1. Làm sao thuyết phục người chồng nghiện việc dành thời gian cho gia đình?
Tôi có cảm giác như luôn phải cạnh tranh với công việc của chồng. Anh ấy là luật sư và thường làm việc từ 60 đến 70 giờ một tuần, đó là chưa kể hầu hết các ngày nghỉ cuối tuần anh cũng dành cho công việc. Vậy nên anh chẳng còn thời gian nào dành cho tôi và hai con trai. Khi tôi phàn nàn điều này thì chồng tôi cho rằng anh phải làm như thế là vì tất cả chúng tôi, rằng nhờ vậy chúng tôi mới có được cuộc sống mà tôi phải thừa nhận là rất sung túc: một ngôi nhà đẹp, du thuyền, nhà nghỉ mát (mà chúng tôi hiếm khi dùng), và tất cả tiền bạc mà chúng tôi cần. Điều duy nhất mẹ con tôi thiếu chính là anh ấy. Nhưng chồng tôi đã điên tiết khi tôi gọi anh ấy là kẻ nghiện việc, và anh còn nói tôi là kẻ vô ơn. Anh ấy có đúng không? Làm sao tôi có thể thuyết phục anh ấy dành nhiều thời gian quan tâm đến mẹ con tôi?
Bạn thân mến, bạn không phải là kẻ vô ơn… bạn chỉ cảm thấy cô đơn, và bạn hoàn toàn có lý do để cảm thấy như vậy. Bạn không thể nào thấy mình được âu yếm chở che trong tập ngân phiếu dày cộm, hay nắm tay trìu mến với những cổ phần. Con bạn lại càng không thể như vậy. Tôi rất tâm đắc câu này: Hôn nhân không phải là một danh từ mà là một động từ. Đó không phải là một vật mà bạn có, giống như một căn nhà hay một chiếc xe hơi. Nó cũng không phải là một tờ giấy xác nhận hai bạn là vợ là chồng. Hôn nhân là những hành động cụ thể trong cách bạn đối xử với người bạn đời của mình, với gia đình mình mỗi ngày.
Đàn ông thường khẳng định bản thân bằng những gì họ làm được hơn là những gì họ cảm thấy. Vì vậy chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chồng bạn có lối tư duy "tôi làm được càng nhiều thì chắc chắn tôi càng là người thành công". Có thể là do xã hội, và có lẽ là từ cả gia đình anh ấy, đã dạy dỗ và định hình trong anh suy nghĩ đó. Có lẽ chồng bạn thấy như mình đang đứng trên máy tập chạy bộ và đang cố hết sức để chạy thật nhanh, và anh không biết cách nào để dừng lại. Ngoài ra, chồng bạn có thể có những lý do về cảm xúc vô thức khác khi cứ lao vào công việc như thế. Một số người nghiện việc thực sự dùng chính công việc của họ để tránh sự gần gũi thân mật và duy trì cảm giác kiểm soát được cuộc đời mình. Sau hết, có thể là chồng bạn cảm thấy tự chủ hoàn toàn khi làm việc hơn là khi anh ấy giao tiếp với bạn và con cái, hay xử lý những vấn đề về cảm xúc, nhu cầu và tất cả những thứ vô hình như thế.
Sau đây là một số phương pháp thích hợp nhất để "đánh thức" những ông chồng nghiện việc. Các phương pháp này có hiệu quả hay không tùy thuộc vào việc đức lang quân của bạn nghiện cảm giác quyền lực và tự chủ do công việc mang lại như thế nào.
1. VẼ RA VIỄN CẢNH TƯƠNG LAI
Bạn hãy khuyên anh ấy nhắm mắt lại và thử tưởng tượng ra cảnh cuối đời khi đang nằm trên giường bệnh với tử thần. Khi anh nhìn lại cuộc đời mình, bạn hãy yêu cầu anh chia sẻ những giây phút khiến cho cuộc đời anh thật sự có ý nghĩa. Vậy thì cuối cùng, điều gì là thật sự quan trọng với anh ấy? Tôi chắc chắn rằng chồng bạn sẽ không nói "Anh có thể chết thật hạnh phúc vì đã làm xong 10 thương vụ lớn trong năm 1997", hay "Anh thật hài lòng vì đời mình đã sở hữu một ngôi
nhà rộng 1.500 mét vuông", hay thậm chí "Anh cảm thấy thật mãn nguyện vì đã để lại cho con cái rất nhiều tiền". Không đâu, giây phút thực sự quan trọng, giây phút làm cho cuộc đời con người thật sự ý nghĩa sẽ là những phút giây của tình yêu, của mối quan hệ và sự sẻ chia. Tôi gọi đó là những "giây phút hạnh phúc thực sự", và chồng bạn có thể không có đủ những giây phút tuyệt vời ấy vì quá bận làm những việc mà anh ấy cho là quan trọng hơn. Hãy bảo chồng rằng bạn muốn chia sẻ với anh ấy thêm những khoảnh khắc ý nghĩa hơn với cả hai.
2. DÙNG NỖI SỢ ĐỂ GIÚP CHỒNG GIẢM TẢI CÔNG VIỆC
Đôi khi đây là cách duy nhất có tác dụng "rứt" một người ra khỏi cơn nghiện việc. Bạn hãy hỏi chồng rằng anh ấy muốn dành thời gian để sống như thế nào nếu biết rằng anh chỉ còn một tháng nữa để sống (Tin tôi đi, chồng bạn sẽ không bao giờ trả lời là "Anh muốn làm việc như điên 12 tiếng một ngày!"). Sau đó bạn hãy nhắc anh ấy về một số người đã chết ở độ tuổi như mình, một cách bất ngờ hay vì những lý do tự nhiên. Sự thật là chúng ta không bao giờ biết được mình còn bao nhiêu thời gian nữa để sống trên đời. Ta cứ sống như thể mình đang có thời gian của cả thế giới này gộp lại, trong khi thực tế thì ta hoàn toàn có thể bất ngờ chia tay với thế giới này bất kỳ lúc nào. Bạn hãy chia sẻ với chồng chùm thơ khuyết danh này:
Tôi của ngày xưa: vật vã học xong trung học để vào đại học
Học xong lại gồng mình tìm kế sinh nhai
Tiếp nối là những tháng ngày tìm bạn đời và sinh con đẻ cái
Và rồi tuổi hưu đã xồng xộc tới
Giờ đây tôi nhận ra mình đã quên sống một cuộc đời hạnh phúc và ý nghĩa như thế nào…
3. PHƯƠNG THỨC CUỐI: KHIẾN CHO CHỒNG CẢM THẤY HỐI TIẾC
Hãy bảo anh ấy thử tưởng tượng con cái sẽ nói gì về cha khi chúng khôn lớn. Chúng sẽ nhớ mình có tuổi thơ hạnh phúc vì có ngôi nhà to lớn đẹp đẽ, có những thứ đồ chơi đắt tiền, hay cảm thấy mất mát vì tuổi thơ chúng hiếm khi nào được gặp cha? Chồng bạn có thực sự nghĩ rằng con cái không hề quan tâm đến việc anh ấy hiếm khi có ở nhà? Tất cả trẻ con trên thế giới này đều mong muốn được cảm thấy rằng chúng là điều vô cùng quý giá và quan trọng đối với cha mẹ. Những món đồ chơi và những thứ xa xỉ khác tạm thời có thể mua được sự im lặng của các con, nhưng khi lớn khôn chúng thậm chí không nhớ là cha đã mua gì cho mình nữa. Thay vào đó, bọn trẻ thường nói "Con hầu như chẳng nhớ gì về cha". Và các con bạn sẽ ước gì cha mình đã không "hy sinh quá nhiều vì con" như thế, bởi dù cho chồng bạn để lại thứ gì đi nữa thì với các con, nó cũng chẳng thể nào có giá trị bằng những ký ức ngọt ngào về những đêm được cha đọc truyện trước giờ đi ngủ, cha con chơi trò cút bắt, hoặc hình ảnh bố mẹ đang tựa vào nhau âu yếm trên ghế sofa trong phòng khách…
2. Đam mê vợ chồng biến mất sau nhiều năm chung sống, liệu có phải là điều tự nhiên?
Vợ chồng tôi kết hôn đã 18 năm và hiện tại chúng tôi giống như hai người bạn tốt hơn là một đôi tình nhân. Chúng tôi vẫn quan hệ chăn gối rất thường xuyên và cảm thấy mình đang sống trong một mối quan hệ dễ chịu. Tuy nhiên, bản thân tôi luôn mong mỏi có lại những giây phút mặn nồng như những năm tháng đầu tiên. Bạn bè nói tôi không thực tế, vì rằng tất cả các cặp vợ chồng đều cảm thấy tình cảm phai nhạt sau nhiều năm kết hôn. Liệu tôi có mong đợi quá nhiều chăng?
Chị đừng bao giờ nghĩ rằng việc mất sức hấp dẫn đối với người bạn đời là một phần không thể tránh khỏi của hôn nhân. Đây là tư tưởng rất phổ biến nhưng hoàn toàn thiếu cơ sở. Suy nghĩ như vậy cũng giống như việc bạn nói rằng một phần không thể tránh được của tuổi già là sức khỏe tuột dốc và bị bệnh nhồi máu cơ tim. Chứng nhồi máu cơ tim ở người già có phổ biến không? Có đấy - nhưng ngày nay chúng ta biết được rằng căn bệnh này có thể được ngăn chặn nếu bạn biết giữ sức khỏe và có chế độ dinh dưỡng tốt. Tương tự như vậy, việc nhiều cặp vợ chồng bị mất đi sự đam mê sau nhiều năm chung sống không có nghĩa rằng điều đó là lẽ tự nhiên. Chìa khóa dẫn đến mối quan hệ vợ chồng thăng hoa, bền chặt tùy thuộc vào việc bạn chăm sóc nó như thế nào.
