Ở phần thảo luận về chín tầng bậc định và hiện quán, hiện quán được nhắc đến trong Kinh Māluṅkyāputta và Kinh Bát Thành Nhân, là quán tướng chân thực của thành tựu thiền định không xa rời năm uẩn hòa hợp thân này, cũng chính là vô thường, khổ, không, vô ngã. Vì hiểu được vô thường, khổ, không, vô ngã nên ý thức được rằng thành tựu thiền định chính là vô ngã, vô ngã sở. Đây là phương pháp thiền định Thế Tôn truyền dạy, không giống với phương pháp thiền của đạo khác.
Tuy đệ tử Phật và đạo khác đều chứng nhập tứ thiền cho đến tứ xứ như nhau, nhưng khi đã đạt được thành tựu thiền định này, từ đó làm thế nào để phát triển và nhận thức nó thì đạo Phật và đạo khác lại không giống nhau. Tứ thiền cho đến tứ xứ có tăng thêm hạnh quán được gọi là không tam muội. Loại thiền định Thế Tôn truyền dạy có thể đạt đến giải thoát cứu cánh nhờ hạnh quán này. Tạp A Hàm đã ghi chép làm thế nào để chứng nhập không tam muội:
“Phật bảo các Tỳ kheo:
“Nếu Tỳ kheo nào ngồi dưới gốc cây, chỗ trống vắng mà khéo quán sát sắc là vô thường, là pháp hủy diệt, ly dục. Cũng vậy, quán sát thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, là pháp hủy diệt, ly dục. Quán các thọ ấm kia là vô thường, là pháp hủy diệt, không bền chắc, biến dịch thì tâm sẽ được an lạc, thanh tịnh, giải thoát. Đó gọi là không”1.
1 Đại Chánh Tạng tập 2, trang 20a.
Kinh Phật Thuyết Pháp Ấn cũng nói rằng:
“Này Bí sô, có vị tu hành vào trong rừng, hoặc bên gốc cây, các nơi thanh tịnh, như thật quán sát sắc là khổ, là không, là vô thường, nên sanh nhàm chán, trú nơi bình đẳng kiến; quán sát như thật đối với thọ, tưởng, hành, thức là khổ, là không, là vô thường, nên sanh nhàm chán, trú nơi bình đẳng kiến. Này các Bí sô, các uẩn vốn là không, do tâm sanh; tâm pháp diệt rồi, các uẩn không còn tác dụng. Thấu rõ như vậy là chánh giải thoát; đã giải thoát rồi thì lìa bỏ các tri kiến, gọi là không giải thoát môn”1.
1 Đại Chánh Tạng tập 2, trang 500b. Người dịch trích từ bản dịch do Thích Tịnh Hạnh chủ biên; Tên sách: Đại Tập 7 - Bộ A Hàm VII - Kinh Tạp A Hàm Số 3; Mục lục: Số 104 - Phật Nói Kinh Pháp Ấn; Nhà xuất bản: Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc; Năm xuất bản: 2000; Trang: 809, 810.
Hai kinh này miêu tả một cách có thứ lớp việc tu chứng không tam muội là lần lượt thực hiện phép quán và chứng đắc. Kinh Tăng Nhất A Hàm đã đề cập ở đoạn trước lại tóm lược rằng: “Thế nào là không tam muội? Không là quán tất cả các pháp đều là không hư. Đó gọi là không tam muội”. Quán tướng chân thực của năm uẩn hòa hợp thân này cuối cùng sẽ dẫn dắt hành giả hướng đến xả bỏ năm uẩn hòa hợp thân. Vì vậy, hành giả tu tập thành công không tam muội sẽ tiến sâu thêm một bước tu tập vô tướng tam muội.
