Chuyện gì đang xảy ra với tớ vậy nè?
Phần này sẽ nói cho bạn biết tất tần tật về những thay đổi đang và sẽ diễn ra với cơ thể bạn.
Hãy chuẩn bị tinh thần khám phá tất cả những gì cần biết nhé!
CÓ NGỰC
Không nghi ngờ gì nữa, chắc chắn là bộ ngực luôn gây sự chú ý. Nhưng nó cũng gây căng thẳng không ít cho phe con gái chúng mình.
Buồn thay, bạn chẳng thể kiểm soát được khi nào thì “chúng nó” bắt đầu phát triển. Phần lớn con gái bắt đầu phát triển ngực khi bước qua tuổi lên mười, nhưng đôi khi cũng có bạn khởi đầu sớm hơn thế nữa. Nhiều bạn phát triển ngực cùng thời điểm với bạn bè cùng lứa, nhưng cũng không hiếm trường hợp phát triển vượt trội, hoặc lẹt đẹt phía sau bạn bè đến nỗi khiến mình cảm thấy xấu hổ và nôn nóng. Và nếu bạn hay so sánh ngực mình với cô bạn nào đó, thì hãy yên tâm rằng bạn không phải là người duy nhất làm vậy. Đó là suy nghĩ thường gặp ở con gái chúng mình thôi.
Tại sao ngực lại lớn lên thế nhỉ?
Về cơ bản, đó là phản ứng của cơ thể đối với sự gia tăng hormone estrogen - tác nhân ra lệnh cho tuyến sữa bắt đầu phát triển, và khiến lượng mô mỡ tăng lên bao quanh các tuyến này. Kích cỡ ngực của bạn hoàn toàn phụ thuộc vào kích cỡ của lớp mô mỡ này đấy. Buồn thay, trên thực tế, chúng ta không cách nào kiểm soát được kích cỡ ngực, cho dù có tập bao nhiêu bài tập giúp nở ngực đi chăng nữa. Bên trong ngực của bạn là cả một mạng lưới các tuyến dẫn sữa được nối với các tuyến tạo sữa. Chúng sẽ dẫn sữa đến tận núm ti khi đến thời điểm bạn làm mẹ và cho em bé bú.
Năm giai đoạn phát triển
Ngực của chúng mình trải qua năm giai đoạn phát triển, nhưng ở mỗi người, tốc độ phát triển sẽ không giống nhau. Một số bạn gái chỉ cần vài tháng và hầu như chẳng hề cảm thấy mình đã trải qua các giai đoạn khác biệt nào. Trong khi đó, một số bạn lại mất đến cả chục năm trời mới đến được đích cuối cùng. Thật chẳng biết đường nào mà lần! Nhưng bạn biết không, cơ thể của chúng ta có lịch trình riêng và giai đoạn dậy thì phụ thuộc hoàn toàn vào hormone và đặc tính di truyền hơn là ý muốn của chúng ta.
Ở những trang tiếp theo, những thay đổi này sẽ được giải thích một cách cặn kẽ.
Các giai đoạn phát triển
Giai đoạn 1
Thường bắt đầu ở độ tuổi từ 8 đến 11, có thể sớm hơn hay trễ hơn tùy người. Ở giai đoạn này, bạn sẽ chẳng thấy gì thay đổi, nhưng bên trong cơ thể bạn, quá trình dậy thì đã được khởi động. Buồng trứng lớn lên, hormone estrogen bắt đầu tuần hoàn khắp cơ thể.
Giai đoạn 2
Đây là giai đoạn bạn có thể thực sự thấy được những thay đổi trên cơ thể. Đầu vú và quầng vú nở rộng hơn và thậm chí còn trở nên sậm màu hơn. Vùng này cũng trở nên nhạy cảm, đôi khi còn hơi ê ẩm. Đôi khi, nằm sấp khi ngủ hay mặc áo bằng chất liệu thô cứng sẽ khiến ngực bạn đau nhức. Sự thay đổi này thật chẳng thoải mái chút nào, nhưng đừng lo, đó là điều hoàn toàn bình thường.
Giai đoạn 3
Ở giai đoạn này, các mô mỡ bắt đầu lấp đầy vùng xung quanh núm vú và quầng vú. Bộ ngực phẳng lì lúc trước bỗng nhô lên như hình chóp cau. Đây là thời điểm chủ yếu mà cơ thể bạn quyết định kích cỡ của bộ ngực. Bạn cũng nên bắt đầu nghĩ đến việc mặc áo ngực hoặc áo lá là vừa.
Giai đoạn 4
Một số bạn không trải qua giai đoạn này. Nhưng với những bạn tuân thủ đúng “lịch trình”, núm vú và quầng vú của họ lớn hơn, rõ ràng hơn, và núi đôi cũng được tạo hình. Nếu ở giai đoạn 3 chưa xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên, thì có thể bạn sẽ gặp nó ở giai đoạn này.
Giai đoạn 5
Bộ ngực bạn đã thành hình rõ ràng, nhưng kích cỡ của nó sẽ còn thay đổi trong suốt những năm tháng về sau. Những yếu tố như thay đổi về cân nặng hay hormone có thể ảnh hưởng đến kích cỡ ngọn núi đôi của bạn. Chưa kể ở một số phụ nữ, bộ ngực vẫn tiếp tục thay đổi ngay cả khi họ đã qua tuổi hai mươi.
Hình dạng và kích cỡ
Thật ra chẳng có chuẩn bình thường nào cho hình dạng ngực cả. Ngực của phe con gái chúng mình không ai giống ai đâu. Chúng có thể nhỏ, vừa hoặc lớn, dù kích cỡ có thế nào thì tất cả đều là bình thường. Bạn hãy hạnh phúc với “tài sản” mình có. Sao lại không yêu cho được khi chúng là một phần cơ thể của bạn nhỉ!