Tình vợ chồng chẳng dễ dàng "mất lửa" như bạn nghĩ đâu. Nếu việc đó xảy ra cũng phải mất nhiều năm vì bạn bỏ bê không vun trồng cây tình yêu. Cả bạn và người bạn đời đã không nỗ lực để hôn nhân là ưu tiên số một, không nói với nhau về nhu cầu tình cảm của mình, không giải quyết và chữa lành những xung đột tiềm ẩn, thiếu quan tâm đến khoang tình cảm của nhau. Tất cả những sự lơ là và bỏ quên này là lý do khiến cho các đôi từ tình cảm yêu thương mặn nồng đã chuyển thành như những người bạn ở chung phòng.
Tôi tin chắc rằng chúng ta xứng đáng được hưởng một cuộc hôn nhân luôn thăng hoa về tình yêu và quan hệ vợ chồng đầy ắp đam mê, khắng khít từ năm này sang năm khác. Liệu điều đó có thực tế, thậm chí đối với cuộc hôn nhân đã kéo dài 18 năm như trường hợp của chị? Tôi nói rằng điều đó là có thể… NẾU cả chị và chồng chị quyết tâm hành động để cùng nuôi dưỡng và làm tươi mới tình yêu cũng như học một số kỹ năng giữ cho cuộc hôn nhân luôn viên mãn. Chị có thể bắt đầu bằng cách đến ngồi cạnh chồng, nắm nhẹ bàn tay anh ấy và thì thầm rằng chị nhớ làm sao những kỷ niệm vui buồn hai người từng trải qua và những cảm xúc ngọt ngào khi vợ chồng gần gũi nhau. (Tin tôi đi, chồng chị cũng rất nhớ điều đó!). Đừng đổ lỗi cho chồng, mà chị hãy nói cho anh ấy biết chị muốn nỗ lực để biến chuyển mối quan hệ "dễ chịu" kia thành cuộc sống vợ chồng đích thực: luôn khao khát gần gũi và tràn đầy đam mê. Hãy nói với chồng chị là anh ấy xứng đáng được nhiều hơn những gì mà anh đang có. Khi cả hai anh chị cùng cam kết để học lại cách yêu và sử dụng một số kỹ năng tôi trình bày trong quyển sách này, chị sẽ tìm lại được mối quan hệ gắn kết của ngày xưa - gần gũi và thú vị trong từng khoảnh khắc.
Xem thêm các câu hỏi 37 và 47.
3. Có bất thường nếu chúng tôi phải mất quá nhiều công sức để duy trì quan hệ vợ chồng tốt đẹp?
Đôi khi tôi tự hỏi liệu vợ mình có phải là người bạn đời hoàn hảo hay không? Chúng tôi yêu nhau và trưởng thành rất nhiều trong mối quan hệ này suốt 8 năm qua. Tuy nhiên giữa chúng tôi lúc nào cũng phải nỗ lực rất nhiều và thường có rắc rối nảy sinh. Dường như vợ chồng tôi luôn phải "xử lý" một vấn đề gì đó – cân bằng nhu cầu của cô ấy với nhu cầu của tôi, học cách bày tỏ điều mình mong muốn, cố gắng thể hiện sự quan tâm lẫn nhau… Liệu đó có phải là rắc rối không thể gỡ bỏ giữa chúng tôi?
Anh à, anh hãy thử chỉ cho tôi một mối quan hệ vợ chồng nào không hề có mâu thuẫn và vấn đề đi, tôi sẽ cho anh thấy rằng đó là một cặp vợ chồng hoặc đã chết hoặc họ đã khước từ nhau! Một mối quan hệ tốt đẹp đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều công sức và sự thành thực, bởi lẽ điều đó khiến anh dẹp đi nỗi sợ rằng anh không giữ được "hình ảnh chuẩn mực" trước người bạn đời của mình. Thay vào đó, anh sẽ bộc lộ tất cả con người thật của mình: tính biết cho đi và tính ích kỷ, tính biết tha thứ và sự nóng tính giận dữ, tính biết cảm thông và tính hay phê phán đổ lỗi. Nói cách khác, một mối quan hệ yêu thương sâu sắc, chân thành và đầy gắn bó sẽ liên tục khiến anh phải đối đầu với mọi bản tính trong con người mình (mà tôi chắc chắn là không phải tất cả đều đáng yêu). Chính điều đó sẽ khiến anh cảm thấy băn khoăn lo lắng vì nó đưa anh vượt qua những ranh giới của cái Tôi trong bản thân mình.
Có một sai lầm là nhiều người thường nghĩ rằng mối quan hệ yêu đương hay tình vợ chồng phải luôn luôn mang đến cảm giác tốt đẹp, vì vậy nếu cảm thấy có điều gì không suôn sẻ, họ sẽ kết luận ngay rằng điều đó là xấu. Anh cũng đang rơi vào lối mòn suy nghĩ đó nên anh không hiểu rằng khi mối quan hệ vợ chồng có điều gì đó không ổn thì đây cũng là lúc những điều tốt đẹp sắp xảy ra: anh buộc phải thấy tính cách nào đó của mình là cần phải thay đổi hoặc những "cơn sóng ngầm" nào cần tránh trong mối quan hệ vợ chồng. Có thể anh sẽ cảm thấy mọi thứ cứ tách rời ra nhưng kỳ thực chúng đang cố gắng ráp lại với nhau. Chính những lúc thế này anh cần phải sáng suốt để nhận ra rằng khó khăn hiện tại không phải là những dấu hiệu đi xuống, mà đó là những cơ hội để phát triển. (Điều này chỉ đúng nếu anh thực sự chọn đúng người bạn đời ở ngay tiêu chí đầu tiên - tham khảo thêm phần nói về sự tương hợp).
Dĩ nhiên cả hai vợ chồng phải trong tâm thế sẵn sàng khắc phục khuyết điểm của mình và lấp đầy lỗ hổng trong mối quan hệ giữa hai người. Và điều cực kỳ quan trọng là anh cần chia sẻ với vợ những mong muốn về cuộc sống chung trong tương lai và mục tiêu của mối quan hệ vợ chồng giữa anh chị. Để khi sự cố nào đó xảy ra - mà chắc chắn nó sẽ xảy ra - anh sẽ biết mình cần làm gì để cải thiện tình hình.
Sau đây là ba cách nghĩ tích cực cần thiết cho các cặp vợ chồng:
1. Chúng ta đến với nhau vì muốn giúp nhau cùng phát triển, và sẽ là người thầy của nhau.
2. Mối quan hệ của chúng ta là một quà tặng quý giá – nó sẽ mang đến những điều kỳ diệu, những thú vị bất ngờ để chúng ta học hỏi và trở thành những con người biết yêu thương, thấu hiểu lẫn nhau.
3. Những thử thách và khó khăn mà chúng ta đang trải qua là những bài học cần thiết trên hành trình tìm đến hạnh phúc.
4. Bạn trai tôi là người hay ve vãn phụ nữ. Tôi phải làm sao?
Có lẽ người bạn trai hai năm nay của tôi là kẻ đa tình chính hiệu! Anh ấy luôn nhìn những người phụ nữ khác khi chúng tôi bên nhau, đặc biệt là những đường nét giới tính trên cơ thể họ. Đôi khi anh ta còn dám cặp bồ ngay trước mắt tôi. Khi tôi phàn nàn về hành động này, anh ta cứ khăng khăng rằng đó chỉ là những cử chỉ "thân thiện", đang "đùa thôi", và kết tội tôi là "không tự tin" và hay "ghen tuông". Chị nghĩ như thế nào hả chị Barbara?
Tôi nghĩ gì không quan trọng ở đây - điều quan trọng là chị nghĩ gì và cảm thấy như thế nào; mà hẳn là chị biết rõ cảm giác của mình. Bạn trai chị rõ ràng là một tên Đông Gioăng chuyên quyến rũ và tán tỉnh phụ nữ một cách không biết xấu hổ. Chị không cần hỏi tôi để chứng thực suy nghĩ của mình. Nhưng vì chị đã hỏi nên tôi xin phép bổ sung một vài ý kiến: Tất cả những điều bạn trai chị đã và đang làm là hoàn toàn đáng khinh. Tôi gọi đó là "sự rò rỉ năng lượng tình dục". Có thể là anh ta thực sự chẳng làm điều gì sai trái về thể chất nhưng về tinh thần anh ta đang tán tỉnh, cởi bỏ quần áo và có thể là còn làm nhiều hơn thế nữa đối với các phụ nữ khác, ngay trước mặt chị. Cách anh ta nói rằng đó chỉ là hành vi "thân thiện" cũng giống như việc một ai đó cho phép con chó của họ nhảy xổ vào chân chị và bảo rằng con vật chỉ đang thể hiện tính thân thiện của nó mà thôi. Chị có thể cảm nhận về thái độ của bạn trai chị rất rõ mà.
Còn những lời kết tội rằng chị "thiếu tự tin", "ghen tuông" chỉ là những ngôn từ mà bạn trai chị và nhiều người khác dùng để điều khiển người yêu của mình, để anh ta không cảm thấy sai trái về hành động của mình, đồng thời làm cho chị cảm thấy rằng bản thân chị có điều gì đó không ổn. Chị đừng bị đánh lừa vì điều này nhé, và đừng bao giờ để bạn trai chị "vô tư" có những hành động không tôn trọng chị như vậy. Đây là một vấn đề mà chị cần phải đối mặt một cách nghiêm túc.
Nào chị hãy nghĩ xem nhé, có một sự khác biệt giữa việc người đàn ông chú ý đến một phụ nữ hấp dẫn trên đường phố với việc anh ta trầm trồ dán chặt mắt vào những đường cong gợi cảm của cô nàng chỉ vì đó là điều tuyệt đẹp của tạo hóa. Trường hợp đầu tiên là bạn trai chị nhận thức được sự hấp dẫn giới tính từ người phụ nữ khác; còn trường hợp thứ hai là việc anh ta đắm chìm trong sự hấp dẫn đó và quên đi sự gắn bó, trách nhiệm về mối quan hệ đối với chị - bạn gái của anh ta. Lúc này, trong đầu bạn trai chị xuất hiện chừng mười giây tư tưởng "hoang đàng" về một buổi tiệc phóng túng với người phụ nữ trên. Và chị hẳn biết rõ khi nào người yêu của chị làm điều thứ hai, bởi chị cũng cảm nhận được là anh ta dường như không tồn tại trong khoảnh khắc mười giây ngắn ngủi đó.
