Giải mã Thiền định và Giải thoát - Chìa khóa chứng ngộ của Đức Phật được trước tác căn cứ theo kinh điển Pāli - bản kinh văn sớm nhất hiện còn được bảo tồn và lưu truyền cho đến ngày nay. Trong hai năm vừa viết sách vừa giảng dạy, tôi vốn không có ý định xuất bản, nhưng sau khi nhận trọng trách hướng dẫn tại Viện Nghiên cứu, mùa hè năm đó tôi quyết định dành toàn bộ thời gian để biên tập lại bản thảo cho ấn hành. Đến nay đã hơn 10 năm, cũng là lúc tôi cần hiệu đính lại để chuẩn bị tái bản, đồng thời, du học Tăng - Thích Vạn Lợi có tâm nguyện dịch sách này ra tiếng Việt và đề nghị tôi trao quyền chuyển ngữ. Cuối cùng, thầy Vạn Lợi và Ngọc Diệp đã hoàn thành việc chuyển ngữ và sắp xuất bản, nên nhân đây tôi cũng viết vài dòng hồi tưởng.
Nội dung sách là phiên bản tinh gọn của luận án Tiến sĩ trước đây tôi thực hiện. Trong luận án vốn đưa ra những luận chứng quan trọng để thiết lập tri thức mới, còn quyển sách này là giáo trình của Học viện Phật giáo, nên tôi chủ yếu trích dẫn và giảng giải trực tiếp từ kinh điển để học viên hiểu được quá trình Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai tu tập thành đạo, rồi hướng dẫn thiền định và đạo giải thoát cho các đệ tử sau này.
Về kết cấu, ba chương đầu tiên trình bày về thiền định mà thái tử Tất Đạt Đa tu chứng trong quá trình từ khi xuất gia cho đến lúc thành Sa môn Gotama, tiếp đến là những lời Đức Phật dạy đệ tử và dẫn dắt hành giả các đạo khác; từ đó đã xác lập loại thiền định nào là tất yếu, thành tựu nào là không bắt buộc từ chín tầng bậc thiền định được nói đến trong đạo giải thoát của Đức Thích Ca.
Từ chương thứ tư đến chương thứ bảy, một lần nữa xác nhận loại thiền định tất yếu trong đạo giải thoát của Đức Thích Ca. Có những thành tựu thiền định mà cả Phật giáo và các đạo khác đều có nhưng khác nhau về nhận thức và ứng dụng. Để phân biệt, tác giả đã tiến hành phân tích mối quan hệ giữa chín cấp độ định với giải thoát, Niết bàn và chỉ quán. Theo đạo giải thoát của Như Lai, trong chín cấp độ định thì tứ thiền là tất yếu, bắt buộc phải có. Những hành giả chứng nhập năm loại định còn lại làm thế nào để đạt đến và liệu có thể đạt đến giải thoát cứu cánh hay không, Như Lai cũng đã giải thích và hướng dẫn một cách rõ ràng.
Từ chương tám đến chương mười, tác giả thảo luận về tứ thiền, định tứ xứ, tưởng thọ diệt định và hiện pháp Niết bàn. Đến đây, quyển sách đã đề cập đến hai vấn đề còn đang tranh cãi của các dòng truyền thừa Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền: Liệu trong định có thể thực hiện phép quán hay không? Và khi nào thì chứng đắc hữu dư Niết bàn, khi nào thì chứng đắc vô dư Niết bàn? Đáp án dường như đã nằm trong sách này.
Chương mười và chương mười một bàn về phương pháp thiền và tam muội thuần túy thuộc về Phật giáo. Chương mười hai bàn đến phương pháp thiền không giống với đạo khác, định vô sở duyên và ba tam muội: không, vô tướng, vô nguyện. Đây là những điều dường như chưa thấy trong nghiên cứu của các học giả Nam truyền, nhưng lại xuất hiện trong Tam tạng Pāli, thậm chí còn được ghi chép trong Luật tạng Pāli khiến người ta không khỏi kinh ngạc, bất ngờ. Ngoài ra, ba tam muội này còn có mối liên quan đến các giáo thuyết thường xuất hiện trong kinh điển Đại thừa.
Kinh, Luật, Luận ba tạng như núi báu,
Mong Pháp bảo về với người có tâm nguyện.