Đầu tiên, chúng ta nhớ lại một chút về Kinh Phân Biệt Giới được thảo luận ở đoạn trên đã miêu tả lại quá trình chứng đắc hiện pháp Niết bàn trong thiền thứ tư như thế nào. Nói một cách đơn giản là lần lượt xả bỏ ba loại cảm thọ: khổ thọ, lạc thọ và bất khổ bất lạc thọ, vì vậy mà đạt đến “xả” (upekkha) nhu nhuyễn, dễ sử dụng, phát sáng. Tiến thêm một bước, nghĩa là ngay cả đến “xả” này cũng phải xả bỏ, đoạn trừ; đó chính là quá trình chứng nhập hiện pháp Niết bàn. Vì vậy, trọng điểm chúng ta cần chú ý là sự xả bỏ ba loại cảm thọ. Nói cách khác, sau khi không có “thọ”, đến cả “xả” cũng đoạn trừ, đó chính là hiện pháp Niết bàn. Nhưng ở đây không nói rõ Niết bàn này là hữu dư Niết bàn hay vô dư Niết bàn.
Trong tri thức phổ biến của giới Phật giáo, sự khác biệt giữa hữu dư Niết bàn và vô dư Niết bàn là cái trước thì có thọ, còn cái sau không có thọ. Cũng tức là, hữu dư Niết bàn là chỉ A la hán vẫn chưa mệnh chung, vẫn nương theo thân do năm uẩn hòa hợp để sống trên thế gian này, cho nên vị đó ở trong Niết bàn nhưng vẫn còn cảm thọ; vị đó vẫn còn cảm giác được các cảm thọ khổ, lạc, bất khổ bất lạc. Vô dư Niết bàn là chỉ cảnh giới A la hán chứng nhập vào sau khi mệnh chung. Vì đã mệnh chung, ngũ uẩn hòa hợp với sắc thân cũng phân tán, cho nên không còn cảm thọ.
Tuy nhiên, trong Kinh Phân Biệt Giới lại nói rằng xả bỏ ba loại cảm thọ, đoạn trừ “xả” thì chính là hiện pháp Niết bàn. Nếu đứng trên quan điểm có cảm thọ hay không để phân biệt hữu dư và vô dư Niết bàn, vậy thì hiện pháp Niết bàn kinh này đề cập tới là chỉ vô dư Niết bàn, vì không có thọ.