Niềm vui do dục lạc của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân đem lại không bằng sự an lạc do thiền đem lại.
Nên xả bỏ năm dục lạc, tu chứng sự an lạc của thiền định.
Tên kinh tiếng Pāli là Araṇa-vibhaṅga Sutta, ý nghĩa là Vô Tránh Phân Biệt. Bản Hán dịch gần với kinh này là Kinh Câu Lâu Sấu Vô Tránh trong Trung A Hàm. Trong kinh, Đức Phật xác định vị trí của tứ thiền là điều nên cầu có được, nên thiết lập, nên tu tập và không nên sợ hãi. Đây là trọng điểm cần chú ý. Kinh này cũng nói đến tứ thiền là đạo chứng đắc niềm an lạc do lìa dục, do viễn ly, do đoạn diệt, đạt đến niềm an lạc chánh giác.
Kinh ghi chép Đức Phật tự thuyết pháp Vô tránh phân biệt cho các Tỳ kheo. Trong đó đề cập đến một người muốn biết định nghĩa thế nào là niềm an lạc (sukha-vinicchaya); sau khi biết thế nào là an lạc, người đó lại muốn tiến thêm một bước hướng nội tu tập để mong đạt được an lạc này (ajjhataṃ sukham anuyuñjeyya). Ở đây đặc biệt nhấn mạnh an lạc “hướng nội” và “nội tại”, nghĩa là an lạc do bản thân tu tập chứng đắc, không phải do ngoại lực từ một đấng sáng tạo hoặc một bậc nắm quyền kiểm soát, chi phối tối cao nào ban cho.
An lạc có hai loại:
(1) Loại thứ nhất: Năm loại dục lạc
Đó chính là mắt nhìn thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi hương, lưỡi nếm mùi vị, thân xúc chạm, đem đến cảm giác ham muốn (iṭṭha), muốn có (kanta), yêu thích (manāpa), vui vẻ (piyarūpa), có mối liên hệ với dục lạc (kāmūpasaṁhita), khiến cho niệm dục sinh khởi (rajanīya). Theo Thế Tôn, năm loại dục lạc này không nên cầu có, không nên thiết lập, không nên tu tập mà nên sinh lòng sợ hãi. Lạc này có được từ ngoại duyên, đi ngược lại với đạo giải thoát, Thế Tôn muốn các đệ tử của mình tránh xa và xả bỏ lạc này.
(2) Loại thứ hai: An lạc do thiền đem lại
Đó là sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền đã lìa dục và các pháp ác, bất thiện. Lạc này còn gọi là an lạc do lìa dục (nekkhamma-sukha), an lạc do viễn ly (paviveka-sukha), an lạc do đoạn diệt (upasama-sukha), an lạc do chánh giác (sambodhi-sukha). An lạc này là chứng đắc do tu tập quán chiếu hướng nội, thích hợp với đạo giải thoát; Thế Tôn hướng dẫn các Tỳ kheo niềm an lạc này phải hướng nội mới tìm kiếm và đạt được.
Kinh này có hai điểm chung với Kinh Vaccha gotta.
(i) Điểm thứ nhất: Kinh này ghi chép năm loại dục lạc là thứ không nên cầu, không nên tu tập theo, hơn nữa còn phải sinh lòng sợ hãi. Kinh trước đề cập đến phương pháp thiền không đoạn trừ năm loại dục lạc là phương pháp thiền Đức Phật không ca ngợi.
(ii) Điểm thứ hai: Trong kinh này, Đức Phật khuyến khích các Tỳ kheo tu tập tứ thiền. Đó là sự an lạc mà các đệ tử Phật truy tìm. Kinh trước đề cập đến phương pháp thiền Đức Phật ca ngợi là tứ thiền.
Trong Kinh Dụ Dấu Chân Voi nêu trên, tứ thiền là dấu chân của Như Lai, là điều Như Lai nương tựa, là điều Như Lai sử dụng. Còn ở đây, trong Kinh Araṇa-vibhaṅga này, Đức Phật khuyến khích các Tỳ kheo rằng tứ thiền là điều nên mong cầu đạt được (asevitabbaṃ), nên thiết lập (bhāvetabbaṃ), nên tu tập (bahulī-kātabbaṃ), không nên sợ hãi (na bhāyitabbaṃ).
Nói cách khác, Thế Tôn đã truyền dạy cho các đệ tử đi đúng con đường giải thoát mà đích thân Ngài đã trải qua. Ở kinh sau, Kinh Gaṇaka-moggallāna, một lần nữa không những nhắc lại tứ thiền là con đường giải thoát mà còn là cảnh giới để những bậc đã thành tựu giải thoát rốt ráo an trú. Không chỉ có Như Lai nương tựa, an trú trong tứ thiền mà các đệ tử thành tựu đạo giải thoát cũng an trú trong đó.