Cơ thể của chúng ta không hoàn toàn cân xứng mà luôn hơi lệch một tí về một bên nào đó. Hãy nhìn kỹ đôi mắt và đôi tai của bạn xem, chúng đâu giống nhau hoàn toàn, phải không nào? Ngực bạn cũng vậy. Với một số bạn gái, sự chênh lệch này có thể nhìn thấy được, nhưng với phần lớn bạn gái thì chuyện đó không đáng kể. Sẽ chẳng ai để ý đến sự chênh lệch ngoại trừ bản thân họ. Vì vậy, nếu bộ ngực, hoặc đầu ti của bạn có lệch nhau một tí thì cũng đừng lo lắng gì nhé. Bạn không phải là người duy nhất gặp phải điều đó đâu.
Mẹo hữu ích
Cấu tạo nhô lên cao của núm vú khiến chúng thường xuyên cọ xát với áo và kết quả là sẽ hơi đau rát, khô và nứt nẻ, thậm chí có khi còn chảy máu một tí nữa. Nếu điều này xảy ra, bạn nên chú ý mặc áo vải mềm hoặc sợi tự nhiên thôi nhé.
Ở một số bạn, đầu ti lại không hề nhô lên cao, mà lại thụt vào trong. Có thể đầu ti sẽ nhô ra lại khi ngực phát triển, nhưng cũng có khi chúng vẫn giữ nguyên vị trí cũ. Nếu bạn gặp phải tình trạng này thì cũng đừng lo lắng gì nhé. Có rất nhiều bạn gái khác cũng gặp phải tình trạng tương tự. Điều đó là bình thường thôi.
Có thể bạn cũng bắt gặp vài vết rạn trên ngực mình. Cũng giống như những bộ phận khác trên cơ thể, khi ngực phát triển quá nhanh, da bạn sẽ bị rạn. Đôi khi, làn da của chúng ta không đủ độ đàn hồi để đáp ứng kịp với sự gia tăng kích cỡ của cơ, thế là những lằn ranh hơi sẫm màu sẽ xuất hiện trên da. Điều này rất phổ biến. Hầu hết phe con gái đều “sở hữu” những vết rạn như thế này. Nhưng thường thì những vết rạn sẽ nhạt dần theo thời gian.
Tại sao ngực tớ lại đau nhức như vậy?
Phần lớn các bạn gái thỉnh thoảng sẽ cảm thấy đau tức ở bầu ngực, thường là trước chu kỳ kinh nguyệt hoặc khi ngực bắt đầu phát triển. Nhưng nếu bị đau quá mức, hoặc cơn đau xảy ra ở những thời điểm hoàn toàn không liên quan gì đến chu kỳ kinh nguyệt, hoặc một bên ngực đau đớn hơn hẳn bên còn lại, thì khi đó bạn nên nhờ ba mẹ đưa đến gặp bác sĩ ngay nhé.
ÁO NGỰC
Việc có mặc áo ngực hay không hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của bạn. Phần lớn phụ nữ cảm thấy thoải mái hơn khi bộ ngực được nâng đỡ và định hình bằng chiếc áo ngực. Mặc áo ngực vừa vặn khi tập thể thao không những giúp ngực bạn không nảy, mà còn có tác dụng ngăn chặn những tổn thương đối với mô ngực.
Một số chuyên gia cho rằng mặc áo ngực sẽ giúp ngực tránh bị chảy xệ vì nó nâng giữ sợi đàn hồi và dây chằng của bầu ngực. Ngược lại, một số chuyên gia khác nói rằng dù bạn có mặc áo ngực thường xuyên đi nữa thì dần dần rồi ngực bạn sẽ không còn săn chắc do lão hóa theo thời gian, khi bạn làm mẹ và thay đổi cân nặng.
✔ Thông tin thực tế
Bạn có biết rằng đến 9 trên 10 phụ nữ mặc áo ngực không vừa với kích cỡ của họ?
Dây áo, cúp ngực
Nếu bạn biết cách tự đo kích cỡ cho mình thì sẽ chẳng khó gì để chọn một chiếc áo ngực như ý. Có hai phần cần quan tâm khi nói đến cỡ áo ngực: phần dây áo và phần cúp ngực. Phần dây áo là phần vòng quanh từ ngực đến hết lưng bạn. Cúp ngực là phần ôm lấy hai bầu ngực. Cỡ áo ngực được đặt tên kết hợp giữa phần dây áo (thể hiện bằng số: 32, 34, 36…) và cúp ngực (thể hiện bằng chữ: AA, A, B, C…).
Điều quan trọng là bạn phải chọn đúng cỡ của cả phần dây áo và cúp ngực để đảm bảo chiếc áo ngực vừa vặn với bạn. Nếu mặc áo ngực không đúng cỡ, bạn sẽ cảm thấy bị khít chặt và không thoải mái quanh khung ngực nếu áo chật quá, hoặc lỏng lẻo, khó chịu nếu áo bị rộng. Hãy tưởng tượng xem, một chiếc áo ngực chật sẽ siết chặt khuôn ngực của bạn nhưng lại không thể ôm trọn bầu ngực, khiến ngực bị thít chặt phải tràn ra ngoài muốn ngộp thở. Trong khi đó, chiếc áo ngực rộng sẽ lùng nhùng bên trong bộ trang phục của bạn, khiến bạn trông chẳng giống ai!
Đo kích cỡ
Làm sao để biết được cỡ dây áo và cúp ngực của mình? Cách tốt nhất là nhờ nhân viên cửa hàng bán đồ lót đo cho nhé, nhưng bạn cũng có thể tự đo cho mình. Cách đo không khó đâu, tất cả những gì bạn cần chỉ là một thước dây có đơn vị inch mà thôi.
Đặt thước dây ở vị trí ngay phía dưới bầu ngực, vòng ra sau lưng để thước dây ôm trọn lấy lưng và khung sườn của bạn. Kéo thước dây sao cho ôm vừa khít vòng ngực, không quá chặt khiến bạn cảm thấy ngực bị thít lại, nhưng cũng không quá lỏng khiến thước dây phía sau lưng bị chùng xuống.
