“Theo đúng nghĩa đen, cách nhanh nhất để đạt được thành công chính là giúp người khác thành công.”
– Napoleon Hill
“Theo đúng nghĩa đen, cách nhanh nhất để đạt được thành công chính là giúp người khác thành công.”
– Napoleon Hill
Ông Oleg cao tầm một mét rưỡi, bị hói đầu, đang ở tuổi trung niên và nói tiếng Anh đặc sệt giọng Nga. “Tôi từng giảng dạy ở trường đại học. Ở Nga, tôi là một giảng viên có đầy đủ bằng cấp. Còn ở Mỹ… tôi chỉ là người đưa thư!”, ông thường phàn nàn như thế khi giao đồ đến văn phòng của chúng tôi ở Thành phố New York mỗi ngày.
Cuộc sống của ông Oleg không hề suôn sẻ.
“Bác ấy đến rồi kìa”, đồng nghiệp của tôi thì thầm khi ông Oleg bước qua cửa và đi đến bàn làm việc có vách ngăn của chúng tôi.
Lắng nghe những lời phàn nàn của ông Oleg đã trở thành một phần công việc của chúng tôi. Chúng tôi đoán có lẽ ông ấy không quen biết nhiều người ở New York và cần một nơi để trút bầu tâm sự. Ông ấy lúc nào cũng phàn nàn về sếp, đồng nghiệp, công việc, thời tiết… nhưng chủ yếu là về nỗi thất vọng khi ông “chỉ là một người đưa thư”.
“Hồi còn ở Nga, tôi dạy môn Khoa học máy tính đấy”, ông nhắc lại với chúng tôi khi Emma, đồng nghiệp của tôi, đưa cho ông một lon Coca-Cola lạnh. Sếp tôi luôn mời những người đưa thư, các nhân viên giao hàng và hầu hết những người ghé qua văn phòng một món đồ uống lạnh. Đây thật sự là một thói quen tốt, giúp truyền cảm hứng tích cực cho các nhân viên của mình. Tặng đồ uống lạnh cho ai đó vào một ngày nắng nóng có thể là hành động tử tế duy nhất mà họ nhận được trong suốt cả tuần.
Những hành động tử tế luôn tạo nên sự khác biệt, dù hành động đó nhỏ bé đến đâu đi nữa.
Emma và tôi luôn kiên nhẫn lắng nghe ông Oleg nói, trong khi chúng tôi tiếp tục công việc của mình – đặt chỗ tổ chức hội nghị và lên lịch họp cho sếp. Tất nhiên, chúng tôi cảm thấy rất tiếc cho ông Oleg, nhưng sau một thời gian (vì những lời phàn nàn cứ mãi không dứt), chúng tôi đã vô thức phớt lờ ông ấy.
Một đêm nọ, tôi phải ở lại văn phòng khá trễ vì máy tính công ty gặp một số vấn đề. Cả ngày hôm đó, mạng Internet chỗ chúng tôi cứ bị treo liên tục. Với một công ty quỹ đầu tư như chúng tôi, đây thật sự là một cơn ác mộng! Giá cổ phiếu được cập nhật từng giây và tình trạng mạng Internet liên tục bị lỗi như thế này có thể đẩy chúng tôi đến một thảm họa tài chính.
Boris, nhân viên IT đến từ một công ty thuê ngoài, đã đến giúp chúng tôi xử lý vấn đề. Thật tình cờ, anh cũng là người Nga (giống như ông Oleg). Boris đến công ty của chúng tôi khi đã qua năm giờ chiều một chút. Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy anh đến một mình (vì anh là người đứng đầu công ty IT kia) và tự nhủ rằng chắc tuần này công ty họ đang thiếu người.
Tôi pha cà phê và đưa Boris vào phòng máy tính. Trong lúc anh làm việc, tôi trở về bàn mình và cố gắng hoàn thành một số công việc còn sót lại. Cuối cùng, Boris, trong bộ dạng mệt mỏi rã rời, cũng bước ra khỏi phòng máy tính với một tin tốt: mạng Internet đã được sửa.
