III. Tứ đại không còn chỗ lập cước - Trường A Hàm
Chư thiên cho đến Đại Phạm vương cũng không biết
Kinh Kiên Cố Hán dịch trong Trường A Hàm, cũng chính là Kinh Kevaddha1 tiếng Pāli ghi lại rằng, có Tỳ kheo muốn biết làm thế nào để đoạn diệt tứ đại: địa, thủy, hỏa, phong cho đến không còn sót lại chút nào. Vậy, vì sao cần phải biết diệt tứ đại như thế nào? Điều này có quan hệ gì với việc tu tập phạm hạnh?
1 (D.I.223~).
Vị Tỳ kheo này bắt đầu hỏi vấn đề này từ Tứ thiên vương; Tứ thiên vương không thể trả lời, đành phải bảo Tỳ kheo đi hỏi Đao Lợi thiên; Đao Lợi thiên cũng không thể trả lời, liền bảo ông ta đi hỏi Diệm Ma thiên; Diệm Ma thiên cũng không biết phương pháp, lại bảo vị đó đi hỏi Đâu Suất thiên. Cứ như vậy, đi hỏi hết vị này đến vị khác, vị Tỳ kheo vẫn không có được đáp án. Ngay cả đến Đại Phạm vương cũng không thể trả lời. Không một vị thiên thần nào có thể giải đáp được câu hỏi ấy. Cuối cùng, Đại Phạm vương bảo vị Tỳ kheo này trở về nhân gian để thỉnh giáo Đức Phật. Nhờ Đức Phật, Tỳ kheo này mới tìm được phương pháp vĩnh viễn đoạn diệt tứ đại.
Trường A Hàm quyển 16 có chép rằng:
“Nhưng, này con trai trưởng giả, có một Tỳ kheo ở trong chúng này thầm suy nghĩ rằng: “Thân này với bốn đại: đất, nước, lửa, gió vĩnh viễn diệt tận ở đâu?” Tỳ kheo ấy phút chốc hướng vào con đường thiên giới, đi đến chỗ Tứ thiên vương, hỏi Tứ thiên vương rằng: “Thân này với bốn đại: đất, nước, lửa, gió vĩnh viễn diệt tận ở đâu?”
Này con trai trưởng giả, Tứ thiên vương kia trả lời Tỳ kheo rằng: “Tôi không biết bốn đại vĩnh viễn diệt tận ở đâu. Trên tôi còn có trời, gọi là Đao Lợi (Tāvatiṁsat), vi diệu đệ nhất, có đại trí tuệ. Trời kia có thể biết bốn đại vĩnh viễn diệt tận ở đâu”. Tỳ kheo nghe xong, phút chốc hướng theo thiên đạo, đi lên trời Đao Lợi, hỏi chư Thiên: ‘Thân này, với bốn đại: đất, nước, lửa, gió vĩnh viễn diệt tận ở đâu?’ Chư Thiên Đao Lợi trả lời: “Tôi không biết bốn đại vĩnh viễn diệt tận ở đâu. Bên trên còn có trời, gọi là Diệm Ma (Yāma), vi diệu đệ nhất, có đại trí tuệ. Trời ấy có thể biết”. Tỳ kheo liền lên đó hỏi, nhưng nơi ấy vẫn không biết.
Lần lượt như thế, lên Đâu Suất (Tusita), lên Hóa tự tại (Nimmānarati), lên Tha hóa tự tại thiên (Paranimmita-Vasavattin), thảy đều nói: “Tôi không biết bốn đại vĩnh viễn diệt tận ở đâu. Bên trên còn có trời, gọi là Phạm Ca Di (Brahmakāyika), vi diệu đệ nhất, có đại trí tuệ. Trời ấy có thể biết bốn đại vĩnh viễn diệt tận ở đâu”. Tỳ kheo ấy phút chốc hướng vào Phạm đạo.
Lên đến Phạm thiên, Tỳ kheo hỏi: “Thân này với bốn đại: đất, nước, lửa, gió vĩnh viễn diệt tận ở đâu?” Vị Phạm Thiên kia trả lời Tỳ kheo: “Tôi không biết bốn đại vĩnh viễn diệt tận ở đâu. Nay có Đại Phạm thiên vương, đấng Vô năng thắng, thống lãnh một ngàn thế giới, phú quý, tôn quý, hào quý, hoàn toàn được tự tại, có khả năng tạo hóa mọi vật, là cha mẹ của chúng sinh. Ngài có thể biết bốn đại vĩnh viễn diệt tận ở đâu”. Này con trai trưởng giả, Tỳ kheo kia liền hỏi ngay rằng: “Ngài Đại Phạm thiên vương kia hiện đang ở đâu?” Vị trời ấy đáp: “Không rõ Đại Phạm nay đang ở đâu. Nhưng theo ý tôi mà xét, Ngài sẽ xuất hiện trong giây lát”. Quả thật, không bao lâu sau, Phạm vương hốt nhiên xuất hiện. Tỳ kheo kia đến bên Phạm vương và hỏi: ‘Thân này với bốn đại: đất, nước, lửa, gió vĩnh viễn diệt tận ở đâu?’ Đại phạm vương kia nói với Tỳ kheo: “Ta là Đại Phạm, là đấng Vô năng thắng, thống lãnh một ngàn thế giới, phú quý, tôn quý, hào quý, hoàn toàn được tự tại, có khả năng tạo hóa mọi vật, là cha mẹ của chúng sinh”. Tỳ kheo kia khi ấy nói với Phạm Thiên vương: “Tôi không hỏi việc ấy. Tôi hỏi, bốn đại: đất, nước, lửa, gió vĩnh viễn diệt tận ở đâu?”
