Mỡ gạo ướp thân tôi,
Cầm một bình mỡ gạo;
Núi, đất và cỏ cây,
Thấy chúng toàn màu vàng.
Những kinh điển ghi chép về Tam tam muội trong Tam tạng Pāli, Nikāya và Kinh A Hàm Hán dịch không nhiều, nhưng trong số các kinh điển này, các kinh văn liên quan lại thường nhắc đến nó cùng với cứu cánh giải thoát và bậc Thánh giải thoát. Cũng như Kệ số 92 trong Trưởng Lão Tăng Kệ ở phần trước đã đề cập đến, các bậc Thánh đã đoạn trừ hết tất cả lậu hoặc, đi trong không tam muội và vô tướng tam muội, dấu chân của họ cũng giống như chim bay trong hư không, không thể truy tìm ra dấu vết nào.
Ngoài ra, trong Trung A Hàm cũng có một kinh ghi chép việc Thế Tôn dạy các Tỳ kheo và Tỳ kheo Ni rằng cần phải dùng không tam muội, vô nguyện tam muội, vô tướng tam muội làm vòng hoa trang sức, cũng vì thế mà có thể bỏ ác tu thiện. Điều đáng chú ý là kinh này nói rằng các Tỳ kheo và Tỳ kheo Ni nên lấy tứ thiền làm giường, lấy Tam tam muội làm đồ trang sức và cũng không hề nhắc đến tứ vô sắc định và tưởng thọ diệt định.
Kinh này cũng lấy nhiều ví dụ để thay thế các thứ đồ dùng thế tục, như Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni lấy giới đức thay thế đồ trang sức, lấy giới đức thay thế hương bôi thơm, lấy việc giữ gìn sáu căn làm người gác cửa, lấy chánh niệm làm tướng giữ thành, lấy tự tâm làm suối tắm, lấy thiện tri thức làm người tắm, lấy hổ thẹn làm quần áo, lấy chánh niệm làm bậc thầy xuống tóc cho mình, lấy vui làm thức ăn, lấy pháp vị làm nước uống, lấy nhà ở của cõi trời, nhà ở của Phạm Thiên, nhà ở của bậc Thánh làm nhà ở của chính mình, lấy trí tuệ làm người giữ nhà... nhưng trong đó cũng không nhắc đến tứ vô sắc định và tưởng thọ diệt định mà lại nhắc đến ba tam muội, nghĩa là không tam muội, vô nguyện tam muội và vô tướng tam muội. Thành tựu của ba tam muội này có thể khiến cho hành giả bỏ ác tu thiện. Trung A Hàm quyển 15 (Phẩm Vương Tương Ưng) chép rằng:
“Này Xá Lê Tử, cũng giống như vua và đại thần có tràng hoa đẹp, như tràng hoa sen xanh, tràng hoa hoàng ngọc lan, tràng hoa sumana, tràng hoa vassika, tràng hoa atimuttaka, thì này Xá Lê Tử, Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni dùng ba định là không, vô nguyện, vô tướng làm tràng hoa cũng giống như thế. Này Xá Lê Tử, nếu Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni nào thành tựu ba định không, vô nguyện, vô tướng làm tràng hoa thì liền xả bỏ điều ác, tu tập điều thiện”1.
1 Đại Chánh Tạng tập 1, trang 519b. Người dịch trích từ bản dịch do Thích Tịnh Hạnh chủ biên; Tên sách: Đại Tập 3 - Bộ A Hàm III - Kinh Trung A Hàm Số 1; Mục lục: 69. Kinh Tam Thập Dụ; Nhà xuất bản: Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc - Đài Loan; Năm xuất bản: 2000; Trang: 504.
Một kinh khác trong Tạp A Hàm ghi chép Tam tam muội có liên quan đến quá trình lìa bỏ tri kiến kiêu mạn và chỉ ra thứ tự tu tập Tam tam muội. Trong Tam tam muội, cần lấy việc tu tập không tam muội làm đầu, vì chứng đắc không tam muội mới có thể tiến thêm một bước tu vô tướng tam muội và vô sở hữu tam muội, cuối cùng mới trở thành người lìa bỏ được tri kiến kiêu mạn.