Đọc nhiều hơn
1. Trung Nikāya Pāli, Kinh Araṇavibhaṅga, M.III. 230~238, Majjhima Nikāya no.139 Araṇavibhaṅga Sutta.
2. Bản Hán dịch, Kinh Trung A Hàm, Kinh Câu Lâu Sấu Vô Tránh, T1.701b~703c.
3. Bản dịch tiếng Anh, The Exposition of Non - Conflict, The Middle Length Discourses of the Buddha, trang 1080~1086, Tỳ kheo Ñāṇamoli và Tỳ kheo Bodhi dịch, Sri Lanka: BPS, 1995.
Hiểu biết nhiều hơn
Thế nào là vô tránh?
Trong kinh, Thế Tôn giải thích vô tránh bằng tám điều sau:
1. Không cầu năm loại dục lạc (kāma-sukha).
2. Không hành khổ bản thân (atta-kila-mathānuyoga).
3. Như Lai phát hiện ra trung đạo.
4. Nên biết chỉ trích (apasādana), nên biết tán thán (ussādana);
Khi đã biết thì không chỉ trích, không tán thán, chỉ thuyết pháp.
5. Có thể định nghĩa an lạc, tìm an lạc từ bên trong.
6. Không nói những lời bí ẩn, không nói những lời sắc bén, gây chia rẽ.
7. Không nói những lời vội vàng, hấp tấp.
8. Không tự ca ngợi tiếng địa phương mình, lăng mạ ngôn ngữ bình dân thường dùng.
1. Không cầu năm dục lạc (kāma-sukha):
1.1. Năm loại dục lạc là điều:
- Hạ liệt (hīna)
- Dung tục (gamma)
- Thô tục (pothujjanika)
- Không phải của bậc hiền thánh (anariya)
- Vô nghĩa (anatthasaṁhita)
1.2. Vì sao vậy? Vì khi rơi vào năm loại dục lạc này thì chuốc lấy:
- Đau khổ (sa-dukkha)
- Phiền não (sa-upaghāta)
- Thất vọng (sa-upāyāsa)
- Nhiệt não (sa-pariḷāha)
- Tà đạo (micchā-paṭipadā)
2. Không hành khổ bản thân (atta-kilamathānuyoga)
2.1. Hành khổ bản thân
Là hành động gây đau khổ, không phải việc làm của bậc hiền thánh, là vô nghĩa.
2.2. Vì sao? Vì hành khổ bản thân sẽ chuốc lấy:
- Đau khổ (sa-dukkha)
- Phiền não (sa-upaghāta)
- Thất vọng (sa-upāyāsa)
- Nhiệt não (sa-pariḷāha)
- Tà đạo (micchā-paṭipadā)
3. Như Lai phát hiện ra Trung đạo
3.1. Trung đạo là không bị rơi vào hai cực đoan (ubho ante anupagamma):
- Tác thành con mắt nhìn chính xác (cakkhu-karaṇi)
- Tác thành trí (ñāṇa-karaṇi)
- Hướng đến đoạn diệt (upasama)
- Đạt được tri thức trực tiếp (abhiññā)
- Hướng đến chánh giác (sambodha)
- Hướng đến Niết bàn (nibbāna)
3.2. Trung đạo chính là Bát chánh đạo:
- Chánh kiến (sammā-diṭṭhi)
- Chánh tư duy (sammā-saṁkappa)
- Chánh ngữ (sammā-vāca)
- Chánh nghiệp (sammā-kammanta)
- Chánh mạng (sammā-ājīva)
- Chánh tinh tấn (sammā-vāyāma)
- Chánh niệm (sammā-sati)
- Chánh định (sammā-samādhi)
4. Nên biết chỉ trích (apasādana), nên biết tán thán (ussādana)
Sau khi biết như vậy rồi thì không chỉ trích, không tán thán, chỉ thuyết pháp.
4.1. Đối với năm dục lạc:
4.1.1. Sự chỉ trích đi kèm với (anuyoga) năm loại dục lạc
• Giống với 1.1 & 1.2
4.1.2. Tán thán không đi kèm với (an-anuyoga) năm loại dục lạc
• Tương phản với 1.1 & 1.2
4.1.3. Nhưng thuyết pháp
a) Không thuyết 4.1.1, nhưng thuyết pháp rằng:
Cảnh giới đi kèm theo là khổ đau, phiền não, thất vọng, nhiệt não, rơi vào tà đạo.
b) Không thuyết 4.1.2, nhưng thuyết pháp rằng:
Cảnh giới không đi kèm theo là không có khổ đau, phiền não, thất vọng, nhiệt não, đi vào con đường chánh đạo.
