15. Vì sao tôi chỉ bị hấp dẫn bởi dạng đàn ông "tệ hại" và chẳng có chút đam mê tình dục nào đối với những anh chàng "tử tế"?
Suốt nhiều năm qua tôi có hàng loạt mối quan hệ đau khổ với đàn ông, những người không mang đến cho tôi điều tôi cần hay quan tâm, đối xử theo cách mà tôi mong muốn. Một số người đã lừa dối tôi, những người khác rất hay phê phán, hoặc lạnh nhạt trong tình cảm với tôi. Cuối cùng, tôi đã gặp một người đàn ông rất tử tế và anh ấy rất mực yêu thương tôi. Anh có mọi điều mà tôi hằng mong muốn – rất tôn trọng tôi, biết quan tâm, sống tình cảm và cư xử dịu dàng. Nhưng lại phát sinh một rắc rối lớn: tôi không cảm thấy bị hấp dẫn tình dục đối với anh ấy như tôi thường cảm nhận từ những người bạn trai trước đây của mình. Gần đây tôi thường suy nghĩ rằng chúng tôi nên chia tay nhau, vì tôi rất nhớ sự đam mê và hứng khởi trong những mối quan hệ trước đây của mình. Hãy giúp tôi với!
Chị đã tìm đúng nơi để được trợ giúp – đây là một trong những thắc mắc tôi được hỏi nhiều nhất, và chính bản thân tôi đã trải qua tình trạng giống chị và cũng từng tự hỏi mình đang gặp vấn đề gì đây. Tôi không hiểu vì sao những người đàn ông không yêu thương tôi như cách tôi mong muốn lại thu hút, hấp dẫn tôi nhiều như thế? Tại sao tôi lại thấy "chán" những mối quan hệ quá yên ả và bình lặng? Vì sao cụm từ "đàn ông tử tế" làm tê liệt mọi đam mê tình dục trong con người tôi? Tôi đã phải mất nhiều năm để hiểu và cuối cùng mới từ bỏ được thói quen yêu đương tréo ngoe này, nhưng tôi đã làm được điều đó, vì vậy tôi biết chị cũng có thể làm được.
Sau đây là cơ chế giải thích về mớ bòng bong mà chúng ta tự tạo ra cho mình. Rõ ràng chị đã nhận thấy việc chị hấp dẫn (hoặc bị hấp dẫn) trước những người đàn ông mà về mặt nào đó khiến cho chị cảm thấy ít được yêu thương không phải là tình cờ mà nó lặp đi lặp lại như được lập trình sẵn trong đầu chị. Có một lý do để chị cảm thấy "ổn thỏa" khi ở bên người mà chị muốn nắm giữ tình yêu của anh ta, và một lý do khiến chị thấy "không hứng thú" khi một người đàn ông dâng tặng tất cả tình yêu mà chị cần. Lý do này chẳng liên can gì đến tiềm thức của chị, vốn cảnh báo chị về những người bạn tình không hề yêu thương mình "Anh ấy không phải là người dành cho mình, anh sẽ tiếp tục làm cho mình bị tổn thương. Hãy tránh xa người đàn ông này, càng nhanh càng tốt!". Chị biết rằng đây là sự thật, nhưng một điều gì đó khiến cho anh chàng này thật hấp dẫn và thu hút chị, đó là điều có liên quan đến vô thức của chị và là cái mà tôi gọi là "Triệu chứng trở về cảm xúc nguồn cội".
Tôi dùng cụm từ trên để mô tả cách mà lập trình tình cảm của chúng ta khiến cho chúng ta đi tìm những tình huống cảm xúc tương tự với những điều trong quá khứ, bất kể những trải nghiệm này là tích cực hay tiêu cực (xem câu hỏi thứ 12). Là con người, chúng ta có khuynh hướng lặp lại những vấn đề quen thuộc. Tôi dám cá là chị thích ngủ cùng một bên giường vào mỗi tối, đậu xe ở cùng một nơi tại chỗ làm và thường đi nghỉ mát ở nơi yêu thích nhất của mình. Xu hướng quay trở về với điều quen thuộc là bản năng cơ bản mang đến cho chúng ta cảm giác tiếp nối liên tục và an toàn trong cuộc sống luôn thay đổi và nhiều hỗn độn này. Thật không may là, bản năng này có thể chống lại chúng ta khi nó liên quan đến các mối quan hệ, khi mà chúng ta có khuynh hướng tìm kiếm một cách vô thức những tình cảm vốn quen thuộc đối với mình.
Có lẽ đây là cách mà mọi việc xảy ra: khi chị còn là một đứa trẻ, gia đình chị là nguồn động viên và là nơi mang đến cảm giác an toàn chủ yếu cho cuộc đời chị. Thậm chí khi có đổ vỡ hay biến động nào đó xảy ra, gia đình vẫn là "nhà" của chị - nơi chị từng được bố mẹ nuôi dưỡng, yêu thương; nơi chị có một chỗ ngủ và nhận được sự chăm sóc. Vì vậy chị gắn liền TÌNH YÊU với GIA ĐÌNH. Chị cũng gắn liền GIA ĐÌNH với những đặc trưng khác, nếu cha mẹ chị cãi vã mâu thuẫn nhau nhiều, chị có thể sẽ có một phương trình trong trí não của mình, đó là GIA ĐÌNH = SỰ ĐỔ VỠ. Nếu chị không được bố mẹ bày tỏ tình thương hay sự quan tâm yêu quý, phương trình của chị có thể là GIA ĐÌNH = SỰ CÔ ĐƠN. Nếu bố hay mẹ chị hành hạ chị về tinh thần hay thể xác, phương trình đó là GIA ĐÌNH = SỰ SỢ HÃI.
Hãy nhớ đến môn toán căn bản mà chị đã từng học ở trường, đó là: nếu A = B, và B=C, thì A=C.
Chúng ta hãy sử dụng cùng nguyên tắc này để minh họa cho khái niệm "Trở về cảm xúc nguồn cội":
Nếu TÌNH YÊU = GIA ĐÌNH, và GIA ĐÌNH = SỰ ĐỔ VỠ, khi đó TÌNH YÊU = SỰ ĐỔ VỠ
Nếu TÌNH YÊU = GIA ĐÌNH và GIA ĐÌNH = SỰ CÔ ĐƠN, khi đó TÌNH YÊU = SỰ CÔ ĐƠN
Nếu TÌNH YÊU = GIA ĐÌNH và GIA ĐÌNH = SỰ SỢ HÃI thì TÌNH YÊU = SỰ SỢ HÃI
Trí não của chị sẽ đồng hóa bất kỳ sự gắn kết nào về gia đình với những điều mà chị cảm nhận được về tình yêu. Vì vậy nếu "gia đình" được cảm nhận như sự đổ vỡ, chị có khuynh hướng tìm kiếm một bạn tình không cho chị đủ tình yêu, sự trìu mến hay quan tâm, kết cục chị sẽ cảm thấy cô đơn. Nếu "gia đình" mang đến cảm giác sợ hãi, chị có thể sẽ thu hút một người đàn ông luôn phê phán chị, vì vậy chị luôn thấy sợ hãi và không hạnh phúc. Nghĩa là một cách vô thức chị chọn những điều quen thuộc – CHỊ ĐANG QUAY TRỞ VỀ CẢM XÚC NGUỒN CỘI CỦA MÌNH.
Rõ ràng là, từ những gắn kết tích cực với gia đình, chúng ta cũng tìm cách tái tạo điều đó trong cuộc sống của mình khi trưởng thành. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng chính những mối gắn kết đau khổ lại có ảnh hưởng khó kiểm soát hơn, bởi vì chúng thường là vô thức. Nói cách khác, nếu chị lớn lên trong một gia đình nơi cha mẹ chị dành cho chị rất nhiều sự yêu thương nhưng lại phê phán chỉ trích nhau, thì một cách có ý thức chị có thể sẽ tìm kiếm một người bạn tình rất yêu thương chị, còn trong vô thức chị sẽ thu hút một người thường hay phê phán, chỉ trích.
Trong trường hợp của chị, chị xem tất cả những người bạn trai trước đây là "gia đình", có thể là vì chị đã quan sát thấy bố hay mẹ của mình bị đối xử tệ bạc và bỏ rơi nhau, hoặc chị không cảm thấy được bố mẹ yêu thương trong thời thơ ấu. Vì vậy chị lại cảm thấy buông xuôi và bằng lòng với cách đối xử tệ hại của những người đàn ông mà chị đã từng có mối quan hệ! Và điều này giải thích cho vấn đề nan giải hiện chị đang mắc phải. Chị có tình yêu, và vì vậy có sự đam mê và quyến rũ về mặt tình dục, nhưng cảm giác đó gắn chặt trong tâm trí chị với sự tức giận và đau khổ. Mặt khác, dĩ nhiên chị không "cảm thấy" bị hấp dẫn bởi "người đàn ông tử tế" - anh ta làm cho chị cảm thấy quá tốt, quá dễ chịu!
Như tôi đã chia sẻ, tôi cũng từng rơi vào tình huống giống chị suốt nhiều năm liền của thời thanh niên. Rốt cuộc, đến khi tôi gặp được chồng mình - Jeffrey, tôi thậm chí không nhận ra rằng mình đang yêu suốt nhiều tháng liền, vì tôi không cảm thấy "ổn". Tôi đã từng quen với những đau khổ, sự căng thẳng, bất ổn, nỗi lo sợ bị chỉ trích và mất mát - tất cả những dấu hiệu của một mối quan hệ chẳng lành mạnh chút nào. Và đó là lần đầu tiên tôi thiết lập được mối quan hệ tình cảm với một người đàn ông trên cơ sở tình bạn, sự tin tưởng, cởi mở, sự an toàn, sự thấu hiểu và quan tâm chăm sóc thực sự, và tôi thậm chí đã không nhận ra điều đó bởi cảm giác được yêu thương thật bình yên làm sao!
Tôi đã mất một thời gian để phát hiện ra những cảm hứng tốt đẹp và đam mê mà tôi có được với Jeffrey, và thực sự tìm lại được trải nghiệm yêu thương. Chị biết không, khi tôi làm được điều đó, tôi cảm thấy bị hấp dẫn với chồng nhiều hơn bất kỳ người đàn ông nào khác trong đời mình! Vì vậy lời khuyên của tôi dành cho chị là: đừng vội chia tay với người đàn ông tuyệt vời này. Anh ấy là điều tốt đẹp nhất mà chị may mắn có được. Thay vào đó chị hãy làm một số việc để tìm hiểu và điều chỉnh lập trình tình cảm của mình: HÃY RŨ BỎ MÔ THỨC TÌNH CẢM CŨ, CHỨ KHÔNG PHẢI RỦ BỎ BẢN THÂN MÌNH, chị nhé.
Xem thêm câu hỏi 12 và 25
16. Tôi có thể tin rằng tình yêu của mình sẽ giúp anh ấy thay đổi tâm tính theo hướng tích cực hơn và tình cảm của chúng tôi sẽ tốt đẹp theo thời gian không?
Vài tháng trước đây, tôi đã gặp một người đàn ông mà tôi thật sự rất thích. Chúng tôi rất hợp nhau, nhưng anh ấy hiện đang trải qua một giai đoạn khó khăn bởi anh đang hồi phục sau đợt cai nghiện và một cuộc ly dị tồi tệ mà anh đã mất phần lớn tài sản vào tay người vợ cũ. Tôi biết anh ấy rất buồn bực và tức giận, đồng thời cũng mất đi niềm tin vì những việc xảy ra trong quá khứ. Dù việc thể hiện tình cảm của anh ấy hiện nay là không dễ dàng, nhưng tôi biết ẩn sâu bên trong đó là một tâm hồn rất nhạy cảm, một người đầy tài năng và tôi cảm thấy là anh ấy cần có ai đó để tin yêu mình. Liệu tôi có thể tiếp tục mối quan hệ yêu đương này không?
