Nam mô Đại sĩ phu!
Nam mô Đại sĩ phu!
Vì tôi không thể biết,
Ngài nương đâu mà thiền!”
Nên tu tập loại thiền có thể chế ngự được, không nên tu tập loại thiền không thể chế ngự.
Kinh 926 quyển 33 trong Tạp A Hàm nói rằng Thế Tôn răn dạy các đệ tử chớ nên tu loại thiền ngang ngạnh, nên tu tập loại thiền chân thực. Phương pháp tu thiền để điều phục các loại tưởng như địa, thủy, hỏa... được ghi chép trong kinh này ta cũng gặp trong Tăng Chi Nikāya Pāli1.
1 A.V.323~326.
Phương pháp tu thiền của đạo khác cần phải có các duyên như địa, thủy, hỏa, phong nhưng phương pháp Thế Tôn dạy thì ngược lại, cần phải điều phục, hàng phục những chấp trước với các duyên. Nói cách khác, nghĩa là đoạn trừ việc tâm chấp thủ vào các duyên cảnh và các tưởng mà các duyên cảnh này mang lại. Điều này hoàn toàn trùng khớp với những gì Kinh Năm Ba ở đoạn trên ghi chép về việc tu chứng đạo vô thượng chí cực tịch tĩnh, nghĩa là sáu căn không duyên với sáu cảnh.
Dưới đây, chúng tôi chỉ căn cứ theo kinh Hán dịch để thảo luận. Kinh Tạp A Hàm quyển 33 chép rằng:
“Tôi nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở trong tinh xá Thâm Cốc tại làng Na Lê (Nātika, Giñjakāvasatha).
Bấy giờ Thế Tôn bảo Sằn Đà Ca Chiên Diên (Sandha): “Nên tu thiền chân thật, chớ tập thiền ngang ngạnh. Như con ngựa ngang ngạnh, cột cạnh một máng cỏ, nó không nghĩ: ‘Ta phải làm gì? Ta không phải làm gì?’ mà chỉ nghĩ đến thóc và cỏ. Cũng vậy, trượng phu tu tập nhiều với tham dục triền, cho nên, vị kia bằng tâm tham dục mà tư duy, không biết như thật con đường xuất ly, tâm thường rong ruổi, tùy theo tham dục triền mà cầu chánh thọ. Đối với sân nhuế, thụy miên, trạo hối, nghi, tuy tu tập nhiều mà đối với đạo xuất ly không biết như thật; với tâm bị trùm kín bởi nghi mà tư duy để cầu chánh thọ”.
“Này Sằn Đà, nếu thật là ngựa thuần giống thì khi cột nơi cạnh máng cỏ chuồng ngựa, nó chẳng nghĩ đến cỏ, nước mà chỉ nghĩ đến việc kéo xe. Cũng vậy, trượng phu không niệm tưởng tham dục triền mà an trụ, biết như thật sự xuất ly; không với tham dục triền mà cầu chánh thọ; cũng không bị quấn chặt bởi sân nhuế, thụy miên, trạo hối, nghi mà phần nhiều an trụ vào xuất ly; biết như thật về các triền sân nhuế, thụy miên, trạo hối, nghi; không với nghi triền mà cầu chánh thọ”.
“Như vậy, Sằn Đà, Tỳ kheo thiền như vậy không y cứ vào đất tu thiền, không y cứ vào nước, gió, lửa, không, thức, vô sở hữu, phi tưởng phi phi tưởng mà tu thiền; không y cứ vào thế giới này, không y cứ vào thế giới khác, không phải mặt trời, mặt trăng, không phải thấy, nghe, cảm, biết, không phải đắc, không phải cầu, không phải tùy giác1, không phải tùy quán mà tu thiền. Này Sằn Đà, nếu Tỳ kheo nào tu thiền như vậy, những Thiên chủ Y Thấp Ba La2, Ba Xà Ba Đề3 đều cung kính, chắp tay, cúi đầu, làm lễ mà nói kệ tán thán:
1 Hán: tùy giác. Pāli: anuvicāra, tư duy chiêm nghiệm.
2 Y Thấp Bà La. Pāli: Issara.
3 Ba Xà Ba Đề. Pāli: Pajāpati.
Nam mô Đại sĩ phu!