Bây giờ, hãy cho tôi đứng về phía bạn trai của chị một chút nhé, vì sự thật không may là xã hội của chúng ta lại tạo thói quen và thậm chí hỗ trợ đàn ông hành động một cách không tôn trọng phụ nữ như thế. Đó là cái kiểu các anh chàng cảm thấy bình thường khi nháy mắt tán tỉnh phụ nữ, vỗ vào lưng họ như một cách để "ghi điểm" và xem nhẹ việc lừa dối, ve vãn phụ nữ, v.v. Vì vậy cũng có thể bạn trai chị là một anh chàng tử tế và chỉ là anh ta không quan tâm đến cảm xúc của chị mà thôi. Đó là sự khác biệt mà chỉ có chị mới phân biệt được.
Chị hãy thử chia sẻ cảm nhận của mình với bạn trai, nhưng nhớ là đừng đổ lỗi cho anh ấy nhé, chị hãy đứng trên quan điểm trung lập thôi. Sau đó chị hãy thử tìm hiểu xem điều đó có giúp anh ấy nhận ra rằng hành vi tán tỉnh phụ nữ của mình đã làm chị cảm thấy tổn thương hay không. Và hãy nói với anh ấy là chị cũng tôn trọng chính bản thân mình nhiều đến mức không thể tiếp tục mối quan hệ này nếu tình trạng trên vẫn tiếp diễn.
Xem thêm câu hỏi số 54
5. Làm sao tôi có thể từ bỏ suy nghĩ chồng mình là một đứa trẻ luôn cần được bảo bọc?
Tôi kết hôn đã mười năm và hiện có ba con nhỏ, nhưng tôi cảm thấy như mình có đến bốn đứa con - bao gồm cả chồng tôi. Tôi thấy mình đối xử với anh ấy hệt như đối với một đứa trẻ vì anh ta hành động cứ như một thanh niên chưa trưởng thành. Anh ấy luôn để mọi thứ sai chỗ, quên mất các cuộc hẹn và để đồ đạc lung tung khắp nơi. Tôi rất ghét cách hành xử đó và tôi biết điều này làm cho anh ấy không còn cảm hứng ân ái nữa. Hiện tại cuộc sống tình dục của chúng tôi dường như không còn tồn tại. Làm thế nào tôi có thể ngưng việc hành động như là một người mẹ của chồng tôi?
Tôi rất vui vì chị đã hỏi điều này. Việc bảo bọc đàn ông hệt như con cái là một trong những sai lầm lớn nhất mà phụ nữ phạm phải trong mối quan hệ vợ chồng. Chúng ta càng đối xử với họ như những đứa trẻ bé bỏng thì họ càng hành động giống như thế. Kết quả của việc đó là đàn ông trở nên tức giận, mất dần cảm xúc yêu đương và đến một thời điểm nào đó họ chống đối chúng ta như cách họ chống lại mẹ của mình. Và điều tệ hại hơn, bảo bọc chồng là cách nhanh nhất và nguy hiểm nhất giết chết sự đam mê trong cuộc sống vợ chồng. Sau cùng – không một người đàn ông nào muốn ngủ với mẹ mình, vì vậy nếu chị hành động như thể là mẹ của chồng chị, thì chị sẽ không thể làm cho anh ấy có cảm xúc yêu đương say đắm với chị, trừ phi chồng chị có một sở thích kỳ lạ là thích bị càm ràm hay rầy la.
Vì cũng là phụ nữ nên tôi hiểu việc bảo bọc cho ai đó mà ta yêu thương là điều tự nhiên. Chúng ta được dạy dỗ từ khi còn bé để biết chăm lo và quan tâm đến người khác. Hơn thế nữa, cảm nhận đầu tiên và ấn tượng nhất của chúng ta về tình yêu có thể nói là gắn liền với mẹ, người đã mang nặng chúng ta suốt chín tháng mười ngày, cho chúng ta ăn, tắm táp, thoa phấn lên người chúng ta và thức canh khi chúng ta bệnh. Là phụ nữ, như lẽ thường tình chị cũng sẽ có khuynh hướng đối xử với người chị yêu thương bằng hành động "bảo bọc, dưỡng dục". Chỉ có một vấn đề duy nhất là điều đó lại khiến cho người đàn ông phát điên và khiến cho họ muốn rời khỏi nhà ngay tức khắc, bởi họ thấy rằng bạn đời của mình "tuy là vợ nhưng lại quản lý như mẹ".
Sau đây là 6 điều sai lầm mà phụ nữ chúng ta nên biết để tránh việc hoán đổi vị trí "mẹ là vợ" trong mắt đức ông chồng:
1. Chúng ta giúp đỡ chồng quá mức bằng cách làm giùm những việc mà họ có thể tự làm được (chọn quần áo, tìm hộ chìa khóa, dọn dẹp đôi vớ mà họ vứt khắp nơi…).
2. Chúng ta không trực tiếp hỏi về những nhu cầu của chồng mà cứ phỏng đoán và áp đặt họ theo ý mình
("Anh đói rồi… anh uống chút ngũ cốc nha? Không à? Vậy bánh quy mặn nhé? Không nữa à? Thôi được rồi, em sẽ làm cho anh món súp nào đó thật ngon?").
3. Chúng ta cứ cho rằng đàn ông có tật đãng trí, rất hay quên và cứ nhắc nhở họ về những thông tin mà họ hoàn toàn có thể tự nhớ ("Anh đừng quên rằng đó là đêm tiệc không hay ho gì nhé…" , "Anh đừng quên lấy hộp sữa nhé…").
4. Chúng ta la rầy đàn ông như thể họ là trẻ con. ("Em đã bảo anh bao nhiêu lần về việc phải tắt đèn nhà bếp rồi?").
5. Chúng ta giành làm những việc mà đáng lẽ đàn ông phải là người quyết định bởi chúng ta nghĩ rằng họ làm không tốt bằng mình (lên kế hoạch các chuyến du lịch, đưa lũ trẻ ra phố mua quần áo).
6. Chúng ta luôn miệng nhắc nhở và chỉ đạo chồng trong khi họ không yêu cầu sự giúp đỡ đó (nhắc họ ghi nhớ điều gì đó, truyền đạt cách thức "đúng" để nấu một món ăn, chỉ dẫn cách thức lái xe khi chồng đang cầm lái…).
Tôi biết có thể chị đang suy nghĩ "Nhưng anh ấy luôn quên chỗ cất chìa khóa", "Nhưng nếu tôi không làm việc đó, nó sẽ chẳng bao giờ xong"... Chị hãy tin tôi, bởi tôi đã từng trải qua những chuyện tương tự vậy. Chị có thể mất nhiều hơn nữa nếu cứ tiếp tục bảo bọc chồng như chăm sóc một đứa trẻ. Thay vì cứ quan tâm cất giữ rồi chạy đi lấy cái chìa khóa mà ông chồng quen thói vứt bừa bãi ở đâu đó, chị hãy đợi anh ấy tự tìm chìa khóa cho mình. Điều đó về lâu dài sẽ mang lại kết quả tốt hơn là chị nghĩ.
Tôi muốn chia sẻ với chị 5 quy tắc để thay đổi mình từ một "bà mẹ" hiện tại trở thành "vợ yêu" của chồng như thuở trước:
Quy tắc 1: Ngưng làm thay những việc mà chồng chị có thể tự làm được.
Quy tắc 2: Đối xử với chồng theo cách anh ấy là người chủ của gia đình và là chỗ dựa đáng tin cậy cho chị và các con.
Quy tắc 3: Đừng nói chuyện với chồng như kiểu "mẹ nói với con".
Quy tắc 4: Thỏa thuận với chồng về những trách nhiệm, nghĩa vụ thuộc về anh ấy và đừng làm thay hoặc giúp đỡ - thậm chí cả khi anh ấy làm sai.
Quy tắc 5: Làm một bản danh sách về những cách chị từng "ứng xử như một bà mẹ…" để ghi nhớ và tránh lặp lại. Chị hãy đọc danh sách này mỗi ngày và đưa một bản photocopy cho chồng, để anh ấy có thể cảnh báo khi chị "quen đường cũ".
Chắc chắn rằng khi chị từ bỏ thói quen "làm mẹ" đối với chồng, chị sẽ thấy mình cư xử như một phụ nữ đáng yêu, và anh ấy cũng sẽ cảm nhận và hành động giống như một người đàn ông trụ cột của gia đình.
6. Làm sao tôi có thể giúp vợ mình vượt qua những rào cản tình cảm mà cô ấy đang chịu đựng vì những tổn thương trong quá khứ?
Vợ tôi có một tuổi thơ cay đắng và thiếu thốn tình cảm, cô ấy từng bị lạm dụng thể xác nhiều lần và bị xúc phạm bằng những lời nói nặng nề. Kết quả là cô ấy tự giam mình sau những hàng rào tình cảm, và dù tôi có cố gắng cách nào chăng nữa thì vẫn không thể bước vào thế giới của cô ấy. Cô ấy sống rất khép kín và gặp khó khăn trong việc thể hiện tình yêu với tôi. Liệu có cách nào giúp vợ tôi cởi mở và thể hiện cảm xúc của cô ấy dễ dàng hơn? Tôi nên làm gì để phá vỡ những rào cản mơ hồ đó?
Điều tôi nói sau đây có thể khiến anh phật lòng: việc anh tìm cách phá vỡ hàng rào tình cảm của vợ anh để giải cứu cô ấy không phải là điều anh nên làm mà đó là việc của chính vợ anh. Bản thân cô ấy phải hành động! Tuy nhiên, anh vẫn là một phần không thể thiếu trong quá trình chữa trị vết thương tình cảm đó, nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu chính cô ấy quyết định bản thân muốn thoát khỏi tù ngục cảm xúc của chính mình.