Này con trai trưởng giả, Phạm vương kia vẫn trả lời Tỳ kheo: ‘Ta là Đại Phạm vương... sáng tạo vạn vật, cha mẹ của chúng sinh’. Tỳ kheo lại nói: “Tôi không hỏi việc ấy. Tôi hỏi: bốn đại vĩnh viễn diệt tận ở đâu?” Phạm Thiên vương, như vậy đến ba lần, vẫn không thể trả lời Tỳ kheo, bốn đại này vĩnh viễn diệt tận ở đâu. Rồi thì, Đại phạm vương bèn nắm lấy tay phải của Tỳ kheo, kéo ra chỗ kín đáo, nói rằng: “Này Tỳ kheo, nay các Phạm Thiên đều bảo rằng ta là trí tuệ bậc nhất, không có gì không biết, không thấy. Vì vậy, ta không trả lời thầy, vì ta không biết, không thấy bốn đại này nơi đâu vĩnh viễn diệt tận”. Rồi lại nói tiếp với Tỳ kheo: “Thầy thật là đại ngu ngốc mới bỏ Như Lai mà đi tra vấn chư Thiên về việc này. Thầy nên đến bên Thế Tôn mà hỏi việc này. Và những gì Phật nói, hãy ghi nhớ kỹ”. Lại bảo Tỳ kheo: “Nay Phật ở tại Xá Vệ, trong vườn Cấp Cô Độc. Thầy hãy đến đó mà hỏi”.
Này con trai trưởng giả, bấy giờ, Tỳ kheo hốt nhiên biến mất khỏi Phạm Thiên giới và trong khoảnh khắc như tráng sĩ co duỗi cánh tay, đến Xá Vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà. Tỳ kheo đi đến chỗ Ta, cúi lạy chân Ta, ngồi sang một bên, bạch Ta rằng: “Bạch Thế Tôn, nay bốn đại này, đất, nước, lửa, gió, vĩnh viễn diệt tận ở đâu?””
Bấy giờ, Ta nói rằng:
“Tỳ kheo! Cũng như thương nhân mang một con chim ưng vào biển. Ở giữa biển, thả chim ưng bay về các phương Đông, Tây, Nam, Bắc trong hư không. Nếu nhìn thấy đất liền, chim bèn dừng trên đó. Nếu không nhìn thấy, chim bay trở về thuyền. Tỳ kheo, ngươi cũng vậy. Ngươi lên cho đến Phạm Thiên để hỏi ý nghĩa đó, cuối cùng không thành tựu mới trở về hỏi Ta. Nay Ta sẽ khiến cho ngươi thành tựu ý nghĩa đó”.
Liền nói bài kệ rằng:
Do đâu không bốn đại:
Đất, nước, lửa và gió?
Do đâu không thô, tế,
Và dài, ngắn, đẹp, xấu?
Do đâu không danh-sắc,
Vĩnh diệt, không dư tàn?
Nên đáp: thức vô hình,
Vô lượng, tự tỏa sáng;
Nó diệt, bốn đại diệt;
Thô, tế, đẹp, xấu diệt.
Nơi này danh sắc diệt,
Thức diệt, hết thảy diệt.
Khi ấy, Kiên Cố, con trai trưởng giả, bạch Phật rằng:
“Thế Tôn, Tỳ kheo ấy tên gì? Làm sao ghi nhớ?”...1
1 Đại Chánh Tạng tập 1, trang 102a. Người dịch trích từ bản dịch do Thích Tịnh Hạnh chủ biên; Đại Tập 1 - Bộ A Hàm - Kinh Trường A Hàm số 1, Kinh Kiên Cố; NXB: Đài Loan; Năm xuất bản: 2000, trang 483~486.
Cuối cùng, Tỳ kheo đó cũng tìm được đáp án từ Đức Phật. Bài kệ tụng tiếng Pāli tương đương với kệ tụng trong Hán dịch viết rằng:
Hỏi:
Bốn đại đất, nước, lửa, gió ở nơi đâu bị diệt tận?
Dài, ngắn; tế, thô; đẹp, xấu ở nơi đâu bị diệt tận?
Danh sắc ở nơi đâu bị diệt tận, không còn sót lại?
Đáp:
Ở nơi thức vô hình, vô biên, tỏa sáng khắp muôn nơi
Ở nơi đó đất, nước, lửa, gió không có chỗ lập cước
Ở nơi đó dài - ngắn, tế - thô, đẹp - xấu cũng bị diệt tận
Ở nơi đó danh và sắc cũng bị diệt tận, không còn sót lại
Thức diệt thì hết thảy diệt1.
