Mấy đêm rồi trằn trọc không ngủ được, càng nghĩ càng thương chị.
Thương da diết và buồn thăm thẳm...
Thương nhất khi nghe chị nghẹn ngào, cả người run bần bật đọc lời ai điếu tiễn biệt mẹ: Chúng con sẽ sống tiếp những khát vọng mà mẹ đã âu yếm đặt vào tay chúng con. Để đi trọn kiếp con người...
Mình muốn chạy ào lên ôm chặt chị vào lòng. Nhưng rồi chỉ đứng chôn chân, nước mắt ứa mi mằn mặn...
Kì lạ là thế, cái ngày xưa khốn khổ đến cùng cực nhưng nước mắt ít khi rơi. Nước mắt nuốt ngược vào trong như diễn viên diễn vai bi kịch trên sân khấu. Giờ có tuổi rồi, mọi thứ dường như đã “tri thiên mệnh”. Vậy mà cứ mỗi khi chạm đến nỗi buồn là nước mắt ở đâu lại kéo đến, không dừng được.
Mình đoán chị cũng buồn, không chỉ là nỗi buồn biệt ly...
Nhưng chị luôn biết giấu nỗi buồn vào góc sâu kín nhất, chỉ thổ lộ với những người thấu hiểu mình đến tận cùng.
Mình hiểu điều đó, bởi mình vừa như đứa em trai, vừa như người bạn gái lẩn mẩn tâm tình của chị - chị Nga.
Mình gắn bó với chị từ những ngày khoa Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội còn trứng nước. Thời gian trôi nhanh như bóng câu qua song cửa, mới đó mà đã ba chục năm có lẻ. Ngày ấy, cảm giác của mình về chị lạ lắm. Vừa ngưỡng mộ đến “kính nhi viễn chi” lại vừa thấy gần gũi ấm áp. Có lúc nhìn chị như một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, nhẹ nhõm, thanh thoát. Có lúc lại thấy thấp thoáng ở chị hình ảnh một người đàn ông chỉn chu, mực thước, nghiêm cẩn.
Mình hay lui tới nhà chị, thân thiết, rủ rỉ. Mỗi lần hai chị em gặp nhau là có khối chuyện để cười.
Bé Linh nhà chị quý mến mình như quý mến một người chú trong nhà. Nó đến trường khoe với cô giáo: Nhà cháu có chú Thảo. Cô giáo hỏi: Thế chú Thảo có vợ chưa? Nó bảo: Chưa cô ạ, khi nào đám cưới chú, cháu sẽ đi ôm hoa, bưng nước.
Chị là người biết hầu hết các “mối tình câm, mối tình nói và mối tình bỏ dở” của mình. Không chỉ biết, chị còn vun vén, gầy dựng với hy vọng “chú Thảo của cái Linh” sẽ sớm có một bến bờ hạnh phúc an vui.
Bằng chứng là hồi mình đang mặn mà gắn bó với một em mà theo lời chị là “được cả người lẫn nết”, chị là người đứng ra lo việc cho em. Mình nhớ, sau ngày em ra trường, một buổi trưa hè trời nóng như đổ lửa, mình phi đến tìm chị. Nghe xong nguyện vọng của mình, chị lấy xe đạp băng băng đến nhà người quen để “đặt vấn đề” giúp đỡ. Mãi mãi mình không quên được hình ảnh chị khi ấy. Má đỏ bừng, mồ hôi mướt mải. Nắng tháng Sáu chói chang ngập đường. Chị hối hả hòa mình vào màu nắng, rồi nhỏ như một cái chấm trong mênh mông gió và khói bụi mù trời...
