Theo nông lịch, tháng Chạp và tháng Giêng có ý nghĩa rất sâu sắc trong tâm thức mỗi người Việt Nam.
Tháng Chạp bao giờ cũng bận rộn. Cảm thấy thời gian sầm sập đuổi sau lưng. Tháng Chạp cho ta nghĩ về sự hữu hạn của đời người. Tháng Chạp hối hả mua sắm, tíu tít, chật chội, ăm ắp nỗi niềm. Tháng Chạp lướt đi cùng những cành hoa đào, hoa mai mơn man cười trên phố. Tháng Chạp sà vào bếp ấm áp mùi bánh chưng, mùi dưa hành, cà nén...
Tháng giêng thì dường như ngược lại. Tháng Giêng đầy tròn, tháng Giêng nõn nà lộc biếc và mưa bụi miên man. Tháng Giêng cho người ta cảm giác bâng khuâng muốn du ngoạn đó đây. Tháng Giêng nhắc nhớ về những chuyện ngày xưa, để thương để nhớ những gương mặt người đã đi qua hay đang hiện hữu ở ngay cạnh cuộc đời ta...
Sáng qua, vẫn trong tiết tháng Giêng “tròn đầy”, mình gặp lại người anh, người bạn vong niên yêu quý của mình.
Anh Phúc!
Mình quen anh cách đây đã hơn ba chục năm, từ cái thuở anh còn đang là lớp trưởng lớp có cô bạn gái vốn là “tình yêu bé mọn” đầu đời của mình. Ngày ấy tuy tò te lố ngố thế mà cũng... khôn ra phết, biết “qua sông thì phải lụy đò”, muốn quen cô bạn, mình chơi thân luôn với hẳn... lớp trưởng.
Anh Phúc có dáng người tầm thước, giống mình ở cái dáng đi tất tả cứ như lao về phía trước. Mặt anh vuông chữ điền phúc hậu. Và đặc biệt giọng nói rất ấm, nhỏ nhẹ và điềm đạm. Mỗi lần nghe anh cất tiếng: Thảo à! là mình đã thấy lòng trào lên niềm thương mến. Hai anh em thân quý nhau, trước hết, có lẽ bởi cùng... nghèo.
Vậy nên dễ cảm thông, dễ sẻ chia.
Hồi sinh viên, mình có biệt tài mò cua bắt cá (chả thế mà trong “quẻ thẻ” đầu xuân gieo cho bố, con trai đã “phán”: Ngày trước, bạn bắt ốc mò cua giỏi vô địch, làm ruộng giỏi vô biên, bây giờ bạn giảng bài hay “vô đối”... ). Cái thuở dãi dài dài ấy, quanh khu sư phạm, cỏ lút mọc đầy, cua ốc cũng vì thế mà rất sẵn. Mình cứ lội một vòng cánh đồng cạnh trường là có đủ thức ăn “tươi” cho cả phòng, thừa thì mang bán. Anh Phúc xem chừng khoái vụ này. Có lẽ anh nhiệt thành “tác duyên” cho mình cũng vì thương cái sự lặm lụi hay lam hay làm của mình như thế.
Và cứ thế mà yêu thương nhau nhiều hơn.
Yêu thương để “nhường cơm sẻ áo” theo đúng nghĩa đen của cụm từ này.
Anh Phúc có cái áo lông Đức (do một người bạn thân đi xuất khẩu lao động ở Đức về tặng). Vào những năm bao cấp cơ hàn, nó được coi như một “tài sản” vô cùng quý giá. Mình thường xuyên được anh cho mượn để đi “tán gái”. Chao ôi, mặc cái áo vào, thấy mình tự tin hẳn lên, “phong độ” hẳn lên, nói năng cứ gọi là lưu loát hẳn. Nhiều năm sau này mình vẫn nhớ cảm giác ấm áp khi được khoác lên người chiếc áo lông “thần thánh” và rồi lại thấm thía nỗi biết ơn. Người ta nói: Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Mình còn thấy “một tấm áo khi co ro bằng một kho vải vóc”! Thật thế!
Ra trường, được giữ lại làm giảng viên rồi vẫn nghèo xơ nghèo xác. Hai anh em cứ nương níu vào nhau trong các “phi vụ” làm ăn chỉ với mục đích chống đói...