Tôi sẽ không gọi chuyện của chị là một mối quan hệ yêu đương – vì nó gần như là cuộc chơi mà chị không biết phần thưởng là gì, và tôi rất tiếc phải nói rằng tình hình đang diễn ra bất lợi với chị. Chị không yêu chính bản thân người đàn ông mà chị cảm thấy "rất hợp", mà chị đang yêu một người khiến chị hy vọng rằng tâm tính của anh ấy sẽ biến đổi theo chiều hướng tốt đẹp. Tôi cảm thấy chị nói về người đàn ông này như thể anh ấy là một dự án, là một hiện tượng có thể sửa đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Người đàn ông chị mô tả thậm chí không thể yêu chính con người của anh ta, chứ đừng nói là yêu chị. Rõ ràng là tất cả mối quan hệ giữa hai người chỉ bao hàm một số hy vọng, cùng với sự tin tưởng về phía chị rằng người yêu của mình "sẽ thay đổi" và ngày càng hoàn thiện về suy nghĩ và tính cách. Nhưng vấn đề then chốt trong tình yêu là chị phải có cảm giác hài lòng mãn nguyện với chính con người hiện tại của người yêu, chứ không phải là việc sống cho tương lai mà chị tưởng tượng là sẽ có. Một mối quan hệ tốt đẹp và bền vững với một người nào đó có nghĩa là chị yêu thương vì chính con người hiện tại của anh ấy, chứ không phải sự thương hại, yêu một cách mù quáng mặc kệ hoàn cảnh của anh ta, hay yêu trong niềm hy vọng rằng tâm tính người ấy sẽ thay đổi trong tương lai.
Sâu kín trong lòng, chị biết tất cả điều này, nhưng chị phớt lờ sự thật bởi mối quan hệ này quá hấp dẫn đối với chị, hầu như chị không thể kháng cự lại, và rất khó để từ bỏ. Điều này có những nguyên nhân mà ta cần xem xét kỹ. Những người có khuynh hướng bị hút vào các mối quan hệ như thế này thường là người gặp một số vấn đề về tâm lý, cụ thể là các tình huống sau:
Người muốn kiểm soát mọi việc trong các mối quan hệ. Khi chị yêu thương ai đó với hy vọng cải thiện được anh ta, chị sẽ cảm thấy mình ở một vị trí cao hơn. Trong tiềm thức, chị thấy rằng mình có khả năng khiến mọi việc thay đổi theo chiều hướng tích cực. Điều này hấp dẫn và thôi thúc chị kiểm soát và phê bình mọi việc xoay quanh người đàn ông của mình.
Không dám nhìn thẳng vào thực tại và ấp ủ những giấc mơ của mình bằng cách dồn sức vào việc thay đổi người yêu. Khi chị phải bận rộn tìm cách giúp người khác tiến bộ hơn, chị không còn nhiều thời gian để đối mặt với cảm giác không hoàn thiện hay nỗi sợ của chính mình.
Người từ bé đã có suy nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ có được những điều mình mong muốn. Nếu tuổi thơ chị cảm thấy mình bị chối bỏ hay không được yêu thương thì khi lớn lên, chị thường tin rằng mình cũng sẽ gặp phải những chuyện như thế. Và vì vậy, một cách vô thức, chị hướng đến những người đàn ông không thể mang lại hạnh phúc cho chị. Nghĩa là chị đang "trở về với nguồn cội gia đình mình" (xem câu hỏi 15).
Nếu chị quan tâm đến người đàn ông này, hãy chấm dứt ngay mối quan hệ với anh ta. Điều đó nghe có vẻ lạ phải không? Tuy nhiên, nếu chị cứ duy trì tức là chị đã chọn cho cả hai lối đi vào ngõ cụt. Chẳng bao lâu sau chị sẽ vô cùng tức giận vì anh ta làm cho chị thất vọng, và chị sẽ cảm thấy cay đắng vì mình đã tốn quá nhiều thời gian mà anh ta không hề thay đổi. Và trên hết là cảm giác tội lỗi vì phải từ chối người mà chị đã hứa trao tặng lòng kiên nhẫn và tình yêu bất diệt. Việc kết thúc tình cảm đó ngay bây giờ sẽ giúp anh ấy được sống tự do và có thời gian chữa lành vết thương lòng. Còn với chị, nó sẽ mở ra cơ hội để chị quen biết một ai đó có thể khiến chị yêu thương và quý trọng vì chính con người hiện tại của họ.
17. Liệu tôi có quá "kén cá chọn canh" trong việc lựa chọn người bạn đời của mình?
Tôi đã hơn 30 tuổi, vẫn còn sống độc thân và tôi đang gặp khó khăn trong việc chọn lựa người đàn ông phù hợp cho cuộc đời mình. Bạn bè nói rằng tôi là kẻ "kén cá chọn canh" và cảnh báo rằng tôi sẽ không bao giờ chọn được người đàn ông nào nếu tôi không bớt tính kén chọn đi. Nhưng tôi e rằng nếu tôi ít cẩn thận hơn, cuối cùng tôi sẽ gặp một người chẳng hợp với tôi chút nào. Chị có câu trả lời nào dành cho tôi không?
Trước tiên, tôi muốn nói về cụm từ "kén cá chọn canh" thực sự có nghĩa là gì. Ví dụ, em gặp một người đàn ông có tất cả những phẩm chất mà em muốn tìm – ngoại trừ một nỗi là em thích chơi tennis còn anh ta thì không, thế là em cho anh ta "lên đường" ngay lập tức; hoặc giả một người đàn ông tìm được một người phụ nữ với gần đủ các tiêu chuẩn mà anh ta hằng mơ ước – ngoại trừ việc cô ấy không thể sụt được 10 cân, và vì vậy anh ta kết thúc ngay mối quan hệ này. Em hiểu ý tôi nói gì không? Một người được cho là "kén cá chọn canh" khi anh ta chăm chăm nhìn vào những điều nhỏ nhặt không như ý ở người yêu – những điều chẳng ảnh hưởng chút nào đến cốt lõi mối quan hệ của hai người – và sử dụng những thiếu sót này như cái cớ để né tránh sự gần gũi thân mật và che giấu nỗi sợ rằng bản thân mình cũng có những thiếu sót như ai. Đó là tâm lý "Tôi sẽ từ chối cô trước khi cô có cơ hội từ chối tôi". Nếu em đúng là người như vậy thì em hãy dành thời gian để quan sát tìm hiểu nỗi lo sợ trong lòng, vốn là nguyên nhân sâu xa khiến em có thái độ hay phê bình, chỉ trích.
Tuy nhiên, thực tế câu hỏi của em lại cho tôi cảm giác em là người cẩn thận trong việc chọn lựa bạn đời chứ không phải là dạng người kén cá chọn canh. Tôi nghĩ em đang muốn tìm cho mình một người cho em cảm giác an tâm để chung sống suốt đời - người mà em cảm thấy tương hợp trong nhiều lĩnh vực cuộc sống. Tôi chia sẻ 10 khía cạnh mà em nên quan tâm để tìm thấy người bạn đời phù hợp:
• Hình thể: diện mạo, vẻ đẹp cơ thể, sự khỏe mạnh, thói quen ăn uống, v.v.
• Cảm xúc: thái độ đối với những mối quan hệ tình cảm, khả năng bộc lộ cảm xúc, sự chân thành trong bày tỏ tình cảm.
• Quan hệ xã hội: tính tình, nhân cách, khả năng giao tiếp với người xung quanh.
• Tri thức: nền tảng giáo dục, thái độ đối với việc học, khả năng am hiểu văn hóa và kiến thức xã hội.
• Tình dục: kinh nghiệm và kỹ năng tình dục, sự trân trọng bạn tình, thái độ trong quan hệ tình dục.
• Giao tiếp: cách thức giao tiếp, thái độ đối với việc giao tiếp.
• Nghề nghiệp/tài chính: thái độ đối với tiền bạc, sự thành công, công việc và khả năng tổ chức cuộc sống.
• Sự phát triển cá nhân: phát triển các mối quan hệ, khả năng nhìn nhận và tự thay đổi bản thân.
• Tâm linh: niềm tin tôn giáo, hoạt động tâm linh, quan niệm về cuộc sống, tư cách đạo đức.
• Các sở thích và mối quan tâm
Em không cần đòi hỏi sự phù hợp tuyệt đối với người ấy trong tất cả các khía cạnh trên đây, chỉ cần sự tương hợp ở mức độ cao trong những lĩnh vực mà với em là quan trọng nhất.
Sự thật là tôi ước mong có nhiều người "kén chọn" như em. Khi đó sẽ ít có các cuộc ly hôn và mối quan hệ giữa vợ chồng sẽ bền chặt hơn, thấu hiểu hơn. Vì vậy em đừng bao giờ để mình bị áp lực từ gia đình hay bè bạn mà dễ dàng thỏa hiệp trong những điều mà em biết rõ là quan trọng đối với mình. Và em cũng đừng đầu hàng bởi chiếc đồng hồ do chính con người tự tạo ra và áp đặt rằng em phải kết hôn trước một độ tuổi nào đó. Hãy nhớ rằng, người bạn tâm giao của em đang chờ đợi em ở đâu đó phía trước. Người đàn ông ấy không muốn em đầu hàng trong cuộc tìm kiếm này đâu.
"Hãy chờ anh nhé!" là lời thầm thì anh ấy gửi đến em. Và khi hai người tìm thấy nhau, tôi biết rằng các bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc xứng đáng. Em hãy kiên nhẫn chờ đợi hạnh phúc của đời mình, dù việc đó có mất bao lâu thời gian đi nữa.
Tham khảo thêm câu hỏi số 26
18. Liệu các mối quan hệ cách xa về mặt địa lý có kết quả tốt đẹp không?
Năm ngoái tôi gặp một người đàn ông tuyệt vời trong đám cưới cô bạn thân, và chúng tôi đã có tình cảm với nhau kể từ đó. Vấn đề là chúng tôi ở hai đầu đất nước, cách xa nhau đến hai ngàn dặm (trên 3.000 km). Liệu mối quan hệ của chúng tôi có cơ hội thành công không? Làm thế nào chúng tôi có thể duy trì tình cảm này và phát triển thành mối quan hệ bền vững khi chúng tôi ở xa nhau đến vậy?
Dĩ nhiên mối quan hệ của hai bạn có cơ hội đơm hoa kết trái, nhưng vì đó là chuyện tình từ xa nên bạn cần nhìn nhận kỹ để tránh một số vấn đề có thể xảy ra. "Tình yêu trong xa cách ví như ngọn lửa trong gió, gió thổi tắt ngọn lửa nhỏ và thổi bùng ngọn lửa lớn"; vì vậy mối quan hệ của bạn có thể trở nên đầy bất trắc hoặc sẽ rất thú vị và bền chặt. Ở trường hợp của bạn, bạn dễ có khuynh hướng nghĩ rằng mối quan hệ này sẽ tốt đẹp hơn nếu cả hai có nhiều thời gian bên nhau hơn. Do đó, bạn thường quan tâm đến việc làm sao để được gặp nhau nhiều hơn là thực sự quan tâm và suy xét mối quan hệ này một cách cẩn thận.
