Tiến thêm một bước, chúng ta cần rà soát lại một chút quan niệm phổ biến “Định tưởng thọ diệt là sự trải nghiệm vô dư Niết bàn trong hiện tại”. Chúng ta sẽ thảo luận vấn đề này từ hai nhóm kinh điển. Nhóm một là các kinh đã thảo luận ở đoạn trên gồm có Kinh Thiền Na tiếng Pāli, Kinh Thuyết Hán dịch, Kinh Thất Giới. Nhóm hai là Kinh Phân Biệt Giới và Kinh Poṭṭhapāda chúng ta sẽ nói dưới đây.
Kinh Thiền Na trong Tăng Chi Nikāya tiếng Pāli đã nói rõ rằng: chỉ cần có định hữu tưởng thì có cứu cánh trí (Yāvatā saññā-samāpatti tāvatā aññā-paṭivedho)1. Kinh Thuyết Hán dịch cũng có câu văn tương tự: Có tưởng thì có trí, cùng nhau đạt đến trí. Từ hai đoạn kinh văn này, chúng ta hiểu rằng khi chứng đắc A la hán trí, hành giả chứng đắc trong định hữu tưởng.
1 A.IV.426.
Theo Kinh Thất Giới, định hữu tưởng là chỉ từ thiền thứ nhất cho đến vô sở hữu xứ; phi tưởng phi phi tưởng xứ là định hành dư, định tưởng thọ diệt là định diệt. Nói cách khác, hành giả có thể chứng đắc cứu cánh trí trong bảy định đầu tiên. Những hành giả chứng nhập lên định tưởng thọ diệt thì không thể chứng đắc cứu cánh trí.
Từ Kinh Phân Biệt Giới, chúng ta cũng thấy chứng đắc Niết bàn là trong thiền thứ tư (định hữu tưởng). Tưởng (saññā) đóng vai trò quan trọng trong việc chứng đắc hiện pháp Niết bàn. Định tưởng thọ diệt đương nhiên là không có tưởng, cho nên cũng không thể chứng đắc cứu cánh trí trong định này. Về mối quan hệ giữa tưởng, lậu tận và Niết bàn, chúng ta cần tham khảo Kinh Bhaddaji và Kinh Poṭṭhapāda.
Trong Kinh Poṭṭhapāda, Đức Phật thuyết giảng xúc bị đoạn diệt (nirodhaṁ phussati) như thế nào, chính là trong định vô sở hữu xứ không để tâm hướng (na ceteyeti) cũng không để tâm hành (na abhisaṅkhareti), cũng có ý giống với Kinh Phân Biệt Giới khi bàn về điểm mấu chốt cuối cùng của Niết bàn, dừng các hành (na abhisaṅkharoti) và dừng các ý hướng (na abhisañcetayati). Thế Tôn nói rằng khi xúc bị đoạn diệt thì đạt đến đỉnh tưởng (saññagga).
Theo Kinh Bhaddaji trong Tăng Chi Nikāya và Kinh Tương Ưng trong Tạp A Hàm Hán dịch1, đỉnh tưởng là chỉ khi đã đoạn tận các lậu hoặc. Hai kinh này đáng để chúng ta thảo luận sâu thêm, vì từ Kinh Bhaddaji, chúng ta có thể thấy sự khác biệt giữa Đức Phật và đạo khác về nhận thức năm loại quan niệm, còn từ Kinh Poṭṭhapāda có thể thấy những hiểu biết uyên thâm và sự vận dụng tài tình của Đức Phật đối với thiền định.
1 Đại Chánh Tạng tập 2, trang 123b.