Thôi thì buôn đủ thứ, nhặt nhạnh đồng lần. Mình thì gánh nặng gia đình và học hành. Anh Phúc tuy có đỡ hơn nhưng cũng cần tiền để trang trải cho mấy đứa em đang tuổi ăn tuổi lớn. Thế nên cứ thấy phong thanh cái gì có thể kiếm được xèng là hai anh em “nhào zô”. Ban đầu là làm nước ngọt đóng chai mang lên Thái Nguyên, chỗ chị gái mình làm việc, để bán. “Phi vụ” này đổ bể, anh em lại bàn nhau làm đồ dùng học tập. Ngày ấy, học liệu không phong phú như bây giờ nên chỉ cần ít giấy màu, bìa các tông... rồi thuê họa sĩ vẽ vời bôi quết là cả gian nhà lá bô nhếch của mình biến thành “xưởng” sản xuất. Cái ý tưởng dạy chữ theo nhóm đồng dạng dựa vào việc thiết kế trò chơi cho từng nhóm con chữ trên cơ sở nét chữ chủ đạo đã nảy sinh trong đầu mình từ cái “xưởng” này. Sau này nó trở thành phần thực nghiệm quan trọng trong luận án tiến sĩ của mình...
Bởi vậy những đồng tiền hai anh em chắt chiu kiếm được luôn được tính bằng đơn vị tính... yêu thương. Chúng thấm bết mồ hôi, nước mắt. Chúng chan chứa tình anh em tri kỉ và cả tri ân. Quên sao được những đêm khuya lắc, mình cùng anh vẫn mò mẫm ngược xuôi trên các chuyến tàu. Mình cứ lón thón theo anh, lòng ngập tràn những yêu thương, tin cậy...
Rồi cũng qua cái đận gian khó chất chồng vì miếng cơm manh áo.
Mình sang Nhật công tác. Trong khoảng thời gian dài ấy, hai anh em không có điều kiện liên hệ với nhau...
Ngày mình về nước thì nghe tin anh bị suy thận. Anh phải dùng phương pháp lọc máu qua màng bụng để trợ giúp quả thận đã đến thời kì báo động.
... Hình như số phận cứ rốt ráo lùa anh vào chân tường. Hình như chưa có khoảnh khắc nào trong cuộc sống anh được tận hưởng niềm vui đích thực. Bởi ngoài căn bệnh trọng, anh còn có một cô con gái không thể tự phục vụ, lúc nào cũng nằm u ơ trên giường...
Bởi thế nên, mỗi lần nghĩ tới anh, tim lại nhói đau và mình lại lén lau những giọt nước mắt ứa mi mằn mặn.
Chỉ là len lén vậy thôi, bởi mỗi khi gặp anh, hai anh em lại nói cười rổn rảng, như chưa hề có yếu đau, như chưa hề có bệnh tật, gian khó chất chồng. Anh vẫn luôn cất tiếng “Thảo à” ấm áp tự trong tim như những ngày nào. Anh vẫn ân cần hỏi xem dạo này bệnh mất ngủ của mình có đỡ hơn không, chuyện nhà cửa, chuyện bố mẹ, chuyện chị gái mình... Rồi anh dặn dò mình giữ gìn sức khỏe. Rồi cả hai lại miên man với những chuyện ngày xửa ngày xưa... Chẳng ai nhắc đến cái quả thận nhân tạo sau làn áo mỏng của anh. Chẳng ai nhắc đến những nỗi đau... Tất cả cứ lặn vào trong thẳm sâu để dành cho nhau trùng điệp những cảm thông, những ánh nhìn, những cái bắt tay sẻ chia yêu mến. Để sau khi chia tay anh, bên tai mình chỉ còn âm vang giọng nói anh trầm buồn mà ấm áp: “Thảo à, dạo này anh khỏe lắm”, “Thảo ơi, thằng Tùng (con trai lớn của anh) nó được giữ lại trường làm giảng viên rồi. Nó ngoan lắm, biết thương bố mẹ nên anh cũng đỡ”...
... Những câu chuyện của anh bao giờ cũng hướng về phía lạc quan, tươi sáng.
Nhưng mình biết, anh đã khó khăn vất vả đến nhường nào để chống chọi với bệnh tật, để làm tốt công việc giảng dạy và nghiên cứu, để gồng gánh gánh nặng cuộc đời oằn trĩu trên vai. Nên dẫu bệnh tật, anh vẫn phải đi dạy khắp tỉnh xa, tỉnh gần. Anh kể, cứ vào khoảng thời gian nghỉ giữa giờ hoặc buổi trưa, anh lại về phòng nghỉ để tự lọc máu. Trong hành lí mang theo, ngoài sách vở là lủng củng những lọ những chai và cơ man là thuốc...
