“Lên kế hoạch chính là việc mang tương lai về hiện tại”
Alan Lakein
“Lên kế hoạch chính là việc mang tương lai về hiện tại”
Alan Lakein
Nỗ lực của chúng ta trong quá trình tìm kiếm sự hiểu biết về thế giới xung quanh cốt yếu cũng để chúng ta có thể thực hiện những quyết định tốt hơn cho cuộc sống và gia đình của mình. Trong quá trình tìm kiếm những lời giải về câu chuyện kinh tế và thị trường tài chính tại Việt Nam thì tôi lại tình cờ tìm thấy những lời giải quan trọng cho chính cuộc sống của bản thân.
Gia đình là một hạt nhân cơ bản của xã hội, nên những diễn biến và thay đổi trong môi trường kinh tế của xã hội luôn có những tác động sâu sắc đến sự hạnh phúc của chính bạn và các thế hệ mai sau của gia đình bạn.
Có một gia đình hạnh phúc là mong ước của tất cả mọi người nhưng để có một gia đình hạnh phúc thì chỉ cầu mong thôi là không đủ. Điều tưởng chừng đơn giản đó đòi hỏi chúng ta một quá trình hoạch định. Chúng ta hoạch định cho tất cả, từ việc lên kế hoạch tài chính, bồi dưỡng nền tảng giáo dục cho gia đình, chuyển giao đam mê, kỹ năng, kinh nghiệm và văn hóa gia đình cho các thế hệ sau. Để có thể hoạch định được tốt thì chúng ta cần nắm bắt được các xu hướng kinh tế và xã hội để có thể có những thông tin cần thiết hỗ trợ để chúng ta có thể tự tin thực hiện các quyết định của gia đình.
Trước khi bắt đầu tìm hiểu về các vấn đề của nền kinh tế thì tôi muốn các bạn nhận ra những gì đang xảy ra xung quanh cuộc sống của gia đình bạn. Để rồi khi thấu hiểu được bản chất của nền kinh tế, thị trường tài chính thì cũng là lúc bạn thấu hiểu thực sự con đường tạo nên sự thịnh vượng cho gia đình của bạn, không phải chỉ cho thế hệ của bạn mà còn cho cả các thế hệ mai sau.
Cuộc sống vốn dĩ không bình đẳng
Cuộc sống vốn dĩ không phải lúc nào cũng công bằng và đặc biệt là trong việc phân phối tài sản giữa các cá nhân trong xã hội. Bạn có biết rằng cả thế giới có hơn 7,5 tỷ người nhưng chỉ 1% nhóm người giàu nhất thế giới đang chiếm hơn 50% tổng tài sản toàn thế giới. Trong khi có đến 64% dân số thế giới, tương đương với hơn 3,5 tỷ người chỉ có tài sản nhỏ hơn 10.000 đô la Mỹ, tương đương với 230 triệu đồng. Tổng tài sản của họ chỉ chiếm 2% tổng tài sản của thế giới. Tôi không muốn bạn cảm thấy hụt hẫng với những con số thống kê này mà tôi muốn trước khi bắt đầu hành trình tìm kiếm sự giàu có thì chúng ta hãy thực tế nhìn nhận những gì đang diễn ra xung quanh chúng ta.
Mỗi ngày trôi qua sẽ có thêm nhiều triệu phú đô la Mỹ trên thế giới được thêm vào danh sách. Thậm chí trong những thời điểm giai đoạn kinh tế thế giới trải qua khủng hoảng như giai đoạn những năm 2000 hay gần đây nhất là khủng hoảng tài chính năm 2008 vừa qua thì số lượng người giàu vẫn liên tục gia tăng. Vào năm khủng hoảng 2008, tổng tài sản của 1% nhóm người giàu nhất thế giới này đã tăng từ mức 42,5% lên 50,1% so với tổng tài sản của thế giới vào năm 2017.
Minh họa 1.1: Số lượng triệu phú đô la Mỹ tại từng khu vực giai đoạn 2000-2005
Số lượng người siêu giàu thậm chí còn có tốc độ gia tăng nhanh hơn hẳn những người giàu khi số lượng những người siêu giàu đã tăng gấp 5 lần so với 20 năm trước. Một điều đáng chú ý là dù phần lớn những người siêu giàu tăng lên tại Mỹ, tuy nhiên vẫn có đến hơn 22% đến từ Trung Quốc trong khi đó Việt Nam của chúng ta đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng giới siêu giàu nhanh nhất trên thế giới.
Người nghèo xuất hiện nhiều hơn tại các quốc gia Châu Á và Châu Phi khi 90% dân số Châu Phi có tổng tài sản nhỏ hơn 10.000 đô la Mỹ, trong khi con số đó tại Châu Á là 70%. Khi nói đến Việt Nam chúng ta cũng phải biết rằng thu nhập trung bình của người Việt Nam chỉ là 2.400 đô la Mỹ/năm, tức là gần 60 triệu đồng/năm theo số liệu thống kê gần đây và nhóm những người nghèo nhất chỉ có thu nhập trung bình cả năm nhỏ hơn 1.500 đô la Mỹ/năm, tức là chưa đến 3 triệu đồng/tháng.
Có một quy tắc là quy tắc 95/5 khi bàn về vấn đề hạnh phúc, đó là chỉ có 5% người trên thế giới có được hạnh phúc trong khi phần còn lại không may mắn có được điều đó. Nếu bạn so sánh quy tắc trên với những con số thống kê về phân bổ tài sản kể trên chúng ta vừa thảo luận thì tôi tin rằng bạn sẽ cảm thấy quy tắc nói trên không hẳn là không có cơ sở.
Tất cả chúng ta đều mong muốn có một cuộc sống hạnh phúc. Tôi tin rằng đó là một nhu cầu chính đáng nhất mà con người từng đòi hỏi với cuộc sống. Tuy nhiên, cuộc sống không cho chúng ta hạnh phúc một cách dễ dàng mà đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực để có thể trở nên giàu có, hay đơn giản hơn là không phải lo lắng chạy ăn từng bữa. Đó là một nhu cầu chính đáng nhưng nỗ lực để vươn lên giàu có là một trong những nỗ lực khó khăn nhất trong đời mỗi người.
Khi bạn đã trải nghiệm cuộc sống đủ nhiều thì bạn sẽ hoàn toàn đồng cảm với những gì tôi chia sẻ sau đây. Nỗ lực để bạn có thể có một kết quả học tập tốt tưởng chừng là một điều khó khăn nhất khi bạn tuổi 15 thì hóa ra lại là điều dễ dàng nhất bạn có thể nghĩ ở tuổi 25. Nỗ lực để có thể có được một công việc tốt tiếp tục sẽ là một điều khó khăn đối với bạn ở tuổi 25 thì hóa ra lại là một điều chẳng đáng để suy nghĩ nhiều khi bạn 35 tuổi. Tuy nhiên, nỗ lực để bạn có thể trở nên giàu có sẽ luôn luôn là một điều gì đó cực kỳ khó khăn, thậm chí ngay cả khi bạn đã giàu có. Đó là một quá trình nỗ lực phi thường của bạn và đôi khi là của cả gia đình bạn qua nhiều thế hệ.
