Sáng Chủ nhật trong veo, mình cùng anh đối ẩm trong quán café, lắng nghe thời gian trôi lặng lẽ.
Mùa xuân chùng chình giăng giăng bên ngoài. Hình như trời lất phất mấy hạt mưa. Và mắt mình hình như hơi ướt...
Một nỗi niềm gì đó khó gọi tên, vừa như là đồng cảm, vừa như lòng yêu kính tự chân tâm, mình lặng ngồi nghe anh chia sẻ. Những câu chuyện cuộc đời anh vất vả gian khó mà nồng ấm, mà gần gũi thân thương đến lạ...
Anh sinh ra ở một vùng quê miền Trung nghèo khổ và lam lũ. Sau anh có bốn đứa em nhưng mất một còn ba. Nhà nông, con đàn, nhà nào chả khổ. Là anh cả nên ngay từ nhỏ anh đã sớm có ý thức về việc đùm bọc chở che em út trong nhà. Công to việc lớn, gánh gánh gồng gồng, đầu đội vai mang, anh nhận về phần mình hết. Những đứa em khi ấy còn nhỏ, chúng vui sướng lắm, tự hào lắm khi có một “ông anh” lam làm.
Cuộc sống cứ thế bình lặng trôi đi, nghèo đấy nhưng thơm tho, thẳng thớm. Nghèo đấy nhưng anh em bảo bọc nhau thương khó học hành. Anh nhìn vào đàn em mà gắng. Em trông vào anh mà lấy đó làm gương.
Nhưng... giá như không có cái đận ngặt nghèo năm ấy chắc giọng kể của anh cũng không trầm buồn đến vậy.
Ấy là khi cha anh đổ bệnh trọng. Có căn nhà ngói phải bán đi lấy tiền cho cha chữa bệnh.
Ừ, thì, vách nát tường xiêu nhưng cả nhà quấn túm vào nhau miễn là cha qua cơn bạo bệnh.
Ừ thì gió giật, mái tung nhưng không khí trong nhà lúc nào cũng ấm áp, yêu thương.
... Chỉ có điều, cha vừa đỡ thì đến lượt mẹ bệnh.
Mẹ nằm một chỗ, người mỏng như chiếc lá. Chỉ có đôi mắt lúc nào cũng sáng. Cầm đôi bàn tay mẹ thấy thương đến xót xa.
Đôi bàn tay sạn chai gầy guộc ấy đã dìu cả đàn con qua lụi cụi sắn khoai. Đôi bàn tay ủ ấm những đêm đông thơm rơm bếp lửa. Đôi bàn tay dịu lành những ngày hè xứ Nghệ nóng như rang. Đôi bàn tay chăm cha. Đôi bàn tay vá víu. Giờ nằm buồn tong teo...
Anh ở Hà Nội nên thi thoảng mới về thăm mẹ được. Mỗi lần về, áp đôi bàn tay mẹ lên ngực, chỉ muốn thốt lên: Mẹ ơi, mẹ nghe đi, tim con đập nhịp nào cũng vì mẹ đấy mẹ à? Mà không thốt thành lời...
Khi ấy mẹ anh mới ở tuổi 50, nằm ốm một chỗ nhưng mẹ vẫn là phụ nữ, vẫn có kì kinh nguyệt như bất kì người đàn bà nào. Và thế là mỗi lần về thăm mẹ vào kì mẹ “đến tháng”, anh mang khăn xô đi giặt (hồi ấy “băng vệ sinh” của mẹ chỉ là mảnh vải màn gấp lại). “Mẹ ơi, chúng con hoài thai từ khúc ruột của mẹ, từ nỗi đau sinh nở chín tháng mười ngày, thì hà cứ gì phải ngượng phải ngùng”. Vậy mà, hàng xóm nhìn cảnh ấy, ai cũng ngậm ngùi. Anh bảo, anh làm vậy để mấy đứa em biết mà chăm mẹ kĩ càng hơn khi anh vắng nhà, để mẹ đỡ tủi mà anh thì đỡ xót xa.
Mình ngước nhìn anh qua làn nắng mong manh. Anh ngồi đấy trầm buồn, mắt nheo nheo ướt lệ. Mình hình dung ra cảnh anh, khi ấy là một chàng thanh niên, lui cui giặt chậu khăn xô đẫm máu chắt ra từ nơi cửa mình của mẹ. Mình càng thêm trân quý biết bao đôi bàn tay anh vì tìm thấy chính mình trong đó. Đừng nói con trai không thể đổ bô, lau lia tắm táp cho cha mẹ già ốm yếu. Đừng nói con trai lớn thì không biết rúc vào nách mẹ mà thủ thỉ hàng đêm... Làm tất, làm được tất. Miễn là biết yêu thương cha mẹ đến tận cùng trái tim... Chả thế mà trong tiếng Hán, chữ “Hiếu” (孝) được tượng hình bởi: Bộ cốt của chữ “Lão” (老) ở trên chỉ “người già” và chữ “Tử” (子) “con” ở phía dưới. Nên “Hiếu” được chiết tự là: Con cõng mẹ (cha) già ở trên lưng. Truyền thống đạo lý dù ở phương trời nào cũng muôn đời là vậy!
“Thảo ơi... ”
Anh nghẹn lời...
“Nhưng mà mẹ anh mất ngay đợt bị bệnh đó em à... Ngày mẹ mất anh không về kịp!”...