Tam tam muội lấy không tam muội làm đầu, sau đó mới đến vô tướng tam muội và vô sở hữu tam muội. Kinh này lấy vô sở hữu tam muội thay thế vô nguyện tam muội. Vô nguyện tam muội và vô sở hữu tam muội, hai khái niệm này dường như tương thông, hoặc cũng có thể có liên quan đến việc chứng đắc vô sắc định. Về điểm này chúng ta sẽ bàn thêm ở đoạn sau. Trong Kinh Tạp A Hàm quyển ba có đoạn:
Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Ta sẽ nói về thánh pháp ấn và kiến thanh tịnh. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ.
Nếu có Tỳ kheo nói như vầy, “Tôi đối với tam muội không chưa có sở đắc mà khởi vô tướng, vô sở hữu, lìa được tri kiến kiêu mạn”, thì đừng nên nói như vậy. Vì sao? Vì nếu đối với “không” chưa đạt được mà nói là “Tôi đã đạt được vô tướng, vô sở hữu, lìa được tri kiến kiêu mạn” thì việc này sẽ không xảy ra.
Nếu có Tỳ kheo nói như vầy, “Tôi đã đạt được không, có khả năng khởi lên vô tướng, vô sở hữu, lìa được tri kiến kiêu mạn”, thì đây là lời nói chính xác. Vì sao? Vì nếu đã đạt được không rồi thì sẽ có khả năng khởi lên vô tướng, vô sở hữu, lìa được tri kiến kiêu mạn; điều này chắc chắn có thể xảy ra”1.
1 Đại Chánh Tạng tập 2, trang 20a. Người dịch trích từ bản dịch do Thích Tịnh Hạnh chủ biên; Tên sách: Đại Tập 5 - Bộ A Hàm V - Trung A Hàm Biệt Dịch & Kinh Tạp A Hàm Số 1; Mục lục: Tạp A Hàm Quyển 3 - Kinh 59: Sanh Diệt; Nhà xuất bản: Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc - Đài Loan; 2000; Trang: 625.
Một kinh khác lại nói rằng: nếu có người nào hành không, vô tướng, vô nguyện thì đáng được ta và người khác phụng sự, cung kính, cũng là ruộng phúc vô thượng và đáng được cúng dường trên thế gian. Trong kinh đặc biệt chỉ ra nguyên nhân loại người này có thể đạt được quả báo nên có trong đời này, cũng tức là chỉ cứu cánh giải thoát. Kinh Tăng Nhất A Hàm quyển 34 (phẩm Thất Nhật) chép rằng:
“Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:
- Có bảy hạng người đáng thờ, đáng kính, họ là phước điền vô thượng của thế gian. Thế nào là bảy hạng người? Ðó là: hành từ, hành bi, hành hỷ, hành hộ (xả), hành không, hành vô tướng, hành vô nguyện. Ðó là bảy hạng người đáng thờ, đáng kính, là phước điền vô thượng của thế gian. Vì sao thế? Nếu có chúng sinh hành bảy pháp này thì ở trong hiện pháp thu hoạch được quả báo”1.
1 Đại Chánh Tạng tập 2, trang 739a. Người dịch trích từ bản dịch của Thích Thanh Từ; Tên sách: Kinh Tăng Nhất A Hàm - Tập III; Mục lục: XXXX. Phẩm Thất Nhật (1); Nhà xuất bản: Tôn giáo, Hà Nội; Năm xuất bản: 2005; Trang: 32.
Tương Ưng Nikāya còn nói một cách trực tiếp rằng Tam tam muội là con đường dẫn đến vô vi vô tác: “Này các Tỳ kheo, thế nào gọi là đạo vô vi? Không tam muội, vô tướng tam muội, vô nguyện tam muội, này các Tỳ kheo đây gọi là đạo vô vi”1.
1 (S.IV.360).
Kinh Tăng Nhất A Hàm nói rằng Thế Tôn khuyên răn các đệ tử nên học Tam tam muội, nếu người nào không học được Tam tam muội thì sẽ phải lưu chuyển trong dòng sinh tử không được giải thoát. Trong kinh cũng hướng dẫn phương pháp tu tập Tam tam muội. Kinh Tăng Nhất A Hàm quyển 16 phẩm 24 - Cao Tràng chép rằng:
“Nghe như vầy, một thời, Đức Phật ở tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc nước Xá Vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ kheo: Có ba tam muội này. Những gì là ba? Là không tam muội, vô tưởng tam muội, Vô nguyện tam muội.
Thế nào là không tam muội? Không là quán tất cả các pháp đều là không hư. Đó gọi là không tam muội.
