Nhiều năm về trước, tôi có nói chuyện với một nhóm khoảng 20 người phụ nữ. Trong thập niên 80 và đầu thập niên 90, nữ quyền là một chủ đề khá nổi tiếng. Tôi phải nói rằng công ty chúng tôi chưa từng tán thành chủ đề đó. Nhưng tôi muốn nói về khía cạnh khác ở đây.
Một người phụ nữ nói, “Tôi biết có rất nhiều người nghĩ tôi là một người hướng nội. Họ nói rằng tôi không bao giờ gây được sự chú ý từ người khác. Tôi thấy mình khá trầm tính và dè dặt. Tôi phải làm gì để cải thiện bản thân?” Câu hỏi cuối cùng thật đáng suy ngẫm: “Tôi phải làm gì để cải thiện bản thân?”
Trước khi tôi kịp hắng giọng, một đồng nghiệp của cô ấy lên tiếng, “Nếu đây là một môi trường an toàn, nếu đây là nơi chúng ta có thể đóng góp ý kiến cho nhau mà không lo bị xúc phạm. Tôi xin nói điều này: Mọi người nghĩ bạn dè dặt bởi bạn không trang điểm hay đánh son. Lớp trang điểm sẽ khiến người khác chú ý tới bạn hơn và giúp bạn trông cởi mở hơn.” Tôi quay ra nhìn người phụ nữ đầu tiên và gật đầu tán thánh, “Cô ấy nói đúng đó, hoàn toàn đúng. Và bạn nợ cô ấy một lời cảm ơn.”
Nhưng thay vì nói cảm ơn, người phụ nữ đó lại nói, “Nếu vậy thì… tôi không còn là chính mình.” Và tôi đáp, “Tất nhiên rồi. Đó chính là lý do bạn đến với buổi hội thảo này. Tôi nghĩ, bạn đến đây để học cách làm những điều không phải tự nhiên bạn làm được. Có phải bạn đến đây để nghe tôi nói, ‘Đừng quan tâm mọi thứ xung quanh?’ hay ‘Hãy là chính mình.’ Tôi tiếp tục, “Ngay tại đây có một người sẵn sàng đặt cược niềm tin vào bạn bởi cô ấy quan tâm bạn, và bạn chỉ trả lời ”Đó sẽ không phải là tôi nữa.”
Tôi thuyết phục thêm, “Hãy tin tôi đi. Nếu tôi có thể bán mỹ phẩm, ví dụ một thỏi son 10 đô, để giúp người khác trông có vẻ hướng ngoại hơn… tôi sẽ làm vậy ngay lập tức.”
Tràn đầy nhiệt huyết, dễ dàng thương thuyết
Mặc dù tôi rất thích nghiên cứu và viết về năng lực, tác phong, tính cách và thiện cảm, nhưng tôi phải thừa nhận mối quan tâm lớn nhất của tôi trong nhiều năm qua là: hướng ngoại, hay chúng ta vẫn thường gọi là người tràn đầy năng lượng. Rất nhiều người bị gắn mác bằng những câu nhận xét, dù công bằng hay không:
“Rất thông minh, nhưng quá trầm tính và dè dặt.”
“Rất thông minh, nhưng phản ứng quá chậm chạp.”
“Rất thông minh, nhưng quá hướng nội.”
“Rất thông minh, nhưng nói chuyện quá đơn điệu.”
“Rất thông minh, nhưng quá nhút nhát.”
“Rất thông minh, nhưng khó kết nối.”
Những người làm tư vấn trong lĩnh vực đào tạo tín nhiệm con người cũng có thể kiếm thu nhập cho một cuộc sống ổn định mà không cần làm thêm công việc khác ngoài chuyên môn đặc biệt này. Thực tế, 99% các buổi hội thảo quốc tế về kỹ năng thuyết trình trước đám đông thường nêu ra học viên có cách trình bày đơn điệu là đối tượng cần cải thiện nhiều nhất. Các học viên cũng hay bị nhắc nhở phải “dùng ngôn ngữ cơ thể nhiều hơn” khi nói, vì thế có thể nói rằng cử chỉ điệu bộ là yếu tố phổ biến thứ hai.