Có lẽ anh cũng như nhiều người khác, luôn mong muốn giúp người thân của mình thoát khỏi một quá khứ đau buồn nhưng lại chưa từng hỏi người trong cuộc những câu hỏi rất quan trọng về vấn đề này, chẳng hạn: Em có muốn thay đổi không? Em có muốn anh chia sẻ và hiểu được em không? Em có sẵn lòng làm bất kỳ điều gì, như nói chuyện với chuyên gia tư vấn, đọc sách, tham dự hội thảo… để chữa dứt những tổn thương tình cảm đã xảy ra trong thời thơ ấu của em?
Hôn nhân của anh có bền vững và hạnh phúc hay không nằm ở câu trả lời của những câu hỏi trên. Nếu vợ anh thực sự muốn chữa trị cho bản thân cô ấy, và sẵn sàng làm những việc cần thiết để thực hiện điều này, thì anh sẽ có cơ may thành công. Nhưng nếu cô ấy không muốn, hay không thể bắt đầu một hành trình tự hồi phục, anh sẽ phải đối đầu với một thực tế đau lòng là vợ của anh không thể cùng xây dựng mối quan hệ yêu thương và tin tưởng mà anh cần, ít nhất là ở hiện tại, hoặc trong một thời gian dài sắp đến. Cho dù là như vậy thì anh cũng cần tôn trọng cảm xúc của cô ấy, bởi ở một số người, sau những tổn thương sâu sắc về tình cảm thì họ không bao giờ có thể yêu một cách trọn vẹn và đam mê nữa. Việc anh ép vợ mình mở lòng có thể khiến cô ấy cảm thấy bản thân mình tệ hại hơn và sẽ đau khổ nhiều hơn so với khi cô ấy có một mối quan hệ ít "yêu sách" hơn, hoặc thậm chí là khi cô ấy sống một mình.
Chính anh cũng cần nhìn nhận lại bản thân, bởi lẽ không phải tự nhiên mà anh rơi vào mối quan hệ dạng này và hành động như một người có khát khao cứu giúp. Những người thích giúp đỡ và che chở người khác có khuynh hướng gắn bó hơn với những người bạn đời khiến cho họ cảm thấy thương cảm và thôi thúc họ phải giúp đỡ. Điều này có khả năng liên quan đến những kỷ niệm, cảm xúc chưa trọn vẹn trong thời thơ ấu của họ. Đó có thể là những khiếm khuyết tình cảm của cá nhân anh, hoặc những điều anh muốn làm để cứu giúp ai đó mà ngày trước anh đã không làm được, chẳng hạn như người mẹ bị bạo hành, người cha nghiện rượu hay người anh em bị bệnh rất nặng. Cũng có khi bản thân anh là người cần và mong muốn được giúp đỡ, vì vậy mà anh muốn ra tay cứu giúp người khác khi đến tuổi trưởng thành. Anh hãy thử kiểm tra lại những vấn đề tình cảm của chính mình, bởi có thể trạng thái rối rắm của vợ anh là khuôn mẫu mà anh "cần" để xử lý chính tình trạng của mình.
Có câu nói rằng chúng ta không thể bắt một nụ hoa bung nở thành một đóa hoa rực rỡ trước thời gian cần thiết. Vì vậy, anh hãy chọn dịp thích hợp để hỏi vợ anh rằng liệu cô ấy có sẵn sàng cùng anh học cách yêu thương như cả hai mong muốn hay không. Sự thấu hiểu nhu cầu của nhau sẽ giúp vợ chồng anh có mối quan hệ thoải mái, hài hòa hơn với nhau.
7. Làm cách nào để có lại tình yêu nồng nàn sau nhiều năm chung sống và gần như đã "tắt lửa lòng"?
Tôi kết hôn đã gần 30 năm; và trong 10 năm trở lại đây, tôi thấy mình vô cảm với vợ. Chúng tôi đã bàn đến chuyện ly hôn, nhưng cả tôi và cô ấy đều không muốn ra đi và bắt đầu hẹn hò lại với ai đó ở thời điểm này của cuộc đời. Liệu có cách nào để chúng tôi tìm lại tình yêu như thuở còn son trẻ, hay chúng tôi nên chấp nhận thực tế là cuộc hôn nhân này đã kết thúc?
Vâng, tôi tự tin trả lời rằng cả hai anh chị có thể tìm lại tình yêu, hay nói chính xác hơn là có thể phá tan được sự vô cảm mà anh chị đang cảm nhận về nhau và khám phá lại những cảm xúc nồng nàn vẫn còn lẩn khuất đâu đó. Nếu anh và chị ấy chưa bao giờ nỗ lực duy trì sự gần gũi thân mật, luôn tránh né những xung đột chính và kìm nén những cảm xúc khó chịu, cũng như không bao giờ hé môi nói về suy nghĩ của nhau, thì dĩ nhiên vợ chồng anh sẽ dần cảm thấy vô cảm về nhau. Anh chị đã phung phí nhiều năm – thay vì rưới mật vào cuộc hôn nhân của mình thì lại làm thui chột cảm xúc của nhau, và giờ đây anh chị đang tự hỏi mình là phải chăng tình yêu đã chết. Nó có thể đang ngủ đông ở đâu đó, bên dưới tất cả những tảng băng giá lạnh trong suy nghĩ và cảm xúc của anh chị.
Qua lời anh kể, tôi nghĩ vợ chồng anh không những rơi vào giai đoạn chai sạn cảm xúc với nhau, mà đó còn là thời điểm anh chị cảm thấy nguội lạnh trong tình cảm nói chung. Anh chị không còn hứng thú hẹn hò hay vun đắp, khám phá cuộc sống tình yêu nữa, và tôi dám cá rằng anh chị đang cảm thấy chán nản và chẳng muốn quan tâm đến bất kỳ thứ gì khác. Đây có thể là bước ngoặt trong cuộc hôn nhân của anh chị, là khoảnh khắc khi cả hai nhìn nhau và nói: "Tôi đã quá mệt mỏi về cuộc hôn nhân này, mệt mỏi về mọi thứ rồi…", "Tôi thấy chán ngán về tình cảnh nhạt nhẽo trong quan hệ giữa chúng ta… Tôi sẵn sàng thực hiện những thay đổi để tìm lại người bạn đời mà tôi từng rất yêu thương".
Bước đầu tiên nhằm phá vỡ tình trạng này là việc đối đầu với một số vấn đề đang là tảng băng chìm bên dưới cuộc hôn nhân tưởng chừng êm ả của anh chị. Anh, cũng như chị ấy sẽ không thể nào làm được điều này một mình mà cần có người hỗ trợ, và tôi khuyên anh chị hãy tìm sự giúp đỡ từ một chuyên gia tâm lý giỏi hay một nhà tư vấn hôn nhân uy tín. Nếu anh chị không đạt được kết quả mong muốn, hãy thử tìm hiểu qua sách báo, tham dự các buổi hội thảo, v.v. Anh sẽ không bao giờ biết được rằng cuộc hôn nhân của mình có thể cứu vãn được hay không cho đến khi nào anh chị đã thử mọi cách.
Điều tôi chia sẻ sau đây có thể mang lại cho anh chị ít nhiều hy vọng. Bản thân tôi đã làm việc với hàng ngàn đôi vợ chồng từng tin rằng họ đang đứng trên bờ vực của ly hôn nhưng họ đã tìm thấy lại tình yêu sau khi dành cho nhau sự quan tâm cần thiết cũng như chăm sóc lại mối quan hệ của mình. Và mỗi tuần tôi lại nhận được các bức thư của những cặp vợ chồng mà tôi thậm chí chưa bao giờ gặp, nhưng họ sẵn lòng chia sẻ những câu chuyện thành công của họ trong việc hàn gắn hôn nhân. Vì vậy, việc tìm lại "lửa yêu thương" không phải là việc không thực hiện được, nó vẫn đang diễn ra, và tôi hy vọng nó sẽ xảy ra với anh chị vào một ngày gần nhất.
8. Làm sao để chồng tôi dành cho tôi sự chăm sóc và quan tâm như cách anh ấy dành cho con cái?
Tôi may mắn lấy được người chồng hiểu mình và có hai cô công chúa xinh xắn, khỏe mạnh. Anh ấy cũng là người bạn tốt nhất của tôi, vì vậy tôi cảm thấy thật xấu hổ khi phải thừa nhận rằng mình ghen tị với chính các con gái của mình! Sự thật là chồng tôi quan tâm và yêu con nhiều hơn là yêu vợ. Tôi luôn khoe với mọi người anh ấy là một ông bố vĩ đại nhưng tôi cũng cần anh dành cho tôi nhiều tình cảm cũng như sự gần gũi trong cuộc sống chăn gối. Tôi đã cố gắng nói lên suy nghĩ đó, nhưng anh ấy đã kết thúc cuộc trao đổi với thái độ khó chịu vì cho rằng mình bị phê phán và càng xa cách tôi hơn. Liệu tôi đã làm điều gì sai chăng?
Hẳn rằng chị không đoán được điều này: Hàng triệu phụ nữ cũng có cảm giác ghen tị như chị về việc chồng họ dành cho con cái nhiều tình yêu hơn, vì vậy chị có thể chắc chắn rằng mình không phải là tuýp người "xấu xa", "ích kỷ" hay "kỳ dị" gì cả. Chỉ đơn giản là chị không có mọi điều chị cần từ người bạn đời của mình. (Tôi cũng nghe lời phàn nàn này từ những người đàn ông, rằng vợ của họ cho họ "ra rìa" và dành cho con cái nhiều tình cảm hơn). Vì vậy bước đầu tiên là chị hãy từ bỏ mong muốn được nhận sự chăm sóc như cách chồng chị đang dành cho các cô con gái bé bỏng. Dĩ nhiên, một phần trong chị sẽ cảm thấy khó chịu, bởi cô gái bé nhỏ trong chị đang rất muốn được anh ấy quan tâm nhiều hơn. Tôi biết cảm giác thật kinh khủng khi chị xem chính các con gái của mình - những thiên thần mà chị vô cùng thương yêu - như những đối thủ của chị. Điều đó thật không nên diễn ra, phải không chị.