Thế nào là vô tưởng tam muội? Vô tưởng là đối với tất cả các pháp đều không tưởng niệm gì, cũng không có gì được thấy. Đó gọi là vô tưởng tam muội.
Thế nào là vô nguyện tam muội? Vô nguyện là đối với tất cả các pháp cũng không mong cầu. Đó gọi là vô nguyện tam muội.
Như vậy, này các Tỳ kheo, ai không đạt được ba tam muội này thì ở lâu nơi sinh tử, không thể tự giác ngộ. Cho nên, này các Tỳ kheo, hãy tìm cầu phương tiện đạt được tam muội này. Các Tỳ kheo, hãy học điều này như vậy.
Các Tỳ kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”1.
1 Đại Chánh Tạng tập 2, trang 630b. Người dịch trích từ bản dịch do Thích Tịnh Hạnh chủ biên; Tên sách: Đại Tập 8 - Bộ A Hàm VIII - Kinh Tạp A Hàm Số 125 (Q1->30); Mục lục: Kinh Tăng Nhất A Hàm - Quyển 16 - Phẩm: Cao Tràng (3); Nhà xuất bản: Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc - Đài Loan; Năm xuất bản: 2000; Trang: 420.
Một kinh khác lại nói rõ hơn vô tướng tam muội là con đường tắt dẫn đến Niết bàn, nơi cuối cùng của vô tướng tam muội là hiện pháp Niết bàn, như trong Tạp A Hàm quyển 20 có chép rằng:
“Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cù Sư La, nước Câu Diệm Di. Bấy giờ, Tôn giả A Nan cũng ở đó.
Lúc bấy giờ, có một Tỳ kheo kia đạt được vô tướng tâm tam muội, nghĩ rằng: “Ta hãy đến chỗ Tôn giả A Nan, hỏi Tôn giả, nếu Tỳ kheo đạt được vô tướng tâm tam muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát, thì thưa Tôn giả A Nan, Thế Tôn dạy nó là quả gì, công đức gì? Nếu Tôn giả A Nan hỏi ta:
“Tỳ kheo, ông đã đạt vô tướng tâm tam muội này phải không?” Đáp: “Tôi chưa từng có”. Hỏi thật mà đáp khác đi. Ta sẽ theo sát Tôn giả A Nan, hoặc giả có người khác hỏi nghĩa này, nhờ đó mà ta được nghe”.
Tỳ kheo này đi theo Tôn giả A Nan suốt sáu năm mà không có ai hỏi đến nghĩa này, nên mới tự hỏi Tôn giả A Nan:
“Nếu Tỳ kheo hỏi vô tướng tâm tam muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát, thì thưa Tôn giả A Nan, Thế Tôn dạy nó là quả gì, công đức gì?”
Tôn giả A Nan hỏi Tỳ kheo này:
“Tỳ kheo, ông đã đạt tam muội này chưa?”
Tỳ kheo này im lặng. Tôn giả A Nan nói với Tỳ kheo này rằng:
“Nếu Tỳ kheo đã đạt vô tướng tâm tam muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát, thì Thế Tôn nói đó là trí quả, trí công đức”.
Sau khi nghe Tôn giả A Nan nói pháp này xong, Tỳ kheo tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui”1.
1 Đại Chánh Tạng tập 2, trang 146b. Người dịch trích từ bản dịch do Thích Tịnh Hạnh chủ biên; Tên sách: Đại Tập 6 - Bộ A Hàm VI - Kinh Tạp A Hàm Số 2; Mục lục: Tạp A Hàm Quyển 20; Nhà xuất bản: Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan; Năm xuất bản: 2000; Trang: 186, 187.
Tam tam muội và ly mạn có quan hệ đối trị. Tam tam muội có quan hệ trực tiếp với Niết bàn, còn có một kinh khác nói rằng: không tam muội là thiền Thượng tọa, là thiền mà bậc Thánh thực hành. Thế Tôn đã tán thán không tam muội như thế nào? Ngài đã ca ngợi không tam muội là thiền Thượng tọa, là tam muội mà các Tỳ kheo nên học. Quyển 9 Tạp A Hàm chép rằng:
Bấy giờ, vào buổi sáng sớm, Tôn giả Xá Lợi Phất đắp y mang bát vào thành Xá Vệ khất thực. Khất thực xong trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, cầm tọa cụ vào trong rừng, tọa thiền nghỉ trưa. Sau khi tọa thiền xong, Tôn giả Xá Lợi Phất đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, Đức Phật hỏi Xá Lợi Phất:
“Ngươi từ đâu lại?”