Nghịch lý sách dạy làm giàu
Sách “self-help” được định nghĩa là loại sách được viết với mục đích hướng dẫn người đọc giải quyết các vấn đề cá nhân. Có rất nhiều sách “self-help” chia sẻ cho các bạn về cuộc sống, về lối tư duy, về thói quen làm việc của người giàu và cho bạn một bức tranh về việc làm giàu không khó trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng bạn sẽ không thể nào giàu có hơn nếu chỉ đọc sách dạy làm giàu. Người ta thống kê rằng những quốc gia nào mà người dân của họ càng cuồng đọc những cuốn sách “self-help” dạy làm giàu thì những người trẻ của những quốc gia đó càng lâm vào các hoàn cảnh bế tắc của cuộc sống. Lời lẽ trong những cuốn sách đó sẽ giúp bạn có một cảm giác “tự kỷ ám thị” rằng thành công sẽ rồi đến với bạn trong thời gian ngắn.
Người giàu đúng là đọc nhiều sách tuy nhiên họ không đọc nhiều sách trong quá trình làm giàu, đặc biệt là các thể loại sách “self-help” dạy làm giàu. Sách mà họ đọc sẽ là các thể loại sách về kiến thức và kỹ năng. Họ nhận biết được rằng với cuộc sống ngày càng cạnh tranh gay gắt như ngày nay thì việc làm chủ các kiến thức và kỹ năng mới sẽ giúp họ có nhiều lợi thế hơn trên con đường tạo nên sự thịnh vượng cho bản thân, chứ không phải là những lời động viên làm họ cảm thấy đầy năng lượng. Người giàu họ sẽ lao vào làm việc và làm việc liên tục, quá trình học tập của họ là quá trình thử nghiệm và rút kinh nghiệm. Họ thực sự học được từ cuộc sống hơn là từ sách vở.
Một doanh nhân thành đạt được một phóng viên đặt câu hỏi về lý do chính tại sao anh ta trở nên giàu có. Anh ta đã trả lời rằng bí quyết cho thành công của mình là anh ta ra nhiều quyết định đúng. Bạn thấy đó, những người có khả năng ra các quyết định đúng rõ ràng sẽ có khả năng thành công cao hơn những người bình thường. Cố quyết tâm tìm hiểu về bí quyết làm giàu của vị doanh nhân này nên cô phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi: “Tại sao anh có thể ra nhiều quyết định đúng hơn những người khác?”. Câu trả lời cô nhận được từ anh đó là, để có thể ra được nhiều quyết định đúng thì đòi hỏi anh ta phải có nhiều kinh nghiệm hơn những người xung quanh. Cuối cùng cô hỏi nhờ vào đâu mà anh có thể tích lũy nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm như vậy thì thật bất ngờ với câu trả lời cô nhận được. Đó là vì anh ta đã ra nhiều quyết định sai.
Thông điệp tôi muốn chia sẻ với các bạn đó là thành công là quá trình trải nghiệm đồng thời chiêm nghiệm những trải nghiệm của mình một cách sâu sắc nhất để làm giàu cho nhận thức của mình. Người giàu sở dĩ họ giàu có là vì họ có những công thức được rút ra từ kinh nghiệm sống của họ, giúp họ có thể nhìn thấy các vấn đề từ những quan sát không như những người bình thường khác. Chính những công thức hay những lăng kính đó giúp họ có được những lợi thế cạnh tranh so với những người khác.
Isaac Newton từng ngồi dưới gốc cây táo và tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn khi vô tình có một trái táo rơi trúng đầu mình. Tôi tin rằng đây là một câu chuyện mà tất cả chúng ta đều biết được nhưng tôi muốn chia sẻ với bạn một điều này rằng Newton không phải là người đầu tiên và cũng không phải là người cuối cùng trên quả đất này đã bị quả táo rơi vào đầu mình khi ngồi dưới gốc táo. Nhưng tại sao chỉ ông là người duy nhất nhận ra vấn đề đó. Tôi nghĩ rằng nếu tôi và bạn ngồi đó thì việc đầu tiên chúng ta sẽ làm đó là lau ngay quả táo và cắn thật mạnh một cái và đặt ngay câu hỏi: “Tại sao chỉ rơi một quả táo mà không phải là hai quả hay nhiều hơn!!!”. Newton trải qua cùng một quan sát như hàng nghìn người khác nhưng thông qua công thức của mình ông nhìn điều đó theo một góc nhìn khác.
Những người kinh doanh cũng vậy, mỗi ngày họ cố gắng trải nghiệm bằng cách quan sát mọi thứ xung quanh để liên kết chúng với những hiểu biết hiện tại của mình. Thông qua việc quan sát những điều không hiệu quả, những điều bất thường hay thậm chí là những sai lệch trong nhận thức của xã hội họ có thể tìm ra các cơ hội kinh doanh tiềm năng. Một lần nữa lại bằng những công thức phân tích của mình mà họ có thể nhanh chóng tìm ra các cơ hội kinh doanh tiềm năng trong vô vàn các thông tin gây nhiễu đến chúng ta hằng ngày.
Tôi không biết liệu bạn đã từng theo dõi chương trình Shark Tank tại Việt Nam hay chưa. Cơ bản chương trình này là một dạng gameshow truyền hình về việc kết nối các nhà sáng lập doanh nghiệp với các nhà đầu tư tài chính và chiến lược tiềm năng. Khi đó các nhà đầu tư được gọi là các shark, tức là cá mập sẽ thẩm định ý tưởng kinh doanh từ các nhà sáng lập để đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp. Bạn có biết tại sao các nhà đầu tư thiên thần hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp đó lại được gọi là cá mập, với tên gọi rất hung tợn hay không? Cá mập là loài sinh vật rất giỏi đánh hơi vì khứu giác của chúng rất nhạy. Các nghiên cứu cho thấy cá mập có thể đánh hơi được một giọt máu trong biển cách chúng đến hơn 500m. Điều đó liên tưởng cho chúng ta thấy khả năng tìm kiếm cơ hội của cá mập đến từ những gì rất không rõ ràng ban đầu và chỉ cần một số tín hiệu nhỏ thôi thì chúng đã có thể phát hiện ra con mồi. Nó cũng giống như các nhà đầu tư trong gameshow đề cập trên, họ có thể chỉ trong vòng vài phút sau khi nghe các nhà sáng lập trình bày thì đã có thể đánh giá được khả năng thành công của các doanh nghiệp trong tương lai để có thể đưa ra các quyết định đầu tư rất nhanh.