Tiếc là việc chị giúp thì thành nhưng mối tình mộc mạc ấy lại không đi đến hồi kết như mình mong muốn. Chị vẫn cười xòa và lại tiếp tục xăng xái “ướm hỏi” cho mình ở những chốn những nơi mà chị thấy “ưng con mắt”. Buồn cười nhất là “vụ” chị suýt nữa trở thành “đại diện họ nhà trai” của mình với H ở Long An. “Phi vụ” này mình đã kể trong bài viết Đặc sản của nghề thầy, giờ nhắc lại vẫn thấy lòng nôn nao thương mến. Rồi mình cũng nhiệt tình kể cho chị nghe “Những Hồng, những Cúc, những Mai/ Những Lan, những Huệ trần gian nao lòng” của mình. Lần nào nghe xong, chị cũng “kết luận”: Thôi, tùy cậu! Nhưng mà nhanh lên, nếu không chị sẽ cử người “kiểm tra” xem có vấn đề gì không mà mãi chả chịu lấy vợ thế. Mình nghe vậy ôm vai chị cười, thấy lòng ngập tràn yêu thương ấm áp.
Hồi mình quen và bắt đầu “yêu yêu” “cô dâu 8 tuổi” nhà mình, rút kinh nghiệm những lần yêu đương trước, mình rất bí mật.
Người duy nhất mình chia sẻ về “mối tình bé mọn” này là chị. May là trước đó, chị cũng đã biết và có cảm tình với “cô dâu 8 tuổi” vì cô ấy vừa là học trò, vừa là người mà chị tin cậy.
Gần đến ngày cưới, mình rụt rè hỏi chị: Chị ơi, liệu cái Điệp nó có cao bằng chị không nhỉ?
Chị Nga phá lên cười, nhìn mình âu yếm: Cậu đi chơi với nó bao nhiêu lần. Cậu đứng với nó cũng từng ấy lần, thế mà cậu không biết nó cao chừng nào hay sao mà hỏi chị. Nói xong chị lại cười, khuôn mặt nhẹ nhõm bừng sáng.
Mình cũng lỏn lẻn cười theo. Nụ cười trong veo nồng ấm. Bởi thực ra, mình biết đằng sau nụ cười của chị là biết bao yêu thương chị dành cho “hai đứa”. Nụ cười đó còn là thông điệp mà chị muốn gửi gắm: Hai đứa cứ dành trọn yêu thương cho nhau đi, thấp cao gì rồi cũng san bằng được hết các em à!...
Và mình thấy yên lòng.
Sau này về ở với nhau, mỗi lúc giận dỗi, mình lại mang chị ra dọa. Chỉ thế thôi mà vợ mình tươi tỉnh ngay. Chả là “cô dâu 8 tuổi” rất thần tượng, yêu thương và khâm phục chị.
... Thi thoảng, trong chuyên môn, hai chị em cũng có “đụng độ”. Tranh luận nhiều khi cũng “nảy lửa”. Nhưng ngoài đời, luôn luôn là tíu tít, là ân cần sẻ chia, đồng cảm.
Chị thương mình ở nết ăn nết ở, sáng dạ, tảo tần, vén vun... Mình trân quý chị ở trí tuệ, sự hiểu biết, bản lĩnh và lòng bao dung...
Có người nghĩ chị là người chắt bóp, tằn tiện và duy lý. Nhưng mình lại nghĩ ngược lại, chị hào phóng và rất duy tình. Kỳ thực, một phần là do tính chị giản dị, một phần do chị “vụng”. Bởi vậy, chị luôn tự nhận mình là người phụ nữ không biết tự chăm sóc bản thân, không giỏi đi chợ, nấu ăn. Chị nói về những điều đó với nét mặt “ăn năn”, dễ thương vô chừng... Mình học được ở chị rất nhiều, nhất là cách sống “thuận theo tự nhiên” và cách nhìn đời nhìn người hồn hậu. Phải chăng bởi suốt đời theo đuổi chiến lược dạy học lạc quan nên chị có cách nhìn nhận và đánh giá thế thái nhân tình hết sức nhẹ nhõm.
Chị thường nhắc nhủ mình, “nhân vô thập toàn”, chơi với ai thì chọn những điểm tốt ở họ mà chơi em ạ. Nên, ai cũng vậy, dù thân hay sơ, chị luôn tìm ra cách lý giải những điều họ không hợp hay hiểu chưa đúng về chị một cách rất an nhiên.
