Giới thiệu sơ lược kết cấu của sách
Từ những ghi chép hồi tưởng về quá trình tu chứng của Đức Phật, chúng ta tìm hiểu mối quan hệ giữa việc tu tập thiền định và giải thoát Niết bàn của Thế Tôn. Sau khi thành đạo, Thế Tôn đã dẫn dắt các đệ tử của mình tu tập ra sao. Cho đến nay, xét về mối quan hệ giữa thiền định và Niết bàn thường được nhắc đến trong kinh điển, thiền định là chỉ tứ thiền, không bao gồm tứ xứ1 (tứ vô sắc định) và tưởng thọ diệt định.
1 Tứ xứ gồm không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ. (Dịch giả phụ chú)
Tiếp theo, chúng ta cần tham khảo các kinh điển ghi chép về thiền định có liên quan đến đạo khác và các ẩn sĩ, trong đó, chúng ta có thể chia nhỏ thành các kinh điển đề cập đến tứ thiền và chín tầng bậc định1.
1 Chín tầng bậc thiền định gồm sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, tưởng thọ diệt định. (Dịch giả phụ chú).
Ở đây, chúng ta vẫn chưa thấy các kinh điển có ghi chép về quan hệ giữa định thứ chín (tưởng thọ diệt định) và giải thoát Niết bàn; mà chỉ thấy các kinh điển ghi chép về phương pháp tu tập chứng nhập giải thoát Niết bàn từ định thứ bảy (vô sở hữu xứ định). Trong đó, chúng ta cũng bắt gặp các kinh điển phân tích về việc tu quán trong thiền định và đạt đến giải thoát, hành giả chỉ cần thực hiện được phép quán trong bảy định đầu thì đã có thể đạt đến Niết bàn.
Phần cuối sách phân tích phương pháp tu thiền do Đức Phật truyền dạy, cũng chính là phương pháp tu thiền thuần túy của Phật giáo, định vô sở y hoặc định vô sở duyên và ba tam muội: không, vô tướng, vô nguyện.
Về các tài liệu sử dụng, sách này chủ yếu căn cứ vào kinh điển Nikāya Pāli, sau đó là dựa vào Kinh A Hàm Hán dịch1. Nikāya Pāli có 5 bộ, trong đó có Trung Nikāya và Tăng Chi Nikāya là kinh điển đề cập nhiều đến thiền định và Niết bàn. Ngoài ra, Kinh Tập, Như Thị Ngữ, Ưu Đà Na, Trưởng Lão Tăng Kệ, Trưởng Lão Ni Kệ trong Trường Nikāya, Tương Ưng Nikāya và Tiểu Nikāya cũng có ghi chép về thiền định.
1 Ghi chú: Kinh điển Nikāya được trích dẫn trong sách này căn cứ vào Tam tạng Pāli do Học hội Thánh điển Pāli xuất bản, giới học thuật thường gọi là bản PTS (The Pāli Text Society). Kinh điển Hán tạng được trích dẫn căn cứ vào bản đĩa CD Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh do Hiệp hội Phật điển Điện tử Trung Hoa Đài Loan xuất bản, giới học thuật thường gọi là bản CBETA (Chinese Buddhist Electronic Text Association).
Một vài phần trong số những kinh điển này đều có các bản Hán dịch tương đương. Việc phân tích tất cả kinh điển được ghi chép trong thời kỳ đầu này giúp chúng ta thấy được mối quan hệ giữa thiền định mà Đức Phật đã tu chứng và giáo hóa với giải thoát Niết bàn.
Đọc sách này như thế nào?
Mục đích chủ yếu của sách là khẳng định tiềm lực của tứ thiền. Sách chứng minh định lực của tứ thiền có thể giúp hành giả đạt giải thoát cứu cánh bằng các nội dung như: quá trình tu chứng của bản thân Đức Phật, việc Đức Phật chỉ dạy cho các đệ tử, làm thế nào để dẫn dắt những hành giả đạo khác đã có kinh nghiệm thiền định đạt giải thoát cứu cánh. Từ chương bảy trở về sau, tác giả phân tích cách tu tập để đạt giải thoát cứu cánh trong thiền định.
Ví dụ:
Chương 1. Đức Phật đích thân thuật lại quá trình tu chứng của chính mình
Tứ thiền, Tam minh, Nhân Thiên sư
Dưới mỗi chương đều có câu chủ đề tóm lược ý chính của toàn chương, vì vậy độc giả có thể nắm được nội dung cốt yếu khi đọc câu chủ đề này.
Đọc nhiều hơn: Sau mỗi chương lại kèm theo phần “Đọc nhiều hơn” để cung cấp thông tin về các kinh điển được trích dẫn trong chương đó. Độc giả nào đam mê, hứng thú hoặc muốn nghiên cứu sâu thì có thể tìm thêm các sách liên quan được liệt kê để tham khảo.
Hiểu biết nhiều hơn: là các nội dung hay hoặc đáng để bàn luận thêm được rút ra từ các kinh điển liên quan. Để tránh gây trở ngại cho độc giả trong việc nhanh chóng nắm bắt chủ đề chính, phần thông tin này được tách riêng ra và thêm vào mục “Hiểu biết nhiều hơn”.