Thiền học và đạo giải thoát có mối quan hệ mật thiết không thể tách rời. Cho dù là trước Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thời Phật tại thế hay sau khi Đức Phật nhập diệt và ngay cả thời đại của chúng ta, những người tìm kiếm con đường giải thoát đều học tập và tu chứng các loại thiền định.
Từ xưa đến nay, các dòng truyền thừa Phật giáo cũng như các tông phái trong các dòng truyền thừa này đều có các thứ bậc tu chứng và cách giải thích về Thiền học, giải thoát của riêng mình. Bên cạnh Phật giáo, các tôn giáo khác cũng dạy và bàn luận về Thiền học. Thời hiện đại, Thiền học ngày càng được nghiên cứu và vận dụng rộng rãi.
Trên phương diện nghiên cứu tư liệu, dù là giới học thuật phương Đông hay phương Tây, họ cũng đã tiến hành các nghiên cứu học thuật dựa trên các loại Thiền học này. Về phương diện ứng dụng thực tế, Thiền học không chỉ giới hạn ở việc theo đuổi giải thoát tối hậu của kiếp sống con người mà còn được vận dụng rộng rãi vào các ngành nghề như giới thương nghiệp, giáo dục và các cơ quan tổ chức chính phủ.
Nhằm đón đầu nhu cầu của các ngành nghề, việc tu tập Thiền học trước kia vốn nghiêm cẩn nay đã được điều chỉnh và nới lỏng hơn. Để phù hợp với môi trường sinh hoạt của những người bận rộn, việc tu trì Thiền học được chuyển từ chế độ chuyên nghiệp thành chế độ nghiệp dư, điều chỉnh thời gian từ cả ngày xuống còn 1 - 2 tiếng đồng hồ, có khi chỉ 10 - 30 phút.
Do mục tiêu sống không giống nhau, tu thiền được chuyển đổi từ việc tìm kiếm niềm vui giải thoát rốt ráo thành việc theo đuổi niềm vui an tĩnh nhất thời. Loại thứ nhất là để giải quyết cội rễ khổ đau của sinh mệnh; loại thứ hai là giúp người thực hành có thể vượt qua giới hạn để sáng tạo kỳ tích. Đương nhiên, loại Thiền học đã được điều chỉnh và làm loãng này cũng có thể chuyển về mục đích tu thiền căn bản ban đầu, nghĩa là truy tìm niềm vui giải thoát cuối cùng cho sinh mệnh.
Thiền được đông đảo quần chúng trong xã hội công nhận, điều này phải kể đến công lao của những người đã thực hành và hoằng dương Thiền học, gồm có 2 nhóm:
(i) Nhóm thứ nhất: Những người truy cầu giải thoát cứu cánh của sinh mệnh.
Họ có những kiến giải riêng của các tông phái mà họ tin theo. Hầu hết đều theo phương pháp tu thiền của tông phái mình, cho đó là con đường nghiên cứu rốt ráo và bài trừ quan điểm của các phái khác.
(ii) Nhóm thứ hai: Những học giả chú trọng phương diện nghiên cứu tư liệu.
Những người này khá chú trọng nghiên cứu văn hiến, nhưng cũng không thiếu những người tu thiền thực tiễn.
Sự khác biệt giữa hai nhóm trên là: một bên thì chú trọng thực tiễn, một bên thì chú trọng nghiên cứu dựa trên tài liệu, sách vở. Hai loại này có điểm chung là đều căn cứ vào kinh điển ghi chép về phương pháp, quá trình thành tựu của các bậc tiền nhân trong thực tiễn tu thiền được lưu truyền từ xưa đến nay.
Điều đáng chú ý là hai nhóm người này đều căn cứ vào các kinh điển giống nhau (Kinh Nikāya Pāli và Kinh A Hàm Hán dịch) nhưng lại có rất nhiều tranh luận xung quanh các kinh điển này. Kinh Nikāya Pāli và Kinh A Hàm Hán dịch đóng một vai trò đặc biệt trong các kinh điển Phật giáo hiện còn. Hiện nay, quan điểm của giới học thuật đều cho rằng đây là những bộ kinh điển Phật giáo xuất hiện sớm nhất. Do vị thế đặc biệt của các kinh này, có người lấy nó làm căn cứ cho Phật giáo căn bản hay Phật giáo Nguyên thủy, từ đó xếp kinh điển Đại thừa xuống thời kỳ sau và thậm chí còn nghi ngờ về tính chân thực của giáo pháp Đại thừa.
