“Đôi khi một hành động nhỏ của bạn có thể tạo nên sự khác biệt lớn cho cuộc sống của người khác.”
- Khuyết danh
Đó là một buổi sáng mùa đông ở Denver và thời tiết hôm ấy như một cô nàng đỏng đảnh. Có lúc, một làn hơi ấm từ đâu thổi đến làm mấy ụ tuyết bên đường tan chảy vào các rãnh nhỏ. Thế mà chẳng lâu sau, cái lạnh đã quay trở lại, dữ dội hơn, khoác lên vạn vật chiếc áo mùa đông lạnh giá. Mùa đông ở Denver có thể làm cho những vị khách không quen chịu lạnh không bao giờ muốn quay trở lại nữa.
Tôi sắp có bài phát biểu trước khoảng vài trăm người tại Trung tâm Hội nghị Denver, thế mà tôi lại lơ đãng quên mang theo cục pin cho cái micro của mình. Vì vậy, tôi vội vàng chạy đi tìm một cửa hàng đồ gia dụng. Khi thoáng thấy cửa hàng 7-Eleven ở đằng xa, tôi vội sải bước thật nhanh đến cửa hàng, cố tránh những cơn gió lạnh lẽo táp vào người.
Bên trong cửa tiệm chỉ có đúng hai người. Đứng sau quầy tính tiền là một cô gái đeo bảng tên Roberta. Nhìn dáng vẻ của cô, tôi đoán cô ấy đang ước được ở nhà ăn món súp nóng và cuộn mình trong chiếc chăn ấm áp thay vì phải đứng đây bán hàng. Ngoài Roberta thì trong cửa tiệm còn có một ông lão khá lớn tuổi. Trông ông có vẻ thoải mái, và ông đang chậm rãi dạo quanh các kệ hàng. Rõ ràng là ông không hề có ý định mua hàng nhanh cho xong để rời khỏi chỗ này. Tôi thầm nghĩ nếu ông cụ này không mất trí thì hẳn là ông bị lạc đường. Một ngày thế này mà lại đi dạo quanh các kệ hàng trong một cửa hàng tiện lợi thay vì ở nhà sưởi ấm, ông lão này đúng là dở người.
Nhưng tôi cũng chẳng có thời gian quan tâm đến ông ấy. Tôi cần mua cục pin và hàng trăm con người bận rộn đang đợi tôi. Tôi có một mục đích hẳn hoi.
Lát sau, ông lão bước đến quầy thu ngân trước tôi. Roberta nhìn ông mỉm cười. Ông vẫn không nói lời nào. Roberta cầm những món hàng xoàng xĩnh ông đã chọn và đưa từng món qua máy tính tiền. Ông già này ra đường giữa thời tiết lạnh lẽo như thế chỉ để mua một trái chuối và cái bánh xốp loại thường. Thật chẳng bõ công! Nếu muốn ăn chuối và bánh xốp thì một người bình thường sẽ chờ đến trưa khi thời tiết ấm áp hơn một chút thì đi mua cũng không muộn. Nhưng có lẽ ông lão này không được bình thường cho lắm.
Khi nhận hóa đơn tính tiền, ông lão đưa bàn tay già yếu nặng nề thọc sâu vào trong túi áo đã sờn màu. “Nhanh lên! Có thể ông rảnh cả ngày chứ tôi thì đang có việc gấp đây này”, tôi sốt ruột nhủ thầm.
Ông móc ra mấy tờ tiền lẻ cũ mèm đặt lên quầy. Sau đó, ông chẳng nói lời nào mà chỉ run run đưa bàn tay nhăn nheo ra trước quầy tính tiền, và Roberta nhẹ nhàng xỏ bọc đồ vào cổ tay ông lão rồi mỉm cười với ông.
Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy cô gái nắm lấy bàn tay còn lại của ông và dùng đôi bàn tay của mình xoa xoa vào hai tay của ông lão để làm ấm tay ông. Cô chỉnh lại chiếc khăn choàng cổ đã bị rơi xuống vai cho ông lão và không quên cài lại cái nút ở tay áo của ông. Ông lão vẫn không nói lời nào.
“Được rồi bác Johnson, bác nhớ đi đường cẩn thận đấy”, cô vừa nói vừa chỉnh lại cái mũ len trên đầu ông. “Mai bác lại ghé nhé!”
Ông lão mỉm cười, gật đầu chào cô rồi chầm chậm quay lưng bước ra cửa. Chờ đón ông là cái lạnh buốt giá của mùa đông Denver.
Tôi chợt nhận ra rằng ông lão đến đây không phải để mua trái chuối hay cái bánh mà ông đến để trái tim mình được sưởi ấm.
Tôi quay sang hỏi Roberta, “Ông ấy là người thân hay một người đặc biệt của cô à?”.
Cô gái mỉm cười đáp đây chỉ là một người khách hay mua hàng ở cửa hàng thôi. Đối với cô, bất kỳ ai cũng quan trọng và đáng được giúp đỡ.