Chiếc xe ngựa đã đưa mẹ con Lin về đến đầu làng Nự. Một người khách đi cùng nhanh miệng nói:
- Mẹ con cô xuống Nự phải không?
- Dạ...
- Đến rồi đấy. Bắt đầu từ cái quán ngói này trở vào là đất Nự...
Lin bế con, xách túi, chào mọi người rồi nặng nhọc bước xuống xe. Cô đứng lặng bên đường,mắt lấm lét nhìn vùng đất lạ. Cái quán ngói cũ kỹ, bốn bề trống hoác. Con đường đất gồ ghề, lở loét bởi vết chân trâu, ngoằn ngoèo như thân rắn chạy hút hút mãi vào làng.
Nự là đất quê chồng. Ăn ở với nhau đã một năm có lẻ, mà Lin chưa một lần được Mạn chồng mình đưa về thăm quê lấy một lần. Cũng may mà cô còn nhớ được quê quán của anh để lếch thếch đưa con tìm về. Thực ra cũng là hú họa mà nhặt được cái tên Nự qua một đôi lần Mạn buột miệng nói ra nhân lúc vui chuyện chứ chính thức thì không. Sự đắm đuối đến mức phải mang nợ cho nhau đã dẫn Lin đến tình cảnh này. Bây giờ đứng xách túi, bế con trước một làng Nự xa lạ, Lin mới biết là mình dại. Lúc này, khi tâm trạng hoàn toàn tỉnh táo, biết được hết những lẽ mất còn, thiệt hơn ở đời thì mọi thứ đã thành chuyện. Cuộc sống đâu có an bài. Những điều dại khôn thường có bước chân qua mới biết.
Cuộc đời muôn vẻ. Có người thật suôn sẻ, vuông vức. Có người chìm nổi lênh đênh từ lúc sinh ra cho tói khi nhắm mắt. Cũng có kẻ lên đèo xuống vực rồi bỗng dưng thênh thang như người hành khất vào ăn xin ở một làng có nhiều đám cưới... chẳng ai khác ngoài mình ngấm hết được đời mình...
Lin đã nghĩ vậy - Cái ý nghĩa già nua trong đầu một cô gái mới ngoài hai mươi tuổi. Cuộc sống đã làm cô cằn cỗi đi hay chính cô đã làm già chính mình?
Lin vốn là con gái một gia đình nề nếp, có học. Bố cô là bộ đội chống Pháp, hòa bình lập lại chuyển ngành sang làm trưởng phòng tổ chức ở một cơ quan chính quyền.Mẹ cô là y sĩ học khoá mười tám tháng sau được bố xin cho học hàm thụ đại học Y có bằng và là bác sĩ đa khoa của bệnh viện tỉnh.Là đứa con sinh muộn lại là đứa con đầu lòng nên Lin được bố mẹ cưng chiều như của hiếm. Từ nhỏ cho đến năm mười sáu tuổi Lin chỉ biết ăn, chơi và học. Là cán bộ tổ chức luôn luôn xét duyệt hồ sơ lý lịch cho người khác, trọng đạo đức hơn chuyên môn,bố hy vọng với nền móng cơ bản của gia đình, Lin sẽ trở thành người con gái nết na của bố mẹ. người công dân, người cán bộ tốt của xã hội. Ước mơ của mẹ thì đơn giản hơn: nuôi con ăn học hết phổ thông, vào đại học Y và ra đời nối nghiệp mẹ!
Không có người cha, người mẹ nào trên thế gian này lại muốn đứa con mình sinh ra trở nên tội lỗi, sa đọa. Ngay cả những kẻ đạo tặc cũng muốn con cái mình tử tế nên người. Mong muốn thì chính đáng làm vậy, mà sao...
Bố suốt ngày ở cơ quan, có khi cả tối nữa. Mẹ thì hết việc ở bệnh viện là việc nội trợ gia đình. Con lợn, con gà, bữa trưa, bữa tối... thời gian như bà mẹ chồng khắc nghiệt đối với đời sống thường nhật của một gia đình. Mẹ chỉ rỗi chân, rỗi tay khi đặt lưng nằm. Bố mẹ chỉ biết khuyên Lin một câu chung chung gắng học cho nên người! Và yên tâm trước con gái mình vì năm nào nó cũng được lên lớp. Tuy càng ngày lớn lại là gái nữa, nhưng việc to, việc nhỏ trong nhà ít khi Lin phải mó tay.Bố thường tự hào nói với bạn bè:
- Con Lin nhà mình thế mà khá. Suốt ngày lúc nào cũng chỉ sách với vở. Hết học là cháu đọc truyện, xem ti-vi, ít bạn bè đàn đúm chơi bời. Nó được cái tính của mẹ nên mình cũng yên tâm...