Xá Lợi Phất đáp:
“Bạch Thế Tôn, con từ chỗ tọa thiền nghỉ trưa ở trong rừng lại”.
Phật hỏi Xá Lợi Phất:
“Hôm nay ngươi nhập vào thiền nào mà an trú?”
Xá Lợi Phất bạch Phật:
“Hôm nay con ở trong rừng, nhập an trụ thiền không tam muội”.
Phật bảo Xá Lợi Phất:
“Lành thay! Lành thay! Xá Lợi Phất, hôm nay ngươi đã nhập thiền trú bậc Thượng tọa mà tọa thiền. Nếu các Tỳ kheo nào, muốn nhập thiền Thượng tọa thì phải học như vầy1.
1 Đại Chánh Tạng tập 2, trang 57b. Người dịch trích từ bản dịch do Thích Tịnh Hạnh chủ biên; Tên sách: Đại Tập 5 - Bộ A Hàm V - Trung A Hàm Biệt Dịch & Kinh Tạp A Hàm Số 1; Mục lục: Tạp A Hàm Quyển 9 - Kinh 230: Tam Di Ly Đề (1); Nhà xuất bản: Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc - Đài Loan; Năm xuất bản: 2000; Trang: 824, 825.
Không tam muội và vô tướng tam muội là thiền định mà bậc Thánh thường chứng nhập, trong Kinh Tạp A Hàm quyển 50, kinh số 1347 chép rằng:
“Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ. Bấy giờ, Tôn giả Xá Lợi Phất đang ở nước Câu Tát La du hành trong nhân gian, nghỉ lại bên mé ruộng của một tụ lạc. Sáng sớm, Tôn giả Xá Lợi Phất đắp y ôm bát vào làng khất thực. Lúc đó có một Ni Kiền Tử uống rượu say cuồng, cầm bình rượu từ tụ lạc ra, thấy Tôn giả Xá Lợi Phất, bèn nói kệ:
Mỡ gạo ướp thân tôi,
Cầm một bình mỡ gạo;
Núi, đất và cỏ cây,
Thấy chúng toàn màu vàng.
Bấy giờ, Tôn giả Xá Lợi Phất tự nghĩ: ‘Những ác thanh này được nói ra trong bài kệ là do ác vật kia, ta há không thể dùng kệ đáp sao?’ Lúc này, Tôn giả Xá Lợi Phất liền nói kệ:
Được ướp vị vô tưởng,
Cầm bình không tam muội;
Núi, đất và cỏ cây,
Thấy chúng như đờm dãi”1.
1 Đại Chánh Tạng tập 2, trang 371a. Người dịch trích từ bản dịch do Thích Tịnh Hạnh chủ biên; Tên sách: Đại Tập 7 - Bộ A Hàm VII - Kinh Tạp A Hàm Số 3; Mục lục: Tạp A Hàm Quyển 50; Nhà xuất bản: Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc; Năm xuất bản: 2000; Trang: 232.
Không tam muội, vô tướng tam muội là các tam muội mà bậc Thánh thường thực hành, thường an trú. Trong Bài kệ 92 của Trưởng Lão Tăng Kệ dùng ví dụ để nói về thiền định mà một vị Thánh đã chứng đắc lậu tận thực hành; cũng giống như chim bay trong hư không, không thể tìm thấy dấu vết:
“Với ai, lậu hoặc đoạn,
Không y tựa đồ ăn,
Hành xứ, không, vô tướng,
Giải thoát cũng như vậy,
Như chim trên hư không,
Dấu chân thật khó tìm”.
Không tam muội là tam muội của hành giả chưa thành tựu, cũng là tam muội của bậc Thánh đã đạt cứu cánh giải thoát, Tăng Nhất A Hàm có ghi chép rằng: “Tôn giả Xá Lợi Phất thường an trú trong không tam muội, lấy vô tướng tam muội làm niềm vui, vì thế được Thế Tôn khen ngợi”. Tăng Nhất A Hàm quyển 41, phẩm 45 - Mã Vương chép rằng:
“Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại nước Xá Vệ, trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc.