Vì vậy, tôi muốn chia sẻ với bạn ba vấn đề chính trong những mối quan hệ xa nhau về khoảng cách:
1. Bạn khó thấy được bản chất thật sự của người mình yêu
Nếu chỉ có 3 ngày để sống cạnh người yêu, cả hai bạn sẽ khó có dịp bộc lộ con người thật sự của mình. Thật dễ che giấu những tính xấu hay khuyết điểm trong suốt 72 giờ đồng hồ đó và sau cùng cả hai chia tay với cảm giác tuyệt vời về người yêu. Nhưng như vậy thì hai bạn sẽ không bao giờ thực sự hiểu được nhau, vì bạn chưa bao giờ thấy người kia phản ứng thế nào khi bị áp lực công việc hay gặp phải vấn đề gì đó, hoặc lúc bệnh tật, sợ hãi. Tất cả những tình huống này sẽ bộc lộ rất nhiều tính cách của một người, và đó là điều then chốt quyết định sự tương hợp giữa hai người yêu nhau. Bạn cần nhiều thời gian hơn để phát hiện ra những mặt tính cách khác nhau của người yêu.
2. Bạn tránh né giải quyết những vấn đề rắc rối
Hãy thử tưởng tượng đã hai tháng nay bạn chưa được gặp người yêu của mình, và dù ở rất xa nhưng anh ấy đã bay đến tận hưởng ngày cuối tuần với bạn. Trong buổi ăn tối hôm đó anh ấy nói điều gì đấy khiến bạn bực mình. Và bạn sẽ cân nhắc: có nên nói rõ với anh ấy về điều khiến bạn khó chịu, mặc nguy cơ nó có thể làm hỏng ngày nghỉ cuối tuần của cả hai; hay bạn sẽ bỏ qua chuyện đó? Phần lớn mọi người chọn cách né tránh sự đối đầu, vì họ sợ rằng khi giải quyết xong hiểu lầm thì thời gian quý giá bên nhau đã trôi mất; đôi khi
họ e ngại làm tổn thương nhau. Thói quen này khiến bạn và bạn trai chưa bao giờ học cách giải quyết những mâu thuẫn phát sinh, hay thúc đẩy mối quan hệ đến sự thông hiểu và hòa hợp sâu sắc hơn. Chính những vấn đề chưa được giải quyết đó và sự bực mình, không hài lòng về nhau mà không nói ra sẽ hun đúc thành những Quả Bom Cảm Xúc Định Giờ, chỉ chực nổ tung bất kỳ lúc nào. Vì thế, nhìn từ bên ngoài có vẻ mối quan hệ của bạn thật tốt đẹp, nhưng nó chưa có cơ hội trải qua các giai đoạn thử thách và phát triển thông thường như các mối quan hệ yêu đương lành mạnh khác.
3. Bạn có cái nhìn "ảo tưởng" về sự tương hợp lứa đôi
Những người yêu nhau trong xa cách thường không biết được rằng họ có rất ít suy nghĩ và quan điểm giống nhau bởi họ thường chiều chuộng và làm vui lòng nhau. Nếu bạn chỉ có ba ngày ở cùng bạn trai của mình, bạn sẽ xem đó như một kỳ nghỉ nho nhỏ - hai bạn sẽ dành toàn bộ thời gian cho nhau với việc đi chơi, xem phim, quan hệ ân ái và những việc lãng mạn khác, thậm chí các bạn sẽ tránh cả bạn bè, gia đình mình. Điều này sẽ cho bạn một bức tranh hoàn hảo và rất không thực tế về mối quan hệ của hai người. Bạn có thể sẽ tận hưởng những điều vui vẻ của ngày nghỉ cuối tuần một cách quá hiển nhiên nên quên cả việc xem xét lại mối quan hệ này và bản thân bạn trai bạn. Nhiều đôi lứa đã vô cùng thất vọng khi cuối cùng họ chuyển đến sống cùng thành phố hay quyết định chung sống với nhau. Họ than thở "Cuộc sống chung bây giờ sao chẳng giống như trước nữa". Dĩ nhiên, nó sẽ không giống chút nào. Nó không còn là buổi dạ tiệc tình nhân 24 giờ một ngày nữa, mà là một mối quan hệ toàn thời gian thực sự, và nếu bạn và người yêu của mình không hiểu và hợp ý nhau trong quan điểm sống, bạn sẽ nhanh chóng nhận thấy điều ấy ngay thôi.
Để một tình yêu cách biệt về mặt địa lý phát triển thành mối quan hệ lành mạnh, bền vững, cả hai người sẽ phải sống ở cùng một nơi. Đó là cách duy nhất để bạn thực sự biết được hai bạn có tương hợp với nhau không, và vun đắp sự thân thiết gần gũi để duy trì tình yêu này. Nhưng trong thời gian hai người sống cách xa nhau, những mối quan hệ thành công nhất có được khi họ phát triển nó giống cách của những mối tình thông thường. Vì vậy:
• Đừng nỗ lực làm cho mỗi phút giây bên nhau trở nên quá đặc biệt, mà hãy cùng nhau làm những việc bình thường như trong sinh hoạt hằng ngày.
• Đừng cố gắng che giấu những khuyết điểm trong tính cách của nhau, hãy là chính bạn.
• Không che giấu cảm xúc của bạn, mà hãy cho phép bản thân thể hiện một cách chân thật và giải quyết những mâu thuẫn khi chúng xuất hiện.
19. Những khác biệt văn hóa trong mối quan hệ lứa đôi đóng vai trò quan trọng như thế nào?
Tôi và vợ sắp cưới có hai nền tảng văn hóa rất khác biệt – văn hóa gia đình cô ấy mang tính truyền thống và nghiêm khắc hơn về mặt xã hội và tâm linh, so với văn hóa gia đình Mỹ mà tôi trưởng thành từ đó. Tôi và cô ấy luôn bảo nhau rằng tình yêu của chúng tôi quan trọng hơn là nơi chốn chúng tôi sinh ra. Liệu điều này có đúng?
Trước tiên, anh phải xác định là những khác biệt luôn luôn rất quan trọng – chỉ là có bao nhiêu mâu thuẫn trong mối quan hệ lứa đôi và những mâu thuẫn đó nhiều như thế nào do những khác biệt văn hóa tạo ra. Tình yêu không thôi thì chưa đủ để một mối quan hệ có kết quả tốt đẹp: anh cần có sự tương hợp với người vợ sắp cưới của mình, và như anh thấy đó, những khác biệt văn hóa không chỉ là vấn đề nơi "chôn nhau cắt rốn" của anh chị. Những khác biệt này liên quan đến phần lớn các lĩnh vực trong cuộc sống, từ niềm tin tôn giáo, phong cách ứng xử - giao tiếp xã hội, tri thức và tình cảm; các giá trị đạo đức, sự lựa chọn của anh chị trong cách giáo dục con cái, các phong tục tập quán, v.v. Tất nhiên anh và vợ sắp cưới không nhất thiết phải có cùng những trải nghiệm cuộc sống và tương đồng về tất cả mọi việc. Nhưng đôi khi, chỉ một vài điểm khác biệt không thể dung hòa được sẽ tạo ra sự căng thẳng, khiến cho mối quan hệ giữa một đôi vợ chồng phát sinh rắc rối và khó thông cảm cho nhau.
Có lẽ hiện tại anh chị đang đối diện với một số khác biệt lớn mà trước đây chưa xuất hiện một cách rõ ràng nên anh mới hỏi tôi câu hỏi này. Tôi đoán rằng cả hai anh chị đang tránh nói chuyện một cách nghiêm túc về những điểm khác nhau trong văn hóa của mình suốt cả thời gian hẹn hò bởi vì về trực giác anh biết rằng đó sẽ là những "phím nóng". Và tôi có thể nhận thấy anh đang có một số nghi ngờ xác đáng. Đó là những điều gắn liền với một cuộc đính hôn – đây là khoảng thời gian mà anh có thể xem xét một cách chân thật tất cả những điều khiến mình băn khoăn, và anh chị cần hành động nhằm đi đến một thỏa thuận về việc hòa hợp tất cả những khác biệt văn hóa của mình.
Tôi hiểu điều anh e ngại là khi đối mặt với những chủ đề này, anh chị có thể sẽ phát hiện rằng những giá trị và niềm tin của hai người là quá khác biệt để có thể sống hòa hợp với nhau. Dù điều đó có gây ra sự thất vọng và khó chịu thế nào chăng nữa, anh chị hãy can đảm bàn bạc tất cả những điều khiến cả hai phiền hà, lo lắng. Cuối cùng, nếu việc này không có tác dụng, tốt hơn là anh chị nên tìm cách nào đó để tìm ra "mấu chốt khác biệt" đó, thay vì phải chờ đợi đến khi anh chị kết hôn và có con!
20. Người yêu tôi quá phụ thuộc vào bố mẹ, liệu điều này có ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ của chúng tôi?
Chồng sắp cưới của tôi đã 33 tuổi nhưng anh ấy cư xử như thể trẻ lên 3, vì bố mẹ anh, đặc biệt là mẹ vẫn còn kiểm soát mọi việc trong cuộc sống riêng của anh. Hằng ngày anh ấy đều gọi điện thoại cho mẹ, còn bà thì hầu như gọi cho anh mỗi giờ mà không hề tôn trọng giờ giấc sinh hoạt của chúng tôi. Hiện tại chúng tôi đã đính hôn, và mẹ anh ấy áp đặt mọi ý kiến của bà về đám cưới sắp diễn ra, kết quả là chúng tôi thường xuyên cãi vã về mẹ chồng tương lai của tôi. Tôi đã cố gắng nói với anh ấy hãy xem lại mối quan hệ của anh với bố mẹ mình, nhưng anh ấy nói rằng họ là một gia đình có sự gắn kết chặt chẽ, và chẳng có gì bất thường về việc đó. Thời thơ ấu của tôi vốn không hạnh phúc, và tôi có mối quan hệ rất xa cách với chính ba mẹ mình, vì vậy tôi tự hỏi liệu mình có đánh giá sai về gia đình anh ấy không. Hãy giúp tôi với!
Tôi nghĩ chị đã biết khá rõ câu trả lời: Chị không thể cưới một người đàn ông có sự gắn bó và phụ thuộc quá nhiều vào bố mẹ. Thực ra thì chị có thể kết hôn với người ấy, nhưng chị sẽ cảm thấy khổ sở vô cùng. Những vướng mắc hiện tại cho thấy các dấu hiệu của sự rạn vỡ trong mối quan hệ bố mẹ chồng và nàng dâu. Các bậc phụ huynh này không hề tôn trọng cuộc sống riêng tư cũng như lằn ranh của họ với mối quan hệ vợ chồng của anh chị và ranh giới giữa họ với chồng sắp cưới của chị. Dần dần, họ sẽ can thiệp vào cả cuộc đời chị, trở thành người rút mất thời gian và năng lượng của chị; thậm chí phản đối chị hay phản đối cuộc hôn nhân này. Bởi vì với họ, chị là một người ngoài cuộc, họ không chấp nhận con trai vượt khỏi vòng tay mình và sẽ phiền trách chị vì đã cướp mất con trai họ.
Những việc này nghe thật tệ phải không? Tuy nhiên, chúng chẳng là gì so với việc bố mẹ chồng tương lai của chị sẽ xen vào giữa chị và chồng chị bằng cách tạo ra sự bất đồng trong mối quan hệ của anh chị. Tôi có cảm giác rằng điều đó đang xảy ra! Và kết quả là chị không còn cảm thấy chồng quan tâm đến mong muốn hay sở thích của mình và tức giận bởi anh ấy luôn làm theo sự chỉ đạo của bố mẹ; còn anh ấy thì hiểu lầm và cho rằng chị cư xử quá quắt. Nếu chị nghĩ rằng điều đó thật tệ, hãy đợi cho đến khi chị trở thành một người mẹ để hiểu suy nghĩ của mẹ chồng chị!
