Các kinh nêu trên đã nói rõ về thứ tự tu tập Tam tam muội, cũng có những kinh điển thay thế vô nguyện tam muội bằng vô sở hữu tam muội hoặc vô tác tam muội. Kinh dưới đây giải thích về nghĩa, câu, vị của pháp, thứ tự của Tam tam muội là vô tướng tam muội, vô sở hữu tam muội đến không tam muội. Kinh này cũng lấy vô sở hữu tam muội thay thế vô nguyện tam muội.
Kinh Tạp A Hàm quyển 21 chép rằng:
“Thế nào là vô tướng tâm tam muội? Thánh đệ tử đối với tất cả tướng đều không niệm tưởng, tự thân tác chứng vô tướng tâm tam muội. Đó gọi là vô tướng tâm tam muội”.
“Thế nào gọi là vô sở hữu tâm tam muội? Thánh đệ tử vượt qua tất cả vô lượng thức nhập xứ, vô sở hữu, trụ vô sở hữu. Đó gọi là vô sở hữu tâm tam muội”.
“Thế nào gọi là không tâm tam muội? Thánh đệ tử, thế gian trống rỗng, quan sát như thật rằng thế gian trống rỗng, thường trụ, không biến đổi, chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở. Đó gọi là không tâm tam muội”.
“Đó gọi là pháp gồm nhiều nghĩa, nhiều câu, nhiều vị”1.
1 Đại Chánh Tạng tập 2, trang 149c~150a. Người dịch trích từ bản dịch do Thích Tịnh Hạnh chủ biên; Tên sách: Đại Tập 6 - Bộ A Hàm VI - Kinh Tạp A Hàm Số 2; Mục lục: Tạp A Hàm Quyển 21; Nhà xuất bản: Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan; Năm xuất bản: 2000; Trang: 204.
Tuy trong kinh đã dùng vô sở hữu tam muội hoặc vô tác tam muội thay thế cho vô nguyện tam muội, nhưng không có ghi chép về vô sở hữu giải thoát hoặc vô sở hữu giải thoát môn. Đứng trên phương diện chứng đắc giải thoát để xem xét, không, vô tướng, vô nguyện tam muội tại điểm cùng cực của nó, được gọi là không giải thoát môn, vô tướng giải thoát môn, vô nguyện giải thoát môn.
Nikāya hoặc A Hàm không hề có các ghi chép về vô sở hữu giải thoát môn, thậm chí trong các kinh luận hậu kỳ cũng không thấy ghi chép. Vậy, tại sao trong Kinh Tạp A Hàm trên lại ghi chép về phương pháp tu tập vô sở hữu tam muội? Điều này đáng để nghiên cứu sâu thêm.
Thứ tự không cố định của Tam tam muội, sự xuất hiện của vô sở hữu và vô tác tam muội liệu chăng là do các đệ tử đời sau đọc tụng sai sót hoặc các đệ tử đời sau càng ngày càng xa lạ với việc tu tập Tam tam muội này? Trong kinh luận Bắc truyền, thứ tự của không, vô tướng, vô nguyện tam tam muội không hề thay đổi, cách giải thích cũng tương ứng với Kinh Nikāya và Kinh A Hàm, cũng giống như phẩm Giáo Thụ Luận Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh1, trong Luận Thập Trụ Tỳ Bà Sa từ đầu đến cuối đều theo thứ tự không, vô tướng, vô nguyện2, Thập Địa Kinh Luận cũng theo thứ tự này3.
1 Đại Chánh Tạng tập 31, trang 625c.
2 Đại Chánh Tạng tập 26, trang 36b, 48b, 55a, 61c, 87b, 112a.
3 Đại Chánh Tạng tập 26, trang 141c, 171b, 174a.
Nhưng trong các luận điển của Nam truyền, như Vô Ngại Giải Đạo (Paṭisambhidā-magga), lại xuất hiện thứ tự và cách giải thích về Tam tam muội không giống với Nikāya. Ngay cả cách giải thích về thứ tự Tam tam muội trong nửa đầu và nửa sau của Vô Ngại Giải Đạo cũng không giống nhau. Nửa đầu thì theo thứ tự vô tướng, vô nguyện, không tam muội; cách giải thích của nó kết hợp với ba pháp vô thường, khổ, vô ngã. Coi việc tu tập vô thường là duyên để chứng đắc vô tướng tam muội, coi tu tập khổ là duyên để chứng đắc vô nguyện tam muội, coi tu tập vô ngã là duyên để chứng đắc không tam muội. Lối giải thích theo kiểu tổ hợp này không thấy được ghi chép trong Nikāya.
Thứ tự của Tam tam muội được nhắc đến trong nửa sau của bộ luận này lại giống với Nikāya, nghĩa là không, vô tướng, vô nguyện tam muội.