Tương ứng với quan điểm này, có người tiếp tục duy trì quan điểm phán giáo1 của Phật giáo Trung Quốc từ xưa đến nay, cho rằng Kinh A Hàm là kinh điển Tiểu thừa, cho nên những gì kinh này ghi chép đều thuộc về Phật giáo Tiểu thừa. Chúng ta sinh ra trong thời đại ngày nay, có nhân duyên thù thắng được biết đến Tam tạng kinh luận (Hán truyền, Nam truyền, Tạng truyền) của các dòng truyền thừa Phật giáo; lại có cơ hội để tìm hiểu, phân biệt, phân tích, phán đoán, lựa chọn cái nào là thật, cái nào là giả.
1 Là sự phân định giáo lý của Đức Phật theo chủ đề hoặc thời gian…, là một khía cạnh chủ yếu trong việc nghiên cứu nguồn gốc kinh điển của nhiều Tăng sĩ Phật giáo từ thế kỷ V - VIII trong các tông phái Phật giáo Trung Hoa như Pháp Tướng, Thiên Thai, Hoa Nghiêm... Một số nhà phán giáo nổi bật là Tuệ Viễn, Trí Khải, Pháp Tạng và Tông Mật.
Sách này lấy Thiền học và Giải thoát làm chủ đề chính, tìm hiểu mối quan hệ giữa thiền định và việc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu hành thành đạo, nhân duyên thù thắng giữa thiền và Niết bàn từ Kinh Nikāya Pāli và Kinh A Hàm Hán dịch.
Phương pháp tu thiền Phật giáo được ghi chép trong Kinh Nikāya Pāli và Kinh A Hàm là một trong những đề tài nghiên cứu quan trọng trong giới học thuật Phật giáo hiện đại. Thành quả nghiên cứu của các học giả tại quốc gia Nam truyền thể hiện hai điều trong đạo giải thoát của Phật giáo:
(a) Tịch tĩnh thừa (samatha-yāna, the vehicle of serenity), hoặc dịch là chỉ.
(b) Hiện quán thừa (vipassanā-yāna, the vehicle of insight), hoặc dịch là quán.
Các học giả phương Tây, bao gồm giới Sử học, Triết học, Tâm lý học, Ngôn ngữ học và Phật học đã có nhiều thảo luận mang tính phê phán với chỉ (samatha), quán (vipassanā) và tưởng thọ diệt định (saññā-vedayita-nirodha).
Họ đã đưa ra một số nghi ngờ mà cho đến nay vẫn chưa có kết luận chính xác. Về một phương diện khác, các hành giả tu thiền có thể chia thành hai loại là hành giả Tịch tĩnh thừa (samatha-yānika) và hành giả Hiện quán thừa (vipassanā-yānika). Hai loại hành giả này cũng luôn tranh luận với nhau xem phương pháp thiền của ai có hiệu quả hơn.
Về phương diện học thuật, các học giả Nam truyền chủ yếu dựa vào Chú sớ (Aṭṭhakathā) và Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhimagga) bản tiếng Pāli được hình thành ở giai đoạn về sau để nghiên cứu. Vì vậy, thành quả nghiên cứu của họ, sự phân biệt giữa Tịch tĩnh thừa và Hiện quán thừa cũng cung cấp cho độc giả những nhận thức về Thiền học Phật giáo truyền thống Nam truyền.
Các học giả phương Tây cũng nghiên cứu Chú sớ và Thanh Tịnh Đạo Luận nhưng họ chú trọng vào kinh điển Nikāya Pāli ở thời kỳ sớm hơn rồi từ đó đặt ra những nghi vấn về Thiền học Phật giáo.
Từ hai quan điểm này và các nghi vấn cho thấy, Thiền học Phật giáo thời kỳ đầu vẫn còn đang đợi các nhà nghiên cứu tìm hiểu và khám phá sâu thêm.
Ngoài ra, sự tranh luận giữa các tổ chức tu thiền cũng dựa trên Kinh Nikāya, Chú sớ Pāli và các tác phẩm luận, bao gồm cả chủ trương của những bậc thầy tu thiền của các dòng phái này. Điều đó thể hiện căn cứ nghiên cứu của họ, dù là kinh, sớ, luận hay chủ trương đều có điểm mâu thuẫn.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu tổng hợp nào thảo luận các đề tài thiền học căn cứ trên cả Kinh Nikāya Pāli lẫn Kinh A Hàm Hán dịch.
Tính đến hiện tại, chúng ta đã có vài bản dịch tiếng Anh mới của Kinh Nikāya Pāli, bản dịch tiếng Trung hiện đại của một bộ phận kinh điển Pāli và bản Kinh A Hàm Hán dịch được truyền từ xưa đến nay. Tôi tin chắc rằng những tài liệu này khá hữu ích đối với công trình nghiên cứu của chúng ta.
Khi nhân duyên chín muồi, chúng ta có thể tìm hiểu về Thiền học đã được phổ biến từ thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, phương pháp thiền Đức Phật đã giảng dạy và các thành quả khi hành trì.
