Bố Mẹ mình có khá nhiều con nuôi. Chỉ tính riêng số các anh bộ đội đóng quân ở nhà mình được bố mẹ thương yêu rồi nhận làm con cái đã lên tới cả chục anh, rồi những người được bố mẹ cưu mang từ nhỏ, rồi bè bạn thân thiết của các con... Con nuôi đông đến nỗi nhiều khi chính chị em mình cũng chẳng nhớ hết. Hồi bố mẹ còn ở quê, mình công tác trên Hà Nội, thi thoảng về thăm bố mẹ thấy có người lạ hoắc ngồi ăn cơm cùng cả nhà. Mình toan hỏi thì bố đã kéo ra thì thầm: Anh mày đấy con ạ, nó mới đến xin nhận bố mẹ là bố mẹ nuôi. Mình à à, vào bắt tay bắt chân, phấn khởi như kiểu anh em lâu ngày không gặp mặt nhau...
Trong số những người con nuôi của bố mẹ, mình ấn tượng nhất với chị Tuyến và anh Được.
Anh Được là đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi từ khi mới đẻ và được một ông giáo què dạy bình dân học vụ nhận về nuôi. Khi ấy mẹ mình vừa sinh anh trai. Làng thấy thế bèn bế anh Được đến xin cho bú nhờ.
Anh lớn lên từ dòng sữa chắt chiu của mẹ mình và sự cưu mang của ông giáo què cùng bà con chòm xóm.
Có lẽ bị mẹ ruồng rẫy từ trong bụng nên anh còi đẹn. Người anh nhỏ thó chân tay co quắp vẹo vọ. Hồi còn nhỏ, mỗi lần nhìn thấy anh, mình lại liên tưởng đến cây chuối còi góc vườn, cứ choằn mình lại xương xẩu và đen đúa. Mỗi lúc anh di chuyển người cứ nghiêng về một bên chân thấp chân cao, trông rất tội nghiệp.
Nhưng anh lại có nụ cười rất hiền, rất đẹp. Ai chê anh xấu xí, ai hắt hủi chê bai, anh đều cười... Mỗi lần anh cười, cả khuôn mặt giãn nở, nhẹ nhõm.
Anh sống bằng nghề phụ giúp việc nhà nông cho những gia đình trong làng có nhu cầu. Mùa gặt, anh đi đến từng nhà, xoa tay, gãi đầu và cười cười để xin việc. Mỗi khi nhà nào có đám hỷ hay đám hiếu, anh đều lăn xả vào khiêng khiêng, vác vác cốt được bữa ăn. Nhà nào thiện ý cho anh luôn bát cơm quả trứng đặt trên nắp ván thiên trong đám hiếu, anh xoa tay, nhổ chân nhang rồi ăn ngon lành khoan khoái. Mọi người nhớ đến, “nhờ vả” anh phần nhiều vì thương anh chứ biết sức lực anh thế, làm cũng chẳng được gì đáng kể.
Nhà mình là nơi anh ghé vào nhiều nhất Chuyện, anh là con nuôi mà. Anh cứ vào là cả nhà vời vào ăn, có gì ăn nấy, lúc thì củ khoai, củ sắn khi thì bát cháo, tô canh... Nhưng anh biết nhà mình nghèo xơ nghèo xác nên rất ý tứ. Anh ăn cầm chừng, nếu mang món gì về thì tỏ ra e ngại, lón lén, trông vừa tội vừa buồn cười.
Hồi trước anh tá túc cùng ông giáo què trong túp lều nhỏ ven bến sông làng. Sau khi ông giáo mất, anh được làng cho một thẻo đất con con để dựng tạm cái chòi lên ở. Rồi anh cũng lấy vợ. Vợ anh là người đàn bà chậm chạp, thấp tẹt và hơi nghễnh ngãng. Cả hai gá vào nhau “góp gạo thổi cơm chung” chứ chẳng có con cái gì. Họ nương vào nhau trong túp lều tối như hũ nút, vừa bước chân vào đã thấy ngộp thở. Nhìn xung quanh chỉ rặt mấy cái nồi lỏng chỏng trên nền đất xám xịt. Ấy thế mà chẳng bao giờ thấy vợ chồng to tiếng. Vợ vừa cự nự, chồng đã cười, nhẹ nhõm, thế là hóa giải mọi chuyện.