Nam mô Đại sĩ phu!
Vì tôi không thể biết,
Ngài nương đâu mà thiền!”
Bấy giờ, Tôn giả Bạt Ca Lợi đang đứng sau cầm quạt hầu Phật. Bạt Ca Lợi liền bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, Tỳ kheo làm sao nhập thiền mà không y cứ vào đất, nước, lửa, gió… cho đến giác quán mà tu thiền định? Làm sao Tỳ kheo tu thiền được, những Thiên chủ Y Thấp Ba La, Ba Xà Ba Đề chắp tay, cung kính, cúi đầu, làm lễ và nói kệ tán thán:
Nam mô Đại sĩ phu!
Nam mô Đại sĩ phu!
Vì tôi không thể biết,
Ngài nương đâu mà thiền!”
Phật bảo Tỳ kheo Bạt Ca Lợi:
“Tỳ kheo, đối với địa tưởng có thể điều phục địa tưởng, đối với thủy, hỏa, phong tưởng, vô lượng không nhập xứ tưởng, thức nhập xứ tưởng, vô sở hữu xứ nhập xứ tưởng, phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ tưởng; thế giới này, thế giới khác, mặt trời, mặt trăng, thấy, nghe, cảm, biết; hoặc đắc, hoặc cầu, hoặc giác, hoặc quán đều điều phục các tưởng kia”.
“Này Bạt Ca Lợi, Tỳ kheo tu thiền như vậy không y cứ vào đất, nước, lửa, gió… cho đến không y cứ vào giác, quán để tu thiền. Này Bạt Ca Lợi, Tỳ kheo nào tu thiền như vậy thì các Thiên chủ Y Thấp Bà La, Ba Xà Ba Đề đều cung kính, chắp tay, cúi đầu làm lễ và nói kệ tán thán:
Nam mô Đại sĩ phu!
Nam mô Đại sĩ phu!
Vì tôi không thể biết,
Ngài nương đâu mà thiền!”
Khi nghe Phật nói kinh này thì Tỳ kheo Sằn Đà Ca Chiên Diên xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Tỳ kheo Bạt Ca Lợi không còn khởi các lậu, tâm được giải thoát.
Phật nói kinh này xong, Tỳ kheo Bạt Ca Lợi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành1.
1 Đại Chánh Tạng tập 2, trang 235c~236b. Người dịch trích từ bản dịch do Thích Tịnh Hạnh chủ biên: Đại Tập 6 - Bộ A Hàm VI - Kinh Tạp A Hàm Số 2 (Tạp A Hàm Quyển 33); Nhà xuất bản: Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan; Năm xuất bản: 2000; Trang: 626, 627, 628.
Trong kinh nhấn mạnh Tỳ kheo nên tu tập thiền chân thực, không nên tu tập thiền ngang ngạnh. Thế nào gọi là thiền chân thực, thế nào gọi là thiền ngang ngạnh? Kinh tiếng Pāli tương ứng với kinh này gọi là thiền điều ngự được (ājānīya-jjhāyita) và thiền khó điều ngự (khaluṅka-jjhāyita). Thiền chân thực và thiền ngang ngạnh lần lượt dùng ví dụ ngựa thuần chủng và ngựa ngang ngạnh để ví với phương pháp thiền chính xác và phương pháp thiền không chính xác. Cường lương (強 良) còn viết là 強梁, nghĩa là vừa cường tráng, vừa ngang ngược, hung bạo; cũng giống với ý khó điều phục hoặc chưa điều phục trong tiếng Pāli.