Ghi lại số đo bằng đơn vị inch (1 inch = 2,54 cm) rồi cộng thêm vào đó 5 inch. Đó là số đo vòng ngực của bạn. Nếu nó là số lẻ (ví dụ như 31 hay 33 inch), thì hãy làm tròn thành số chẵn tiếp sau nhé.
Đo cúp ngực
Lần này, khi đo bạn cần vòng từ lưng qua phần đầu nhũ hoa. Lấy kết quả này trừ cho số đo vòng ngực ở phần trên, bạn sẽ có được một con số bí mật. Nếu con số ấy nhỏ hơn 1 inch thì cúp ngực của bạn có cỡ AA. Con số là 1 inch thì cúp ngực bạn cỡ A, 2 inch thì cỡ B, 3 inch là cỡ C và cứ tiếp tục tăng dần lên như vậy.
Làm sao tớ biết được mình mặc đúng cỡ áo ngực hay chưa?
Khi thử áo ngực, bạn cần điều chỉnh đôi chút để đảm bảo chiếc áo bé xinh ấy vừa vặn với cơ thể bạn. Hãy thử nới lỏng, hoặc thu hẹp phần dây gài. Phần dây quàng qua vai cũng có thể điều chỉnh dài ngắn để thay đổi độ ôm sát của cúp ngực và độ nâng đỡ bầu ngực. Khi dây áo vừa vặn, chiếc áo sẽ giúp nâng đỡ bầu ngực bạn một cách nhẹ nhàng, thoải mái và phần dây sẽ không in hằn lên trên vai bạn. Thông thường, bạn nào thấp sẽ cần chỉnh dây áo ngắn hơn các bạn cao.
Dù ngực bạn có kích cỡ hay hình dạng thế nào đi nữa, thì ưu tiên hàng đầu khi chọn mua áo ngực vẫn là sự thoải mái. Hãy thử vài chiếc áo ngực khác nhau để chọn chiếc phù hợp với bạn nhất. Một số bạn gái thích áo không gọng, trong khi các bạn khác lại chỉ thích loại có gọng. Có loại áo ngực mỏng dành cho các bạn gái muốn bộ ngực mình trông khiêm tốn bớt, nhưng ngược lại, cũng có loại có mút đệm dày giúp các bạn ngực nhỏ cảm thấy tự tin hơn. Không có loại áo ngực nào tốt hơn loại nào, mà quan trọng là nó có phù hợp với bạn hay không mà thôi.
Mẹo hữu ích
Khi chọn mua áo ngực, bạn có thể thử mặc thêm một chiếc áo thun bên ngoài áo ngực để xem nó có hợp với trang phục của bạn hay không.
CHUYỆN GÌ ĐANG DIỄN RA TRONG CƠ THỂ TỚ VẬY?
Khi bạn đang ở giai đoạn dậy thì, trong cơ thể của bạn diễn ra rất nhiều sự thay đổi không nhìn thấy được. Tất cả những thay đổi này có mục đích giúp cơ thể chuẩn bị sẵn sàng cho việc làm mẹ sau này.
“Cái ấy” ở đâu và để làm gì?
• Âm đạo: là một ống dẫn kéo dài từ tử cung (dạ con), vận chuyển máu kinh và là nơi em bé sinh ra. Nó dài khoảng 13 cm. Âm đạo có khả năng co giãn - vách âm đạo có nhiều nếp gấp có khả năng giãn rộng ra và co hẹp lại.
• Cổ tử cung: là phần phía dưới tử cung, nơi nối tiếp giữa âm đạo với tử cung.
• Tử cung (dạ con): thành tử cung có khả năng co giãn rất lớn, cho phép tử cung nở to gấp nhiều lần kích cỡ bình thường để nuôi dưỡng thai nhi lớn dần lên. Lớp lót tử cung (nội mạc tử cung) sẽ giúp cung cấp dưỡng chất nuôi dưỡng thai nhi. Khi cơ thể phụ nữ không có thai, mỗi tháng lớp nội mạc này sẽ vỡ ra, bong tróc và chảy ra ngoài theo đường âm đạo - gọi là hiện tượng hành kinh.
• Ống dẫn trứng: là hai ống nối tử cung với hai bên buồng trứng. Chúng dài khoảng 10 cm, phần cuối loe ra, vòng quanh buồng trứng nhưng không thực sự chạm vào buồng trứng. Ống dẫn trứng đón lấy trứng rụng mỗi tháng và dẫn vào tử cung.
• Buồng trứng: mỗi bạn gái có hai buồng trứng, đó là nơi lưu trữ toàn bộ trữ lượng trứng của cơ thể. Những quả trứng này nằm trong những bọc nhỏ gọi là nang trứng. Bạn được sinh ra với hàng trăm, hàng ngàn nang trứng như vậy. Trong suốt quá trình dậy thì, tuyến yên sẽ sản sinh các hormone, theo máu đến buồng trứng, khiến nang trứng giải phóng một trứng vào mỗi tháng. Hiện tượng này gọi là rụng trứng.
Dưới đây là biểu đồ đơn giản:
KINH NGUYỆT
Hầu hết các bạn gái đều bắt đầu có kinh trong khoảng thời gian từ 9 đến 16 tuổi. Thời điểm này có liên quan mật thiết đến chủng tộc, chế độ ăn uống, cân nặng, tỷ lệ cân nặng cơ thể của bạn. Di truyền cũng đóng một vai trò đáng kể.
Để đoán trước thời điểm bắt đầu có kinh nguyệt, bạn có thể hỏi mẹ hoặc chị gái xem mẹ và chị bắt đầu có kinh nguyệt năm bao nhiêu tuổi.
Khi nào nó bắt đầu nhỉ?
Kỳ kinh nguyệt đầu tiên thường xảy ra sau khi ngực bạn đã bắt đầu phát triển và lông vùng kín đã xuất hiện. Khi thấy bạn bè cùng tuổi đã có kinh còn mình thì chưa, có thể bạn sẽ cảm thấy nôn nóng lẫn lo lắng. Nhưng chuyện đó chẳng có gì phải lo đâu, thời điểm có kinh của các cô gái thường không giống nhau. Tuy nhiên, nếu bạn đã qua tuổi 17 mà vẫn chưa có kinh, hoặc ngực chưa phát triển và lông vùng kín chưa xuất hiện, thì hãy đến bác sĩ để được tư vấn kỹ hơn bạn nhé.