Sau đó, chị có thể bình tâm suy nghĩ để hiểu nguyên do vì sao chồng chị hành xử như vậy. Chị thấy đó, anh ấy dễ dàng dành tình yêu thương vô bờ bến và sự chăm sóc hết lòng cho con, bởi các bé không phàn nàn, phê phán những gì mà anh ấy làm hay nói, hoặc truy tìm lỗi lầm của anh. Nói cách khác, các con chị yêu thương bố một cách vô điều kiện. Cảm giác được yêu thương thật sự và trọn vẹn đó cho phép chồng chị cảm thấy thoải mái bộc lộ tình cảm với các con. Đối với chị thì khác. Chị không ca ngợi anh ấy như một anh hùng, như cách mà hai con gái của chị đã dành cho bố; chị không nghĩ rằng mọi điều anh ấy nói thật là thông minh như cái nhìn của con trẻ... Vì vậy đối với vợ, chồng chị khó có cảm giác an toàn và được yêu thương nhiều như cách mà anh cảm nhận ở các con gái. Điều này cũng là cảm giác của tất cả các bậc cha mẹ – chúng ta gặp nhiều thách thức trong việc yêu thương người bạn đời của mình hơn là yêu thương con cái. Từ đó, ta có thể nhận thấy: điều mấu chốt của một cuộc hôn nhân hạnh phúc là chúng ta học cách yêu thương những điểm chưa hoàn thiện ở người bạn đời.
Ngoài ra, có một điều mà tôi nghĩ rằng chị và nhất là anh ấy phải nghiêm túc suy nghĩ: Trong bất kỳ một gia đình hạnh phúc nào, mối quan hệ vợ chồng cũng đều phải ở vị trí quan trọng đầu tiên, trước mối quan hệ của cha mẹ đối với con cái. Bởi nếu cuộc hôn nhân của anh chị không bền vững, dù cho con gái chị được yêu thương nhiều thế nào chăng nữa cũng không quan trọng… vì cuối cùng các con chị sẽ lớn lên mà không có cái nhìn tích cực về đời sống hôn nhân cũng như chưa hề nhớ rằng mẹ mình được bố đối xử trân trọng và yêu thương như thế nào. Mối quan hệ giữa anh chị càng ấm áp gần gũi thì anh chị càng trở thành những người bố mẹ tốt hơn đối với con cái. Khi người chồng mang đến cho vợ mình cảm giác hạnh phúc và được yêu thương thì điều đó cũng đảm bảo cho con cái một cuộc sống gia đình đầm ấm và bền vững. Chị hãy thử chia sẻ với chồng chị những suy nghĩ này xem, tôi tin chắc rằng anh ấy sẽ thay đổi; vì vợ chồng chị càng hạnh phúc bao nhiêu thì các con gái của anh chị sẽ càng hạnh phúc bấy nhiêu - không phải chỉ khi còn ở với bố mẹ mà cả trong cuộc sống lứa đôi sau này.
9. Phải làm sao khi bạn trai yêu đến mức gần như "phong tỏa" cuộc sống của tôi?
Tôi gặp phải rắc rối tưởng chừng "ngược đời" - bạn trai tôi yêu thương và quan tâm đến tôi quá nhiều. Anh ấy luôn muốn ở cùng tôi mọi lúc mọi nơi và không bao giờ rời tay khỏi tôi, còn những lúc không ở bên nhau thì anh ấy lại liên tục gọi điện. Tôi đã nói với anh là hãy giảm bớt sự quan tâm quá mức đó, cho tôi một không gian riêng nhưng điều đó làm cho anh ấy rất đau lòng, cảm thấy bị khước từ và cuối cùng tôi đành phải an ủi anh ấy. Tôi thực sự rất yêu anh nhưng tôi đang dần cảm thấy ngán ngẩm, và thậm chí thấy sợ anh nữa. Làm sao để anh ấy hiểu là tôi cần được yêu thương "đúng cách" hơn?
Vấn đề của chị cũng là rắc rối mà nhiều phụ nữ gặp phải. Đó không phải là việc bạn trai chị yêu thương chị quá nhiều – mà là anh ấy không biết tôn trọng và yêu chính bản thân mình. Người đàn ông này thuộc tuýp người mà tôi gọi là "ma cà rồng tình cảm" – tức bao nhiêu yêu thương dành cho anh ta cũng không đủ. Trái tim những người này giống như một thùng tình cảm không đáy, và anh ta thực sự cần chị làm đầy khoang tình cảm đó. Vậy nên dù chị dành cho anh ấy bao nhiêu tình yêu đi nữa thì cũng không đủ, anh ấy sẽ luôn khao khát có nhiều hơn nữa. Chẳng có gì lạ khi chị cảm thấy khó chịu dù bạn trai chị luôn tỏ ra quan tâm, yêu thương và thường xuyên gọi điện cho chị, bởi thực ra anh ấy đang lấy đi của chị nhiều thứ lắm. Anh ta đang lấy hết mọi sự chú ý từ chị, các mối quan hệ của chị với cuộc sống xung quanh và cả năng lượng của chị nữa.
Những người tỏ ra "yêu quá nhiều" giống như bạn trai của chị hầu như luôn đòi hỏi sự chú ý từ người khác, tìm cách lấp đầy sự thiếu thốn tình cảm của bản thân bằng phương thuốc tình yêu, tình dục hay thậm chí là sự yêu thương tạm bợ. Họ có thể yêu người khác rất nhanh chóng và bị ám ảnh bởi tình cảm đó; họ lôi kéo người yêu lao vào mối quan hệ bằng cách làm cho họ xúc động, và cuối cùng để lại cho họ cảm giác tội lỗi và hối tiếc. Có thể trong quá khứ, bạn trai chị đã chịu nhiều đau khổ từ chính gia đình mình; điều này khiến anh ấy bị một vết thương tình cảm không thể lành lặn được và nó còn ảnh hưởng đến cuộc sống của anh ấy cho đến khi nào anh tìm cách xử lý nó ở tận gốc rễ của vấn đề. Mối quan hệ hiện tại của chị với bạn trai cũng như tất cả các mối quan hệ khác mà anh ấy đã từng có: Nó giống như miếng bông gạc đối với một vết thương, có ý nghĩa là giải pháp tạm thời cho một vấn đề hóc búa và nghiêm trọng trong chính con người anh ấy.
Lời khuyên của tôi là chị nên sớm kết thúc mối quan hệ này, trước khi mọi việc trở nên tệ hại hơn - mà tôi chắc chắn là nó sẽ xảy ra theo hướng đó. Tình huống duy nhất để chị tiếp tục vun đắp tình cảm này là khi bạn trai chị nhìn nhận được phần cốt lõi của vấn đề và sẵn sàng thay đổi cách thể hiện tình cảm với chị. Cơ may sẽ lớn hơn nếu bạn trai chị đồng ý đi tư vấn tâm lý; khi đó, chị và bạn trai có thể cùng nhau phối hợp để giải quyết vấn đề. Và phần mình, chị cũng nên tìm hiểu vì sao chị lại bị xúc động và lôi kéo bởi anh ấy. (Gợi ý: Anh ấy van xin tình yêu của chị và chị cảm thấy anh rất tội nghiệp? Hay là chị cảm thấy thiếu thốn tình cảm từ cha mẹ và những người thân nên đã bị thu hút về phía anh ấy?...).
10. Làm cách nào xây dựng lại niềm tin vào tình yêu và cuộc sống vợ chồng đối với những người đã từng đổ vỡ trong hôn nhân?
Sau cuộc ly hôn vô cùng cay đắng để giành quyền nuôi con, tôi gặp được một người đàn ông tuyệt vời có mọi thứ mà người chồng trước đây của tôi chưa bao giờ có. Anh ấy rất tử tế, cởi mở và sẵn sàng chia sẻ với tôi mọi vấn đề trong cuộc sống. Hoàn cảnh của tôi là vậy, còn anh ấy thì vừa bị vợ bỏ rơi để lấy người bạn thân thiết nhất của anh. Cũng giống như tôi, anh ấy rất sợ tin vào tình yêu. Làm thế nào chúng tôi có thể đẩy lùi quá khứ lại phía sau để có thể phát triển tốt mối quan hệ này?
Trước tiên, tôi vui mừng vì chị và người bạn trai hiện tại đã có "duyên" được gặp nhau. Tuy anh chị đang đối đầu với một số vấn đề khúc mắc và các khó khăn đi kèm nhưng thực sự đó lại là tình huống tuyệt vời để thử thách tình cảm của hai người. Về bản chất, điều mà hai anh chị đang tự hỏi là: "Làm sao để tôi và người tôi yêu loại bỏ được nỗi sợ trong chuyện tình cảm để hai chúng tôi có thể yêu thương nhau thực sự?". Đó thật là một câu hỏi tuyệt vời. Vì vậy việc đầu tiên là chị và bạn trai chị hãy ngẫm lại xem cả hai đã nỗ lực nhiều ra sao để đến được giai đoạn này. Trước khi anh chị trở nên quá căng thẳng về việc làm sao để chinh phục ngọn núi kế tiếp, hãy dành chút thời gian dừng lại và chúc mừng nhau về bước đầu thành công khi tìm ra mối quan hệ tốt đẹp này.