Hai chúng tôi cùng nhau rời văn phòng trong trạng thái kiệt sức nhưng tinh thần thì phấn chấn. Tôi cảm ơn anh vì đã chấp nhận làm việc đến tận khuya vì chúng tôi.
Mãi đến ngày hôm sau, khi ông Oleg đứng ở bàn làm việc của tôi (vẫn luôn miệng phàn nàn như thường lệ), tôi mới chợt nhìn ra một chuyện hiển nhiên.
Ông Oleg đang cần một công việc, còn Boris thì đang cần thêm nhân viên.
Lần này, thay vì chỉ ngồi yên lắng nghe những lời phàn nàn của ông Oleg, tôi quyết định hành động.
“Bác biết sửa máy tính thật không ạ?”, tôi hỏi.
“Tất nhiên rồi”, ông ấy trả lời.
“Vậy bác đợi cháu một chút nhé”, tôi nói và bấm số gọi Boris. Tôi có danh thiếp của anh ấy trên bàn làm việc của mình (đề phòng trường hợp mạng Internet lại gặp sự cố).
Sau một vài phút, Boris bắt máy. Tôi nhanh chóng trấn an anh ấy rằng mạng công ty tôi vẫn đang hoạt động tốt và nói: “Tôi gọi đến cho anh vì một lý do khác”.
Sau khi giải thích hoàn cảnh của ông Oleg, tôi đưa ống nghe cho ông ấy. Hai người họ trao đổi với nhau vài phút bằng tiếng Nga, nhưng từ biểu cảm của ông Oleg, mọi chuyện có vẻ không hứa hẹn cho lắm.
“Một lát nữa tôi sẽ đến gặp anh ta”, ông ấy chia sẻ ngắn gọn và trả lại điện thoại cho tôi. Tôi ngạc nhiên khi thấy ông ấy không hề cười, nhưng tôi đoán có lẽ ông ấy là người theo chủ nghĩa thực tế.
Vài ngày sau, khi tôi vừa đặt ly cà phê xuống bàn và hỏi Emma xem cuối tuần này cô ấy có kế hoạch gì chưa thì điện thoại reo vang.
Lúc đầu, tôi không nhận ra giọng của người gọi, mãi một lúc sau, tôi mới nhận ra đó chính là ông Oleg. Boris đã đồng ý thuê ông ấy! “Tôi đang ở New Jersey và làm việc cho một công ty IT. Tôi đã bỏ nghề giao thư”, ông ấy nói.
Tôi nhìn Emma và báo cô ấy biết tin.
“Bác Oleg được nhận vào làm rồi à?”, cô ấy nở nụ cười thật tươi.
Khi tôi cúp máy, cô ấy nói thêm: “Mary, cô đã giúp thay đổi cuộc đời bác ấy đấy”.
Đến giờ, tôi vẫn nhớ rõ những lời đó như thể mọi chuyện chỉ mới xảy ra ngày hôm qua.
Tôi đã thật sự thay đổi cuộc đời của một ai đó. Và tất cả chỉ nhờ một cuộc điện thoại. Tất cả chỉ nhờ một hành động nhỏ. Một hành động nhỏ bé của tôi đã giúp ông Oleg thoát khỏi một năm đau khổ.
Hãy tưởng tượng xem thế giới này sẽ ra sao nếu tất cả chúng ta đều thường xuyên dám đứng lên hành động. Hãy nghĩ về những khác biệt mà chúng ta có thể tạo ra cho cuộc sống của người khác. Chắc hẳn thế giới sẽ hoàn toàn thay đổi!
Mỗi lần nhớ lại những lời mà Emma nói với mình, tôi lại cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Mặc dù tôi hành động có hơi chậm trễ một chút, nhưng ít nhất cuối cùng, tôi đã dám hành động.