Châu Á là một vùng đất kỳ lạ không chỉ đối với người phương Tây mà cả với những học giả Châu Á hiếu kỳ muốn tìm hiểu về sự phát triển của vùng đất này.
Nếu nhìn lại lịch sử 2000 năm qua, bạn sẽ thấy rất nhiều quốc gia Châu Âu và Châu Phi hình thành rồi diệt vong, nhưng Châu Á vẫn giữ nguyên vậy. Trải qua hàng ngàn năm, các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Việt Nam vẫn tồn tại như một quốc gia thống nhất trong suốt ngần ấy thời gian. Cao nguyên Tây Tạng là trung tâm của Châu Á, là ngọn nguồn của các dòng sông lớn nhất tại Châu Á đã nuôi sống không chỉ thể chất mà cả tâm hồn của con người Châu Á khiến mỗi quốc gia trở thành một thể thống nhất theo thời gian.
Là một trong những cái nôi lớn nhất của văn hóa nhân loại nhưng Châu Á trải qua biết bao thăng trầm trong lịch sử, đặc biệt là trong 200 năm trở lại đây. Trong thời gian đó, khoa học và các tiến bộ xã hội đã biến những vùng đất trù phú và giàu có nhất thế giới trở thành vùng đất thuộc địa. Đầu thế kỷ XIX, chỉ tính riêng Trung Quốc và Ấn Độ đã chiếm hơn 50% dân số của thế giới và cũng tương ứng với đó là một nửa GDP toàn cầu. Tuy nhiên, 100 năm sau đó, khi Hồng Kông và Ấn Độ trở thành thuộc địa của Anh thì toàn bộ GDP của cả hai quốc gia này chỉ còn chiếm 10% GDP của thế giới. Khoa học và công nghệ đã biến sức lao động và dân số không còn là yếu tố quan trọng quyết định quy mô kinh tế của một quốc gia.
Thế kỷ XX là một thế kỷ đầy đau thương nhưng vinh quang cho các quốc gia Châu Á khi họ trải qua những cuộc chiến khốc liệt nhất cho các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Phần lớn các quốc gia Châu Á đều chỉ giành được độc lập sau chiến tranh thế giới thứ hai. Từ sau giai đoạn này mới bắt đầu đánh dấu sự xuất hiện trở lại của các nền kinh tế Châu Á trên bản đồ thế giới.
Cái gì cũng có những quy luật bất biến của nó. Khi năng suất lao động là bằng nhau thì quốc gia nào có dân số lớn hơn sẽ có nền kinh tế lớn hơn. 50 năm qua là quãng thời gian mà công nghệ được chuyển giao từ các nước phương Tây cho các quốc gia và khi công nghệ được cào bằng với nhau thì yếu tố dân số bắt đầu lên tiếng, như nó đã từng như vậy suốt hàng ngàn năm qua. Cứ mỗi thập niên trôi qua thì các nền kinh tế Châu Á ngày càng lớn mạnh hơn, tương ứng về lợi thế quy mô dân số của nó. Ngày nay, Châu Á chiếm hơn 40% GDP của thế giới và tỷ trọng đó ngày càng gia tăng theo thời gian.
Con đường phát triển thần kỳ đó của các quốc gia Châu Á có những công thức chung mà chỉ có những người đã tìm hiểu và suy ngẫm rất nhiều về vùng đất này mới có thể giải thích một cách tường tận. Mô hình phát triển của các quốc gia Châu Á khiến các nhà kinh tế học phương Tây hiểu được rằng mô hình phát triển của phương Tây không phải là con đường duy nhất đi đến sự thịnh vượng. Các quốc gia Châu Âu xây dựng sự thịnh vượng phải mất hàng trăm năm nhưng với cách làm của mình thì Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan chỉ cần mất 30-50 năm là có thể chuyển mình thành những quốc gia giàu có nhất thế giới.
Chúng tôi đã nghiên cứu Châu Á và Việt Nam suốt 10 năm qua và cũng đã triển khai rất nhiều các mô hình thử nghiệm để nắm bắt xu hướng phát triển của các quốc gia tại vùng đất này. Chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn, trong cuốn sách này, những câu chuyện và những phát hiện của chúng tôi với kỳ vọng có thể giúp cho các bạn có thể thực sự hiểu nền kinh tế mà các bạn đang sinh sống thực tế đang vận hành như thế nào.