Trong Chương 7, tôi đề cập các khía cạnh hướng ngoại từ chỉ số MBTI của một người quảng giao và dễ tạo thiện cảm trong các tình huống giao tiếp. Ở đây, tôi sẽ nói thêm về vấn đề này. Những chuyên gia Myers-Briggs – những điều phối viên đưa ra thông điệp này tại các hội thảo doanh nghiệp đã rất cẩn thận giải thích rằng không nên đưa ra kết luận đánh giá định tính thông qua kết quả khảo sát bằng các chỉ số đó. Họ khuyến cáo “Vui lòng đừng kết luận người hướng ngoại thì ‘tốt hơn’ người hướng nội. Vì đơn giản đó chỉ là xu hướng tính cách cá nhân của bạn. Nếu đồng nghiệp hiểu xu hướng tính cách của bạn thì nó sẽ giúp cải thiện hoạt động giao tiếp giữa hai người.”
Rất tiếc quan niệm như vậy chỉ là lời đồn đoán và kết luận không đáng tin cậy.
Cách đây mấy năm, một đồng nghiệp nữ chưa lập gia đình ở CDA cùng tôi đi tổ chức hội thảo off-site về chủ đề Tín nhiệm trong 3 ngày tại công ty của khách hàng. Khái niệm “off-site” là chỉ cuộc họp được tổ chức ở một nơi khác mà không phải trụ sở của công ty. Công ty khách hàng tổ chức cho nhân viên tham gia khảo sát MBTI và một buổi giới thiệu ngắn trước khi làm việc với hai chúng tôi. Chúng tôi ngồi chờ trong thời gian làm khảo sát MBTI buổi sáng và bắt đầu hội thảo vào buổi chiều.
Điều phối viên yêu cầu mọi người chia ra thành những nhóm nhỏ. Nhiệm vụ của các nhóm là tìm từ đồng nghĩa với từ hướng ngoại và từ hướng nội. Và đây là kết quả
Hướng ngoại: | Hướng nội: |
Hòa đồng | Nhút nhát |
Sôi nổi | Trầm tính |
Thích những bữa tiệc | Dè dặt |
Độc đoán | Tỉ mỉ |
Giàu năng lượng | Nói chuyện đơn điệu |
Sôi nổi | Thích ở một mình |
Tôi nói nhỏ với đồng nghiệp, “Victoria, nếu cô lựa chọn một người để hẹn hò, cô sẽ chọn ai: chàng trai hướng ngoại hay chàng trai hướng nội?” Cô ấy nói “Mặc dù tôi là người hơi hướng nội, nhưng tôi sẽ chọn chàng trai hướng ngoại.” Cô ấy mỉm cười và nói, “Tôi chọn mạo hiểm với một chút ‘ngạo mạn’ nhưng có thể sẽ thú vị hơn rất nhiều so với chàng trai hướng nội.”
Nhìn chung, những người có quan sát, đánh giá, phê bình và xác định giá trị của bạn, muốn nhìn thấy bạn là một người giàu năng lượng. Bạn có thể thể hiện nguồn năng lượng của mình theo nhiều cách khác nhau.
• Đi làm sớm
• Làm thêm giờ
• Nói chuyện sôi nổi
• Bước đi nhanh nhẹn
• Đốc thúc mọi người làm việc nhanh hơn
• Tình nguyện nhận thêm công việc
• Tương tác với mọi người
Cơ hội thể hiện là vô hạn. Nhưng còn một bộ phận khác, những đồng nghiệp và chắc chắn hầu hết “cấp trên” của bạn muốn nhìn thấy bạn có đam mê trong công việc, nhiệt huyết với công việc. Đôi khi khách hàng thắc mắc, “Tôi không hiểu tại sao đi làm sớm lại có sự khác biệt lớn ở đây. Có rất nhiều người chỉ đến ngồi đọc Nhật báo Phố Wall (WSJ) tới tận 8 rưỡi hoặc gần giờ đó.” Còn những người làm việc cho WSJ sẽ lập luận rằng đọc tạp chí là một cách sử dụng thời gian tuyệt vời. Nhưng quan trọng hơn, không ai quan sát chính xác những gì chúng ta làm khi chúng ta đến sớm. Không ai quan tâm liệu có phải chúng ta đi làm sớm để tránh tắc đường. Bạn chỉ đơn giản thể hiện rằng “Tôi muốn bắt đầu làm việc sớm.” Nó cho thấy đam mê trong công việc. Và việc ở lại làm bù cho thời gian đến muộn thường không có ý nghĩa gì.