1 D.I.223.
Kinh điển trên đề cập đến vấn đề từ thực hiện phép quán trong định của bốn thiền và ba xứ đầu cho đến định vô sở duyên, nhắc đến nơi đất, nước, lửa, gió diệt tận. Phương pháp thiền này dẫn dắt hành giả chứng đắc danh sắc diệt, thức diệt, hết thảy diệt, chứng nhập hiện pháp Niết bàn.
Theo Tăng Chi Nikāya1, Tôn giả A Nan hỏi Tôn giả Xá Lợi Phất liệu có loại thiền định này chăng? Như đoạn trước đã nói, khi đối diện với đất mà không khởi lên tri giác về đất, đối diện với nước mà không khởi lên tri giác về nước, đối diện với lửa mà không khởi lên tri giác về lửa... Tôn giả Xá Lợi Phất nói có loại thiền định này và bổ sung rằng: tuy không còn các loại tưởng về tứ đại như đất, nước, lửa, gió, nhưng người tu thiền vẫn là một hành giả có tưởng hoặc có cảm tri.
1 (A.V.9).
Tôn giả A Nan lại càng hiếu kỳ và hỏi Tôn giả Xá Lợi Phất lúc đó còn lại tưởng gì? Tôn giả Xá Lợi Phất trả lời: “Hữu diệt tức là Niết bàn, hữu diệt tức là Niết bàn” (Bhava-nirodho nibbānaṃ, bhava-nirodho nibbānaṃ). Tôn giả Xá Lợi Phất nói rằng: một tưởng sinh khởi, một tưởng đoạn diệt; cũng giống như ngọn lửa, ngọn lửa này bùng cháy thì ngọn lửa kia lại tắt. Đây chẳng phải là minh chứng nói rõ về việc thực hiện phép quán trong định mà chứng đắc Niết bàn sao?
Kinh Phật Tự Thuyết (Udāna) trang 80 tiếng Pāli có một đoạn kinh văn miêu tả hiện pháp Niết bàn. Kinh này nói rằng có một cảnh giới mà trong đó không có đất, nước, lửa, gió; cũng không có không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ; không có thế gian này, không có thế gian khác; cảnh giới này là cảnh giới khổ diệt tận, cũng chính là giải thoát, Niết bàn:
“Có một cảnh giới không có đất, nước, lửa, gió; không có không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ; cũng không có thế gian này, không có thế gian khác, không có cái giữa thế gian này và thế gian khác; cũng không có mặt trăng, không có mặt trời; này Tỳ kheo, ta nói rằng ở đấy không có đi, không có dừng lại, không có chết, không có sống, không có tạo tác, không có tiếp tục, không có duyên; ở đấy, khổ diệt tận”.
Trong giới học thuật Tây phương hiện đại, khi đề cập đến Niết bàn của Phật giáo, đoạn kinh văn trên được trích dẫn làm chứng cứ. Có những học giả phân tích từ góc độ hình nhi thượng, đưa ra rất nhiều phỏng đoán. Dù sao, phương pháp tu thiền được ghi chép trong một loạt các kinh điển nêu trên chính là phương pháp tu thiền được Đức Thế Tôn truyền dạy, là con đường có thể dẫn dắt hành giả đạt đến cứu cánh giải thoát ngay trong đời này.
Những lời giáo huấn của Thế Tôn là để chúng sinh nhận thức được tướng chân thực của thế gian và hiểu được rằng sự ngộ nhận và chấp trước của chúng sinh là nguyên nhân gây ra vô số khổ đau và sinh tử luân hồi bất tận. Tâm bình tĩnh và khả năng phát giác là cách để hoàn thành hai mục tiêu này. Vì vậy, ngay từ đầu Thế Tôn dạy thiền định thì cần phải bồi dưỡng khả năng phát giác này. Thông qua thiền định để quan sát sự tương tác giữa tâm và ngoại cảnh, chân tướng bản chất giữa bản thân và ngoại cảnh.
Cho nên, để hoàn thành sự huấn luyện này, trong Đạo Tương Ưng của Tương Ưng Nikāya, Thế Tôn hướng dẫn các đệ tử tu quán chiếu hơi thở ra vào, phối hợp với Tứ niệm xứ và Thất giác chi. Quán chiếu hơi thở ra vào là kéo tâm vốn hướng ra ngoại duyên theo thói quen trở về với sắc thân này, tiếp đó thâm nhập bằng Tứ niệm xứ (thân, thọ, tâm, pháp) để quán chiếu triệt để sự tương tác giữa thân, tâm. Hai loại tu tập này đều cần phải đồng thời phối hợp thực tiễn với Thất giác chi. Thấy chân tướng của việc tương tác giữa tâm - thân và những khó khăn, phiền nhiễu mà chúng mang lại, tiếp đến hành giả xả bỏ những chấp trước này để đoạn diệt các phiền nhiễu, khó khăn. Vì vậy, phương pháp thiền Đức Phật truyền dạy không cần giống như của các đạo khác là hướng ra các tướng bên ngoài để tu tập.