Đ
áng lẽ việc đánh giá mức độ tín nhiệm hiện tại là rất dễ dàng, nhưng nhiều người lại nói với tôi rằng họ không có nhiều lời khuyên thực sự hữu ích, hoặc không có những phân tích thấu đáo từ cấp trên hay đồng nghiệp trong bản đánh giá hiệu quả công việc hàng năm của họ. Nếu công ty của bạn không có sẵn bản đánh giá 3600 thì bạn có thể sử dụng bản đánh giá miễn phí của chúng tôi tại trang web www. essessnet.com. Kết quả của bộ câu hỏi này sẽ giúp bạn nổi danh về mức độ tín nhiệm đáng ngưỡng mộ. Bạn sẽ có một chỉ số về cấp độ tín nhiệm hiện thời của mình cũng như có thể tham khảo các bài báo hoặc cuốn sách khác.
BỘ CÂU HỎI CHỦ LỰC CỦA CDA
Dưới đây là 12 câu hỏi ban đầu của công ty, chúng tôi sử dụng chúng liên tục trong suốt gần 30 năm qua. Bạn sẽ hỏi đồng nghiệp của mình rằng:
1. Tôi có giao tiếp một cách rõ ràng và chính xác không?
2. Khi anh/chị nói thì tôi có thể hiện rằng mình đang lắng nghe không?
3. Tôi có thể hiện là người có tầm nhìn chiến lược và rộng lớn về việc kinh doanh không?
4. Tôi có thể hiện là người lạc quan và thân thiện không?
5. Anh/chị có thấy tôi là người có tính quyết đoán, luôn tiến về phía trước và biết xử lý công việc không?
6. Tôi đối xử công bằng hay theo kiểu bề trên với anh/chị?
7. Tôi có tạo cho anh/chị ấn tượng tôi là người cởi mở không?
8. Khi trả lời câu hỏi, tôi có nói thẳng vào vấn đề không hay thường trả lời dài dòng lê thê và phức tạp?
9. Tôi xử lý áp lực có tốt không và có thể hiện sự bình tĩnh trong những tình huống áp lực cao không?
10. Tôi có chào đón hoặc chí ít là chấp nhận sự phê bình mang tính xây dựng không hay trở nên phòng thủ?
11. Tôi có thể nâng cao giá trị cho những chủ đề mà tôi có chuyên môn không?
12. Tôi có thể hiện là người có khả năng giải quyết vấn đề và tạo dựng được môi trường giải quyết vấn đề không?
Nếu bạn nghĩ lại 5 yếu tố về sự tín nhiệm đó, bạn sẽ thấy rằng các câu trả lời đều có xu hướng thể hiện hoặc giải quyết cho những yếu tố đó. Dưới đây là 5 yếu tố đi kèm với một số câu hỏi tương ứng:
1. Năng lực: Tôi có thể hiện là người có tầm nhìn chiến lược và rộng lớn về việc kinh doanh không?
2. Phong thái tự chủ: Tôi xử lý áp lực có tốt không?
3. Tính cách: Tôi có đối xử với mọi người một cách công bằng không?
4. Quảng giao: Tôi có thể hiện là người lạc quan và thân thiện không?
5. Tràn đầy năng lượng (hướng ngoại): Tôi có quyết đoán, luôn tiến về phía trước khi xử lý công việc không?
TÍN NHIỆM KHÔNG CHỈ LÀ NHẤT THỜI
Chúng tôi đã thiết kế một chương trình máy tính cho phép bạn nhận các đánh giá tín nhiệm ban đầu từ bất kỳ cá nhân hoặc đội nhóm nào mà bạn lựa chọn và theo dõi tiến độ của mình trong vòng một năm. Bởi sẽ thật bất công khi thu thập phản hồi chỉ trong một thời điểm duy nhất. Bạn nên theo dõi các phản hồi của mình như cách bạn theo dõi cổ phiếu hoặc quỹ tương hỗ vậy.
Bạn cũng có thể nhận phản hồi liên tục từ đồng nghiệp, ít nhất là tùy bạn lựa chọn, và để ý xem mọi việc đã thay đổi thế nào kể từ lần cuối bạn kiểm tra nó. Trang Essessnet giúp bạn làm điều đó.
Sau nhiều năm, chúng tôi đã mở rộng bộ câu hỏi cũ và đưa thêm một số “năng lực” bổ sung khác:
1. Giao tiếp
2. Quản lý xung đột
3. Phê bình mang tính xây dựng
4. Đưa ra quyết định
5. Truyền thông từ trên xuống
6. Kỹ năng tạo lập mối quan hệ cá nhân
7. Kỹ năng của người phỏng vấn
8. Kỹ năng phỏng vấn
9. Kỹ năng lãnh đạo
10. Kỹ năng quản lý
11. Kỹ năng thuyết trình
12. Giải quyết vấn đề
13. Tư duy chiến lược
14. Giao tiếp nhóm
15. Kỹ năng tham gia nhóm
16. Năng lực kỹ thuật
17. Truyền thông đi lên
Bạn có thể sử dụng bất kỳ bộ câu hỏi nào phía trên thay cho bảng câu hỏi về mức độ tín nhiệm nếu muốn. Tôi đã đưa toàn bộ các bộ câu hỏi vào trong Phụ lục A. Bạn có thể đọc qua một lượt để xem chúng có phù hợp với trường hợp cụ thể của mình hay không.