Chu kỳ của bạn là hoàn toàn bình thường nếu nó diễn ra “đều đặn”. “Đều đặn” ở đây có thể là từ 21 đến 35 ngày, còn trung bình là 28 ngày.
Mỗi kỳ kinh có thể kéo dài từ 2 đến 8 ngày (trung bình là 4-6 ngày).
Chu kỳ kinh của bạn có thể thay đổi trong suốt cuộc đời, tùy thuộc vào tình trạng tâm lý, sự căng thẳng, tuổi tác, việc tăng hay giảm cân và khi bạn có em bé.
✔ Thông tin thực tế
Phụ nữ ngày nay phải trải qua nhiều chu kỳ kinh hơn thời xưa khoảng 400-500 lần trong suốt cuộc đời. Sở dĩ là vì phụ nữ ngày nay bắt đầu có kinh sớm hơn, họ cũng sống thọ hơn nhờ vào chế độ dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe tiên tiến hơn trước rất nhiều, ngoài ra còn vì phụ nữ ngày nay có ít con hơn thời trước.
ĐỐI MẶT VỚI CHU KỲ KINH
Phần lớn các bạn nữ dùng băng vệ sinh hay tampon khi đến chu kỳ. Vấn đề là bạn thấy loại nào dùng thoải mái hơn thôi.
Tampon
Tampon thấm máu kinh bên trong âm đạo. Nó được làm từ loại bông có tính thấm hút cao, được ép thành hình trụ, có chiều dài và độ dày khoảng bằng ngón tay cái. Mỗi chiếc tampon đều có dây ở một đầu để dễ lấy ra ngoài và còn kèm theo cần đẩy bằng nhựa hoặc giấy, giúp bạn dễ dàng đưa tampon vào bên trong âm đạo.
Tampon có nhiều kích cỡ với tính thấm hút khác nhau. Loại thấm hút cao như super-plus hay ultra phù hợp với những bạn gái có lượng máu kinh nhiều hoặc cho những ngày đầu của chu kỳ kinh, loại siêu mỏng slim cho bạn gái ra ít và ngày cuối chu kỳ. Và một lần nữa, xin nhắc lại rằng bạn thích loại nào thì cứ sử dụng loại đó thôi.
Làm sao để đưa tampon vào âm đạo?
Tampon rất đơn giản và dễ sử dụng, nhưng bạn vẫn cần học cách sử dụng nó cho thuần thục. Những lần đầu sử dụng tampon, có thể bạn sẽ gặp đôi chút khó khăn và có cảm giác khó chịu. Bạn sẽ phải tìm cách mở rộng âm đạo. Và bạn cũng phải tìm đúng góc để đẩy tampon vào. Nhưng mọi chuyện không quá khó khăn như bạn nghĩ đâu. Trên vỏ hộp lúc nào cũng có hướng dẫn sử dụng rất chi tiết, bạn chỉ cần đọc kỹ và làm theo. Quan trọng nhất là hãy thư giãn và thử lại sau mỗi lần không thành công, đừng lo lắng vì chẳng mấy ai thành công ngay lần đầu tiên đâu. Ngoài ra, bạn có thể thử sử dụng tampon với cần đẩy. Nó có thể giúp bạn thấy dễ dàng hơn cho những lần sử dụng làm quen đầu tiên. Và đừng bao giờ quên rửa tay thật sạch trước và sau khi dùng tampon, bạn nhé.
✔ Thông tin thực tế
Đừng quá lo về việc tampon có thể lạc đâu đó trong cơ thể bạn. Trên thực tế thì điều này không thể xảy ra! Cổ tử cung của bạn (cánh cổng để vào tử cung) quá nhỏ nên tampon không thể nào tiến sâu vào bên trong được đâu.
Băng vệ sinh
Băng vệ sinh có vô số hình dạng và kích cỡ: loại dày, mỏng, siêu mỏng, có cánh, không cánh, ban ngày, ban đêm,… Quá nhiều sự lựa chọn có thể khiến bạn cảm thấy chóng cả mặt, hoa cả mắt. Nhưng hãy cứ yên tâm, bạn sẽ nhanh chóng tìm ra loại băng nào là thích hợp nhất với mình. Khác với tampon, băng vệ sinh bảo vệ bạn phía bên ngoài thay vì đưa vào trong âm đạo.
Sử dụng băng vệ sinh như thế nào? Phần lớn băng vệ sinh đều có dải keo bên dưới. Bạn chỉ cần gỡ lớp giấy phủ dải keo ấy ra, rồi dán băng vào đáy quần lót (nếu dùng băng vệ sinh có cánh, bạn chỉ cần kéo căng phần cánh băng vệ sinh vòng quanh mặt đáy phía dưới quần lót rồi dán cho cố định). Băng vệ sinh sau khi sử dụng cần được gói ghém cẩn thận trước khi cho vào thùng rác.
Mẹo hữu ích
Đừng bao giờ vứt băng vệ sinh vào bồn cầu - dù là loại băng mỏng dùng hằng ngày đi chăng nữa. Chắc chắn bạn sẽ không muốn bồn cầu bị nghẹt và gây ra một mớ hỗn độn khiến bạn phải đỏ mặt tía tai vì xấu hổ đâu.
Hội chứng nhiễm độc cấp tính (TSS – Toxic Shock Syndrome)
Có thể bạn đã đọc dòng cảnh báo về hội chứng này đâu đó trên hộp tampon. Hội chứng nhiễm độc cấp tính, hay còn gọi là TSS, rất hiếm gặp nhưng lại vô cùng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng. TSS do độc tố của các loại vi trùng gây ra, có thể xảy ra khi sử dụng tampon loại siêu thấm hút nhưng không thay thường xuyên.