4.2. Đối với việc hành khổ bản thân:
4.2.1. Nên biết chỉ trích → đi kèm với hành khổ bản thân
• Giống với 2.1 & 2.2
4.2.2. Nên biết tán thán → không đi kèm với việc hành khổ bản thân
• Ngược lại với 2.1 & 2.2
4.2.3. Nhưng thuyết pháp
a) Không thuyết pháp như 4.2.1, nhưng nói rằng:
Cảnh giới đi kèm theo là khổ đau… (giống 4.1.3_a)
b) Không thuyết pháp như 4.2.2, nhưng nói rằng:
Cảnh giới đi kèm theo là không khổ đau… (Giống 4.1.3_b)
4.3. Đối với các kết sử
4.3.1. Nên biết chỉ trích:
Những kẻ chưa xả bỏ được kết sử hữu sẽ chuốc lấy mọi loại phiền não, khổ đau, thất vọng, nhiệt não, rơi vào tà đạo.
4.3.2. Nên biết tán thán:
Những người đã xả bỏ được kết sử hữu thì không còn phiền não, nghĩa là không còn đau khổ, phiền não, thất vọng, nhiệt não, đi vào con đường chánh đạo.
4.3.3. Nhưng thuyết pháp:
a) Không thuyết 4.3.1, nhưng thuyết rằng:
Khi chưa xả bỏ kết sử hữu thì khái niệm về hữu cũng chưa được xả bỏ.
b) Không thuyết pháp 4.3.2, nhưng thuyết rằng:
Khi xả bỏ kết sử hữu thì khái niệm về hữu cũng được xả bỏ.
(Chú thích: Kết sử hữu ↔ Niết bàn (chứng đắc nhờ trung đạo), như trong kinh nói: “Hữu diệt nghĩa là Niết bàn” (Bhava-nirodha nibbānanti))
5. Có thể định nghĩa lạc, hướng nội tìm kiếm lạc
Lạc có hai loại:
(i) Năm dục lạc:
- Mắt nhìn thấy sắc,
- Tai nghe thấy âm thanh,
- Mũi ngửi thấy mùi hương,
- Lưỡi nếm các vị,
- Thân xúc chạm.
• Đem đến cảm giác:
- Muốn (iṭṭha),
- Muốn có (kanta),
- Yêu thích (manāpa),
- Vui vẻ (piyarūpa),
- Tương ứng với dục lạc (kāmūpasaṁhita),
- Khiến cho niệm dục sinh khởi (rajanīya).
• Năm loại dục lạc này là:
- Lạc ô uế (mīḷha-sukha).
- Lạc thô tục (puthujjana-sukha).
- Không phải lạc của bậc Thánh hiền (anariya-sukha).
• Đối với năm loại lạc này:
- Không nên mong muốn thực hành (na āsevitabba).
- Không nên thiết lập (na bhāvetabba).
- Không nên tu tập (na bahulīkātabba).
- Nên sợ hãi (bhāyitabba).
(ii) Lạc do Thiền định đem lại:
- Lạc ly dục (nekkhamma-sukha).
- Lạc viễn ly (paviveka-sukha).
- Lạc đoạn diệt (upasama-sukha).
- Lạc chánh giác (sambodhi-sukha).
• Đối với lạc này:
- Nên mong muốn thực hành (āsevitabba).
- Nên thiết lập (bhāvetabba).
- Nên tu tập (bahulīkātabba).
- Không nên sinh lòng sợ hãi (na bhāyitabba).
6. Không nói lời bí ẩn (rahovāda), không nói lời sắc bén (sammukhākhīṇa), gây chia rẽ
• Lời bí ẩn:
- Không chân thực (abhuta).
- Không xác thực (ataccha).
- Không có lợi cho ý nghĩa
→ không thể nói.
- Chân thực, xác thực, không có lợi cho ý nghĩa
→ không thể nói lời bí ẩn ấy.
- Chân thực, xác thực, có lợi cho ý nghĩa
→ có thể nói lời bí ẩn ấy.
• Lời sắc bén, gây chia rẽ:
- Không chân thực, không xác thực, không có lợi cho ý nghĩa
→ không thể nói lời sắc bén, gây chia rẽ ấy.
- Chân thực, xác thực, không có lợi cho ý nghĩa
→ không thể nói lời sắc bén, gây chia rẽ ấy.
- Chân thực, xác thực, có lợi cho ý nghĩa
→ Có thể nói lời sắc bén, gây chia rẽ ấy.
7. Không nói lời hấp tấp, vội vàng
Nói lời hấp tấp, vội vàng thì thân thể mệt mỏi, tâm trạng bị kích động, âm thanh không rõ ràng, cổ họng khô rát, lời nói khó hiểu, cho nên, không nên nói lời hấp tấp, vội vàng.
8. Không tự khen tiếng địa phương mình, chê bai các ngôn ngữ thường dùng
Ở những địa phương khác nhau, cùng một đồ vật, người ta có các tên gọi khác nhau như: khay (pāti), bát (patta), đồ đựng (vittha), đĩa (dhāropa), bình (poṇa), cốc to (hana), chậu (pisīla).
Nếu cho rằng tên gọi này là đúng, tên gọi kia là sai thì chính là tự đề cao ngôn ngữ địa phương mình và đi xa với ngôn ngữ thường dùng.
Do vậy, không nên tự khen tiếng địa phương mình, lăng mạ, chê bai các ngôn ngữ thường dùng.