Đầu tiên, đối với Kinh Bhaddaji, chúng ta cần thảo luận sâu thêm và nhấn mạnh rằng đỉnh tưởng của đạo khác và đỉnh tưởng của Phật giáo có sự khác biệt. Nhờ vậy, một lần nữa ta lại thấy sự khác biệt giữa Đức Phật và đạo khác về tri thức thiền định. Kinh Tạp A Hàm, quyển 17 ghi lại cuộc vấn đáp giữa Tôn giả A Nan và Tỳ kheo Bạt Đà La:
Khi ấy, Tôn giả A Nan đi đến chỗ Tôn giả Bạt Đà La. Sau khi thăm hỏi sức khỏe xong, ngồi xuống một bên, Tôn giả A Nan hỏi Tôn giả Bạt Đà La:
“Thế nào gọi là thấy đệ nhất? Thế nào là nghe đệ nhất? Thế nào là lạc đệ nhất? Thế nào là tưởng đệ nhất? Thế nào là hữu đệ nhất?”
Tôn giả Bạt Đà La nói với Tôn giả A Nan:
“Có Phạm thiên là đấng tự tại, tạo tác, biến hóa như ý, là cha của thế gian. Có thể nói, thấy được Phạm thiên là cái thấy đệ nhất”.
“Này A Nan, nếu có chúng sinh hỷ lạc do viễn ly sinh thấm nhuần khắp mọi nơi; mọi nơi đều cảm giác hân hoan, toàn thân sung mãn, không chỗ nào là không tràn đầy. Chúng sinh này sau khi xuất định, xướng lên giữa đại chúng: “Vô cùng tịch tĩnh thay, hỷ lạc do viễn ly sinh này! Vô cùng tịch tĩnh thay, hỷ lạc do viễn ly sinh này!” Nghe được âm thanh này thì gọi là cái nghe đệ nhất”.
“Lại nữa A Nan, nếu có chúng sinh ở nơi thân này có lạc do đã lìa hỷ thấm nhuần khắp mọi nơi, mọi nơi đều cảm giác hân hoan, toàn thân sung mãn, không chỗ nào là không tràn đầy. Đó gọi là lạc đệ nhất”.
“Thế nào là tưởng đệ nhất? Này A Nan, có chúng sinh vượt qua tất cả thức nhập xứ, nhập vô sở hữu, thành tựu và an trụ vô sở hữu nhập xứ. Nếu khởi lên tưởng này thì gọi là tưởng đệ nhất”.
“Thế nào là hữu đệ nhất? Lại nữa A Nan, có chúng sinh vượt qua tất cả vô sở hữu nhập xứ, thành tựu và an trụ phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ. Nếu khởi hữu này thì gọi là hữu đệ nhất”1.
1 Đại Chánh Tạng tập 2, trang 123, b22-c11. Người dịch trích từ bản dịch của Thích Đức Thắng; Hiệu đính & chú thích: Tuệ Sỹ, Tạp A Hàm quyển 17, Kinh 484 Bạt Đà La, trang 1851~1853;
Tôn giả A Nan chỉ trích tri thức về năm loại đệ nhất của Tỳ kheo Bạt Đà La là tri thức của ngoại đạo:
Tôn giả A Nan quở trách Tỳ kheo Bạt Đà La rằng: Nhận thức như vậy thì khác gì với ngoại đạo? Tiếp đó, Tôn giả A Nan đính chính lại lời của Tỳ kheo Bạt Đà La như sau:
Tôn giả A Nan nói với Tỳ kheo Bạt Đà La: “Có nhiều người thấy như vậy, nói như vậy; vậy thì Tôn giả cũng giống họ, đâu có khác gì? Tôi dùng phương tiện hỏi Tôn giả, Tôn giả hãy lắng nghe, tôi sẽ vì Tôn giả mà nói. Theo như cái được quán sát này mà lần lượt diệt tận các lậu, đó mới gọi là cái thấy đệ nhất. Theo như điều được nghe mà lần lượt diệt tận các lậu, đó mới gọi là cái nghe đệ nhất. Theo như lạc được phát sanh mà lần lượt diệt tận các lậu, đó mới gọi là lạc đệ nhất. Theo như điều được tưởng mà lần lượt diệt tận các lậu, đó mới gọi là tưởng đệ nhất. Như thực quán sát, lần lượt diệt tận các lậu thì đó mới gọi là hữu đệ nhất”1. “Đệ nhất” (thứ nhất) trong tiếng Pāli là agga, nghĩa là tối cao, đỉnh điểm, vô thượng. Dù là thấy thứ nhất, nghe thứ nhất, lạc thứ nhất, tưởng thứ nhất, hữu thứ nhất, Tôn giả A Nan căn cứ theo những điều được nghe từ Đức Phật, những quan điểm này đều bắt đầu từ việc “có chứng đắc lậu tận hay không” để nhận định.