Thật vậy, đối với các chủ doanh nghiệp giỏi, kinh doanh đối với họ có vẻ như một bản năng chứ không phải như một điều gì đó được học tập và đào tạo bài bản từ trường lớp. Nhưng thực tế những bản năng đó lại được trui rèn thông qua thực nghiệm và quá trình hình thành các hệ thống và các mô hình phân tích độc nhất của riêng họ, mà qua đó giúp họ có thể loại ra các thông tin không quan trọng và tập trung mọi nỗ lực vào những gì giá trị nhất.
Đó là lý do tôi chia sẻ với các bạn về vấn đề bạn có đọc hàng trăm cuốn sách làm giàu nhưng bạn vẫn không thể nào làm giàu được, vì mỗi cuốn sách chỉ kể về cuộc đời họ đã nỗ lực như thế nào để làm giàu chứ không hề chia sẻ với các bạn mô hình phân tích của họ là như thế nào. Mô hình phân tích chính là thứ cốt lõi trong quá trình chiêm nghiệm của mỗi người trải qua hàng ngàn hàng vạn các quan sát hằng ngày. Đó chính là thứ tinh túy nhất của tri thức cá nhân. Hơn nữa, khác với tri thức nhân loại, tri thức cá nhân mang tính chất tùy biến hơn và đôi khi chỉ có thể áp dụng phù hợp với cá nhân đó vì nó hình thành từ trải nghiệm của bản thân người đó. Chính vì thế, chỉ chính bản thân mỗi người tìm ra tri thức cá nhân thì mới có thể vận dụng nó một cách linh hoạt trong từng tình huống phù hợp được. Đó là lý do tại sao chúng ta không thể học cách trở nên giàu có bằng cách đọc sách làm giàu được.
Warren Buffett là một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới. Triết lý đầu tư của ông là triết lý đầu tư giá trị, tập trung vào các vấn đề cốt lõi liên quan đến lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Tất cả chúng ta cũng như hàng triệu nhà đầu tư khác trên thế giới đều thuộc lòng các bài học về phương pháp đầu tư và có vẻ như là cách thức tư duy của Buffett nhưng thực tế chúng ta không bao giờ có thể nhìn vấn đề đơn giản như Buffett đã và đang làm mọi ngày. Cho dù Buffett có rất hào phóng chia sẻ mô hình phân tích của ông, trải nghiệm của chúng ta vẫn không đủ sức để mở khóa mô hình của ông, qua đó biến chúng ta thành một nhà đầu tư vĩ đại thứ hai. Tôi muốn nhắc lại với bạn, phần lớn chúng ta không thể học tập được con đường giàu có từ những người giàu vì hai lý do. Một là chúng ta sẽ rất khó để nhận ra mô hình phân tích của những tỷ phú đó. Và hai là do có sự khác biệt trong trải nghiệm của chúng ta so với trải nghiệm của những người giàu nên những bài học của họ về quá trình làm giàu mặc dù chúng ta có thể hiểu nhưng không thể học để làm giàu được.
Thực tại khó khăn của thế hệ trẻ
Trở lại câu chuyện về thống kê của người giàu mà tôi đã đề cập với các bạn ở trên thì kết quả cũng chỉ ra rằng nhóm có thu nhập và tài sản thấp nhất bao gồm phần lớn trong đó những người trẻ, những người vốn dĩ có ít cơ hội để tích lũy tài sản. Đó là một điều hoàn toàn dễ hiểu, tuy nhiên điều đáng nói ở đây đó là những người trẻ này đang gặp những thử thách cực khó trong quá trình vươn lên tạo dựng sự giàu có cho mình. Mặc dù được thừa hưởng một nền giáo dục tốt hơn và thậm chí là cả một chế độ dinh dưỡng cao hơn nhiều so với những thế hệ trước, tuy nhiên các bạn trẻ lại đang không có được những kết quả hay những thành công như bố mẹ họ ở cùng một độ tuổi. Việc sở hữu một căn nhà của những người trẻ ngày nay sẽ thấp hơn nhiều với bố mẹ họ ngày trước. Những người trẻ có thu nhập cao hơn nhưng lại mắc kẹt trong những khoản mua nhà trả góp khiến thu nhập thực tế của họ thấp hơn rất nhiều. Những kết quả thống kê đó có lẽ đang mô tả những gì đang diễn ra tại các quốc gia phương Tây, tuy nhiên tôi vẫn thấy đâu đó những kết quả tương đồng tại Việt Nam. Chúng ta dù được giáo dục tốt hơn tuy nhiên môi trường cạnh tranh hiện tại đã khắc nghiệt hơn rất nhiều so với 20-30 năm trước.
Mạng xã hội ngày nay cũng khiến cho thế hệ trẻ của chúng ta mất đi nhiều tính kiên nhẫn so với bố mẹ chúng ta ngày trước. Sự lan truyền của mạng xã hội giúp cho mọi người nhanh chóng kết nối với nhau, tuy nhiên nó cũng làm cho những thông tin cá nhân được xã hội hóa. Chúng ta sẽ dễ dàng biết được những thành công và hạnh phúc của bạn bè mình, những người chỉ trong độ tuổi của chúng ta, trong một sự so sánh cùng cực với những khó khăn mà các bạn đang phải nỗ lực. Tất nhiên chúng ta đã không đủ lý trí để nhận ra đó chỉ là thiểu số. Thay vào đó bạn lại cho rằng đó là xu hướng và là những gì các bạn cũng phải được nhận lấy. Bằng những suy nghĩ đó thì chúng ta bắt đầu lao vào những con đường làm giàu nhanh chóng, thay vì thực sự tích lũy những kiến thức và trải nghiệm của bản thân cho những năm tháng miệt mài lao động hăng say.
Tôi từng gặp rất nhiều các bạn trẻ với những khao khát làm giàu lớn lao. Tôi khẳng định lại với bạn một lần nữa là những mong muốn giàu có của các bạn là một khát vọng rất chính đáng và tôi luôn trân trọng điều đó. Tuy nhiên, đừng để những ước mơ đó trở thành một áp lực đè nặng cảm xúc khiến cho quá trình phát triển bản thân của các bạn ngày một chậm đi. Khi đó quá trình làm giàu nhanh lại hóa ra trở thành quá trình chậm hóa tiến trình làm giàu của chính bạn. Bạn cần phải hành động mỗi ngày để hoàn thiện bản thân mình. Tôi nhớ có một ai đó đã nói rằng: bạn có thể thay đổi mà không phát triển nhưng bạn không thể nào phát triển mà không có sự thay đổi.
Sự giàu có thể hiện giá trị của bản thân bạn và quan trọng nhất là không phải bạn tạo ra sự giàu có như thế nào mà đó là bạn đang thay đổi giá trị của bản thân như thế nào. Khi giá trị bản thân của bạn tăng lên thông qua việc hấp thụ các kiến thức, rèn luyện kỹ năng và chiêm nghiệm các trải nghiệm thì khi đó sự giàu có sẽ bắt đầu dần đến với bản thân bạn. Nó có thể đến chậm nhưng nó sẽ chắc chắn đến.