Thế Tôn lấy ví dụ để giải thích những hành giả tu thiền ngang ngạnh này chưa điều phục, chế ngự được năm triền cái, bị năm triền cái như tham dục... này trói buộc. Giống như con ngựa ngang ngạnh hoặc con ngựa khó điều phục (assakhaḷuṅka), tuy bị buộc vào máng ngựa nhưng tâm nó chỉ nghĩ đến việc ăn ngũ cốc và cỏ, không nghĩ đến những việc nên làm phục vụ chủ nhân. Điều này cũng giống với những hành giả mới tu tập thiền chưa trải qua sự huấn luyện điều phục năm triền cái hoặc như các đạo khác chưa đoạn trừ được năm triền cái mà tu thiền, tuy tu tập thiền định nhưng tâm lại bị năm dục trói buộc, năm triền cái cản trở, thường nghĩ về năm dục lạc, không nghĩ về việc mà người tu tập phạm hạnh nên làm.
Tỳ kheo nên tu tập thiền chân thực hoặc thiền chế ngự được. Hành giả tu tập thiền chân thực nghĩa là đã điều phục được năm triền cái, không bị năm dục trói buộc, không bị năm triền cái cản trở. Cũng giống như ngựa thuần chủng hoặc ngựa đã được chế ngự (assājānīya), tuy bị trói vào máng ngựa nhưng trong lòng không nghĩ đến việc ăn ngũ cốc và cỏ, ngược lại chỉ nghĩ đến việc nên làm để phục vụ chủ nhân. Điều này cũng giống như các Tỳ kheo đã được huấn luyện điều phục năm triền cái để tu tập thiền định, tránh xa sự quấy nhiễu của năm dục, năm triền cái. Họ thường nghĩ đến những việc hành giả tu tập phạm hạnh nên làm.
Phương pháp thiền Đức Phật truyền dạy trước tiên phải đoạn trừ năm triền cái. Điều này khác với các đạo khác. Đạo khác tu thiền nhưng không cần đoạn trừ năm triền cái. Đây là điểm khác biệt giữa đạo Phật và các đạo khác. Chúng ta có thể tham khảo Kinh Gopaka-mogga-llāna trong Trung Nikāya đã thảo luận ở đoạn trước. Sau khi Thế Tôn nhập diệt không bao lâu, Bà la môn Gopaka-mogga-llāna tán thán Thế Tôn là người ham thích tu thiền, là người tán thán tất cả các phương pháp thiền. Những lời này đã bị Tôn giả A Nan phản bác lại. Tôn giả nói rằng Thế Tôn không tán thán tất cả các phương pháp tu thiền, đặc biệt là phương pháp không đoạn trừ năm triền cái.
Nhưng trọng điểm của kinh này là ở nửa sau. Thế Tôn nói rằng:
“Như vậy, Sằn Đà, Tỳ kheo thiền như vậy không y cứ vào đất tu thiền, không y cứ vào nước, gió, lửa, không, thức, vô sở hữu, phi tưởng phi phi tưởng mà tu thiền; không y cứ vào thế giới này, không y cứ vào thế giới khác, không phải mặt trời, mặt trăng, không phải thấy, nghe, cảm, biết; không phải đắc, không phải cầu, không phải tùy giác, không phải tùy quán mà tu thiền”.
Ở đây lần lượt liệt kê các duyên cảnh khi tu thiền: không dựa trên tứ đại của sắc giới như đất, nước, lửa, gió; không nương theo không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ của vô sắc giới; không nương theo thế giới này, thế giới khác; không dựa vào mặt trời, mặt trăng; không dựa vào điều thấy, nghe, cảm, biết; không vì để đạt được, không vì để theo đuổi tìm cầu mà tu thiền; cũng không phải giác (Tầm/vitakka), cũng không phải quán (Tứ/vicāra) mà tu tập thiền định. Trong kinh Pāli còn nói rằng: “Dù không tác ý đối với các thứ này, nhưng vẫn còn tác ý” (Tam pi na manasikareyya, manasi ca pana kareyya ti).
Đoạn trừ năm triền cái được đề cập đến ở đoạn trên là nói về các chướng ngại do năm dục lạc của dục giới gây ra. Hành giả vượt qua được các chướng ngại của dục giới, chứng nhập thiền thứ nhất cho đến thiền thứ tư của sắc giới. Kinh văn nhắc đến việc tu thiền không dựa vào địa, thủy, hỏa, phong là thuộc về sắc giới; còn không dựa vào không, thức là thuộc vô sắc giới. Phân tích như vậy, chúng ta sẽ thấy Thế Tôn dạy các đệ tử tu thiền định không dựa vào tam giới. Mục đích các đệ tử của Thế Tôn tu tập phạm hạnh là giải thoát khỏi biển khổ luân hồi. Phương pháp tu thiền này há chẳng phải là nhất quán với mục đích rốt ráo của việc tu tập phạm hạnh sao?
