Định vô sở duyên → Thiên thần và Phạm Thiên đều không biết về định này
Tăng Chi Nikāya (A.V.318) ghi chép việc Tôn giả A Nan hỏi Thế Tôn liệu có loại định nào như sau chăng: Có Tỳ kheo đối diện với đất mà không phải là đang tri giác về đất (paṭhavī-saññī); đối diện với nước mà không phải là đang tri giác về nước (āpo-saññī); đối diện với lửa mà không phải đang tri giác về lửa (tejo-saññī); đối diện với gió mà không phải đang tri giác về gió (vāyo-saññī); cũng tương tự như vậy với không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, đối diện với thế gian này nhưng không phải là đang tri giác về thế gian này; đối diện với thế gian khác nhưng không phải là đang tri giác về thế gian khác; đều không tri giác (perception) đối với điều thấy, nghe, cảm, biết; nhưng vị đó là một hành giả vẫn còn tưởng hoặc nhận biết (a percipient).
Thế Tôn khẳng định rằng có loại thiền định như vậy. Tôn giả A Nan hỏi: Vậy, làm thế nào để chứng đắc được loại thiền định này? Thế Tôn trả lời: “Sự tịch tĩnh này, sự thù thắng này, đó là tất cả các hành diệt, tất cả các chấp trước bị đoạn trừ, diệt tham, ly dục, đoạn diệt, Niết bàn”.
Đoạn này cũng xuất hiện trong Kinh Mahāmāluṅkya đã thảo luận ở trên. Kinh này ghi chép việc Thế Tôn truyền dạy phương pháp thực hiện phép quán trong định. Hành giả thực hiện phép quán trong định; quán vô thường, khổ, không, vô ngã; tâm yếm ly, từ đó hướng tâm đến Niết bàn: “Sự tịch tĩnh này, sự thù thắng này, đó là tất cả các hành diệt, tất cả các chấp trước bị đoạn trừ, diệt tham, ly dục, đoạn diệt, Niết bàn”.
Hai đoạn kinh văn trên xuất hiện trong hai kinh, khi so sánh, ở đây bàn đến loại thiền định đối diện với đất mà không tri giác về đất, thực chất chính là chỉ loại thiền định Đức Phật truyền dạy, nó có thể dẫn đến giải thoát cứu cánh, Niết bàn. Phương pháp tu tập xả bỏ duyên cảnh để hướng đến Niết bàn cũng được ghi chép trong các kinh điển khác.
Trong Căn Tương Ưng của Tương Ưng Nikāya ghi chép về nội dung của năm căn. Thế nào gọi là định căn? Thế Tôn nói rằng: “Chư Tỳ kheo, bậc thánh Thanh văn đã lấy giải thoát làm duyên, đạt được định, tâm chuyên nhất một đề mục. Chư Tỳ kheo, đây gọi là định căn (Idha, bhikkhave, ariyasāvako vossaggârammaṇaṃ karitvā labhati samādhiṃ labhati cittassa ekaggataṃ. Idaṃ vuccati, bhikkhave, samādhindriyaṃ. S.V.197) Hán dịch “đã lấy giải thoát làm duyên” tương đương với “vossaggârammaṇaṃ katvā” trong tiếng Pāli, nghĩa là lấy việc “xả bỏ” hoặc giải thoát làm duyên; Pāli chú sớ giải thích rằng “Nibbānârammaṇaṃ karitvā”, nghĩa là lấy Niết bàn làm duyên. Cách giải thích này cũng trùng khớp với cách giải thích trong Kinh Mahāmāluṅkya và kinh vừa nhắc đến ở trên trong Tăng Chi Nikāya.
Ngoài ra, Tạp A Hàm cũng có kinh mang nội dung tương tự. Điều thú vị là kinh trong Tạp A Hàm ghi chép rằng: Các thiên thần và Phạm Thiên đều ca ngợi phương pháp tu thiền của đệ tử Phật, nhưng họ lại không biết, không hiểu các Tỳ kheo này tu thiền như thế nào? Chứng nhập các loại thiền định này như thế nào? Đây là cảnh giới thiền định mà các đạo khác không thể chứng nhập. Phương pháp tu thiền Thế Tôn phát hiện ra này là pháp chưa từng được nghe. Các đạo khác chưa từng được nghe đến phương pháp này thì sao có thể hiểu được tu tập như thế nào?