Tại Việt Nam, tương tự như các quốc gia khác, các thông tin vĩ mô luôn được cập nhật rất thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, phần lớn các bộ phận người dân Việt Nam lại tỏ ra rất mơ hồ trong việc kết nối các thông tin vĩ mô của nền kinh tế với các vấn đề liên quan đến việc kinh doanh cũng như tài chính cá nhân. Ở Việt Nam tôi thường nghe người ta hỏi những câu hỏi sau đây:
1. Tại sao nợ công của Việt Nam quá cao?
2. Tại sao suốt ngày chúng ta nghe các thông tin về việc đạt các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế?
3. Tại sao người ta bàn nhiều về tăng trưởng tín dụng từ hệ thống ngân hàng?
4. Tại sao hệ thống ngân hàng đóng vai trò quá quan trọng như vậy đối với nền kinh tế?
5. Tại sao lãi suất ở Việt Nam cao hơn các quốc gia trong khu vực?
6. Tại sao dự trữ ngoại hối lại quan trọng đối với việc ổn định kinh tế Việt Nam?
7. Tại sao năm nào tiền Việt Nam Đồng cũng mất giá so với Đô La Mỹ?
8. Thị trường chứng khoán là gì và vai trò thực sự của thị trường chứng khoán tại Việt Nam?
Bạn chắc hẳn có thể dễ dàng tìm kiếm các câu trả lời đó trên internet nhưng có bao giờ bạn thực sự nghĩ rằng tất cả các vấn đề trên đều có liên quan với nhau và đều xuất phát từ mô hình kinh tế được lựa chọn? Khi đến Việt Nam, những diễn biến của kinh tế vĩ mô khác xa những gì tôi biết tại đất nước Canada của mình. Tôi cũng thắc mắc những câu hỏi đó giống như các bạn.
Với vai trò là một người nghiên cứu thị trường tìm kiếm cơ hội đầu tư, thì việc hiểu một cách sâu sắc thị trường bạn đang hoạt động đóng một vai trò rất quan trọng. Điều đó quan trọng đến mức tôi và cả đội ngũ nhân sự của mình đã trải qua nhiều năm để có thể kết nối tất cả các yếu tố vĩ mô lại với nhau trong một hệ thống hoàn chỉnh. Điều thú vị nhất từ khi tôi đặt chân đến Việt Nam đó là hiểu được những gì đang diễn ra tại Việt Nam, hiểu được mô hình phát triển kinh tế phổ quát mà phần lớn các quốc gia Châu Á đều áp dụng và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Thật quan trọng để có thể kết nối tất cả các yếu tố vĩ mô đó lại với nhau trong một hệ thống hoàn chỉnh.
Thông qua cuốn sách này, chúng tôi muốn bạn thực sự hiểu được những gì đang diễn ra trong nền kinh tế các bạn đang sinh sống, nơi mà phần lớn tài sản của các bạn đang nằm trong đó. Bạn cần biết rõ những gì đang và sẽ tiếp tục phát triển kế tiếp để có thể gìn giữ và phát triển tài sản của mình. Chúng tôi tập trung giải thích các vấn đề bằng các số liệu thực tế với một góc nhìn cẩn trọng nhưng đầy lạc quan. Chúng tôi xem các mô hình kinh tế như một công thức pha chế và tôn trọng sự lựa chọn của mỗi quốc gia bởi mục tiêu cuối cùng của mọi mô hình kinh tế là đem đến sự thịnh vượng cho quốc gia. Những gì Việt Nam đang thực hiện cũng là những gì các quốc gia phát triển Châu Á khác đã từng thực hiện, chỉ có khác nhau trong mức độ đạt được của các kết quả.
Sau khi đọc xong cuốn sách này, bạn sẽ không còn bất ngờ trước những thay đổi trong chính sách hoạt động của các quốc gia. Bạn bắt đầu tôn trọng các quyết định chính sách thông qua việc thấu hiểu các bài toán lớn của nền kinh tế mà các nhà hoạch định chính sách lựa chọn.
Sự nắm bắt và thấu hiểu được các nền tảng vận hành của các nền kinh tế sẽ hỗ trợ bạn đưa ra các quyết định lựa chọn quan trọng của cuộc đời:
• Nếu là một người xem trọng sự phát triển bền vững, bạn nên đầu tư gì cho bản thân mình?
• Nếu là một người muốn phát triển việc kinh doanh, bạn nên lựa chọn con đường khởi nghiệp như thế nào?
• Nếu bạn là một người quan tâm đến việc duy trì sự giàu có và thịnh vượng cho gia đình, bạn nên quản lý tài sản của bản thân và gia đình như thế nào?
• Nếu là một nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư, bạn nên đầu tư thị trường chứng khoán như thế nào?
Để có thể nắm bắt được các xu hướng chung của nền kinh tế. Khác với các quốc gia phương Tây với một nền kinh tế đa dạng thì ở Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, chúng tôi chỉ thấy một con đường dẫn đến sự thành công đó là bạn sẽ phải thực sự hiểu những gì nền kinh tế đã và đang được ấn định phát triển như thế nào.