Sự giàu có mang tính cấu trúc khi nó đòi hỏi một quá trình mang tính tuần tự. Về cơ bản thì mỗi người chúng ta cần phải trải qua từng bước để rèn luyện bản thân mình để có thể đạt đến sự giàu có. Nếu bạn là chủ doanh nghiệp thì hãy suy nghĩ về việc trước khi cơ sở kinh doanh của bạn hái ra tiền hằng ngày thì mọi thứ đã bắt đầu như thế nào. Bạn đã phải trằn trọc suy nghĩ cho những sản phẩm của mình, rồi bắt đầu tìm kiếm những người khách hàng đầu tiên ra sao, rồi bạn phải đấu tranh như thế nào để có thể giữ chân khách hàng trước sự chèo kéo của đối thủ. Rồi bạn đã phải thức khuya và dậy sớm ra sao mỗi ngày để có thể kéo dài một ngày kinh doanh của bạn, qua đó có giúp bạn gia tăng số lượng khách hàng, và phần nào rút ngắn đoạn đường bạn phải trải qua để đi đến thành công. Sẽ có những người thành công rất sớm. Sớm ở đây có ý nghĩa về mặt thời điểm nhưng bản thân tôi nghĩ rằng khi họ đã có được thành công thì họ cũng đã phải trải qua những bài kiểm tra của cuộc sống cả về sự chịu đựng, nỗ lực và quyết tâm của bản thân như thế nào. Mỗi sự thành công đều mang theo trong mình tính cấu trúc của nó. Các bạn hãy nhớ nhé. Từ cấu trúc tôi vừa đề cập sẽ theo suốt chúng ta trong chiều dài cuốn sách này.
Cơ hội làm giàu càng khó khăn tại Châu Á
Khác với các quốc gia phương Tây, sự giàu có của các cá nhân tại các quốc gia Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng thường gắn liền với một nhóm gia đình giàu có và đặc biệt liên quan đến các vấn đề về mối quan hệ gia đình. Mark Zuckerberg hoàn toàn có thể xây dựng một đế chế Facebook khổng lồ đồng thời xây dựng khối tài sản khổng lồ dựa trên tài năng của mình. Tuy nhiên những trường hợp như vậy thì lại thường rất ít khi xảy ra tại Châu Á.
Phần lớn các tỷ phú tại Châu Á thường liên quan nhiều đến hoạt động đầu tư bất động sản. Cũng sẽ có các doanh nghiệp thành công tại thị trường Việt Nam mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy thông tin trên các mặt báo kinh tế. Tuy nhiên tôi tin bạn cũng cảm thấy là, những doanh nghiệp này phần lớn đều được xây dựng dựa trên các mối quan hệ, qua đó tạo ra những lợi thế cho họ trong quá trình kinh doanh. Không dễ dàng để một người bình thường vốn không hề có các mối quan hệ như chúng ta có thể xây dựng được những khối tài sản bằng những con đường như thế.
Để bạn có thể làm giàu tại Châu Á thì trước hết bạn phải có một lợi thế nhất định về sự hiểu biết của khu vực này so với những người khác đang cùng làm việc với bạn. Nền kinh tế của các quốc gia Châu Á vận hành hoàn toàn khác so với các nước phương Tây. Nền văn minh phương Tây đã được hình thành trong suốt hơn 400 năm qua kể từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Trong khi đó nền kinh tế các quốc gia Châu Á phần lớn được hình thành sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi các quốc gia này thoát khỏi ách thống trị của các cường quốc phương Tây. Chính sự khác biệt trong quá trình hình thành đó đã tạo ra những tính đặc thù trong cấu trúc nền kinh tế của các quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam mà chúng ta sẽ bàn trong những chương sau.
Để có được những lợi thế đó thì bạn cần nắm bắt được những xu hướng lớn đang chuyển dịch của nền kinh tế bạn đang sinh sống, cụ thể ở đây là Việt Nam. Tôi tin rằng hằng ngày bạn đã được tiếp xúc với tin tức cùng đầy rẫy những tiêu đề về xu hướng sắp đến của nền kinh tế. Tuy nhiên, tôi cho rằng nhiều thông tin quá sẽ tạo ra sự lạm phát về thông tin, giống như sự mất giá của đồng tiền từ lạm phát, khi đó giá trị của mỗi thông tin sẽ giảm đi rất nhiều vì bạn không biết đâu thật sự là những thông tin có giá trị. Khi đấy bạn cần phải có một cách nhìn độc đáo của riêng bạn để có thể sàng lọc những thông tin gây nhiễu và tìm ra những cơ hội thật sự đang diễn ra bên ngoài xã hội, và quan trọng là những xu hướng đó sẽ tác động trực tiếp đến cuộc sống gia đình bạn, đến việc kinh doanh và đầu tư của bạn.
Tại sao bạn cần phải quan tâm đến những xu hướng thay đổi này? Tôi tin rằng đằng sau mỗi giai đoạn thay đổi lớn của xã hội thì thông thường sẽ là thời điểm mà tài sản của xã hội thường được phân chia lại. Tương ứng với những thay đổi sẽ có một số nhóm trong xã hội được hưởng lợi và phần còn lại có thể trở thành nạn nhân với những thiệt hại. Hãy nghĩ về nền công nghiệp hiện đại xuất hiện đã khiến hàng ngàn chủ doanh nghiệp nhanh chóng trở nên giàu có như thế nào và tương ứng với đó cũng là hàng ngàn làng nghề thủ công đã biến mất. Hãy nghĩ về cuộc cách mạng công nghệ thông tin trong 20 năm qua đã thay đổi bộ mặt nền kinh tế như thế nào và bao nhiêu người lao động thiếu kỹ năng đã bị đẩy ra ngoài thế giới lao động này. Hay đơn giản hãy nghĩ về các bác xe ôm truyền thống đang bị thay thế dần bởi các apps ứng dụng xe ôm công nghệ như Grab và Goviet như thế nào.
Bạn cần phải biết tất cả những điều này để chuẩn bị không những cho bạn mà còn cho cả gia đình của bạn. Cuộc sống và kinh doanh là như thế. Nếu bạn không thể thay đổi cùng với nhịp đập của xã hội, tất nhiên bạn sẽ bị đào thải và tôi thực sự không muốn thấy điều đó xảy ra với các bạn. Hãy xem những xu hướng đó đang diễn ra như thế nào.
Xu hướng 1: Bùng nổ tín dụng tiêu dùng và cá nhân hóa các dịch vụ tài chính.