CÁCH SỬ DỤNG CÔNG CỤ ESSESSNET
Khi truy cập vào trang www.essessnet.com, bạn sẽ được hướng dẫn cách đăng ký bộ câu hỏi khảo sát phù hợp nhất với tình huống của mình. Hãy nghĩ xem bạn muốn có phản hồi của ai nhất rồi viết địa chỉ email của họ vào đấy. Họ cũng sẽ phải đăng ký vào hệ thống. Hãy lựa chọn những người mà ý kiến của họ về bạn khiến bạn quan tâm nhất. Sẽ không hay lắm khi làm lệch danh sách của bạn với những người mà lúc nào cũng nghĩ rằng bạn thật tuyệt vời.
Sau khi thực hiện xong các thao tác trên, bạn sẽ sẵn sàng gửi đi yêu cầu lấy phản hồi của mình. Bạn sẽ sớm nhận được e-mail thông báo rằng bạn có phản hồi. Hãy nhìn nhận nghiêm túc điểm đánh giá và các nhận xét. Hãy áp dụng những bài học trong cuốn Giao tiếp lanh lợi, nói lời khôn ngoan để biết cách thay đổi cho phù hợp. Khi đó kết quả bạn nhận lại là: “Thông minh lắm, và còn rất cởi mở khi nhận phản hồi” nữa.
Ngoài ra, với những điểm số định lượng mà bạn nhận được, bạn cũng có thể xem các nhận xét mang tính mở và định hướng.
Tôi nghĩ việc khách hàng có thể xem các phản hồi từ bất kỳ máy tính nào, vào bất cứ lúc nào là vô cùng thuận tiện. Tôi gọi nó là “hệ thống thăm dò tín nhiệm nhất thống cho tất cả mọi người” bởi với tư cách là một người dùng, bạn có thể nhận được những phản hồi tự nguyện hoặc yêu cầu theo thời gian thực trong cả năm. Sao người ta lại phải chờ đợi cho tới khi họ trở thành tổng thổng đắc cử thì mới biết được người khác nhìn nhận mình thế nào chứ?
PHẢN HỒI KHÔNG PHẢI LÀ THẦN DƯỢC
Mọi nỗ lực thu thập phản hồi cần được suy xét một cách kỹ càng. Một biện luận vô cùng thuyết phục chống lại phản hồi 360o đó là chúng ta không nên tập trung hoàn toàn vào cảm nhận của người khác. Tôi cho rằng điều đó khá đúng. Nếu bạn quan tâm thái quá tới những phản hồi, bạn sẽ có những bước đi quá cẩn trọng trong suốt sự nghiệp của mình, lo sợ giẫm phải quả mìn phản hồi nào đó. Chẳng hạn nếu ai đó liên tục bị nhắc rằng cách họ trả lời câu hỏi là quá chi tiết thì anh ta sẽ khó có thể “thả lỏng bản thân”, cả lúc nói chuyện hay chỉ đơn giản là nói lên ý kiến của mình về một vấn đề quan trọng. Một thái độ tích cực đối với những lời phản hồi là rất quan trọng. Sau cùng thì một người lãnh đạo sẽ làm nhiệm vụ lãnh đạo, chứ không phải chỉ biết làm theo những gợi ý của người khác.
Một điều nữa cần lưu ý là các tổ chức không nên sử dụng quá nhiều quy trình thu thập phản hồi cùng một thời điểm. Trên thực tế đã xảy ra rất nhiều trường hợp, một khách hàng của tôi từng nói rằng: “Allen, tôi thấy hài lòng khi dùng www. essessnet.com, nhưng thú thật với anh rằng tôi đang tham gia một khoá huấn luyện (hoặc đang làm việc với chuyên viên huấn luyện các kỹ năng thuyết trình, hoặc đang tham gia một hội thảo) mà việc nhận phản hồi cũng là một phần của những chương trình đó. Liệu thế có ổn không?” Câu trả lời của tôi nói chung là, “Không ổn lắm.” Tôi không muốn khách hàng bị “tiêm quá liều” phản hồi, tôi gọi nó là thế đấy. Tuy nhiên, nếu những hình thức đánh giá tín nhiệm khác sử dụng phản hồi để phản ánh rõ ràng hơn các vấn đề khác nhau mà không có trên trang www.essessnet.com thì tôi không phản đối việc sử dụng nhiều hơn một công cụ cùng một lúc.
Một vấn đề khó chịu khác xảy ra khi bạn yêu cầu cùng một người phải điền quá nhiều phiếu điều tra 3600 cùng một lúc. Những phiếu điều tra đó chiếm khá nhiều thời gian của người tham gia nếu như họ điền chúng một cách cẩn thận. Nếu bạn là người quản lý thì tôi cho rằng bạn cũng sẽ để ý tới việc tôi phải cam kết về mặt thời gian khi quá trình thu thập phản hồi bắt đầu diễn ra.
Nhưng giả định rằng bạn đã cẩn trọng với những lưu ý trên và bạn đã suy nghĩ kỹ càng về danh sách những người sẽ cho bạn phản hồi, thì bạn mới bước bước đầu tiên trên con đường xác định bạn là người có tín nhiệm thế nào và bạn cần phải làm những gì cần thiết để mọi việc đi đúng hướng mà thôi.