Vô tướng tam muội chính là thoát ly khỏi tất cả các tướng; chính là tập tính sáu căn chấp thủ sáu cảnh có từ vô thỉ kiếp đến nay. Hạng phàm phu chưa từng được nghe chánh pháp, chưa từng trải qua huấn luyện, không những sáu căn chấp thủ sáu cảnh mà còn sinh khởi nhiều kiến giải vô minh từ việc chấp thủ này, từ đó dây dưa, kéo theo từ kiếp này đến kiếp khác, liên tục không ngừng nghỉ, cũng chính là luân hồi. Khi đã hiểu một cách chân thực năm uẩn hòa hợp thân trên cơ sở tu tập không tam muội, bước tiếp theo là phải tu tập xả bỏ, cũng chính là thoát khỏi sự trói buộc của năm uẩn hòa hợp thân bằng việc tu tập vô tướng tam muội.
Kinh Tạp A Hàm đã ghi chép làm thế nào để chứng nhập vô tướng tam muội như sau:
“Lại có tam muội chánh tư duy là quán sát sự đoạn tận của tướng sắc, sự đoạn tận của tướng thanh, hương, vị, xúc, pháp. Đó gọi là vô tướng”1.
1 Đại Chánh Tạng tập 2, trang 20a. Người dịch trích từ bản dịch do Thích Tịnh Hạnh chủ biên; Tên sách: Đại Tập 5 - Bộ A Hàm V - Trung A Hàm Biệt Dịch & Kinh Tạp A Hàm Số 1; Mục lục: Tạp A Hàm Quyển 3 - Kinh 80: Pháp Ấn; Nhà xuất bản: Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc - Đài Loan; Năm xuất bản: 2000; Trang: 625.
Kinh Phật Thuyết Pháp Ấn cũng nói rằng:
“Lại nữa, trú vào chánh định, quán sát các sắc cảnh đều diệt tận, xa lìa các tưởng về hữu. Cũng vậy đối với thanh, hương, vị, xúc, pháp đều diệt tận, xa lìa các tưởng về hữu. Quán sát như vậy gọi là vô tưởng giải thoát môn. Vào cửa giải thoát này rồi thì được tri kiến thanh tịnh. Do thanh tịnh như vậy nên tham, sân, si đều bị diệt tận. Chúng bị diệt tận rồi thì trú nơi bình đẳng kiến. Trú ở kiến này là xa lìa ngã kiến và ngã sở kiến, tiêu diệt các kiến, không còn sanh khởi, không còn chỗ nương tựa”1.
1 Đại Chánh Tạng tập 2, trang 500b. Người dịch trích từ bản dịch do Thích Tịnh Hạnh chủ biên; Tên sách: Đại Tập 7 - Bộ A Hàm VII - Kinh Tạp A Hàm Số 3; Mục lục: Số 104 - Phật Nói Kinh Pháp Ấn; Nhà xuất bản: Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc; Năm xuất bản: 2000; Trang: 810.
Tu tập vô tướng tam muội có liên quan đến sáu căn và sáu cảnh. Việc tu tập sáu căn xả bỏ sáu cảnh có liên quan trực tiếp đến giải thoát. Chúng ta đã gặp điều này ở Kinh Năm Ba, Đức Phật nói rằng đây là con đường dẫn đến vô thượng chí cực tịch tĩnh mà Như Lai phát hiện ra.
Hai đoạn kinh văn trên bàn về tu tập vô tưởng tam muội từ khía cạnh sáu căn tiếp xúc với sáu cảnh, còn đoạn Kinh Tăng Nhất A Hàm nêu trên nói tóm lại thành: “Thế nào là vô tưởng tam muội? Vô tưởng là đối với tất cả các pháp đều không tưởng niệm gì, cũng không có gì được thấy. Đó gọi là vô tưởng tam muội”. Căn cứ theo Kinh Tỳ Đà La trong Trung A Hàm, việc tu tập vô tướng tam muội có hai tầng bậc: một là không chấp thủ vào bất kỳ tướng nào, hai là hướng tâm đến vô tướng giới. Như trong phẩm Bô Lợi Đa - Trung A Hàm chép rằng:
“Tôn giả Đại Câu Hy La đáp:
“Có hai nhân, hai duyên phát sanh vô tưởng định. Những gì là hai? Một là không suy niệm tất cả mọi tưởng, hai là suy niệm vô tưởng giới. Đó gọi là có hai nhân, hai duyên phát sanh vô tưởng định”1.