Bấy giờ, Tôn giả Xá Lợi Phất, vào lúc sáng sớm, rời tịnh thất, đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lạy dưới chân rồi ngồi xuống một bên. Khi ấy Phật nói với Xá Lợi Phất:
Ông hôm nay có các căn thanh tịnh, nhan sắc khác người. Ông đang an trú trong tam muội nào?
Xá Lợi Phất bạch Phật:
- Kính vâng, bạch Thế Tôn, con hằng an trú không tam muội.
Phật bảo Xá Lợi Phất:
- Lành thay, lành thay, như Xá Lợi Phất mới có thể an trú nơi không tam muội. Vì sao? Trong các tam muội, không tam muội là tối thượng đệ nhất. Tỳ kheo an trú không tam muội không chấp trước ngã, nhân, thọ mạng, cũng không thấy có chúng sinh, cũng không thấy có bản mạt của các hành. Do không thấy có, nên không tạo gốc rễ của hành. Do không có hành, nên không còn tái sinh đời sau. Do không còn tái sinh đời sau, nên không còn thọ nhận quả báo khổ lạc.
Xá Lợi Phất nên biết, ngày xưa khi Ta chưa thành đạo, ngồi dưới gốc thọ vương, suy nghĩ như vầy: Các loài chúng sinh này do không nắm bắt được pháp mà phải trôi lăn trong sinh tử, không được giải thoát? Khi ấy, Ta lại nghĩ, vì không có không tam muội nên phải trôi nổi sinh tử, không được giải thoát. Có không tam muội này, nhưng chúng sinh chưa đạt được, khiến chúng sinh khởi tưởng niệm đắm trước. Do khởi tưởng thế gian nên thọ nhận phần sinh tử. Nếu đạt được không tam muội này, không có gì là sở nguyện, do đó đạt được vô nguyện tam muội. Do đạt được vô nguyện tam muội, không mong cầu chết nơi này sinh về nơi kia; hoàn toàn không có tưởng niệm. Bấy giờ hành giả ấy lại đạt được và an trú trong vô tướng tam muội.
Các loài chúng sinh này do không đạt được ba tam muội nên trôi nổi sinh tử. Sau khi quán sát các pháp, liền đắc không tam muội. Sau khi đắc không tam muội liền thành A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề. Ta lúc bấy giờ do đạt được không tam muội, bảy ngày bảy đêm quán sát cây đạo thọ, mắt không hề nháy.
Xá Lợi Phất, do phương tiện này mà biết rằng không tam muội là tối đệ nhất trong các tam muội. Vua trong các tam muội là không tam muội vậy. Cho nên, Xá Lợi Phất, hãy tìm cầu phương tiện hoàn thành không tam muội. Như vậy, Xá Lợi Phất, hãy học điều này.
Bấy giờ, Xá Lợi Phất nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”1.
1 Đại Chánh Tạng tập 2, trang 773b. Người dịch trích từ bản dịch do Thích Tịnh Hạnh chủ biên; Tên sách: Đại Tập 9 - Bộ A Hàm IX - Số 125 (tt)-> 151; Mục lục: Kinh Tăng Nhất A Hàm, Quyển 41; Nhà xuất bản: Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc; Năm xuất bản: 2000; Trang: 261, 262, 263.
Một kinh khác cũng ghi chép việc cô gái tên Tu Ma Đề ca ngợi Đức Phật có đầy đủ từ, bi, hỷ, xả và không, vô tướng, vô nguyện, là bậc tôn quý nhất, người đứng đầu trong dục giới. Hai kinh này đều đặt từ, bi, hỷ, xả và Tam tam muội vào cùng một chỗ. Điều này thể hiện ý nghĩa gì? Trong kinh dường như không cung cấp thêm thông tin nào về vấn đề này. Kinh nói rằng:
“Tu Ma Đề nữ quỳ thẳng, chắp tay, tán thán Đức Thế Tôn:
Tự điều, khéo điều người
Tự ngăn, lại ngăn người
Tự độ, độ muôn loài
Giải thoát mình và người
Mình, người đến bờ kia
Tự chiếu, chiếu quần manh
Không ai không được độ
Không tranh, không giành giật
Luôn an trụ thanh tịnh
Tâm ý không dao động
Mười lực thương thế gian
Cúi đầu lễ lần nữa.
