Với ai, lậu hoặc đoạn,
Không y tựa đồ ăn,
Hành xứ, không, vô tướng,
Giải thoát cũng như vậy,
Như chim trên hư không,
Dấu chân thật khó tìm1.
Bậc Thánh giải thoát khỏi danh sắc thì không còn gọi là Thánh, vì đã siêu việt tên gọi ấy.
Thiền định trong các kinh điển trên đề cập đến vấn đề: nơi đất, nước, lửa, gió không có chỗ lập cước, bị đoạn diệt cho đến danh sắc diệt. Quan hệ giữa danh sắc diệt và giải thoát được Thế Tôn nói đến trong Kinh Upasīva - Kinh Tập như sau: “Này Upasīva... một vị Thánh giải thoát khỏi danh sắc thì không còn gọi là Thánh nữa”. Giải thích về danh sắc, Nhân Duyên Tương Ưng - Tương Ưng Nikāya 12:2 nói rằng: Danh là thọ, tưởng, hành, xúc, tác ý; Sắc là bốn đại đất, nước, lửa, gió và sắc sinh ra từ bốn đại này. Tại sao bậc Thánh giải thoát không còn gọi là Thánh nữa? Kinh này thảo luận tâm thức của bậc chứng đắc cứu cánh giải thoát đi về đâu và trực tiếp đề cập đến không tam muội và vô tướng tam muội.
“Thế Tôn, vậy bậc Thánh đã chứng đắc Niết bàn, thức của vị đó vẫn tiếp tục tồn tại chăng? Hay biến mất chăng?” Tôn giả Upasīva hỏi Đức Phật một cách đầy nghi hoặc và hiếu kỳ. Người bình thường sau khi chết, sinh tử thức sẽ kéo từ kiếp này sang kiếp khác; vậy thì bậc Thánh đã chứng đắc giải thoát, thức của họ sẽ đi về đâu?
Giải thoát trí và hiện pháp Niết bàn được chứng đắc trong cảnh giới hữu tưởng. Thế còn thức? Các kinh điển trên bàn về Niết bàn nhưng đều không hề nhắc đến việc thức sẽ đi về đâu và thức từ đâu đến. Mệnh còn thì thức còn. Thức duy trì sinh mệnh của chúng sinh hữu tình. Khi mệnh chung, thức vì chấp thủ tâm mà nắm bắt lấy một kiếp sống khác, dùng một loại hình thái khác để tồn tại. Vì chấp thủ, chúng sinh hữu tình từ kiếp này chuyển sang kiếp khác. Hình thái sinh mệnh của chúng sinh hữu tình trên thế gian có sáu loại; hết kiếp này lại đến kiếp khác, hình thành nên dòng lưu chuyển liên tục không ngừng nghỉ, gọi là luân hồi.
Khi một vị Thánh đã chứng đắc cứu cánh giải thoát trong đời này, tâm chấp thủ của vị đó cũng được đoạn trừ, vậy thức từ đâu đến và đi về đâu? Theo Tương Ưng Nikāya, trong mỗi một kiếp, có bốn loại thức ăn duy trì sự tồn tại của sinh mệnh và hỗ trợ cho sinh mệnh sắp hiện hình, là đoàn thực (kabaḷiṃkāra āhāra), xúc thực (phassa), ý thực (mano-sañcetanā) và thức thực (viññāṇa)1. Trong quyển 15 Tạp A Hàm có đoạn kinh văn tương tự:
1 S.II.13.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ kheo:
“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sinh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì là bốn? Một là thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý chí; bốn là thức ăn của thức”2.
2 Đại Chánh Tạng tập 2, trang 101c. Người dịch trích từ bản dịch do Thích Tịnh Hạnh chủ biên; Đại Tập 5 - Bộ A Hàm V - Trung A Hàm Biệt Dịch & Kinh Tạp A Hàm Số 1; Mục lục: Tạp A Hàm Quyển 15 Kinh 365. Thuyết Pháp; Nhà xuất bản: Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc - Đài Loan; 2000; Trang: 10431.
Hiển nhiên, sự sống của chúng sinh bắt buộc phải có thức. Nhưng theo Kinh Kiên Cố nói rằng: danh sắc diệt thì thức diệt, thức diệt thì hết thảy diệt, hết thảy diệt thì hiện tại chứng đắc Niết bàn. Một vị Thánh chứng đắc cứu cánh giải thoát trước khi mệnh chung, thức của vị đó sẽ như thế nào? Kinh Upasīva trong Kinh Tập tiếng Pāli ghi chép về việc Thế Tôn trả lời những câu hỏi và nghi hoặc của Tôn giả Upasīva về việc giải thoát như thế nào, trong đó có đề cập đến thức của bậc Thánh.
Tôn giả Upasīva hỏi Thế Tôn rằng, làm thế nào mới có thể vượt qua dòng nước lũ này? Thế Tôn trả lời nếu lìa tâm dục lạc, tránh xa lời nói, đoạn diệt tham ái, chuyên chú thực hiện vô sở hữu tưởng, chứng nhập định vô sở hữu xứ, vị đó có thể vượt qua dòng nước lũ này. Dòng lũ này nghĩa là gì? Kinh nói rằng: Thức như dòng thác, cho nên gọi là “dòng thức” (viññāṇa-sota), chưa từng gián đoạn. Đặc biệt, khi hành giả chứng nhập định thức vô biên xứ, càng trải nghiệm rõ thức phân bố khắp mọi nơi không bờ bến cũng như nước lũ. Câu hỏi của Tôn giả Upasīva cũng thể hiện ông chứng nhập thức vô biên xứ nhưng không biết làm thế nào để vượt qua.
