Tu tập, chứng đắc và có được an lạc ngay trong đời này
Tứ thiền là đạo Vô thượng du già vững chắc, là hiện pháp lạc trú
Tên đầy đủ của kinh này tiếng Pāli là Gaṇaka-moggallāna Sutta. Gaṇaka nghĩa là toán số, toán học, hoặc chỉ người tinh thông số học và tính toán; moggallāna Hán dịch là Mục Kiền Liên, vì vậy trong Kinh Trung A Hàm dịch là Kinh Toán Số Mục Kiền Liên hoặc Cối Kế Mục Kiền Liên.
Kinh này lần lượt nói về tác dụng của tứ thiền. Đối với bậc hữu học, tứ thiền là con đường dẫn đến Vô thượng du già vững chắc (anuttara yoga-kkhema), cũng có nghĩa là con đường chứng đắc giải thoát rốt ráo hoặc Niết bàn. Đối với bậc vô học, tứ thiền là nơi lạc trú trong hiện tại, hay còn gọi là hiện pháp lạc trú (diṭṭha-dhamma-sukha-vihāra).
Kinh này Đức Phật trả lời Bà la môn Gaṇaka-moggallāna về tuần tự tu tập phạm hạnh. Bà la môn Gaṇaka-moggallāna nói rằng: dù là các tu sĩ Bà la môn, các cung thủ, hay những chuyên gia tính toán thì cũng đều có trình tự tu tập, học hành theo tuần tự, từng bước một, dần dần mới có thể trở thành một tu sĩ, cung thủ hoặc chuyên gia tính toán đạt tiêu chuẩn. Vậy thì, liệu các đệ tử của Đức Phật có một trình tự học tập theo thứ tự trước sau trong việc tu tập và tầng bậc tiến bộ chăng?
Thế Tôn liền nói cho nhà Toán số này tuần tự tu học của đệ tử Phật, đó là: giới hạnh (sīlavā), giữ gìn sáu căn, tiết chế ăn uống, thường tỉnh giác, chánh niệm, ở những trú xứ hoang vắng, đoạn trừ năm chướng ngại và tu tập sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền.
Đức Phật giải thích rõ thêm, đối với các Tỳ kheo là bậc hữu học, tâm chưa đạt đến đích nhưng vẫn tìm cầu Vô thượng du già vững chắc, Thế Tôn dạy họ tứ thiền là con đường chứng đắc Vô thượng du già vững chắc (anuttara-yoga-kkhema).
Nhưng, đối với các đệ tử là bậc A la hán vô học đã chứng đắc lậu tận, Thế Tôn dạy rằng: tứ thiền hỗ trợ cho hiện pháp lạc trú (diṭṭha-dhamma-sukha-vihāra) và chánh niệm tỉnh giác (sati-sampaj-añña) của họ. Hiện pháp lạc trú là khi đang sống ở hiện tại, trong sinh hoạt hàng ngày cũng có thể an lạc.
Gaṇaka-moggallāna tiếp tục đưa ra câu hỏi: “Có phải tất cả đệ tử của Thế Tôn đều chứng đắc Niết bàn?” Thế Tôn trả lời rằng: “Không phải, có người chứng đắc, có người chưa chứng đắc”. Gaṇaka-moggallāna lại chất vấn: “Nếu đã có Niết bàn và Thế Tôn đã khai thị con đường dẫn đến Niết bàn, vậy thì tại sao không phải tất cả các đệ tử nghe lời chỉ dạy của Thế Tôn đều chứng đắc Niết bàn?”
Thế Tôn hỏi ngược lại ông ta: “Nếu có những người hỏi đường vào thành đi như thế nào, ông chỉ cho họ đường đi. Nhưng có người đến được thành, có người không đến được thành, vậy thì đó là lỗi của ai?” - “Đương nhiên là lỗi của người hỏi đường”. Vì vậy, Thế Tôn nói: “Như Lai chỉ là người chỉ đường (magga-kkhāyī), có người nghe theo lời chỉ dẫn mà đến đích, có người vẫn không có cách nào đi đến điểm cuối cùng. Đó không phải là vấn đề của Như Lai mà là vấn đề của những người nghe lời chỉ dẫn”.
Trong Tiểu Kinh Dụ Dấu Chân Voi, Đức Phật nói: tứ thiền là dấu chân của Như Lai, là điều Như Lai nương tựa vào, là điều Như Lai sử dụng; và trong Kinh Gaṇaka-moggallāna cũng thể hiện rõ tứ thiền là dấu chân của các đệ tử Phật, là điều các đệ tử Phật nương tựa vào. Hai kinh này đều thể hiện rõ vai trò của tứ thiền trên con đường giải thoát và sự vận dụng tứ thiền vào cuộc sống của các bậc đã giải thoát rốt ráo.
Đọc nhiều hơn
1. Trung Nikāya Pāli, Kinh Gaṇaka-moggallāna, M.III.1~7, Majjhima Nikāya no.107 Gaṇaka-moggallāna Sutta.
2. Bản Hán dịch Kinh Trung A Hàm, Kinh Toán Số Mục Kiền Liên, T1.652a~653c; bản Hán dịch, Pháp Cự dịch, Phật Thuyết Số Kinh, T1.875a~876b.
3. Bản dịch tiếng Anh, To Gaṇaka Moggallāna, The Middle Length Discourses of the Buddha, trang 874~879, Tỳ kheo Ñāṇamoli và Tỳ kheo Bodhi dịch, Sri Lanka: BPS, 1995.
4. Nửa phần cuối có thể tham khảo bản dịch tiếng Trung hiện đại: Gần Gũi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trang 259~260 (Tỳ kheo Kế Trí, Tỳ kheo Ñāṇamoli trước thuật; Thích Kiến Đế, Mâu Chí Kinh dịch, Đài Bắc: Tượng Thụ Lâm, 2006).