1 Đại Chánh Tạng tập 2, trang 123, c12 - 19. Người dịch trích từ bản dịch của Thích Đức Thắng; Hiệu đính & chú thích: Tuệ Sỹ, Tạp A Hàm quyển 17, Kinh 484 Bạt Đà La, trang 1854~1855.
Đương nhiên, tưởng thứ nhất (saññagga) - đỉnh tưởng có liên quan đến chủ đề chính của chương này, cũng chính là đưa ra nhận định từ phương diện lậu tận. Ý của kinh này càng rộng hơn, có thể chứng đắc đỉnh tưởng ở bất kỳ định hữu tưởng nào.
Trong định hữu tưởng, chứng đắc đỉnh tưởng cũng có nghĩa là chứng đắc lậu tận. Cho nên, kinh này gián tiếp nhận định rằng “lậu tận” là chứng đắc trong định hữu tưởng.
Tôn giả A Nan đã được nghe từ Đức Phật về năm loại đệ nhất (thứ nhất):
Tiếp theo, Kinh Poṭṭhapāda1 nhấn mạnh về “đỉnh tưởng” (saññagga) mà Đức Phật thuyết giảng. Liệu chỉ có một đỉnh tưởng hay có rất nhiều đỉnh tưởng? Nguồn gốc của việc Đức Phật hướng dẫn làm thế nào để đạt đến đỉnh tưởng là do du sĩ Poṭṭhapāda hỏi Đức Phật về sự sinh khởi và biến mất của tăng thượng tưởng (abhisaññā/the higher perception). Tăng thượng tưởng ở đây là chỉ tâm hành có liên quan với thành tựu thiền định. Một nhóm đông các du sĩ và Bà la môn đang tranh luận về sự sinh khởi và đoạn diệt của tăng thượng tưởng trong hội trường.
1 D.I.180~187.
Có người cho rằng tăng thượng tưởng không do nhân do duyên sinh khởi, cũng không do nhân do duyên đoạn diệt; khi tăng thượng tưởng xuất hiện thì hành giả tỉnh táo, khi tăng thượng tưởng đoạn diệt thì hành giả hôn mê.
Có người lại cho rằng tăng thượng tưởng là “tự ngã” đến rồi đi, khi tăng thượng tưởng đến thì hành giả tỉnh táo, khi tăng thượng tưởng đi thì hành giả hôn mê.
Có người cho rằng vì các vị tăng khổ hạnh hay Bà la môn có thần thông, đem tăng thượng tưởng đặt vào hoặc rút ra khỏi một người, khi Tăng thượng tưởng được đặt vào thì người đó tỉnh táo, khi Tăng thượng tưởng bị rút ra thì người đó hôn mê.
Có người cho rằng thiên thần có sức mạnh đem tăng thượng tưởng đặt vào hoặc rút ra khỏi một người, khi tăng thượng tưởng được đặt vào một người thì người đó tỉnh táo, khi tăng thượng tưởng bị rút ra khỏi một người thì người đó hôn mê.
Do có các quan điểm khác nhau nên vào buổi sáng sớm, khi nhìn thấy Thế Tôn đến giảng đường, du sĩ Poṭṭhapāda vô cùng vui mừng và đã nhờ Thế Tôn giải quyết cuộc tranh luận này.
