Tháng Chạp vùn vụt trôi nhanh mà mình thì vẫn rong ruổi trên những chặng đường. Đi công tác vào những ngày cuối năm lạ lắm. Nó làm mình thấy nhớ nhà hơn. Lúc nào cũng mong ngóng, cũng thót ruột lo khi nhớ ra còn quá nhiều việc phải làm mà Tết đã cận kề.
Bởi thế để lòng lắng lại dịu dàng hơn, mình cứ đăm đắm thả hồn ra ngoài cửa xe. Nắng miền Tây cuối năm hanh vàng, xao xác. Một đám cỏ, một cụm lục bình, một bóng dừa, một tán bần, một khóm hoa chuối... bảng lảng, mờ xa. Những hình ảnh “rất miền Tây” ấy, mỗi năm chắc đi qua cũng chỉ một đôi lần mà nhớ mãi khôn nguôi. Nỗi nhớ sâu đậm ám ảnh bởi sức gợi từ những ca khúc viết về người phụ nữ miền Tây sông nước. Xe qua cầu Rạch Miễu là bên tai văng vẳng ca từ “Tóc dài ai thả ngang vai/ Phải người con gái Mỏ Cày Bến Tre”, xe đến Cần Thơ lại nôn nao với: “Em gái Ninh Kiều tóc dài chấm lưng thon...”, xe về Bạc Liêu, Cà Mau lại da diết nhớ Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang: “Đường dù xa ong bướm, xin đó đừng phụ nghĩa tào khang. Đêm luống trông tin nhạn, ngày mỏi mòn như đá vọng phu. Vọng phu vọng, luống trông tin chàng”... Và thoắt nhiên, từ nỗi ám ảnh về thân phận người phụ nữ, mình lại lẩn mẩn nghĩ về những người chị, người em gái mình trân quý. Người mất, người còn nhưng họ đều để lại trong sâu thẳm lòng mình nhiều suy tư trăn trở.
1. Chị tên là Tuyến, cùng xóm với nhà mình ở quê. Hồi nhỏ, mình cũng không có ấn tượng gì đặc biệt về chị. Chỉ thấy chị là người phụ nữ khá đẹp, “khuôn trăng đầy đặn” với đôi mắt buồn và mái tóc dài óng ả. Chị hiền lành, chăm chỉ. Ngoài công việc đồng áng, chị còn tham gia đóng gạch ở lò gạch xã và khi nông nhàn thì chạy chợ. Lúc nào cũng thấy chị tất bật, mồ hôi mướt mải mà nụ cười thì luôn trong trẻo, hồn hậu.
Thuở xưa, người quê bình dị lắm. Tối lửa tắt đèn, làng trên xóm dưới sẻ chia đùm bọc. Cuộc sống dẫu vất vả đói nghèo nhưng cũng không kém phần thi vị. Tất cả cứ lặng lẽ trôi trong yên ả... Cho đến một buổi chiều, cả nhà nhận tin anh Ba hy sinh ngoài chiến trận. Lúc ấy thời gian như dồn nén lại, chỉ có những cơn đau thầm lặng âm ỉ là hiện hữu...
Đúng lúc ấy, chị Tuyến sang nhà để xin bố mẹ mình cho phép chị là con nuôi. Chị nói, trước ngày anh Ba nhập ngũ, anh chị có hò hẹn với nhau, sau này tan giặc, anh chị sẽ thành vợ thành chồng. Chỉ một lời ước hẹn tưởng như bông đùa vậy mà bao nhiêu nhớ thương khắc khoải, bao nhiêu mòn mỏi trong đợi chờ hy vọng... Mình tin, giữa anh và chị thì ngay cả cái nắm tay cũng chưa từng vì anh mình hiền lắm. Anh học hết cấp hai (bây giờ là trung học cơ sở) thì cảnh nhà túng bấn nên anh phải nghỉ học tham gia đội thủy lợi của hợp tác xã. Anh đi vác đất đắp đê tối ngày. Mỗi khi có ai gán ghép anh với chị, anh chỉ cười và hai má bừng đỏ. Ngày anh đóng quân trên huyện để chuẩn bị vào chiến trường, chị có cùng mẹ mình lên thăm anh một lần. Và lời trao gửi hẹn thề chắc cũng từ lần ấy... Giờ anh mất, chị xin được làm con cái trong nhà.
Nhà mình từ buổi ấy có thêm chị Tuyến. Hầu như ngày nào chị cũng sang nhà, lo lắng xốc vác việc đồng áng, việc cửa nhà. Mỗi dịp giỗ chạp, tết nhất là chị lao vào bếp nấu nấu nướng nướng, mồ hôi bện vào với tóc, má ửng đỏ. Và mình thấy lại nụ cười hiền của chị ngày nào.
Nhiều năm sau nữa chị không lấy chồng... mà tuổi xuân thì thoắt đã trở thành quá vãng.
Rất nhiều người đến hỏi cưới chị. Bố mẹ mình nhiều lần giục giã, cả giận lẫy, trách móc, chị vẫn cương quyết từ chối.