Nhưng dù sao, bố mẹ chồng tương lai của chị vẫn chưa phải là rắc rối chính – mà vấn đề nằm ở chính chồng chị. Nếu anh ấy xác định rõ lập trường của mình và đặt ra giới hạn trong mối quan hệ với cha mẹ, thì dù có nỗ lực bao nhiêu chăng nữa họ vẫn không thể đặt ảnh hưởng của mình lên anh chị được. Anh ấy cần phải xem chị là số một trong đời mình, bởi chị - chứ không phải bố mẹ anh - chung sống và chia sẻ mọi việc với anh trong suốt quãng đời còn lại. Chị phải là ưu tiên hàng đầu và cuộc hôn nhân này phải đứng vị trí đầu tiên, trước cả mối quan hệ ruột thịt của anh.
Sau đây là các thông điệp mà những người như chồng chị phải tỏ rõ với các bậc phụ huynh nếu muốn có một cuộc sống riêng hạnh phúc với người mình yêu, đồng thời cứu vãn mối quan hệ với bố mẹ:
1. Con đã chọn lựa vợ/chồng con làm người bạn tâm giao suốt đời, và con mong muốn bố mẹ đối xử với cô/anh ấy tôn trọng, chân thành và quý mến. Chúng con là một đôi, vì vậy khi bố mẹ ghét bỏ hay làm tổn thương cô/anh ấy, nó cũng sẽ làm con rất đau khổ.
2. Nếu bố mẹ không thể đối xử một cách tôn trọng với vợ/chồng con, thì con e rằng con sẽ không gặp bố mẹ thường xuyên như trước. Hoặc là bố mẹ sẽ gặp cả hai chúng con cùng nhau và dành cho vợ chồng con tình yêu thương thực sự, hoặc là bố mẹ sẽ rất ít khi gặp chúng con.
3. Nếu bố mẹ muốn đến thăm vợ chồng con, bố mẹ hãy gọi điện trước, và khi chúng con đang rảnh, chúng con sẽ báo cho bố mẹ biết. Còn lúc bố mẹ ở chơi nhà con, xin hãy đừng bảo con hay vợ con rằng phải làm việc này việc nọ để tổ chức cuộc sống của chúng con, nuôi dạy con cái, hay thậm chí cả việc sắp xếp bàn ghế trong nhà…
4. Bố mẹ cần tôn trọng thời gian và sự riêng tư của bọn con. Điều đó có nghĩa là con không muốn bố mẹ gọi điện đến nhà con năm lần một ngày. Hãy cho chúng con không gian riêng để sinh hoạt gia đình. Hiển nhiên là chúng con sẽ thường gọi điện và đến thăm bố mẹ những khi có thể.
5. Con biết việc này có thể là khó hiểu đối với bố mẹ, nhưng thực sự đó là cách chúng con mong muốn. Con rất cần bố mẹ trong cuộc đời con, nhưng với điều kiện là bố mẹ chấp nhận và tôn trọng cuộc hôn nhân của chúng con.
Nếu chị cùng bàn luận việc này với chồng tương lai của mình, và anh ấy liên tục từ chối việc trò chuyện thẳng thắn với bố mẹ mình, chị hãy thử đề nghị anh ấy đi tư vấn để có thêm ý kiến từ các chuyên gia tâm lý. Nếu anh ấy vẫn từ chối điều đó, chị nên tự hỏi vì sao mình vẫn tiếp tục mối quan hệ này trong khi biết mọi việc sẽ không tiến triển tốt hơn và cuộc hôn nhân của chị đang dần tan vỡ ngay từ khi chưa bắt đầu. Vậy thì đừng kết hôn trừ phi vấn đề này được giải quyết ổn thỏa nhé!
21. Tại sao tôi luôn yêu những người phụ nữ cần được cứu giúp?
Người phụ nữ mà tôi đang hẹn hò hiện gặp rất nhiều rắc rối, cô ấy quả thật là một mớ bòng bong! Tôi phải dành rất nhiều thời gian của mình để giúp đỡ cô ấy những vấn đề lớn về tài chính và tình cảm, đôi khi tôi cảm thấy mình như một "ông bố" vậy. Tôi không thể tin rằng mình lại giẫm vào vết xe đổ một lần nữa - đó là lần thứ ba tôi có mối quan hệ với dạng phụ nữ "nạn nhân" như thế này. Vì sao tôi cứ lặp lại những quan hệ này, và làm sao tôi có thể ngưng được việc đó?
Thử nghĩ xem tại sao anh lại làm như vậy? Là vì anh thích cứu giúp phụ nữ, anh thích cảm giác mình là người mạnh mẽ, quan trọng, ở vị trí "bề trên" và có thể kiểm soát người khác. Những người hứng thú với việc cứu giúp người khác như anh có khuynh hướng bị cuốn hút vào những người bị tổn thương, đang đau khổ hoặc thiếu thốn tình cảm – tựa như ruồi bị cuốn vào mật ngọt vậy. Những mối quan hệ này thu hút anh một cách êm ái nhưng chặt chẽ, và thật khó mà thoát ra được! Nhưng cuối cùng anh cũng nhận ra điều đó, và tỏ ra rất muốn thay đổi. Đó là một tin tốt lành rồi!
Anh nên nhớ rằng trong tất cả các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, người cứu giúp và nạn nhân luôn có sự gắn kết hai chiều, họ luôn cần có nhau như hai mặt của một tờ giấy vậy. Nếu anh là mẫu người hùng "Robin Hood tình cảm", luôn đi tìm những người cần giúp đỡ, thì có thể anh đang trong quá trình hoàn thành những việc chưa thực hiện được trong thời niên thiếu. Khi đó anh là một cậu bé rất cần cứu giúp bố hoặc mẹ hay bất kỳ thành viên nào khác trong gia đình, nhưng nỗ lực đó đã không thành công. Hoặc có thể anh đang nỗ lực cứu giúp chính bản thân mình bởi những trải nghiệm thời thơ ấu vẫn còn ám ảnh anh. Vấn đề là, giống như tất cả những người hùng ra tay nghĩa hiệp khác, anh đang nhầm lẫn sự thương cảm với tình yêu.
Từ kinh nghiệm thực tế của mình, anh đã biết là kiểu quan hệ này chẳng bao giờ thành công nhưng anh lại hành động như thể một người cha: chiều chuộng, giúp đỡ người yêu để không làm cô ấy tức giận, và đưa ra đủ lý do để bào chữa cho hành vi của cô ấy. Cuối cùng, sự bực tức của anh gia tăng và dù muốn chia tay, anh lại cảm thấy mình bị mắc kẹt, cảm thấy tội lỗi và khó dứt áo ra đi. Và sau cùng, đến lúc không thể chịu đựng nổi thì anh phải từ bỏ, rồi cảm thấy như thể mình bỏ rơi người yêu, và tự dằn vặt mình là kẻ "thất bại". Nghe thật là nực cười phải không nào!
Anh hỏi làm sao anh có thể dừng lại được mối quan hệ này. Câu trả lời của tôi đây: Chỉ đơn giản là dừng lại thôi. Anh hãy kết thúc mối quan hệ này trước khi nó trở nên tồi tệ hơn; và khuyến khích cô bạn gái tìm kiếm sự giúp đỡ theo cách khác hoặc từ người khác. Anh cũng cần dành thời gian nhìn lại các vấn đề của mình và những điều khiến anh bị gắn chặt với dạng tình yêu bất thường này. Hãy làm một danh sách liệt kê tất cả những phẩm chất mà anh mong muốn ở người phụ nữ mình sẽ yêu, tiếp theo là một danh sách gồm những dấu hiệu cảnh báo về một người yêu dạng "nạn nhân cần được cứu giúp" như người bạn gái hiện tại của anh. Và anh hãy đọc hai danh sách này thường xuyên. Và khi anh bắt đầu hẹn hò với một người phụ nữ khác, anh hãy đọc lại hai bản danh sách này, nhẩm chúng trong đầu ngay trong cuộc hẹn và cả sau khi ai về nhà nấy (nếu anh thật sự thấy cần). Điều này sẽ giúp anh kháng cự lại sự quyến rũ chết người của câu chuyện "anh hùng cứu mỹ nhân" kế tiếp trong khi anh đang hồi phục bản thân sau những rắc rối vừa mắc phải.
22. Sự khác biệt lớn về tuổi tác ảnh hưởng thế nào trong mối quan hệ lứa đôi?
Tôi 31 tuổi, hiện đang yêu một người đàn ông lớn hơn mình 22 tuổi. Anh ấy đã ly hôn và con cái của anh chỉ nhỏ hơn tôi một ít tuổi. Gia đình tôi đã bộc lộ thẳng thừng rằng họ không đồng tình với mối quan hệ của chúng tôi và cho rằng tôi đang phạm một sai lầm rất lớn. Vậy tôi có quá ngây thơ khi cho rằng sự khác biệt về tuổi tác của chúng tôi là không quan trọng?
Vâng, chị là một phụ nữ thật ngây thơ! Bởi sự khác biệt về tuổi tác là quan trọng - bên cạnh tất cả những khác biệt khác về hoàn cảnh và tính cách của hai người. Vì vậy nếu chị không quan tâm đến những vấn đề này ngay khi bắt đầu mối quan hệ, chị sẽ khó có một kết quả tốt đẹp. Khi chị nghĩ đơn giản rằng không có vấn đề gì, thì đó là lúc chị cố kìm nén những mối lo ngại vì sợ rằng điều đó sẽ làm hỏng mối quan hệ này. Cả chị và người yêu của chị cần thẳng thắn và trực tiếp nhìn nhận mọi vấn đề và thảo luận về những khúc mắc đang xảy ra hoặc có khả năng xuất hiện do sự khác biệt về tuổi tác giữa hai người.
Sự khác biệt "lớn" về tuổi tác giữa những người yêu nhau có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng, thậm chí không thể giải quyết được. Từ "lớn" ở đây có ý nghĩa đặc biệt chị ạ: nếu người yêu của chị lớn hay nhỏ hơn chị từ bốn đến năm tuổi, điều đó không tạo ra sự khác biệt lớn lắm. Tuy nhiên, nếu người yêu của chị lớn hoặc nhỏ hơn chị từ 10 tuổi trở lên, sự khác biệt tuổi tác đó có thể gây ra nhiều khó khăn tùy vào độ tuổi và những khía cạnh khác trong tính cách của hai người. Tôi thấy rằng sự chênh lệch về tuổi tác ít quan trọng hơn khi cả hai người đã đứng tuổi. Ví dụ, sự chênh lệch 15 tuổi giữa một người đàn ông 35 tuổi và một phụ nữ 20 tuổi có thể sẽ gây ra nhiều rủi ro hơn khi người đàn ông 65 tuổi và phụ nữ 50 tuổi. Sự khác biệt tuổi tác sẽ ảnh hưởng đến trường hợp đầu tiên nhiều hơn, bởi vì mức độ chín chắn và kinh nghiệm sống ở cặp đôi này thấp hơn nên độ tương hợp và thấu hiểu nhau không nhiều bằng cặp đôi thứ hai.