Quả có thế thật. Ấy là những năm tháng Lin chưa vào tuổi dậy thì con gái, sáng nào mẹ còn giục đi đánh răng rửa mặt. Ấy là những tối bố được mời đi chiêu đãi văn công, chiếu bóng có cho Lin đi theo và nó ngồi bên bố ngoan ngoãn như một con mèo nhỏ. Sự ngây thơ, trong sáng của Lin được bố mẹ lưu giữ mãi trong niềm tự hào của mình thành một hình ảnh bất biến. Trong lòng bố mẹ Lin luôn luôn là một con búp bê xinh xẻo được đặt trong tủ ly làm vật trang trí cho nề nếp gia đình vốn quan liêu và bảo thủ trong truyền thống của mình.Mẹ thường khen cô gái cả trước những đứa em của nó:
- Cả nhà này có con Lin là khéo tay nhất. Nghề y là nghề cần sự dịu dàng ở từng lời nói, từng động tác. Mẹ hy vọng nhiều ở con, con gái yêu của mẹ ạ!
Nhưng rồi con búp bê đã ra khỏi tủ ly bước vào đời gió bụi. Một cảnh nhà trống hơ trống hoác khi Lin bỏ ra đi bố mẹ ngã người ra về những điều bí hiểm thuộc thế giới riêng của con gái mình...
Lin biết mùi yêu từ những năm đầu vào học cấp III. Người đó là một bạn trai cùng lớp. Tình yêu vừa lạ vừa buồn cười. Hai đứa trạc tuổi nhau được cô giáo xếp cho ngồi cùng bàn. Thinh thoảng, trong giờ kiểm tra, những bài khó Lin thường được người bạn trai đó ý tứ đẩy bản nháp ra cạnh cho cóp pi. Lin được điểm khá và thầm biết ơn việc làm tốt bụng của người bạn trai ngồi cạnh. Có thể nói suốt cả học kỳ I, những bài kiểm tra Lin được từ bảy, tám trở lên đều là nhờ vả ở đôi mắt liếc ngang của mình và cái bản nháp viết rõ như viết chinh tả của người bạn trai kia mang lại. Để trả ơn, Lin thường mang ô mai chanh, khế ngâm đường, kẹo ba giấy, cả thuốc lá lấy trộm của bố đi chiêu đãi bạn. Những món quà chiêu đãi vẻ trẻ con này thường diễn ra sau những giờ tan học. Hai đứa cố đi chậm và rủ nhau vào ngồi dưới gốc bằng đầu phố trò chuyện rồi cùng nhấm nháp những thứ quà Lin mang đi. Chuyện là chuyện tầm phào, không đầu, không cuối. Ấy vậy mà có hôm đến gần một giờ chiều hai đứa mới về đến nhà. Lúc ấy đành phải nói dối bố mẹ là bận họp lớp, họp tổ hoặc cô giáo giữ ở lại có việc riêng. Tình bạn quấn quít hai đứa đến mức lớp có tiếng xì xào, cô giáo chủ nhiệm phải phiền lòng và tất nhiên hai đứa không được ngồi cùng với nhau nữa. Cái tối chia tay nhau để sớm hôm sau đi học mỗi đứa phải ngồi một nơi là tối Lin dối bố mẹ đi truy bài ở tổ nhưng thực là đi xem chiếu bóng. Xem phim được dở chừng, hai đứa cùng chán và rủ nhau bỏ bãi ra về. Đến cổng nhà Lin, ở góc tường khuất, người bạn trai đó bất ngờ ôm chầm lấy bạn gái của mình rồi hôn tới tấp lên má, lên môi, lên mắt bạn. Lin sợ quá, giãy lên kêu "ối ối"... Người bạn trai hoảng hồn bỏ chạy, Lin vội vã vào nhà rồi len lén đi xuống bếp, múc nước ra chậu, cho hẳn một nắm muối to vào hòa lẫn rồi lấy khăn rửa lấy rửa để khuôn mặt của mình. Từ sau hôm ấy trở đi không bao giờ Lin thèm nhìn mặt người bạn trai ấy nữa. Lin thấy sợ và ghét con trai. Cũng từ ngày ấy, Lin học dốt dần và thi trượt năm cuối cấp. Sự việc này như tiếng sét ngang tai đối với bố mẹ. Lin thì rệu rã toàn thân. Cô bé chán tất cả, nhất là chán học mặc dù bố mẹ nài nỉ xin con hãy cố gắng học lại một năm nữa. Lin tự nhiên bướng bỉnh, gai ngạnh chứ không ngoan ngoãn như những ngày bé. Bố mẹ đành chịu thua trước lý sự của đứa con gái. Đã dốt, học nhiều cũng thế! Dốt vẫn hoàn dốt! Con đi làm...
