương đầu suốt 2 năm qua ở châu Á, ở Á vận hội, ở Asian Cup, cho đến ở SEA Games này, làm sao mà bóng đá Việt Nam vượt qua được?
Nếu không phải là lứa này, thì ai đoàn kết được dân tộc Việt Nam trong thời bình? Từ Thường Châu rực lửa giữa sắc tuyết giá lạnh đến giấc mơ Vàng SEA Games 30 thành hiện thực. Đó là biểu tượng của Việt Nam thời bình, biểu tượng của niềm vui dân tộc, và đặc biệt của một Việt Nam hòa hợp.
Hãy đi cùng lứa này, vì có thể họ sẽ đưa chúng ta đến những chân trời mới - nơi mà ta từng nghĩ rằng sẽ không bao giờ được đặt chân đến.