Dù tình trạng này rất hiếm gặp, nhưng bạn vẫn cần biết về nó. TSS giai đoạn đầu có thể dùng kháng sinh để điều trị.
Đừng quá lo lắng. TSS cực kỳ hiếm gặp và tampon hoàn toàn an toàn nếu bạn sử dụng đúng cách. Hãy lưu tâm đến tình trạng nhiễm trùng này, nhưng đừng quá lo sợ bạn nhé.
✔ Thông tin thực tế
• Đừng quên thay tampon thường xuyên.
• Dùng loại tampon ít thấm hút nhất có thể.
• Không dùng tampon khi ngủ (thay vào đó, hãy dùng băng vệ sinh).
• Luôn rửa sạch tay trước và sau khi đặt tampon vào âm đạo.
• Chỉ dùng tampon trong chu kỳ kinh nguyệt.
HỘI CHỨNG TIỀN KINH NGUYỆT
Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS - pre-menstrual syndrome) là cụm từ dùng để chỉ một loạt những triệu chứng khác nhau mà nhiều phụ nữ gặp phải vào những ngày trước khi có kinh. Các chuyên gia vẫn chưa thể thống nhất về nguyên nhân sinh học của hội chứng này, nhưng trên thực tế thì lượng hormone trong cơ thể bạn ở mức thấp nhất trong thời điểm trước chu kỳ kinh. PMS thường diễn ra trong khoảng 7 ngày trước khi có kinh và sẽ biến mất khi chu kỳ của bạn xuất hiện.
Không phải ai cũng gặp hội chứng PMS này. Có thể một số người bạn của bạn chẳng bao giờ gặp phải triệu chứng khó chịu nào trước kỳ kinh, trong khi bạn phải chịu những cơn đau kinh khủng và lại cực kỳ nhạy cảm trong giai đoạn này. Nhưng dù có đau đớn, bực bội đến thế nào đi nữa thì cũng hãy cố kiềm chế nhé. Đừng quát mắng, “gây sự” với người xung quanh chỉ vì tâm trạng bạn không được tốt. Cách cư xử như vậy không tốt và cũng chẳng công bằng chút nào cho những người xung quanh bạn.
Mẹo hữu ích
Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp giảm các cơn đau tiền kinh nguyệt. Nhưng nếu các triệu chứng quá tệ thì bạn nên nằm nghỉ ngơi và dùng túi chườm để giảm đau nhé.
Nếu bạn không may nằm trong số ít những người phải chịu đựng những triệu chứng cực kỳ khó chịu trước chu kỳ như uể oải, sưng phù, đau bụng, căng tức ngực, nhức đầu, đau lưng, chóng mặt, cáu bẳn, nhạy cảm... thì hãy yên tâm rằng chỉ trong vài năm nữa thôi, khi đến đúng thời điểm, bạn sẽ cảm thấy những triệu chứng đó dễ chịu hơn.
Sau đây là một số cách giúp bạn giảm đau hiệu quả:
• Thư giãn trong bồn tắm đầy bọt xà phòng có mùi hoa oải hương.
• Cuộn tròn người thư giãn trên ghế sofa với túi chườm nóng.
• Ăn loại sôcôla bạn thích.
• Tự cho phép mình được khóc thỏa thuê, ví dụ như xem một bộ phim tình cảm.
DA
Đôi khi bạn cảm thấy như không thể kiểm soát được làn da của mình, nhất là khi một sáng nọ thức dậy, điều đầu tiên ta thấy là một nốt mụn sưng tấy, đỏ ửng trên đầu mũi. Cũng như đối với các bộ phận khác của cơ thể, hormone đóng vai trò chính yếu trong những thay đổi trên da suốt giai đoạn tuổi dậy thì.
✔ Thông tin thực tế
Bên dưới lỗ chân lông là những tuyến bã nhờn, có tác dụng tiết ra bã nhờn - một loại dầu cho da và tóc. Thông thường, các tuyến này chỉ tiết ra một lượng bã nhờn vừa đủ và mọi thứ đều ổn thỏa. Nhưng đôi khi, lỗ chân lông bị bịt kín bởi quá nhiều bã nhờn và tế bào da chết đến nỗi nó bị viêm nhiễm, gây ra mụn đầu trắng, đầu đen hay thậm chí mụn mủ (mụn bọc).
Lý do vì sao điều này thường hay xảy ra ở tuổi dậy thì là do sự tràn ngập androgen (hormone sinh dục nam) trong cơ thể làm tăng tiết dầu trong da, khiến da dễ dàng bị “bí thở” và gây mụn.
Dưới đây là sơ đồ hình ảnh cắt ngang bề mặt da:
Tin tốt là có nhiều cách để ngăn ngừa và điều trị những vấn đề thông thường về da. Tuyệt quá phải không nào! Và một tin thậm chí còn tốt hơn nữa, đó là da của các cô gái nhìn chung là không có tệ như da của các chàng trai. Làn da nổi loạn của bạn rồi sẽ khá hơn, dù lúc này có thể bạn không thể nào tin được điều đó. Khi đến thời điểm đó, hãy đọc lại trang sau để có thêm những thông tin cần thiết nhé.
MỤN
Dưới đây là một số mẹo nhỏ để ngăn ngừa mụn cũng như nhanh chóng cải thiện tình trạng da bị mụn.
1 Rửa mặt hai lần mỗi ngày bằng nước ấm và xà bông dịu nhẹ dành cho da mụn. Mát xa nhẹ da mặt theo những đường tròn, tránh chà xát mạnh. Rửa mặt quá nhiều và quá mạnh có thể khiến da càng dễ bị kích ứng hơn.
2 Đừng nặn mụn, dù điều này có “cám dỗ” bạn đến thế nào đi nữa. Nặn mụn có thể làm cho phần nhân mụn bị nhiễm trùng càng lún sâu hơn vào trong da, khiến mụn càng sưng tấy và ửng đỏ, thậm chí có thể gây ra sẹo.