Thế Tôn hướng dẫn ông ta làm thế nào chứng nhập vô sở hữu xứ để vượt qua dòng lũ thức này, đồng thời cũng chỉ cho ông ta phương pháp đoạn trừ “dòng thức”. Chứng nhập vô sở hữu xứ để vượt qua khó khăn của thức vô biên xứ nhưng vẫn chưa đoạn trừ được dòng thức kéo đến một kiếp sống khác. Thế Tôn nói rằng: chứng nhập vô sở hữu xứ vẫn cần phải giữ chặt tâm để đoạn trừ hết thảy lậu hoặc. Khi đoạn diệt thành công hết thảy các lậu hoặc thì vị này trở thành bậc Thánh đạt cứu cánh giải thoát. Đương nhiên, điều này cũng thể hiện rằng hành giả đoạn trừ hết các lậu trong vô sở hữu xứ và chứng nhập Niết bàn.
Thế Tôn nói rằng: “Upasīva, ngoài việc đoạn diệt hết các dục lạc, vô sở hữu xứ còn xả bỏ hết thảy cảnh giới còn sót lại ở phía sau, chứng đắc giải thoát ở nơi đỉnh tưởng... không bị luân hồi”. Chương trước chúng ta đã thảo luận về đỉnh tưởng mà theo định nghĩa của Đức Phật là chỉ đoạn trừ tất cả các lậu hoặc. Hành giả chứng nhập vô sở hữu xứ, đoạn trừ tất cả các lậu hoặc, lại có thể không cầu vĩnh viễn tồn tại, không cầu vĩnh viễn đoạn diệt, vì vậy vị đó chứng đắc hiện pháp Niết bàn.
Điều Upasīva nghi hoặc là: “Vậy còn thức của vị đó”? Một bậc Thánh đã chứng đắc Niết bàn, thức của vị đó sẽ thường an trú ở đây chăng? Hoặc biến mất không còn thấy nữa chăng? Thế Tôn lấy một ví dụ để trả lời: “Này Upasīva, cũng giống như ngọn lửa bị gió thổi, nó bị thổi ra khỏi ngọn nến thì không còn gọi là lửa nữa; cũng giống như vậy, một vị Thánh giải thoát khỏi danh sắc thì không còn gọi là Thánh nữa”.
Vì sao lại như vậy? Thế Tôn giải thích rằng: “Này Upasīva, cái đã bị dập tắt thì không gì có thể đo lường được nó. Bất kỳ pháp nào họ dùng để bàn luận về vị đó đều không tồn tại; khi hết thảy hiện tượng (pháp) đều bị đoạn diệt, tất cả những thứ dùng để nói, diễn đạt đều bị đoạn trừ” (Kệ 1076). Thực chất, trên thế gian này không có bất kỳ ngôn ngữ nào có thể gọi tên, miêu tả, hình dung về bậc Thánh đã giải thoát.
Ngôn ngữ, văn tự của thế gian không thể miêu tả hoặc hình dung về bậc Thánh đã giải thoát, vậy thì bậc Thánh đã chứng nhập vào thiền định thì như thế nào đây? Trong Trưởng Lão Tăng Kệ, kệ số 92 nói rằng:
Với ai, lậu hoặc đoạn,
Không y tựa đồ ăn,
Hành xứ, không, vô tướng,
Giải thoát cũng như vậy,
Như chim trên hư không,
Dấu chân thật khó tìm1.
1 Người dịch trích từ bản dịch của Thích Minh Châu; Kinh Tiểu Bộ 3; Mục lục: Trưởng Lão Tăng Kệ. Chương Một Kệ. Phẩm Mười; Nhà xuất bản: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh; Năm xuất bản: 2001; Trang: 100.
Tăng Chi Nikāya Pāli nói rằng một vị Tỳ kheo tu thiền như vậy; các Thiên thần, Nhân đà la, Phạm, Bà xá bà đề đều kính lễ vị đó, nói rằng: “Tôn kính Ngài, bậc Thiện sĩ! Sùng kính Ngài, bậc Thượng sĩ! Chúng tôi đều không biết Ngài căn cứ vào đâu để tu thiền”. (Namo te purisājāñña, namo te purisuttama, yassa te nābhijānāma, yam pi nissāya jhāyasī ti)2. Các bậc Thánh giải thoát nhờ vào tu tứ thiền hoặc tứ xứ và thực hành hạnh quán mà đạt đến mục tiêu tu tập phạm hạnh - cứu cánh giải thoát.
2 A.V.325.
Bậc Thánh giải thoát đã thoát ra hoặc vượt lên khỏi tam giới, họ đi trong cảnh giới tam muội. Cảnh giới này là nơi như thế nào mà lại vượt hẳn ra ngoài sự hiểu biết của các Thiên thần, Nhân đà la, Phạm thiên trong tam giới? Tam muội bậc Thánh chứng nhập khác với tam muội của các đạo khác. Ở đây nhắc đến hai yếu tố đầu của ba tam muội là không và vô tướng. Quan hệ giữa tam muội và tam muội bậc Thánh giải thoát thực hành cũng rất rõ ràng. Chương sau sẽ làm rõ hơn nữa về ba loại tam muội: không, vô tướng, vô nguyện.