Chúng ta hãy quan sát khái lược về các ghi chép liên quan đến việc tu thiền trong các kinh điển này. Kinh Nikāya Pāli và Kinh A Hàm Hán dịch đều cho thấy thời Đức Phật tại thế, các hành giả đạo khác cũng tu tập Thiền. Hãy xem một số ví dụ dưới đây:
- Đức Phật phê bình mục đích tu hành rốt ráo của một số hành giả đạo khác, đồng thời khuyên các đệ tử không nên tu tập và chứng nhập vào các cảnh giới thiền định này.
- Những vị Trưởng lão đại đệ tử Phật răn dạy đệ tử mình các vấn đề về tu thiền.
- Hàng đệ tử tại gia thỉnh giáo Đức Phật và các đệ tử của Ngài về sự tương đồng và dị biệt giữa phương pháp tu thiền do chính Đức Phật dạy và phương pháp tu thiền của các đạo khác.
- Những hành giả đạo khác khiêu khích các đệ tử Phật thông qua việc thành tựu thiền.
- Đức Phật giảng dạy nhiều phương pháp tu thiền thay thế cho lối tu truyền thống hoặc của đạo khác, điều đó cho thấy Ngài đã phát hiện con đường chính xác đưa đến Niết bàn (nibbāna). Những phương pháp tu thiền thay thế này thường xuất hiện trong kinh điển sau khi hành giả đạo khác đã trình bày lối tu thiền của mình.
Ngoài ra, có một số kinh điển ghi chép định nghĩa về “định căn” cũng thuật lại phương pháp tu thiền do Đức Phật dạy nhưng không đề cập đến bất kỳ tư tưởng nào của các hành giả đạo khác.
Còn có một số kinh điển ghi chép về Nhất thừa đạo hướng về Niết bàn cũng đáng để chúng ta chú ý. Các kinh điển này đều gợi ý từng chút một những đánh giá của Đức Phật về phương pháp tu thiền thịnh hành trong các đạo khác thời bấy giờ. Ngài cũng đưa ra một số sửa đổi và dạy họ phương pháp tu thiền mới để có thể chứng nhập Niết bàn. Cách tu thiền mới này thông dụng cho cả những người đã có hoặc chưa hề có một chút kinh nghiệm tu thiền nào.
Giới học thuật và những người tu thiền thực tiễn ngày nay có sự khác biệt khá rõ rệt trong nhận thức về chín tầng bậc định so với truyền thống Phật giáo từ xưa truyền thừa lại.
Ba truyền thống của Phật giáo: Hán truyền, Tạng truyền và Nam truyền đều nhất trí cho rằng, chín cấp bậc thiền chứng này tuần tự từ thấp đến cao, hơn nữa phân chia thành thiền thế gian và thiền xuất thế gian. Tu chứng thiền, giải thoát và Niết bàn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Ngày nay, những người tu thiền thực tiễn chủ trương và đề cao việc không cần tu thiền chỉ mà chỉ cần dựa vào tu quán cũng có thể đạt được giải thoát; nhưng trong giới Phật giáo Nam truyền lại chủ trương rằng thiền là bắt buộc phải tu cả chỉ lẫn quán. Hai trường phái này, trường phái nào cũng kiên trì giữ gìn quan điểm của mình và không ngừng tranh luận (căn cứ vào kinh điển).
Giới học thuật hiện đại ngày nay, đặc biệt là các học giả phương Tây, cũng đưa ra những nghi vấn lớn đối với chín tầng bậc thiền định truyền thống. Trong giới Phật giáo Hán truyền, cũng có những người cho rằng: chín tầng bậc thiền định này là do các đệ tử của Đức Phật đã đem hai nhóm phương pháp thiền không liên quan kết hợp lại với nhau1.
1 Nhóm Tứ sắc định gồm sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền và nhóm Tứ vô sắc định gồm không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Tranh luận giữa những người tu thiền thực tiễn và những nghi vấn mà giới học thuật đưa ra vẫn chưa có hồi kết. Sách này sẽ quan sát, phân tích những nhận định của Đức Phật về chín tầng bậc thiền định từ hai nguồn kinh điển xuất hiện sớm nhất hiện còn là Kinh Nikāya Pāli và Kinh A Hàm Hán dịch.
Thành quả nghiên cứu của những người đi trước:
Trên đây chúng ta đã đưa ra hai quan điểm về phương pháp tu thiền Phật giáo thời kỳ đầu.
(*) Nghiên cứu lý thuyết chung dựa trên nghiên cứu rộng rãi về Chú sớ Pāli và Thanh Tịnh Đạo Luận của Luận sư Giác Âm thế kỷ thứ V.