Một trong những xu hướng đặc biệt của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua đó là sự gia tăng mạnh mẽ trong nhu cầu tín dụng tiêu dùng từ các hộ gia đình. Các bạn thấy đấy, chỉ trong một thời gian ngắn từ 2013 đến 2017 mà tín dụng tiêu dùng và bất động sản đã gia tăng gấp 8 lần lên mức 1.600.000 tỷ đồng. Chỉ riêng năm 2017, tín dụng tiêu dùng và bất động sản đã tăng hơn 60% so với năm 2016 và mức tăng trưởng này được dự kiến sẽ tăng trưởng tiếp tục ở mức 20-30%/năm trong những năm kế tiếp.
Minh họa 1.2: Mức độ tăng trưởng cho vay tiêu dùng và tỷ lệ tiết kiệm tại Việt Nam
Sau một thời gian dài nền kinh tế Việt Nam chỉ tập trung tín dụng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn thì giờ đây hộ gia đình là đối tượng chính của những dòng tín dụng trên. Từ các ngân hàng thương mại cho đến các công ty tài chính, và đến cả hệ thống cho vay ngang hàng (peer to peer lending) đang bùng nổ tại Việt Nam trong thời gian qua. Có lẽ chưa bao giờ hoạt động cho vay bán lẻ cho các đối tượng cá nhân được các ngân hàng thương mại quan tâm đến như vậy. Với những công ty tài chính thì bạn sẽ rất quen thuộc với những thương hiệu như FE Credit hay Home Credit khi đi mua sắm tại các trung tâm điện máy cũng như các cửa hàng bán lẻ điện thoại của Thế Giới Di Động và FPT Shop, họ thực sự ăn nên làm ra trong những năm qua. Chưa bao giờ việc tiếp cận nguồn tín dụng lại có thể dễ dàng đến như vậy. Bạn có tài sản đảm bảo thì tốt mà không có thì cũng không sao, bạn có sao kê lương để chứng minh nguồn thu nhập hay không cũng không quan trọng. Luôn có những tổ chức sẵn sàng cung cấp cho bạn các khoản vay tiêu dùng, quan trọng là ở mức lãi suất bao nhiêu mà thôi.
Tỷ lệ tiết kiệm trên GDP của Việt Nam đã lần đầu giảm xuống mức thấp hơn 30%. Đây là mức rất thấp nếu so sánh với mức của các quốc gia đang phát triển, vốn thường duy trì tỷ lệ tiết kiệm cao trong dân cư để phục vụ nhu cầu đầu tư của quốc gia. Hãy nhìn các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc với tỷ lệ tiết kiệm lên đến 46% trong khi đó tỷ lệ tiết kiệm của Việt Nam lại đang tương đương với một quốc gia đã bão hòa kinh tế như Nhật Bản. Đó thực sự là một dấu hiệu đáng lo cho nền kinh tế của chúng ta.
Điều này đang thể hiện xu hướng lạc quan thái quá vào khả năng thu nhập trong tương lai nên sẵn sàng đánh đổi tiêu dùng hiện tại. Mặc dù việc gia tăng tín dụng tiêu dùng có thể tạo ra sự gia tăng trong sức cầu tiêu dùng, qua đó góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Tuy nhiên, trong dài hạn thì sự sụt giảm trong tiết kiệm có thể dẫn đến cả sự sụt giảm về tiêu dùng và đầu tư trong dài hạn, do khi đó phần lớn thu nhập của người dân sẽ được dùng để trả nợ hơn là chi tiêu và đầu tư, điều này làm sức khỏe nền kinh tế yếu đi trong dài hạn.
Tôi đã từng thấy điều này diễn ra tại Hàn Quốc trong những năm đầu bước vào giai đoạn phát triển những năm 2000. Khi đó chính phủ Hàn Quốc đã đẩy mạnh việc gia tăng nợ khu vực hộ gia đình để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Người dân thì đua nhau mở các thẻ tín dụng để tiêu xài với một tốc độ tăng nhanh chưa từng có. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn đã dẫn đến việc kiệt quệ tài chính của rất nhiều gia đình. Việc các gia đình không trả được nợ cũng khiến cho hàng loạt công ty tài chính phá sản, phải nhờ đến sự trợ giúp của chính phủ.
Đó là những câu chuyện vĩ mô nhưng nó thật sự liên quan đến bạn đấy. Trong một bối cảnh tín dụng tiêu dùng bùng nổ như hiện nay thì với vai trò là những người làm chủ gia đình, các bạn phải thật sự tỉnh táo để tránh rơi vào vòng xoáy nợ tài chính. Việc chi tiêu để tận hưởng cuộc sống tôi nghĩ nó vừa là một nhu cầu chính đáng của mỗi cá nhân và vừa là động lực để bạn có thể hăng say lao động, tuy nhiên bạn cần hết sức lý trí với chính mình về khả năng tài chính cũng như các kế hoạch tài chính dài hạn của bản thân. Các khoản vay tiêu dùng thường có lãi suất rất cao nên số tiền thực tế bao gồm giá mua ban đầu và cả phần lãi bạn phải trả có thể cao hơn rất nhiều so với mức chi phí bạn suy nghĩ ban đầu. Hãy nghĩ về việc bạn và gia đình bạn đang bị làm phiền như thế nào thông qua email, mạng xã hội và cả tin nhắn cá nhân về các dịch vụ tài chính được cung cấp từ các ngân hàng và các công ty. Tất cả như những con hổ đang rình rập tình hình tài chính của gia đình bạn.
Hơn nữa, những gánh nặng về tài chính trong việc trả nợ có thể khiến bạn quên đi nhiệm vụ quan trọng nhất là phải tìm cách nâng cấp giá trị của bản thân bạn. Đầu tư vào các khoản tiêu dùng như điện thoại, xe cộ, vật trang trí đều là những tiêu sản khi nó chỉ tạo ra những khoản giảm trừ cho thu nhập của gia đình bạn. Điều tồi tệ nhất là nó lại càng làm cho bạn trì hoãn hơn trong việc tập trung các nguồn lực về thời gian, tài chính và việc nâng cao giá trị của bản thân. Hãy thật sự tỉnh táo.
Xu hướng 2: Việc chuyển giao quyền lực của các doanh nghiệp Việt Nam
Sau khi Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế từ năm 1986 thì cũng là lúc các doanh nghiệp tư nhân ngày càng gia tăng số lượng về quy mô. Những người ở độ tuổi 20 những năm đó giờ đây đã bắt đầu bước sang độ tuổi giữa 50 đến 60. Chúng tôi thực hiện một thống kê về độ tuổi trung bình của 100 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam thì đã xác nhận được những giả thuyết của chúng tôi ở trên độ tuổi trung bình được xác định là 54 buổi. Nếu chúng ta mổ xẻ chi tiết hơn về những con số này thì sẽ thấy rằng độ tuổi trung bình của các doanh nghiệp liên quan đến nhà nước là 56 tuổi, trong khi độ tuổi trung bình của các doanh nghiệp tư nhân là 52 tuổi. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển sớm hơn của các doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn sau cải cách kinh tế 1986.
