Đoạn trên chúng ta đã đề cập đến việc trong chín định thì chỉ có thể thực hiện phép quán trong bảy định đầu. Kinh Mahāmāluṅkya, Kinh Bát Thành Nhân cũng đều nói rõ cách thực hiện phép quán như thế nào. Vậy thì, trong định thực hiện phép quán vô thường, khổ, không, vô ngã, còn cần sinh khởi tâm yếm ly, hướng đến Niết bàn; kết quả là hiện pháp Niết bàn. Loại thiền định có thêm hạnh quán này trong quá trình tu tập lại là như thế nào?
Thế Tôn nói rằng pháp mà Ngài phát hiện ra có thể dẫn đến pháp cứu cánh giải thoát Niết bàn, là pháp chưa từng được nghe. Vậy thì, trong kinh điển Phật giáo nguyên thủy, phương pháp thiền này đã được mô tả như thế nào?
Trong Tăng Chi Nikāya có một số kinh ghi chép về một loại thiền định không duyên vào cảnh. Đây dường như là kết quả của quá trình thực hiện phép quán trong định sinh khởi tâm yếm ly. Trong Tạp A Hàm, Trường A Hàm Hán dịch và Kinh Tập tiếng Pāli càng miêu tả rõ nét hơn kết quả thực hiện phép quán trong thiền định mang lại. Tạp A Hàm Hán dịch có một kinh chép rằng: hành giả chứng nhập thiền định và có thể điều phục các tưởng địa, thủy, hỏa, phong cho đến tứ xứ. Trường A Hàm Hán dịch có một kinh ghi chép rằng khi địa, thủy, hỏa, phong không còn chỗ lập cước thì chính là lúc danh sắc diệt, cũng tức là giải thoát. Kinh Tập ghi chép Thế Tôn nói rằng: Một vị Thánh giải thoát khỏi danh sắc thì không còn gọi là Thánh. Các kinh điển này có thể giải thích cho chúng ta về pháp chưa từng được nghe của Thế Tôn.