Và mình mặc nhiên coi chị như chị gái của mình. Có miếng gì ngon, cả nhà cũng để phần. Mỗi lần đi đâu về, mình đều mua quà tặng chị. Sau ngày mình cưới vợ, vợ mình mua tặng chị cái nhẫn. Chị cầm cái nhẫn lồng vào ngón tay, mắt nhìn xa xăm, lời nhẹ buông như gió thoảng: “Chị chẳng mong gì hơn, có cái nhẫn, người ta không gọi chị là gái không chồng các em à...”.
Cả hai vợ chồng mình quay đi, nín lặng...
Lần chị bị sỏi thận phải mổ, vợ chồng mình về thăm. Chị nắm chặt tay mình thủ thỉ: “Thảo à! Mấy đêm rồi chị toàn mơ gặp anh Ba. Anh bảo, anh bận truy kích tàn quân Pol Pot nên chưa về được. Anh gửi chiếc nhẫn đính hôn về trước tặng chị. Rồi anh hẹn: Em nhớ đeo chiếc nhẫn ấy vào. Nó sẽ dẫn đường em đến với anh để mình nên duyên chồng vợ. Chị mừng quá! Có phải chị sắp được gặp anh không em?...”. Nói đoạn chị cúi xuống mân mê chiếc nhẫn vợ mình tặng, rồi hoan hỉ: “Nó đây em này! Cái nhẫn chúng mày tặng chị dạo nọ ấy...” Trong khi mình toát hết mồ hôi về giấc mơ ấy thì chị cười rổn rảng. Nụ cười rạng rỡ, trong veo và thánh thiện đến lạ kỳ...
Công việc cuốn mình đi. Bố mẹ lại chuyển lên Phủ Lý nên mình ít khi có thời gian về thăm quê. Cho đến một hôm nghe tin chị bị cảm. Cứ nghĩ cái đận mổ hai quả thận lấy cả nắm sỏi chị còn chẳng sao thì chút cảm mạo nho nhỏ chắc chẳng hề hấn gì...
Vậy mà... chị đã âm thầm lặng lẽ... “theo anh”.
Mình tin ở nơi xa, rất xa ấy, sau bao khắc khoải khổ đau trần thế chị sẽ được gặp anh. Như lọn khói màu lam trong ráng chiều bảng lảng chị đã bay về bên anh. Lọn khói ấy đã biến cõi mơ trở thành cõi thực. Ấy là sự hóa thân, nhập thế chắt chiu cho một vẻ đẹp vĩnh hằng của một tình yêu đẹp như là cổ tích. Lọn khói vô hình nối dài lời hẹn ước năm nảo năm nào: “Như vừa mới hôm qua em còn thiếu nữ, anh đón em về hóa thành thiếu phụ, thành thiếu phụ rồi em sẽ biết làm dâu...” (Trịnh Thanh Sơn).
Vậy là, sau hơn “... hai mươi năm mong trời chóng tối. Hai mươi năm cơm phần để nguội...” (Hữu Thỉnh), chị đã được gặp anh. Lúa trổ vàng đồng rồi về với anh đi chị. Về mặc áo cô dâu. Về lồng đôi nhẫn cưới. Cho nước mắt chảy xuôi về phía nụ cười. Cho vàng reo đáy nước lung linh...
... Nhiều lúc mình thắt lòng nghĩ, chị tên là Tuyến nên đời chị như sợi chỉ vấn vương giăng mắc, nối hai bờ hư thực. Chị cam lòng nối những hẹn thề vu vơ thành chiếc vòng của đạo đức và trách nhiệm, của lòng tin và vẻ đẹp trong ngần...
Và trong lòng mình, chị mãi là hiện thân của hình ảnh người chị trong ca khúc Chị tôi của nhạc sỹ Trần Tiến với những ca từ đẹp mà buồn đến không thể buồn hơn: ... “Hàng cau đau trái cau bao lá trầu buồn rơi theo/ Chị tôi chưa có chồng...”.
2. Em là một nữ sinh khoa Ngữ Văn đẹp người đẹp nết. Người con trai em yêu say đắm là thằng bạn tri kỷ của mình. Mình chỉ biết em học cùng khoa, chỉ hiểu về em qua lời kể của bạn nhưng khi biết em “dũng cảm” nhận lời yêu bạn mình, mình cảm phục vô cùng. Có nỗi gì như niềm thương cảm, xót xa cứ dâng lên ngập lòng bởi mình hiểu đứa bạn mình. Nó thông minh, xuất sắc trong học thuật nhưng có quá nhiều khác biệt trong đời thường. Khác biệt đến mức nhiều người cho nó là “lập dị”, là “vĩ cuồng”. Mình sợ em khổ.
Và rồi em khổ thật. Nhưng khổ mà vẫn đắm đuối trong tình yêu thuần khiết trong sáng của mình, đắm đuối trong thứ tình cảm vị tha bao dung nhân hậu. Bởi chính em là người hiểu đến tận cùng sự trong sáng, thánh thiện ẩn sâu dưới cái vỏ bề ngoài “không giống ai” của người mình yêu thương dâng hiến.