1 Đại Chánh Tạng tập 1, trang 792b. Người dịch trích từ bản dịch của Tuệ Sỹ; Tên sách: Kinh Trung A Hàm Tập 2; Mục lục: 211. Kinh Đại Câu Hy La (Phẩm 19, Bô Lợi Đa tụng ngày thứ năm, Nhà xuất bản: Tôn giáo, Hà Nội; Năm xuất bản: 2008; Trang: 570).
Chữ “Tưởng” thông với chữ “Tướng”, vì trong kinh Pāli tương ứng là vô tướng định hoặc vô tướng tâm định, A-nimitta cetosamādhi. Nimitta là tướng, a-nimitta là vô tướng. Trường Nikāya nói rằng muốn thoát ly tất cả các tướng thì phải chứng nhập vô tướng tâm giải thoát. Vô tướng tâm giải thoát là thành tựu của vô tướng tâm tam muội. Kinh này còn nhấn mạnh thức của hành giả thành công chứng nhập vô tướng tâm giải thoát sẽ không đuổi bắt, chấp thủ bất kỳ tướng nào.
Ý tương tự cũng xuất hiện trong Tăng Chi Nikāya. Trong kinh nói rằng vô tướng tâm tam muội là phương pháp tu tập thiền định lấy việc không chấp thủ tướng nào làm mục đích, vô tướng tâm giải thoát là cảnh giới không chấp thủ bất kỳ tướng nào. Nói cách khác, cái đầu là phương tiện của quá trình, cái sau là mục tiêu đạt được.
Ngoài ra, hành giả chứng nhập vô tướng tâm định có thể đoạn trừ những khó chịu và đau đớn của sắc thân, như trong Kinh Đại Bát Niết Bàn của Trường Nikāya ghi chép rằng Thế Tôn nghỉ ngơi vì bị đau lưng, bằng việc không suy niệm tất cả các tướng, Ngài chứng nhập vô tướng tâm định, Như Lai liền cảm thấy thân tâm an ổn, không còn cảm thấy những đau đớn trên cơ thể: “Tự lực tinh tấn mà nhẫn chịu sự đau nhức này. Khi Ta không suy niệm tất cả các tướng, nhập vô tướng tâm định, thân an ổn, không có não hoạn”1.
1 Đại Chánh Tạng tập 1, trang 15b; D.II.102. Người dịch trích từ bản dịch của Tuệ Sỹ; Tên sách: Kinh Trường A Hàm Tập 1; Mục lục: 2. Kinh Du Hành; Nhà xuất bản: Tôn giáo, Hà Nội; Năm xuất bản: 2007; Trang: 85.
Chứng nhập vô tướng tâm định bằng cách không suy niệm tất cả các tướng cũng được ghi chép trong Tương Ưng Nikāya. Tôn giả Mục Kiền Liên cũng không chấp vào bất cứ tướng nào để tu tập vô tướng tâm định, nhưng lại rơi vào trạng thái chấp thủ tướng mà không tự biết. Thế Tôn dùng thiên nhãn biết được tình trạng này, liền nhập tam muội dùng lực thần thông để nhắc nhở Tôn giả Mục Kiền Liên. Đoạn kinh văn này thể hiện vô tướng tam muội không hề dễ tu tập.
Việc tu tập và vận dụng không tam muội, vô tướng tam muội thường thấy trong kinh điển, nhưng việc tu tập và vận dụng vô nguyện tam muội thì rất hiếm gặp. Về việc tu tập vô nguyện tam muội, trong kinh gọi là vô sở hữu tam muội, vô tác tam muội hoặc gọi là vô tác giải thoát môn. Kinh Tạp A Hàm nói rằng: “Lại có tam muội chánh tư duy, là quán sát sự đoạn trừ tướng tham, tướng sân nhuế, tướng ngu si. Đó gọi là vô sở hữu”1.