Còn về "nỗi sợ" mà chị đề cập, điều tôi nói sau đây có thể nghe hơi lạ tai một chút: Cảm giác ấy không hẳn là một điều tồi tệ, mà có khi đó là điều may mắn với anh chị. Nó sẽ giúp anh chị tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề và biết chú tâm nhiều hơn đến hạnh phúc hiện tại của mình. Tôi dám cá rằng nếu chị và anh ấy nhìn lại hai cuộc hôn nhân thất bại của mình, anh chị sẽ thấy rằng mình đã chẳng chú ý đến những dấu hiệu cảnh báo, những mâu thuẫn, khúc mắc không được giải quyết, những nhu cầu tình cảm không được đáp ứng và những việc tương tự khác. Đó chính là những điều anh chị không chú tâm giải quyết một cách cẩn thận, và sự hời hợt ấy đã làm hỏng mối quan hệ trước đây của anh chị. Giờ đây, sự cẩn trọng của anh chị trong mối quan hệ mới là điều rất đúng, và nó khiến cho anh chị cảm thấy lo sợ là mình sẽ tiếp tục đi vào vết xe đổ ngày trước.
Chị có hiểu quan điểm của tôi không? Điều đó cũng giống như việc chị sử dụng con dao sắc một cách bất cẩn và cuối cùng bị vết đứt sâu hoắm ở tay. Lần tiếp theo chị cầm con dao lên để cắt vật gì đó, chị lại thấy sợ. Chị e sợ con dao sắc đó có thể gây nguy hiểm nhiều hơn cả lần trước, và đúng là chị nên như vậy. Một mối quan hệ tình cảm cũng giống như vậy – nó là một công cụ đầy quyền năng có thể nâng đỡ tinh thần hoặc mang lại cho chúng ta nhiều đau khổ, và tôi có cảm giác là không có nhiều người tôn trọng công cụ đó.
Để tránh lặp lại sai lầm trong quá khứ, anh chị nên hiểu rõ bản thân và tìm hiểu nhau ở nhiều khía cạnh để chắc chắn rằng người kia đáp ứng được nhu cầu tình cảm của mình.
Một ý hay để thực hiện là mỗi người nên ghi ra bản Danh sách các lỗi lầm trong mối quan hệ vợ chồng mà bản thân mình từng phạm phải trước đây. Hãy nhìn lại và trung thực đánh giá cuộc hôn nhân cũ của mình từ lúc khởi đầu cho đến lúc kết thúc. Hãy liệt kê từng lỗi mà chị đã phạm phải. Ví dụ: "Để cho chồng cũ phớt lờ cảm xúc của tôi, xem nhẹ những nỗi khó chịu bực dọc của tôi", "Không tâm sự cởi mở với chồng về những điều tôi muốn anh ấy thực hiện trong lúc ân ái, để rồi sau đó tôi cảm thấy thất vọng". Nếu bản danh sách này dài dằng dặc, chị đừng ngạc nhiên nhé. Hãy chia sẻ tất cả điều này với người yêu của chị, và yêu cầu anh ấy cùng "nghiên cứu" với chị. Và ngược lại, anh ấy cũng chia sẻ với chị như thế. Hãy phân tích về từng đề mục trong cả hai bản danh sách này. Sau đó anh chị hãy soạn ra một quy tắc quan hệ mới giữa hai người để xử lý từng lỗi lầm cũ và cách thức giải quyết những khúc mắc đó. Ví dụ: "Khi em nói hay làm điều gì đó mà anh không đồng ý, anh sẽ bày tỏ suy nghĩ của mình, dù điều đó có gây ra căng thẳng giữa chúng ta" hoặc "Em sẽ nói cho anh biết là em muốn anh âu yếm vuốt ve như thế nào để anh không phải đoán mò nữa".
Bài tập này có hai mục tiêu: trước tiên nó sẽ giúp anh chị tìm ra những lỗ hổng trong mối quan hệ cũ và những lý do khiến nó đổ vỡ. Điều này giúp anh chị biết mình từng có những hành vi, những thói quen sai lầm trong tình yêu khiến cho mối quan hệ đó thất bại. Thứ hai, bằng cách chú ý đến những thói quen sai lầm này, ghi nhớ bằng giấy trắng mực đen rằng mình sẽ thay đổi và thực hiện những thói quen tốt, anh chị sẽ có cơ hội lớn tránh được những hành vi sai lầm cũ có thể làm đổ vỡ mối quan hệ mới. Hãy dần triển khai các mục tiêu này bằng cách tìm hiểu mảng sách tâm lý gia đình, các băng đĩa chuyên môn hoặc tham dự hội thảo về việc phát triển các mối quan hệ. Khi đó anh chị sẽ có một nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển các mối quan hệ mới tốt đẹp với sự thú vị, háo hức và thật nhiều hạnh phúc.
Xem thêm các câu hỏi 47 và 81
11. Anh chàng tôi đang hẹn hò không chịu dẫn tôi "ra mắt" gia đình và bạn bè anh ấy!
Tôi đang yêu say đắm một người đàn ông. Mối quan hệ thân mật của chúng tôi đã kéo dài 9 tháng nhưng anh ấy chưa bao giờ giới thiệu tôi với gia đình hay bạn bè của anh. Tôi biết rằng bạn trai tôi có đứa con riêng với người vợ cũ nhưng tôi chưa bao giờ gặp con anh ấy. Phần lớn thời gian chúng tôi ở bên nhau trong căn hộ của tôi hay của anh ấy, còn những dịp hẹn hò bên ngoài luôn là những lần anh ấy thông báo vào phút chót. Bạn trai tôi luôn tỏ ra thích sự riêng tư và muốn tôi tôn trọng cuộc sống cá nhân của anh. Anh ấy cũng nói không muốn có nhiều người can dự vào mối quan hệ của chúng tôi, tuy nhiên tôi cảm thấy có điều gì đó chưa ổn. Bạn trai tôi đang nghĩ gì vậy?
Đúng như những gì chị đang tự vấn bản thân: bạn trai chị cảm thấy xấu hổ khi quen biết hay gắn bó với chị, vì vậy anh ta đang cố che giấu chị trước những người thân quen của mình. Có thể là, ở một khía cạnh nào đó, anh ta không nghĩ rằng chị "đủ tiêu chuẩn" để trở thành bạn gái chính thức của mình – công việc, ngoại hình hay một yếu tố nào đó từ chị không đạt chuẩn như anh ta đặt ra hoặc hoàn cảnh gia đình chị không phù hợp với anh ta. Điều này nghe qua thật kinh khủng nhưng nó chẳng là gì so với khả năng thứ hai mà chị cần chú ý: bạn trai chị có thể đang có gia đình hạnh phúc hoặc mối quan hệ với ai đó và đang cố gắng che giấu chị với người này. Vì vậy anh ta chơi trò trốn tránh mối quan hệ với chị, và cố giữ chị tách bạch khỏi cuộc đời anh ta. Tất cả dấu hiệu này gộp lại đủ để chị hiểu rõ hơn về bạn trai mình, phải không nào?
Tôi nghĩ rằng có thể chị đã biết rõ điều này, nhưng chị không muốn đối mặt, vì điều đó có nghĩa là chị phải nhìn nhận lại bản chất thật sự của người mình yêu cũng như mối quan hệ hiện có. Và lời khuyên của tôi là chị nên nghĩ tới lòng tự trọng của mình để quyết định kết thúc ngay mối quan hệ yêu đương với người đàn ông này. Chị hãy nhớ rằng sự tôn trọng là điều then chốt ở đây. Anh ấy rõ ràng không tôn trọng chị - hành vi của anh ấy hoàn toàn không đáng để chị tiếp tục yêu thương và tin tưởng. Vì vậy một khi chị đã chia tay anh ta, chị cần hỏi chính bản thân mình một số câu hỏi mà chắc rằng nó khiến chị sẽ đau khổ: Tại sao tôi có thể chịu được cách đối xử đó một thời gian dài như vậy? Phải chăng tôi yêu mù quáng hay điều gì đã khiến tôi lo sợ đến nỗi tôi vẫn hẹn hò với loại đàn ông chẳng coi trọng tôi chút nào? Đâu là những lý do khiến tôi phủ nhận một sự thật rõ ràng như thế? Tôi phải bắt đầu tự chữa lành những tổn thương tình cảm này thế nào để lần sau không còn mắc sai lầm nữa?
Đã tới lúc chị cần yêu thương bản thân hơn để hiểu rằng mình không đáng bị đối xử như một bí mật đáng xấu hổ nào đó mà thế giới không nên biết tới. Người đàn ông may mắn được chị dành tình cảm phải nên tự hào và cảm thấy hạnh phúc vì có chị trong đời. Đồng thời anh ta sẽ hãnh diện và tự tin khi giới thiệu chị một cách trân trọng với tất cả mọi người mà anh ấy biết. Càng sớm từ bỏ người bạn trai này, chị càng sớm gặp được người yêu đích thực biết yêu thương và tôn trọng chị như chính con người tuyệt vời trong chị xứng đáng nhận được.
12. Làm thế nào để chữa lành các tổn thương tình cảm trong quá khứ và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người bạn đời của mình?
Mặc dù tôi biết nhiều vấn đề trong mối quan hệ vợ chồng tôi trở nên mâu thuẫn hoặc trầm trọng hơn vì những tổn thương thời thơ ấu và sự đau khổ từ những mối tình cũ nhưng tôi vẫn không biết cách quên đi quá khứ đau thương đó. Chồng tôi cũng có những vấn đề riêng của anh ấy và tôi luôn tự hỏi làm sao chúng tôi có thể chịu đựng những vết thương tình cảm đó lâu đến như vậy! Có cách nào giúp tôi chữa lành quá khứ đau buồn để không làm tổn hại đến mối quan hệ hiện tại của chúng tôi?
Đây là một trong những câu hỏi quan trọng nhất mà mỗi chúng ta có thể hỏi chính mình: Làm sao tôi có thể tìm ra và chữa lành bất kỳ tổn thương tình cảm nào trong quá khứ để chúng không ảnh hưởng hoặc gây xáo trộn đến những mối quan hệ hiện tại? Thực ra bạn đang đi bước đầu tiên trong việc chữa lành bản thân: nhận ra sự tồn tại của những khúc mắc tình cảm và sẵn sàng đối mặt để loại bỏ nó. Nhưng đáng buồn là phần đông mọi người không bao giờ chịu thừa nhận những đau khổ trong quá khứ đã tạo nên những vết thương âm ỉ bên dưới cuộc sống hiện tại của họ, và vì vậy họ sẽ không bao giờ có cơ hội tận hưởng cái mà tôi gọi là "sự tự do thật sự về tình cảm". Ở đây tôi định nghĩa sự tự do tình cảm là cảm giác được sống như chính con người mà bạn muốn, và yêu thương ai đó nhiều như bạn muốn. Đó là sự tự do tách rời khỏi quá khứ để bạn có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn trong hiện tại.