Từ ngày có vợ, anh hay “cử” vợ vào nhà mình mỗi dịp giỗ tết. Anh sợ anh sức yếu, vào chẳng giúp được nhà việc gì mà chỉ đợi đến bữa ngồi ăn nên ái ngại. Anh hy vọng vợ có đủ sức khỏe để phụ giúp bếp núc cho bố mẹ nuôi. Khổ thế, ai cần anh ý tứ đến thế cơ chứ. Cứ đến bữa, mẹ mình lại sai người ra gọi anh vào ăn nhưng ít khi anh vào. Đành nhờ vợ anh gói ghém mang phần về cho anh.
Rồi bố mẹ mình chuyển nhà từ quê lên thành phố, ít có dịp gặp anh. Mỗi lần biết tin cả nhà về dưới quê, anh luôn là người sang đầu tiên. Anh đến nơi, chào bố mẹ rồi lảng xuống bếp, cắm cúi ngồi cời cời lửa. Mình gọi lên uống nước, anh đáp lời khẽ khàng rồi lại lảng đi chỗ khác. Thi thoảng mình ra múc nước ở giếng, anh tần ngần lại hỏi: Ông bà từ ngày lên thành phố có khỏe không em? Mình bảo: Anh ơi, các cụ già rồi, cầu Trời cứ ổn được thế này là vui lắm rồi anh ạ. Anh nhìn mình mắt chớp chớp, chân tay giật giật rung rung. Mình cúi xuống kéo nước, gặp bóng mình lòa nhòa trong gương nước lạnh băng.
Vừa rồi về quê không thấy anh, mãi sau mới thấy chị vợ đến, mình hỏi: Chị ơi, anh Được đâu? Chị trả lời: Anh bị ngã phải nằm liệt một chỗ. Thương quá, mình chạy ra thăm. Căn chòi lá đã tối lại càng tối tăm ẩm mốc hơn. Mình cất lời: Anh Được ơi! Anh ngoái lại nhận ra mình ngay: Thảo hả em? Không gian bịt bùng đen đặc, mỗi nụ cười của anh là sáng. Mình nắm bàn tay tong teo của anh, dặn dò, biếu tiền anh rồi về. Cả quãng đường về, cứ văng vẳng bên tai lời chào của anh “Thảo hả em”. Chỉ có anh em thân tình mới hay chào hỏi nhau theo cách nhỏ nhẻ và dễ thương như thế.
Công việc cuốn mình đi, bố mẹ ngày càng già yếu nên cơ hội về quê càng ít dần. Rồi tháng trước nghe tin anh mất...
Nghe tin ấy, cả nhà thay vì nói những lời thương xót đều chép miệng và thở dài. Giá như anh có thuốc men đầy đủ và có điều kiện chăm sóc tốt... Kèm theo mỗi cái “giá như” là biết bao nhiêu xót xa buồn tủi!
Nên hình như, mọi người tin rằng, có một cánh cửa khác đã mở cho anh. Tạm biệt cái không gian u tối, lạnh ngắt, quạnh quẽ, tạm biệt cuộc sống nơi trần thế phù du, hẹp hòi, bạc bẽo, anh tìm đến cõi khác, nơi anh có thể luôn luôn nở nụ cười nhẹ nhõm an nhiên...
Riêng mình, mình luôn trăn trở mãi về những cuộc đời, những số phận như anh. Thực sự cả cuộc đời, anh chưa từng bước ra khỏi lũy tre làng theo đúng nghĩa đen của cụm từ này. Với anh, cuộc sống giản đơn, thuần khiết, chẳng có gì là bon chen, phức tạp, là bán mua, đổi chác quyền uy danh vọng tiền tài. Anh và biết bao người dân nghèo khác đã “sướng” bao giờ đâu mà biết khổ.
Nhưng cái tình của anh với bố mẹ và với cả nhà thì quá đẹp, luôn hồn nhiên, trong trẻo, dịu dàng...
Cái cách anh trân trọng dòng sữa đầu đời từ một người đàn bà không phải là mẹ mình cũng quá đỗi thân thương.
Nên nghĩ về anh, mình chỉ nhớ về nụ cười hiền hậu, nhẹ nhõm, thiên thanh.
Hãy luôn mỉm cười đi anh nhé. Và hãy gọi tiếng MẸ thật êm ái, thánh thiện. Bởi giữa cuộc đời buồn nhiều vui ít này, khi thốt ra tiếng đó, ai cũng AN YÊN cả.
Cả nhà và cả bố mẹ nữa, mong cho anh ở một nơi nào đó, xa thật xa với những bụi bặm trần ai khốn khổ, sẽ luôn “ĐƯỢC” mà không “mất”.
Anh Được à!