(**) Nghiên cứu chuyên đề, nghĩa là nghiên cứu chuyên sâu về một số đề tài, văn bản Pali hoặc Hán dịch nào đó, hoặc căn cứ trên một vài kinh điển Nikāya Pāli và các Kinh A Hàm Hán dịch tương ứng.
Tuy hai loại hình nghiên cứu này đã cung cấp những kiến thức sâu rộng về Thiền học Phật giáo nhưng những nghi vấn mà các học giả đặt ra vẫn chưa được giải quyết.
Pháp sư Vajirañāṇa và Pháp sư Gunaratana đã nghiên cứu căn cứ trên Chú sớ Pāli và chủ yếu là Thanh Tịnh Đạo Luận, tiếp nhận hoàn toàn những kiến giải truyền thống về phương pháp tu trì thiền định. Hay nói cách khác, thành quả nghiên cứu của họ khiến cho độc giả hiểu được thiền Phật giáo qua góc nhìn của Luận sư Giác Âm vào thế kỷ thứ V. Hai vị pháp sư này đều nhất trí cho rằng phương pháp tu thiền được ghi chép trong Nikāya và phương pháp tu thiền được các chú sớ giải thích đều hoàn toàn thuộc về Phật giáo chứ không phải là thứ thiền vay mượn từ hệ thống Du già (Yoga System) phi Phật giáo.
Winston King, một người phương Tây từng ghé thăm Myanmar, cũng đã tiến hành nghiên cứu sâu mang tính phê phán đối với phương pháp tu thiền Phật giáo dựa vào Thanh Tịnh Đạo Luận. Tuy nhiên, quan điểm của vị này lại đối lập với quan điểm của hai pháp sư Nam truyền trên. Ông cho rằng phương pháp tu thiền được ghi chép trong Luận thư này không hoàn toàn bắt nguồn từ Đức Phật mà mượn của Bà la môn giáo. Ông nhận định rằng, khi Kinh Nikāya Pāli được dùng phương thức chữ viết để ghi chép lại, phương pháp thiền Yoga của Bà la môn giáo cũng đã trở thành một bộ phận trong bản chất của phương pháp thiền Phật giáo chứ chưa cần nói đến tác phẩm Thanh Tịnh Đạo Luận được trước tác vào thế kỷ thứ V. Cũng tức là, theo Winston King, phương pháp thiền Phật giáo hiện chúng ta biết đến về bản chất không tách rời với phương pháp thiền Yoga của Bà la môn giáo.
Bronkhorst, một vị giáo sư phương Tây khác, đã tiến hành nghiên cứu so sánh đối chiếu một số bộ kinh bằng ngôn ngữ Pāli và các kinh tương ứng tiếng Hán với kinh điển của Kỳ Na giáo (Jainism). Kết luận của ông là: tuy phương pháp tu tập thiền định là do Phật dạy nhưng cũng có những dấu vết cho thấy các phương pháp tu tập của đạo khác cũng được gom góp vào trong kinh điển Phật giáo. Tiến thêm một bước, ông chỉ ra rằng trong các kinh điển thời kỳ đầu của các đạo khác không hề có sự ghi chép nào về phương pháp tu tập thiền.
Vetter, học giả người Đức, cho rằng vô sắc định là khái niệm trong việc tu trì của đạo khác được đem vào Phật giáo, còn tưởng thọ diệt định là phát minh của Phật giáo.
Schmithausen, một học giả người Đức khác, đã nghiên cứu chuyên sâu về giải thoát hiện quán (Liberating insight) của các đệ tử Phật và sự giác ngộ viên mãn của Đức Phật. Nghiên cứu của ông tập trung vào hai điểm:
(*) Hiểu về Tứ thánh đế liệu có đem lại sự giải thoát rốt ráo?
(**) Tưởng thọ diệt định liệu có phải là nơi mà hành giả có thể thực hiện phép quán để đạt đến lậu tận?
Griffiths, học giả người Mỹ, lại nghi ngờ về đề tài này của Schmithausen.
Các nghiên cứu trên đều nhằm khám phá nguồn gốc của phương pháp thiền Phật giáo. Một nhóm cho rằng toàn bộ chín tầng bậc thiền định hoàn toàn thuộc về truyền thống của Phật giáo. Một nhóm khác lại cho rằng Phật giáo mượn khái niệm vô sắc định từ truyền thống của đạo khác. Cũng có những nghiên cứu thảo luận về vấn đề thực hiện phép quán trong cảnh giới vô ý thức - tưởng thọ diệt định. Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu nào khám phá việc Đức Phật nhìn nhận như thế nào về chín tầng bậc thiền định, tìm tòi khả năng thực hiện phép quán trong định và tưởng thọ diệt định liệu có giống với phương pháp tu của đạo khác hay là tìm hiểu Đức Phật đã có phát hiện gì mới dựa trên các phương pháp tu thiền này.