Người bạn trai cũ lại tìm đến. Anh ta đã lớn và đã hiểu. Lin cũng thế. Hai đứa thân dần lại với nhau. Lin đã cảm thấy có gì thinh thích. Nhưng rồi hai đứa lại vội vã chia tay nhau. Lý do thật là trẻ con. Lin tự ái vì anh bạn chê mình học dốt và quyết tâm phá ngang, tìm việc để làm lại cuộc đời. Nhưng Lin nào có đi làm. Thương con, bố mẹ bỏ lửng con ở nhà. Chỉ ăn, chơi rồi đọc sách, đi xem. Bố mẹ hy vọng con bình tĩnh sau mấy tháng hè nghỉ ngơi, bồi dưỡng để học lại. Lin chỉ thấy tâm hồn vẩn vơ và trở nên lầm lì như một căn nhà bị niêm phong.
Trước ngày khai giảng năm học mới. Lin bỏ nhà đi. Không ai biết Lin đi đâu. Có người nói Lin trốn theo người lớn vượt biên ra nước ngoài. Có người bảo Lin bị mẹ mìn rủ lên Lạng Sơn để gả chồng sang bên kia biên giới. Có người lại dựng lên chuyện Lin bị một băng cướp bắt cóc về làm đồ giải trí. Tin đồn chỉ là tin đồn. Không ai nắm được tay, day được mặt. Bố mẹ Lin đành đi báo các chú công an tìm giúp và cay đắng chì chiết nhau vì cái chuyện không may đã xảy ra cho cả hai người. Họ nguyền rủa và hy vọng. Người bạn trai cũ đến thông báo cho gia đình tin tức về Lin qua một lá thự không có địa chỉ, bỏ tại thùng thư Hà Nội. Lin nhờ bạn chuyển đến gia đình một mảnh giấy nhỏ: Bố mẹ đừng buồn. Con đi làm lại cuộc đời. Đọc dòng này, bố Lin uất lên thét: "con khốn nạn" và sau đó ông nằm liệt giường một tuần...!
Và lúc này đây: làng Nự chỉ có một người tên là Mạn ở xóm Rạ. Lin bế con khấp khỏi tìm đến. Lin tin rằng vợ sẽ thấy chồng, con sẽ gặp lại bố. Nỗi vất vả, long đong mấy ngày qua của mẹ con cô sẽ được tình cảm của Mạn bù đắp lại. Sự lặng lẽ bỏ đi của Mạn sẽ có lý do để được tha thứ.
Người ra mở cổng cho Lin là một người đàn ông cỡ tuổi, trạc bốn năm mươi gì đó. Lin nghĩ thầm có lẽ đây là bố đẻ ra anh đấy. Sự hy vọng đã khiến cô cảm thấy nét mặt ông có cái gì giống Mạn.
- Bác ơi, cháu muốn hỏi thăm nhà anh Mạn.
- Tôi là Mạn đây, cô hỏi có việc gì?
Lin thấy lạnh người nhưng vẫn cố hỏi thêm một câu nữa:
- Thưa bác, có phải người con trai đầu của bác có tên Mạn không ạ!
Người đàn ông cười:
- Được thế đã phúc. Nhà tôi có sáu đứa thì cả sáu đều con gái.
- Thưa... có lẽ cháu nhầm. Cháu chỉ muốn tìm một anh có tên là Mạn...
Cả làng Nự này có mỗi tôi là Mạn thôi... cô bế cháu vào nhà uống nước đã…
- Dạ, thôi... cháu xin lỗi bác!
Nước mắt Lin ứa ra. Người cô như bị rút hết gan ruột. Ôm chặt đứa con đã ngủ say vì mỏi mệt vào lòng mà cô có cảm giác như ôm một hòn đá. Thế là hết. Cả cái tên quê cũng dối. Anh Mạn ơi, lẽ nào…
Mẹ con Lin lủi thủi đi ra khỏi làng Nự như một kẻ hành khất không được của bố thí.