“Chỉ vì không thể làm những việc lớn lao mà quyết định không làm gì cả chính là sai lầm lớn nhất.”
– Edmund Burke
“Chỉ vì không thể làm những việc lớn lao mà quyết định không làm gì cả chính là sai lầm lớn nhất.”
– Edmund Burke
Là một giáo viên trung học, tôi luôn muốn góp phần hướng các học sinh của mình đến một cuộc sống vị tha. Tôi cho rằng tất cả những gì các em cần chính là một cơ hội và sự động viên của mọi người xung quanh.
Tôi từng tham gia Dự án 5 đô-la – một bài thực hành đơn giản về lối sống tỉnh thức và lòng trắc ẩn. Hồi học đại học, ở lớp Nhập môn Tôn giáo Thế giới, khi đến phần thực hành tư tưởng Phật giáo, mỗi sinh viên sẽ nhận được một chiếc phong bì. Trong đó, có một tờ 5 đô-la và lời nhắn: “Hãy sử dụng món quà này cho những mục đích tốt đẹp. Sau đó hãy kể lại câu chuyện của các bạn”. Theo tôi biết thì một nhà thờ ở thị trấn Sherborn, bang Massachusetts gần đây cũng thử áp dụng “bài tập” này với các giáo dân, và những câu chuyện xúc động về lòng trắc ẩn mà nhà thờ chia sẻ thật sự rất đáng ngưỡng mộ. Với cảm giác vô cùng háo hức, chúng tôi quyết định thử áp dụng dự án này ở trường mình. Đây là những học sinh trung học. Ai biết điều gì sẽ xảy ra?
Một tuần sau khi các học sinh của tôi nhận được phong bì, các em quay lại lớp và kể câu chuyện của mình. Sau đây là một số câu chuyện chúng tôi nhận được:
Ba bạn học sinh đã cầm 5 đô-la của mình đến tiệm bánh Dunkin Donuts. Các em mua mấy ly sô- cô-la nóng và đứng đợi ở bến xe buýt trong tiết trời giá lạnh để tặng món đồ uống ấm áp này cho những hành khách đang run lẩy bẩy. Một học sinh đã viết: “Em nhận ra rằng việc giúp đỡ người khác và làm những điều đúng đắn thật ra dễ dàng hơn em tưởng rất nhiều. Những cơ hội nhỏ để giúp đỡ mọi người luôn có ở quanh ta”.
Một học sinh khác thì kể về người đàn ông vô gia cư ở địa phương thường xuyên lui tới cửa hàng bánh mì nơi em làm việc. Em đã mua cho người đàn ông ấy một ổ bánh mì kẹp thịt dài ba mươi xăng-ti-mét và em viết: “Em đã nhận ra rằng thay vì xem thường, em nên dành lòng trắc ẩn cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn, và chắc chắn em sẽ cư xử như thế trong tương lai”.
Một học sinh đã mạnh dạn cầm 5 đô-la của mình đến cửa hàng bán đồ giá rẻ để mua quần áo ấm, mũ len, găng tay và khăn quàng cổ rồi phân phát chúng cho những người vô gia cư. Em kể: “Em thấy rất tội lỗi vì từng phàn nàn khi phải đứng ngoài trời lạnh trong một phút rưỡi, trong khi ngoài kia còn những người phải vật lộn trong giá lạnh cả ngày dài. Đó chính là lúc em biết mình phải làm gì”.
Một học sinh khác đã mua sữa và bánh mì cho hàng xóm của em. Một số học sinh thì mua quà gửi đến chương trình từ thiện Đồ chơi cho Trẻ em Khó khăn. Và danh sách những việc làm tử tế của các em cứ thế kéo dài. Từ các khoản quyên góp cho các tổ chức từ thiện như Cứu Thế Quân, các tổ chức hỗ trợ trẻ em ung thư đến các nhóm bảo vệ động vật… các học sinh của tôi đã hăng hái tìm kiếm cơ hội tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của người khác. Nhiều em đã góp tiền lại hoặc bỏ thêm tiền túi vào số tiền 5 đô-la mà các em nhận được để giúp các cá nhân cũng như các gia đình đang gặp hoàn cảnh khó khăn nhận được thêm quần áo ấm, thức ăn và quà trong các dịp lễ.
Một trong những câu chuyện cảm động nhất là câu chuyện của một cô học sinh gốc Kenya. Trước giờ, cô bé vẫn thường xuyên giúp đỡ một phụ nữ nghèo lớn tuổi ở quê hương của mình, người mà theo cách miêu tả của em là phải “sống nhờ vào thiên nhiên”. Sau khi nhận được 5 đô-la từ chúng tôi, em đã hỏi cha mẹ cách giúp đỡ người phụ nữ đã một trăm tuổi ấy với số tiền ít ỏi này. Cả nhà em đã cùng nhau tổ chức một bữa tiệc nhỏ với các thành viên trong gia đình cùng bạn bè để kêu gọi quyên góp. Và từ 5 đô-la ban đầu, cô bé đã kêu gọi quyên góp được 300 đô-la – một số tiền có thể giúp thay đổi cuộc đời của người phụ nữ đang sống cách họ nửa vòng trái đất.
Là những người chịu trách nhiệm vun đắp những mầm non tương lai, chúng tôi vẫn thường lo lắng về các học sinh của mình. Liệu các em có thật sự hiểu và tiếp thu những bài học đạo đức chúng tôi truyền dạy trên lớp mỗi ngày hay không? Chúng tôi có đang tạo nên bất cứ sự khác biệt nào không? Liệu các thế hệ tương lai có thể gầy dựng một thế giới tốt đẹp hơn không?
Chỉ bằng 5 đô-la, các học trò đã giúp tôi hoàn toàn yên tâm. Tôi tin rằng với lòng nhân ái của các em, thế giới này sẽ trở thành một nơi tốt đẹp hơn.