Và đó cũng là điều làm anh ân hận nhất! Mẹ mất khi vẫn còn đang ở trong ngôi nhà dột nát, chưa kịp sửa sang. Mẹ mất mà anh còn lăng lắc nẻo đường xa...
Anh cứ mướt mải làm lụng chắt chiu những mong kịp kiếm đủ tiền để có thể mua lại cho mẹ một căn nhà cao ráo hơn, khang trang hơn. Ờ thì có thể đó chỉ là một ngôi nhà gạch nho nhỏ có cái vườn để chiều chiều mẹ ngóng ra sân xem đàn gà lông vàng mềm như tơ. Hoặc có cái nền gạch để mẹ phơi thóc mùa hè, rê chân lên nền sân nóng rẫy mà thấy lòng vui ấm áp, dịu dàng.
Nhưng tất cả chỉ là mong ước. Mẹ anh ra đi vội như chiếc lá buông mình vào lòng đất. Không khóc được. Không có nỗi đau nào lớn, âm ỉ và dai dẳng đến thế. Nước mắt như vón lại và chìm vào trong thẳm sâu... Đến nỗi anh bị trầm cảm nhiều năm sau đó.
... Anh nhớ dáng mẹ gầy như chiếc lá. Nhớ khuôn mặt. Nhớ nụ cười. Nhớ tinh sương mẹ dậy nấu ăn. Nhớ hoàng hôn mẹ gom lá ngoài vườn. Nhớ từng cử chỉ, dáng ngồi. Nỗi nhớ chật đầy trong tim thổn thức hàng đêm...
Và nhớ lời mẹ dặn, bố ở vậy cùng anh chăm lo cho đàn em khôn lớn trưởng thành. Vì thế, mãi năm 38 tuổi, anh mới lập gia đình. Đến giờ, khi cả ba đứa em anh đều đã phương trưởng nhưng anh vẫn giữ nguyên thói quen lo toan ấy. Mua cái máy giặt, lắp cái điều hòa, anh cũng là người sắm cho mình sau cùng, phải đợi các em có đủ mới nghĩ đến phần mình. “Giờ thì chúng nó ổn cả rồi em à”.
Thủ thỉ đến câu đó, anh bắt đầu thở ra nhẹ nhàng và nở nụ cười nhẹ nhõm.
Cái nụ cười an nhiên của người đã hoàn thành những công việc mà bản thân tự thấy là “đại sự”.
Và mình yêu nụ cười ấy biết bao.
Bởi có thể đó cũng chính là nụ cười từ trái tim mình. Bởi mình cũng giống hệt anh, cũng hết mình cho muôn vàn thương yêu tiện tằn chi chút...
Cuộc sống ngoài kia đang ồn ã và xô bồ quá mức. Hình như ai cũng muốn quăng mình vào cuồn cuộn dòng xoáy cuộc đời bừa bộn, ngổn ngang để giẫm đạp, để bon chen kiếm tiền bằng mọi cách. Nếu không coi GIA ĐÌNH là chiếc neo níu giữ mình lại, người ta dễ bị đánh mất mình.
Nhà thơ Hải Bằng viết: “Con chim tha rác trên cành phượng/ Xây tổ hay là phá tổ đi”. Thực ra chưa thấy loài chim nào phá tổ. Nếu thấy chim đang tha những cọng rơm, cọng cỏ, ắt là khi chúng đang xây tổ ấm. Câu hỏi ấy con người đặt ra là để tự hỏi mình mà thôi... Với những người như anh, mình tin, anh chẳng bao giờ phải tự vấn mình bằng câu hỏi ấy. Cũng giống mình cả thôi, xoay phía nào cũng là gầy dựng và vun đắp, cho cái gia đình lớn và gia đình bé nhỏ của mình. Để không chỉ là gia đình mà là NHÀ. Như cái cách “người điên rực rỡ” Bùi Giáng đã chia sẻ: “Mình ơi tôi gọi là nhà. Nhà ơi tôi gọi mình là nhà tôi...”
Từ sự đồng cảm và thấu hiểu ấy nên mình thân với anh, dù ban đầu chỉ là quen nhau qua mạng.
Cuộc đời lạ thế, có những mối quan hệ đến rất tình cờ mà bắt duyên nhau để rồi thành tri âm tri kỉ.
Bên cốc café nóng, anh vẫn đang tiếp tục những câu chuyện kể về cuộc đời mình, về cách hành xử của người trí thức có nhân cách trước những biến động của cuộc sống phức tạp đa diện, về những gì anh đang cố gắng làm cho gia đình, cho quê hương.
Sáng chủ nhật nhẹ bẫng, bồng bềnh trong giọng kể đều đều trầm ấm của anh.
Nắng lên dịu dàng. Nắng mùa xuân bao giờ cũng thế, bảng lảng như là không là có.
“À Thảo ơi, lát nữa nhớ qua nhà anh, anh lấy cho con gà nhé. Gà quê đấy”.
... Rồi anh cười rổn rảng. Chắc nhìn anh lúc này, chẳng ai biết anh chính là người có cái nick Facebook Đức Bảo Phạm với những bài viết, bài trích dẫn sâu sắc, nhân văn mà đầy bản lĩnh... Nhưng mình, mình biết.
Vì mình là bạn với anh, là anh em tri kỉ, không chỉ trên Facebook!