Thế Tôn nói rằng tưởng sinh khởi do nhân do duyên, đoạn diệt cũng do nhân do duyên; do học tập, tưởng sinh khởi; do học tập, tưởng đoạn diệt. Thế Tôn so sánh: cũng giống như khi chứng nhập thiền thứ nhất, dục tưởng trước kia biến mất, chỉ có tưởng chân thực vi tế (sukhuma-sacca-saññā) hỷ lạc do ly dục sinh; Đức Phật biết rõ tưởng chân thực vi tế, hỷ lạc do ly dục sinh này sinh khởi và biến mất do học tập.
Khi hành giả chứng nhập thiền thứ hai, tưởng chân thực vi tế, hỷ lạc do ly dục sinh biến mất, tầm và tứ cũng biến mất, lúc này chỉ có tưởng chân thực vi tế, hỷ lạc do định sinh; Đức Phật hiểu rõ tưởng chân thực vi tế, hỷ lạc do định sinh.
Cũng tương tự như vậy, thiền thứ ba, thiền thứ tư cho đến vô sở hữu xứ, tưởng trước đều biến mất như vậy, tưởng sau đều sinh khởi như vậy. Thế Tôn nói rằng đây chính là làm thế nào để thông qua học tập, tưởng sinh khởi; thông qua học tập, tưởng biến mất. Tưởng sinh khởi và biến mất vì tâm của chúng ta vận hành; tâm không chịu sự điều khiển, chi phối của sức mạnh ngoại tại.
Sau đó, Thế Tôn thuyết giảng làm thế nào để đạt đến đỉnh tưởng. Khi hành giả thành thục như vậy để chứng nhập, an trú, xuất ra khỏi các loại định; tức là vị đó có thể thao tác một cách tự tại để cho tưởng sinh khởi và biến mất, cũng có nghĩa là chứng đắc “Tự tại tưởng” (saka-saññī). Sau khi đạt đến tự tại tưởng, vị đó dựa vào hai thao tác, khiến cho tâm hướng (ceteyeti) và khiến cho tâm hành (abhisaṅkhareti), từng bước, từng bước tiến nhập, cho đến khi đạt đến giới hạn cực độ của tưởng, chính là đỉnh tưởng. Khi vị đó đạt đến đỉnh tưởng, nếu có tâm hướng và tâm hành, tưởng này diệt, tưởng khác sinh, vị đó đạt đến xúc diệt. Khi trong định vô sở hữu xứ, xúc của hành giả diệt.
Không khiến cho tâm hướng và tâm hành thì cũng giống với phương thức diễn đạt thứ hai về chứng đắc Niết bàn đã thảo luận ở trên, nghĩa là Na abhisañcetayati na abhisaṅkharoti. Vì vậy, “xúc diệt” được nói đến trong kinh này chính là “Niết bàn”. Đây chính là nhờ vào sức mạnh của thiền định đạt đến Niết bàn trong vô sở hữu xứ. Thiền định lúc này gọi là diệt tận định. Sau này, trong các luận thư của Phật giáo nói rằng diệt tận định là tưởng thọ diệt định - định thứ chín và là định của bậc Thánh, không giống với các đạo khác, là sản phẩm chỉ có Phật giáo có. Phân tích đoạn kinh văn trên, chúng ta thấy rằng cách nói này có lẽ chất chứa rất nhiều điều nghi vấn.
Du sĩ Poṭṭhapāda rất hiếu kỳ hỏi Đức Phật rằng: Vậy thì chỉ có một đỉnh tưởng hay có rất nhiều đỉnh tưởng? Đức Phật dạy rằng phải xem bản thân hành giả thành tựu được tưởng gì. Thế Tôn lấy tưởng này làm duyên, dẫn dắt hành giả đạt đến đỉnh tưởng. Vì vậy, Thế Tôn nói rằng có một đỉnh tưởng và cũng có nhiều đỉnh tưởng.