Tại sao tôi lại đưa ra cho các bạn những con số phân tích trên đây? Điều đó có nghĩa rằng trong vòng 10 năm nữa sẽ có rất nhiều doanh nghiệp thực hiện quá trình chuyển giao quyền lực. Liệu thế hệ kế cận của những doanh nhân này có thể tiếp quản thành công những doanh nghiệp đó hay không vẫn đang là một dấu hỏi lớn. Nếu bạn cũng là một trong số những doanh nhân nói trên thì tôi nghĩ tôi vừa chạm đến một câu hỏi bạn đang bắt đầu trăn trở từng ngày bên cạnh việc quản lý kinh doanh của mình.
Còn nếu bạn là một nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thì bạn cũng cần phải quan tâm đến vấn đề này vì điều đó sẽ thật sự ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của các công ty trong danh mục đầu tư của các bạn. Việc xác định công ty nào sẽ có một kế hoạch kế nhiệm thành công hay công ty nào sẽ có thể gặp vấn đề trong quá trình kế nhiệm, có thể cho bạn rất nhiều lợi thế trong việc bảo vệ và gia tăng giá trị đầu tư của bạn.
Xu hướng đó thậm chí diễn ra với các người Việt tại Mỹ
Đây thực sự là một thời điểm thú vị khi tôi thấy có rất nhiều sự trùng khớp về những xu hướng đang xảy ra đối với người Việt trên toàn thế giới. Ước tính hiện tại có khoảng 4 triệu người Việt đang sống tại hải ngoại, và 50% trong số đó đều đang sống tại Mỹ và tập trung tại hai tiểu bang California và Texas. Là một người sinh ra trong một gia đình người Việt Nam định cư tại Bắc Mỹ, tôi có thể cảm nhận được sự thay đổi lớn lao đó bằng cảm nhận cá nhân.
Hiện tại thì tháp dân số cho những người Việt tại Mỹ đã bắt đầu chuyển dần sang dân số già. Kết quả điều tra gần nhất chỉ ra rằng có hơn 22% người Mỹ gốc Việt hiện tại đang có độ tuổi xấp xỉ 55 trở lên. Thực tế thì phần lớn người Việt di cư sang Mỹ trong giai đoạn từ 1975-1980 nên phần lớn họ lúc này cũng đã rơi vào độ tuổi từ 55-70. Điều đó có nghĩa là sau một thời gian dài lao động thì nhóm đối tượng này cũng đã bắt đầu bước vào độ tuổi chuyển giao tài sản cho các thế hệ sau, tương tự như những gì đang diễn ra cho các hộ gia đình tại Việt Nam.
Minh họa 1.3: Biểu đồ phân bổ tuổi của người Mỹ gốc Việt tại Mỹ năm 2017
Phần lớn người Mỹ đều sử dụng các quỹ tín thác nhằm để lại tài sản cho người thân của mình. Quỹ tín thác được hiểu là một hình thức pháp lý được lập ra để tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân có thể để lại di sản của mình cho những người họ yêu thương. Tại sao lại không để lại tài sản một cách trực tiếp mà lại bỏ các tài sản đó (tiền, chứng khoán, bất động sản chẳng hạn) vào các quỹ tín thác? Điều đó rất có lợi khi bạn chỉ cho phép những người thân của mình nhận một phần trợ cấp định kỳ từ nguồn tài sản đó, đặc biệt là nếu như họ không phải là những người có khả năng quản lý tài chính tốt như bạn. Một khi bạn đã thành lập quỹ tín thác không hủy ngang thì bạn sẽ không thể thay đổi chúng, và cả những người thụ hưởng cũng vậy. Mới chỉ vài trang trước chúng ta đã thảo luận về vấn đề tài sản vất vả kiếm được của bạn sẽ mất đi như thế nào chỉ sau vài thế hệ. Hãy thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra cho con bạn khi bạn ra đi đột ngột và để lại cho chúng khoản thừa kế một triệu đô la Mỹ. Tôi vẫn biết có rất nhiều người luôn có một sự trân trọng tuyệt vời đối với đồng tiền, tuy nhiên tôi tin rằng phần lớn chúng ta đều không, đặc biệt là đối với những đồng tiền thừa kế.
Đến đây thì tôi nghĩ bạn đã hiểu vai trò của những quỹ tín thác này là như thế nào rồi. Nó thực sự giúp cho tài sản của bạn kéo dài qua nhiều thế hệ và nó cũng thực sự giúp duy trì sự hỗ trợ tài chính cho những người thân yêu của bạn đối với những nhu cầu hợp lý nhất. Bạn có thể chỉ giới hạn những nhu cầu chi tiêu liên quan đến việc giáo dục hay thậm chí chỉ là một số tiền tối thiểu được rút ra định kỳ. Chính các luật sư và các đơn vị quản lý tín thác như ngân hàng sẽ đảm bảo rằng những quy định ban đầu của bạn khi lập quỹ có thể được thực thi.
Trong phạm vi cuốn sách này, tôi không muốn thảo luận quá nhiều về các kế hoạch tài chính cho cá nhân với các quỹ tín thác, đó có thể là chủ đề cho một cuốn sách khác trong tương lai. Điều tôi muốn bàn với các bạn, những người Mỹ gốc Việt hay là những người Mỹ khác xung quanh bạn có thể đã rất quen thuộc với các sản phẩm thừa kế như thế này để quản lý tài sản của gia đình. Tuy nhiên, có lẽ các bạn vẫn còn chưa nhận ra giá trị của những cấu trúc này sau những năm tháng bôn ba vất vả gầy dựng tài sản. Tôi nghĩ rằng mọi thứ sẽ thay đổi rất nhiều trong thời gian sắp tới. Hãy suy nghĩ về cách bạn sẽ gìn giữ tài sản của mình như thế nào thậm chí sau khi bạn ra đi chứ không phải chỉ việc tạo ra bao nhiêu tài sản là đủ. Các bạn thấy đó, tôi luôn thích dùng từ di sản hơn tài sản khi nói về những gì chúng ta có thể để lại sau này. Tài sản rồi sẽ có thể mất đi (tôi không muốn nói là chắc chắn), chỉ có những di sản sẽ còn ở lại, vì nó bao gồm được yếu tố văn hóa và những nét đặc trưng của thế hệ trước. Hãy nghĩ về những gì bạn xây dựng trong quỹ tín thác, chẳng phải bạn đang truyền lại cho các thế hệ mai sau của bạn về những thói quen quản lý tài chính và sử dụng tài chính cho những mục đích mang lại hiệu quả lớn nhất cho gia đình bạn sao?
Làm thế nào để có thể xây dựng kế hoạch di sản tốt sẽ là câu hỏi với rất nhiều người Việt tại hải ngoại. Tôi nghĩ rằng cách người Hoa sống trên đất Mỹ sẽ gợi ý cho các bạn rất nhiều về cách chúng ta đang để lại di sản của bản thân và gia đình cho các thế hệ sau như thế nào.