Ngài là bậc có đủ bốn tâm vô lượng là từ, bi, hỷ, hộ; đầy đủ ba cửa giải thoát là không, vô tướng, vô nguyện, là bậc tối tôn đệ nhất trong dục giới, ở trên cả các cõi trời; đầy đủ bảy thánh tài, luôn ủng hộ muôn người, đời sống phạm hạnh tự nhiên, không một bậc nào sánh bằng Ngài kể cả về hình tướng, ngày nay con xin quy y”1.
1 Đại Chánh Tạng tập 2, trang 664, a24-b4. Người dịch trích từ bản dịch do Thích Tịnh Hạnh chủ biên; Tên sách: Đại Tập 9 - Bộ A Hàm IX - Số 125 (tt)-> 151; Mục lục: Số 128 (B) - Kinh Tu Ma Đề Nữ; Nhà xuất bản: Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc; Năm xuất bản: 2000; Trang: 571, 572.
Quyển 35 ghi chép nội dung Thế Tôn hướng dẫn tu Thất xứ thiện và quán sát Tứ pháp. Trong đó, Thất xứ thiện chính là từ, bi, hỷ, xả và không, vô tướng, vô nguyện và Tứ pháp là chỉ Tứ niệm xứ quán thân, thọ, tâm, pháp. Thế Tôn gọi những hành giả tu tập như vậy là bậc thượng nhân ngay trong đời này. Kinh nói rằng:
“Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở trong vườn Kỳ Đà Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
- Hãy quán bảy xứ thiện, lại xét bốn pháp, ở ngay trong đời này được gọi là thượng nhân. Này Tỳ kheo, thế nào là quán bảy xứ thiện? Ở đây, Tỳ kheo đem tâm từ rải khắp một phương, hai phương, ba phương, bốn phương, bốn hướng và phương trên dưới cũng đều như vậy, làm cho tâm từ tràn đầy khắp thế gian. Với tâm bi, hỷ, xả, không, vô tướng, vô nguyện cũng lại như vậy. Các căn đầy đủ, ăn uống điều độ, thường tự giác ngộ; Tỳ kheo quán bảy pháp như vậy.
Tỳ kheo, xét bốn pháp như thế nào? Ở đây, Tỳ kheo bên trong tự quán thân trừ khử sầu ưu, thân ý chỉ; bên ngoài lại quán thân, thân ý chỉ; trong ngoài quán thân, thân ý chỉ. Bên trong tự quán thọ, thọ ý chỉ; bên ngoài lại quán thọ, thọ ý chỉ; trong ngoài quán thọ, thọ ý chỉ. Bên trong tự quán tâm, tâm ý chỉ; trong ngoài quán tâm, tâm ý chỉ; trừ khử sầu ưu, không còn các khổ hoạn. Bên trong tự quán, pháp ý chỉ; bên ngoài lại quán pháp ý chỉ; trong ngoài quán pháp ý chỉ. Tỳ kheo, hãy quan sát bốn pháp như vậy.
Này Tỳ kheo, quán bảy xứ thiện và xét bốn pháp ấy, ở ngay trong đời này là bậc thượng nhân. Vì vậy, Tỳ kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bảy xứ thiện và xét bốn pháp ấy. Các Tỳ kheo, hãy học điều này như vậy.
Bấy giờ, các Tỳ kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”1.
1 Đại Chánh Tạng tập 2, trang 745, b7-25. Người dịch trích từ bản dịch của Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh; Tên sách: Đại Tập 9 - Bộ A Hàm IX - Số 125 (tt)-> 151; Mục lục: Kinh Tăng Nhất A Hàm, Quyển 35; Nhà xuất bản: Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc; Năm xuất bản: 2000; Trang: 130, 131.
Kinh A Na Luật Bát Niệm trực tiếp nói rằng: “Chánh định cũng có hai, tính và thể điều hòa, an trú trong thiện, an trú vào sự kiên cố, tâm không tà vạy, đấy là chánh định của thế gian. Lại đạt được bốn loại ý chí, tưởng nhớ không, vô tướng, vô nguyện để thấy được nguồn gốc của Niết bàn, đó là đạo chánh định”2. “Đạo chánh định” ở đây là chỉ chánh định của đệ tử Phật trên con đường tu đạo, nghĩa là không tam muội, vô tướng tam muội và vô nguyện tam muội, không mong cầu gì chính là vô nguyện.
2 Đại Chánh Tạng tập 1, trang 836c.