Để chữa lành quá khứ, bạn phải hiểu được điều mà tôi gọi là "lập trình tình cảm". Lập trình tình cảm đơn giản là một loạt những quyết định mà bạn muốn thực hiện cho chính mình, cho người khác và cuộc sống xung quanh trong suốt thời gian bạn trưởng thành. Mặc dù bạn được sinh ra với một số đặc tính bẩm sinh nào đó, bạn vẫn chưa bị ảnh hưởng một cách tích cực hay tiêu cực từ những hiểu biết hay trải nghiệm nào cả, và bạn bước vào đời như một tờ giấy trắng tinh khôi. Nhưng mỗi ngày trôi qua trong quá trình "lớn lên", bạn bắt đầu tiếp thu kinh nghiệm và mỗi kinh nghiệm lại dạy cho bạn một điều gì đó về bản thân cũng như những người xung quanh. Bạn hoặc là được đối xử tử tế, hoặc bị đối xử một cách thô bạo, bạn hoặc được yêu thương hay bị bỏ rơi, được ngợi khen hay bị chê bai.
Những kinh nghiệm này giúp bạn hình dung về con người mà mình muốn trở thành, về cuộc sống mình mong muốn trong tương lai. Ví dụ, khi còn bé bạn thường xuyên nghe tiếng cãi vã từ cuộc hôn nhân không hạnh phúc và đầy biến động của cha mẹ, bạn có thể sẽ quyết định một cách vô thức "Mình phải luôn là người tử tế và sẽ không bao giờ làm cho những người mình yêu thương phải buồn", hay "Không hay chút nào khi mình trở nên giận dữ như vậy". Trường hợp khác, giả sử bố của bạn rất xa cách về tình cảm đối với con cái và không bao giờ có mặt lúc bạn cần ông. Bạn có thể đã quyết định một cách vô thức "Tôi không thể tin tưởng những người mà tôi yêu", hoặc "Những người yêu thương tôi lại là người bỏ rơi tôi". Cứ thế, mỗi kinh nghiệm này giúp bạn hình thành một số quyết định nào đó, cho đến khi bạn có một loạt những quyết định về cuộc sống của mình. Tập hợp những quyết định hay niềm tin này được gọi là "lập trình tình cảm" của bạn. Tương tự như việc lập trình một cái máy tính với những thông tin cơ bản để hệ thống tự thực hiện các thao tác và giải quyết công việc, bạn lập trình trí não và hành vi của mình bằng lập trình tình cảm này. Để rồi, trong suốt phần đời còn lại của mình, "chương trình" này ảnh hưởng cách bạn suy nghĩ, hành động như thế nào, và đặc biệt là phản ứng của bạn trước những tình huống giống những ký ức đau buồn trong quá khứ.
Các nhà tâm lý học dự đoán rằng phần lớn những lập trình tình cảm này diễn ra trong độ tuổi rất nhỏ:
Từ 0 – 5 tuổi Tiếp nhận 50% lập trình tình cảm này Từ 5 – 8 tuổi Tiếp nhận 30% lập trình tình cảm này Điều đó có nghĩa là, khi bạn được 8 tuổi, bạn đã được lập trình về tình cảm đến 80%. Nói cách khác, 80% những quyết định về bản thân bạn và những người xung quanh đã được hình thành từ thời điểm đó.
Từ 8 – 18 tuổi Tiếp nhận thêm 15% lập trình tình cảm
Như vậy trước khi đến 18 tuổi, bạn đã hình thành được 95% lập trình tình cảm. Bạn chỉ còn 5% lập trình tình cảm được thiết lập cho những năm còn lại của cuộc đời mình. Điều này nghe có vẻ là không nhiều, nhưng đó là 5% mà tôi thường xử lý để giúp mọi người thực hiện những thay đổi quan trọng trong cuộc đời họ. Và điều đáng mừng là bạn có thể dùng 5% đó để hiểu và làm thay đổi 95% kia!
Có lẽ bây giờ bạn đã hiểu rõ hơn vì sao bạn không dễ dàng thể hiện cảm xúc hoặc khó nhận ra điều làm bạn hạnh phúc trong các mối quan hệ. Phần 5% trong nhận thức của bạn nói rằng "Tôi muốn là một người vợ yêu thương chồng" nhưng 95% lập trình tình cảm trong vô thức của bạn đã tránh sự thân mật gần gũi với chồng và tạo dựng một bức tường vây quanh trái tim bạn.
Trong những video trình chiếu tại các hội thảo của tôi với chủ đề Cách thức xây dựng tình yêu lứa đôi hạnh phúc, tôi có nói về một quy trình chữa trị gồm ba bước mà bạn có thể dùng để loại bỏ lập trình tình cảm thiếu tích cực của mình:
1. Lắng lòng để tìm lại những tình cảm cũ khiến bạn lo lắng hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn. Hãy giải quyết chúng, chứ không đắm chìm trong đó.
2. Hiểu rõ những lỗ hổng tình cảm, những nỗi sợ hoặc điều ám ảnh trong các mối quan hệ cũ để tránh lặp lại, nhằm gắn bó và xây dựng lòng tin với tình yêu mới.
3. Vun đắp và cởi mở với những trải nghiệm tình yêu mới, tích cực hàn gắn những tổn thương tình cảm trong quá khứ.
Tôi mạnh dạn đề nghị bạn tuân theo một quy trình chữa lành tình cảm phối hợp với việc giải tỏa những vướng mắc tình cảm cũ và định hướng hành động để xây dựng những suy nghĩ, thói quen mới tích cực.
Còn bây giờ tôi chắc bạn đang nghĩ rằng "Trời, nghe qua có vẻ như cần phải làm nhiều thủ tục đây!". Có thể là như vậy. Nhưng thành quả đạt được thì rất xứng đáng - đó là sự tự do để cho và nhận tình yêu như bạn hằng mong muốn!
13. Sự hấp dẫn tình dục quan trọng như thế nào trong quan hệ lứa đôi?
Nếu sự hấp dẫn này không tồn tại ngay từ đầu, liệu nó có phát triển dần theo thời gian?
Những người hỏi tôi câu này đa phần mất cảm xúc trước bạn tình của mình và ước muốn có một đời sống ân ái tràn đầy hơn. Họ yêu quý người yêu của mình, nhưng lại không cảm nhận được sức hấp dẫn tình dục nào từ người ấy. Không muốn chia tay vì điều này, họ suy nghĩ mọi cách để lý giải cho việc thiếu vắng sự hấp dẫn tình dục và "bình thường hóa" vấn đề tế nhị này.
Câu trả lời chân thành của tôi đối với câu hỏi này là:
"TÔI KHÔNG TIN RẰNG BẠN CÓ THỂ CÓ MỐI QUAN HỆ LỨA ĐÔI LÀNH MẠNH, BỀN VỮNG VÀ HẠNH PHÚC VỚI MỘT NGƯỜI MÀ BẠN KHÔNG THẤY HẤP DẪN. Bởi vì, chính tình dục là yếu tố phân biệt một mối quan hệ yêu đương thân mật với một tình bạn. Tất nhiên, có trường hợp một cặp đôi gặp nhau khi họ đã khá lớn tuổi và chẳng còn chút quan tâm nào đến tình dục, vì vậy họ sẽ không cần nhiều hơn một tình bạn vững bền làm nền tảng cho cuộc hôn nhân hạnh phúc về sau. Nhưng không có lý do gì để những người có sự quan tâm hay ham muốn về mặt tình dục lại không thể tận hưởng một đời sống ân ái đầy đam mê và mãn nguyện. Bên cạnh số ít những người trong độ tuổi 60 hay 70 hỏi tôi về tình yêu thiếu vắng sức hấp dẫn tình dục thì chính những người trong độ tuổi 20, 30 và 40 lại thường hỏi tôi về vấn đề này nhiều hơn.
Nếu bạn không bị quyến rũ về mặt tình dục từ người mình yêu, liệu điều này có thay đổi theo thời gian hay không? Điều đó cũng còn tùy. Tôi xin ví dụ bằng câu chuyện của chính mình, thời gian đầu yêu nhau tôi không cảm thấy bị hấp dẫn về tình dục từ người bạn trai Jeffrey của mình (hiện là chồng tôi), nhưng qua thời gian tôi đã có sự hứng khởi và mong muốn "chuyện ấy" với Jeffrey bằng cách thực hiện một số phương pháp chữa lành vết thương tình cảm. Tuy nhiên, nếu bạn không có ác cảm hoặc bất trắc nào trong cuộc sống tình dục (như sự lạm dụng tình dục, nỗi lo sợ bị phản bội…), chỉ là bạn không cảm thấy thu hút về mặt tình dục với người yêu từ lúc bắt đầu mối quan hệ, rất có thể bạn sẽ không bao giờ phát triển được sức hấp dẫn tình dục đó theo thời gian.
Nếu bạn đang quan hệ tình cảm với một người mà bạn chưa bao giờ bị hấp dẫn về mặt tình dục, sau đây là một số điều có lẽ bạn đang mắc phải:
1. Bạn đang tránh né sự gần gũi và cảm xúc thật của mình.
Tình dục hòa hợp và thăng hoa giúp gắn bó một cặp đôi theo cách rất đặc biệt. Bởi lẽ chẳng có gì gần gũi, thân mật bằng việc tiếp nhận ai đó vào chính cơ thể bạn, hay đưa một phần thân thể của bạn chạm vào một ai đó. Đó không chỉ đơn thuần là quan hệ thân xác, mà bạn đang tạo ra mối giao hòa, đồng điệu vô cùng khắng khít giữa bản thân mình và người ấy. Việc gắn bó với một người mà bạn không bị thu hút về mặt tình dục có thể cho thấy bạn đang vô thức né tránh sự gần gũi với người ấy. Có thể bạn sợ rằng mình sẽ không thể có mối quan hệ tình dục bền vững, đây là cách để bạn tránh những tổn thương bởi bạn tình của mình.