Bài học từ người Hoa trên đất Mỹ
Số lượng người Hoa tại Mỹ thực tế cũng chỉ vào khoảng 4 triệu người. Tuy nhiên tầm ảnh hưởng của các cộng đồng người Hoa tại Mỹ lớn hơn rất nhiều so với người Việt của chúng ta cả về mặt kinh tế và văn hóa. Nếu người Do Thái được đánh giá là những thiên tài trong lĩnh vực học thuật và hoạt động trí tuệ, thì người Hoa nói chung và người Trung Quốc nói riêng lại vô cùng xuất sắc trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh hay mua bán.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, cộng đồng Hoa Kiều đều tồn tại và phát triển vượt bậc về kinh tế so với người bản xứ. Thậm chí, tại một số quốc gia, trong đó có cường quốc số một thế giới là Mỹ, người Hoa đã thành lập một cộng đồng Hoa Kiều riêng với tên gọi là China Town. Nhìn cách thức mà người Hoa lập nên các China Town (Phố Người Hoa) trên khắp thế giới, người ta có thể suy ra phần nào bí quyết kinh doanh thành công của Hoa Kiều.
China Town thoạt đầu chỉ là nơi những người Hoa đầu tiên di cư đến đó tập hợp lại với nhau để cùng sinh sống và phát triển. Người Hoa rất tôn trọng sức mạnh của bang hội và có tính cộng đồng cực kì cao. Khi di cư đến một đất nước xa lạ, người Hoa sẽ tìm nơi có nhiều đồng hương nhất để sinh sống, thay vì tìm nơi người khác nhận định là tốt nhất để sống.
Trong kinh doanh đầu tư mua bán cũng vậy, những người bán cùng một loại hàng hóa thường tập trung mua bán gần nhau và thành lập các bang hội nhằm duy trì, bảo vệ, cũng như để nâng đỡ, tạo cơ hội cho tất cả mọi người đều có thể gầy dựng sự nghiệp riêng. Thay vì cạnh tranh, họ chọn cách đoàn kết. Đoàn kết để cùng sống và phát triển. Bằng cách này, họ tạo thành một lực lượng hùng mạnh giữa một đất nước xa lạ và thậm chí dần dần chiếm cứ độc quyền được một lĩnh vực hay một loại sản phẩm nào đó.
Cho đến nay, khái niệm bang hội trong các China Town hầu như đã rất phổ biến.
Điều tôi muốn nói ở đây là gì?
Thông qua cái nhìn của chúng ta về cộng đồng người Hoa tại Mỹ, việc gắn kết và nâng đỡ nhau thành một cộng đồng đã giúp họ có thể truyền di sản của các thế hệ trước cho các thế hệ sau. Nếu so sánh với việc người Việt tại nước ngoài sau khi trải qua 3 thế hệ di cư đã dần gặp khó khăn trong việc nói và thể hiện ý tưởng bằng tiếng Việt thì những cộng đồng người Hoa đang giải quyết vấn đề này tốt hơn bằng việc sống tập trung thành từng nhóm của mình. Trong bối cảnh các yếu tố nhân khẩu học đang có một sự thay đổi lớn, đã đến lúc những người Việt tại Mỹ sẽ phải suy nghĩ nhiều về kế hoạch thừa kế, không chỉ cho tài sản của bạn mà là còn cho các nét văn hóa của gia đình.
Các gia đình giàu có bảo tồn di sản như thế nào?
Việc tạo ra di sản đã là một vấn đề khó nhưng việc duy trì và gìn giữ những di sản đó lại còn là một vấn đề khó khăn gấp bội phần. Khi trách nhiệm quản lý tài sản được chuyển giao cho các thế hệ kế tiếp thì rủi ro bắt đầu xuất hiện. Những tài sản mà các thế hệ sáng lập ban đầu đã khó khăn gầy dựng đang đứng trước một rủi ro mất mát rất lớn. Rõ ràng, các thế hệ sau sẽ dần thiếu đam mê kinh doanh, họ dần muốn lựa chọn một cuộc sống hưởng thụ hay là theo đuổi một điều gì đó mà họ cho là đam mê của bản thân. Những cuộc chuyển tiếp tài sản như vậy không phải là một điều dễ dàng. Để nó có thể diễn ra thành công, với vai trò một người sáng lập ban đầu bạn cần phải nắm rất rõ vấn đề này, nếu bạn không muốn tâm huyết cả đời của mình sẽ lọt vào tay người khác hay là cơ nghiệp đó sẽ có thể bị hủy trong tay con hoặc cháu bạn.
Tại Việt Nam có câu là “Không ai giàu ba họ và cũng không ai khó ba đời”. Đó là câu nói dân gian truyền từ đời này qua đời khác nhằm mục tiêu khẳng định tính chu kỳ trong thịnh vượng của mỗi gia đình. Đời của bạn tạo dựng được 100 đồng, nhưng đến đời con của bạn chỉ còn 50 đồng và đời cháu của bạn chỉ còn 10 đồng. Đó dường như là một quy luật mà tôi nghĩ rằng bạn có thể dựa trên kinh nghiệm sống của mình để kiểm chứng lại những câu chuyện mà bạn đã từng trải qua hoặc nghe thấy.
Nếu bạn là một người quan tâm đến lĩnh vực báo chí thì ắt hẳn bạn đã từng nghe đến giải thưởng Pulitzer danh giá cho lĩnh vực báo chí. Giải thưởng Pulitzer được lấy từ tên của Joseph Pulitzer, người đã xây dựng một đế chế xuất bản sách vào những thập niên cuối thế kỷ XIX. Khối lượng tài sản của gia đình này đã từng lên đến hơn 1,6 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên sự nghiệp lẫy lừng của người sáng lập Joseph dần bị tiêu tán bởi lối sống xa hoa của các đời con cháu về sau. Khi đến đời của cháu trai Peter Pulitzer thì gần như toàn bộ di sản đã bị phá mất. Nói như vậy để thấy rằng việc bảo tồn di sản còn khó hơn rất nhiều so với tạo ra khối lượng di sản đó.
