“Tôi luôn ước ao hoàn thành những trọng trách cao cả và vĩ đại, nhưng nhiệm vụ chính của tôi là hoàn thành những công việc nhỏ như thể chúng thật vĩ đại và cao cả.”
- Helen Keller
Là một nhà văn, tôi luôn ao ước một ngày nào đó mình sẽ viết nên một tác phẩm chạm đến trái tim của người đọc. Một đêm nọ, tôi đã làm được điều đó.
Khi ấy, tôi đang ngồi trong quán McKelvey và nhấm nháp ly bia Amber Bock thì một ông lão dáng người nhỏ bé, tóc bạc trắng bước vào và ngồi cách tôi hai ghế.
Đột nhiên ông quay sang bắt chuyện với tôi. “Ta có mười đứa con và sắp sửa có thêm hai đứa cháu nội”, ông nói với vẻ kiêu hãnh. “Đứa con gái út của ta hiện đang sống ở Đức. Ta thương nó nhất nhà.”
“Cô ấy có hay gọi điện cho ông không?”
“Cũng thỉnh thoảng. Nhưng công việc của nó bận rộn lắm, thêm chuyện lệch múi giờ nữa nên hai bố con chẳng có thời gian nói chuyện nhiều.” Ông mím chặt môi và nhìn vào ly bia. “Phí gọi điện cũng đâu có rẻ. Nó hay bảo, ‘Cha cứ gọi theo kiểu người nghe trả tiền đi’, nhưng ta không thể để nó gánh chi phí đó được.”
“Hay là ông viết thư cho cô ấy đi”, tôi đề xuất.
“Ta hết cầm nổi bút rồi”, ông nói rồi dùng tay trái nâng cánh tay phải mềm rũ lên cho tôi xem. Ông giải thích rằng đó là hậu quả của những cơn đột quỵ.
Tôi lấy cuốn sổ tay ra, mở một trang trắng và hỏi, “Con gái ông tên gì?”.
“Suzie.”
Tôi nhìn vào đôi mắt đỏ ngầu của ông và hỏi tiếp, “Cháu nên mở đầu thế nào đây nhỉ? Suzie thương yêu, Chào Suzie của cha hay Suzie, con sao rồi?”.
“Cứ viết hết vào”, ông bật cười và nhả khói.
“Suzie thương yêu”, tôi chầm chậm lặp lại. “Ông cứ nói, còn cháu sẽ viết.”
Ông gạt tàn, lấy ra một điếu Camel khác, châm lửa rồi rít một hơi. “Nói với nó rằng bây giờ mỗi ngày ta chỉ hút một gói thuốc thôi… và… mỗi bữa thì ta ăn… tại Trung tâm Người Cao Tuổi. Thức ăn ở đó được lắm, có mì Ý, bánh ngọt, kem,… Món gì cũng có.” Ông cười khùng khục rồi nói thêm, “Chỉ tiếc là không có bia thôi”.
Tôi lắng nghe và hí hoáy viết không ngừng.
“Nói với nó rằng ta rất thương nó. Cho nó biết tin Jen và Dave đã kết hôn, còn Pat thì đã ly dị với Tim. Cậu Wilbur vẫn sống ở đảo Doe và trồng bí rợ trên rẫy. Đó là nơi các con ta đã lớn lên.”
Tôi chăm chú lắng nghe ông nói và dường như một mối thân mật dần hình thành và gắn kết chúng tôi lại với nhau.
“Nói nó đừng có lo gì hết. Ta vẫn khỏe mạnh lắm. Tối tối ta hay đi khiêu vũ với mấy người bạn.” Mắt ông ươn ướt. “Nói với nó ông nội Jones đã mất khi đang chạy bộ – một trăm lẻ bốn tuổi lận đấy. Vậy là ta còn sống được những hai mươi năm nữa. Nói với nó rằng… ta rất thương nó”. Giọng ông run run. Ông hớp một ngụm bia rồi đưa tay trái quẹt bọt trên miệng.
Ông cứ nói và tôi cứ viết. Cuối cùng, khi chỉ còn hai dòng trống ở mặt sau tờ giấy, tôi nâng cánh tay phải mềm rũ của ông lên, đặt cây bút vào lòng bàn tay và giúp ông nắm các ngón lại. “Ông ký tên đi”, tôi giục.
Ông dùng bàn tay trái giữ chặt bàn tay phải đang run run, rồi chầm chậm và khó nhọc lê từng nét chữ nguệch ngoạc, “Yêu con, Cha”. Cây viết rơi khỏi tay ông. Cánh tay phải của ông buông thõng xuống vì mỏi. Ông dùng một ngón trái đẩy kính lên và lén lau những giọt nước mắt.
“Cám ơn cháu nhiều.”
“Có gì đâu ạ, giống như cháu viết nhật ký mỗi ngày thôi mà.” Tôi mỉm cười nắm tay ông và trước khi đứng dậy ra về, tôi dặn thêm, “Thứ Bảy tới, ông mang đến cho cháu địa chỉ của Suzie. Cháu sẽ mang theo một phong bì có dán tem”.
Trên đường về, tôi bật khóc. Tôi biết mình vừa hoàn thành tuyệt phẩm mà tôi hằng ao ước.