Nói cách khác, thiền chân thực mà các Tỳ kheo tu tập là loại thiền định không duyên cảnh. Thiền định có duyên cảnh là cảnh giới mà các bậc thiên chủ có thể biết, nghĩa là tất cả các pháp trong tam giới. Khi đệ tử Phật tu tập phương pháp thiền không phan duyên theo ngoại cảnh do Thế Tôn truyền dạy, chư thiên không thể biết được thành tựu khi thực hành thiền này mang lại. Phương pháp thiền định không dựa theo tam giới mà tu tập thoát ly khỏi tam giới, cho nên chả trách các vị thiên chủ, Đại Phạm thiên, Trời Pajāpati cũng chắp tay cung kính, cúi đầu đảnh lễ và dùng kệ để tán thán việc tu hành của đệ tử Phật và họ còn tự thừa nhận không hiểu phương pháp thiền này.
Phương pháp tu thiền được nhắc đến ở đây hoàn toàn trái ngược với phương pháp của ngoại đạo. Mục tiêu cao nhất của các tu sĩ ngoại đạo Bà la môn là hợp nhất tiểu ngã (bản thân) và đại ngã (đại phạm). Cho nên, thao tác đối với tứ đại (địa, thủy, hỏa, phong) là có thể bao trùm khắp nơi. Đại Phạm tồn tại hoặc hiển hiện trong tứ đại của vũ trụ, tức là sơn hà đại địa. Vì vậy, những người tu hành thuộc Bà la môn giáo quán tưởng tứ đại của bản thân (tiểu ngã) này trải khắp sơn hà đại địa và có thể hợp nhất với tứ đại của Đại Phạm. Nhưng Thế Tôn lại muốn các đệ tử xả bỏ quán tưởng về tứ đại và các tầng bậc thiền định đã chứng đắc. Xả bỏ tứ đại thì các thiên thần không biết Tỳ kheo tu thiền như thế nào.
Lúc này, Tôn giả Bạt Ca Lợi đang quạt cho Đức Phật, ông ta liền hỏi phải tu tập loại phương pháp thiền này như thế nào? Làm sao để vun đắp năng lực điều phục các loại tưởng. Thế Tôn trả lời: Trong địa tưởng có thể điều phục được địa tưởng, trong thủy tưởng, hỏa tưởng, phong tưởng cho đến giác, quán tưởng đều có thể điều phục được từng tưởng một.
Vậy, điều Thế Tôn nói: làm thế nào để tu thiền mà không dựa vào bất cứ thứ gì cũng nhất quán với kinh trước trong Tăng Chi Nikāya: điều phục các loại tưởng. Tại sao lại phải tu tập như vậy? Nó có quan hệ như thế nào với giải thoát? Như trên đã phân tích, đó là: cần thoát khỏi sự trói buộc của tam giới, tu thiền không phan duyên vào tam giới.
Hai kinh dưới đây, Kinh Kiên Cố trong Trường A Hàm Hán dịch và Kinh Kevaddha tiếng Pāli nói rằng khi tứ đại: địa, thủy, hỏa, phong diệt, không còn chỗ lập cước thì thức diệt. Một kinh khác, Kinh Phật Tự Thuyết (Udāna) chép rằng: đạt đến cảnh giới không còn tứ đại thì chính là lúc khổ bị diệt tận, chính là lúc đạt đến Niết bàn. Phương pháp tu thiền này là mục tiêu cuối cùng trong quá trình tu tập phạm hạnh của các đệ tử Phật. Phương pháp này dẫn đến danh sắc diệt, thức diệt, tứ đại diệt, không còn sinh, lão, bệnh, tử; tức là giải thoát, Niết bàn; hơn nữa, còn thành tựu ngay trong đời này, không cần phải đợi đến lúc mệnh chung.