Sau đây là một số vấn đề phổ biến nhất mà các cặp tình nhân chênh lệch tuổi thường gặp phải:
NẾU BẠN LỚN TUỔI HƠN NGƯỜI YÊU CỦA MÌNH
1. Bạn có thể thiếu kiên nhẫn với người yêu của mình.
Nếu bạn lớn tuổi hơn người yêu rất nhiều, bạn có thể mất kiên nhẫn vì sự không chín chắn và "trẻ con" của cô ấy/ anh ấy, sự thiếu kinh nghiệm sống và vốn kiến thức văn hóa - xã hội ít ỏi. Điều này chắc chắn đúng nếu người yêu của bạn từ 20 đến 30 tuổi bởi bản thân bạn đã từng trải qua rất nhiều vấn đề mà người yêu của bạn đang cố giải quyết. Và, dù bạn từng gặp khủng hoảng và phạm lỗi lầm, bạn cũng học được cách vượt qua khó khăn một cách đúng đắn, rằng mọi việc cuối cùng luôn có cách giải quyết. Vì vậy, nhìn người yêu nhỏ tuổi của mình vấp ngã bởi chính những trải nghiệm mà mình từng có sẽ là việc không dễ dàng với bạn, khiến bạn trở nên thiếu kiên nhẫn với người ấy.
2. Bạn có khuynh hướng hành động như một ông bố/ bà mẹ đối với người yêu.
Khi kinh nghiệm sống của bạn nhiều hơn người yêu từ 10 đến 30 năm, bạn sẽ thấy rằng mình cần phải giúp đỡ, khuyên răn người ấy chỉnh sửa những sai lầm, và thậm chí định hướng cho người yêu của mình. Chính vì bạn đã từng trải qua những vấn đề đó trước đây – nhờ vậy mà bạn biết cách tốt nhất để chia sẻ với cô ấy. Dĩ nhiên, bạn có ý định như vậy vì bạn quá yêu thương và nỗ lực giúp đỡ người yêu của mình. Nhưng kết quả đạt được có thể phá hoại mối quan hệ của bạn. BẠN BẮT ĐẦU HÀNH ĐỘNG GIỐNG NHƯ MỘT ÔNG BỐ/BÀ MẸ VÀ ĐỐI XỬ VỚI NGƯỜI YÊU CỦA MÌNH HỆT NHƯ CÁCH BẠN ĐỐI XỬ VỚI MỘT ĐỨA TRẺ. Một cách tự nhiên, người yêu của bạn sẽ cảm thấy không được bạn tin tưởng và tôn trọng. Sau cùng, người ấy sẽ phản ứng lại giống như một thiếu niên nổi loạn – trở nên căm ghét bạn và rút lui khỏi mối quan hệ này. Hơn thế nữa, trò chơi bố/mẹ - con này sẽ nhanh chóng hủy hoại sự đam mê trong cuộc sống tình dục của hai người.
3. Bạn ổn định về tài chính hơn so với người yêu.
Phần lớn những người lớn tuổi đều có tài chính vững vàng, và vì vậy họ dường như có "quyền" hơn trong mối quan hệ yêu đương với người nhỏ tuổi hơn mình. Bạn đã có được nhiều năm hơn để ổn định sự nghiệp, phát triển thu nhập, mua tài sản và những vật chất khác… Sự vượt trội về tài chính có thể gây ra căng thẳng giữa bạn và người yêu bằng nhiều cách khác nhau – chung quy lại là vấn đề chu cấp kinh tế nhiều hơn có thể khiến bạn bực bội và chán nản. Đặc biệt nếu bạn là phụ nữ, bạn có thể cảm thấy mình là người đưa ra những quyết định quan trọng (chi tiêu vào việc gì, nên mua sắm những vật dụng gì, gia đình nên đi nghỉ mát ở đâu…) bởi đó là tiền của bạn. Hệ quả là người yêu của bạn sẽ khó chịu và cảm thấy không được tôn trọng. Bạn cũng có thể gặp khó khăn trong việc cân bằng tiêu chuẩn sống và mức hưởng thụ của mình để phù hợp với người yêu.
4. Bạn có khuynh hướng dễ kiểm soát người yêu của mình.
Tất cả những dấu hiệu cảnh báo trên sẽ khiến bạn thích trở thành người nắm uy quyền và kiểm soát người yêu của mình. Bạn thành công hơn, có tiền bạc và kinh nghiệm sống nhiều hơn, vì vậy bạn dễ "lên mặt" và muốn quản lý người yêu trong mọi trường hợp.
5. Bạn có khuynh hướng dễ thỏa hiệp hay từ bỏ những sở thích bản thân, bè bạn và những hoạt động khác để phù hợp hơn với người yêu.
Nếu người yêu của bạn trẻ hơn bạn nhiều, bạn có thể từ bỏ những sở thích mà người ấy không thích hay phát triển những thói quen mới để làm cho bạn có vẻ trẻ trung và phù hợp hơn với họ.
Nếu bạn quan hệ với một người trẻ tuổi hơn nhiều, sau đây là những câu hỏi mà bạn cần tự hỏi mình:
"Tôi có tôn trọng người yêu của tôi không?" "Tôi có tự hào về người yêu không?"
"Tôi có tin tưởng người yêu không?"
"Tôi học hỏi được gì từ người yêu của mình?"
Việc trả lời những câu hỏi trên sẽ giúp bạn nhìn nhận và hiểu rõ mối quan hệ của mình để thay đổi và vun đắp thành một tình cảm bền vững, lâu dài.
NẾU BẠN NHỎ TUỔI HƠN NGƯỜI YÊU CỦA MÌNH
1. Có thể bạn sẽ tôn thờ người yêu quá mức và xem nhẹ bản thân mình.
Nếu người yêu của bạn lớn tuổi hơn bạn nhiều, anh ấy/ cô ấy có thể thành công hơn, có nhiều kinh nghiệm sống và tài chính tốt hơn bạn nhiều. Điều này có thể khiến bạn bị cuốn vào cảm giác vô thức rằng người yêu của bạn "hoàn hảo" hơn, làm cho bạn có cái nhìn lý tưởng hóa về anh ấy/ cô ấy hơn là nhận thức đúng con người thật của họ. Khi bạn cho phép bản thân cảm thấy kém cỏi hơn người yêu bởi lợi thế về tuổi tác của người ấy, bạn đang từ bỏ "quyền năng" của mình. Bạn nghe theo lời của người yêu hơn là lắng nghe tiếng nói từ trái tim mình; bạn mù quáng tin tưởng những lời phê bình của anh ấy/cô ấy hơn là tự vấn xem họ nói có đúng hay không, bạn xem nhẹ chính nhu cầu của mình và cảm thấy quá tôn thờ người yêu. Bạn tự nhủ với bản thân rằng:
"Anh ấy là người trả tiền cho những việc này, vì vậy mình sẽ làm theo ý anh."
"Tôi chắc chắn là anh ấy biết mình đang làm gì. Hãy nhìn xem cách anh ấy đạt được thành công kìa."
"Anh ấy biết mọi việc nhiều hơn tôi vì anh ấy lớn tuổi hơn mà."
Thậm chí nếu người yêu của bạn không muốn bạn "thần tượng" họ, bạn cũng có thể dễ rơi vào mô thức tình cảm này đơn giản chỉ vì sự chênh lệch tuổi tác. Và nếu người yêu của bạn tình cờ đóng vai trò của người lớn tuổi hơn, khôn ngoan hơn, hay thậm chí dùng điều đó để kiểm soát bạn, thì bạn hãy coi chừng – "sức khỏe" của mối quan hệ giữa hai người không tốt đẹp lắm đâu.
2. Bạn có thể tôn sùng người yêu như là cha mẹ của mình
Một hậu quả khác khi bạn là người ít kinh nghiệm hơn, ít vốn sống hơn trong một mối quan hệ tình cảm là bạn có nguy cơ bị thu hút vào việc thiết lập mô hình quan hệ cha mẹ - con cái với người yêu của mình. Nếu bạn luôn nhất nhất nghe lời người yêu, dựa dẫm vào sự giúp đỡ của anh ấy/ cô ấy, phụ thuộc về tiền bạc, sử dụng mối quan hệ của người yêu để trục lợi cho bản thân mình, thì về bản chất bạn đang hành động như một đứa trẻ và cho người ấy quyền cư xử như cha mẹ của bạn vậy. Điều này ngăn cản bạn thực sự trưởng thành và khiến bạn rơi vào lập trình tình cảm như trong mối quan hệ với cha mẹ – dẫn đến tính phụ thuộc rất cao.
Thậm chí khi người yêu không kiểm soát bạn, bạn vẫn mơ hồ cảm giác bị điều khiển và rụt rè ngại ngần chỉ bởi một thực tế là người yêu của bạn lớn tuổi hơn. Hoặc, đôi lúc bạn phản ứng lại bằng sự giận dữ, hoặc thu mình vào chiếc vỏ ốc tự tạo hay tỏ ra khó chịu. Có lẽ đây là những trạng thái tình cảm mà bạn đã từng có với cha mẹ của mình, hoặc bạn đang thể hiện sự nổi loạn mà bạn chưa bao giờ can đảm thể hiện trong quá trình trưởng thành trước đây.
3. Bạn dễ dàng thỏa hiệp hay hy sinh những sở thích, bè bạn và các hoạt động khác để tương hợp hơn với người yêu của mình.
Nếu bạn có mối quan hệ với một người yêu lớn tuổi hơn, sau đây là một số câu hỏi để bạn tự vấn mình:
"Người yêu của tôi có tôn trọng tôi không?"
"Anh ấy/cô ấy có đối xử một cách công bằng với tôi không?" "Tôi có cảm thấy ngang hàng với người yêu của mình?"
Quay trở về trường hợp của bạn, tôi thấy có những vấn đề khác mà bạn và người yêu của mình phải thảo luận: trước tiên, bạn hỏi xem anh ấy có mong muốn gây dựng một gia đình thứ hai và có con với bạn hay không; hai bạn có kế hoạch xây dựng quan hệ với gia đình riêng của nhau (cha mẹ, con cái của các bạn) như thế nào.
Đó là tất cả những việc bạn phải chú tâm xem xét. Còn bây giờ là tin tốt lành cho bạn – một mối quan hệ giữa hai người khác biệt lớn về tuổi tác có thể thành công nếu cả hai tránh rơi vào những mô thức ứng xử được bàn luận ở trên bằng cách nhận thức rằng nó đang tồn tại, cùng chia sẻ cảm xúc bản thân và thực hiện những thỏa thuận giúp tạo ra mối quan hệ tình cảm bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Khi hai bạn có nhiều điểm tương hợp và cùng cam kết cải thiện mối quan hệ tình cảm này, cơ hội bạn xây dựng cuộc hôn nhân thành công sẽ rất cao.
Xem thêm câu hỏi 17.
23. Có thể xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với một người nghiện (ma túy, rượu, cờ bạc…) không?
Người bạn trai mà tôi rất yêu thương đang gặp vấn đề với ma túy. Tôi đã yêu cầu anh ấy đi cai nghiện, thậm chí nhiều lần dọa rằng sẽ chia tay anh. Tuy nhiên, dù luôn hứa sẽ thay đổi nhưng anh ấy vẫn chưa từ bỏ được ma túy. Tôi không muốn chia tay bạn trai của mình, nhưng tôi không thể sống mãi như thế này được. Tôi nên làm gì đây?
Câu trả lời là "Bạn nên chia tay ngay!".
Việc bạn quan hệ với một người nghiện ngập cũng giống như bạn đang chơi với lửa và chắc chắn sẽ có ngày bị bỏng. Nếu bạn trai của bạn bị nghiện, anh ta đang yêu một thứ khác chứ không phải là bạn – rượu, ma túy, cờ bạc… Thực ra anh ấy đang lừa dối bạn. Bạn hiện đang kẹt trong một tam giác tình yêu. Chất gây nghiện ấy chính là đối thủ của bạn - nó sẽ lấy đi tất cả thời gian, sự chú ý và tinh thần của anh ta. Rốt cuộc bạn chẳng có được điều gì, chỉ là một số 0 tròn trĩnh khi anh ta lên cơn nghiện. Rồi thì bạn sẽ căm ghét nó hệt như bạn căm ghét một người đàn bà khác xuất hiện trong cuộc đời anh ta.