3 Không sờ tay lên vùng da bị mụn, bởi điều này tăng nguy cơ lan rộng nhiễm trùng. Trước khi đắp bất cứ thứ gì lên mặt, ví dụ như bôi kem trang điểm, cần rửa sạch tay. Nếu bạn đeo kính cận hoặc kính mát thì nhớ rửa mắt kính thường xuyên để tránh làm tắc những lỗ chân lông quanh mắt và mũi.
Mẹo hữu ích
Nếu bạn có mụn trên cơ thể thì nhớ đừng mặc đồ quá chật để tránh làm da bí thở, gây kích ứng. Bạn cũng không nên quàng khăn, dùng băng đô hay đội mũ, bởi chúng có thể làm tích tụ bã nhờn và bụi bẩn.
Luôn nhớ tẩy trang trước khi đi ngủ bằng loại dung dịch dành cho da mụn. Đừng để lớp trang điểm trên da quá lâu, bởi vi khuẩn có thể tích tụ nơi đó đấy.
Gội đầu thường xuyên và buộc tóc gọn gàng, không nên để tóc lòa xòa trước mặt.
✔Thông tin thực tế
Hãy luôn nhớ bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời. Có vẻ một làn da nâu rám nắng sẽ khiến mụn trông ít bị chú ý hơn, nhưng tắm nắng có thể làm cơ thể sản xuất bã nhờn nhiều hơn, khiến tình trạng mụn càng thêm tệ. Tắm nắng cũng gây hại cho da, làm cho da bạn bị nhiều nếp nhăn và tăng nguy cơ ung thư da.
RỘP MÔI
Bệnh rộp môi thường được thể hiện bằng những vết rộp nhỏ trên môi. Bệnh do một loại virus tên HSV-1 gây ra. Một khi đã nhiễm virus này, nó sẽ tồn tại mãi trong cơ thể chúng ta, khiến bệnh cứ thỉnh thoảng lại phát một lần. Dưới đây là cách ngăn ngừa rộp môi:
Rộp môi có thể khởi phát từ những nguyên nhân như dang nắng quá nhiều, căng thẳng hay do cơ thể đau yếu. Vì thế, bạn nhớ tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh và dùng kem chống nắng thì sẽ không phải lo lắng gì về căn bệnh khó chịu này nữa.
Tránh dùng chung kem dưỡng môi, bàn chải đánh răng hay uống chung ly với người khác nữa bạn nhé. Virus gây bệnh có thể truyền qua chất dịch từ mũi và miệng.
Mẹo hữu ích
Dưới đây là những cách để đỡ đau khi bị rộp môi:
Tránh những loại thức ăn mặn, thức ăn cay nóng và thức ăn axit chua như cam, cà chua,… Đừng chà xát hay nặn những vết rộp. Bạn có thể làm chúng chảy máu hay bị nhiễm trùng đấy!
Thực phẩm và làn da
Nhiều người cho rằng ăn sôcôla và những món nhiều dầu sẽ khiến da nổi mụn, nên tốt nhất là bạn hãy để ý đến những gì mình ăn. Nếu bạn thường nổi mụn sau khi ăn một loại thức ăn nào đó, thì hãy thử ngừng ăn món đó xem tình hình “núi lửa” có khá hơn không nhé.
Một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm cho da là uống thật nhiều nước. Nước giúp tống những chất cặn bã ra khỏi cơ thể, giúp da khỏe khoắn và tươi trẻ. Đây là bí quyết đơn giản để có làn da đẹp của những ngôi sao nổi tiếng đấy!
Trong trường hợp bạn đã uống nhiều nước, thực hiện chế độ ăn lành mạnh, giữ vệ sinh cơ thể cẩn thận, tập luyện thể dục đều đặn và không bao giờ quên tẩy trang trước khi ngủ, nhưng một ngày nọ, bạn vẫn thức dậy với một nốt mụn to trên mũi, thì phải làm sao đây? Thay vì giấu mình trong nhà và buồn bã, bạn có thể thoa một chút kem trị mụn và quên béng nó đi là xong. Nó sẽ biến mất rất nhanh thôi.
Nhớ nhé, chỉ cần làm đúng như vậy, bạn sẽ không bao giờ thua tụi “giặc mụn” này đâu.
CHỐNG NẮNG
Chúng ta đều cần phải bảo vệ da trước những tia có hại của ánh nắng mặt trời, bởi vì những tác nhân này không những làm da bị lão hóa, mà còn có thể làm tăng nguy cơ gây ung thư da nữa đấy.
Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta nên giấu mình trong nhà suốt ngày, bởi ánh nắng mặt trời không phải chỉ toàn có hại. Nó còn giúp cơ thể chúng ta tổng hợp vitamin D nữa cơ. Những gì bạn cần làm là đừng quên bôi một lớp kem chống nắng giúp bảo vệ da khỏi tia bức xạ từ mặt trời - tia UVA và tia UVB - với chỉ số chống nắng (SPF) ít nhất là 15.
Giữ vệ sinh cơ thể
Đổ mồ hôi là cơ chế làm sạch và làm mát tự nhiên của cơ thể. Ai cũng có tuyến mồ hôi, nhưng vào tuổi dậy thì, những tuyến mồ hôi này không những hoạt động siêu mạnh hơn hẳn bình thường, mà chúng cũng bắt đầu tiết ra những chất hóa học khác lẫn vào mồ hôi, gây ra mùi cơ thể. Androgen (hormone sinh dục nam) kích thích tuyến dầu và tuyến mồ hôi ở khu vực nách, lưng, bàn tay, bàn chân và cả bẹn nữa. Chưa hết đâu, bạn sẽ đổ nhiều mồ hôi hơn nữa trước mỗi chu kỳ kinh, bởi lúc này, lượng hormone trong cơ thể bạn đang ở mức cao nhất.
Vệ sinh cẩn thận sẽ giúp bạn làm sạch vi khuẩn và “tẩy mùi”cho cơ thể. Vì vậy, đừng quên tắm rửa mỗi ngày bằng loại xà phòng dịu nhẹ bạn nhé. Và nhớ đừng mặc lại đồ cũ sau khi tắm. Hãy mặc quần áo hay đồ lót có chất liệu từ sợi tự nhiên như cotton, len hay tơ tằm vì những chất liệu này sẽ giúp thấm hút mồ hôi tốt hơn những loại chất liệu khác.