Minh họa 1.4: Quá trình sụt giảm tài sản của gia đình qua các thế hệ
Thậm chí việc chia nhỏ tài sản qua các thế hệ cũng là lý do khiến khối tài sản của gia đình có thể mất đi theo thời gian. Hãy thử theo dõi ví dụ sau đây để hiểu rõ hơn những gì tôi vừa nói với các bạn. Giả sử như người sáng lập của gia đình đã tạo nên khối tài sản 100 tỷ đồng. Với việc có 3 người con thì khối tài sản của gia đình sẽ chia làm 3 khi người sáng lập gia đình qua đời, tương ứng với mỗi người nắm giữ 33 tỷ đồng. Những người con cũng có cho mình 3 người con và số tiền sẽ lại tiếp tục được chia nhỏ còn 11 tỷ đồng. Với cách tính như vậy thì số tiền mà mỗi thành viên của thế hệ thứ 5 nhận của gia đình chỉ còn 200 triệu đồng mà thôi. Qua 5 thế hệ thì số người trong gia đình đã tăng lên 243 thành viên, tuy nhiên khối tài sản 100 tỷ ban đầu đang trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết. Việc gia đình chúng ta ngày càng gia tăng về số lượng thành viên là một điều tốt nhưng có vẻ như điều đó đang không tốt cho việc bảo tồn di sản của gia đình. Xin đừng hiểu lầm tôi về việc khuyên các bạn không nên phát triển một thế hệ con cháu hùng hậu cho gia đình bạn nhé. Tôi chỉ đang chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân về việc quan sát các khối tài sản khổng lồ của các gia đình đã bốc hơi như thế nào theo thời gian thôi. Và tôi hoàn toàn không muốn điều đó xảy ra với bạn. Chúng ta đều muốn khối di sản mà chúng ta đã cất công tạo dựng có thể tồn tại mãi mãi để bảo vệ an toàn về tài chính cho các thế hệ mai sau của chúng ta.
Bạn có thể hỏi tôi là liệu các gia đình giàu có trên thế giới đã gìn giữ tài sản của gia đình họ theo thời gian như thế nào, để sau khi họ mất thì khối tài sản đó không những không mất đi mà còn tiếp tục tăng trưởng theo thời gian, để tiếp tục trở thành vị thần sức mạnh về tài chính để bảo hộ cho gia đình họ.
Tôi sẽ kể cho bạn về một trong những gia đình huyền thoại đó
Có một tập đoàn bán lẻ của Pháp xâm nhập vào Việt Nam từ những năm 2012. Khác với chiến lược mua lại các chuỗi siêu thị trong nước của các đại gia bán lẻ khác như Central Group của Thái Lan hay Aeon của Nhật, tập đoàn bán lẻ này chọn cách liên kết với các chủ đầu tư bất động sản để phát triển các siêu thị và cửa hàng tiện lợi bên trong các chung cư. Việc này đều mang lại lợi ích cho đôi bên. Trung tâm mua sắm đông người sẽ giúp chủ đầu tư có cơ hội bán căn hộ, ngược lại chung cư sẽ mang lại nguồn khách nội khu và lân cận cho siêu thị. Cho đến nay họ đã mở gần 20 siêu thị tại Việt Nam và đã có mặt khắp các tỉnh thành lân cận khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Đó là tập đoàn bán lẻ Auchan của Pháp. Tập đoàn Auchan này thuộc sở hữu của gia đình Gerard Mulliez nổi tiếng bậc nhất nước Pháp từ cuối thế kỷ XX đến nay.
Người sáng lập của tập đoàn này là ông Gerard Mulliez, ông đã tạo nên một gia đình Mulliez nổi tiếng khắp thế giới ngày nay. Gia đình này bắt đầu việc kinh doanh không được suôn sẻ lắm khi mà cơ sở kinh doanh dệt may bị sụp đổ vào năm 1950, sau khi đã vận hành được 200 năm. Gerard đầu tư toàn bộ số tiền còn lại của gia đình để phát triển các cửa hàng bán lẻ cung cấp nhu yếu phẩm, từ một cửa hàng họ lại mở thêm một cửa hàng, rồi mười… rồi một trăm rồi đến hơn hàng ngàn cửa hàng… Cứ thế họ trở thành một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu trên thế giới ngày nay. Doanh thu hằng năm của tập đoàn bán lẻ vào khoảng 50 tỷ Euro và con số lợi nhuận sau thuế là hơn 400 triệu Euro.
Gia đình Mulliez rất kín tiếng với truyền thông và thậm chí chắc bạn chưa bao giờ thấy một tấm hình của họ trên mạng xã hội. Đôi khi những người thật sự giàu có quá mức thì họ lại bắt đầu yêu thích sự yên tĩnh và chán ghét sự ồn ào của truyền thông. Tôi tin rằng đó là sự giàu có thật sự.
Gia đình này có một chuỗi các cửa hàng giá rẻ khắp Châu Âu. Sau đó họ lan nhanh sang thị trường các quốc gia đang phát triển tại Châu Á. Chìa khóa thành công của gia đình này trong việc kinh doanh lĩnh vực bán lẻ đó là làm sao để vận hành một chuỗi các cửa hàng khổng lồ trên một khu vực địa lý lớn với mức giá hết sức cạnh tranh nhưng đồng thời cũng tạo ra những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng trong quá trình mua sắm.
Khi mô hình kinh doanh bán lẻ bắt đầu vận hành tốt thì họ bắt đầu áp dụng chúng vào trong các lĩnh vực bán lẻ các sản phẩm khác. Và cứ thế thì một đế chế đã hình thành. Nghe có vẻ đơn giản nhưng nó lại là mồ hôi và công sức của biết bao nhiêu thế hệ gia đình.
Công ty này đã hoạt động kinh doanh hơn hai thế kỷ nhưng chỉ trong 50 năm cuối thì nó mới xây dựng được một cỗ máy kiếm tiền toàn cầu như vậy. Thông qua việc xây dựng một doanh nghiệp thành công thì họ đã cùng nhau tạo dựng một trong những gia đình thành công nhất thế giới. Những chia sẻ về bí quyết thành công của gia đình Mulliez tôi xin để dành lại cho chương cuối của cuốn sách này, nơi chúng ta sẽ nói với nhau về cách làm thế nào để học tập những kinh nghiệm quý báu đó.
---------------------------------------------
Chúng ta đang ở đâu trên hành trình?
Tôi nghĩ rằng trong gần 20 trang vừa qua thì tôi đã cho bạn thấy một bức tranh về những thay đổi sắp tới trong tương lai mà thế hệ của chúng ta phải đối mặt. Sự giàu có tạo ra thật sự khó khăn và thậm chí để có thể duy trì sự giàu có đó cho gia đình của bạn thì càng khó khăn hơn.
Bạn cần phải lên kế hoạch cho mọi thứ cho tương lai để có một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình bạn. Trước khi nghĩ về việc làm một điều gì để thay đổi thế giới này thì hãy đảm bảo rằng bạn đã nhận thức mọi thứ quanh mình theo một sự hiểu biết tốt nhất. Hãy tìm ra một lăng kính như những người giàu có để soi rọi các vấn đề xung quanh bạn.
Để giàu có thì trước hết bạn phải giàu về tư duy, tư duy tiến bộ cả trong việc tạo ra của cải, phân phối của cải và duy trì chúng. Khi tư duy thay đổi thì tự nhiên giá trị con người bạn sẽ thay đổi. Trong chương kế tiếp tôi muốn chia sẻ với bạn về những trải nghiệm và chiêm nghiệm của bản thân tôi trong quá trình tìm kiếm ra mô hình phân tích của riêng mình.
---------------------------------------------