Đây là điểm thứ hai tôi muốn chia sẻ với bạn: Yêu một người nghiện cũng có nghĩa là yêu một kẻ nô lệ - anh ta đang là nô lệ cho ma túy, rượu chè, tình dục, cờ bạc hay một hoạt động nào đó, và những thứ này trở thành chủ nhân điều khiển cuộc đời anh ta. Con người này không còn là một người tự do nữa. Như bạn thấy đó, bạn sẽ gặp khó khăn vô cùng khi giúp đỡ một người nghiện ngập bởi vì bản thân anh ta tuy biết rằng mình đang bị phụ thuộc và điều khiển bởi ma túy nhưng anh ấy sẽ che giấu cảm giác bất lực đó, sẽ phủ nhận nó. Và việc thừa nhận rằng mình bị nghiện khiến anh ta sợ hãi và cảm thấy yếu đuối, nhưng điều đó hết sức cần thiết cho quá trình tự phục hồi và cai nghiện.
Hậu quả tiêu cực thứ ba mà sự nghiện ngập gây ra cho một mối quan hệ là chúng sẽ can thiệp vào khả năng thân mật gần gũi của người yêu dành cho bạn. Những chất gây nghiện khi sử dụng thường xuyên sẽ làm tê liệt khả năng cảm nhận của người sử dụng nó. Tình trạng tê liệt về tình cảm một cách thường xuyên sẽ khiến cho người yêu của bạn thấy khó khăn trong việc cảm nhận, yêu thương bạn như cách mà bạn mong muốn. Cuối cùng bạn sẽ rơi vào trạng thái hết sức cô đơn trong tình yêu của chính mình.
Việc giữ gìn các mối quan hệ về bản chất đã đủ khó khăn, chưa nói đến việc ta quen biết một người bạn tình là nô lệ của các chất gây nghiện. Vậy những người nghiện ngập không xứng đáng được yêu hay sao? Dĩ nhiên là không. Nó có nghĩa là anh ấy/cô ấy cần phải được phục hồi, giải thoát khỏi sự nghiện ngập đó, và hiểu được nỗi đau này trước khi tiến tới xây dựng một mối quan hệ lành mạnh và hạnh phúc với ai đó. Bạn đã cố gắng thiết lập mối quan hệ với người yêu trước đó rồi, vậy bạn hãy thử các bước cuối cùng sau đây:
1. Nói thẳng thắn với anh ấy rằng bạn không thể chung sống với một kẻ nghiện ngập nữa.
2. Bàn bạc về việc cai nghiện đồng thời buộc anh ấy phải nhận sự hỗ trợ từ bạn và "hành động" ngay lập tức thì bạn mới tiếp tục mối quan hệ này.
3. Nói rằng nếu anh ấy không chịu sự hỗ trợ để thoát nghiện, bạn sẽ ra đi và không bao giờ quay lại với anh ta nữa.
4. Hãy nghiêm túc với những lời bạn nói, và nếu người yêu của bạn không chịu nhận trợ giúp để tránh xa ma túy, đừng cho anh ta thêm một cơ hội nào khác. HÃY RỜI BỎ ANH TA NGAY!
5. ĐỪNG QUAY LẠI trừ phi người yêu của bạn đã được "gột rửa" và tỉnh táo lại, tham gia vào chương trình cai nghiện phục hồi, và thể hiện những thay đổi tích cực về hành vi và thái độ.
6. Quan sát sự phụ thuộc của chính bản thân bạn bằng cách tham gia vào những chương trình dành cho gia đình, bạn bè hay chính bản thân người nghiện (trang bị kiến thức tâm sinh lý người nghiện, an ủi hay giúp đỡ họ…). Bạn cũng có thể làm một số việc cần thiết nhằm chữa lành những suy nghĩ bám sâu trong tiềm thức để bạn không phải thu hút một người nghiện ngập khác vào cuộc đời bạn.
24. Tại sao tôi cứ yêu những người đàn ông không muốn gắn bó và không nghiêm túc trong tình cảm với tôi hoặc đã có quan hệ yêu đương với người khác?
Tôi đang rơi vào một trạng thái tình cảm lặp đi lặp lại mà dường như tôi không thể phá vỡ được. Tôi thường yêu những người không có khả năng gắn bó cuộc đời với tôi. Hoặc họ đã có mối quan hệ với người khác, hoặc đang hồi phục từ một mối quan hệ tồi tệ trước đây, họ lo sợ sự gắn bó, hoặc không yêu tôi đủ để có thể thiết lập tình cảm nghiêm túc với tôi. Tôi gặp vấn đề gì vậy? Tại sao tôi cứ chọn những người không có khả năng yêu thương mình?
Đây là một trong những tình huống phá hỏng mối quan hệ nghiêm trọng nhất – người yêu của bạn không dành hoặc dành quá ít tình cảm cho bạn. Tuy nhiên, ngay từ đầu bạn đã được quyền lựa chọn, và giờ thì bạn không thể trách cứ anh ta vì đã phản bội và làm bạn đau lòng. Bạn hãy xem lại phần trả lời cho câu hỏi 12 và 15 để hiểu sâu về cách lập trình tình cảm ở con người. Và hãy nhớ điều này để tự động viên mình – bất kỳ ai cũng có thể mắc phải những những sai lầm như bạn.
Mỗi chúng ta đều có những suy nghĩ và trải nghiệm khác nhau trong suốt quá trình trưởng thành và hành trang tình cảm từ quá khứ sẽ đi theo chúng ta đến hiện tại. Cụ thể hơn, bạn có khuynh hướng chọn lựa những người yêu không thể hết lòng vì bạn hoặc đã có mối quan hệ tình cảm với người khác nếu:
• Bạn cảm thấy bị bố/mẹ bỏ rơi. Bạn lặp lại mô típ này trong các mối quan hệ tình cảm bằng cách tìm kiếm những mẫu người yêu không thể quan tâm hoặc ở bên cạnh khi bạn cần.
• Bạn cảm thấy ít tự tin. Nếu bạn xuất thân từ một gia đình mà bạn luôn bị chỉ trích, bỏ rơi hay bị lạm dụng, thì điều đương nhiên là bạn cảm thấy kém tự tin về bản thân. Bạn có thể luôn nghĩ rằng mình không xứng đáng có một người yêu tử tế, vì vậy bạn sẽ vơ lấy bất kỳ ai quanh mình.
• Bạn sợ sự gần gũi thân mật. Bạn mặc nhiên chọn những người yêu không thể thuộc về mình hoàn toàn như một cách để tránh sự gần gũi thân mật thật sự với anh ta. Nếu bạn đã từng bị lạm dụng tình dục hay bị tổn hại đến những ranh giới cá nhân (thân thể, suy nghĩ thầm kín…) khi còn nhỏ, hoặc bạn từng quyết định sẽ không để bất kỳ ai tiếp cận bạn thật gần đến mức khiến cho bạn lại đau khổ lần nữa, bạn sẽ cảm thấy "thoải mái" khi chọn bạn tình mà mình không bao giờ thiết lập được mối quan hệ gắn bó thực sự. Điều này như một cách vô thức bảo vệ bạn khỏi những đau khổ đó.
Để chọn lựa người bạn trai yêu thương và gắn bó với mình, yêu cầu đầu tiên bạn nên đưa ra là anh ta phải "sẵn sàng" với bạn. Đối với những ai trong chúng ta giả vờ (hay thật sự) không biết "sẵn sàng" nghĩa là gì, thì đây là định nghĩa về từ này:
"Sẵn sàng" là còn tự do để thiết lập mối quan hệ tình cảm với bạn; không gắn bó với bất kỳ ai khác; chưa kết hôn; chưa đính hôn; không đi chơi thường xuyên, không quan hệ chăn gối với một ai khác; chỉ có một mình; độc thân.
Còn những cụm từ sau đây không phải là định nghĩa của "sẵn sàng":
Đang quan hệ với ai đó, nhưng hứa hẹn sẽ sớm chia tay;
Đang quan hệ với ai đó, nhưng anh chàng không thực sự yêu cô ta;
Đang quan hệ với ai đó, nhưng đời sống tình dục của hai người đã "chết";
Còn giữ mối quan hệ với vợ/chồng, nhưng nói rằng đang tiếp tục chỉ vì con cái;
Đang quan hệ với ai đó, người này biết về bạn nhưng vẫn không nói gì;
Còn giữ mối quan hệ với vợ/chồng và chưa chia tay, nhưng vẫn muốn bạn ở lại bên họ;
Vừa mới chia tay với ai đó, nhưng có thể sẽ "châu về hiệp phố".
Nói cách khác, HÃY TRÁNH XA NHỮNG NGƯỜI ĐÃ KẾT HÔN, ĐANG CÓ MỐI QUAN HỆ TÌNH CẢM KHÁC, HOẶC NHỮNG AI NÓI VỚI BẠN RẰNG ANH TA KHÔNG THÍCH GẮN BÓ VÀ CÓ MỐI QUAN HỆ ỔN ĐỊNH VỚI BẠN!
Đến khi nào bạn cảm thấy thoát khỏi mô típ tình cảm này, bạn có thể thử mối quan hệ "chay tịnh" một thời gian
– không hẹn hò, không quan hệ thân mật gần gũi với bất cứ ai. Điều này sẽ giúp bạn mạnh mẽ và tự chủ hơn, dành thời gian để chữa trị những tổn thương, trống vắng trong tâm hồn, đồng thời xác định rõ ràng mẫu người yêu mà bạn mong muốn trong cuộc đời mình.
Xem thêm các câu hỏi 12 và 15.
25. Những dấu hiệu nào để nhận biết một người yêu tệ hại và không phù hợp với mình khi bắt đầu một mối quan hệ mới?
Tôi đã mất nhiều năm tuổi trẻ mới thoát ra được một mối quan hệ tình cảm chẳng tốt đẹp gì. Hiện tại, tôi muốn bắt đầu gặp gỡ và hẹn hò với những người đàn ông khác, nhưng tôi sợ rằng mình sẽ lại đau khổ khi gặp phải một người tệ hại và không yêu thương mình, để rồi mối tình đó cũng kết thúc tương tự như lần trước. Làm sao để ngay từ những lần gặp đầu tiên tôi có thể đoán biết được một người có tử tế hay không?
Thật mừng là chị đã đặt câu hỏi này! Với kinh nghiệm làm việc cùng hàng ngàn đàn ông và phụ nữ trong suốt nhiều năm, tôi biết rằng rất nhiều nỗi đau khổ, day dứt và thất vọng mà chúng ta trải qua trong tình yêu có thể tránh được nếu chúng ta chú ý nhiều hơn ngay khi mối quan hệ vừa mới bắt đầu. Chị cần đặt nhiều câu hỏi và xem xét những dấu hiệu cảnh báo các rắc rối tiềm ẩn, tập trung tìm hiểu người yêu mình trên nhiều khía cạnh - những điều chị mong muốn hoặc né tránh ở con người họ.