1 Đại Chánh Tạng, tập 2, trang 20a. Người dịch trích từ bản dịch do Thích Tịnh Hạnh chủ biên; Tên sách: Đại Tập 5 - Bộ A Hàm V - Trung A Hàm Biệt Dịch & Kinh Tạp A Hàm Số 1; Mục lục: Tạp A Hàm Quyển 3 - Kinh 80: Pháp Ấn; Nhà xuất bản: Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc - Đài Loan; Năm xuất bản: 2000; Trang: 626.
Tham, sân, si đoạn trừ chẳng phải chính là giải thoát cứu cánh hay sao? Vô tác giải thoát môn được miêu tả trong Kinh Phật Thuyết Pháp Ấn có chỗ tương ứng với định vô sở duyên được đề cập ở đoạn trên. Kinh Phật Thuyết Pháp Ấn nói rằng:
“Lại nữa, đoạn trừ ngã kiến rồi thì không còn phân biệt bằng thấy, nghe, hay biết nữa. Vì sao? Do nhân duyên sanh ra các thức, nhân duyên kia và thức được sanh ra đều là vô thường; vì vô thường nên không thể giữ được thức. Thức uẩn đã là không, không có chỗ tạo tác. Đây gọi là vô tác giải thoát môn. Vào cửa giải thoát này rồi, biết rõ tận cùng các pháp, không bị pháp làm trở ngại, chứng pháp tịch diệt”1.
1 Đại Chánh Tạng tập 2, trang 500b. Người dịch trích từ bản dịch do Thích Tịnh Hạnh chủ biên; Tên sách: Đại Tập 7 - Bộ A Hàm VII - Kinh Tạp A Hàm Số 3; Mục lục: Số 104 - Phật Nói Kinh Pháp Ấn; Nhà xuất bản: Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc; Năm xuất bản: 2000; Trang: 8.
Kinh Tăng Nhất A Hàm ở đoạn trước nói rằng: “Thế nào gọi là vô nguyện tam muội? Vô nguyện tam muội là đối với tất cả các pháp đều không mong cầu gì, đó gọi là vô nguyện tam muội”. Nói cách khác, thứ tự tu tập Tam tam muội không chỉ được ghi chép trong các kinh điển trên, đạo giải thoát được miêu tả trong các kinh điển khác của Nikāya cũng có những điểm tương đồng với Tam tam muội.
Tu tập không tam muội là quán các pháp đều là không, nghĩa là vô ngã, vô ngã sở, cũng giống như việc nhập định quán vô thường, khổ, không, vô ngã được nói đến trong Kinh Māluṅkyāputta và Kinh Bát Thành Nhân. Tu tập vô tướng hoặc vô tưởng tam muội là không suy niệm tất cả các pháp, cũng tức là không chấp thủ vào các duyên, cũng giống như hai kinh trên, tiếp tục nói rằng hành giả hướng tâm đến Niết bàn giới: sự tịch tĩnh này, sự thù thắng này, đó là hết thảy các hành đoạn diệt, tất cả các chấp trước bị xả bỏ, diệt tham, ly dục, đoạn diệt, Niết bàn.
Tu tập vô nguyện tam muội là không mong cầu gì đối với tất cả các pháp, giống như tâm vô hướng vô hành trong Kinh Bố Tra Bà Lâu1 trong Trường A Hàm nói đến, lại giống như không cầu vĩnh viễn tồn tại, không cầu vĩnh viễn đoạn diệt như trong Kinh Năm Ba đã đề cập. Như vậy khá trùng khớp với các kinh điển ghi chép về định vô sở duyên.
1 Đại Chánh Tạng tập 1, trang 109c23. Người dịch trích từ bản dịch do Thích Tịnh Hạnh chủ biên, Đại Tập 1 - Bộ A Hàm I - Kinh Trường A Hàm Số 1, Kinh 28. Kinh Bố Tra Bà Lâu, Đài Loan, 2000, Trang 525.