Từ Trưởng Lão Tăng Kệ ở chương trên, chúng ta có thể thấy ba tam muội: không, vô tướng, vô nguyện có quan hệ trực tiếp với giải thoát, Niết bàn và các bậc Thánh; nhưng trong Nikāya Pāli của Thượng tọa bộ hiện còn và Kinh A Hàm Hán dịch mà các bộ phái Phật giáo truyền thừa thì có rất ít các kinh điển đề cập đến ba tam muội này.
Khi bàn về Thiền định và Giải thoát, Phật giáo Nam truyền lại gần như không đề cập đến ba tam muội. Nhưng theo các ghi chép trong Luật Tạng Pāli, một người chưa chứng đắc pháp hơn người mà tự tuyên bố rằng mình đã chứng đắc pháp hơn người là phạm tội Ba la di1, sẽ bị trục xuất khỏi Tăng đoàn. Pháp hơn người này lại có quan hệ với ba tam muội: không, vô tướng, vô nguyện.
1 Ba la di hay còn gọi là bất cộng trụ, được xem là các quy định đạo đức quan trọng nhất, nếu các tu sĩ không tuân thủ theo các quy định đạo đức này sẽ bị tẩn xuất, mất tư cách tu sĩ vĩnh viễn và không thể phục hồi. (Dịch giả phụ chú).
Pháp hơn người này chính là thiền (jhāna), giải thoát (vimokkha), tam muội (samādhi), định (samāpatti) và tri kiến (ñāṇa-dassana). Thiền là chỉ thiền thứ nhất, thiền thứ hai, thiền thứ ba và thiền thứ tư. Giải thoát, tam muội, định là lần lượt chỉ không giải thoát, vô tướng giải thoát, vô nguyện giải thoát; không tam muội, vô tướng tam muội, vô nguyện tam muội; định không, định vô tướng, định vô nguyện.
Điều đáng chú ý là ở đây giải thích về pháp hơn người này lại có liên quan đến trọng tội căn bản Ba la di. Pháp hơn người ở đây cũng không bao gồm tứ xứ như không vô biên xứ... và định tưởng thọ diệt.
Nếu theo quan điểm thông thường, Tưởng thọ diệt định là thiền định chỉ có Phật giáo có, vậy thì tại sao một số Luật tạng được cho là lưu truyền từ rất sớm lại không được liệt kê vào nội dung giải thích về pháp hơn người? Ngược lại, pháp hơn người ở đây lại gồm không, vô tướng, vô nguyện tam muội; thậm chí còn được chia thành ba loại: tam giải thoát, tam tam muội, tam đẳng chí (tam định).
Dựa trên ghi chép của các luật điển Nam truyền hiện còn này, chúng ta có thể mạnh dạn nói rằng Tam tam muội (không, vô tướng, vô nguyện) mới là thiền định độc quyền chỉ có ở Phật giáo, là thiền định không giống với các đạo khác, không chung với các đạo khác.
Giải thích này không chỉ được ghi chép trong Luật tạng Pāli, mà trong quyển hai Luật Tứ Phần Hán dịch cũng có cách giải thích giống như vậy: “Người tự tuyên bố là mình đắc định, có giác có quán tam muội, vô giác hữu quán tam muội, vô giác vô quán tam muội, không, vô tướng, vô tác tam muội”1. Trong Luận Vô Ngại Giải Đạo tương đối lâu đời cũng nói đến chỉ quán song vận có 16 chi, chính là bao gồm không, vô tướng, vô nguyện tam muội. Không, vô tướng, vô nguyện tam muội cũng xuất hiện trong các kinh luận của các bộ phái Phật giáo. Tam tam muội không phải chỉ thuộc về kinh luận Đại thừa, lại càng không phải là loại thiền định các đệ tử Phật thêm vào.
1 Đại Chánh Tạng tập 22 trang 578b.