Như chị đã biết, có nhiều người sở hữu những tính cách mà tôi gọi là "Những Sai Lầm Chết Người". Điều này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng trong một mối quan hệ. Chẳng có ai là hoàn hảo trong cuộc đời này, và rõ ràng là mỗi chúng ta đều có những khiếm khuyết hay sự không hoàn thiện làm ảnh hưởng đến tình yêu của mình. Tuy nhiên, có một số tính cách gây ảnh hưởng tiêu cực và nguy hiểm hơn những tính cách khác. Đó là "Những Sai Lầm Chết Người" mà chị cần chú ý thật kỹ ở người đàn ông mà chị đang hẹn hò, bao gồm những nét tính cách sau:
1. Nghiện ngập (xem thêm câu hỏi 23)
Quan hệ tình cảm với những kẻ nghiện ngập (ma túy, rượu, thuốc lắc, cờ bạc, v.v.) chắc chắn sẽ khiến chị đau khổ. Dù đang trong tình trạng cô đơn chăng nữa, chị hãy sáng suốt tìm các dấu hiệu nhận biết những vấn nạn này, đừng xem nhẹ bất kỳ điều gì khiến chị nghi ngại rằng nó cản trở việc xây dựng mối quan hệ với người ấy.
2. Sự nóng tính, giận dữ
Sống với một người thường xuyên giận dữ cũng giống như sống với một quả bom hẹn giờ: chị không biết nó sẽ phát nổ lúc nào. Sự giận dữ được ví như một tên khủng bố - nó khiến cho những người mà nó tiếp xúc trở thành con tin. Việc nhận biết một người luôn tiềm tàng những cơn giận là điều không khó bởi chẳng ai trở thành một kẻ có tính khí giận dữ chỉ sau một đêm cả. Chị sẽ thấy những dấu hiệu cảnh báo đi kèm: dễ nổi cơn tam bành khi những việc nhỏ nhặt nhất không diễn ra theo ý muốn; ít kiên nhẫn và dễ bực mình; thường rơi vào căng thẳng trong tình cảm hoặc công việc; hay biện hộ cho bản thân và gắt gỏng với người yêu. Nếu chị phát hiện đúng những dấu hiệu này, hãy rời bỏ người yêu của mình ngay trước khi chị trở thành kẻ hứng chịu những cơn giận dữ quá quắt của anh ta.
3. Thích đổ lỗi cho người khác và nhận mình là nạn nhân
Thông thường khi nghe người yêu phàn nàn về những mối quan hệ trong quá khứ, chúng ta rất thông cảm và khó phát hiện ra sự thật nếu anh ấy xem mình là "nạn nhân" trong sự việc đó. Nhưng nếu người yêu của chị có thói quen đổ lỗi cho người khác về tình trạng của anh ấy và chẳng chịu nhận trách nhiệm về vai trò của mình trong mọi vấn đề, chị hãy cẩn thận: chị sẽ là người tiếp theo bị quy chụp là kẻ gây đổ vỡ hoặc rắc rối khi nảy sinh mâu thuẫn. Những người tự xem mình là nạn nhân luôn nhìn cuộc sống theo hướng hết sức bất lợi đối với anh ta – họ suy nghĩ theo kiểu "cả thế giới đang chống lại tôi". Họ than vãn "Tại sao việc này lại xảy ra với tôi? Thật không công bằng chút nào" thay vì đặt ra câu hỏi "Tại sao điều này lại xảy ra và làm thế nào tôi có thể thay đổi nó?". Dù người yêu chị là mẫu người lý tưởng và đầy hứa hẹn nhưng nếu anh ta luôn than phiền về cuộc sống, sức khỏe, các mối quan hệ… thì dù có nuối tiếc bao nhiêu, đó cũng là lúc chị nên rút lui khỏi tình yêu này.
4. Người thích kiểm soát
Người thích kiểm soát là trường hợp ngược lại của "nạn nhân" – đó là người tự quyết định tất cả, không thích sự giúp đỡ của người khác, có khả năng kiểm soát cuộc đời mình và muốn kiểm soát cuộc đời của cả những người xung quanh. Chị đừng nhầm lẫn "Sai Lầm Chết Người" này với những phẩm chất như lòng tự trọng và sự tự tin. Chị hãy tự hỏi liệu việc anh ta có khuynh hướng quản lý, kiểm soát, "chịu trách nhiệm về mọi thứ" trong cuộc sống của chị có thực sự là điều chị muốn hay không - dù tạm thời điều đó có thể mang đến cho chị cảm giác được chăm sóc chu đáo. Những người thích kiểm soát sẽ cố thuyết phục chị không nên rời bỏ họ, vì vậy đừng giải thích nhiều mà hãy thoát khỏi "ảnh hưởng" của họ càng sớm càng tốt!
5. Người có những rắc rối về tình dục
Những rắc rối về tình dục không chỉ là các vấn đề liên quan đến khả năng tình dục, chẳng hạn như sự bất lực, hay không có khả năng đạt cực khoái mà còn là những ảo tưởng về tình dục, hay sự thiếu hòa hợp trong quan hệ chăn gối. "Sai Lầm Chết Người" này khó phát hiện ngay lúc bắt đầu mối quan hệ bởi thường thì không ai làm "chuyện ấy" trong những lần đầu mới hẹn hò, nhưng nó sẽ thực sự là sai lầm chết người một khi chị đối diện với nó. Chị sẽ cần phải nói chuyện thẳng thắn và tế nhị với người yêu để biết quan điểm của anh ta về tình dục bao gồm các hành vi tình dục, sự khiêu dâm; suy nghĩ về các mối quan hệ bừa bãi, về sự đam mê hay chán ghét tình dục (nếu anh ta từng bị xâm hại hay cưỡng bức tình dục khi còn bé). Tôi biết nghe thật khó chịu, nhưng hãy tin tôi, điều đó sẽ tốt hơn là chị phát hiện ra những vấn đề trên khi đã dấn sâu vào mối quan hệ. Một số rắc rối về tình dục không phải điều là vô phương cứu chữa, nhưng chúng sẽ trở thành "vấn nạn" nếu người yêu của chị không biết cách xử lý tốt.
6. Người đàn ông "trẻ con"
Chị hãy coi chừng tuýp người đầy sức quyến rũ này, họ giống như trẻ con khiến chị muốn chăm sóc nâng niu – đó là những người chưa đủ trưởng thành để xây dựng một mối quan hệ bền vững với chị. Chị hãy cố gắng nhận biết những dấu hiệu cho thấy anh ta là một người không có nghị lực, không thể tin cậy; thiếu trách nhiệm với công việc hoặc không biết quản lý tài chính, và luôn né tránh những khó khăn trong cuộc sống. Trừ phi chị muốn đóng vai trò như cha mẹ của anh ta, nếu không thì hãy tìm kiếm một người khác sẽ tốt hơn.
7. Người chưa sẵn sàng về mặt tình cảm
Tôi có thể viết cả một quyển sách về "Sai Lầm Chết Người" này. Tất cả những điều mà chị cần biết là: HÃY TRÁNH XA NHỮNG NGƯỜI MÀ KHOANG TÌNH CẢM ĐÃ KHÉP KÍN! Thế gian này còn biết bao người mong muốn và sẵn sàng yêu thương ai đó. Vậy tại sao chị lại chọn một người gặp vấn đề trong việc cởi mở tình cảm và chị phải bỏ rất nhiều thời gian để tìm đường vào trái tim anh ta? Một số người không thể có được mối quan hệ tình cảm bình thường vì cảm xúc của họ đã đóng băng. Họ thấy khó khăn trong việc bày tỏ hay thể hiện tình cảm và không dễ dàng cởi mở hay tin tưởng vào ai đó. Hãy tìm cách phát hiện ra điều đó thông qua quan sát hành vi và cùng trao đổi thẳng thắn để hiểu người chị đang hẹn hò có cảm thấy thoải mái với việc yêu thương hay không. Và nếu mối quan hệ giữa hai người tiến triển, hãy đảm bảo rằng anh ấy sẽ mang đến sự quan tâm, yêu thương theo cách mà chị mong muốn khi cả hai quyết định gắn bó với nhau.
8. Người vẫn chưa vượt qua khủng hoảng vì những mối quan hệ trong quá khứ
Tôi nhắc lại rằng tất cả chúng ta đều mang vào hiện tại những hành trang tình cảm của các mối quan hệ trong quá khứ. Và đôi khi hành trang đó nặng nề đến mức làm cho quan hệ tình cảm hiện tại trở nên "trĩu nặng". Hãy cẩn thận với người vẫn mang theo mình những nỗi giận dữ và căm hận đối với chuyện đã qua, người luôn cảm thấy có lỗi hay còn trách nhiệm với người yêu cũ, hoặc người vẫn còn bị tổn thương tình cảm nặng nề hay bị lạm dụng trong những mối quan hệ trước đây. Có thể anh ta vẫn chưa chữa lành được vết thương lòng để yêu thương ai đó lại một lần nữa. Nếu chị là một người "hào hiệp" thích cứu giúp người khác, chị sẽ thấy những người yêu kiểu này thật hấp dẫn. Hãy suy xét kỹ nhé!
9. Người có một tuổi thơ nhiều cay đắng
Mỗi chúng ta đều có những vấn đề tình cảm phát sinh từ thuở ấu thơ – có thể là cảm giác hạnh phúc hay đau khổ. Trong đó, một số người bị tổn thương tình cảm nghiêm trọng đến mức họ gặp rất nhiều khó khăn để có được mối quan hệ tốt đẹp khi trưởng thành. Và thật đáng lo ngại nếu người yêu của chị không nhận thức được sự tổn hại tình cảm này để tìm cách khắc phục nó. Vì vậy, điều cần làm là chị nên thận trọng, trao đổi cởi mở về những mối quan tâm của chị, đánh giá xem người yêu của chị xử lý những vấn đề trong quá khứ hay hiện tại như thế nào. Sau đây là một số vấn đề nghiêm trọng trong quá khứ có thể là những dấu hiệu cảnh báo sự đổ vỡ của mối quan hệ hiện tại và cần được xử lý nghiêm túc:
• Bị lạm dụng tình dục và bị tổn thương tình dục nghiêm trọng.
• Bị lạm dụng thể xác (đánh đập) hay chịu đựng những lời chửi mắng nặng nề.
• Bị cha mẹ bỏ rơi: do ly dị, qua đời, được nhận làm con nuôi, thiếu thốn về mặt tình cảm.
• Những rối loạn trong ăn uống.
• Cha mẹ nghiện rượu, ma túy, v.v.
• Mắc chứng cuồng tín (trong tôn giáo, tín ngưỡng hoặc lĩnh vực nào đó).
26. Làm thế nào để chắc chắn 100% là người mà bạn đang chung sống/quan hệ là người phù hợp với bạn? Những phẩm chất nào để nhận biết một người bạn đời tuyệt vời?
Dù cho bạn đang có mối quan hệ với một người mà bạn cảm thấy hoàn toàn phù hợp chăng nữa thì tôi vẫn không biết độ tương hợp giữa hai người có được 100% hay không – vì chẳng có gì là chắc chắn trong cuộc đời này và mọi việc thay đổi liên tục. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng nếu bạn càng tìm hiểu nhiều về tình yêu, về sự gần gũi thân mật, về sự tương hợp, bạn càng có thể tự tin rằng mình đã chọn đúng người bạn đời "tâm đầu ý hợp". Tôi chia sẻ với bạn một bài học rất quan trọng về sự tương hợp, và nó đã làm thay đổi cuộc đời tôi: Chìa khóa để chọn đúng người bạn đời là tìm kiếm một người có tính cách tử tế, nhưng không đơn giản chỉ là nhân cách tốt đẹp.
