Là một giảng viên có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy trong lĩnh vực kinh tế và tài chính, tôi nhận thấy có một khoảng cách rất lớn trong việc kết nối lý thuyết và thực tế khi giảng dạy các chương trình thuộc khối ngành kinh tế tại Việt Nam. Đó là một vấn đề không chỉ dừng lại trong phía giảng đường đại học mà còn tiếp tục diễn ra trong thực tế. Đó là sự mất kết nối giữa tất cả các yếu tố từ môi trường vĩ mô, môi trường hoạt động của các ngành nghề khác nhau, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán. Chúng ta hoàn toàn có thể nghe những chuyên gia kinh tế bàn về các số liệu chính sách vĩ mô nhưng lại không thể đưa ra được những kế hoạch hành động cụ thể cho các nhà kinh doanh hay nhà đầu tư. Hoặc các chuyên gia phân tích hay môi giới chứng khoán đưa ra các khuyến nghị đầu tư nhưng lại không thể kết nối những bài toán vi mô đó với những gì đang diễn ra trong bài toán lớn của nền kinh tế.
Quay trở lại việc giảng dạy tại các trường đại học, những vấn đề mà tôi có nhiều sự quan tâm nhất trong cuộc đời mình. Việc giảng dạy chương trình đại học cho sinh viên khiến tôi nhớ lại những câu chuyện mà chúng ta vẫn thường xem trên các bộ phim cổ trang về hoàng gia Trung Quốc. Trong đó vua sẽ chỉ định các giảng sư nổi tiếng dạy học cho các hoàng tử và hoàng thân quốc thích. Với sự giới hạn trong số lượng người giảng dạy thì kiến thức của người học khi đó sẽ có thể bị giới hạn phần nào trong trí tuệ của người thầy nhưng đó là một kiến thức hoàn chỉnh và không bị phân mảnh như những gì trong chương trình đại học về kinh tế và tài chính của chúng ta bây giờ.
Với chương trình học hiện tại, sinh viên được học vài chục môn học với vài chục giảng viên khác nhau. Mặc dù các chương trình đã được thiết kế mang tính chất kế thừa giữa các môn học, tuy nhiên phần lớn người học đều không thể kết nối kiến thức giữa các nội dung học khác nhau. Kinh tế học, hoạt động quản lý doanh nghiệp, kiến thức đầu tư là những trường phái riêng biệt, cần được giảng dạy một cách nhất quán. Các giảng viên với trường phái kinh tế, quan điểm kinh tế và đầu tư khác nhau có thể làm cho người học phần lớn rối loạn trong các kiến thức lý thuyết rời rạc thay vì một hệ thống lý luận chặt chẽ về việc kinh doanh và đầu tư. Tôi nghĩ đó chính là tiền đề tạo ra nhiều sự mất kết nối kiến thức của những người làm thực tế trong lĩnh vực tài chính hiện nay.
Trong khi các vấn đề trong lĩnh vực kỹ thuật luôn được tách biệt một cách rõ ràng thì các vấn đề kinh tế lại phức tạp hơn rất nhiều. Sự phức tạp thể hiện ở tính liên quan và tác động lẫn nhau giữa các yếu tố với nhau. Do đó việc không hiểu được các hàm ý trong chính sách của chính phủ hay đặc thù của ngành có thể khiến các bạn không có một cái nhìn thấu đáo về thực trạng và phương hướng hành động phù hợp cho các vấn đề kinh doanh.
Đặc biệt tại các quốc gia như Việt Nam, nơi các chính sách phát triển kinh tế vĩ mô của chính phủ tác động mạnh mẽ đến sự hình thành và phát triển các ngành nghề khác nhau, kèm theo đó là sự hình thành lợi thế cạnh tranh của các ngành nghề. Những can thiệp kinh tế của chính phủ có thể sẽ đảm bảo hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của một nhóm các lĩnh vực kinh doanh. Việc thấu hiểu cấu trúc vận hành cơ bản của nền kinh tế đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng các chiến lược kinh doanh và đầu tư cho mỗi cá nhân.
Cuốn sách này không nhằm thay thế các giáo trình kinh tế, tài chính và đầu tư tại các trường đại học cho các sinh viên mà nó giúp trang bị cho các độc giả nói chung, một cái nhìn toàn diện về nền kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam theo một mô hình hết sức cô đọng mà tại đó các hoạt động kinh tế và đầu tư đều liên kết với nhau một cách chặt chẽ. Tôi cảm thấy thật vui vì trên con đường viết ra cuốn sách này, tôi đã phát triển được một hệ thống đánh giá toàn diện các vấn đề kinh tế cũng như đầu tư, khi tất cả được nhìn trong một lăng kính, trong đó mọi thứ được kết nối chặt chẽ với nhau theo đúng bản chất của nó.
Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều muốn có một bức tranh hoàn chỉnh thay vì một rổ các mảnh ghép rời rạc với nhau. Tôi tin rằng sau khi đọc xong cuốn sách này các bạn có thể kết nối các kiến thức kinh tế và tài chính còn thiếu tính liên kết của mình thành một bức tranh hoàn chỉnh.
Dù là một người quan tâm nhiều đến vấn đề giáo dục và đào tạo tuy nhiên đối tượng của cuốn sách mà tôi muốn hướng đến là đa dạng người đọc, từ doanh nhân, nhà đầu tư cho đến những người đang quan tâm đến việc quản lý tài chính của cá nhân và gia đình, mà khi đó tôi nghĩ là nợ là tâm điểm trong mối quan tâm của họ.