Chất khử mùi có gì khác chất chống đổ mồ hôi nhỉ?
Chất khử mùi giúp hạn chế bớt mùi cơ thể, nhưng không giúp bạn ngưng đổ mồ hôi. Chất chống đổ mồ hôi thì lại giúp cơ thể hạn chế tiết ra mồ hôi. Dùng loại nào - đây là một quyết định hoàn toàn thuộc về bạn. Cả hai loại này đều có dạng lăn, xịt, dạng thỏi, dạng gel hay kem. Thương hiệu cũng không quan trọng lắm đâu, bởi vì các sản phẩm này có thành phần gần như tương tự nhau thôi. Nhưng bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Một số loại có tác dụng tốt nhất khi dùng vào ban đêm, trong khi số khác lại thích hợp dùng ban ngày.
CHUYỆN LÔNG TÓC
Các hormone gây ra mụn cũng có thể khiến bạn cảm thấy tóc mình như vừa được chải bằng chiếc lược nhúng trong dầu ăn vậy. Tại sao lại thế? Đó là vì mỗi một sợi tóc trên đầu bạn đều có một tuyến bã nhờn riêng, có tác dụng giúp tóc bóng mượt và không thấm nước. Nhưng trong giai đoạn dậy thì, những tuyến bã nhờn này lại hoạt động quá hăng hái, khiến mái tóc bạn nhờn dính hơn bao giờ hết.
Đừng lo! Có rất nhiều cách để khắc phục tình trạng này. Gội đầu mỗi ngày sẽ giúp tóc đỡ nhờn hơn đấy. Nhưng bạn nên dùng nước ấm và ít dầu gội thôi nhé. Đừng cào hay vò tóc quá mạnh, bởi điều này có thể gây kích ứng da đầu, thậm chí còn làm tổn thương tóc nữa. Sau khi gội đầu xong, hãy dùng thêm loại dầu xả chuyên dùng cho tóc nhờn nữa nhé.
Bạn cũng nên cẩn thận với những sản phẩm tạo kiểu tóc. Một số loại gel hay bọt tạo kiểu có thể chứa nhiều dầu, khiến tóc bạn càng trở nên bết dính hơn nữa. Hãy dùng những sản phẩm có ghi rõ “không chứa dầu” nhé.
Ai cũng có lông trên cơ thể cả. Khi chúng ta sinh ra thì cơ thể đã có sẵn lông rồi cơ mà. Nhưng chuyện đáng nói là khi bạn bước vào tuổi dậy thì, lông bắt đầu mọc ở những vị trí mới và… có thể khá nhạy cảm! Nó khiến ta cảm thấy như khắp cơ thể mình không có chỗ nào là không có sự tồn tại của họ hàng nhà lông. Những đám lông dày hơn và thường sẫm màu hơn bắt đầu đâm chồi ở những vị trí mới như chân hay dưới cánh tay.
Câu chuyện bạn đọc
Khi tớ mười hai tuổi, chân tớ bắt đầu mọc lông. Lũ con trai trong lớp phát hiện ra ngay và chọc ghẹo tớ kinh khủng. Nhưng mẹ tớ đã cứu tớ một bàn thua trông thấy bằng cách cho tớ mượn kem triệt lông của mẹ. Tớ rất mừng là đã kể cho mẹ nghe về vấn đề mình gặp phải ở lớp.
Emily, Atlanta
✔ Thông tin thực tế
Lông tóc mọc theo chu kỳ. Vòng đời trung bình của tóc là hai đến bảy năm. Còn vòng đời trung bình của ria mép là bốn đến năm tháng.
KỸ THUẬT TRIỆT LÔNG
Bạn có muốn thoát khỏi rắc rối với họ hàng nhà lông không? Có hàng tá cách nhé, ví dụ như:
Nhổ
Dùng nhíp “bứng tận gốc” từng cọng lông một.
• Mức độ thường xuyên: tùy theo nhu cầu. Thường sau khi nhổ, lông sẽ tạm biến mất trong vòng một tháng.
• Chi phí: nếu bạn tự tay nhổ thì chẳng tốn đồng nào cả, ngoại trừ chi phí mua… nhíp.
• Mức độ đau: nhói đau trong 1 - 2 giây, đặc biệt là ở những vùng nhạy cảm.
• Ưu điểm: bạn có thể tự làm được.
• Nhược điểm: khá đau, nhưng đau không lâu.
Tẩy bằng kem
Dùng loại kem hoặc gel chuyên dụng bôi lên vùng da muốn triệt lông để làm tan chảy chân lông, sau đó dùng khăn hoặc giấy lau sạch.
• Mức độ thường xuyên: có tác dụng trong vài tuần cho tới một tháng.
• Chi phí: không quá mắc, các sản phẩm này có thể mua ở các hiệu thuốc.
• Mức độ đau: có thể có cảm giác nóng rát khi dùng ở những vùng da nhạy cảm.
• Ưu điểm: bạn có thể tự làm được, kết quả khá tốt, vùng da sau khi tẩy lông trở nên láng mịn.
• Nhược điểm: có thể gây bỏng rát và ửng đỏ ở những vùng da nhạy cảm.
Cạo
Dùng dao cạo để làm đứt lông khỏi chân lông.
• Mức độ thường xuyên: mỗi ngày hoặc mỗi tuần, tùy theo tốc độ mọc lông.
• Chi phí: bạn sẽ tốn tiền cho dao cạo và kem cạo.
• Mức độ đau: không đau (nếu bạn không tự làm đứt da mình), có thể xảy ra kích ứng.
• Ưu điểm: bạn có thể tự làm được vào bất kỳ lúc nào.
• Nhược điểm: lông sẽ mọc lại lởm chởm, có thể khiến lông mọc ngược. Những vết bỏng dao cạo, vết cắt hay các tai nạn khác do dao cạo gây ra sẽ khá khó chịu.