Tôi từng kể câu chuyện này tại các buổi hội thảo trong nhiều năm qua. Rất xin lỗi con trai, Matt.
Khi Matt tham gia giải bóng chày thiếu nhi, cậu không phải là tuyển thủ xuất sắc như huấn luyện viên mong đợi. Cậu bé chưa bao giờ bỏ lỡ trận đấu bóng nào, nhưng như chúng ta thường nói, cậu cũng không thể hiện nhiệt huyết gì cả. Tôi và vợ tôi hay đùa rằng, trong khi những phụ huynh khác sẽ hò hét cổ vũ, “Tập trung và sẵn sàng nào các Chiến binh,” chúng tôi chỉ nhìn Matt đi lại tha thẩn ở ngoài sân đấu.
Trong một lượt đánh bóng, Matt có 4 lần ném bóng khá tệ và phải chạy về phía gôn. Nó quăng cây gậy xuống đất rồi từ từ đi về phía gôn số 1. Một vài vị phụ huynh la lên, “Matt nhanh lên, nhanh lên, nhanh lên.”
Sau khi trận đấu kết thúc, chúng tôi lên xe về nhà, Matt giải thích triết lý bóng chày của mình: “Bố ơi, nếu như khi chạy gôn con muốn đi bộ đến gôn số 1, con không hiểu tại sao mọi người phải để tâm việc con đang chạy hay con đang đi bộ. Con giành được cơ hội chạy gôn, con chẳng việc gì phải vội cả.”
Tôi giải thích cho Matt là những người hâm mộ môn bóng chày muốn thấy những đứa trẻ thể hiện đam mê và đầy năng lượng cho “trận đấu”. Thực ra, tôi đã cố gắng dạy cho thằng bé một bài học về việc thể hiện sự nhiệt huyết. “Nhìn chung, tất cả mọi người muốn con chạy thật nhanh đến đích.” Cậu bé đáp lại ngay, “Bố hãy nói điều đó với khách hàng của bố.”
Trong cuốn Human Communication (Burgoon, Hunsaker & Dawson, 1994), các tác giả viết “những người hòa đồng luôn sẵn sàng tham gia vào những tình huống giao tiếp đều được coi là người hướng ngoại.” Tôi bổ sung thêm bất kể họ thực sự có hướng ngoại hay không. Một người nói chuyện sôi nổi, không rụt rè thường là người năng động. Những khách hàng bị cho là “thiếu sức sống” và được khuyến khích hành động “năng nổ” hơn thường nói, “Nhưng một người có nên hành động thái quá như vậy không? Tôi không muốn trở thành một “hoạt náo viên” và nếu tôi làm vậy trông sẽ rất giả tạo.” Câu trả lời là “Có”. Đúng vậy, bất cứ ai cũng có thể hành động hơi quá một chút. Đừng vội liên tưởng đó là tăng động hoặc thừa năng lượng. Trong Chương 11, tôi sẽ bàn về một số cạm bẫy khi hành động thái quá. Tôi xin giải thích một chút, cứ 1 khách hàng bị nhắc nhở nên “tiết chế hành động” thì có đến 9 người được khuyên “hành động mạnh mẽ lên.”
Burgoon, Hunsaker và Dawson lưu ý thêm, “Một người quá hướng nội sẽ khiến việc giao tiếp trở nên nhàm chán và thiếu sức sống đến mức chúng ta chỉ muốn ngừng nói chuyện.” Rất khó để tiếp tục trò chuyện với những người kiệm lời. Chúng ta thường thích những người có sự cân bằng giữa cuộc sống sôi nổi đan xen vài hoạt động buồn tẻ. Những người có xu hướng hướng ngoại đều có khả năng thu hút sự chú ý của người khác và chắc chắn họ là một người thú vị.