Em kể, mỗi lần bạn trai đổ bệnh đau đớn là thêm một lần em hiểu người ấy cô đơn và cần chở che đến mức nào. Bấp chấp sự ngăn cản và rất nhiều dị nghị, em mướt mải leo lên căn gác xép bé như tổ chim nơi anh ấy ở để vừa tranh thủ đan lưới vừa hát ru anh ngủ. Những câu hát cất lên ngọt ngào, nồng đượm như mẹ, như chị dịu dàng.
Em kể cho mình nghe về nỗ lực của bạn trai khi từng tuần anh ấy đạp xe về quê em để dạy bọn trẻ học bài, thậm chí ra ruộng bón phân, trồng khoai, tát nước... Tất cả chỉ để cho mọi người thấy, anh ấy cũng bình thường như bao người khác, cũng biết yêu thương chăm bón vun trồng, cũng biết sống cuộc sống đời thường muôn nẻo: Giản đơn mà không lập dị. Bình dị mà không vĩ cuồng.
Tình yêu kì diệu là thế, nó giúp cho đứa bạn “kì lạ”của mình biết cách bày tỏ tình yêu giản dị mà quá đỗi ấm áp.
Em kể cho mình nghe về thời điểm, khi mà sự “dị biệt” của bạn trai đã lên đến đỉnh điểm. Là người phụ nữ có trái tim nhân hậu, đa cảm, em biết được nơi cội nguồn nỗi đau của người mình yêu thương không chỉ là sự tuyệt vọng, mà còn cả nỗi cô đơn khủng khiếp khi bị xa lánh, kỳ thị. Ấy là “sự cô đơn của trí tuệ”, của một tâm hồn thi nhân nhạy cảm và quá đỗi mong manh. Và bởi “nhạy cảm quá hóa thành nghiệt ngã,” anh ấy dường như nhận thấy dù có nỗ lực đến mấy cũng không thể quay về cuộc sống bình thường như bao người. Nên anh ấy bất lực đến tận cùng...
Mặc em hết mình quyết liệt níu giữ tình yêu, anh ấy vẫn lặng lẽ rời bỏ em để thu vào thế giới của riêng mình. Bằng tình yêu tuổi trẻ chân thành, em đã cố gắng tìm mọi cách giúp anh ấy xóa bỏ những ranh giới, để mọi người có thể nhận ra phần tốt đẹp giản dị trong con người anh... nhưng bất lực. Bởi chính anh ấy, trong nỗi đau dai dẳng của tâm hồn, không chỉ đã đoạn đành nói lời chia tay mà còn chuyển sang căm ghét em...
Thời gian lặng lẽ trôi... cho đến cái ngày em chuẩn bị lên xe hoa, anh ấy đường đột tìm đến muốn gặp em lần cuối. Rũ bỏ những bệnh tật, rũ bỏ những lớp áo “lập dị, vĩ cuồng” mà người đời gán cho hay do anh vô tình tự khoác lên, anh đã cầu xin em nghĩ lại. Nhưng... “Lời trót nói thế mà hoa vụt nở”... Cái khoảnh khắc bàng hoàng ấy quá nhiều vị đắng cay. Nó làm em ân hận dằn vặt. Giá như mình bình tâm và đủ từng trải để nhẫn nhịn hơn nữa chờ anh lấy lại thăng bằng. Giá như mình dũng cảm hơn. Giá như không phải ở cái tuổi đôi mươi với mối tình đầy mê đắm nhưng cũng quá nhiều tổn thương. Giá như và giá như...
... Bởi chỉ không lâu sau, vào một buổi chiều khi em bỗng nhiên tẩn mẩn ngồi nghe lại những bài dân ca Nga anh ấy hát tặng năm nào thì chị V. A gọi điện báo tin anh ấy mất: “Em ơi! Chị không muốn em phải nghe tin này từ ai khác...”. Tự nhiên mấy ngày đó em nhớ anh ấy nên tìm cái đĩa hát đó để nghe... Và “Câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng/ Thôi đừng hát ru/ Thôi đừng day dứt...” để lòng em không bao giờ hết xót xa...
... Mình nghe em kể và thấu hiểu rằng, cả em và chị Tuyến đều là một cách của sự hy sinh. Hy sinh tuổi trẻ của mình, những niềm dấu yêu tha thiết những tháng năm tươi ngần để dành trọn cho một mối tình...
Rồi thời gian vô tình cũng phủ nhòa lên hết thảy, rồi cũng trôi qua hết, rồi cũng khép lại hết, những khúc quanh khó khăn nghiệt ngã của cuộc đời mỗi người. Làm người có khó không? Quá khó! Nhưng không phải ta không làm nổi một CON NGƯỜI.
Chị Tuyến, rồi Em, cùng bao người phụ nữ thuần khiết khác giống như những nhành mai vàng trên mảnh đất phương Nam đầy nắng gió. Loài hoa sống mà thực ra là cống hiến, cống hiến hết mình để dâng cho đời cái khoảnh khắc nồng nàn vàng đến mụ mị mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
... Thoắt nhiên, nhìn ra ngoài cửa xe, thấy he hé những nụ mai vàng.
Tết đã gần kề...