Ở đây cần phải giải thích thêm rằng: mỗi một thành tựu thiền định đều do sự thao tác của tâm, khiến cho tâm hướng (ceteyeti) và khiến cho tâm hành (abhisaṅkhareti); khi bỏ các thao tác này, hành giả đạt đến cảnh giới đỉnh tưởng. Nhiều đỉnh tưởng là dựa trên việc hành giả có thể chứng nhập thiền thứ hai, Thế Tôn hướng dẫn họ xả bỏ tâm hướng và tâm hành trong cảnh giới thiền thứ hai này thì có thể đạt đến đỉnh tưởng. Nếu hành giả có thể chứng nhập thiền thứ ba, Thế Tôn dựa trên thiền thứ ba này hướng dẫn hành giả xả bỏ tâm hướng và tâm hành thì có thể đạt đến đỉnh tưởng. Từ thiền thứ nhất cho đến vô sở hữu xứ đều có thể dùng phương pháp này để đạt đến đỉnh tưởng, cho nên Thế Tôn nói có một đỉnh tưởng, cũng có nhiều đỉnh tưởng.
Đỉnh tưởng nghĩa là lậu tận, lại có một đỉnh tưởng hay nhiều đỉnh tưởng tương ứng với từng tầng bậc từ thiền thứ nhất cho đến vô sở hữu xứ; điều đó cũng thể hiện hành giả có thể chứng đắc lậu tận trong bất kỳ định nào của bảy định đầu. Điều này giống với việc hành giả có thể thực hiện phép quán trong bảy định đầu mà chúng ta đã bàn ở các chương trước.
Cuối cùng, một lần nữa chúng ta lại bàn về Niết bàn từ tưởng và trí. Du sĩ Poṭṭhapāda lại hỏi Đức Phật rằng: Tưởng (saññā) có trước, trí (ñāṇa) có sau chăng? Hay trí có trước, tưởng có sau? Thế Tôn đáp rằng: “Tưởng có trước, trí có sau; tưởng sinh khởi rồi trí mới sinh khởi”. (Saññā kho, Poṭṭhapāda, paṭhamaṃ uppajjati, pacchā ñāṇaṃ, saññuppādā ca pana ñāṇuppādo hoti.). Kinh Trường A Hàm quyển 17 ghi chép rằng:
Phạm Chí lại hỏi: “Trước có tưởng sinh sau đó mới có trí? Hay trước có trí sinh sau đó mới có tưởng? Hay tưởng và trí cùng sinh một lượt?”
Phật nói: “Trước có tưởng sinh, sau đó mới có trí. Do tưởng mà có trí”1.
1 Đại Chánh Tạng tập 1, trang 110, c10 - 12. Người dịch trích từ bản dịch của Tuệ Sỹ, Kinh Trường A Hàm, tập 1, Kinh số 28, Kinh Bố Tra Bà Lâu, NXB Tôn giáo, Hà Nội; năm 2007 trang 535 - 536.
Cũng tức là lậu tận có trước rồi tưởng mới sinh khởi, sau đó mới có lậu tận trí sinh khởi. Tưởng Niết bàn sinh khởi trước, sau đó trí Niết bàn mới sinh khởi. Vậy thì tưởng thọ diệt định mà cả tưởng và thọ đều diệt có quan hệ tất yếu với Niết bàn hay không, điều này đã khá rõ ràng rồi.
Đọc nhiều hơn
1. Tăng Chi Nikāya, Kinh Bhaddaji, A.III.202, Aṅguttara Nikāya, Bhaddaji Sutta.
1.1. Bản Hán dịch Tạp A Hàm, Kinh số 484, T2.123b~c.
1.2. Bản dịch tiếng Anh, Bhaddaji, The Book of The Gradual Sayings, tập III trang 148~149, E.M.Hare dịch, Oxford: PTS, 2001.
2. Kinh Poṭṭhapāda, D.I.178~203, Dīgha Nikāya no.9 Poṭṭhapāda Sutta.
2.1. Bản Hán dịch, Trường A Hàm, Kinh Bố Tra Bà Lâu, T1.109c~112c.
2.2. Bản dịch tiếng Anh, States of Consciousness, The Long Discourses of the Buddha, trang 159~170, Maurice Walshe dịch, Kandy: BPS, 1996.