NGƯỜI HOẠT BÁT
Bố tôi từng học tiếng Anh bằng cách xem những chương trình truyền giáo mỗi sáng Chủ nhật. Có lẽ ông ấy có vài chiến lược học tiếng Anh khác nhau, chương trình truyền giáo qua truyền hình là một trong số chúng. Và West Virginia là nơi được biết đến với nhiều nhà truyền giáo nổi tiếng trên truyền hình. Giáo sĩ chính là những diễn giả tài năng và là hình mẫu của phong cách diễn thuyết trang trọng. Nhưng các nhà truyền giáo như Rex Humbard, Ernest Angley và Oral Roberts còn được biết đến trước khi có chương trình truyền hình Meet the Press (Phỏng vấn Ngưởi nổi tiếng). Thỉnh thoảng tôi tự hỏi liệu chương trình đó có gì liên quan đến kỹ năng giao tiếp để tôi quan tâm không. Bố tôi cho rằng những người truyền giáo phát âm rất tròn chữ và bước đi trên sân khấu với phong thái “làm chủ sân khấu.” Ông ấy đã sử dụng một số kỹ thuật đó khi còn làm việc ở bộ phận bán hàng. Nếu ngày Chủ nhật, Rex Humbard nói, “Hãy cảm nhận sức mạnh của thánh lễ xức dầu,” thì ngày Thứ hai bố tôi sẽ nói với khách hàng “Hãy cảm nhận chất lượng của loại len cao cấp này.”
Tôi không ngạc nhiên khi thấy những người Công giáo rất thích đến nhà thờ, bởi vì ở đó có các nghi lễ đầy sức sống. Một nơi tràn ngập sinh khí. Có ánh đèn sáng rực và không khí sôi nổi. Mọi người nhảy múa, đi kèm các hiệu ứng đặc biệt. Trên sâu khấu còn có ánh đèn rọi vào ca sĩ. Thỉnh thoảng chiếu phát hình ảnh những hoạt động vui tươi của giáo dân trên màn hình lớn. Mọi người ở dưới khán phòng ca hát, nhảy múa, hò hét và cười nói. Sự tham gia nhiệt tình của mọi người chính là cách thể hiện đức tin tôn giáo. Ai cũng thích nhìn thấy những hoạt động tràn đầy năng lượng và trở thành một phần của trải nghiệm đó. Một người bạn của tôi ở Charleston, phía Tây Virginia kể rằng, có nhiều giáo dân trẻ tuổi từ các nhà thờ truyền thống ở trung tâm thành phố từng tổ chức hai nghi lễ vào sáng Chủ nhật. Giờ đây họ muốn chuyển sang sinh hoạt tại các nhà thờ Công giáo ở vùng ngoại ô để có cơ hội tham gia những hoạt động nhiều năng lượng và có quy mô lớn hơn.
NGÔN NGỮ ĐÔI TAY RẤT QUAN TRỌNG
“Tôi là người Ý – chúng tôi sử dụng tay khi giao tiếp.” Nói chung, cử chỉ của bạn, cách bạn chuyển động cơ thể đều có tác động đến hình ảnh của bạn. Tôi thường so sánh một người trong căn phòng giống như con tàu trên đại dương. Con tàu càng lớn càng chiếm nhiều diện tích mặt nước. Tương tự như cơ thể của bạn chiếm không gian trong phòng. Bạn chiếm càng nhiều không gian, trông bạn càng mạnh mẽ. Tôi không nói tới kích thước cơ thể – dù cơ thể to lớn cũng chiếm phần lớn không gian, mà tôi đang nói cách bạn chuyển động đôi tay. Nếu có người nhận xét về bạn, “Anh ấy thực sự tạo không khí sôi nổi cho cả gian phòng,” thì người đó cảm nhận được năng lượng thực sự tỏa ra từ bạn. Khách hàng của tôi có những cử chỉ bằng tay rất tự nhiên, đôi khi, chứng minh cho văn hóa truyền thống của người Ý. Dù là người Ý, Serbi, Na Uy hay Bolivia, đôi tay của họ luôn truyền tải sự quan tâm nhiều hơn đến thông điệp của bạn.