2. Bạn đang "chạy trốn" tình dục.
Một số người không những lảng tránh sự gần gũi thân mật bằng cách chọn những mẫu người yêu mà họ không bị cuốn hút, họ còn né tránh tình dục. Vì vậy nếu…
• Bạn đã từng bị lạm dụng tình dục dưới bất kỳ hình thức nào
• Bạn từng là nạn nhân của cưỡng bức
• Bạn cảm thấy bị điều khiển và phụ thuộc về mặt tình dục với những người bạn tình trước
• Bạn được dạy dỗ từ thuở nhỏ rằng tình dục thường mang đến những điều xấu…bạn có thể sẽ yêu một người bằng tất cả tình cảm của mình nhưng lại không thể tận hưởng niềm vui và sự thỏa mãn tình dục mà người đó mang lại. Điều đó khiến cho bạn né tránh tình dục. Vô hình trung, bạn không biết được rằng mình đang có những rắc rối về tình dục. Bạn thậm chí còn than phiền rằng mình cứ thu hút những người bạn tình khô khan, không có chút hấp dẫn nào. Nhưng nếu sự thiếu vắng của hấp lực tình dục cứ lặp đi lặp lại trong các mối quan hệ của bạn, bạn sẽ phải dành thời gian chữa lành vết thương này.
3. Bạn đang cố gắng duy trì khả năng tự kiểm soát mình
Khi bạn mất dần sự tự chủ và bị ai đó thu hút về mặt tình dục, theo một nghĩa nào đó, bạn đang dành cho họ quyền kiểm soát chính bạn. Bạn rơi vào thế bị động và tâm trí của bạn luôn nghĩ rằng "Anh đang ảnh hưởng đến tôi mạnh đến mức tôi dường như mất đi cả sự kiểm soát bản thân trước anh". Nếu bạn thường gặp rắc rối trong việc tự chủ bản thân hay lo sợ bị người khác kiểm soát, bạn có xu hướng chọn những người bạn tình không hoặc có rất ít sức hấp dẫn giới tính để bạn có được cảm giác "an toàn". Bởi vì nếu bạn không cảm thấy một hấp lực tình dục mạnh mẽ từ những người bạn tình đó, bạn sẽ dần duy trì một khoảng cách tình cảm nhất định và tạo ra ảo tưởng rằng bạn có nhiều ưu thế hơn trong mối quan hệ đó.
Đây là một trong những vấn đề khó khăn và quan trọng nhất mà mọi cặp đôi cần đối mặt trước khi quyết định thực sự gắn bó với nhau. Có thể điều đó khiến bạn lo lắng, nhưng bạn hãy suy nghĩ thật kỹ về mọi vấn đề tôi đã trình bày, và bạn hãy là người đưa ra quyết định dựa theo cảm nhận từ trái tim mình.
14. Làm thế nào để chồng tôi thay đổi bản thân và cùng tôi xây dựng cuộc hôn nhân tốt đẹp hơn?
Mỗi lần tôi cố gắng nói chuyện với chồng về việc thay đổi và "làm mới" mối quan hệ của chúng tôi, anh ấy luôn nói rằng "Anh hài lòng và hạnh phúc về cuộc hôn nhân này". Nhưng cảm nhận của tôi không giống như anh, và dù tôi có làm gì đi nữa thì anh ấy cũng không hưởng ứng hay thích thú chút nào trong việc cải thiện bản thân. Làm sao tôi có thể động viên anh ấy cởi mở và chịu lắng nghe tôi nhiều hơn?
Tôi chỉ có một câu trả lời thẳng thắn dành cho chị:
Chồng chị không thể thay đổi và cải thiện bản thân vì những lời động viên, nhắc nhở của chị; chính anh ấy phải là người có động lực làm điều đó. Chị thấy buồn khi nghe vậy đúng không. Tôi hiểu rằng khi chị đã quá yêu thương chồng và biết rằng mối quan hệ vợ chồng có thể sẽ thất bại nếu anh ấy không tự thay đổi, hẳn chị sẽ rất đau lòng. Tình trạng tiến thoái lưỡng nan như chị tôi đã gặp trong nhiều ca tư vấn cũng như từ trải nghiệm cuộc sống của mình, và tôi hiểu được cảm giác đau khổ khi chồng chị từ chối mọi nỗ lực nhằm cứu vãn cuộc hôn nhân đang trên bờ vực thẳm. Nó cũng giống như việc chị nhìn thấy người mình yêu thương đang chết chìm trên đại dương mà không thể cứu giúp bởi chiếc phao cứu sinh mà chị cố gắng mang đến đã bị anh đẩy đi với lời đáp: "Tôi chẳng cần tới chiếc phao ấy". Chị biết rằng nếu anh ấy không giơ tay bám lấy chiếc phao, chị sẽ mất anh, vì vậy chị van nài anh ấy hãy nắm chặt lấy phao. Thế nhưng, một cách bướng bỉnh, chồng chị từ chối và chị buộc phải nhìn anh ấy trôi xa dần trong làn nước sâu thẳm.
Đây là một trong những bài học quan trọng nhất mà tôi đã được học về tình yêu: Một số người không có khả năng yêu thương bạn theo cách mà bạn mong muốn, hoặc họ không có đủ sự quan tâm, thấu hiểu để xây dựng mối quan hệ bền chặt như bạn cần. Đó không phải là vì điều đó khó khăn với họ, hay họ bướng bỉnh hoặc cố tình làm cho chị buồn và đau lòng. Đơn giản họ không muốn hoặc không thể có cùng nhịp cảm xúc và mức độ tình cảm như chị đang có. Thật không may, phần lớn các cặp vợ chồng không bàn kỹ về vấn đề này ngay từ lúc khởi đầu mối quan hệ để xem xét độ tương hợp về mặt tình cảm cho cuộc chung sống hạnh phúc sau này. Họ yêu nhau, cưới nhau và rồi phát hiện ra hai người là hai mảnh ghép khác biệt, bởi những điều họ muốn và cần từ mối quan hệ vợ chồng hoàn toàn khác nhau. Người chồng thấy vợ hành xử không đúng, trong khi cô vợ thấy chồng mình sai - vấn đề là cách yêu thương của họ không tương hợp với nhau.
Điều chị nên làm trước tiên là đừng nên đổ lỗi cho chồng mình và khiến anh ấy cảm thấy mình là một người tồi tệ. Chị hãy ngồi xuống bên chồng và chia sẻ với anh ấy điều này "Em rất yêu anh và đã cố gắng trong nhiều năm (ghi rõ số năm anh chị chung sống với nhau) để làm cho mối quan hệ của chúng ta tốt đẹp hơn. Như anh đã biết, em thường năn nỉ anh cởi mở và lắng nghe em nhiều hơn để cải thiện cuộc hôn nhân này và bàn cách giải quyết những vấn đề chúng ta gặp phải. Tất cả những việc đó em làm vì một lý do duy nhất – cố gắng cứu vãn cuộc hôn nhân của chúng ta, bởi vì em không cảm thấy hạnh phúc với mối quan hệ như hiện tại. Anh luôn bảo em rằng anh hài lòng, rằng anh không thích phát triển nó cho tốt hơn hay thay đổi theo hướng mà em mong muốn, rằng em không tôn trọng những gì anh nói. Giờ em nhận ra rằng em đã hành động không đúng, những nỗ lực để anh thay đổi là điều vô ích. Anh có quyền sống như ý mình muốn, và em cũng vậy. Cách của em chưa chắc tốt hơn cách của anh, nhưng có điều chắc chắn đúng là cách của hai ta hoàn toàn khác nhau.
Vì vậy, anh yêu, anh hãy dành một khoảng thời gian cần thiết - có thể nhiều ngày hay vài tuần - để hỏi chính anh lần cuối rằng liệu anh có hạnh phúc khi sống như chính con người hiện tại hay không, và anh có cần hay không một người bạn đời hay "đòi hỏi" như em. Nếu câu trả lời của anh vẫn như trước nay, em sẽ biết rằng đây chính là thời điểm để em tiếp tục con đường của mình mà không có anh. Anh thấy đó, em cần một mối quan hệ mà ở đó em và người mình yêu có thể chia sẻ mọi điều và học cách thích nghi để vun đắp tình cảm ngày càng bền vững, yêu thương nhau nhiều hơn. Đó là một trong những điều quan trọng nhất trong cuộc đời em. Em muốn cuộc hôn nhân của chúng ta sẽ như vậy, nhưng nếu đó không phải là điều anh cần, em sẽ hiểu và tự giải phóng mình để một ngày nào đó sẽ tìm được một người có quan điểm về tình yêu giống em, và anh cũng được tự do để tìm được người yêu thương anh như chính con người của anh."
Chị hãy can đảm đưa ra vấn đề này với chồng chị. Đây sẽ là điều khó khăn nhất nhưng cũng mang thông điệp yêu thương nhiều nhất mà chị chưa từng làm, không những cho bản thân chị, mà cả cho chồng chị nữa. Nhiều người đã tâm sự với tôi rằng, sau khi nói vấn đề này ra, vợ/chồng họ đã thay đổi một cách diệu kỳ, và bắt đầu quá trình tự cải thiện bản thân. Vì vậy tôi có thể nói rằng điều này là có thể thực hiện được. Và dù kết quả như thế nào đi nữa, đây cũng là bước ngoặt quyết định để chị thay đổi cuộc đời mình, bằng cách này hay cách khác, để chị có được mối quan hệ mà chị hằng mơ ước.