Sợ người thân lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình, anh... hút thuốc. “Ừ! Nhìn thấy anh hút thuốc, vợ con, bạn bè mới tin rằng anh còn khỏe. Người khỏe mới thích hút thuốc chứ...”. Và bằng những cố gắng phi thường, anh vẫn viết và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Ngày anh bảo vệ, mình đến chia vui, anh nắm chặt tay mình nhỏ nhẻ: “Dù gì cũng phải cố gắng, Thảo à!”. Chỉ mấy từ “Thảo à! Thảo ơi...” mà dịu dàng, nồng ấm, mà hiểu nhau đến tận cùng... Anh mở Facebook nhưng rất ít dùng. Vậy mà hôm mình đăng bài Yêu thương là hành động, anh đã comment: “Cuộc đời sẽ ưu ái cho Thảo vì tình thương yêu của Thảo cho gia đình và cho bạn bè bao la lắm. Chúc mọi sự tốt lành. Cho anh gửi lời thăm chị Lụa và gia đình nhé. Nguyễn Văn Phúc”.
Mình nhớ hôm đến thăm anh. Trời về chiều, ánh hoàng hôn yếu ớt hắt vào ngôi nhà in lên khuôn mặt anh xám xịt. Anh nhìn thấy mình thì mỉm cười hồ hởi. Vẫn là nụ cười hiền hậu, sáng trong như ngày nào. Một không khí trầm buồn bao phủ cả ngôi nhà và nụ cười của anh không giúp phá đi không khí đó. Nhưng lạ thế, mình vẫn thấy một sự thẳng thớm, ấm cúng. Chính anh, bằng sự gắng gỏi, bằng sự vun vén và lụm cụm chắt chiu từng ngày đã làm nên sức sống của ngôi nhà...
Giờ thì anh đã yếu đi nhiều. Mỗi lần gặp, mình thường ít dám nhìn thẳng vào anh, sợ phải đối diện với những “dấu tích” của bệnh tật để lại trên khuôn mặt, trên mái tóc, trên đôi bàn tay và cả trên giọng nói của anh. Nhưng anh vẫn thế, vẫn luôn mỉm cười, vẫn chăm lo giảng dạy và cặm cụi viết bài để mình đăng trên tờ Bản tin của trường do mình biên tập. Anh vẫn hút thuốc, vẫn lạc quan khi nói về tương lai. Anh nhìn thấy tương lai mình trong hình hài và vóc dáng đứa con trai ngoan ngoãn, trưởng thành. Và anh tự hào vì điều đó. Niềm tự hào mới đáng trân quý và dễ thương làm sao!
Nhìn anh, mình thường hay lẩn mẩn nghĩ về cuộc đời muôn nẻo...
Ở đời, không phải ai cũng biết mình đang thiếu những gì. Và có cần sự công bằng để cuộc đời này không còn nghịch lý nữa không? Sao vẫn còn nhiều bất công đến thế? Người hiền lành hay gặp tai ương, hiền tài thường lao đao khốn khó. Tuy nhiên mọi sự sẽ đâu vào đấy khi ta hiểu: Người khôn là người biết mình đủ và khi thấy mình đủ, ấy là lúc mình đang có tất cả.
Mình tin, anh Phúc là người biết mình ĐỦ. Dẫu có bệnh tật, yếu đau, dẫu đêm ngày phải đối diện với nỗi niềm về đứa con gái nhỏ và bao khó khăn cơm áo gạo tiền nhưng anh vẫn luôn tự tìm cho mình nguồn ánh sáng trong trẻo tự tâm. Nguồn sáng ấy giúp anh nương náu, giúp anh níu vịn, để vượt lên và đi tới.
Và anh mãi tiếp tục yêu thương mọi người, yêu thương và trân trọng tình anh em, nghĩa bè bạn xa gần...
Vậy nên, mỗi năm cứ đến gần ngày giỗ Tuấn Anh, anh lại gọi điện nhắc mình: “Chú nhớ đấy! Bận rộn cỡ mấy anh em mình cũng phải đến thắp cho nó nén nhang...”.
... Và cũng bởi vậy, mình lúc nào cũng chỉ thầm nguyện cầu cho anh luôn khỏe mạnh, an yên. Để mỗi lần gặp anh, mình lại luôn được nhận hơi ấm từ anh như ngày nảo ngày nào khoác chiếc áo lông Đức của anh lên người nghe râm ran trong lòng ấm nóng...
Tháng giêng tròn đầy những ước mơ.
Cả giọt nước mắt sao cũng tròn...