Triệt bằng sáp
Dùng sáp nóng bôi lên vùng da muốn triệt lông, chờ khô rồi giật mạnh.
• Mức độ thường xuyên: có tác dụng trong khoảng từ bốn đến sáu tuần.
• Chi phí: nếu bạn có thể tự làm tại nhà thì chi phí không nhiều hơn so với tẩy lông bằng kem. Triệt lông tại các cửa hiệu chuyên nghiệp sẽ tốn bằng khoản tiền cắt tóc.
• Mức độ đau: giống như lột miếng băng dính khỏi vùng da lớn, có thể làm da ửng đỏ.
• Ưu điểm: có tác dụng lâu dài, từ khoảng một tháng trở lên.
• Nhược điểm: khá đau. Có thể khá mắc tiền nếu làm ở cửa hiệu chuyên nghiệp.
HÌNH ẢNH CƠ THỂ
Cơ thể là “tài sản” lớn nhất của bạn. Những gì bạn cảm nhận về cơ thể mình sẽ ảnh hưởng cách bạn cảm nhận về bản thân, và ngược lại, thái độ của bạn đối với bản thân sẽ thể hiện qua cách bạn chăm chút cho cơ thể. Cách sống năng động, lành mạnh có thể góp một phần lớn trong bức tranh tổng thể.
Việc bạn so sánh bản thân với các bạn gái khác, cụ thể là với các bạn mình, là hoàn toàn tự nhiên, nhưng không phải lúc nào điều này cũng tốt đâu nhé. Mỗi người phát triển theo một cách khác nhau, ở những thời điểm không giống nhau. Bạn có thể trưởng thành trước hoặc sau các bạn cùng tuổi. Thực tế, giai đoạn dậy thì thường khó khăn hơn đối với những người “tiên phong”. Và nhớ đừng bao giờ so sánh bản thân bạn với những người mẫu hay diễn viên nổi tiếng. Họ là những người đặc biệt với nghề nghiệp đặc thù, nên phần lớn chúng ta không thể giống họ được. Hơn nữa, có một sự thật là những người nổi tiếng trên phim ảnh hay tạp chí cũng khác xa với con người thật của họ ở đời thường, những hình ảnh đẹp đẽ với cơ thể “hoàn hảo” của họ phần lớn cũng đã được chỉnh sửa trước khi ra mắt công chúng.
Cân nặng
Cân nặng có lẽ là một nỗi ám ảnh lớn nhất có ảnh hưởng đến việc bạn cảm nhận như thế nào về bản thân mình. Các cô gái thường đặc biệt lo lắng về cân nặng của mình, về những gì họ ăn mỗi ngày và vóc dáng cơ thể. Ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên là cách tốt nhất để duy trì cân nặng lý tưởng.
Chiều cao
Chiều cao cũng là một vấn đề khiến phe con gái bận tâm. Nhưng thật không may, chúng ta không thể kiểm soát được chiều cao của mình, nên tốt nhất là bạn hãy tập yêu lấy vóc dáng trời cho nhé. Xét cho cùng, ai có thể quyết định được tiêu chuẩn của cái đẹp cơ chứ? Chính cảm giác của chúng ta đối với cơ thể mình mới là điều quan trọng nhất. Tốt nhất là hãy tạo cho mình một phong thái khoan thai và bước đi với một thái độ tự tin hoàn hảo.
Chúng ta chẳng thể can thiệp gì nhiều đến chiều cao hay sự phát triển của cơ thể, nhưng hoàn toàn có thể làm nổi bật điểm mạnh của mình. Có thể điểm mạnh đó là mái tóc bóng mượt, là nụ cười rạng rỡ, là khả năng làm cho mọi người cảm thấy vui vẻ,… Bạn hãy thử nghĩ xem, khi nhớ về một người bạn nào đó, trong đầu bạn sẽ không mấy quan tâm đến vẻ ngoài cho bằng nhân cách, con người và tính tình của họ.
Các bộ phận của cơ thể
Phe con gái chúng mình có thể bị ám ảnh bởi một phần cơ thể nào đó. Ví dụ, bạn luôn ngại vì chiếc bụng không mấy thon thả của mình, hoặc vì chiếc mũi có phần hơi quá khổ, nhưng trên thực tế, chẳng mấy ai để tâm đến những vấn đề đó của bạn đâu.
Các bộ phận cơ thể của mọi người có muôn hình vạn trạng, vậy nên chẳng có lý do gì chúng ta không yêu quý chúng cả. Hãy tập cho mình cái nhìn khoan dung với mọi thứ, thay vì khắt khe và đòi hỏi bản thân quá nhiều bạn nhé.
PHE CON TRAI NGHĨ GÌ NHỈ…
Phần lớn các cậu con trai không thể hiểu được tâm lý của phe con gái khi chúng mình ước ao hay thậm chí bị ám ảnh với một vóc dáng hoàn hảo. Họ nghĩ những cô gái nhỏ nhắn, thon gầy cũng đáng yêu như những cô nàng cao lớn, đầy đặn vậy thôi. Và bạn biết không, họ hoàn toàn có lý với suy nghĩ đó đấy!
Dù bạn tin hay không, thì các cậu con trai cũng không bao giờ chỉ chăm chăm nhìn vào một điểm nào đó trên cơ thể bạn đâu. Ừ thì có thể ngực chúng mình vẫn là điểm thu hút ánh nhìn của họ thật đấy, nhưng thành thật mà nói, họ không để ý từng li từng tí như chúng mình đâu. Họ chỉ nhìn các cô gái một cách tổng thể - hoàn toàn giống như cách mà phe con gái chúng mình nhìn họ thôi. Bạn đâu thích một anh chàng đơn giản chỉ bởi anh ta có bộ mông căng tròn, phải không nào! Bạn thích một anh chàng bởi vì bạn thấy cậu ấy thu hút - không chỉ ở ngoại hình, mà còn ở cả tính cách. Có thể đám con trai thích chọc ghẹo ngoại hình của các cô gái, nhưng thật ra trong đầu họ chẳng nghĩ gì đâu!