Phần lớn chúng ta thường bị một người thu hút vì điều gì đó đặc biệt trong tính cách của anh ấy/cô ấy ngay trong lần gặp đầu tiên – là khả năng anh ấy làm cho bạn cười; sự dịu dàng của cô ấy; sự thông minh và lịch lãm của anh ấy, v.v. Trong khi bạn thấy những nét tính cách đó thật dễ thương và khiến bạn rung động, thì chúng lại không thể quyết định được mối quan hệ tình cảm của bạn với người ấy có thật sự làm cho bạn hạnh phúc hay không. Vì lý do đó, bạn cần tìm kiếm một tính cách phù hợp với mình. Tính cách quyết định một người sẽ đối xử với bản thân họ ra sao, đối xử như thế nào với bạn và một ngày nào đó là con cái của bạn. Đó chính là nền tảng của bất kỳ quan hệ tình cảm tốt đẹp nào. Cứ xem mối quan hệ tình cảm giống như một cái bánh bông lan, cá tính giống như lớp kem phủ trên mặt bánh, nhưng tính cách mới chính là chất liệu làm nên chiếc bánh, nó quyết định độ ngon – dở của chiếc bánh.
Thay vì hỏi bản thân mình: Người yêu của tôi có yêu thương tôi không?, bạn cần hỏi một câu quan trọng hơn: Người yêu của tôi có thể yêu thương tôi như thế nào? Theo tôi có 6 khía cạnh để xác định tính cách của người mà bạn có ý định chọn làm bạn đời, nó sẽ giúp bạn hiểu rõ người mình yêu và quyết định xem anh ta đã sẵn sàng cho một mối quan hệ gắn bó bền chặt hay chưa.
1. Toàn tâm trong việc phát triển bản thân
Điều này được nêu trước tiên vì tôi cảm thấy đây là một trong những nét tính cách quan trọng nhất cần tìm kiếm ở một người bạn đời. Nếu bạn tìm thấy một người nào đó thực sự toàn tâm cho sự phát triển và hoàn thiện bản thân, bạn sẽ tránh được rất nhiều vấn đề mà các đôi vợ chồng thường gặp phải: trong khi một người muốn cải thiện mối quan hệ, người kia lại không muốn; khi một người muốn bàn về các vấn đề khúc mắc trong cuộc sống thì người kia lại từ chối nói chuyện; hoặc trường hợp một người nhìn ra những lĩnh vực cần được cải thiện thì người bạn đời của anh ta lại phủ nhận việc đó.
Toàn tâm trong việc phát triển bản thân có nghĩa là:
• Người yêu của bạn cam kết thay đổi và học hỏi mọi thứ mà anh ấy/cô ấy có thể làm được để trở thành một người chồng/vợ tốt hơn trước đây.
• Anh ấy/cô ấy sẵn sàng tiếp nhận sự trợ giúp và hướng dẫn từ sách báo, tham gia các hội thảo cũng như sự tư vấn của chuyên gia tâm lý nếu cần thiết.
• Anh ấy/cô ấy nhận thức được khuyết điểm của mình và cách thức lập trình tình cảm từ thời thơ ấu, đồng thời hiểu rõ hành trang tình cảm nào họ có thể mang đến cho mối quan hệ với bạn.
• Anh ấy/cô ấy có các mục tiêu cá nhân để tự hoàn thiện bản thân và bạn có thể thấy những thay đổi cụ thể, tích cực ở họ theo thời gian.
2. Sự cởi mở về tình cảm
Một mối quan hệ gần gũi thắm thiết không dựa vào việc chia sẻ một ngôi nhà, một cái giường hay một phòng tắm. Mối quan hệ đó dựa trên việc chia sẻ những cảm xúc. Điều đó giải thích vì sao phẩm chất thứ hai mà bạn nên tìm kiếm ở người bạn đời chính là sự cởi mở về tình cảm. Điều đó có nghĩa là người yêu của bạn:
a. Có cảm xúc và có sự yêu thương dành cho bạn. b. Biết được anh ấy đang cảm thấy điều gì.
c. Quyết định chia sẻ những cảm xúc này với bạn.
d. Biết cách làm thế nào thể hiện những cảm xúc này với bạn.
Tôi không thể kể hết cho bạn vô vàn câu chuyện mà tôi đã nghe được từ những người đàn ông và phụ nữ trong những mối quan hệ tình cảm không hạnh phúc mà lý do chính là người yêu của họ không thể biểu hiện cảm xúc. NẾU NGƯỜI YÊU CỦA BẠN KHÔNG THỂ CHIA SẺ CẢM XÚC CỦA ANH ẤY VỚI BẠN, NGHĨA LÀ ANH ẤY VẪN CHƯA SẴN SÀNG ĐỂ THIẾT LẬP MỘT MỐI QUAN HỆ GẮN BÓ SÂU ĐẬM VỚI BẠN.
3. Tính thẳng thắn, chân thật
Sự chân thật, thẳng thắn và đáng tin cậy là những yếu tố cần thiết để có được một mối quan hệ tốt đẹp. Việc bạn có thể tin tưởng rằng người yêu của mình luôn chân thật vào bất cứ lúc nào sẽ mang đến cho bạn cảm giác an tâm và hạnh phúc. Tìm một người yêu có tính thẳng thắn có nghĩa là bạn tìm kiếm:
• Một người rất thành thật với chính bản thân anh ta. Có nhiều người không nói dối bạn, nhưng lại dối gạt chính bản thân họ. Sự thẳng thắn bắt đầu ngay từ những chuyện nhỏ nhặt nhất: anh ta có sẵn sàng nhận lỗi khi trễ hẹn, anh ta có "thổi phồng" về công việc hay những thành công của mình... Điều đó có nghĩa là bạn nên tránh những người tình là bậc thầy về sự dối lừa chính bản thân họ.
• Người sống chân thật với những người khác. Người yêu của bạn có lấy cớ vì lý do "công việc" để nói dối khách hàng hay bạn bè của mình? Bạn gái của bạn có che giấu hoàn cảnh gia đình, quá khứ của cô ấy? Người yêu của bạn có thường tìm cách thanh minh những công việc ở công ty mà bạn cho là thiếu liêm chính? Nếu bạn nghi ngờ tính chân thật của người yêu, bạn sẽ mất đi sự tôn trọng anh ấy, và bạn sẽ thấy khó khăn để tin tưởng hành vi của anh ấy dành cho bạn.
• Người sống chân thật với bạn. Điều này có nghĩa là người yêu của bạn sẽ không che giấu tính cách, suy nghĩ cũng như những gì xảy ra trong cuộc đời của anh ấy trước đây. Anh ấy không những sẽ kể cho bạn những điều bạn muốn nghe để bạn hiểu về con người anh mà còn chia sẻ mọi sự thật với bạn. Bạn chẳng cần phải "dụ khị" để anh ấy phải thừa nhận điều gì đó, hay làm mình làm mẩy để anh ấy kể cho bạn nghe những chuyện cũ.
• Người không biết "diễn kịch". Diễn kịch thuộc về sân khấu, không thuộc về những mối quan hệ.
4. Sự chín chắn và tinh thần trách nhiệm
Sau đây là một số dấu hiệu cho thấy người yêu của bạn đã đủ chín chắn và trưởng thành để có thể xây dựng mối quan hệ bền vững:
• Anh ấy/cô ấy có thể tự chăm sóc bản thân. Nếu người yêu của bạn đã đủ trưởng thành, người ấy có thể kiếm đủ tiền để nuôi sống bản thân; biết dọn dẹp sắp xếp không gian sống của mình sạch sẽ tinh tươm, biết tự giữ sức khỏe bản thân bằng cách ăn uống và sinh hoạt điều độ.
• Anh ấy/cô ấy là người có trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây có nghĩa là luôn thực hiện những gì người ấy nói hoặc cam kết sẽ làm. Nó có thể là những việc nhỏ nhặt như trả hóa đơn, giữ lời hứa, có mặt đúng giờ hẹn và không làm cho người khác thất vọng. Đây không phải là một khái niệm – mà là một hành động.
• Anh ấy/cô ấy là người được tôn trọng. Hành động, cư xử, lời nói của người ấy luôn chừng mực và rõ ràng, đồng thời tạo được sự tin tưởng từ người khác.
5. Lòng tự trọng cao
Bạn có thể đã nghe câu nói này trước đây, và đó hoàn toàn là sự thật: NGƯỜI YÊU CỦA BẠN CHỈ CÓ THỂ YÊU BẠN NẾU NHƯ ANH ẤY BIẾT YÊU BẢN THÂN MÌNH. Một trong những sai lầm lớn nhất mà chúng ta phạm phải trong việc chọn người yêu là chú trọng vào việc người ấy yêu thương ta nhiều như thế nào và đối xử với ta ra sao, chứ không phải cách họ đối xử với bản thân mình thế nào. Bạn nên lưu ý là nếu ý thức tự trọng của người ấy càng cao, mối quan hệ của bạn đối với họ càng bền chặt và lâu dài. Đó là lý do vì sao việc tìm kiếm những dấu hiệu của lòng tự trọng có ý nghĩa quan trọng, bao gồm:
• Người yêu của bạn biết tự hào về bản thân
Nếu người yêu của bạn cứ mãi tiếc nuối vì những sai lầm trong cuộc đời mình và thường xuyên hạ thấp bản thân, thì anh ta chẳng có chút tự trọng nào. Bạn sẽ thấy đôi lúc dường như anh ta bối rối không biết mình là ai, hoặc anh ta cảm thấy mình không có giá trị gì trong cuộc đời này. Bạn cần có một người yêu biết hài lòng với bản thân hiện tại của anh ta và biết được con người mà anh ấy sẽ trở thành trong tương lai.
• Người yêu của bạn không bỏ bê mà biết chăm sóc bản thân
Bạn có thể biết được một người có coi trọng bản thân hay không bằng cách quan sát cách anh ta đối xử với chính mình: anh ấy ăn uống sinh hoạt thế nào, môi trường anh ấy đang sống, cách thức anh ấy chăm sóc cơ thể, những tài sản - vật dụng anh ấy dùng. Tất cả những việc này phản ánh lòng tự trọng của một người. Khi ai đó không xem trọng bản thân mà cũng không e ngại về điều đó thì họ sẽ chẳng quan ngại việc đối xử với bạn tệ bạc hoặc không đàng hoàng.
• Người biết nhìn nhận và khắc phục những sai lầm
Chọn lựa tuýp "nạn nhân" làm người yêu là sự lựa chọn sai lầm, dù cho việc bạn yêu họ có thể khiến cho bạn cảm thấy mình được cần đến và quan trọng trong đời ai đó. Tất cả những việc không may mà họ phàn nàn rằng người khác đã gây ra cho họ chính là phản ánh về sự kém tự trọng của họ. Vì vậy bạn nên tránh xa tuýp người này và chỉ nên hẹn hò với những người biết nhìn nhận và khắc phục những sai lầm trong quá khứ.
• Người thể hiện lòng tự trọng bằng chính hành động thực tế
Lòng tự trọng thực sự thể hiện bằng hành động. Bạn hãy tìm kiếm người yêu biết xắn tay áo thực hiện các mục tiêu của đời mình thay vì chỉ nói suông.
6. Có thái độ tích cực đối với cuộc sống
Có một câu châm ngôn đại ý rằng "Có hai loại người trên thế giới – những người sống tích cực và phần còn lại là những người suy nghĩ tiêu cực". Nếu bạn phải sống cả phần đời còn lại với một trong hai loại người này, bạn sẽ chọn tuýp người nào? Chúng ta thấy rõ là những người tiêu cực chỉ tập trung vào những vấn đề rắc rối, luôn tìm kiếm cái gì đó để phàn nàn, để cho sự lo âu thống trị tâm hồn họ và luôn sống trong bi quan. Người sống lạc quan thì luôn biến thách thức thành cơ hội, họ tin tưởng rằng mọi việc có thể tốt đẹp hơn và luôn tìm kiếm giải pháp cho mọi vấn đề.
Chắc rằng bạn đã có sự lựa chọn cho riêng mình! Xem thêm câu hỏi 17.