Với các con cũng thế, chị không can thiệp sâu vào chuyện đời tư của chúng. Yêu thương các cháu nội hết lòng nhưng chị tôn trọng cách dạy con của con dâu. Chị nói về con dâu với vẻ “ngưỡng mộ” thành thực. Chị và con dâu luôn dành cho nhau “những khoảng trời riêng”. Chị nao nức kể, Tết năm nào cái Nhật (con dâu chị) nó cũng tổ chức cho cả nhà đi du lịch. Nó tính toán những tour du lịch sang trọng nhất dành cho bố mẹ và chồng con. Và như thế là nó biết tiêu tiền đấy em à...
Cũng bởi thế, cứ gặp nhau là hai chị em lại rổn rảng những chuyện vui, những góc nhìn đời lạc quan ấm áp. Cả chị và mình đều thấu hiểu, chân thành là biểu hiện cao nhất của sự khôn ngoan nên biết tiết chế khi đánh giá về những gì nghịch nhĩ, biết giấu kín vào lòng những nỗi buồn riêng để “thương cả cho đời bạc”...
Với riêng chị, mình còn đọc được rất nhiều nỗi cô đơn. Phải chăng, càng lên cao thì gió càng lạnh...
Dẫu vậy, bên chị, mình vẫn luôn thấy lòng an yên, nhẹ và rất thanh...
Vừa rồi, thân phụ chị hai năm mươi, mình mới có dịp vào thăm quê chị. Xóm quê nghèo của chị nằm êm ả bên sườn đồi. Cảnh vật đẹp thuần phác nhưng tĩnh lặng, buồn eo óc. Trong hoang hoải mùi cỏ và ríu rít tiếng chim, dòng sông như muôn đời không chảy... Vợ chồng mình dạo gót trong thinh lặng, mỗi người một tâm trạng. Rồi đột nhiên, vợ mình trầm ngâm: Người ta nói “Nghèo cho sạch, rách cho thơm” và em nghĩ, Cha cô Nga, nơi góc làng yên ả này, ông không chỉ “sạch” mà còn “sang”. Phẩm chất “sang” ấy nằm trong cốt cách. Và có thể cái điều đó đã truyền một cách thầm lặng sang cô. Nhưng không phải ai cũng nhận ra điều đó anh à. Mình giật mình: Em cứ như đọc được ý nghĩ của anh. Anh cũng đang nghĩ về Cụ và về Chị. Cụ quả là một nhân cách đáng kính trọng, đúng như người xưa nói: “Tố nhân bất khả hữu khinh ngạo thái, vô khả khinh ngạo cốt” (Làm người không nên có thái độ kiêu ngạo, tuy nhiên không thể không có cái cốt cách khinh ngạo). Trước vong linh Cụ, anh lại nhớ nhà thơ Hữu Loan. Chuyện kể rằng: Khi cái họa Nhân văn - Giai phẩm đã lùi xa, nhiều người đến thăm hỏi Hữu Loan. Thấy ông ăn ở mộc mạc, nhà cửa tuềnh toàng, có người hỏi: “Bấy lâu nay ông bận làm gì mà không xây nhà cửa cho đàng hoàng, ở cho nó sướng cái thân”. Nhà thơ thủng thẳng đáp: “Tôi bận làm người”. Cũng giống như nhà thơ Hữu Loan, cha chị Nga đã giữ được cái cốt cách của bậc quân tử, giản dị mà tự tại, an nhiên...
... Nói vậy rồi mình chỉ vào đàn chim sâu đang lách chách đùa nghịch trên những cành tre sà sát xuống mặt sông như để lảng tránh cái không khí trầm mặc u hoài... nhưng kì thực trong lòng rưng rưng lắm.
Mình tin, nếu chị Nga mà nghe được điều này, thể nào rồi cũng như mình, lại rơm rớm nước mắt cho mà xem.
Giây phút ấy, mình muốn có Chị bên cạnh, để nắm chặt tay Chị và Vợ, cái nắm tay của những tâm hồn đồng điệu, tri kỷ, tri âm...
Gió mang hơi núi se se. An yên thấm trong từng nhành cây ngọn cỏ. Và mình chợt nhận ra, cuộc sống thật dịu dàng khi mang đến cho mình người bạn như chị. Chị Nga à!